25.5.21

“Chủng tộc của bạn là gì?”

“CHỦNG TỘC CỦA BẠN LÀ GÌ?”

Bạn là “người da đen”, “người da trắng”, “người Mỹ bản địa”, “người châu Á”... Trong hơn hai thế kỷ qua, cư dân người Mỹ phải khai báo “chủng tộc” của mình với các nhân viên điều tra dân số. Là một công cụ của các chính sách chống phân biệt đối xử, những thống kê về sắc tộc thu được qua đó cuối cùng đã củng cố thêm tâm lý mỗi người thuộc về một bản sắc nhất định. Với nguy cơ hợp pháp hóa những sự chia rẽ mà các thống kê này được cho là góp phần đấu tranh chống lại.

Benoît Bréville

Juan Genovés. – “Turbulencias” (Hỗn loạn), 2014. © ADAGP, Paris, 2019

Giờ đã gần mười năm kể từ khi chính quyền Mỹ chuẩn bị và gia tăng các nghiên cứu, thử nghiệm, điều trần và báo cáo của họ. Vào năm 2020, lần thứ hai mươi tư trong lịch sử, Hoa Kỳ sẽ tiến hành cuộc điều tra dân số của họ. Hàng trăm nhân viên điều tra dân số sẽ đi khắp nước để giúp những người chưa khai báo trên Internet tiến hành thủ tục khai báo. Những kẻ ngoan cố hãy coi chừng: bất kỳ người nào né tránh thủ tục [điều tra dân số] sẽ bị phạt 5.000 đô la[1]; cho đến năm 1976, người vi phạm thậm chí có nguy cơ phải ngồi tù.

Aaron Sorkin (1961-)

Cuộc tổng điều tra dân số Mỹ là một nghĩa vụ được tiến hành mười năm một lần, và được ghi trong điều 1 của Hiến pháp[2]. Là một cột trụ của chế độ liên bang, nó giúp xác định số lượng đại biểu được bầu mà mỗi bang sẽ cử đến Hạ viện, và là cơ sở để phân bổ lại các khu vực bầu cử. Nó xác định việc phân chia ngân sách liên bang cho các bang (một gói ngân sách 800 tỷ đô la vào năm 2018) và, kể từ những năm 1960, nó định hướng cho các chính sách về sự phân biệt đối xử tích cực (affirmative action – ND). Mặc cho vẻ bề ngoài không mấy hấp dẫn – “nói đến ‘tổng điều tra dân số’, thì mọi người đều chìm vào giấc ngủ[3]”, theo lời của nhà sản xuất bộ phim truyền hình À la Maison Blanche [Ở Nhà Trắng] Aaron Sorkin –, vấn đề có tầm quan trọng. Và tốt hơn hết là mọi người được tính hết đầy đủ.

Thế mà một điểm nhỏ cũng đủ làm kết quả bị lệch. Việc thêm vào một câu hỏi, loại bỏ một trường hợp tuỳ chọn, một cách diễn đạt nhập nhằng, thì cuộc điều tra dân số đã bị bóp méo. Theo ấn bản năm 2020, chính quyền của Donald Trump đã lên kế hoạch đưa vào một câu hỏi đã không còn được đặt ra từ 70 năm qua: bạn có quốc tịch Mỹ hay không? Theo Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, chỉ riêng câu hỏi này có thể khiến hơn sáu triệu người nhập cư gốc Tây Ban Nha từ chối đăng ký, đặc biệt ở các thành phố và bang thuộc đảng Dân chủ, dẫn đến việc họ có thể sẽ bị thiệt thòi. Trong bối cảnh săn lùng người di cư do tổng thống phát động, một số cư dân có lý do để lo sợ rằng các dữ liệu này sẽ bị sử dụng sai mục đích, và đặc biệt được chuyển đến các cơ quan cảnh sát hoặc nhập cư. Bởi vì Cục điều tra dân số đã từng vi phạm nguyên tắc bảo mật. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cơ quan này đã chuyển cho các cơ quan hành chính khác những thông tin dẫn đến việc tập trung giam giữ những cư dân gốc Nhật. Gần đây hơn, sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, cơ quan này đã tiết lộ cho các cơ quan tình báo biết về những khu vực tập trung nhiều cư dân gốc Iraq và Ai Cập[4].

