19.5.21

Chủ nghĩa tư bản, không có đối thủ

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ

Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chủ nghĩa tư bản không còn đối thủ nữa. Tuy nhiên, nó bị tách thành hai loại: một chủ nghĩa tư bản tự do dựa trên tài năng do Mỹ dẫn đầu, và một chủ nghĩa tư bản chính trị do Trung quốc dẫn đầu. Không chỉ là hai Quốc gia, đó là hai mô hình ngày nay đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến thu hút ảnh hưởng. Theo Branko Milanovic, trong hai chủ nghĩa đó, chủ nghĩa nào điều hành tốt nhất những bất bình đẳng về thu nhập và các cơ cấu giai cấp sẽ được ưa thích nhất.

Tác giả: Branko Milanovic | Người dịch: Baptiste Mylondo


[Giai cấp tư sản] bắt buộc tất cả các quốc gia phải tiếp nhận kiu sản xuất [của nó] […] nghĩa là trở thành tư sản. Nói gọn lại, nó tạo dựng thế giới theo hình ảnh của nó.

Marx và Engels[1]

Vào đúng lúc của những phát hiện này, tương quan lực lượng có lợi cho người châu Âu đến nỗi họ phạm phải đủ loại bất công trong những quốc gia xa xôi này mà không bị trừng phạt. Có thể là trong tương lai khi những người dân bản địa mạnh lên, hoặc người châu Âu yếu đi, thì dân cư khắp mọi miền trên thế giới sẽ đạt đến sự bình đẳng này bằng lòng can đảm và sức mạnh, và bằng cách gợi lên một nỗi sợ hãi lẫn nhau, sự bình đẳng này một mình nó có thể áp đặt nỗi sợ cho các quốc gia độc lập, để tiếp theo sau sự bất công của chúng là một sự tôn trng nào đó các quyền của mọi người. Tuy nhiên, không điều gì có vẻ thực hiện sự công bằng bắt buộc này bằng sự chia sẻ tri thức và đủ loại cải tiến được sản sinh ra một cách tự nhiên, hay đúng hơn là một cách cần thiết, bởi một nền thương mại được phát triển từ tất cả các nước đến tất cả các nước.

Adam Smith[2]

Chủ nghĩa tư bản như là một hệ thống kinh tế-xã hội duy nhất

Adam Smith (1723-1790)

Friedrich Engels (1820-1895)
Tôi đã mở đầu chương này bằng hai trích dẫn. Trích dẫn đầu, mượn của Karl Marx và Friedrich Engels, cách đây khoảng 170 năm, và trích dẫn thứ hai của Adam Smith, cách đây gần 250 năm. Những đoạn văn này của hai tác phẩm kinh điển về kinh tế chính trị, có lẽ hơn cả những bài viết hiện nay, tóm lược một cách tài tình cốt lõi của hai sự thay đổi thời đại mà thế giới đang trải qua. Thay đổi thứ nhất là sự khẳng định chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế-xã hội, không những là thống trị mà là duy nhất kể từ nay. Thay đổi thứ hai là sự nổi lên của châu Á, kéo theo một sự tái cân bằng các lực lượng giữa một bên là châu Âu và Mỹ, và bên kia là châu Á. Lần đầu tiên kể từ cách mạng công nghiệp, thu nhập của ba lục địa này tiến lại gần nhau, gần bằng mức gần nhau trước cách mạng công nghiệp (tất nhiên với một mức thu nhập tuyệt đối ngày nay cao hơn nhiều). Về phương diện lch sử thế giới, sự thống trị tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản và sự hồi sinh kinh tế châu Á là những diễn tiến đặc biệt - có thể có mối liên hệ với nhau.

