30.1.21

Philippe Descola: “Chúng ta phải suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa những con người và những gì không phải là con người”

PHILIPPE DESCOLA: “CHÚNG TA PHẢI SUY NGHĨ LẠI VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NHỮNG CON NGƯỜI VÀ NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ CON NGƯỜI”

Francis Lecompte


Patrick ALLARD/REA

Đối với nhà nhân học Philippe Descola, người nhận huy chương vàng Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (Pháp)/CNRS năm 2012, đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để đặt vấn đề về mối liên hệ giữa con người phương Tây với thiên nhiên và để tưởng tượng ra những hình thái xã hội mới.

Ông được biết đến với cách tiếp cận mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Làm thế nào để hiểu cuộc khủng hoảng hiện tại dưới ánh sáng của các nghiên cứu của ông?

Philippe Descola[1]: Những quan sát của tôi trên thực địa với các xã hội người thổ dân Mỹ (amérindiens) ở vùng Amazon đã khiến tôi nhận thấy rằng những quần thể này không phân biệt giữa tự nhiên và xã hội, những gì không phải là con người được (họ) coi như là những con người. Sau đó, tôi dành một phần công việc của mình trong lĩnh vực nhân học so sánh để khảo sát các dạng quan hệ mà các tập thể con người có với những gì không phải là con người, điều này khiến tôi tự hỏi về tính phổ quát giả định trong quan niệm về thiên nhiên của chúng ta. Tuy nhiên, lãnh vực phi nhân bản được coi nằm bên ngoài con người, cái mà người phương Tây chúng ta gọi là Thiên nhiên, thực ra là một quan niệm gần đây, ra đời ở châu Âu cách đây nhiều nhất là bốn thế kỷ. Ý tưởng rằng con người ở bên ngoài thế giới - cái mà tôi gọi là chủ nghĩa duy thiên nhiên, tức là sự phân biệt giữa xã hội và tự nhiên - đã dẫn đến việc biến thiên nhiên thành một lĩnh vực điều tra, mà chúng ta tìm cách kiểm soát và coi đó như là một nguồn lực bên ngoài bản thân chúng ta.

Lãnh vực phi nhân bản được coi là nằm bên ngoài con người - cái mà người phương Tây chúng ta gọi là Thiên nhiên - thực ra là một quan niệm gần đây, ra đời ở châu Âu cách đây nhiều nhất là bốn thế kỷ.

Có điều gì đó độc đáo trong quan niệm theo chủ nghĩa duy thiên nhiên này, và tình trạng hiện nay cho thấy điều đó, vì bản thân con người là một phần của thiên nhiên, mà họ ít nhiều kiểm soát tốt bên trong mình. Một thiên nhiên vừa nằm bên ngoài mà chúng ta tìm cách chi phối, và những con người với một phần thiên nhiên bên trong họ: chúng ta có thể thấy rằng quan niệm này về thiên nhiên dẫn đến mâu thuẫn. Trên thực tế, bản thân chúng ta là một hệ sinh thái phức tạp, với một hệ vi sinh vật vô cùng phong phú, trong đó không dễ gì có thể phân rõ phần nào thuộc về con người và phần nào không phải là con người.

Những thổ dân Mỹ ở vùng Amazon coi những gì không phải là con người như là những con người, giống như cây khổng lồ này. Lou DEMATTEIS/REDUX-REA

Làm thế nào đặt nghiên cứu trong cách nhìn này, đặc biệt là khi đề cập đến dịch bệnh?

Philippe Descola: Chúng ta biết rằng các bệnh động vật lây truyền cho con người (zoonose) đã có từ rất lâu - điều này không có gì là mới. Nhưng những thay đổi sâu sắc trong môi trường khiến cho vài loài hoang dã, vốn đã từng sống khá xa con người, giờ đã gần hơn nhiều với các trung tâm với mật độ người và động vật nuôi dày đặc. Các ổ chứa vi rút dễ dàng trở thành nguồn ô nhiễm cho con người. Do đó, sự biến đổi nhanh chóng của các môi trường ít được nhân hóa (anthropisé) - tức là nơi con người không có mặt nhiều - là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng sự lây lan của các bệnh mới nổi.

