THÁNG 5 NĂM 68 CỦA CÁC NHÀ KINH TẾ MỸ
Lễ kỷ niệm lần thứ 50 các sự kiện vào tháng 5 năm 1968 là một cơ hội để ghi nhận là trong giới trí thức Pháp, những cuộc tranh luận do những diễn giải về sự kiện này dấy lên và di sản mà sự kiện đó để lại vẫn còn đầy đam mê như thế nào. Cho dù coi sự kiện tháng 5 năm 68 như là một trong những cuộc nổi dậy xã hội vĩ đại gần đây nhất và là một trong những thắng lợi xã hội đầu tiên, hay ngược lại, cho rằng nó đã tạo ra một mô hình văn hóa có lợi cho việc phát triển một chủ nghĩa tự do vô chính phủ cần phải chống lại, thì ít nhất người ta thống nhất với nhau, nói chung, rằng các sự kiện đó dẫn đến sự kết tinh những thay đổi xã hội đã từng bước ảnh hưởng đến toàn bộ các định chế của các xã hội phát triển trong những năm 1960. Các đại học, với tư cách là tổ chức, và các khoa học xã hội, với tư cách là một hệ thống các tri thức và niềm tin, nằm ở trọng tâm của yêu sách. Ở Hoa Kỳ, kinh tế học là một thách thức lớn của các phong trào xã hội, do cuộc nổi dậy của sinh viên, mà người ta ghép với sự trỗi dậy của “cánh tả mới”, bàn luận nhiều đến cách thức mà kinh tế học được giảng dạy lẫn các cấu trúc kinh tế của xã hội Mỹ. Phong trào phản kháng này, một phần nào đó không được biết đến, nay có được tiếng vọng trong các cuộc tranh luận đương thời trong giới học thuật của Pháp.
John K. Galbraith (1908-2006) |
Arthur Schlesinger (1917-2007)
Phong trào này được phát triển trong bối cảnh nào? Những năm sau chiến tranh được đánh dấu bởi cuộc chiến tranh lạnh và chủ nghĩa chống trí thức của chủ nghĩa McCarthy. Các trí thức Mỹ, thành viên của Đảng Dân chủ, lúc bấy giờ có ý định đổi mới chủ nghĩa tự do trong khuôn khổ của tổ chức Người Mỹ Hành động vì Dân chủ (ADA, Americans for Democratic Action), xoay quanh những nhân vật như John Kenneth Galbraith[1] và Arthur Schlesinger Jr. Trong khi các nhà kinh tế tự do thời giữa-hai-cuộc-chiến quan tâm chủ yếu đến mức tăng trưởng, thì từ nay người ta quan tâm đến bản chất của sự tăng trưởng. Trào lưu tư tưởng này, được Galbraith minh họa cụ thể trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, The Affluent Society [Xã hội sung túc], có thể được định nghĩa, để sử dụng lại thuật ngữ của nhà sử học Kevin Mattson[2] [2004], như là một “chủ nghĩa tự do định tính”. Phần lớn giới trí thức tự do này đã tham dự Hội nghị vì quyền tự do văn hóa, một tổ chức quốc tế quy tụ những trí thức hẳn là thuộc mọi khuynh hướng, nhưng chống lại chủ nghĩa cộng sản[3] - và vào những năm 1970, người ta biết được tổ chức này được CIA [Cục Tình báo Trung ương Mỹ] tài trợ. Điều đó giúp hiểu được những chia rẽ trong chính nội bộ các dòng tư tưởng tạo nên “cánh tả mới” của Mỹ, đặc biệt giữa một bên là chủ nghĩa cải cách thuộc cánh tả của Đảng Dân chủ được tập hợp trong tổ chức ADA, với bên kia là các phong trào cánh tả của Đảng Dân chủ, nhưng công khai mang tính cách mạng, thậm chí thân Liên Xô.
