28.1.21

Lý thuyết kinh tế đã chết. Đây là những gì sẽ thay thế nó

LÝ THUYẾT KINH TẾ ĐÃ CHẾT. ĐÂY LÀ NHỮNG GÌ SẼ THAY THẾ NÓ.

Kinh tế học Mới có thể bước vào thời kỳ hậu Darwin ngay bây giờ.

Tác giả: David Sloan Wilson

Noah Smith

Mọi người dường như đồng ý rằng nghề kinh tế đã từng có kinh nghiệm cận kề cái chết vào năm 2008 và cần phải được hoặc đã được tái sinh trong một hóa thân khác. Những đánh giá lạc quan nhất cho rằng một cuộc cách mạng đã được tiến hành dựa trên hai việc triển khai: 1) Tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu thực nghiệm; và 2) một quan niệm khác về lý thuyết.

Một bài tiểu luận đáng suy nghĩ của blogger kinh tế Noah Smith có tiêu đề “The Death of Theory (“Cái chết của lý thuyết”) đề cập đến việc triển khai thứ nhất. Theo các con số của ông, tỷ lệ các bài báo lý thuyết trong thư tịch kinh tế đạt đỉnh cao từ năm 1973 đến 1993 và đã giảm dần kể từ đó. Ông mô tả phong trào kinh tế học hành vi giống như một thiên thạch đâm vào “những con khủng long kinh tế”, theo ông có nghĩa là hệ ý tân cổ điển. Ông kết luận bằng cách suy đoán rằng nhân loại đang đạt đến “sự kết thúc của Làn sóng Lý thuyết lớn” cho tất cả các chủ đề. Bất cứ điều gì có thể đạt được bằng lý thuyết lớn đều đã được hiện thực hóa, vì vậy chúng ta chỉ cần đi sâu vào dữ liệu.

Dani Rodrik (1957-)


Các nhà bình luận khác tranh luận về tầm quan trọng liên tục của lý thuyết, nhưng là một loại lý thuyết khác. Nó chỉ là hệ thống phương trình toán học khép kín lấy cảm hứng từ vật lý Newton đã chết. Thay vào đó là một bộ công cụ gồm các phương pháp mô hình hóa giải quyết các chủ đề cụ thể và phải luôn được kiểm tra dựa trên dữ liệu thực nghiệm để vẫn có được cơ sở trong thực tế. Những nhà vô địch của quan điểm này bao gồm Dani Rodrik, người có cuốn Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science[1] (Các quy tắc trong kinh tế học. Những cái đúng và sai của môn khoa học buồn thảm) được N. Emrah Aydinonat và Angus Deaton, người nhận giải Nobel kinh tế mới nhất (xem bài bình luận sâu sắc này của Justin Wolfers) điểm sách toàn diện.
Thorstein Veblen (1857-1929)

Angus Deaton (1945-)

Tất cả đều tốt, nhưng có điều gì đó bị thiếu trong các liên kết internet mà tôi vừa cung cấp — không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về lý thuyết tiến hóa. Cách sử dụng duy nhất của từ “tiến hóa” là thông tục và tài liệu tham khảo duy nhất là bài báo kinh điển của Thorstein Veblen, được viết vào năm 1898, có tiêu đề “Why is Economics not an Evolutionary Science?” (“Tại sao Kinh tế học không phải là một Khoa học Tiến hóa?”)

Đó cũng là câu hỏi của tôi. Đối với một nhà tiến hóa chẳng hạn như tôi, ý tưởng rằng lý thuyết lớn đã chết hoặc dữ liệu lớn có thể được phân tích mà không có lý thuyết lớn là một điều kỳ lạ. Quay trở lại năm 1973, nhà di truyền học Theodosius Dobzhansky đã tuyên bố rằng “Không có gì trong sinh học có ý nghĩa ngoại trừ dưới ánh sáng của sự tiến hóa”. Kể từ đó, lý thuyết tiến hóa đã không trải qua một cuộc khủng hoảng giống như lý thuyết kinh tế và không ai nói rằng lý thuyết tiến hóa đã cạn kiệt hiểu biết. Thay vào đó, người ta đang cần thuyết tiến hóa hơn bao giờ hết để hiểu ngọn sóng thần về những thông tin thực nghiệm đã trở nên sẵn có trong di truyền học và sinh học phân tử.

Theodosius Dobzhansky (1900-1975)

Einstein nhận xét rằng “Chính lý thuyết quyết định những gì chúng ta có thể quan sát”. Thế giới phức tạp đến mức chúng ta không thể quan tâm đến mọi thứ, vì vậy cần có một lý thuyết — được định nghĩa rộng rãi như là một cách thức giải thích thế giới xung quanh ta — để nói cho chúng ta biết điều gì cần chú ý và điều gì nên bỏ qua. Không có lý thuyết, chúng ta mù theo nghĩa đen. Nếu chúng ta tăng số lượng thông tin phải được xử lý, thì nhu cầu cần có lý thuyết để chữa trị sự mù lòa càng trở nên lớn hơn.

Các mô hình được thiết kế để hiểu các chủ đề cụ thể là tốt đến một giới hạn nhất định, nhưng nhìn chung chúng giống như hàng triệu mảnh ghép vẫn còn trong hộp một trò chơi ghép hình. Cần phải có một lý thuyết bao quát để ghép thành hình. Đó là cách thức lý thuyết tiến hóa hoạt động trong khoa học sinh học. Nghề kinh tế không cần những thứ giống như vậy. Nó cần chính điều đó. Cùng với một lý thuyết đã làm thống nhất việc nghiên cứu tất cả các quá trình sống, thì cũng có thể hợp nhất việc nghiên cứu về các loài của chính chúng ta, bao gồm cả các hệ thống kinh tế của chúng ta.