Ngoài ra, chúng ta còn quan sát khắp nơi trên thế giới rằng các quần thể con người cùng tồn tại mà không gặp khó khăn với một số loài động vật nhất định, tuy chúng là ổ chứa mầm bệnh, chẳng hạn như dơi. Điều này có nghĩa là có những sự thích ứng trong hệ sinh thái đã phát triển theo thời gian giữa các quần thể người và các quần thể động vật này. Nhưng chúng ta vẫn còn hiểu rất ít các cân bằng này...

Điều cần thiết là hiểu rõ hơn về mạng lưới tương tác, tương quan và phản hồi dày đặc và phức tạp giữa các bản thể và hiện tượng vốn không thể được xác định trước.

Ở đây có một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn ở giao điểm của tập tính học, sinh thái học, truyền nhiễm học và khoa học xã hội, một lĩnh vực vẫn còn sơ khai và có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự đa dạng của các sự kết hợp của chúng ta với những loài “đồng hành”. Cuộc khủng hoảng hiện tại cho thấy điều đó một cách rõ ràng: chúng ta sẽ không tiến bộ nếu tư duy về cuộc khủng hoảng này dựa trên những ý tưởng trừu tượng về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Ngược lại, điều cần thiết là phải hiểu rõ hơn về mạng lưới tương tác, tương quan và phản hồi dày đặc và phức tạp giữa các thực thể và hiện tượng vốn không thể xác định được trước.

Vậy thái độ theo chủ nghĩa duy tự nhiên mà ông tố cáo, bao gồm việc coi thiên nhiên như một vật thể bên ngoài con người, có thể bị xem như là chịu một phần trách nhiệm về đại dịch hiện nay không?

Philippe Descola: Tôi không tố cáo thái độ đó, tôi chỉ ghi nhận tính đặc biệt của nó, và chúng ta không được quên rằng thái độ ấy cũng là cơ sở của sự phát triển của khoa học. Chịu trách nhiệm về đại dịch đặc biệt này, thì không. Nhưng nó đã có kết quả là phá hủy các môi trường ít được nhân hóa với tốc độ điên cuồng, với những hiệu ứng mà tôi vừa cho thấy. Tôi không nói rằng khía cạnh này hay khía cạnh kia của xã hội chúng ta phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng này, mọi thứ bao giờ cũng phức tạp hơn.

Vượt quá việc mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên bị lên án, chúng ta có thể thấy rõ rằng sự phụ thuộc của chúng ta vào các khu vực sản xuất xa xôi, phương thức sản xuất và tiêu dùng của chúng ta, nơi cư trú ngày càng tập trung vào khu vực thành thị, đặc biệt là ở các nước phương Nam..., góp phần vào việc lan truyền mạnh mẽ dịch bệnh.

Phải chăng quy mô của đại dịch có nguy cơ tập trung các cuộc tranh luận và nỗ lực vào vấn đề sức khỏe, làm thiệt đến các vấn đề khác cũng không kém quan trọng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng về sự đa dạng sinh học hoặc tình trạng khẩn cấp về khí hậu?

Philippe Descola: Quả thực đó là một nỗi lo ngại mà ta có thể có. Sẽ thật đáng tiếc nếu đại dịch này, dù nguy kịch đến đâu, có thể khiến chúng ta quên đi những tai hoạ đe dọa về dài hạn, nhưng hoàn toàn có thể dự đoán trước và với những tác động còn khó kiểm soát hơn. Tất nhiên, tôi nghĩ đến sự nóng lên toàn cầu, mà chúng ta đối xử bằng sự trì hoãn tội lỗi.

Sẽ thật đáng tiếc nếu đại dịch này khiến chúng ta quên đi những thảm họa đe dọa về dài hạn, nhưng hoàn toàn có thể dự đoán trước và với những tác động còn khó kiểm soát hơn. Tất nhiên, tôi đang nghĩ đến sự nóng lên toàn cầu, mà chúng ta đối xử bằng sự trì hoãn tội lỗi.

Mặc dù có vô số cảnh báo và nhận thức của một số chính trị gia về mức độ nghiêm trọng của tình hình, mọi thứ không thay đổi nhiều. Vì vậy, có lẽ cần những thảm họa như đại dịch này để mọi người suy nghĩ. Bởi vì chúng ta thấy một cách cụ thể, dù đó là một loại hiện tượng hoàn toàn khác, những tác động lớn và nghiêm trọng mà một virus nhỏ bé có thể gây, cuộc sống xã hội có thể bị đảo lộn như thế nào. Trong khi những biến động gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu sẽ hoàn toàn không cùng mức độ với những gì chúng ta đang chứng kiến ​​hiện nay, ngay cả khi chúng sẽ trải dài trong những khoảng thời gian dài hơn.