Từ nay toàn bộ hành tinh đi theo những nguyên tắc kinh tế như nhau – một nền sản xuất hướng đến lợi nhuận, dùng nhân công ăn lương và tự do về phương diện pháp lý, và một tư bản tư nhân là chính, với sự phối hợp phi tập trung – điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử. Trong quá khứ, dù ở thời Đế quốc La Mã, ở vùng Lưỡng Hà vào thế kỷ thứ sáu, ở các quốc gia-đô thị nước Ý thời Trung Cổ hay ở Hà Lan thời hiện đại, chủ nghĩa tư bản đã luôn luôn phải cùng hiện hữu – có khi ngay trong cùng một lãnh thổ chính trị – với những phương thức tổ chức sản xuất khác: các hệ thống săn bắt-hái lượm, chế độ nô lệ dưới mọi hình thức, chế độ nông nô (những người lao động bị ràng buộc về mặt pháp lý với một lãnh địa và không thể bán sức lao động của họ ở nơi khác) và sản xuất nhỏ hàng hóa của các thợ thủ công độc lập hay của tiểu nông. Mới cách đây chừng một thế kỷ, khi những biến đổi đầu tiên của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa xuất hiện, thế giới vẫn luôn luôn chứa chấp tất cả các phương thức sản xuất này. Sau cách mạng Nga, chủ nghĩa tư bản phân chia thế giới cùng với chủ nghĩa cộng sản, và chủ nghĩa cộng sản chế ngự các quốc gia với khoảng một phần ba dân số thế giới. Ngày nay, ngoại trừ một vài vùng ven không hề có ảnh hưởng gì đối với diễn tiến của thế giới, duy nhất còn tồn tại chủ nghĩa tư bản.

Chiến thắng trên toàn hành tinh của chủ nghĩa tư bản có nhiều hệ quả mà Marx và Engels đã xuất sắc báo trước từ năm 1848. Chủ nghĩa tư bản tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, các luồng tư bản – mà chủ nghĩa tư bản tuyệt đối cần một khi lợi nhuận ở nước ngoài quan trọng hơn lợi nhuận trong nước – và trong một số trường hợp là sự lưu thông của nhân công. Như vậy, không phải là tình cờ nếu toàn cầu hóa đã phát triển mạnh trong giai đoạn giữa các cuộc chiến tranh của Napoléon và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi chủ nghĩa tư bản còn thống trị rộng rãi. Và vẫn không phải là tình cờ nếu toàn cầu hóa hiện nay trùng hợp với chiến thắng còn tuyệt đối hơn nữa của chủ nghĩa tư bản. Nếu chủ nghĩa cộng sản chiến thắng thì mặc dù ý thức hệ quốc tế được những người sáng lập truyền bá, chắc chắn rằng nó không dẫn tới toàn cầu hóa. Các xã hội cộng sản vô cùng khép kín có tính tự cung tự cấp và dân tộc chủ nghĩa. Ít hàng hóa, tư bản và lao động vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Ngay trong khối xô viết, các trao đổi chỉ nhằm tiêu thụ hàng hóa thặng dư hay được thực hiện theo những nguyên tắc trao đổi thương mại song phương. Điều này khác biệt một cách rõ ràng với chủ nghĩa tư bản mà tự thân nó có xu hướng bành trướng, như Marx và Engels đã nêu ra.

Nếu sự thống trị của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không vấp phải một sự phản đối nào, thì cũng tượng tự đối với hệ tư tưởng theo đó kiếm tiền không những là đáng kính trọng, mà còn là mục tiêu quan trọng nhất trong đời người, một động lực đều khắp trên thế giới, trong mọi tầng lớp xã hội. Đôi lúc khó thuyết phục một người tán đồng với những niềm tin, những mối quan tâm và những động lực của chúng ta khi họ không có cùng đời sống hàng ngày, cùng giới, cùng nguồn gốc dân tộc hay cùng di sản như chúng ta. Nhưng cũng chính người này sẽ dễ dàng hiểu ngôn ngữ của đồng tiền và của lợi nhuận. Nếu chúng ta giải thích rằng mục đích của chúng ta là thực hiện những thương vụ tốt nhất có thể, người đó sẽ biết ngay chấp nhận chiến lược nào sẽ tốt hơn, hợp tác hay cạnh tranh. Để dùng những thuật ngữ mác-xít, tình trạng hạ tầng cơ sở (nền tảng kinh tế) và thượng tầng kiến trúc (những định chế chính trị và pháp lý) phù hợp quá tốt với nhau trong thế giới hiện nay chắc hẳn sẽ giúp chủ nghĩa tư bản duy trì sự thống trị của nó, nhưng điều đó cũng góp phần dung hòa các mục tiêu của nhiều người và tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa họ trong chừng mực tất cả họ đều biết những người khác đang tìm kiếm điều gì. Chúng ta sống trong một thế giới mà mọi người đều tuân thủ những qui tắc như nhau, nói cùng ngôn ngữ tìm kiếm lợi nhuận.