Thorstein Veblen đã hiểu ra điều này từ năm 1898, nhưng sự thiếu nhận thức của hầu hết các Nhà Kinh tế học Mới là điều đáng kinh ngạc. Đây là những gì Dani Rodrik cần nói về lý thuyết tiến hóa trong Chương 4 của cuốn sách của ông:

Bạn có thể nhận thấy rằng cho đến nay tôi thường tránh xa từ “lý thuyết”. Mặc dù “mô hình” và “lý thuyết” đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, đặc biệt là bởi các nhà kinh tế học, nhưng tốt nhất là nên dùng tách bạch hai từ này. Từ “lý thuyết” hàm chứa sự tham vọng… Lý thuyết tiến hóa dựa trên chọn lọc tự nhiên của Darwin không thể kiểm chứng trực tiếp và bằng thực nghiệm được, vì cần có thời gian để các loài tiến hóa, mặc dù có rất nhiều bằng chứng gợi ý có lợi cho lý thuyết này.

Điều này làm cho sự hiểu biết của Rodrik về quá trình tiến hóa chỉ như là một bóng râm phía trên những người theo thuyết sáng thế (ND: là thuyết cho rằng Thượng đế tạo dựng muôn loài). Ông tiếp tục nói rằng các mô hình kinh tế không có tham vọng của một lý thuyết. Thay vào đó, “các mô hình kinh tế tùy thuộc vào bối cảnh và có vai trò thay đổi đa dạng gần như vô hạn”. Nói cách khác, các mô hình kinh tế là một trò chơi ghép hình không thể lắp ráp được và ước tính của tôi là có một triệu mảnh ghép đã là quá thấp.

Richard Thaler (1945-)

Cass Sunstein (1954-)

Hầu hết các nhà kinh tế học hành vi không đứng ở vị thế nào cả khi nói đến lý thuyết tiến hóa. Tôi rất phấn khích khi Richard Thaler và Cass Sunstein kêu gọi một nền kinh tế học dựa trên Homo sapiens, không phải Homo economicus, trong cuốn sách Nudge[2] của họ. Sau đó, tôi tìm kiếm từ “tiến hóa” trên ấn bản kindle và thấy trống không. Làm thế nào kinh tế học có thể dựa trên Homo sapiens mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào coi Homo sapiens là sản phẩm của quá trình tiến hóa gen di truyền và văn hóa? Tương tự với tác phẩm Predictability Irrational[3] của Dan Ariely và tác phẩm Animal Spirits[4] của George Akerlof và Robert Shiller, chỉ sử dụng từ này hai lần. Trong cuốn sách Phishing for Phools[5] mới nhất của Akerlof và Shiller, tất cả bảy cách sử dụng từ “tiến hóa” đều là thông tục. Họ nói rằng quan điểm của họ được truyền cảm hứng bởi tâm lý học nhưng đó là một chủ đề, không phải là lý thuyết. Cho đến nay, danh sách những thứ “dị thường” và “nghịch lý” do các nhà kinh tế học hành vi góp nhặt chỉ là một trò chơi ghép hình chưa lắp ráp.

Bây giờ cho một số tin tốt. Bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, kinh tế học bắt đầu được tiến hóa cùng với tất cả các ngành khác của khoa học xã hội nhân văn. Hiện nay, có một số lượng lớn người hòa quyện từ các ngành học thuật khác nhau cũng sử dụng lý thuyết tiến hóa để lắp ráp trò chơi ghép hình cho kinh tế học với cùng một cách thức đã được sử dụng trong sinh học. Ví dụ, hãy xem số đặc biệt năm 2013 của Journal of Economic and Behavior and Organization (JEBO) (Tạp chí Kinh tế, Hành vi và Tổ chức) có tiêu đề “Evolution as a General Theoretical Framework for Economics and Public Policy (“Sự tiến hóa như một khung lý thuyết tổng quát về Kinh tế và Chính sách Công”), mà tôi đã cùng các nhà kinh tế học John M. Gowdy và J. Barkley Rosser biên tập. Hoặc đọc tác phẩm The Darwin Economy (Kinh tế Darwin) của Robert H. Frank, ông dự đoán rằng trong 100 năm nữa Darwin, chứ không phải Smith, sẽ được coi là cha đẻ của kinh tế học. Nhưng tại sao phải đợi 100 năm? Kinh tế học Mới có thể bước vào thời kỳ hậu Darwin ngay bây giờ.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Economics Theory is Dead. Here’s What Will Replace It“, Evonomics, 12.01.2016.

----

David S. Wilson (1949-)

Vài nét về tác giả

David Sloan Wilson

David S. Wilson là Giáo sư danh dự về Sinh học và Nhân học của Đại học tiểu bang New York (State University of New York – SUNY) tại Trường Đại học Binghamton và Arne Næss, Chủ tịch Công lý Toàn cầu và Môi trường tại Đại học Oslo. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Does Altruism Exist? (Liệu lòng vị tha có tồn tại?). Tài khoản Twitter: @David_S_Wilson




Chú thích:

[1] bản dịch tiếng Việt: Các quy tắc trong kinh tế học, Hà Nội, 2015, NXB ĐHQG HN (ND).

[2] bản dịch tiếng Việt: Cú hích, TP.HCM, 2019, NXB Tổng Hợp TP.HCM (ND).

[3] bản dịch tiếng Việt: Phi lý trí, Hà Nội, 2009, NXB Lao động Xã hội (ND).

[4] bản dịch tiếng Việt: Tinh thần động vật, Hà Nội, 2011, NXB Thời Đại (ND).

[5] bản dịch tiếng Việt: Fỉnh Fờ Lũ Ngốc, Hà Nội, 2020, NXB Dân Trí (ND).

Print Friendly and PDF