Đây có phải là bài học chúng ta cần rút ra từ cuộc khủng hoảng?

Philippe Descola: Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, tôi dường như nhìn thấy những người rất khác nhau, ở Pháp và ở Châu Âu, thể hiện quan điểm rằng chúng ta không thể tiếp tục theo con đường này. Đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không biết tương lai sẽ như thế nào, rằng mọi thứ có thể nhanh chóng rơi vào hỗn loạn... vì vậy chúng ta bắt đầu tự đặt câu hỏi cho mình, để nhận ra rằng sự không chắc chắn là một yếu tố của cuộc sống của con người. Trên thực tế, cuộc sống đã không chắc chắn từ rất lâu, cũng như sự bấp bênh của sinh kế và sự không thể đoán trước của các liên minh con người. Sự xuất hiện của Nhà Nước phúc lợi ở châu Âu vào thế kỷ 19, nếu nó đã không ngăn chặn được chiến tranh và nạn diệt chủng, cũng đã làm cho tương lai của cư dân các quốc gia công nghiệp được bảo đảm hơn và khiến chúng ta quên đi, về cơ bản, trạng thái bấp bênh này. Quy mô của đại dịch đột ngột nhắc nhở chúng ta về điều này.

Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có một tấm lưới an toàn, mà chúng ta đã thấy là không hoạt động quá tốt: đột nhiên, chúng ta nhận ra rằng chúng ta thiếu thuốc men, vì một phần lớn của việc sản xuất chúng được thực hiện bên ngoài nước Pháp. Chúng ta thấy rằng thị trường không sáng suốt như ta tưởng khi nó chuyển hoạt động sản xuất công nghiệp sang đến những nơi có chi phí thấp nhất. Và người Pháp, quen dựa vào Nhà nước, nhận ra rằng Nhà nước đã từ bỏ mọi ý đnh kế hoạch hóa. Nhưng sự bấp bênh này, đã bao trùm cả thế giới, có thể là một kích thích phi thường cho sự suy tư và giúp chúng ta xem xét đến những cách sống chung khác.

Đối với Philippe Descola, một số tập thể đã cho thấy, như ở Notre-Dame-des Landes[2], rằng họ có thể sáng tạo ra những cách cùng sống chung, kể cả với những gì không mang tính con người. Jérémie Lusseau / Hans Lucas / Hans Lucas via AFP

Cuộc khủng hoảng này có dứt khoát lên án hệ thống toàn cầu hóa của chúng ta không?

Philippe Descola: Dù thế nào đi nữa, nó cũng đánh dấu rõ ràng sự thất bại của chủ nghĩa đa phương, và cũng là minh chứng cho sự hợp tác yếu kém giữa các quốc gia. Châu Âu đã cho thấy sự bất lực đáng lo ngại trong việc tìm kiếm một chính sách y tế thống nhất, Tổ Chức Y Tế Thế Giới/WHO bị gạt ra ngoài lề... Những gì tình hình hiện nay cho chúng ta thấy là các quốc gia đang cạnh tranh gay gắt với nhau và, ở cấp độ địa phương, một sự hiển thị rõ ràng hơn về sự bất bình đẳng giữa các cá nhân.

Chúng ta có thể tự đặt vấn đề về những hình thái mà các tập thể khác nhau có thể có – cả ở quy mô cơ sở và siêu nhà nước - tự chủ hơn ở cấp địa phương về mặt chính trị và kinh tế và được tổ chức thành các mạng lưới đoàn kết quốc tế.

Do đó, chúng ta có thể tự đặt vấn đề về các hình thái mà các tập thể khác nhau có thể có, cả ở quy mô cơ sở và siêu quốc gia, tự chủ hơn ở cấp địa phương về mặt chính trị và kinh tế, được tổ chức thành các mạng lưới đoàn kết quốc tế, không phải nhằm mục đích trở nên tự cung tự cấp, nhưng để có được những phương tiện hành động hiệu quả và tập thể. Một số nhóm đã cho thấy, như trong ZAD of Notre-Dame-des Landes, rằng họ có thể, mặc dù quy mô giới hạn, vừa đặt vấn đề về tính hữu ích thực sự của các dự án lớn và vừa phát minh ra cách cùng sống huynh đệ, kể cả với những gì không mang tính con người.