Đầu những năm 1960 đánh dấu sự trở lại nắm quyền của đảng Dân chủ dưới chính quyền Kennedy và Johnson. Về mặt chính sách kinh tế, ảnh hưởng của Galbraith đối với Kennedy phần lớn bị thay thế bởi chính sách kinh tế của các nhà lý thuyết của tổng hợp Keynesian-cổ điển, trong đó có Paul Samuelson và Robert Solow. Galbraith chỉ trích các nhà kinh tế đó chỉ quan tâm đến mức của việc làm và của của cải quốc gia, hơn là quan tâm đến bản chất và cấu trúc của những biến đó[4]. Thập kỷ này, đặc biệt trong nhiệm kỳ của [tổng thống] Johnson, cũng là thập kỷ bầu phiếu thông qua các đạo luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, với Medicare [Chương trình trợ cấp y tế cho người già - ND] và Medicaid [Chương trình trợ cấp y tế cho người nghèo - ND], cũng như việc thông qua Đạo luật Dân quyền (1964) chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Nếu các quyết định này được coi là tiến bộ và được hầu hết các phong trào liên kết với cánh tả Mỹ nói chung ủng hộ, thì sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam lại tạo ra một sự rạn nứt về phía Đảng Dân chủ và trong nội bộ của đảng này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy vào những năm 1968-1969. Một cách giải thích khác, được biểu trưng trong ký ức tập thể bằng hình ảnh của người hippie, nằm ở sự phê phán một xã hội tiêu dùng và nạn tàn phá môi trường, cùng với sự phê phán các giá trị, tập quán và lối sống được coi là mang tính tư sản, nghiêm khắc và bóp nghẹt tự do.[5]
Tình trạng bộ môn vào những năm 1960
Milton Friedman (1912-2006) |
Những kinh nghiệm của Chính sách kinh tế mới [New Deal] và nền kinh tế thời chiến đã làm biến đổi nền kinh tế Mỹ. Rất nhiều nhà kinh tế, do thiếu một đoàn thể các nhà quản lý công, đã tham gia vào các cơ quan liên bang. Mong muốn thực hiện một kế hoạch hóa kinh tế đã góp phần phát triển việc sử dụng các mô hình kinh trắc học. Ở cấp độ học thuật thuần túy, sự toán học hóa môn học này càng được chú trọng trong các năm 1950 và 1960. Các khoa kinh tế của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi có những nhân vật nổi bật như Paul Samuelson và Robert Solow, và Đại học Chicago, nơi có Milton Friedman và Gary Becker, từ nay thuộc vào những khoa có ảnh hưởng lớn nhất về mặt học thuật. Chính vì phản đối khoa học kinh tế trừu tượng, mang tính giả thuyết và suy luận, phi lịch sử và mạo xưng là phi chính trị này, mà các nhà kinh tế học như nhà thể chế học John Kenneth Galbraith và nhà kinh tế học cấp tiến Paul Sweezy đã đứng lên chống lại. Các bài viết của Galbraith đã tạo được tiếng vang lớn trong giới sinh viên và công chúng, được thể hiện trong khuôn viên các trường đại học vào cuối những năm 1960.
Thorstein Veblen (1857-1929) Karl Marx (1818-1883)
Những bất đồng về học thuật này từng bước được thể chế hóa. Về mặt lịch sử, cuộc đối thoại giữa các nhà kinh tế học tân cổ điển và các nhà kinh tế học thể chế đã dần dần được gây dựng trong nội bộ Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA, American Economic Association). Nhưng vào năm 1958, bên lề một cuộc họp của AEA, những nền tảng đầu tiên của Hiệp hội Kinh tế học Tiến hóa (Afee, Association for Evolutionary Economics) đã được thiết lập, tập hợp những nhà kinh tế học có thiện cảm với khuynh hướng thể chế và lịch sử. Mười năm sau, các thành viên của trường phái cấp tiến Mỹ đã thành lập Liên hiệp Kinh tế học Chính trị Cấp tiến (Urpe, Union for Radical Political Economics), theo một truyền thống kế thừa từ các công trình của Karl Marx và Thorstein Veblen.[6] Trong cả hai trường hợp, vấn đề là đề xuất một giải pháp thay thế cho các lý thuyết được gọi là chính thống, được biểu trưng cụ thể bởi dòng tư tưởng tổng hợp Keynesian-cổ điển và lý thuyết lựa chọn duy lý. Trong một cuốn sách có tựa đề The Political Economy of the New Left [Kinh tế học chính trị của cánh tả mới], nhà kinh tế học người Thụy Điển Assar Lindbeck[7] đã đề xuất một phân tích toàn diện các ý tưởng của “cánh tả mới” Mỹ, được thể hiện trong khuôn viên các trường đại học vào những năm 1968-1969, bằng cách chỉ ra những hội tụ mà cánh tả mới chia sẻ với sự phê bình kinh tế học của các thành viên của Afee và Urpe.
