22.5.21

Covid-19 ở Ấn Độ: “Số đông đảo người chết” mà một “Nhà nước theo chủ nghĩa ngu dân phải chịu trách nhiệm”

COVID-19 Ở ẤN ĐỘ: “SỐ ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI CHẾT” MÀ MỘT “NHÀ NƯỚC THEO CHỦ NGHĨA NGU DÂN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM”

Patrick de Jacquelot

M. Rajshekhar: “Ở tất cả các bang này, bất lợi từ cơ sở hạ tầng y tế công cộng nghèo nàn đã làm trầm trọng thêm tình hình bởi các chính quyền địa phương theo chủ nghĩa ngu dân, thiếu năng lực tri thức để đối phó với một điều gì đó mới mẻ như đại dịch.” (Nguồn: Bloomberg)

M. Rajshekhar, nhà báo phóng sự điều tra người Ấn Độ, vừa xuất bản cuốn Despite the State [Bất chấp Nhà nước], mô tả một cách sâu sắc những thất bại của hệ thống dân chủ Ấn Độ. Ông thổ lộ với trang Asialyst phân tích của ông về những nguyên nhân khủng hoảng y tế đang tàn phá đất nước Ấn Độ.

PHỎNG VẤN

M. Rajshekhar, 45 tuổi, là nhà báo kinh tế từ hơn hai mươi năm. Sau khi làm việc cho tờ The Economic Times, nhật báo kinh tế tiếng Anh lớn nhất Ấn Độ, nơi ông phụ trách đưa tin về đời sống nông thôn và môi trường, ông đã bắt tay vào một dự án phi thường cho trang tin tức độc lập Scroll.in: một sự đắm mình trong sáu bang của liên bang Ấn Độ trong gần ba năm. Trái với cách làm thông thường của các phương tiện truyền thông lớn của Ấn Độ, vốn đưa tin của đất nước từ các siêu đô thị, như Delhi hoặc Bombay, cách tiếp cận của ông, ngược lại, nhắm đến việc đi sát với thực địa, nhiều nhất có thể, để xác định những nhân tố đang tiến hóa ở những vùng chưa bao giờ nghe nói đến của Ấn Độ.

Trải nghiệm này đã dẫn Shekhar lần lượt đi đến các bang Mizoram, Orissa, Punjab, Tamil Nadu, Bihar và Gujarat. Ở đó, ông đã tìm thấy chất liệu phục vụ cho nhiều bài phóng sự sống động về sự rối loạn chức năng của các chính quyền địa phương, sự lãng phí nguồn lực, mức độ tham nhũng và sự yếu kém toàn diện của các cấu trúc dân chủ. Vào thời điểm đó, nhà báo đã thổ lộ với trang Asialyst kết luận của ông về nạn tham ô của cải của bang Punjab vì lợi ích của đảng cầm quyền.

Từ trải nghiệm thọc vào những chỗ sâu kín của nước lục địa Ấn Độ này, Shekhar đã viết một cuốn sách được xuất bản vào tháng 1 năm 2021 với tựa đề Despite the State – Why India lets its people down and how they cope [Bất chấp Nhà nước – Vì sao Ấn Độ bỏ rơi người dân và cách thức họ đối phó], NXB Westland Publications, sách có sẵn trên Amazon). Trong cuốn sách này, được rất nhiều độc giả đón nhận ở Ấn Độ, ông sử dụng lại toàn bộ các bài phóng sự của mình và phê phán không khoan nhượng “sự thất bại của nền dân chủ”, mà theo ông, đặc trưng cho sự vận hành hoạt động của các bang thuộc liên bang Ấn Độ – cũng như sự vận hành hoạt động của Nhà nước trung ương. Một cái nhìn toàn diện, mà ngày nay, cho phép ông thổ lộ với trang Asialyst một nhận định sắc bén về cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tàn phá đất nước Ấn Độ.

Shekhar hiện đang làm việc với tư cách là một nhà báo tự do, chuyên về các vấn đề năng lượng, môi trường và khí hậu, ông đã giành được nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có Giải thưởng tưởng niệm Bala Kailasam, Giải thưởng nhà báo xuất sắc Ramnath Goenka và 5 giải thưởng Shriram về nền báo chí tài chính.

