21.1.21

Cử tri bầu Donald Trump và sự suy giảm của nền công nghiệp chế tạo Hoa Kỳ

 CỬ TRI BẦU DONALD TRUMP VÀ SỰ SUY GIẢM CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO HOA KỲ

Tác giả: WILLIAM B. BONVILLIAN, Giáo Sư MIT

Người dịch: Lê Nguyễn

Tóm lược: Bài viết này ra đời cách đây đã hơn bốn năm, nhưng nội dung của nó vẫn còn nguyên giá trị. Là một học giả về công nghiệp sản xuất chế tạo Mỹ, tác giả cho chúng ta thấy một số vấn đề của xã hội Hoa Kỳ qua phân tích về sự suy giảm của lĩnh vực này cũng như liên hệ của nó đến sự xuất hiện của Donald Trump. Lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế tạo Hoa Kỳ đã không được đánh giá đúng mức bởi các lý thuyết kinh tế thiếu trải nghiệm thực tế. Lĩnh vực này khi tương tác với thị trường thương mại toàn cầu nhất là với thị trường Trung Quốc, đã phải chịu đựng sức ép rất lớn bởi chính sách tân trọng thương (neo-mercantilism) và thương mại kiểu lợi ích quốc gia (nationalism) chỉ nhằm đạt được lợi ích riêng chứ không vì sự thịnh vượng chung toàn cầu theo nghĩa thương mại để cùng có lợi. Hoa Kỳ có thể sẽ rút ra được kinh nghiệm và điều chỉnh cho lĩnh vực này vì nó có thể tạo cộng hưởng với các yếu tố khác như kỳ thị chủng tộc, gây ra hậu quả chính trị rất lớn. Mặc dù nhiệm kỳ Trump sắp chấm dứt, nhưng những nguyên do đưa đến hiện tượng Trump vẫn còn hiện hữu, và nếu chính phủ Hoa Kỳ không giải quyết rốt ráo, nó có thể sẽ trở lại sau này. Kinh nghiệm này không chỉ có giá trị cho Hoa Kỳ, mà cho mọi quốc gia công nghiệp.

William B. Bonvillian

* * *

Việc Hoa Kỳ bỏ qua lĩnh vực sản xuất chế tạo đã gây tổn thất đến sáng kiến đổi mới và đời sống của các tầng lớp công nhân lao động. Các hậu quả, nhất là về mặt chính trị, có thể rất lớn.

Cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump là ai? Họ có những ý muốn gì? Các nhà quan sát gọi họ là những kẻ tức giận, nhưng tức giận có nguyên nhân sâu xa và sự bất bình. Một cuộc thăm dò của Washington Post và ABC News vào tháng 12 năm 2015 xác nhận những gì chúng tôi đã cảm nhận được từ trước — những người ủng hộ ông nghiêng về nam giới, da trắng và nghèo. Các cuộc thăm dò khác cho chúng ta biết yếu tố quan trọng nhất trong dự đoán về cử tri bỏ phiếu cho Trump là họ không học qua đại học. Một nghiên cứu từ Dự án Hamilton của Viện Brookings cho thấy bức tranh này: việc làm toàn thời gian cho cả năm của những người đàn ông đó, có bằng tốt nghiệp trung học nhưng không có bằng đại học, giảm từ 76% của năm 1990 xuống còn 68% năm 2013. Tỷ lệ những người đàn ông đó, và hoàn toàn không có việc làm, tăng từ 11% lên 18%. Mặc dù tiền lương thực tế đã tăng đối với nam giới và phụ nữ có bằng đại học, nhưng lại giảm đối với nam giới không có bằng đại học: thu nhập trung bình của những người đàn ông này giảm 20% trong giai đoạn 1990-2013. Đây không phải là Giấc Mơ Mỹ. Một cuộc khảo sát của Rand khám phá ra một đặc điểm chính khác: những cử tri đồng ý với tuyên bố “những cử tri như tôi không có tiếng nói gì về những gì chính phủ làm” có khả năng bỏ phiếu cho Trump cao hơn 86% so với những cử tri không đồng ý với tuyên bố đó. Họ cảm thấy mình không có tiếng nói và quyền lực. Những cử tri này cũng bất bình với các hiệp định thương mại và những người nhập cư cạnh tranh tìm việc làm, họ cũng có thể đang sống tại các nơi mà lịch sử phân biệt chủng tộc phổ biến.

Vì vậy, dù có một số yếu tố khác là các lý do khiến có người ủng hộ Trump, nhưng các yếu tố về kinh tế cũng cho chúng ta biết một vấn đề đang lớn dần lên nhưng chưa được đối mặt đầy đủ. Người Mỹ trong thời kỳ hậu chiến đã tạo nên một huyền thoại về xã hội vô giai cấp — hầu hết mọi người đều thuộc tầng lớp trung lưu. Sự phát triển trong thời kỳ này có mô hình tăng trưởng dựa trên sáng kiến đổi mới và mở rộng giáo dục đại học đại trà đã làm cho quốc gia trở nên giàu mạnh, tạo điều kiện cho mọi người vươn lên và nuôi dưỡng những kỳ vọng và giấc mơ về dân chủ bình đẳng. Bây giờ Donald Trump đã làm thức tỉnh xã hội và cho thấy một lớp người Mỹ bị cắt rời khỏi tầng lớp trung lưu và đang gặp khó khăn về kinh tế.

