5.5.21

Kinh tế học: Ngành Không chịu Thay đổi

GIÁO DỤC

KINH TẾ HỌC: NGÀNH KHÔNG CHỊU THAY ĐỔI

Kinh tế học hành vi đã phủ nhận ý tưởng rằng con người hành động chỉ vì tính tư lợi duy lý. Vậy vì sao phần lớn sinh viên hầu như không học được gì về lĩnh vực này?

ANTARA HALDAR

ALEXANDER SPATARI / GETTY

Vào cuối thế kỷ XIX, một trong những nhân vật hư cấu lâu đời nhất mọi thời đại lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Không phải Sherlock Holmes cũng không phải Oliver Twist, mà là một nhân vật ít nổi tiếng hơn nhưng có lẽ là có ảnh hưởng hơn: Homo economicus.

Hiểu theo nghĩa đen đây là “con người kinh tế”, nguồn gốc của thuật ngữ Homo economicus hơi mơ hồ — các tài liệu ban đầu có thể truy vết đến [công trình của] nhà kinh tế học Oxford C.S. Devas ra mắt năm 1883, nhưng các đặc trưng của Homo economicus thì quá quen thuộc. Homo economicus là con người vô cùng duy lý, sở hữu cả năng lực nhận thức lẫn việc truy cập nguồn tin vô hạn, nhưng nó lại xuất hiện dưới bộ mặt đầy chất nam tính của Chàng chăn bò Marlboro: chỉ biết có bản thân, luôn coi trọng vật chất, và là một kẻ lang thang cực kỳ đơn độc. Được tạo ra nhằm nhân cách hóa những hành vi con người, những hành vi được giả định là hành vi duy lý trên thị trường, thuật ngữ Homo Economicus đã nhanh chóng thống trị lý thuyết kinh tế.

Daniel Kahneman (1934-)

Amos Tversky (1937-1996)

Nhưng sau đó vào những năm 1970, hai nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky đã có một khám phá to lớn. Những học giả này đã dựa trên chứng cứ tâm lý học để chỉ ra rằng các hành động con người đi chệch khỏi tính duy lý vững chắc của Homo Economicus trên mọi phương diện: Mọi người đều mắc những lỗi phán đoán có hệ thống, chẳng hạn như quá gắn bó với những gì họ sở hữu, nhưng họ cũng là những người hào phóng và biết cách hợp tác hơn so với những gì họ được công nhận. Những cái nhìn thấu này đã dẫn đến việc mở ra một chuyên ngành mới - kinh tế học hành vi. Cái tên này đã trở nên quen thuộc vào 10 năm trước, sau khi Cass Sunstein và Richard Thaler xuất bản cuốn sách bán chạy nhất Cú hích |Nudge|, và hai ông đã cho thấy cách hiểu mới này về hành vi con người có những hệ quả lớn ảnh hưởng lên chính sách ra sao. Năm ngoái [năm 2017], Thaler đã được giải Nobel Kinh tế học và hứa sẽ chi 1,1 triệu đô tiền thưởng “một cách phi lý nhất có thể”.

Cass Sunstein (1954-)

Nhưng cho dù có gióng trống giương cờ, Homo economicus vẫn là một phần ngang bướng lâu đời của chương trình giảng dạy kinh tế học. Mặc dù việc hầu hết các khoa kinh tế học đều có các khóa giảng về kinh tế học hành vi là điều hợp thời, nhưng các yêu cầu cốt lõi về kinh tế học tại nhiều trường cao đẳng, đại học thường chỉ giới hạn trong hai khóa học cơ bản — một khóa học về kinh tế học vi mô, xem xét việc các cá nhân đã tối ưu hóa các quyết định kinh tế ra sao và một khóa học khác về kinh tế học vĩ mô, tập trung vào thị trường quốc gia hoặc khu vực nói chung. Phần lớn không chỉ việc các môn học nghiên cứu về kinh tế học hành vi là được các sinh viên tùy chọn, mà các sách giáo khoa chuẩn được nhiều sinh viên đại học sử dụng tham khảo còn bị hạn chế về những phát hiện đột phá trong nghiên cứu hành vi. Cuốn Kinh tế học vi mô trung cấp |Intermediate Microeconomics| của Hal Varian chỉ dành 16 trong số 758 trang của nó cho kinh tế học hành vi, coi nó như một đốm sáng trong kế hoạch vĩ đại [để hiểu] về mọi thứ, [nhưng đây chỉ là] một “ảo ảnh quang học” |optical illusion|, thứ sẽ biến mất “nếu như mọi người dành thời gian để cân nhắc các lựa chọn một cách cẩn thận — bằng cách áp dụng thước đo của tính duy lý một cách bình tâm.” Cuốn sách giáo khoa chủ yếu về kinh tế học vĩ mô, do Gregory Mankiw viết, cung cấp các cách tiếp cận hành vi thậm chí còn ngắn hơn nữa, thể hiện qua việc hầu như không đề cập đến chúng.

Hal Ronald Varian (1947-)


Thay vào đó, phần lớn các khóa học mà sinh viên theo học ngành kinh tế học tập trung nhiều vào thống kê và kinh trắc học |econometrics|. Vào năm 2010, Học viện Tư duy Kinh tế Mới |Institute for New Economic Thinking| đã triệu tập một nhóm chuyên trách để nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế học ở những năm đầu đại học, tiếp nối một báo cáo từ năm 1991. Điều thay đổi trong những năm gần đây là sự phát triển của việc chuyên biệt về mặt hóa toán học và kỹ thuật |mathematical and technical sophistication|” không đủ để nuôi dưỡng những thói quen tìm tòi tri thức”. Hay có thể hiểu, Homo economicus đang phát triển mạnh mẽ trên những giảng đường và trong các sách giáo khoa trên khắp cả nước [Mỹ].