Có thể tìm thấy các bài báo của ông trên mrajshekhar.in.

Nhà báo phóng sự điều tra người Ấn Độ, M. Rajshekhar. (Nguồn: M. Rajshekhar)

Ông sống ở Bangalore. Chúng ta có rất nhiều thông tin về tình hình ở Delhi hoặc Bombay, nhưng đặc biệt khá ít về Bangalore. Ông có thể mô tả điều gì đang diễn ra ở đó không?

M. Rajshekhar: Không dễ để trả lời câu hỏi này. Vào thời điểm làn sóng Covid-19 thứ hai tấn công, tôi đang ở Delhi. Khi trở về Bangalore, tôi tự cách ly ở nhà chị gái tôi trong vùng, và kể từ đó, không mạo hiểm vào trong thành phố. Dù sao, tôi vẫn cảm thấy tương đối an tâm về Bangalore. Năng lực đối phó Covid-19 của các Bang là rất không đồng đều ở Ấn Độ. Một số bang như ở miền Nam [trong đó có Karnataka, Bangalore – chú thích của Ban biên tập], có các cơ quan hành chính hoạt động tốt hơn so với các bang khác, như các bang ở miền Bắc. Ngay như bang Maharashtra, được lãnh đạo bởi một trong những thủ hiến giỏi nhất nước, đã thực hiện một công việc hoàn toàn có ý nghĩa để giảm thiểu số ca lây nhiễm Covid-19 ở Bombay, thủ phủ của bang.

Chính miền bắc đất nước – bắt đầu từ các bang Gujarat và Madhya Pradesh và đi lên phía bắc – là điều làm tôi lo lắng. Hầu hết các bang của Ấn Độ, từ trước đến nay, đều không đầu tư vào y tế, nhưng những bang như Gujarat, Madhya Pradesh và Uttar Pradesh, đang khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi tiếp tục không coi trọng hiểm họa Covid-19. Ở tất cả các bang này, bất lợi từ cơ sở hạ tầng y tế công cộng nghèo nàn đã làm trầm trọng thêm tình hình bởi các chính quyền địa phương theo chủ nghĩa ngu dân, thiếu năng lực tri thức để xử lí một điều gì đó mới mẻ như đại dịch. Vì vậy, họ đã không đối phó được tình hình một cách thích hợp. Thay vào đó, họ lao vào việc thao túng dữ liệu một cách liên tục (và ngày càng tồi tệ hơn), đánh giá thấp số ca tử vong, tất cả đều nhằm ngăn chặn những cáo buộc về năng lực kém cỏi mà họ phải đối mặt.

Hậu quả của tất cả những điều nói trên là rất nghiêm trọng. Tôi đã xem một đoạn video được thực hiện tại một ngôi làng gần Srikakulam ở Andhra Pradesh, cho thấy cảnh một người đàn ông chết trên ngưỡng cửa túp lều của ông ta, trước sự chứng kiến của gia đình. Đây là loại hình ảnh tôi đã thấy khi tìm hiểu về nạn đói to lớn từng xảy ra vào những năm 1930 ở Ukraina. Và bây giờ chúng tôi thấy điều đó ở đây!

Gần đây, ông đã xuất bản cuốn sách có tựa đề là “Despite the State – [Bất chấp Nhà nước]”, với tiểu tựa là “Why India lets its people down and how they cope [Vì sao Ấn Độ bỏ rơi người dân và cách thức họ đối phó]”. Một câu hỏi liên quan đến nửa đầu của tiểu tựa này: Phải chăng cuộc khủng hoảng Covid-19 là một ví dụ hoàn hảo về việc nhà nước Ấn Độ bỏ rơi người dân của mình hay không?