Claudia Goldin (1946-)

Lawrence Katz (1959-)

Một phần của câu chuyện đó là giáo dục. Giáo dục đại học kể từ cuộc cách mạng công nghiệp ngày càng trở nên gắn liền với sự phát triển kinh tế. Các nhà kinh tế học như Claudia Goldin, Lawrence Katz và David Autor cho rằng những tiến bộ công nghệ liên tục trong các ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ ngày càng cao của kỹ năng công nghệ trong lực lượng lao động. Hoa Kỳ đã tạo ra một hệ thống giáo dục đại học công lập thông qua Đạo luật cấp đất đai (Land Grant College Act) vào năm 1862, sau đó mở rộng phạm vi tiếp cận sau Thế chiến thứ hai với Đạo luật GI (GI Bill), có lẽ là đạo luật xã hội quan trọng nhất của quốc gia từ trước đến nay. Trong hơn một trăm năm, đường cong giáo dục vẫn đi trước đường cong triển khai công nghệ, nhưng bắt đầu từ những năm 1970, tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục đại học bắt đầu trì trệ trong khi các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động tiếp tục tăng lên. Các nhà kinh tế cho rằng những xu hướng tách rời này là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng ở Hoa Kỳ. Trong khi tầng lớp trung lưu phía trên của Hoa Kỳ có thể đi trước đường cong kỹ năng công nghệ, tăng tỷ lệ tốt nghiệp, thì tầng lớp giữa trung lưu và thấp hơn thì không. Tầng lớp trung lưu phía trên đi trước tiến bộ công nghệ này, kiếm được tiền lương cao hơn và bỏ lại các tầng lớp khác. Do đó, giáo dục là một câu chuyện quan trọng giúp giải thích sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng và sự bất bình trong lòng những người ủng hộ Trump.

David Autor (1967-)

Nhưng tiềm ẩn sau xu hướng này là câu chuyện về ngành công nghiệp sản xuất chế tạo của Mỹ. Hoa Kỳ không coi trọng lĩnh vực chế tạo trong những thập niên gần đây vì một loạt các quan điểm kinh tế được xem là vững chắc đã trấn an chúng ta rằng sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng lợi nhuận ở những nơi khác trong nền kinh tế. Hoa Kỳ đã mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo vì mức tăng năng suất lớn; nền kinh tế sản xuất chế tạo đương nhiên sẽ được thay thế bằng nền kinh tế dịch vụ; những nhà sản xuất dựa trên tiền lương thấp, chi phí thấp chắc chắn phải thay thế những nhà sản xuất có chi phí cao hơn; đừng lo lắng về mất mát sản xuất hàng hóa, đất nước vẫn sẽ giữ được việc dẫn đầu trong việc sản xuất các công nghệ tiên tiến có giá trị cao; lợi ích của thương mại tự do luôn lớn hơn mọi tác động bất lợi ngắn hạn; và sáng kiến đổi mới nói chung dù có khác biệt với sản xuất chế tạo sẽ vẫn được duy trì ngay cả khi sản xuất chế tạo được phân phối trên toàn thế giới. Thật không may, không có lập luận nào trong số này là đúng.

MỘT THẬP NIÊN MẤT MÁT CHO CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO

Lĩnh vực sản xuất chế tạo của Hoa Kỳ đã có một thập niên bị tàn phá từ năm 2000 đến năm 2010, từ đó nó chỉ mới phục hồi một phần. Sự suy giảm được minh họa bằng bốn thước đo: giả định về việc làm, đầu tư, sản lượng và năng suất.

Việc làm: Trong 50 năm qua, tỷ trọng của ngành sản xuất chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm từ 27% xuống 12%. Trong phần lớn thời kỳ này (1965-2000), việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo không đổi ở mức 17 triệu người; trong thập niên từ năm 2000 đến năm 2010, nó đã giảm mạnh gần một phần ba, xuống dưới 12 triệu, có hơi phục hồi vào năm 2015 nên còn giữ được 12,3 triệu. Tất cả các lĩnh vực sản xuất đều bị mất việc làm từ năm 2000 đến 2010, nhất là các lĩnh vực dễ bị toàn cầu hóa, dẫn đầu là dệt may và đồ nội thất bị mất việc làm lớn.

Đầu tư: Đầu tư vốn cố định vào sản xuất chế tạo — như nhà máy, thiết bị và công nghệ thông tin (IT) — thực tế giảm 1,8% trong những năm 2000, khi được điều chỉnh theo chi phí. Điều này đánh dấu thập niên đầu tiên việc đó xảy ra kể từ khi thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1947. Nó đã giảm ở 15 trong số 19 lĩnh vực công nghiệp.

Sản lượng: Sản lượng trong sản xuất chế tạo của Hoa Kỳ chỉ tăng 0,5% mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2007, và trong thời kỳ Đại suy thoái 2007-2009, nó đã giảm đáng kể 10,3%. Ngay cả khi GDP bắt đầu tăng lên một cách chậm chạp (trong thời kỳ kinh tế phục hồi chậm nhất của GDP trong 60 năm), thì sản lượng chế tạo vẫn đi ngang.

Suzanne Berger (1939-)

Năng suất: Phân tích gần đây cho thấy mặc dù tốc độ tăng năng suất trong lĩnh vực sản xuất chế tạo đạt trung bình 4,1%/năm trong giai đoạn 1989-2000 là thời kỳ mà lĩnh vực này đang hấp thụ những thành quả của cuộc cách mạng Công Nghệ Thông Tin, nhưng nó đã giảm xuống chỉ còn 1,7%/năm trong giai đoạn 2007-2014 bởi vì năng suất và sản lượng gắn liền với nhau, sự sụt giảm và trì trệ về sản lượng như đã đề cập trước đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm năng suất trong thời kỳ đó. So với 19 quốc gia sản xuất chế tạo hàng đầu khác, Hoa Kỳ đứng thứ 10 về tăng trưởng năng suất và thứ 17 về tăng trưởng sản lượng ròng. Vì vậy, tăng năng suất không phải là nguyên nhân đáng kể làm giảm việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo. Nhà kinh tế chính trị Suzanne Berger đã lưu ý rằng các nhà kinh tế nghĩ rằng công nghiệp sản xuất chế tạo cũng giống như nông nghiệp, nơi năng suất tăng không ngừng đã cho phép lực lượng lao động ngày càng nhỏ hơn và vẫn đạt được sản lượng lớn hơn bao giờ hết. Bà ấy thấy rằng: nêu lên sự tương tự của lĩnh vực này với nông nghiệp một cách đơn giản như thế là không chính xác. Kết luận này có nghĩa là cần phải xem xét sự suy giảm tổng thể trong chính lĩnh vực này để biết lý do tại sao ngành công nghiệp chế tạo mất gần 1/3 lực lượng lao động trong một thập niên.