Phê phán lý thuyết và phê phán hệ thống
Lindbeck, thuộc trào lưu tân cổ điển, dân chủ xã hội, chủ tịch ủy ban Nobel, mà cuốn sách được Paul Samuelson viết lời tựa, đã thống kê nhiều điểm hội tụ khác nhau giữa các phong trào phản kháng và cái mà ông không ngần ngại gọi là “kinh tế học của cánh tả mới”. Các hội tụ đó liên quan đến năm vấn đề chính. Vấn đề thứ nhất liên quan đến các lý thuyết phân phối. Theo truyền thống, các nhà kinh tế học đã giải thích sự phân phối thu nhập từ năng suất biên của các nhân tố. Trái với cách nhìn tĩnh và cơ học này, nhiều nhà kinh tế học đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải suy nghĩ sự phân phối thu nhập, nhất là tiền lương, không chỉ theo hướng động mà còn phải tính đến các tương quan lực lượng. Việc tố cáo sự bất bình đẳng thu nhập và viện đến các quá trình phi tập trung hoá quyền lực, trong đó sinh viên đóng vai trò là người khuếch đại, sẽ hình thành mối quan hệ tương đồng có chọn lọc đầu tiên.
Sự phê bình thứ hai của các nhà kinh tế học liên kết với cánh tả mới liên quan đến vấn đề các sở thích. Trong khi các nhà kinh tế học tân cổ điển cho rằng sở thích của cá nhân nên được coi như là dữ liệu, thì các thành viên của Afee và Urpe nói chung cho rằng cần phải nghiên cứu quá trình xã hội hình thành nên các sở thích cá nhân và tập thể. Đi theo các công trình tiên phong của Veblen cho phép họ, ví dụ, đổi mới việc phân tích tiêu dùng, đặc biệt bằng cách chứng minh cho thấy sự gia tăng các chi tiêu quảng cáo sẽ làm phát triển nhu cầu tâm lý xã hội được thỏa mãn bởi các chi tiêu phô trương, và điều đó sẽ tạo ra một thiên lệch có lợi cho tiêu dùng nhưng làm tổn hại đến tiết kiệm. Câu hỏi kinh tế về vấn đề sở thích này có được một tiếng vọng trong lý thuyết tha hóa của Herbert Marcuse, theo đó các ham muốn xã hội là đối tượng bị thao túng. Do đó, các nhà kinh tế học và triết học cánh tả mới đã khuyến khích việc đặt lại vấn đề, được thể hiện trong khuôn viên các trường đại học, về các tập quán và các bộ quy tắc xã hội được kế thừa từ thời hậu chiến.