Với sự phong tỏa, cuộc khủng hoảng cũng đã làm nổi bật vị trí của công nghệ số trong xã hội của chúng ta...

Philippe Descola: Cuộc khủng hoang cũng cho thấy máy tính không sản xuất ra thức ăn, không chăm sóc người già, không chữa trị cho người bệnh. Đại dịch này đã làm sáng tỏ hơn bao giờ hết những nghề vốn không được coi trọng, trong khi chúng lại có một lợi ích mấu chốt, đặc biệt là tất cả các nghề “Chăm sóc” (Care) và những nghề giúp xã hội có thể sống được. Và nó thậm chí còn làm nổi bật hơn nữa những công việc đôi khi được gọi là “bullshit jobs (công việc nhảm nhí)”, những công việc ít hữu ích hơn nhiều, thường đã được phi vật chất hóa và mang lại rất nhiều tiền. Ít nhất tầm quan trọng của những công việc đầu cũng đã được công nhận. Chỉ hy vọng rằng sự kính trọng mà ta dành cho chúng ngày hôm nay sẽ tồn tại lâu dài vượt qua cơn đại dịch.

Bản thân ông đã trải qua giai đoạn chưa từng có này như thế nào?

Philippe Descola: Bạn biết chăng khi bạn là một nhà sử học, nhà dân tộc học hoặc nhà nhân học, quy mô của những gì có thể có lớn đến nổi bạn ít khi bị bất ngờ/ngạc nhiên bởi cái hiện tại. Nếu phải so sánh đại dịch Covid-19 với đại dịch đã tràn sang lục địa Châu Mỹ sau khi người Châu Âu đến, ta sẽ phải hình dung hình dung một nước Pháp trong đó chín phần mười dân số bị tàn sát, chìm trong rối loạn và hỗn loạn. Một điều không thể tưởng tượng nổi. Chỉ cần nghĩ rằng có những con người đã thực sự trải qua những biến cố như thế để hiểu rằng tình huống hiện tại chỉ là chưa từng có ở mức độ vừa phải… Ta luôn có xu hướng nghĩ rằng những hoàn cảnh mà chúng ta đang trải qua là khác thường, trong khi trong thực tế, từ quan điểm lịch sử, chúng khá bình thường.

Kể cả sự phong tỏa?

Philippe Descola: Vâng. Cá nhân tôi, tôi đã có cái may được trải qua sự phong tỏa ở vùng nông thôn, trong điều kiện rất tốt, nhưng điều này đặc biệt đã gợi lại cho tôi về kinh nghiệm thực địa của mình! Tôi đặc biệt muốn nói về sự phong tỏa xã hội: khi bạn đi thực địa, rất xa nhà, như tôi đã làm với những người thổ dân Achuar ở vùng Amazon, bạn có thể ở lại vài tháng mà không cần đến thị trấn gần nhất. Thật vậy, ta đối diện với bản thân trong sự tương tác liên tục với một số lượng rất nhỏ người. Tất nhiên, ta không bị phong tỏa, bởi vì ta sống với một số người, nhưng chỉ với những người đó mà thôi.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Philippe Descola: “Il faut repenser les rapports entre humains et non-humains”, CNRS Le Journal, 03.6.2020.




Chú thích:

[1] Philippe Descola là một nhà nhân học làm việc tai Phòng Thí Nghiệm Nhân Học Xã Hội thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS). Ông còn là giám đốc nghiên cứu ở Trường Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Cao Cấp (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales EHESS) và là giáo sư danh dự ở Viện Pháp Quốc (Collège de France).

[2] Notre Dame Des Landes là tên một dự án xây dựng một phi trường ở miền Đông nước Pháp một phần trên xã Notre Dame Des Landes vào năm 1963 nhưng rốt cuộc đã bị bỏ năm 2018 khi gặp sự chống đối triệt để của quần chúng và nhiều đoàn thể bảo vệ môi trường đã tố dự án này phá hủy nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và huy động toàn lực trong mấy chục năm để bảo vệ các khu này và tổ chức cuộc sống ở đó qua tổ chức ZAD (Zone à Défendre) Notre Dame Des Landes. Notre Dame Des Landes, một thử nghiệm xã hội về các hình thái sống chung mới, đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh bảo vệ thiên nhiên và để thay đổi xã hội (ND).

Print Friendly and PDF