Một sự khẳng định dứt khoát như vậy chắc hẳn đáng được làm sáng tỏ đôi điều. Quả thực có một vài cộng đồng hiếm hoi trên thế giới tránh kiếm tiền, và một số người khinh rẻ đồng tiền. Nhưng họ không có ảnh hưởng gì đến trật tự các sự việc và chuyển động của lịch sử. Tất nhiên, khẳng định rằng những niềm tin cá nhân và các hệ thống giá trị hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là tất cả các hành động của chúng ta luôn luôn và hoàn toàn được thúc đy bởi lợi nhuận. Đôi khi người ta có những hành động thực sự vị tha hoặc hướng về các mục tiêu khác. Tuy nhiên, đối với phần lớn chúng ta, những hành động này chỉ đóng một vai trò nhỏ nhoi trong đời sống chúng ta, xét về thời gian dành cho chúng và những lợi nhuận được hy sinh cho chúng. Thật là lừa mị khi đánh giá những tỷ phú là “có lòng bác ái” nếu họ chiếm lĩnh được một tài sản kếch sù nhờ những phương cách không mấy đáng tin cậy và dành một phần vô cùng nhỏ cho các hoạt động từ thiện, sẽ là bị đánh lừa khi ta chỉ chú trọng đến phần rất nhỏ của các hành động vì tha nhân, và không biết rằng có lẽ 90% thời gian chúng ta trải qua trong doanh nghiệp đã dành cho những hoạt động cố ý nhắm đến cải tiến lối sống của chúng ta bằng cách kiếm được nhiều tiền hơn là chính.

Sự trùng hợp này giữa những mục tiêu của cá nhân và của hệ thống là một trong những thành công quan trọng của chủ nghĩa tư bản. Những người bảo vệ quan trọng nhất của chủ nghĩa tư bản giải thích sự thành công này là vì hệ thống này là “tự nhiên”, nó phản ánh hoàn toàn cái tôi bẩm sinh – ham muốn của chúng ta về trao đổi, kiếm được lợi, chiến đấu cho những điều kiện kinh tế tốt hơn và một đời sống thoải mái hơn. Tuy nhiên, ngoài những chức năng sơ đẳng, tôi nghĩ rằng sẽ không chính xác nếu nói về những ham muốn bẩm sinh của chúng ta như thể chúng tồn tại một cách độc lập với những xã hội mà chúng ta sống trong đó. Có nhiều trong những ham muốn đó là sản phẩm của xã hội hóa – trong trường hợp này là của các xã hội tư bản, những xã hội duy nhất còn tồn tại.

Montesquieu (1689-1775)

Aristote (384-322 BC)
Một hệ thống chính trị hay kinh tế phải hòa hợp với các giá trị và hành vi thống lĩnh trong xã hội. Ý tưởng xưa cũ này, được các tác giả xuất chúng như Platon, Aristote và Montesquieu nêu ra, được kiểm chứng một cách chắc chắn trong chủ nghĩa tư bản hiện nay. Chủ nghĩa tư bản đã đặc biệt thành công trong việc chuyển tải các mục tiêu của nó cho mọi người. Nó đã thúc đẩy hoặc thuyết phục họ chấp nhận những mục đích của nó, và đã đạt được một sự hòa hợp tuyệt vời, một mặt, giữa cái mà nó cần để phát triển, và mặt khác, những ý tưởng, ham muốn và giá trị của nhiều người. Chủ nghĩa tư bản đã hiệu quả hơn nhiều đối thủ cạnh tranh của nó để tạo những điều kiện cần thiết cho sự ổn định của một hệ thống, theo triết gia chính trị John Rawls: trong những hành động hàng ngày của mình, các cá nhân biểu lộ và tăng cường các giá trị mà hệ thống xã hội dựa trên đó.