Khoảng mười lăm tiểu bang, nhiều thành phố và hiệp hội đã tham gia vào một cuộc chiến pháp lý chống lại câu hỏi [về quốc tịch] của Trump. Từ này, vụ việc đang nằm trong tay của Tòa án Tối cao, nơi mà phán quyết, đang rất được chờ đợi, sẽ được đưa ra trong những tuần tới.

Paul Schor

Vì thế, cuộc tổng điều tra dân số không phải lúc nào cũng có tác dụng ru ngủ. “Tấm gương mà các dân tộc nhìn vào đó”, theo sử gia Paul Schor, nó làm sáng tỏ “các quá trình mà giới tinh hoa khách quan hoá các tầng lớp người dân khác”[5]. Trong hơn hai thế kỷ qua, cuộc tổng điều tra dân số Mỹ là đối tượng của các cuộc tranh luận nảy lửa, thường tập trung vào cùng một câu hỏi: “chủng tộc của bạn là gì?”, được hỏi liên tục, dưới hình thức này hay hình thức khác, kể từ cuộc tổng điều tra dân số lần đầu, vào năm 1790.

Giống như hai cuộc tổng điều tra trước đó, cuộc tổng điều tra dân số năm 2020 sẽ phân biệt năm “chủng tộc chính” (lại còn có thêm mọt chọn lựa khác “chủng tộc khác” nữa): người da trắng; người da đen và người Mỹ gốc Phi; người châu Á (được chia thành nhiều dân tộc – Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, châu Á khác…); người Mỹ bản địa và thổ dân Alaska; thổ dân Hawaii và quần đảo Thái Bình Dương. Sau khi đã chọn chủng tộc của mình theo nguyên tắc tự khai được đưa vào từ năm 1970 – một công việc vốn trước đây thuộc về các nhân viên điều tra dân số –, đối tượng điều tra phải khai báo nhóm chủng tộc phụ của mình, theo các ví dụ do chính quyền đưa ra. Ví dụ, những cư dân gốc Đức, Ý, Ailen, và cả những cư dân gốc Ai Cập và Liban, được đăng ký là “người da trắng”. Người Mỹ bản địa phải khai rõ bộ tộc của mình. Đối với những cư dân người Mỹ gốc Tây Ban Nha, họ không được quy về một “chủng tộc”, mà về “nguồn gốc sắc tộc”, và phải trả lời một câu hỏi riêng (“bạn là người Mỹ gốc Tây Ban Nha, gốc Latinh hay gốc Tây Ban Nha?”), nằm trước câu hỏi về chủng tộc. Kể từ năm 1980, người ta lại đưa thêm một câu hỏi khác dành cho tất cả mọi người: tổ tiên của bạn hay nguồn gốc sắc tộc của bạn là gì? Ở đây, người Jamaica, người Ukraina, người Nigeria, và cả người Quebec và người Mỹ gốc Phi cũng phải tự khai báo như trên.

Cư dân rất khổ tâm trong việc nhận diện chính mình trong mớ linh tinh này, pha lẫn những nhn định về màu da, nguồn gốc địa lý và dân tộc, thành phần bộ lạc hoặc nhóm ngôn ngữ. Trong khi, theo một nghiên cứu của chính cơ quan tổng điều tra dân số, một số người không thấy rõ sự khác biệt giữa các thuật ngữ “sắc tộc”, “chủng tộc”, “nguồn gốc” hoặc “tổ tiên”[6], một số người khác thì tranh cãi các mục phân loại sắc tộc do chính quyền đề xuất. Thay vì đánh dấu vào ô “Người da trắng” như được hướng dẫn, gần 40% những cư dân gốc Tây Ban Nha đã chọn “chủng tộc khác” vào năm 2010, tức mười tám triệu người. Những cư dân gốc Ả Rập hoặc Iran cũng từ chối khai báo mình thuộc “người da trắng”, một mục phân loại sắc tộc không phản ánh được sự phân biệt đối xử mà họ là nạn nhân. Giống như những cư dân Latin, họ yêu cầu có một trường hợp riêng cho họ. “Không được tính trong cuộc tổng điều tra dân số có nghĩa là Nhà nước không có khả năng cung cấp cho cộng đồng chúng tôi những nguồn lực và dịch vụ mà họ đã cung cấp cho các nhóm người khác được tính trong cuộc tổng điều tra dân số[7]”, theo lập luận của Uỷ ban chống phân biệt đối xử người Mỹ gốc Ả Rập.