Lý do bất đồng thứ ba liên quan đến chủ đề chất lượng đời sống. Giống như các thành viên của ADA, các nhà kinh tế học gần gũi với cánh tả mới, vào những năm 1960, đã nhấn mạnh đến ý tưởng theo đó sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội không đồng nghĩa với sự gia tăng chất lượng đời sống. Việc ngừng kết hợp sự tăng trưởng với phúc lợi sẽ giúp dẫn đến những suy nghĩ chuẩn tắc đối với cấu trúc nền kinh tế Mỹ như cấu trúc hiện tại và đối với cấu trúc mà nó có thể có. Vấn đề môi trường là một trong những mũi phê phán chính. Quan điểm này được thể hiện mạnh mẽ trong một đoạn viết nổi tiếng của Galbraith [1958], khi ông mỉa mai những mâu thuẫn của hệ thống kinh tế của Hoa Kỳ và vẽ ra một bức tranh sáng-tối về xã hội tiêu dùng Mỹ, tự thân quá thỏa mãn như là một phản mô hình của hệ thống kinh tế xô viết:
“Một gia đình đi chơi trong một chiếc ô tô sáng bóng, có máy điều hòa không khí, có trợ lực tay lái và số tự động khi chuyển vận tốc, đi qua những thành phố có mặt đường lát tồi tàn, bẩn thỉu vì rác rưởi, những ngôi nhà đổ nát, những biển quảng cáo, và những cột điện với dây điện chằng chịt mà lẽ ra phải được lắp ngầm dưới lòng đất từ lâu rồi. Họ về vùng quê nơi mà nghệ thuật quảng cáo đã làm cho phần lớn cảnh quan bị che khuất. [...] Rồi gia đình của chúng ta dùng bữa ngoài trời với những thức ăn được đóng gói sang trọng, được lưu giữ trong một thùng nước đá xách tay, và ngồi xuống bên một con sông có dòng nước bẩn. Gia đình kết thúc buổi tối trong một công viên, vốn mang tiếng là nguy hại cho sức khỏe và đạo đức. Nằm dài trên chiếc nệm hơi, trong tấm lều nylon, trong mùi hôi thối của rác thải trong quá trình thối rữa, người này người kia có thể có suy nghĩ mông lung, trước khi chìm vào giấc ngủ, về tính chất không giống nhau một cách kỳ lạ của những phúc lợi mà họ được ban cho. Trong thực tế, phải chăng đây là nét tinh hoa Mỹ?”
Điểm bất đồng thứ tư liên quan đến vấn đề thuyết tiến hóa. Các nhà kinh tế học tân cổ điển bị chê trách là xử lý những thay đổi thứ yếu, bên trong một khuôn khổ hạn hẹp và với một quan điểm ngắn hạn. Đối với các nhà kinh tế học thành viên của Afee và Urpe, vai trò của bộ môn là cần tính đến cách thức mà những thay đổi tiệm tiến trong hệ thống kinh tế sẽ tạo ra những rạn nứt định tính lâu dài, trên thực tế. Lindbeck rất khó nhận ra những hàm ý cơ bản của phê phán này. Đây không chỉ là vấn đề biện hộ để làm phong phú thêm các lĩnh vực của kinh tế học, chẳng hạn như sự phân tích so sánh các hệ thống kinh tế hoặc sự phân tích các chính sách kinh tế. Đây là vấn đề nhấn mạnh đến những mâu thuẫn không thể giải quyết của việc bộ môn ngày càng chuyên môn hóa. Nếu một nhà kinh tế học như Galbraith thừa nhận vai trò quan trọng của các nghiên cứu tình huống hoặc của các phân tích lý thuyết hạn chế về phạm vi, thì theo quan điểm của ông, đó là điều chưa đủ. Ông ủng hộ một cách giải thích vĩ mô và mạch lạc các hiện tượng, nhằm đề xuất một cái nhìn thống nhất về hệ thống, thậm chí chỉ để xem xét, trong phạm vi càng rộng càng tốt nhất, những tác động tiềm tàng của một quyết định về chính sách kinh tế.