Đơn giản, Hoa Kỳ đã không áp dụng hệ thống sáng kiến đổi mới, hóa ra lại là vô cùng quyết định, cho giai đoạn sản xuất, đặc biệt là giai đoạn đầu của sản xuất các mặt hàng kỹ thuật có giá trị cao.

Sự suy giảm của ngành sản xuất chế tạo có thể được nhìn thấy một phần trong hiệu quả sản xuất của quốc gia trên thị trường toàn cầu. Thành công trong một thế giới cạnh tranh cao thường mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia và khu vực nào sản xuất hàng hóa phức tạp, có giá trị gia tăng bán ra thị trường quốc tế. Tuy thương mại dịch vụ thế giới ngày càng phát triển nhưng thương mại hàng hóa thế giới lớn gấp 4 lần thương mại dịch vụ. Các mặt hàng phức tạp, có giá trị cao như năng lượng, truyền thông và công nghệ y tế chiếm hơn 80% xuất khẩu của Hoa Kỳ và một phần lớn đáng kể nhập khẩu. Trong thương mại thế giới, đồng tiền nằm trong các loại hàng hóa có giá trị cao như vậy sẽ được duy trì vô hạn. Cho đến nay, Hoa Kỳ trong năm 2015 đã nhập siêu 832 tỷ đô la hàng hóa sản xuất. Tổng số đó bao gồm thâm hụt 92 tỷ đô la đối với các sản phẩm công nghệ tiên tiến, mức thâm hụt đã tăng lên kể từ năm 2002. Lý thuyết cho rằng Hoa Kỳ có thể tiếp tục phát triển và ngoi lên trong chuỗi sản xuất, nó có thể mất sản xuất hàng nguyên liệu và hàng hóa giá trị thấp nhưng sẽ duy trì sản xuất hàng hóa công nghệ tiên tiến hàng đầu, đã bị chứng minh là không đúng bởi những dữ liệu này. Thặng dư thương mại dịch vụ có tăng (227 tỷ USD năm 2015) nhưng vẫn thấp hơn so với quy mô và sự tiếp tục tăng của thâm hụt thương mại hàng hóa; cái trước sẽ không bù cho cái sau bất cứ lúc nào trong tương lai gần. Một nền kinh tế dịch vụ đã không giúp ích Hoa Kỳ bù đắp được cho sự mất mát của nền kinh tế sản xuất chế tạo.

Tại sao đất nước lại nghèo nàn về thương mại công nghệ cao? Một phần là do các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, dưới ảnh hưởng của lý thuyết kinh tế vĩ mô là các nghiên cứu tổng thể của nền kinh tế, chủ yếu bằng lòng cho phép để năng lực sản xuất chế tạo của Hoa Kỳ bị xói mòn và chuyển dịch ra nước ngoài vì họ tin rằng nền kinh tế tri thức và dịch vụ sẽ dễ dàng thay thế việc làm và tiền lương bị mất trong sản xuất chế tạo. Nhưng nó không phải như thế.

Những thập niên gần đây đã chứng kiến những giai đoạn kéo dài (1982-1987; 1998-2004; 2014-2016) nơi đồng đô la có giá trị quá cao so với các ngoại tệ hàng đầu, vì nhiều thế hệ các bộ trưởng tài chánh và các chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang thường ủng hộ đồng đô la mạnh. Tương ứng với điều đó, hàng hóa sản xuất tại Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường nước ngoài. Và cũng song song với điều đó, từ năm 1981 trở đi, tiêu dùng của Hoa Kỳ tính theo tỷ trọng GDP bắt đầu tăng lên, đạt 69% vào năm 2011, cao hơn mức ở các nền kinh tế phát triển khác. Đồng đô la mạnh cũng giúp đẩy đất nước đến mức mà nhiều người coi là tiêu dùng quá mức so với tiết kiệm và đầu tư; sự mất cân bằng sản xuất/tiêu dùng ngày càng tăng. Sự kết hợp của chế độ thương mại mở, với đồng đô la mạnh, tỷ lệ tiêu dùng cao và thị trường tài chính mở đã tạo ra lợi thế cho xuất khẩu của các quốc gia cạnh tranh khác.

THỬ THÁCH TRUNG QUỐC

Sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chứng minh cho quan điểm chính sách kinh tế này: Trong khi Hoa Kỳ chỉ cố gắng có các chính sách kinh tế định hướng nhập khẩu hiệu quả, giảm thâm hụt, thì ngược lại Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư lên mức kỷ lục, hết sức trợ cấp cho sự tăng trưởng hàng xuất khẩu. Sự tương phản này cho thấy ý tưởng cho rằng các nền kinh tế tiên tiến đương nhiên là đối tượng của sự suy giảm cố hữu và không thể tránh khỏi đối với khu vực sản xuất chế tạo và việc làm trong lĩnh vực sản xuất là một huyền thoại nguy hiểm. Lĩnh vực sản xuất chế tạo phát triển mạnh mẽ của Đức là một ví dụ rõ ràng. Các công nhân sản xuất của họ được trả lương cao hơn nhiều so với các công ty tương đương ở Mỹ, họ sử dụng 20% lực lượng lao động của mình trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và họ có thặng dư thương mại lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, bao gồm cả đối với Trung Quốc. Khu vực sản xuất chi phí cao, lương cao không phải chịu thua khu vực sản xuất chi phí thấp.