Sự phản kháng của các nhà kinh tế học trong việc kết hợp [kinh tế học dòng chính] với các cách tiếp cận hành vi có vẻ giống như là một sự quan tâm phù phiếm chỉ giới hạn trong tháp ngà, nhưng chính điều này lại gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Những gì sinh viên được dạy trong các lớp kinh tế học của họ có thể biến, một cách nghịch lý, các mô hình và biểu đồ được cho là gần đúng với thực tế thành những lý tưởng đầy cảm hứng. Hầu hết các chuyên ngành kinh tế lần đầu tiên được giới thiệu với Homo economicus để những sinh viên năm nhất ở cao đẳng, đại học có thể ấn tượng và nhập tâm các giá trị của nó: Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy việc tham gia các khóa học kinh tế học có thể khiến con người trở nên vị kỷ hơn. Các hệ quả nghiêm trọng hơn sẽ diễn ra bởi trên thực tế, một phiên bản kinh tế học chuyên nghiệp hơn, [quản trị] kinh doanh là chuyên ngành phổ biến nhất đối với sinh viên đại học ở Hoa Kỳ — khoảng 40% sinh viên đang đi học tham gia ít nhất một khóa học về kinh tế học ở đại học, cao đẳng. Kinh tế học hành vi đã bị giản lược hết cỡ và đây được coi như một sự sai lệch bởi việc [kinh tế học] dòng chính có ảnh hưởng lớn đến cách sinh viên hiểu thị trường và thế giới.

Sự chần chừ trong việc tiếp thu những kiến ​​thc kinh tế hc hành vi ca các nhà kinh tế hc ngày nay là điu đáng ngc nhiên, vì cho đến khi xuất hiện Homo economicus, sự viện dẫn tâm lý học trong việc giảng dạy kinh tế học là điều chuẩn mực. Ví dụ, tại Đại học Cambridge, trước khi khoa kinh tế học trở thành một khoa độc lập vào năm 1903, thì kinh tế học được giảng dạy cùng với tâm lý học và triết học. Chỉ sau Thế Chiến II, khi trọng tâm của ngành này dịch chuyển sang bên kia bờ Đại Tây Dương, sự đoạn tuyệt này mới trở nên rõ rệt như vậy. Bình minh của kỷ nguyên kinh tế học ở Mỹ đánh dấu một cam kết mạnh mẽ hơn đối với phân tích toán học, loại trừ tất cả những thứ khác.

Sự thay đổi sâu rộng này trong chương trình giảng dạy kinh tế đã dẫn đến một bộ môn vừa vô bổ, vô cảm và thiếu nhịp điệu cảm xúc — vừa tỏ ra kém hiệu quả trong việc giải thích và dự đoán. Chính xác thì các nhà kinh tế học đã thất bại nặng nề trong việc dự đoán những sự phát triển thích hợp [của thị trường] trong những năm gần đây: Nói chung, ngành này đã bị bất ngờ trước cuộc Đại Suy thoái vào năm 2008 và nó đã chậm chân trong việc nhận ra sự gia tăng chóng mặt của tình trạng bất bình đẳng. Nó thậm chí còn không được trang bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi long trời lở đất sắp xảy ra, chẳng hạn như những tác động ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu hoặc những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động lên người lao động như thế nào. Với việc khuếch đại vai trò của các chuyên gia kinh tế học ở mọi cấp của quá trình hoạch định chính sách, khoảng cách tách biệt giữa kinh tế học với thực tế đang ngày càng trở nên đáng báo động.

Antara Haldar

Việc khiến cho kinh tế học hành vi trở thành môn học bắt buộc không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho ngành kinh tế học, nhưng khi làm như vậy, sẽ hữu ích trong việc khuyến khích sinh viên suy nghĩ về việc xây dựng các mô hình kinh tế xoay quanh con người hiện thực hơn là xoay quanh bức tranh biếm họa của Homo economicus. Nếu như có một bài học sâu sắc hơn rút ra từ cuộc cách mạng hành vi, thì đó là những sai lệch trong hành vi của con người khiến việc mô hình hóa những thay đổi không chờ đợi của hành vi con người như một khoa học thuần túy trở nên vô cùng khó khăn, và các nhà kinh tế học có rất nhiều điều để học hỏi từ các ngành khác, bao gồm cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Điều này có thể là một liều thuốc khiêm tốn cho các nhà kinh tế học, nhưng nó sẽ làm phong phú nền giáo dục mà sinh viên của họ nhận được lẫn những triển vọng của họ trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong thế giới thực.

Bởi vì những tin đồn về sự cáo chung của Homo economicus đã được phóng đại lên rất nhiều, nên các vị giáo sư kinh tế học ngày nay vẫn có cơ hội để loại bỏ hoàn toàn và mãi mãi nhân vật cổ xưa này.

ANTARA HALDAR là giáo sư luật tại Đại học Cambridge [Vương quốc Anh].

Nguyễn Trần Trà Giang & Nguyễn Việt Anh dịch

Source: Economics: The Discipline That Refuses to Change, The Atlantic, Dec 14, 2018.

Print Friendly and PDF