Chủ đề tranh luận thứ năm và cuối cùng liên quan đến chiều kích chính trị của phân tích kinh tế. Các nhà kinh tế học ly khai khẳng định rằng kinh tế học là một chủ đề chính trị về nhiều mặt. Các doanh nghiệp lớn và Nhà nước vừa là những định chế kinh tế vừa là những định chế chính trị. Paul Samuelson và Assar Lindbeck tưởng là đã phát hiện ở cánh tả mới một mâu thuẫn trong sự chỉ trích kép thị trường và bộ máy quan liêu. Sai lầm: các nhà kinh tế học ly khai chỉ trích trước hết tính phi thực tế của các lý thuyết dựa trên một biểu trưng bằng các thị trường cạnh tranh, vốn không giúp gì để hiểu được thực tế nền kinh tế Mỹ. Hệ thống cạnh tranh đã thật sự từng bước biến mất, kể từ khoảng 30 năm cuối của thế kỷ XIX. Và nếu một số lĩnh vực vẫn dựa vào hoạt động của một số lớn các doanh nghiệp nhỏ, thì các doanh nghiệp nhỏ này đã bị các doanh nghiệp lớn thống trị. Cuốn The New industrial State [Nhà nước công nghiệp mới] của Galbraith, năm 1967, và cuốn Monopoly Capital [Chủ nghĩa tư bản độc quyền] của Baran và Sweezy, năm 1966, đã đưa ra nhận xét chung về sự cộng sinh quan liêu giữa các doanh nghiệp lớn và các cơ quan liên bang của Mỹ. Do đó, mặc dù những khác biệt hiển nhiên về ý thức hệ, các tác giả trên đã công kích một số hậu quả trong hoạt động quan liêu của Nhà nước, đặc biệt là tầm quan trọng của tổ hợp công nghiệp-quân sự. Chiều kích chính trị của các phê phán của họ cũng được thể hiện trong khuôn khổ các lý thuyết kinh tế của chủ nghĩa đế quốc, mà người ta có thể tìm thấy một số nguồn gốc trong các bài viết của Veblen. Các chủ đề này lại được tìm thấy ở trung tâm các phong trào xã hội, cho dù đó là phong trào dân quyền hoặc phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Công trình của Lindbeck có công chứng minh sự tồn tại của một tinh thần thời đại và thế giới quan gần nhau giữa các phong trào phản bác học thuật của các nhà kinh tế học của Afee và Urpe tới các phản bác của rất nhiều sinh viên và giới trí thức Mỹ. Chúng tôi dành cho các nhà sử học tư tưởng vấn đề di sản được kế thừa từ sự xuất hiện của cánh tả mới ở Hoa Kỳ, để chỉ nhắc lại rằng chuỗi sự kiện này đã đạt đến đỉnh điểm, về mặt lịch sử tư tưởng kinh tế, một vài năm sau, vào lúc mà Joan Robinson[8] chẩn đoán “cuộc khủng hoảng lần thứ hai của lý thuyết kinh tế”.
Cuộc khủng hoảng lần thứ hai của lý thuyết kinh tế
Joan Robinson (1903-1983) John M. Keynes (1883-1946)
Năm 1970, tại hội nghị AEA ở Detroit, nơi mà các nhà kinh tế học ly khai tiếp tục tham dự, một số người trong số họ đã tuyên bố với báo chí rằng bộ môn này đang gặp khủng hoảng, về mặt lý thuyết cũng như về mặt tổ chức học thuật. Galbraith cáo buộc sự thiếu vắng tính đa nguyên và việc tính xuất sắc của khoa học được liên kết với mối quan hệ gần gũi giữa phân tích với các kiến thức đã được xác lập. Tại hội nghị vào tháng 12 năm 1971, đánh dấu sự khởi đầu một nhiệm kỳ gây tranh cãi của ông ở cương vị chủ tịch AEA, ông đã giao cho Joan Robinson phiên Richard T. Ely Lecture [Bài giảng] nỗi tiếng về chủ đề “cuộc khủng hoảng thứ hai” của kinh tế học. Galbraith và Robinson cho rằng cuộc khủng hoảng đầu tiên đã diễn ra vào những năm 1930, khi các nhà kinh tế học không tính đến tình trạng thất nghiệp đại trà và mức độ hoạt động thấp của nền kinh tế. Công trình của Keynes sau đó đã giúp khắc phục một số ngõ cụt về lý thuyết và làm hồi sinh các nghiên cứu. Tuy nhiên, Robinson nhấn mạnh rằng Keynes đã trở thành một nhân vật “chính thống” khi các nhà kinh tế học, trong những cách khác nhau họ kiến giải lại sự nghiệp của ông, đã quên vấn đề tính mục đích của sản xuất[9]. Theo bà Robinson, cuộc khủng hoảng thứ hai là sự bất lực của các lý thuyết kinh tế chính thống trong việc xử lý những vấn đề như bản chất của việc làm và tăng trưởng. Các lý thuyết này không giúp giải quyết những chủ đề thực tế và dài hạn về tình trạng “nghèo khó trong sự sung túc”, các cơ chế thật sự phân phối thu nhập, “sự phát triển quá mức của quyền lực quân sự” hoặc các vấn đề về ô nhiễm.