Chắc chắn rồi! Patrick, ông đã sống lâu năm ở Ấn Độ. Ông cũng như tôi đều biết rằng tiểu lục địa này có cả một lịch sử về tử vong đại chúng. Đã có tới ba triệu người chết trong nạn đói ở Bengal vào những năm 1940. Đã có tới hai triệu người chết trong các cuộc bạo động tiếp theo sau Sự phân chia đất nước [khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ vào năm 1947, chú thích của ban biên tập]. Nạn đói vào khoảng năm 1900 cũng đã gây ra số người chết tương tự.

Người ta có thể đổ lỗi tất cả những thảm họa đó cho các yếu tố bên ngoài: chủ nghĩa thực dân cho vụ Bengal, Sự phân chia đất nước cho các cuộc bạo động, tình trạng thiếu mưa cho nạn đói vào khoảng năm 1900. Nhưng chúng tôi nên đổ lỗi cho ai về tất cả những cái chết đang xảy ra bây giờ? Đã hàng thập kỷ qua, người ta đã nói nhiều đến việc Ấn Độ cần chi tiền nhiều hơn cho y tế (và cả cho giáo dục). Những yêu cầu này đã bị mọi thành phần của chế độ dân chủ chúng tôi phớt lờ. Nếu có phản ứng thích hợp với Covid-19 vào năm ngoái, thì có lẽ chúng tôi đã có thể giảm thiểu sự tàn phá của nó. Nhưng, như đã biết, đó không phải là những gì chúng tôi đã làm. Thử nhìn vào những gì đã xảy ra với sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 hiện tại. Những tháng trước đó, đã có những dấu hiệu của làn sóng Covid-19 thứ hai ở nhiều nơi khác trên hành tinh, thế nhưng hầu như không có bất kỳ chính quyền nào – ở trung ương ở New Delhi hoặc ở các bang – đã thực hiện những biện pháp phòng ngừa, Kerala là một trong số ít trường hợp ngoại lệ. Nhưng hãy nhìn các bang khác!

Narendra Modi (1950-)

Nhà nước trung ương do đảng BJP kiểm soát, một đảng theo chủ trương cực kỳ phi khoa học và ngu dân [một đảng dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ quyền lực tối cao của người Hindu do Narendra Modi lãnh đạo, chú thích của ban biên tập], đã tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 – và đã đột ngột cắt giảm các đơn đặt hàng vắc xin, mặt nạ phòng độc hoặc dừng xây dựng các cơ sở sản xuất ôxy. Các cơ sở y tế, vốn được xây dựng trong đợt Covid-19 đầu tiên, đã bị tháo dỡ. Tệ hơn nữa, để duy trì quyền lực ở bang Uttar Pradesh và để làm hài lòng một nhóm các giới lãnh đạo tôn giáo, chính quyền đã cho phép tổ chức lễ hội Kumbh Mela [cuộc hành hương khổng lồ quy tụ hàng triệu tín hữu, trong những tháng gần đây, chú thích của ban biên tập]. Và với hy vọng chiếm quyền ở bang Tây Bengal, chính quyền trung ương đã chia cuộc bầu cử ra thành 8 giai đoạn. Kết quả: không chỉ diễn ra các cuộc mít tinh chính trị lớn ở bang đó, trong khi các ca lây nhiễm Covid-19 đã bùng nổ khắp Ấn Độ, mà đã có nhiều người thuộc lực lượng an ninh được cử đến để giám sát các cuộc bầu cử đã tiếp xúc với Covid-19 và mang virus đó về nhà.

Đó mới chỉ là một vài ví dụ. Chính quyền đang thất bại hoàn toàn việc tiêm chủng [ngừa virus] bằng cách yêu cầu những người trong độ tuổi từ 18 đến 44 đặt lịch hẹn tiêm chủng, thông qua một cổng thông tin điện tử trên Internet. Phải chăng đó là một trò đùa? Thử hỏi có bao nhiêu người Ấn Độ có điện thoại thông minh? Liệu họ có đủ trình độ học vấn cần thiết để thao tác trên ứng dụng và đặt lịch hẹn tiêm chủng? Và nếu có đến hẹn, thì lấy đâu vắc xin mà tiêm chủng? Chúng tôi đã không hề đặt hàng vắc xin! Tất cả điều đó là một trò đùa.