Năm nô lệ bằng ba cư dân

Thay vì đấu tranh để thoát khỏi nhóm đa số, thì ngược lại, từ lâu các nhóm thiểu số đã cố gắng hòa nhập vào nhóm đa số. Khi bắt đầu định cư tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ XX, những người nhập cư từ vùng Cận Đông được coi là “người châu Á”, một mục phân loại ngăn cản họ nhập quốc tịch Mỹ. Họ chỉ vừa mới hòa nhập vào nhóm “Người da trắng” vào năm 1915, khi kết thúc một cuộc chiến gay go, được tiến hành trên cơ sở những bằng chứng “khoa học” về nguồn gốc người Cáp-ca của họ[8]. Vào năm 1930, khi chính quyền thêm mục “chủng tộc Mexico” vào biểu mẫu tổng điều tra dân số, thì những cư dân gốc Tây Ban Nha mới vận động quay trở lại được vào nhóm đa số – điều mà họ đã đạt được kể từ năm 1940. Không thể hiểu được sự đảo ngược này nếu không quay trở lại những gốc rễ các thống kê về sắc tộc của Mỹ.

James Madison (1751-1836)

Vào năm 1790, khi lần đầu tiên Hoa Kỳ ghi vào biểu mẫu tổng điều tra dân số màu da của cư dân Mỹ, thì các nhân viên cuộc tổng điều tra dân số có ba phân loại để lựa chọn: “Người da trắng tự do”, “Người tự do khác” và “Người nô lệ”. Cách phân loại này được sử dụng để áp dụng cái gọi là quy tắc “ba phần năm”, được định nghĩa nhân Hội nghị Hiến pháp Mỹ vào năm 1787, vào thời kỳ mà, theo James Madison, một trong những người cha lập quốc nước Cộng hòa Mỹ, “các Tiểu bang bị chia rẽ thành nhiều quyền lợi khác nhau không phải vì sự khác biệt về quy mô (…), mà chủ yếu là theo việc họ có sở hữu người nô lệ hay không”. Trên thực tế, theo hội nghị nói trên, thì đại biểu các bang miền bắc theo chủ nghĩa phế nô muốn loại trừ người nô lệ khỏi cách tính về sự phân bổ các ghế đại biểu tại Quốc hội. “Tôi không hề đồng ý khuyến khích nạn buôn bán nô lệ (...) khi cho phép [các bang miền nam] có đại diện cho bọn da đen”, theo lời biện minh, một cách đạo đức giả, của Thống đốc Morris[9], đại biểu bang Pennsylvania. Vì thế, để đổi lấy việc gia nhập Liên minh, các đại biểu miền Nam đã thương lượng thỏa hiệp này: năm nô lệ sẽ chỉ bằng ba cư dân. Còn đối với người Mỹ bản địa, những người mà không ai quan tâm đến, họ sẽ được coi là số không.

Trong suốt thế kỷ XIX, các thống kê về sắc tộc đã tiếp tục duy trì sự ám ảnh về chủng tộc của Hoa Kỳ. Các chuyên gia thuộc mọi loại lãnh vực đã nêu lên mức tỷ lệ tử vong cao của người da đen để chứng minh không phải việc họ bị ngược đãi, mà là sự suy tàn của người da đen. Họ sử dụng kết quả các cuộc tổng điều tra dân số để chứng minh một cách lung tung sự bất khả trong việc đồng hóa những người nhập cư mới, “sự tự sát của chủng tộc Anglo-Saxon”, những sai trái của sự lai giống hoặc tác hại của sự tự do đối với người da đen – ví dụ như cuộc tổng điều tra dân số vào năm 1840, đã ghi nhận rất nhiều “những kẻ điên hoặc kẻ ngốc” trong số những người da đen tự do[10]. Điều khoản ba phần năm kéo dài cho đến khi bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865, nhưng các thống kê về sắc tộc vẫn còn, đặc biệt trong việc tiếp tục xác định người nào có thể xin nhập quốc tịch Mỹ. Kể từ năm 1870, chính quyền đã thêm các mục “người Trung Quốc” và “người Anh-điêng” (theo nghĩa người Mỹ bản địa), để phân biệt người thuộc chủng tộc da vàng và người thuộc chủng tộc da đỏ, theo sự phân loại có hiệu lực vào thời đó. Vào năm 1890, các nhân viên tổng điều tra dân số thậm chí phải tự biến mình thành những người kỳ tài về tế bào da, không những có khả năng nhận biết đối tượng tổng điều tra dân số là người da trắng hay người da đen, mà còn có khả năng phân biệt “người lai da đen (với da trắng)”, “người lai một phần tư (máu da đen)” hoặc “người lai một phần tám (máu da đen)”. Trong nửa đầu thế kỷ XX, các chủng tộc (Mexico, Hindu, v.v.) xuất hiện rồi biến mất theo các ưu tiên về chính trị, các dòng người di cư và các cuộc phản công quá khích, nhưng luôn có cùng một mục tiêu: hợp thức hóa sự phân chia chủng tộc của người dân Mỹ.