Một năm sau, khi kết thúc nhiệm kỳ [chủ tịch AEA], trước 2.000 nhà kinh tế học, trong số đó có ít nhất một nửa không tán thành các phân tích trong bộ ba tác phẩm của mình, Galbraith đã đọc bài phát biểu có tựa đề “Power and the Useful Economist [Quyền lực và Nhà kinh tế học hữu ích]”.[10] Yếu tố trung tâm trong thông điệp của ông đề cập đến sự cần thiết phải tính đến các hiện tượng quyền lực trong phân tích kinh tế, để không phá vỡ mối liên hệ với thực tế. Trái với những gì lý thuyết tân cổ điển đặt thành tiên đề, ông nhấn mạnh rằng, chính sự phân kỳ, chứ không phải sự hội tụ, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, là điều cần được giả định là chuẩn mực, trong trường hợp không có bằng chứng nào khác ngược lại. Khi cho rằng lợi ích chung là không thể quy giản về tổng các lợi ích riêng thì rất khó để tin vào hiệu quả của việc nội hiện hóa qua thị trường các ngoại ứng tiêu cực để giải quyết tạm bợ những tác hại của môi trường. Đó là lý do vì sao kinh tế học không thể không mang tính chính trị. Đó là “một hệ thống các niềm tin,” theo lời khẳng định của Galbraith.[11] Từ nay, đối với nhiều nhà kinh tế học ly khai, kinh tế học “trung lập” là bộ môn nghiên cứu các mối quan hệ quyền lực, chứ không phải là một môn học phủ nhận hoặc che giấu các mối quan hệ đó.[12] Vả lại, chúng ta có thể thấy từ những phân tích tương đối giống nhau về các mối quan hệ quyền lực ấy, có một số nhà kinh tế học cấp tiến người Mỹ đã đề xuất các lý tưởng chuẩn tắc, và vì thế các giải pháp chính trị, đôi khi khác biệt rất nhiều với các giải pháp của Galbraith.