Gordon Hanson (1964-)

David Dorn

Trong khi đó, Trung Quốc, sau nỗ lực kéo dài ba thập niên, hiện là nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới. Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng này trong lĩnh vực mà Hoa Kỳ đã thống trị trong một thế kỷ? Một phần là vì lý thuyết kinh tế vĩ mô đã được nói đến trước đây. Cũng như chuyện khác là các chính sách theo chủ nghĩa tân trọng thương của Trung Quốc, có nghĩa là bằng mọi giá phải khống chế thương mại, xuất khẩu phải nhiều hơn nhập khẩu, nhắm vào việc bắt buộc thay đổi công nghệ và thống trị các thị trường với hàng hóa đôi khi rẻ hơn cả giá thành. Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ cũng đóng một vai trò nào đó, và với các chính sách tài khóa và thị trường gần đây cho thấy phương Tây đã đánh giá thấp các biện pháp kiểm soát kinh tế của chính phủ Trung Quốc bằng chủ nghĩa dân tộc trong thương mại như thế nào. Một yếu tố bị đánh giá thấp nghiêm trọng là sự sáng tạo đổi mới của Trung Quốc. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc chủ yếu là do chi phí sản xuất thấp từ nhân công rẻ và phụ tùng rẻ. Ở Hoa Kỳ cũng có giả định rằng hoạt động sản xuất đương nhiên phải chuyển sang các nhà sản xuất chi phí thấp và kiến thức cần thiết cho các quy trình sản xuất là tương đối nhỏ và có thể nhân rộng. Điều đó không đúng. Như Jonas Nahm và Edward Steinfeld lập luận, Trung Quốc đã thực hiện một liên kết mới giữa sáng kiến đổi mới quy trình sản xuất và chế tạo bằng cách chuyên về tăng quy mô nhanh chóng và cắt giảm chi phí thật sâu. Nó đã kết hợp các kỹ năng với nhau trong việc quản lý đồng thời giữa tiến độ, khối lượng sản xuất và chi phí, đã cho phép họ mở rộng quy mô sản xuất nhanh chóng và giảm đáng kể chi phí đơn vị. Khả năng này đã cho phép Trung Quốc mở rộng sản xuất ngay cả trong các ngành có tính tự động hóa cao hoặc không nằm trong danh sách ưu tiên hoặc hỗ trợ của chính phủ. Chìa khóa cho khả năng đổi mới quy trình sản xuất mới này là năng lực của các công ty Trung Quốc trong việc tích lũy kiến thức chuyên môn cụ thể của từng công ty trong lĩnh vực sản xuất thông qua việc học hỏi liên công ty sâu rộng, đa hướng, tận dụng bí quyết quốc tế học được từ các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và xây dựng tiếp trên đó. Các nhà kinh tế từ lâu đã cho rằng lợi nhuận thương mại tự do luôn được bù đắp thiệt hại khi các đối tác thương mại phát huy lợi thế so sánh của họ. Các nhà kinh tế học David Autor, David Dorn và Gordon Hanson nhận thấy rằng mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kèm theo một cái giá đắt cho người lao động Hoa Kỳ và cộng đồng của họ. Họ kết luận rằng những người này đang phải chịu đựng hậu quả bất lợi của thương mại mở. Các giả định kinh tế truyền thống về lợi ích cuối cùng của thương mại mâu thuẫn với thực tế. Hoa Kỳ vẫn chưa thể vượt qua cú sốc mất hàng triệu việc làm trong rất nhiều cộng đồng xã hội.

Edward Steinfeld (1966-)

Jonas Nahm
Autor và các đồng nghiệp đã kiểm tra tác động trực tiếp của ngành công nghiệp Trung Quốc đối với thu nhập ở khoảng 700 khu vực thành thị của Hoa Kỳ, so sánh công nhân ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề (75% về mức độ tiếp xúc với cạnh tranh của Trung Quốc) với công nhân ở các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn (25% ở mức độ tiếp xúc). Họ nhận thấy rằng tổn thất thu nhập trên mỗi người, lớn hơn 549 đô la ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sự trợ giúp của liên bang trong những khu vực đó chỉ làm tăng thêm thu nhập 58 đô la trên đầu người. Theo họ, sự tăng cường thương mại với Trung Quốc có xu hướng làm cho đời sống của người lao động với kỹ năng thấp trở nên tồi tệ hơn trên cơ sở lâu dài. Không thấy có sự điều chỉnh kinh tế “không ma sát” đối với các ngành khác. Tăng trưởng có chút giảm trong các ngành không bị ảnh hưởng bởi “cú sốc Trung Quốc” này. Nhưng thay vào đó, người lao động cũng không bù đắp được khoản lương bị mất và cộng đồng của họ rơi vào tình trạng suy giảm chậm và liên tục.

Michael Spence (1943-)

Như nhà Nobel kinh tế A. Michael Spence đã lưu ý, “Toàn cầu hóa làm tổn thương một số phân nhóm ở một số quốc gia, bao gồm cả các nền kinh tế tiên tiến… Kết quả là sự chênh lệch ngày càng tăng về thu nhập và việc làm trên toàn nền kinh tế Hoa Kỳ, với những người lao động có trình độ cao được hưởng nhiều cơ hội hơn và những người lao động có trình độ học vấn thấp gặp phải triển vọng việc làm giảm sút và thu nhập trì trệ. Việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo là chìa khóa cho phép người lao động ít học gia nhập tầng lớp trung lưu như thời gian sau Thế chiến thứ hai, việc mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo tương ứng là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm thu nhập thực tế cho một bộ phận đáng kể của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ trong vài thập niên qua. Rõ ràng, cuộc Đại suy thoái 2008-09, nơi công nghiệp sản xuất chế tạo (cùng với xây dựng) là nạn nhân hàng đầu, đóng một vai trò quan trọng và dường như không có tác động thương mại nào giúp vượt qua được, vốn đã kéo dài rất lâu.