John Rawls (1921-2002)
Nếu chủ nghĩa tư bản thống trị thế giới ngày nay, thì cần lưu ý rằng có hai loại khác nhau: một chủ nghĩa tư bản tự do dựa trên tài năng phát triển dần dần ở phương Tây trong hai thế kỷ vừa qua, và chủ nghĩa tư bản Nhà nước, hay độc đoán, mà Trung Quốc là ví dụ tiêu biểu nhất, nhưng ta cũng tìm thấy tại những nơi khác ở châu Á (Singapore, Việt Nam, Myanmar), ở châu Âu và châu Phi (nước Nga và các nước Đông Âu, Trung Á, Ethiopia, Algeria, hay cả Rwanda). Như thường xảy ra trong lịch sử nhân loại, sự xuất hiện và chiến thắng của một hệ thống mới hay một tôn giáo mới thì sau đó sẽ nhanh chóng diễn ra một dạng phân liệt giáo hội giữa các biến thể khác nhau của cùng một nguyên lý nền tảng. Sau chiến thắng trong vùng Địa trung Hải và Cận Đông, đạo Cơ Đốc đã trải qua những tranh luận rất gay gắt về hệ tư tưởng và những chia rẽ (đáng kể nhất là chia rẽ giữa chính thống giáo và thuyết chống tam vị nhất thể - arianisme -) cuối cùng đã dẫn đến sự chia rẽ đầu tiên quan trọng nhất giữa giáo hội phương Đông và phương Tây. Hồi giáo cũng có chung số phận. Hầu như tức thì sau cuộc chinh phục vang dội, đạo Hồi bị chia thành hai nhánh: sunni và shiite. Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản, đối thủ của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XX, là một khối thống nhất không lâu, đã chia thành phe Xô Viết và phe Trung Quốc. Về việc này, chiến thắng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản cũng đi theo cùng một sơ đồ: chúng ta đang đối diện với hai mô hình của chủ nghĩa tư bản khác nhau không những chỉ trong lĩnh vực chính trị, mà cả trong lĩnh vực kinh tế, và ở một chừng mức thấp hơn là về xã hội. Dù có điều gì xảy ra với sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản độc đoán, tôi cho rằng có vẻ ít có khả năng một trong hai mô hình sẽ duy nhất lãnh đạo thế giới.

Sự nổi lên của châu Á và sự tái cân bằng thế giới

Thành công kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc đoán giải thích sự phát triển thứ hai đã nêu trên: sự nổi lên của châu Á. Hẳn nhiên, sự nổi lên này không phải nhờ duy nhất mô hình tư bản chủ nghĩa; các nước đại diện cho chủ nghĩa tư bản tự do như Ấn Độ và Indonesia cũng tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng Trung Quốc dẫn đầu sự biến đổi lịch sử của châu Á. Khác với sự xuất hiện trước đây của chủ nghĩa tư bản cho đến khi nó thống trị toàn cầu, sự thay đổi này có một tiền lệ lịch sử, trong chừng mực người ta gặp lại ở lục địa Âu-Á những điều tương tự sự phân bố các hoạt động kinh tế của những thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Tuy vậy cũng có một sự khác biệt đáng kể. Các mức độ phát triển kinh tế của Tây Âu và của châu Á (Trung Quốc) là gần nhau, chẳng hạn như vào các thế kỷ thứ I và II hay thế kỷ XIV và XV, nhưng lúc đó hai vùng địa lý này của thế giới tác động lẫn nhau rất ít, và hầu như không biết gì về nhau.

Ngày nay chúng ta biết về mức độ phát triển tương đối của hai vùng này nhiều hơn là vào thời đó. Cũng như vậy, từ nay những tương tác sẽ mạnh mẽ và thường xuyên. Cuối cùng, trong cả hai vùng, mức thu nhập cao hơn ngày trước rất nhiều. Hai vùng này của thế giới (một mặt, Tây Âu và những nhánh Bắc Mỹ của nó, mặt khác là châu Á), với 70% dân số thế giới và 80% sản lượng, duy trì những liên lạc thường xuyên, thông qua thương mại, đầu tư, chuyển động của dân số, chuyển giao công nghệ hay trao đổi các ý tưởng. Như vậy, cạnh tranh giữa các vùng này ít gay gắt hơn lẽ ra nó phải có, vì các hệ thống tuy tương tự nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Và đó là trường hợp mà cạnh tranh sẵn sàng tác động, một khi một trong hai hệ thống toan tính vượt lên trên hệ thống kia và phần còn lại của thế giới, hay đơn giản chỉ là bắt chước, khi một trong hai hệ thống dễ bị sao chép hơn hệ thống kia bởi phần còn lại của thế giới.