Nước Pháp: tranh luận trở lại
André Orléan (1950-) Jean Tirole (1953-)
Những cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế học Mỹ không liên quan gì đến tình hình kinh tế hiện tại ở Pháp. Cuộc khủng hoảng, vốn đã bắt đầu vào mùa thu năm 2007, đã đặt ra những câu hỏi mới về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, mà bộ môn học đang trải qua, và được biểu hiện cụ thể bởi các phong trào ly khai về học thuật. Chẳng hạn, trong nhiệm kỳ 5 năm của François Hollande, tại Hội đồng các trường đại học quốc gia, trước quyết tâm thành lập một tiểu ban mới về kinh tế mang tên “Thể chế, kinh tế, lãnh thổ và xã hội”, mà đặc biệt hiện thân là André Orléan, đã có một quyết tâm đối lập mà hiện thân là Jean Tirole, vừa được trao “giải Nobel” kinh tế. Cuộc tranh luận này đã vượt xa một sự tranh luận cá nhân hay một chiến lược học thuật đơn thuần. Có thể diễn giải sự kiện đó như là sự kết tinh những rạn nứt về khoa học luận, vốn tồn tại giữa các lý thuyết được cho là chuẩn mực và các lý thuyết phi chính thống, giống như những rạn nứt của kinh tế học Mỹ từ lúc đầu cho đến những năm 1960.[13] Trong cả hai trường hợp, chúng ta nhận thấy có những khác biệt lớn, cả về đối tượng của kinh tế học (khác biệt về thực chất), bản chất của đối tượng này (khác biệt về bản thể học) và các phương thức nghiên cứu (khác biệt về phương pháp luận), tất nhiên, cũng như những khác biệt về chính trị-ý thức hệ. Trong khi dự án thành lập hai tiểu ban kinh tế riêng biệt trong giáo dục đại học có vẻ như bị bỏ rơi vào thời điểm hiện tại, thì việc cải cách các trường trung học đang trong quá trình xác thực sự tách biệt này ở cấp trung học. Điều này được thể hiện cụ thể ở sự cắt đứt mối liên kết lịch sử giữa kinh tế học và các khoa học xã hội - xã hội học và khoa học chính trị - từng cấu thành ban các khoa học kinh tế và xã hội (SES) ở Pháp.
Vì vậy, vấn đề chia rẽ trong nội bộ môn học ở cấp giáo dục đại học có thể một lần nữa trở thành một chủ đề thời sự trong những năm tới. Chúng tôi cho rằng cái gọi là kinh tế học chuẩn và cái gọi là kinh tế học phi chính thống thuộc về hai tập hợp trải qua một quá trình chia tách tiệm tiến. Một mặt, thì kinh tế học phi chính thống, giống như kinh tế học chính trị của thế kỷ XIX, liên quan đến các khoa học về “con người và xã hội”. Nó sử dụng những đóng góp của xã hội học tổng thể và hệ thống và khoa học chính trị của thế kỷ XX. Mặt khác, thì kinh tế học chuẩn là một khoa học mới nổi về “tác nhân và thông tin”, chủ yếu có quan hệ với tâm lý học thực nghiệm và kinh tế học thần kinh. Thuộc về khoa học mới về tác nhân này còn có các lãnh vực khác của xã hội học hoặc khoa học chính trị, song những suy tư của nó lại dựa trên tác nhân chứ không còn dựa trên con người, trên một mạng các tác nhân hơn là các tầng lớp xã hội, trên các “quyền lực vi mô” và bất đối xứng hơn là các “tương quan lực lượng” được thiết lập trong xã hội. Chúng tôi không phủ nhận khả năng có thể có sự làm phong phú lẫn nhau giữa hai cách tiếp cận này. Cuộc đối thoại giữa các nhà kinh tế học tự xưng là ly khai và đối thủ của họ chưa bao giờ bị hoàn toàn cắt đứt. Nhưng những khác biệt về trường từ vựng là sự phản chiếu những khác biệt cơ bản về khoa học luận. Lịch sử các khoa học cũng là lịch sử các chia tách: lần chia tay thứ nhất, liên quan đến kinh tế học chính trị, há chẳng đã là cuộc chinh phục sự tự chủ của kinh tế học chính trị đối với triết học hay sao?
Alexandre Chirat
Nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế tại Đại học Lyon 2 Lumière
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le Mai 68 des économistes américains, Alternatives Economiques, ngày 01/07/2018.