Ông làm một cuộc so sánh với nạn đói hoặc bạo động gây ra cái chết cho hàng triệu người. Hiện tại, số người chết vì Covid-19 ít hơn rất nhiều, khoảng 250.000 người theo số liệu chính thức. Liệu có thể thực sự so sánh như vậy hay không?

Ông trích dẫn các số liệu chính thức. Nhưng rất nhiều bang, cũng như chính quyền trung ương, đang bịp bợm với các con số. Để giảm thiểu số ca tử vong, rất nhiều bang đang giảm thiểu số ca xét nghiệm. Trong khi hậu quả là có nhiều người không được chẩn đoán, tiếp tục đi đi lại lại, và lây nhiễm cho người khác hoặc tử vong. Về phần các số liệu tử vong, chúng cũng đã bị thay đổi bởi các thao tác tương tự. Đã có rất nhiều ca tử vong do Covid-19 không được ghi nhận. Các trò lừa dối đó đã bị vạch trần rất nhiều lần. Ví dụ, dòng người đổ về các lò hỏa táng đã tăng lên rất nhiều so với một năm trước, cho thấy tỷ lệ tử vong ngày càng tăng. Tuy nhiên, các con số do chính quyền công bố đã được đánh giá thấp hơn hai, năm, mười lần và thậm chí có thể cao hơn nữa.

Hiện tại, các ước tính về số tử vong, như ước tính được thực hiện bởi Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington cho thấy số ca tử vong cao gấp ba lần con số chính thức, vào khoảng 650.000 người. Chúng tôi thậm chí cũng không biết bội số gấp ba lần đó có là con số đúng chưa. Ấn Độ là một quốc gia không chỉ có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém, mà nạn nghèo đói, phân biệt đẳng cấp và giới tính đã dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng cao, và do đó khả năng miễn dịch thấp. Chưa kể tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc Ấn Độ đã tác động xấu đến phổi của rất nhiều người. Theo những gì biết được, có thể là có một trên mười ca [bị bệnh phổi]!

Trong cuốn sách của ông, ông nhấn mạnh đến sự thất bại của nhiều bang khác nhau trong Liên bang Ấn Độ, thay vì sự thất bại của Nhà nước trung ương. Trong trường hợp khủng hoảng y tế này, ai là người chịu trách nhiệm lớn nhất, chính quyền New Delhi hay chính quyền các bang?

Không, đó không phải là những gì tôi đã làm. Cuốn sách của tôi dựa trên một tập các bài phóng sự mà tôi đã thực hiện để tìm hiểu cách thức hoạt động của các bang trong liên bang. Những gì tôi thấy là có một sự độc quyền tước đoạt trong mỗi bang. Đảng chính trị cầm quyền và những người thân cận với đảng chiếm hữu một phần đáng kể nguồn lực của bang. Và họ sử dụng nhiều công cụ (thao túng số liệu, phát triển sự tôn thờ thực sự xoay quanh lãnh tụ của họ, sự hậu thuẫn từ các nhân vật tôn giáo, dập tắt những lời chỉ trích hoặc làm suy yếu các phong trào đối trng dân chủ) để duy trì tính chính danh trong công chúng. Và đây cũng là điều mà hiện nay chính quyền trung ương đang làm.

Thế thì ai là người đáng trách nhất về Covid-19? Các bang trong liên bang và Nhà nước trung ương, tất cả đều đã bỏ rơi người dân. Một vài bang, chẳng hạn như Kerala, đã dự đoán làn sóng Covid-19 thứ hai, còn các bang khác thì không. Một số bang đã chủ động đối phó, như các bang Chhattisgarh và Maharashtra, còn các bang khác thì không. Tuy nhiên, chính quyền trung ương lại nằm trong một phạm trù hoàn toàn riêng biệt: họ đã khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, hết lần này đến lần khác. Năm ngoái, biện pháp phong tỏa toàn quốc được công bố mà không hề có sự chuẩn bị nào đã đẩy hàng triệu người Ấn Độ ra đường, đi bộ hàng nghìn kilômét để về nhà. Năm nay, họ cũng đã làm điều tương tự khi chểnh mảng việc đặt mua vắc xin, trong khi vẫn cho phép diễn ra các sự kiện siêu lây lan.

