23.5.21

Trần Việt Phương: “Bàng hoàng khi bước vào Đại học”

“BÀNG HOÀNG KHI BƯỚC VÀO ĐẠI HỌC”[*]

Trần Việt Phương

Lời nói đầu. Ngày 6 tháng 5, 2021, kỷ niệm ngày mất thứ 4 của nhà thơ, nhà văn hóa, nhà chính trị Trần Việt Phương. Mười một năm trước (2010) ông đã cùng tham gia Kỷ yếu ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM:

KỶ YẾU ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM

Đó là niềm vui và vinh dự lớn cho chúng tôi, làm cho số Kỷ yếu trở nên thêm phần trang trọng và súc tích. Cảm giác “bàng hoàng” của ông khi bước vào đại học giống như cảm giác tôn kính của nhiều sinh viên khi bước vào đại học hay thư viện, những thánh đường học thuật vĩ đại ở châu Âu. Đại học, như nhà triết học J. G. Fichte nói, là “tài sản thiêng liêng nhất mà nhân loại có được.” Có lẽ ông đã có sự cảm thụ sâu sắc về đại học nên mới có được cảm giác bàng hoàng, chứ không phải xem đại học chỉ là “bộ máy” để sản xuất ra những sản phẩm của nó.

Dưới đây tôi xin đăng lại bài viết đó để kỷ niệm và tưởng nhớ ông. Sau số Kỷ yếu, tôi có dịp một lần gặp ông tại Hà Nội vào một buổi tối, có cả chị Phạm Chi Lan (tôi cũng lần đầu tiên gặp gỡ), anh Lê Đăng Doanh và nhiều sĩ phu khác. Lúc đó tôi được biết rằng ông sống chay trường. Lúc đó tôi mới cảm nhận được nhân cách lớn của ông. Ông nổi tiếng với những tập thơ Cửa mở năm 1970 và Cửa đã mở năm 2008.

Ngoài ra ông cũng đã tham gia Kỷ yếu mừng Đặng Đình Áng 80 tuổi năm 2006. Hai người từng là bạn học thân thiết của trường Bưởi (Chu Văn An), cả hai đều thích toán, nhưng rồi sau đó phải chia tay kẻ bắc người nam. Năm 1975, khi vào Sài gòn, người đầu tiên ông đến thăm là Đặng Đình Áng đang sống căn hộ đường Duy Tân, giờ là Phạm Ngọc Thạch. Ông tin rằng, nhà thơ và nhà toán học, bản chất, rất gần gũi nhau. NXX

Trần Việt Phương (1928-2017). (Ảnh từ báo Vietnamnet)

Đầu năm 1945, tôi đang học dở dang trung học phổ thông thì phải ngừng học, từ đó đến nay tôi chỉ tự học, chứ không được theo học ở một trường, một lớp nào cả. Cách đây 66 năm, mùa hè năm 1944, lần đầu tiên tôi được đến một trường đại học, là trường Đại học Hà Nội. Ít lâu sau thì tôi biết rằng đó là một trường đại học rất nhỏ bé và nghèo nàn, nhưng trong lần đầu gặp gỡ, tôi choáng ngợp trước vòm trần cao vút ở sảnh chính của trường và trước giảng đường có bậc, khác hẳn lớp học trường phổ thông. Trường đại học bấy giờ đối với tôi chói ngời ánh sáng, uy nghiêm, cao cả, thiêng liêng, huyền bí, như thánh đường chứ không phải học đường. Ấn tượng sâu đậm thời non trẻ ấy theo tôi suốt cả cuộc đời.

Có thể sự miệt mài tự học là một trong những cơ duyên đã khiến cho từ hơn nửa thế kỷ nay, tôi có những dịp đến nhiều trường đại học, chưa bao giờ có được tư cách sinh viên, mà lại vội vàng quá sớm mang tư cách là thuyết trình viên một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.

Trong tiến trình học hỏi về giáo dục và về đại học, tôi có một kỷ niệm thấm thía. Anh Tạ Quang Bửu, một nhà trí thức, một thầy giáo, một người tổ chức giáo dục, từng làm Bộ trưởng Bộ đại học nước ta, là người tôi quý mến và thân thiết. Cách đây chừng 40 năm, một lần anh Tạ Quang Bửu nói với tôi một nhận định mà tôi nhớ nguyên văn từng lời và luôn luôn ghi lòng tạc dạ:

“Con người biết đọc biết viết là người thoát nạn mù chữ. Con người nghiêm chỉnh học tập và nghiên cứu ở trường đại học, khi tốt nghiệp đại học là người bắt đầu thoát nạn mù nghĩa. Từ đó, con người phải được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, học tập suốt đời, chủ yếu là tự học hành, tự nghiên cứu, qua các bậc trên đại học, vươn lên những đỉnh cao trí tuệ và sáng tạo khoa học mà loài người đạt đến trong từng chặng đường lịch sử.”

Là một người tự học, tôi có một mong muốn riêng, có lẽ là sai lầm, nhưng chân thực hình thành từ tâm trí và máu thịt của mình: Mong sao trường đại học tạo cho người học những cơ hội, những thử thách, những trải nghiệm, sự đánh giá, sàng lọc và lựa chọn giống như ở trường đời, cũng giàu thực tế và thực tiễn, cũng thấm đẫm sự phong phú, phức tạp, tinh diệu của trường đời, chỉ khác là có chương trình, có bài bản, có phương pháp của khoa học hiện đại.

Mấy chục năm nay, càng hiểu thêm về vai trò của khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo trong công cuộc phát triển của từng dân tộc, của mỗi quốc gia, của cả loài người, càng hiểu thêm về những đòi hỏi cơ bản đối với giáo dục và đại học, tôi càng dằn vặt, day dứt, cố hết sức đóng góp chút ít cùng biết bao anh chị em tìm kiếm giải pháp khắc phục những khuyết tật, yếu kém, sai lệch, hư hỏng trong nền giáo dục và nền đại học nước nhà.

Năm nay 82 tuổi, trong một góc thầm kín con người tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác bàng hoàng của người thanh niên 16 tuổi 66 năm trước lần đầu tiên được bước vào thăm một trường đại học.

Nếu được nói ngắn gọn điều tôi ấp ủ về giáo dục và đại học, thì tôi xin nói rằng: Tôi kính trọng, cảm phục, ngưỡng mộ, biết ơn những người đã tạo dựng thành công nền giáo dục và nền đại học hiện đại tiên tiến của loài người. Tôi tha thiết mong chờ và có niềm tin, dẫu là tin ngây thơ, vào bước tiến trong những năm sắp tới của nền giáo dục và nền đại học Việt Nam.

Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 2010

Lời bạt

Xin nói thêm, nhà thơ Trần Việt Phương không phải là Phật tử theo nghĩa thường, nhưng có triết lý sống rất đượm màu Phật giáo. Để hiểu thêm nhân cách, đời sống văn hóa, và sức mạnh nội tâm của ông, xin giới thiệu bài đăng trên trang Facebook của Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập và điều hành mạng Vietnamnet một thời, trong đó có bài phỏng vấn của doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo với Trần Việt Phương (2011) về ảnh hưởng của Phật giáo lên ông:

https://www.facebook.com/TuanBGF/posts/10225001358719161

Nguồn: Trần Việt Phương: “Bàng hoàng khi bước vào Đại học”, Rosetta.vn, 8 Tháng Năm, 2021




Chú thích:

[*] Tiêu đề do chúng tôi (Rosetta.Vn) đặt.

Print Friendly and PDF