Sự tái cân bằng này chấm dứt ưu thế quân sự, chính trị và kinh tế của phương Tây, được xem như đã đạt được từ hai thế kỷ nay. Chưa bao giờ trong lịch sử có một phần của thế giới đã biểu thị một ưu thế mạnh như châu Âu đối với châu Phi và châu Á trong thế kỷ thứ XIX. Những cuộc chinh phục thuộc địa đã phản ánh rõ ràng ưu thế này, nó cũng được phản ánh trong sự chênh lệch thu nhập giữa các vùng này, nghĩa là trong những bất bình đẳng trên thế giới về thu nhập giữa những cư dân của hành tinh (bất bình đẳng mà chúng ta có thể ước lượng khá chính xác kể từ 1820) như biểu đồ dưới đây đã chỉ ra. Trong biểu đồ này, trong suốt quyển sách, những bất bình đẳng đều được đo lường bằng hệ số Gini từ 0 (không có bất bình đẳng) đến 1 (bất bình đẳng tối đa). (Chỉ số này thường được biểu diễn dưới dạng phần trăm, từ 0 đến 100, lúc đó mỗi điểm phần trăm được gọi là điểm Gini).

Ước lượng những bất bình đẳng trên thế giới từ 1820 đến 2013

Hệ số Gini, 1980-2013

Nguồn: Những dữ liệu về giai đoạn 1820-1980 dựa theo Bourguignon và Morrisson (2002), bằng cách thay thế sản phẩm nội địa thô tính theo đầu người bởi những dữ liệu mới của dự án Maddison (2018). Đối với giai đoạn 1988-2001 các dữ liệu dựa theo Lakner và Milanovic (2016) do tôi cập nhật. Tất cả các thu nhập đều được tính bằng đô la PPP (ngang bằng sức mua) năm 2011 (chuỗi cuối cùng của International Comparison Project - Dự án so sánh quốc tế -, có sẵn năm 2018).

Récupérer les données (Dữ liệu được thu thập), được thiết lập với Datawrapper

Trước cách mạng công nghiệp ở phương Tây, những bất bình đẳng trên thế giới được thu hẹp, hầu như do những bất bình đẳng trong nước (khác biệt thu nhập giữa những người sống trong cùng một quốc gia), cũng như những bất bình đẳng quốc tế (khác biệt thu nhập trung bình giữa các nước). Điều này khác hẳn giai đoạn bành trướng của phương Tây. Những bất bình đẳng trên thế giới gia tăng gần như liên tục từ năm 1820 đến đầu Chiến tranh Thế giới thứ nhất, từ 55 điểm Gini (khoảng chừng mức độ bất bình đẳng hiện nay của các nước châu Mỹ La tinh) lên 70 (nghĩa là một chỉ số cao hơn mức bất bình đẳng hiện nay quan sát được ở Nam Phi). Sự nâng cao mức sống ở châu Âu, Bắc Mỹ, rồi Nhật Bản (kết hợp với tình trạng đình trệ của Ấn Độ và Trung Quốc) giải thích căn cơ của sự gia tăng những bất bình đẳng này; mặc dù sự gia tăng bất bình đẳng trong nội bộ những nước sẽ trở thành thế giới giàu có cũng có một vai trò. Sau năm 1918, những bất bình đẳng trên ghế giới có giảm nhẹ, có vẻ như do những dấu vết của Chiến tranh Thế giới thứ nhất và của cuộc Đại Khủng hoảng - trên cái nền chung mà chúng tôi quan sát được - khi thu nhập ở phương Tây ngừng gia tăng.

Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, những bất bình đẳng trên thế giới đạt mức cao nhất chưa từng thấy, khoảng 75 điểm Gini, mức độ này được duy trì cho đến thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, chênh lệch giữa phương Tây và châu Á - đáng chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ - không tăng thêm, khi độc lập của Ấn Độ và cách mạng của Trung Quốc đặt nền móng cho sự tăng trưởng của hai quốc gia khổng lồ này. Hai quốc gia này đã duy trì vị trí tương đối của mình so với phương Tây giữa cuối những năm 1940 và đầu những năm 1980. Nhưng vị trí này đã rất thuận lợi cho những nước giàu: tổng sản phẩm quốc nội (PIB/GDP) tính theo đầu người của Ấn Độ và Trung Quốc chỉ bằng dưới 10% chỉ tiêu này (tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người) của các nước phương Tây.

Chênh lệch thu nhập bắt đầu thay đổi rõ sau năm 1980. Các cải cách được tiến hành ở Trung Quốc đã tạo ra tăng trưởng chừng 8%/người/năm trong suốt bốn thập kỷ tiếp theo, giảm mạnh chênh lệch với phương Tây. Ngày nay, tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người của Trung Quốc bằng 30% đến 35% chỉ tiêu này của phương Tây, nghĩa là bằng mức chênh lệch năm 1820. Xu hướng gia tăng là rõ ràng (so với phương Tây), và có lẽ đà gia tăng này sẽ tiếp tục cho đến khi các mức thu nhập bằng nhau, hoặc gần bằng.

Cách mạng kinh tế của Trung Quốc được nối tiếp bởi những phát triển nhanh chóng tương tự ở Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và những nơi khác ở châu Á. Mặc dù sự tăng trưởng này kéo theo sự gia tăng bất bình đẳng trong tất cả các nước này (và đặc biệt là ở Trung Quốc), sự thu hẹp chênh lệch với phương Tây đã góp phần giảm bất bình đẳng trên thế giới. Do đó, chỉ số Gini toàn cầu gần đây đã giảm.

Sự hội tụ các thu nhập châu Á và phương Tây diễn ra trong một cuộc cách mạng khác, đó là cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông (viết tắt tiếng Pháp: TIC – viết tắt tiếng Anh: ICT: Information and Communication Technology - ND) – một cuộc cách mạng sản xuất lần này đã tạo thuận lợi cho châu Á. Cách mạng ICT đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng hơn nhiều của châu Á, nhưng cũng góp phần vào quá trình phi công nghiệp hóa của phương Tây, và nó rất giống quá trình phi công nghiệp hóa mà Ấn Độ đã trải qua trong cách mạng công nghiệp. Như vậy, chúng ta có hai thời kỳ được đánh dấu bởi những biến đổi nhanh chóng về công nghệ, đó là những điểm mốc trong diễn biến của những bất bình đẳng trên thế giới (xem biểu đồ nêu trên). Chúng ta chưa thấy hết những tác động của cách mạng ICT, nhưng về nhiều mặt chúng cũng tương tự như cách mạng công nghiệp: một sự xáo trộn lớn trong xếp hạng thu nhập trên thế giới, một số nhóm lên hạng trong khi số khác bị xuống hạng, kèm theo sự tập trung địa lý rõ nét những nhóm được lợi và những nhóm bị thiệt hại.

Xem xét hai cuộc cách mạng này như là những hình ảnh đảo ngược nhau là một điều thú vị. Cuộc cách mạng đầu đã dẫn đến sự gia tăng những bất bình đẳng trên thế giới do sự giàu lên của phương Tây, trong khi cuộc cách mạng thứ hai đã hội tụ các thu nhập của một phần lớn các vùng trên hành tinh do sự giàu lên của châu Á. Phải thấy trước rằng cuối cùng các mức thu nhập sẽ bằng nhau trên toàn bộ đại lục Âu-Á và Bắc Mỹ và sẽ giảm bớt phần nào những bất bình đẳng trên thế giới. (Nhưng vẫn còn một ẩn số lớn, số phận của châu Phi, hiện tại không đuổi kịp thế giới giàu, và dân số lại gia tăng nhanh nhất).