SỰ SUY YẾU CỦA HỆ THỐNG SÁNG KIẾN ĐỔI MỚI

Nhưng chỉ với các yếu tố kinh tế vĩ mô và thương mại thì không đưa ra được lời giải thích đầy đủ cho sự suy yếu; hệ thống sáng kiến đổi mới của Hoa Kỳ cũng liên quan đến môi trường kinh tế xã hội ngày nay. Khi đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì hệ thống đổi mới ở giai đoạn đầu mạnh nhất thế giới — từ nghiên cứu của trường đại học thông qua một nền văn hóa ủng hộ việc chấp nhận rủi ro của doanh nhân. Bất kỳ chiến lược sản xuất nào cũng phải tìm kiếm đòn bẩy từ lợi thế sáng kiến đổi mới ở nền tảng này. Tuy nhiên, nghiên cứu liên bang trước đây chỉ tập trung rất hạn chế vào các công nghệ và quy trình tiên tiến cần thiết cho việc lãnh đạo sản xuất. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và bây giờ là Trung Quốc, những quốc gia này tập trung mạnh vào sáng kiến đổi mới “do sản xuất dẫn đầu”. Hoa Kỳ đã không tập trung đầu tư nghiên cứu, giáo dục hoặc khuyến khích vào những gì hóa ra là một giai đoạn đổi mới quan trọng - công nghiệp sản xuất, đặc biệt là sản xuất ban đầu của các công nghệ phức tạp, có giá trị cao. Giai đoạn này liên quan đến kỹ thuật và thiết kế sáng tạo, và thường đòi hỏi phải suy nghĩ lại về khoa học và phát minh cơ bản khi nó chuyển từ giai đoạn chứng minh khái niệm sang giai đoạn sản xuất. Đổi mới không chỉ là nghiên cứu và phát triển (R&D). Sáng kiến đổi mới sản xuất là một bộ phận cấu thành của quá trình đổi mới, không phải là sau đó mới suy nghĩ về nó. Sự thiếu quan tâm đến đổi mới sản xuất chế tạo ở Hoa Kỳ đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong hệ thống đổi mới của nước này.

Khoảng cách này đặc biệt nghiêm trọng đối với 250.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 86% cơ sở sản xuất chế tạo của Hoa Kỳ, sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động sản xuất và sản xuất gần một nửa GDP phi nông nghiệp. Những công ty nhỏ hơn này có xu hướng thiếu năng lực để bắt kịp với sáng kiến đổi mới sản xuất. Họ là trung tâm của nền kinh tế quốc gia, nhưng họ chủ yếu nằm ngoài hệ thống sáng kiến đổi mới.

Sự yếu kém trong sáng kiến đổi mới sản xuất sẽ tăng lên theo cấp lũy tiến với những thay đổi trong sự liên kết giữa đổi mới ở giai đoạn đầu và quá trình sản xuất. Kể từ Thế chiến thứ hai, nền kinh tế Hoa Kỳ đã được tổ chức xung quanh và dẫn đầu thế giới về những tiến bộ công nghệ. Nó đã phát triển một lợi thế với nền tảng sẵn có so với các quốc gia khác trong đổi mới, và kết quả là, nó dẫn đầu tất cả, trừ một trong những làn sóng đổi mới quan trọng của thế kỷ XX — hàng không, điện tử, vũ trụ, máy tính, Internet và công nghệ sinh học – chỉ phải bắt kịp Nhật Bản về chất lượng chế tạo.

Giả định hoạt động của nó là sẽ đổi mới và chuyển hóa những đổi mới đó thành sản phẩm. Bằng cách đổi mới ở đây/sản xuất ở đây, nó sẽ nhận ra toàn bộ lợi ích kinh tế từ đổi mới ở tất cả các giai đoạn, từ R&D, đến trình bày sản phẩm và thử nghiệm, đến tạo thị trường ban đầu, đến sản xuất ở quy mô và vòng đời tiếp theo của sản phẩm. Quang phổ nhiều màu sắc đầy đủ này đã hoạt động và Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế giàu có nhất thế giới.

Đúng là nó đã hoạt động tốt trong một thế giới có sự cạnh tranh toàn cầu hạn chế. Nhưng trong những năm gần đây, với sự ra đời của nền kinh tế toàn cầu, mô hình đổi mới tại đây/sản xuất tại đây không còn được giữ vững. Trong một số lĩnh vực công nghiệp, các công ty hiện đang có thể tách R&D và thiết kế ra khỏi sản xuất. Sự phát triển của các hệ thống sản xuất dựa trên máy tính đã giúp việc phân phối sản xuất đến các địa điểm khác trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn. Ngày nay, các công ty sử dụng mô hình phân tán có thể đổi mới ở đây/sản xuất ở đó. Có vẻ như mô hình phân tán này hoạt động tốt cho nhiều sản phẩm Công Nghệ Thông Tin, cũng như cho các sản phẩm hàng hóa khác. Apple là công ty đầu tiên đưa ra tiêu chuẩn cho mô hình này, tiếp tục dẫn đầu trong những đổi mới mạnh mẽ về CNTT, nhưng hầu như phân phối toàn bộ sản phẩm của mình cho châu Á. Tuy nhiên cách tiếp cận này có một vấn đề cố hữu: vì sản xuất là một phần của hệ thống sáng kiến đổi mới, sản xuất phân tán có thể dẫn đến sự thay đổi khả năng cho sáng kiến đổi mới ở nước ngoài, cắt giảm lợi thế tạo nền tảng cho Hoa Kỳ trong sáng kiến đổi mới. Sản xuất ở đó có thể dẫn đến đổi mới theo thời gian ở đó.

CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO - RẤT ĐÁNG ĐƯỢC TRÂN TRỌNG

Sản xuất chế tạo chiếm khoảng 12,1% GDP của Hoa Kỳ, đóng góp 2,09 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế trị giá 17,3 nghìn tỷ đô la của quốc gia và sử dụng 12,3 triệu người trong tổng số 150 triệu lao động có việc làm. Công nhân sản xuất chế tạo được trả lương cao hơn 20% so với công nhân khu vực dịch vụ. Các nhà kinh tế tăng trưởng cho chúng ta biết rằng 60%, hoặc hơn thế nữa, là tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong lịch sử, đến từ sáng kiến đổi mới công nghệ và các điều có liên quan đến nó. Và với tư cách là giai đoạn thực hiện chủ đạo của sáng kiến đổi mới, sản xuất chế tạo là một yếu tố quan trọng trong hệ thống đổi mới, mặc dù Hoa Kỳ không hiểu theo cách này. Các công ty công nghiệp sử dụng 64% các nhà khoa học và kỹ sư Hoa Kỳ, và lĩnh vực này thực hiện 70% R&D trong công nghiệp. Do đó sức mạnh sản xuất chế tạo của Hoa Kỳ và sức mạnh của hệ thống sáng kiến đổi mới của quốc gia có mối liên hệ trực tiếp với nhau.

Dù có sự suy giảm trên cơ sở nhân dụng trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, sản xuất chế tạo vẫn là nguồn cung cấp việc làm cho lực lượng lao động chính của nền kinh tế, được đo lường phần lớn bởi số người lao động ở giai đoạn sản xuất. Nhưng các dữ liệu chính thức được thu thập là từ cấp cơ sở chứ không phải ở cấp công ty. Có nên giới hạn quan điểm về sản xuất chế tạo chỉ trong phạm vi của giai đoạn sản xuất không? Tại sao phạm vi kinh tế của sản xuất chế tạo chỉ được đo lường tại nhà máy không thôi? Lối nhìn qua ống kính hẹp như vậy chỉ cung cấp góc nhìn hạn hẹp về vai trò của lĩnh vực này.

Thay vào đó, lĩnh vực sản xuất chế tạo có thể nên được xem như một chiếc đồng hồ cát. Tại trung tâm, điểm hẹp của đồng hồ cát, là lực phát động sản xuất. Nhưng đổ vào thời điểm sản xuất là tập hợp của một số cơ sở việc làm lớn hơn nhiều, bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, những người được tuyển dụng bởi nhiều nhà cung cấp nguyên liệu và nhà sản xuất linh kiện, và lực lượng lao động sáng kiến đổi mới bao gồm một tỷ lệ rất lớn các nhà khoa học và các kỹ sư được tuyển dụng bởi các công ty công nghiệp. Chảy ra khỏi thời điểm sản xuất là một loạt công việc khác, những người làm việc trong hệ thống phân phối, bán lẻ và bán hàng, và những người làm việc theo vòng đời của sản phẩm. Cơ sở việc làm ở đầu và cuối của đồng hồ cát lớn hơn nhiều so với thời điểm sản xuất chế tạo.

Được sắp xếp xuyên suốt đồng hồ cát là các chuỗi giá trị dài và phức tạp của các công ty tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa — từ nguyên liệu đến cung cấp linh kiện đến sáng kiến đổi mới, thông qua sản xuất, đến phân phối, bán lẻ và vòng đời của hàng hóa. Mảng kỹ năng tuyệt vời này và các công ty tham gia hiện phần lớn được coi là dịch vụ, nhưng trên thực tế, chúng gắn liền với sản xuất chế tạo. Nếu yếu tố sản xuất chế tạo này bị loại bỏ, chuỗi giá trị của các công ty được kết nối với nó sẽ bị phá vỡ và đối mặt với sự gián đoạn đáng kể. Mặc dù phần đế dưới của đồng hồ cát, phần cuối đầu ra, có thể được phục hồi một phần nếu đem hàng hóa nước ngoài thay thế cho hàng hóa trong nước, nhưng các công ty có liên quan cũng sẽ bị gián đoạn. Phần trên của đồng hồ cát, đầu vào, với các công ty và nhân viên của họ, không được phục hồi.

Khi các chuỗi giá trị phức tạp này bị phá vỡ, rất khó gắn kết chúng trở lại với nhau. Một nghiên cứu mới của Liên minh các nhà sản xuất về Năng suất và Đổi mới cho biết chuỗi giá trị hàng hóa được sản xuất cùng với chuỗi cung ứng sản xuất cho các ngành công nghiệp khác chiếm khoảng 1/3 GDP và việc làm ở Hoa Kỳ. Cứ mỗi đô la giá trị gia tăng từ sản xuất trong nước (về mặt kỹ thuật, giá trị gia tăng dành cho hàng hóa sản xuất cho nhu cầu cuối cùng), 3,60 đô la giá trị khác được tăng thêm ở những nơi khác trong nền kinh tế. Đối với mỗi công việc tương đương toàn thời gian trong lĩnh vực sản xuất chế tạo dành riêng để sản xuất giá trị cho nhu cầu cuối cùng, có 3,4 công việc tương đương toàn thời gian được tạo ra trong các ngành phi sản xuất, cao hơn nhiều so với bất kỳ lĩnh vực nào khác. Các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn dường như có số nhân thậm chí cao hơn nữa.