Kenneth Prewitt (1936-)

Việc thiết lập các chính sách về sự phân biệt đối xử tích cực, theo bước các phong trào về dân quyền trong những năm 1960, đã làm đảo ngược hoàn toàn quan điểm. Các thống kê về sắc tộc, được tưởng tượng ra để duy trì sự phân biệt chủng tộc, đột nhiên biến thành một công cụ đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử. Do biết được chính xác tỷ lệ người da đen trong một khu phố hoặc thành phố nào đó, nên rất dễ để hình dung tỷ lệ (sinh viên ở các trường đại học, người làm việc ở các cơ quan hành chính, v.v.) để tránh được sự đại diện không tương xứng của họ. “Khi cầm một cái búa trong tay, thì mọi vấn đề giống như một chiếc đinh[11]”, theo lời châm biếm của Kenneth Prewitt, khi sử dụng lại một câu châm ngôn nổi tiếng. Theo vị học giả này, cựu giám đốc cơ quan tổng điều tra dân số (1998-2001), các kiến ​​trúc sư v s phân bit đối x tích cc đã tiến hành một công việc ngược. Thay vì tự vấn về một chính sách hiệu quả nhất để chống lại những bất bình đẳng, rồi tự trang bị cho mình những công cụ thích hợp để làm điều đó, thì họ đã sử dụng những công cụ đã tồn tại để đưa ra một chính sách, với nguy cơ củng cố thêm tâm lý mình thuộc về một bản sắc nhất định và hợp pháp hóa sự chia rẽ chủng tộc mà họ có tham vọng đấu tranh chống lại.

Nửa thế kỷ sau, phương pháp này còn lâu mới mang lại kết quả. Về mặt thống kê, bất chấp sự trỗi dậy của các tầng lớp nhỏ trung lưu và thượng lưu người da đen, tất cả các đèn báo đều là màu đỏ đối với nhóm người da đen trong tổng thể: tỷ lệ thất nghiệp và thụ án tù, khoảng cách giàu nghèo, phân biệt thành thị và nông thôn, bạo lực của cảnh sát, khả năng tiếp cận các dịch vụ… Song song đó, các chính sách về sự phân biệt đối xử tích cực đã làm dấy lên tâm lý bất công ở những người nghèo da trắng, những người bị loại khỏi các chương trình đối xử ưu đãi, từ nay có tỷ lệ ít hơn người da đen ở các trường đại học và cảm thấy bị mắc kẹt ở đáy xã hội: trong khi các sắc tộc thiểu số là đối tượng nhận được mọi sự chú ý, còn họ thì không được ai quan tâm đến[12]. Đảng Cộng hòa đã sử dụng tâm lý này kể từ những năm 1960 để giành giật người da trắng nghèo khỏi đảng Dân chủ mà không bận tâm đến sự tinh tế. “Bạn cần công việc này và bạn là người hội đủ điều kiện nhất. Nhưng họ lại trao công việc đó cho một người da màu vì lý do hạn ngạch chủng tộc. Liệu điều đó có thực sự công bằng hay không?”, một thông điệp vận động tranh cử của đảng [Cộng hòa] trong chiến dịch bầu cử năm 1990 ở Bắc Carolina đặt câu hỏi như trên.