Tái cân bằng kinh tế thế giới không chỉ về mặt địa lý mà còn là chính trị. Thành công kinh tế của Trung Quốc đặt lại vấn đề sự khẳng định của phương Tây theo đó có một mối liên hệ tất yếu giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ tự do. Thực ra, điều khẳng định này bị phản bác ngay tại phương Tây bởi những thách thức của giới dân túy và giới cầm quyền tham nhũng cướp đoạt tài sản quốc gia đối với dân chủ tự do.

Tái cân bằng kinh tế thế giới đặt kinh nghiệm châu Á lên hàng đầu trong những suy nghĩ về phát triển kinh tế. Thành công kinh tế của châu Á làm cho mô hình của nó trở nên hấp dẫn đối với các nước khác, và có thể thay đổi cách nhìn của chúng ta về tăng trưởng và phát triển kinh tế, tương tự như kinh nghiệm của nước Anh được Adam Smith truyền cảm hứng đã ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của chúng ta trong suốt hai thế kỷ vừa qua.

Trong bốn mươi năm vừa qua, năm nước lớn nhất châu Á (không kể Trung Quốc) hầu như luôn luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng theo đầu người cao hơn các nền kinh tế phương Tây. Chỉ có hai năm là ngoại lệ. Và xu hướng này sẽ tiếp tục. Năm 1970, phương Tây sản xuất 56% tổng sản phẩm quốc nội trên thế giới, châu Á (bao gồm cả Nhật Bản) chỉ có 19%. Ngày nay, các tỷ lệ này là 37% cho phương Tây và 43% cho châu Á[3]. Xu hướng này là rõ ràng nếu ta so sánh Mỹ với Trung Quốc, và Đức với Ấn Độ (biểu đồ bên dưới). Sự phát triển vượt bậc của châu Á trong giai đoạn toàn cầu hóa được phản ánh trong sự ủng hộ của dân cư. Sự ủng hộ này rất đậm nét ở châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam (91% số người được hỏi nghĩ rằng toàn cầu hóa là một điều tốt), sự ủng hộ ở châu Âu yếu hơn, đặc biệt là ở Pháp (chỉ 37% dân cư bênh vực toàn cầu hóa)[4].

Người phương Tây thấy không thoải mái với toàn cầu hóa một phần do sự cách biệt giữa tầng lớp tinh hoa đã thích nghi rất tốt, và một số đáng kể những người ít được hưởng lợi từ sự quốc tế hóa các giao dịch, họ không muốn chúng nữa, và họ thấy, với lý do chính đáng hoặc không, trong các luồng di dân và thương mại quốc tế nguyên nhân của mọi điều xấu xa. Tình cảnh này giống một cách lạ lùng tình cảnh các xã hội thế giới thứ ba trong những năm 1970. Chúng phô bày một khía cạnh lưỡng phân – một tầng lớp tư sản được kết nối với hệ thống kinh tế thế giới, và một phần lớn dân chúng ở hậu phương bị bỏ lại phía sau. “Bệnh” này, trước đây được cho là chỉ chạm đến các nước đang phát triển (người ta gọi là “sự thiếu nối khớp” trong ngôn ngữ tân mác xít) dường như đã di chuyển về phương bắc và từ nay tấn công vào các nước giàu. Cùng lúc, và cũng trớ trêu không kém, khía cạnh lưỡng phân của một số nền kinh tế đang phát triển lại giảm bớt nhờ được hội nhập hoàn toàn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Biểu đồ tỷ lệ sản phẩm nội địa thô trên thế giới của Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ.