Khách quan mà nói, cấu trúc của Nhà nước liên bang là rất phức tạp (so với Nhà nước tập quyền như Pháp), trong trường hợp của Ấn Độ, vấn đề chăm sóc y tế là một trách nhiệm được chia sẻ giữa hai cấp. Liệu điều này có giải thích, hay thậm chí bào chữa, cho sự thất bại của hệ thống mà người ta đang thấy hay không?

Không phải vậy. Trong quá khứ, Ấn Độ đã từng thành công trong các chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa các bệnh như bại liệt chẳng hạn. Chủ nghĩa liên bang, khi đó, không phải là vấn đề, thế thì vì sao, ngày nay, nó lại là vấn đề? Những gì đã thay đổi là bản chất của chính quyền. Trên khắp thế giới, giới lãnh đạo “chuyên quyền theo chế độ đa số” như Trump và Bolsonaro đã chứng tỏ cho thấy là những người kém nhất trong việc kiểm soát Covid-19. Hai người đó đã bác bỏ ý kiến của giới khoa học. Ở Ấn Độ, cũng vậy. Các chế độ “chuyên quyền theo đa số” của Ấn Độ, bị cám dỗ bởi những giáo điều phi logic mang tính tôn giáo và vây quanh bởi những cố vấn xu nịnh, đã không biết thích ứng để đối phó với Covid-19.

Hãy chuyển sang nửa phần sau của tiểu tựa cuốn sách của ông: Người Ấn Độ sẽ thoát ra khỏi dịch bệnh như thế nào? Liệu ông có nhìn thấy một phong trào phản kháng tập thể, hay kiểu ứng xử mạnh ai nấy lo?

Có vô số giai thoại về việc người Ấn Độ tương trợ lẫn nhau. Hai người bạn của tôi, một cặp vợ chồng, đang nằm liệt giường vì Covid-19. Họ đã xoay sở có được một bình oxy, nhưng lại không biết cách vận hành nó. Họ đã cầu cứu sự giúp đỡ: một tình nguyện viên đã đến và lắp đặt thiết bị cho họ. Có những người tình nguyện mang bình oxy đến bệnh viện và tìm những giường còn trống chỗ trong các bệnh viện, có những người mang thức ăn đến cho người không thể ngồi dậy được, hoặc có những người cung cấp thông tin về những nơi sạc lại các bình oxy.

Nhưng cũng có khía cạnh về giai cấp. Theo thông tin có được, một số người rất giàu đã rời Ấn Độ để đến định cư tại Vương quốc Anh. Cũng đã có một lượng tăng vọt người mua máy tạo oxy. Người ta cũng đã thấy những khu phố dân cư giàu có thành lập hầu như các đơn vị chăm sóc y tế tích cực. Các tầng lớp cao cấp của xã hội cũng có khả năng lớn hơn để làm cho các yêu cầu của họ được lắng nghe. Nhưng, người nghèo thì không. Họ chỉ có thể phó thác vào sự may mắn.

Ông có thể mô tả cho độc giả biết về dự án “Kề sát tai dưới đất” mà ông đã thực hiện trong ba năm và sau đó đã cho ra đời cuốn sách của ông không?

Về cơ bản, đó là việc tôi hòa nhập trở lại với Ấn Độ. Tôi đã lớn lên với ý nghĩ rằng Ấn Độ vốn dĩ là một quốc gia đa văn hóa. Vì lý do đó, nhiều bạn bè của tôi và bản thân tôi đều cho rằng Modi không thể trở thành Thủ tướng. Bởi vì các cuộc bạo động năm 2002 ở bang Gujarat sẽ chống lại ông [các cuộc bạo động đó đã khiến nhiều người Hồi giáo bị chết trong khi Narendra Modi là thủ hiến của bang Gujarat và, theo nhiều nhà quan sát, ít ra với sự đồng lõa thụ động của ông, chú thích của ban biên tập]. Chiến thắng ngoạn mục của Modi vào năm 2014 vì thế khiến tôi rất ngạc nhiên. Liệu đất nước có thực sự muốn có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đến mức sẵn sàng hy sinh một thiểu số người dân hay không? Vì sao? Do đó, tôi cần phải hòa nhập trở lại với đất nước, như đã nói.