Những yếu tố này làm rõ lý do tại sao, về mặt lịch sử, một khi chuỗi giá trị sụp đổ và Hoa Kỳ mất một khu vực kinh tế, rất khó để tập hợp trở lại. Việc hiểu sản xuất chế tạo theo nghĩa đồng hồ cát và các chuỗi giá trị bên trong nó có thể cung cấp một phần lý giải cho tình trạng khó khăn hiện tại của nền kinh tế về tình trạng mất việc làm hoặc tạo ra việc làm và thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu giảm. Nếu một phần ba nền kinh tế của chúng ta đang bị hy sinh cho những quan điểm kinh tế có vấn đề, thì không có gì ngạc nhiên về việc nổi lên của Trump.

SẢN XUẤT CHẾ TẠO VÀ DÂN CHỦ

Công trình mới của Autor và đồng tác giả có xu hướng ủng hộ ý tưởng cho rằng có mối quan hệ của sự gián đoạn trong lĩnh vực sản xuất với sự gián đoạn trong tiến trình chính trị. Phân tích các cuộc bầu cử quốc hội từ năm 2002 đến năm 2010, họ phát hiện ra rằng khi có sự gia tăng quan hệ của thị trường lao động địa phương với sự cạnh tranh của nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, họ nhận thấy có xu hướng đẩy cả hai đảng chính trị về phía các ứng cử viên theo tư tưởng cực đoan của họ, làm phân cực tiến trình chính trị. Ứng cử viên Trump là một phần mở rộng của sự phát triển này.

Rand Paul (1963-)

William H. Taft (1857-1930)

Các cử tri của Trump được xác định ngay từ đầu bài này hiện đã phá vỡ hoàn toàn một trong hai đảng chính trị lớn của quốc gia. Có thể có những hậu quả lâu dài tiềm tàng đối với hệ thống chính trị, hệ thống đang thực sự bị đẩy đến rìa ý thức hệ của nó. Những cử tri này dường như bị mắc kẹt trong các cộng đồng công nghiệp đang suy giảm của họ rải rác khắp Trung Tây, Đông Bắc và một phần của miền Nam công nghiệp. Họ có thể di chuyển đến đâu? Để họ sản xuất phần mềm ở Thung lũng Silicon ư? Hay làm công nghệ sinh học ở Boston? Như một số nhà kinh tế hiện đang nắm bắt, những thành phố và thị trấn bị tổn thương về kinh tế này có thể rơi vào tình trạng thất bại. Nhưng những công dân này đã nắm bắt được một tiếng nói mới, tiếng nói của Trump, một giọng nói gây lo lắng sâu sắc cho nhiều người. Giọng nói này gây rối loạn như một tháng biểu tình rầm rộ ở Capitol Mall; các thông điệp đối đầu của nó chiếm ưu thế hết đêm này đến đêm khác của tin tức buổi tối. Các công nhân sản xuất chế tạo chính là cơ sở lịch sử của Đảng Dân chủ của Roosevelt, họ ủng hộ Tổng thống Kennedy, bắt đầu chuyển đảng vào thời Reagan, và giờ đây khi triển vọng của họ đã bị xói mòn đáng kể, họ đã làm nổ tung Đảng Cộng hòa - đảng của Main Street, của những người có tiền đầu tư và Phố Wall, những người liên quan của thị trường chứng khoán, của Lincoln và Taft[1], của câu lạc bộ đồng quê và cửa hàng ở góc phố, thậm chí của Rand Paul[2] và Kochs[3]. Bây giờ rõ ràng là nhóm bị tước quyền này đã thành một khối rất lớn đến mức không bên nào có thể đủ khả năng để bỏ qua nó. Các bên phải tìm cách giải quyết những bất bình mà lâu nay vẫn bị bỏ qua như thể cộng đồng này vô hình không hiện diện. Cả hai đảng đều chấp nhận hoặc dung túng một loạt quan điểm và chính sách kinh tế không tính đến hoàn cảnh của những người này. Liệu hệ thống chính trị có đủ linh hoạt để đáp ứng những người bị ruồng bỏ gần đây mà không làm mất đi lý tưởng dân chủ? Một chính sách như vậy sẽ như thế nào để có thể bao gồm cả họ vào?

Chính quyền Obama đã hứa vào năm 2012 sẽ cung cấp 1 triệu công việc sản xuất chế tạo mới vào năm 2016; chỉ một phần ba đã thành hiện thực. Nhưng tổng thống đã biến đổi mới sản xuất chế tạo thành trọng tâm của chương trình công nghệ, hy vọng sẽ có 15 viện sản xuất chế tạo tiên tiến vào cuối thời kỳ cầm quyền. Chúng được tổ chức dựa trên các công nghệ sản xuất chế tạo tiên tiến, hứa hẹn đem lại hiệu quả đáng kể có thể giúp bù đắp mức lương cao tại Hoa Kỳ và khôi phục khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất chế tạo. Họ nhằm mục đích kết nối lại hệ thống sáng kiến đổi mới với hệ thống sản xuất chế tạo, cố gắng xây dựng lại một hệ sinh thái sản xuất chế tạo để liên kết tốt hơn các công ty sản xuất nhỏ và lớn với ngành kỹ thuật và khoa học của đại học. Đó là một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng còn rất nhiều việc cần phải được làm hơn thế. Hệ thống R&D có thể làm được nhiều hơn nữa để tập trung vào các công nghệ và quy trình sản xuất chế tạo mới. Các công ty khởi nghiệp dự tính sản xuất hàng hóa giá trị cao vẫn còn phải chuyển sang các nhà sản xuất chế tạo theo hợp đồng ở những nơi như Thâm Quyến. Liệu có thể có công nghệ mới và không gian giàu bí quyết tại Hoa Kỳ giúp các công ty khởi nghiệp này có thể thử nghiệm và khởi động các dự án sản xuất thử nghiệm ngay trong nước? Chính quyền đã rất cố gắng để tăng tỷ lệ người tốt nghiệp đại học, tăng tỷ lệ người đi học đại học cộng đồng và cải thiện việc đào tạo lực lượng lao động. Nhưng vẫn còn cần nhiều điều khác hơn nữa, như bao gồm các hệ thống học tập trực tuyến và các loại hình kết hợp mới để có thể mở rộng hoàn toàn khả năng tiếp cận. Vẫn cần phải có thêm những tư duy mới về các chính sách và điều chỉnh về tài khóa, thuế và thương mại vĩ mô, cũng như về các giả định kinh tế lâu dài. Hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thương mại mở và tạo ra việc làm mới phải được xem xét lại. Phần kết cục của chính sách hiện tại cho chúng ta biết đòi hỏi sẽ cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa từ chính quyền tiếp theo.