Hai loại chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa tư bản tự do dựa trên tài năng do Mỹ dẫn đầu, và chủ nghĩa tư bản chính trị do Trung Quốc dẫn đầu) dường như đối đầu nhau từ nay. Và ngay cả nếu Trung Quốc không nêu ra ý muốn đề nghị và “xuất khẩu” một phương án chính trị, và trong một chừng mực nào đó là kinh tế của chủ nghĩa tư bản, thì chính chủ nghĩa tư bản chính trị phô bày một số đặc điểm khiến nó trở nên hấp dẫn đối với giới tinh hoa chính trị của phần còn lại của thế giới, và không chỉ ở châu Á: hệ thống này cung cấp cho giới tinh hoa chính trị một sự tự chủ lớn hơn. Nó cũng có thể thu hút những người bình thường vì nó có vẻ hứa hẹn những tỷ lệ tăng trưởng cao. Mặt khác, chủ nghĩa tư bản tự do đem đến nhiều lợi ích đã được biết đến nhiều, điều quan trọng nhất chắc hẳn là nhờ dân chủ và Nhà nước pháp quyền được đánh giá cao, và có thể được xem một cách thỏa đáng là những tác nhân gia tăng nhanh phát triển kinh tế. Thật vậy, những tác nhân này khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho thăng tiến xã hội, và tạo nhiều cơ hội thành công gần như nhau cho tất cả mọi người. Chính sự từ bỏ một số khía cạnh chủ yếu của hệ thống giá trị tiềm ẩn này đã đe dọa sự bền vững của chủ nghĩa tư bản tự do. Chính xác hơn, mối nguy hiểm này đến từ diễn biến hướng đến một tầng lớp thượng lưu tự thỏa mãn các nhu cầu và từ một sự phân cực giữa một bên là giới tinh hoa, và một bên là phần còn lại của dân cư. Không những là sự sống còn của hệ thống, mà còn là sức hấp dẫn của mô hình trong mắt phần còn lại của thế giới cũng bị đe dọa.

Branko Milanovic (1953-)
Trong hai chương tiếp theo, tôi sẽ trình bày những nét chính của hai biến thể của chủ nghĩa tư bản hiện đại, bằng cách tập trung vào những đặc điểm cơ bản của chúng hơn là những bàn luận lan man thoáng qua. Để có thể nghiên cứu diễn biến về lâu dài của chủ nghĩa tư bản tự do dựa trên tài năng và của chủ nghĩa tư bản chính trị, chứ không đơn giản là những dao động nhất thời, thì điều quan trọng là nhớ rõ sự khác nhau giữa những đặc điểm có tính hệ thống và những đặc điểm phụ. Tôi sẽ đặc biệt chú tâm đến các cơ cấu xã hội và kinh tế mà hai hệ thống tái tạo ra, đặc biệt là cách mà các cơ cấu này tác động đến những bất bình đẳng về thu nhập và cơ cấu các giai cấp. Tôi xác tín rằng chính cách mà hai hệ thống điều hành những vấn đề này sẽ xác định sức hấp dẫn tương đối và sự ổn định của chúng, và do đó, sẽ xác định chúng ta mong muốn sống trong hệ thống này hay hệ thống kia.


______________

Bài này là một phần trích từ bản dịch Capitalism, Alone của Branko Milanovic, nhà xuất bản La Découverte, ngày tháng 9 năm 2020, với nhan đề Le Capitalisme, sans rival (Chủ nghĩa tư bản, không có đối thủ). Chúng tôi trình bày lại với nhã ý cho phép của nhà xuất bản La Découverte.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Le capitalisme, sans rival”, Le Grand Continent, 11.9.2020




Chú thích:

[1] Le Manifeste du parti communiste (Tuyên ngôn của đảng cộng sản) (Francis Brière dịch), 10/18, Paris, 1998 (1848), p. 24-25.

[2] La Richesse des nations (Sự giàu có của các quốc gia) (Philippe Jaudel dịch), quyển IV, chương 7, Economica, Paris, 2002 (1776), p. 648.

[3] Từ năm 1970 đến 2016, tổng sản phẩm thô nội địa trên thế giới đã tăng gần 5 lần tính theo giá trị thực tế (tăng từ 22.000 tỷ đô la lên 105.000 tỷ đô la PPP [ngang bằng sức mua], trong khi dân số thế giới tăng gấp đôi (từ 3,5 tỷ lên 7 tỷ).

[4] Những kết quả này do YouGov báo cáo năm 2016. Xem Jeff Desjardins, “What People Think of Globalization, by Country” (Dân chúng nghĩ gì về toàn cầu hóa, theo từng quốc gia), Visual Capitalist, 9/11/2017.

Print Friendly and PDF