Vượt ra ngoài vấn đề duy nhất là phân biệt đối xử, các thống kê về sắc tộc đã dần dần trở thành một phương tiện nhận biết bản sắc. “Sự phân loại hiện tại của Nhà nước liên bang phủ nhận bản sắc của chúng tôi với tư cách là người bản địa[13]”, theo lời của thượng nghị sĩ Daniel Akaka của Hawaii, vào năm 1997, người đi đầu trong cuộc đấu tranh thắng lợi nhằm tạo ra một mục phân loại sắc tộc “người bản địa các hòn đảo Thái Bình Dương”. Đó cũng chính là nghị trình mà các nhà hoạt động của phong trào đa chủng tộc đã vận động, vào những năm 1990, những người đưa ra yêu sách về khả năng lựa chọn nhiều trường hợp – vốn đã được cho phép kể từ cuộc điều tra dân số năm 2000. Là người đồng sáng lập dự án RACE (Reclassify All Children Equally – Phân loại lại tất cả trẻ em một cách bình đẳng), và bản thân là mẹ của hai đứa con lai, bà Susan Graham đã làm chứng trước Quốc hội vào năm 1996: “Tôi không phải là một học giả, luật sư hay nhà lập pháp. Tôi chỉ là một người mẹ. (…) Và, dù muốn hay không, tôi cũng nhận ra rằng lòng tự trọng gắn liền trực tiếp với bản sắc chủng tộc thích đáng. Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ đang khắc sâu vào đầu những đứa trẻ đa chủng tộc của chúng ta một niểm tự hào mới[14]”. Ông William Keating, thuộc đảng Dân chủ, khi đó được bầu vào Thượng viện bang Massachusetts, thậm chí còn cho rằng tùy chọn đa chủng tộc sẽ giúp những gia đình hỗn hợp cảm thấy đoàn kết, và được xã hội thừa nhận.
Scott Wiener (1970-)

Meghan Maury

Từ nay, những yêu cầu được thừa nhận gián tiếp thông qua các tổng điều tra dân số, cũng ảnh hưởng đến các nhóm người thiểu số về giới tính. Trong vài năm gần đây, các hiệp hội và nhân vật chính trị đã kêu gọi bổ sung câu hỏi về xu hướng giới tính và “bản sắc giới tính” của cá nhân, trong một lập luận pha trộn giữa cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử và yêu sách về bản sắc. Bà Meghan Maury, thuộc tổ chức National LGBTQ Task Force đặt ra câu hỏi, “Nếu chính phủ không biết có bao nhiêu người thuộc cộng đồng LGBTQ [đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới hoặc đồng tính] sống trong một khu phố, thì làm thế nào mà chính phủ có thể làm được việc và đảm bảo một sự tiếp cận công bằng về các quyền, sự bảo vệ và dịch vụ mà chúng tôi cần có?” Ông Scott Wiener, người được bầu vào Thượng viện bang California và là người ủng hộ nhiệt tình việc bổ sung câu hỏi nói trên cho biết, “Trong nhiều thập kỷ qua, cuộc đấu tranh của chúng tôi là nhằm ngăn chặn tình trạng vô hình [của cộng đồng LGBTQ]. Khi không có dữ liệu về một cộng đồng, thì có vẻ như cộng đồng đó không tồn tại”. Nếu được áp dụng cho tất cả các “cộng đồng” trong nước, thì lập luận nói trên có nguy cơ làm dài thêm đáng kể biểu mẫu tổng điều tra dân số.

Những cuộc tranh luận bất tận và những kết quả tầm thường

Benoît Bréville (1983-)
Nicolas Sarkozy (1955-)

Ngày nay, sự phân biệt đối xử tích cực ngày càng bị chỉ trích ở Hoa Kỳ, nhưng không ai – hoặc hầu như không ai – tranh cãi các thống kê về sắc tộc. Được các bệnh viện, trường học, nhà tù, chủ nhà trọ xã hội, cơ quan dịch vụ việc làm, phương tiện truyền thông, lãnh đạo chính trị hoặc học giả sử dụng, các mục phân loại sắc tộc, từ nay, đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của đất nước. Nếu nguyên tắc nói trên là dễ áp dụng, thì sẽ rất khó quay trở ngược sau này. Ở Pháp, nơi mà việc thu thập thông tin về nguồn gốc sắc tộc (trừ trường hợp đặc cách) bị cấm – và thậm chí bị trừng trị bằng 5 năm tù và 300.000 euro tiền phạt –, có một số người muốn nhập khẩu mô hình của Mỹ. Ông Nicolas Sarkozy, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã xem xét cho phép sử dụng các dữ liệu đó, trước khi từ bỏ nó. Kể từ đó, ý tưởng đó đã thường xuyên được đặt trở lại trên bàn, được bảo vệ bởi các hiệp hội như Hội đồng đại diện các hiệp hội người da đen ở Pháp (CRAN), các tổ chức think tank như Viện Montaigne, và các nhà trí thức và nhà hoạt động, vốn coi đó như là một công cụ đo lường cần thiết để chống lại nạn bất bình đẳng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác nhau, đặc biệt được Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nhân khẩu học (INED) thực hiện, về phân biệt đối xử về nhà ở, pháp lý, việc làm, cảnh sát hoặc trường học, đã chỉ ra cho thấy có khả năng tạo ra những thước đo chính xác về phân biệt đối xử, mà không cần phải thể chế hóa các mục phân loại sắc tộc. Một sự thể chế hóa mà ở Hoa Kỳ, đã biến cuộc tổng điều tra dân số thành một b lớn những yêu sách về bản sắc và những sự cạnh tranh giữa các cộng đồng. Một nguồn tranh luận bất tận với những kết quả tầm thường.