Quốc gia có thể tiếp tục bỏ qua lĩnh vực sản xuất chế tạo và để nó tiếp tục bị xói mòn, nhưng hậu quả đối với hệ thống sáng kiến đổi mới và do đó đối với tăng trưởng kinh tế là rất đáng kể. Giờ đây dường như cũng có những hậu quả đối với nền dân chủ và lý tưởng xã hội của quốc gia. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị của quốc gia tiếp tục loại bỏ cộng đồng giai cấp lao động bị bỏ quên này, thì tình trạng hỗn loạn trong các cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống năm nay [ND: 2016] có thể chỉ là sự khởi đầu của một thời kỳ chính trị và xã hội bị gián đoạn. Một khu vực sản xuất chế tạo mạnh là một yếu tố quan trọng của một nền kinh tế bao trùm, có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Bất cứ ai mà cử tri gửi đến Nhà Trắng vào tháng 11 cần phải nhận ra thực tế này và giải quyết nó bằng một năng lượng mạnh mẽ.

./.

Nguồn tiếng Anh: Donald Trump's Voters and the Decline of American Manufacturing.

Issues in Science and Technology (Các Vấn đề trong Khoa học và Công nghệ), VOL. XXXII, 0. 4, Summer 2016

Về tác giả

William B. Bonvillian là giám đốc chỉ đạo văn phòng MIT tại Washington và giảng dạy các khóa học về chính sách đổi mới tại các trường đại học MIT, Georgetown và Johns Hopkins. Ông là cố vấn cho nghiên cứu “Sản xuất trong nền kinh tế sáng kiến đổi mới” của MIT năm 2013–14 và làm việc với các báo cáo về quan hệ đối tác sản xuất tiên tiến của Tổng thống. Bài báo này rút ra từ cuốn sách gần đây của ông với Charles Weiss, Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực truyền thống[4] (2015).

Những tham khảo cần đọc:

David Autor, “Kỹ năng, giáo dục và sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong thành phần 99 phần trăm”, Science 344, 0. 6186 (2014): 843-850 

David Autor, David Dorn và Gordon Hanson, “Cú sốc Trung Quốc: Rút kinh nghiệm từ sự điều chỉnh của thị trường lao động đối với những thay đổi lớn trong thương mại”, Văn phòng nghiên cứu kinh tế quốc gia số 21906 (2016a), National Bureau of Economic Research Working Paper No. 21906 (2016a), doi: 10.3386/w21906.


David Autor, David Dorn, Gordon Hanson và Kaveh Majlesi, “Nhập khẩu phân cực chính trị? Hậu quả bầu cử của việc gia tăng tiếp xúc thương mại”, Tài liệu làm việc của MIT (2016b), có sẵn trực tuyến: http://economics.mit.edu/files/11499suzanne
 
Berger và Nhóm Đặc nhiệm MIT về Sản xuất trong Nền kinh tế Đổi mới, Sản xuất ở Mỹ (Cambridge, MA: MIT Press, 2015).

William B. Bonvillian và Charles Weiss, Đổi mới Công nghệ trong Các lĩnh vực Truyền thống (New York, NY: Oxford University Press, 2016).

Claudia Goldin và Lawrence F. Katz, Cuộc đua giữa Giáo dục và Công nghệ (Cambridge, MA: Nhà xuất bản Đại học Harvard, 2008).

Adams B. Nager và Robert Atkinson, “Huyền thoại về thời kỳ Phục hưng Sản xuất của Hoa Kỳ: Tình trạng Sản xuất Thực sự của Hoa Kỳ”, Washington, DC: Công nghệ Thông tin và Quỹ Đổi mới, Information Technology and Innovation Foundation (2015).

Melissa S. Kearney, Brad Hershbein và Elisa Jacome, “Hồ sơ thay đổi: Việc làm, Thu nhập và Nghề nghiệp từ 1990-2013”, Washington, DC: Viện Brookings (2015).

Dan Meckstroth, “Chuỗi giá trị sản xuất lớn hơn bạn nghĩ”, Tổ chức liên minh các nhà sản xuất cho sản xuất và đổi mới. Washington, DC: Manufacturers Alliance for Production and Innovation Foundation (2016).

Jonas Nahm và Edward S. Steinfeld, “Quốc gia mở rộng quy mô: Chuyên ngành sản xuất đổi mới của Trung Quốc”, World Development, 54, 0. 288 (2013).

Derek Thompson, “Thực sự thì những người ủng hộ Donald Trump là ai?The Atlantic (2016).

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] William Howard Taft, Tổng thống thứ 27 của Hoa Kỳ.

[2] Randal Howard Paul, Bác sĩ, Thượng nghị sĩ của tiểu bang Kentucky thuộc đảng Cộng hòa, con trai của Ron Paul cựu ứng viên Tổng thống các năm 1988, 2008 và 2012 và Dân Biểu Hạ viện Quốc Hội Hoa Kỳ liên tiếp 12 nhiệm kỳ của tiểu bang Texas.

[3] Kochs, Gia đình nhiều ảnh hưởng trong công nghiệp, chính trị Hoa Kỳ, đảng Cộng hòa.

[4] Công nghiệp truyền thống: năng lượng, nông nghiệp, vận chuyển, chế tạo.

Print Friendly and PDF