Chú thích:
[2] Xem When America Was Great: The Fighting Faith of Liberalism in Post-War America [Khi nước Mỹ vĩ đại: Niềm tin mãnh liệt của chủ nghĩa tự do ở nước Mỹ thời hậu chiến], 2004, Routledge.↩
[3] Về tổ chức này, xem Pierre Grémion Intelligence de l’anticommunisme: le Congrès pour la liberté de la culture à Paris (1950-1975) [Hiểu biết về chủ nghĩa chống cộng: Hội nghị vì quyền tự do văn hóa ở Paris (1950-1975)], Fayard, 1995. Các thành viên tham dự Hội nghị, ngoài các nhà kinh tế học như Friedrich Hayek, Jan Tinbergen hay John Kenneth Galbraith, còn có các nhân vật như Hannah Arendt, Raymond Aron, James Burnham hay cả Bertrand de Jouvenel.↩
[4] Xem “John Kenneth Galbraith, acteur et libre interprète du keynésianisme [John Kenneth Galbraith, tác nhân và người diễn giải tự do của chủ nghĩa Keynesian]” (luận văn dưới sự hướng dẫn của Pierre Le Masne), của Stéphanie Laguérodie, 2007.↩
[5] Về một lịch sử phê phán chủ nghĩa tự do Mỹ vào thế kỷ XX và nói chung các hệ tư tưởng tiến bộ, xem các tác phẩm của sử gia Christopher Lasch (đặc biệt là Le seul et vrai paradis. Une histoire de l’idéologie du progrès et de ses critiques [Thiên đường duy nhất và thực sự. Lịch sử hệ tư tưởng tiến bộ và các phê phán], coll. Champs, Flammarion, 2006). Các tác phẩm đặc biệt cung cấp một cái nhìn về tính đa nguyên của các dòng tư tưởng tạo nên cánh tả Mỹ, nhất là cánh tả tự do, mà tác giả là một nhân vật khác biệt nổi bật.↩
[6] Về trào lưu này, xem A quoi servent les patrons? Marglin et les radicaux américains [Vai trò của giới chủ là gì? Marglin và các nhà kinh tế học cấp tiến Mỹ], của Bruno Tinel, ENS éditions, 2004. Những nhân vật tiêu biểu của trường phái này là Paul Baran, Samuel Bowles, Herbert Gintis, Stephen Marglin và Paul Sweezy.↩
[7] The Political Economy of the New Left: an Outsider’s View [Kinh tế học chính trị của cánh tả mới: Góc nhìn của người ngoài cuộc], Harper & Row, 1971.↩
[8] Xem “The Second Crisis of Economic Theory [Cuộc khủng hoảng lần thứ hai của lý thuyết kinh tế]”, của Joan Robinson, Tạp chí American Economic Review, vol. 62, n° 2, 1972.↩
[9] Độc giả cũng có thể tham khảo tác phẩm của Joan Robinson Liberté et nécessité. Introduction à l’étude de l’économie et de la société [Tự do và Sự cần thiết. Giới thiệu nghiên cứu về kinh tế và xã hội], PBP, 1970.↩
[10] Xem “Power and the Useful Economist [Quyền lực và nhà kinh tế hữu ích]”, của John K. Galbraith, Tạp chí American Economic Review, vol. 63, n° 1, 1973.↩
[11] Xem “Economics as a System of Belief [Kinh tế học như một hệ thống niềm tin]”, của John K. Galbraith, Tạp chí American Economic Review, vol. 60, n° 2, 1970.↩
[12] Về vấn đề mối quan hệ với các giá trị trong kinh tế học, xem “Value Judgments and Value Neutrality in Economics [Những đánh giá về giá trị và tính trung lập của giá trị trong kinh tế học]”, của Philippe Mongin, MPRA Paper n° 37751, 2005, pp. 1-28. Những nhà kinh tế học được cho là bất đồng chính kiến thường ủng hộ luận đề phi trung lập.↩
[13] Xem The Struggle over the Soul of Economics: Institutionalist and Neoclassical Economists in America between the Wars [Cuộc tranh giành phần hồn của kinh tế học: Các nhà kinh tế theo chủ nghĩa thể chế và tân cổ điển ở Mỹ trong thời kỳ giữa các cuộc chiến], của Yuval P. Yonay, Princeton University Press, 1998. Phần trình bày ngắn gọn của chúng tôi tất yếu bỏ qua tính đa nguyên ở mỗi nhóm nhà kinh tế, một tính đa nguyên mà chúng tôi không phủ nhận sự tồn tại.↩