Điều đó đã được thể hiện dưới dạng một phóng sự trong ba năm mà tôi đã sống ở (và viết phóng sự về) sáu bang khác nhau và mang tính đại diện của đất nước. Một bang ở ngoại vi; một bang khác giàu khoáng sản nhưng lại nghèo; một bang với nền nông nghiệp có hệ thống tưới tiêu và một bang khác thì phụ thuộc vào mùa mưa; và hai bang tương đối công nghiệp hóa. Ý tưởng là đi đến mỗi bang đó mà không có bất kỳ dự án về chủ đề định sẵn nào trước, tiếp xúc với tập thể những người đại diện dân cư ở đó để xác định những thay đổi lớn (về kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị hoặc sinh thái) mà họ đã quan sát thấy được trong thời gian từ năm đến bảy năm trước đó. Và cuối cùng là đi sâu tìm hiểu những diễn biến chính, để cố gắng tìm ra những quy trình ngầm chịu trách nhiệm về các diễn biến đó.

Tôi tự nhủ nếu thành công trong việc xác định được những hiện tượng chính tác động đến các bang đó, thì sẽ hiểu được ít nhất một phần những nhân tố định hình nước Ấn Độ ngày nay. Đó là những gì tôi đã làm. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Vào thời kỳ đó, tôi đã sống với chiếc ba lô trên lưng. Tôi đã đến viếng những vùng đất mà tôi chưa từng đến. Tôi đã kết bạn với hàng chục người bạn mới. Tôi đã học được rất nhiều điều. Trong quá trình này, tôi cũng gặp phải một vấn đề quan trọng hơn vấn đề khi tôi bắt đầu hành trình. Tôi nhận thấy từng bang đó đều không thành công trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và công lý cho người dân. Ở khắp nơi, chỉ có một nhóm nhỏ giới tinh hoa chính trị được hưởng lợi từ hệ thống so với những người khác. Ở khắp nơi, quyền lực chính trị đều nằm trong tay một số ít người. Ở khắp nơi, người dân đã phản ứng lại sự thất bại của các bang, bằng cách tự đồng nhất ngày càng nhiều với nhóm xã hội của họ.

Ở mỗi bang, chế độ dân chủ có vẻ như bị rối loạn chức năng. Và, trong một chừng mực lớn, đáp án cho tất cả các vấn đề trên dường như nằm ở các đảng phái chính trị. Các đảng phái này đã làm biến chất các tổ chức, để chúng chỉ hoạt động vì lợi ích của bản thân, tìm kiếm quyền lực chủ yếu để làm giàu cho bản thân. Điều đó đã xảy ra như thế nào, họ làm thế nào để duy trì được tính chính danh trong công chúng trong khi đã trở thành người tước đoạt, và người dân sẽ phản ứng như thế nào với sự thất bại của các bang, tất cả những vấn đề đó đã hiện lên trong đầu tôi.

Sáu bang mà ông mô tả trong cuốn sách đều có những vấn đề nghiêm trọng, thường khác biệt với nhau. Tuy nhiên, việc họ không có khả năng cung cấp một hệ thống chăm sóc y tế thích hợp cho người dân có thể được nhìn thấy ở khắp nơi, với những hậu quả mà người ta đang thấy hiện nay. Ông giải thích thế nào về sự thất bại của một trong hai nhân tố cấu thành động cơ cơ bản để phát triển xã hội (động cơ kia là giáo dục)?