Benoît Bréville

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: “Quelle est votre race, Monde Diplomatique, tháng 7 năm 2019.




Chú thích:

[1] Tương đương với 4.450 euro. Để so sánh, ở Pháp, việc từ chối trả lời các câu hỏi của cuộc tổng điều tra dân số sẽ bị phạt 38 euro.

[2] “Cuộc tổng điều tra dân số sẽ được tiến hành trong vòng ba năm kể từ cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ, và sau đó sẽ được tiến hành mỗi mười năm một lần, theo quy định của pháp luật.”

[3] Trích dẫn trong Christopher Bigsby, Viewing America. Twenty-First-Century Television Drama [Phim truyền hình về nước Mỹ, thế kỷ XXI], Cambridge University Press, 2014.

[4] Katy Steinmetz, “The debate over a new citizenship question isn’t the first census fight [Cuộc tranh luận về câu hỏi liên quan đến quốc tịch mới không phải là cuộc chiến đầu tiên về tổng điều tra dân số]”, Time, New York, ngày 27/3/2018.

[5] Paul Schor, Compter et classer. Histoire des recensements américains [Đếm và phân loại. Lịch sử các cuộc điều tra dân số Mỹ], Éditions de l’Ehess, coll. “En temps et lieux”, Paris, 2009.

[6] Nicholas A. Jones, “Update on the US Census Bureau’s race and ethnic research for the 2020 census [Cập nhật các nghiên cứu về chủng tộc và sắc tộc của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho cuộc điều tra dân số năm 2020]” (PDF), Cục Điều tra Dân số Mỹ, Suitland (Maryland), tháng 4 năm 2015.

[7] Census and identity [Điều tra dân số và bản sắc]”, Ủy ban chống phân biệt đối xử người Mỹ gốc Ả Rập.

[8] Elena Filippova và France Guérin-Pace, “Les statistiques raciales aux USA: un legs empoisonné [Thống kê về chủng tộc ở Hoa Kỳ: một di sản bị nhiễm độc]”, trong “Diviser pour unir” France, Russie, Brésil, États-Unis face aux comptages ethniques [“Chia để hợp” Pháp, Nga, Brazil, Hoa Kỳ đối diện với các cuộc điều tra sắc tộc] (collectif), Editions de la Maison des sciences de l’homme, Paris, 2018.

[9] Paul Finkelman, Slavery and the Founders. Race and Liberty in the Age of Jefferson [Chế độ nô lệ và những người lập quốc. Chủng tộc và Tự do trong Kỷ nguyên của Jefferson], Routledge, Armonk (Bang New York), 1999.

[10] Paul Schor, Compter et classer [Đếm và phân loại], sđd.

[11] Kenneth Prewitt, What Is Your Race? The Census and Our Flawed Efforts to Classify Americans [Chủng tộc của bạn là gì? Điều tra dân số và những nỗ lực sai trái trong việc phân loại người Mỹ], Princeton University Press, 2013.

[12] Đọc Arlie Hochschild, “Anatomie d’une colère de droite [Giải phẫu cơn giận dữ của cánh hữu]”, Le Monde Diplomatique, tháng 8 năm 2018.

[13] Trích trong Kenneth Prewitt, “What Is Your Race [Chủng tộc của bạn là gì]”, sđd.

[14] Jon M. Spencer, The New Colored People: The Mixed-Race Movement in America [Người da màu mới: Phong trào hỗn hợp chủng tộc ở Mỹ], New York University Press, 1997.

Print Friendly and PDF