Nguyên nhân thường được đưa ra để giải thích cho sự yếu kém của hệ thống chăm sóc y tế là thiếu năng lực quản lý và thiếu kinh phí. Trong hành trình của mình, tôi nhận thấy hai cách giải thích đó chỉ mang tính gần đúng hoặc hời hợt. Nguyên nhân cơ bản hơn cho sự yếu kém của hệ thống chăm sóc y tế nằm ở những quyết định được các đảng cầm quyền đưa ra. Lấy ví dụ bang Punjab chẳng hạn: bang thiếu trầm trọng bác sĩ phẫu thuật tim vì ngân sách y tế của bang không cho phép họ trả mức lương hấp dẫn. Và vì sao ngân sách bang lại thấp đến thế? Phần lớn là do nhiều hoạt động kinh tế chính của bang được đảng cầm quyền, Akali Dal, hút hết. Như tôi đã trình bày trong cuốn sách của mình, thu nhập từ các hoạt động kinh tế đó được chuyển thẳng vào tài khoản của đảng, chứ không phải vào ngân sách của bang.

Cuốn sách của ông chủ yếu đề cập đến sáu bang mà ông đã đi điều tra trên thực địa, nhưng phần kết luận của cuốn sách lại vẽ ra một bức tranh rộng hơn về chính quyền trung ương, kể từ khi Narendra Modi và đảng BJP lên nắm quyền. Kết luận của ông, được viết trước khi bùng phát làn sóng Covid-19 hiện tại, là rất đáng báo động về tương lai của nền dân chủ Ấn Độ. Ông có nghĩ rằng thảm họa y tế đang diễn ra có khả năng làm chuyển đổi tình hình chính trị và xã hội ở Ấn Độ không?

Hãy nhìn những gì tôi đã nói với ông về số đông đảo người chết mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi chưa từng thấy điều đó bao giờ cả. Điều gì sẽ xảy ra sau chấn thương tập thể to lớn này? Điều đó còn phải chờ xem. Hệ thống thông tin sai lệch của chính quyền trung ương đang lan truyền ý tưởng cho rằng chính người dân đã mất cảnh giác và do đó, chính họ, chứ không phải chính quyền, mới là người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi đang ở thời điểm mà không gia đình nào không mắc phải Covid. Ngày nay, hầu hết người Ấn Độ đều biết ai đó đã chết vì nó. Có rất nhiều người tức giận về hệ thống chăm sóc y tế sẵn có. Nói lên điều đó, tôi hy vọng là chúng tôi sẽ rút được những bài học kinh nghiệm đúng đắn. Tôi hy vọng người dân không còn ẩn mình trong cộng đồng của họ, tự thu mình lại, và cần phải biết yêu sách nhiều hơn từ các chính quyền.

Cuộc phỏng vấn do Patrick de Jacquelot thực hiện

ĐỌC THÊM

M. Rajshekhar, Despite the State – Why India lets its people down and how they cope [Bất chấp Nhà nước – Vì sao Ấn Độ bỏ rơi người dân và cách họ đối phó], NXB Westland Publications, 2021.

Bìa cuốn sách của tác giả Rajshekhar, “Despite the State – Why India lets its people down and how they cope [Bất chấp Nhà nước – Vì sao Ấn Độ bỏ rơi người dân và cách thức họ đối phó]”, NXB Westland Publications, 2021. (Nguồn: Westland Publications)

Giới thiệu tác giả

Patrick de Jacquelot

Patrick de Jacquelot

Patrick de Jacquelot là nhà báo. Từ năm 2008 đến hè năm 2015, ông là phóng viên cho các nhật báo kinh tế La Tribune (trong hai năm) và Les Echos (trong năm năm) ở New Delhi, bài viết của ông bao phủ các chủ đề như kinh tế, kinh doanh và chiến lược của các doanh nghiệp Pháp ở Ấn Độ, đời sống chính trị và ngoại giao, v.v.. Ông cũng đã viết nhiều bài phóng sự về Ấn Độ và các nước lân cận như Bangladesh, Sri Lanka và Bhutan cho hai tờ nhật báo nói trên, cũng như cho tạp chí phát hành hàng quý Chine Plus. Đối với trang Asialyst, ông viết tin về Ấn Độ và trong khu vực, và chủ trì chuyên mục “L'Asie dessinée” [Châu Á qua truyện tranh] nói về Châu Á.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Covid-19 en Inde: “des décès de masse” dont un “État obscurantiste est responsable”, Asialyst, ngày 15/05/2021.

Print Friendly and PDF