31.5.21

Mức sinh bị ngưng trệ, có lẽ Trung Quốc không còn là nước đông dân nhất thế giới

MỨC SINH BỊ NGƯNG TRỆ, CÓ LẼ TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ NƯỚC ĐÔNG DÂN NHẤT THẾ GIỚI

Tác gi: Pierre-Antoine Donnet

Tỷ suất sinh của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Sự kết thúc của chính sách một con vào năm 2015 đã không giúp gây ra một sự bùng nổ mức sinh. (Nguồn: SCMP)

Tiếng đồn râm ran ngày càng mạnh ở Bắc Kinh. Việc trì hoãn thông báo số liệu của Cục Thống kê quốc gia tiếp sức cho tiếng đồn này. Mức sinh sản đang hạ thấp và có lẽ Trung Quốc không còn là nước đông dân nhất thế giới, bị thay thế bởi Ấn Độ. Tình trạng chưa hề xảy ra này là rất quan trọng, vì nếu nó được kiểm chứng thì nó sẽ xác nhận điều người ta đã nghi ngờ bấy lâu: Trung Quốc sẽ không còn khả năng chi trả tiền hưu trí. Hiện tượng này lt ngược tình hình trên phương diện địa chiến lược: “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình có bị nguy hại không?

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã hứa sẽ thông báo vào ngày 10 tháng tư các kết quả đang được hết sức mong chờ của cuc tổng điều tra dân số quốc gia được thực hiện năm 2020. Cứ mỗi mười năm, các số liệu phải xác định dân số của cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới này. Thế nhưng đã không có gì cả. Từ đó có sự nghi ngờ có thể nhng số liệu này hàm chứa nhiều tai họa hơn dự kiến. Sau nhiều tuần có những suy luận như vậy, Cục Thống kê quốc gia lại một lần nữa trễ hạn, càng nung nấu thêm giả thuyết về một cuộc khủng hoảng dân số sâu sắc hơn dự đoán, với những hậu quả nặng nề về xã hội, kinh tế và địa chính trị đối với Trung Quốc vừa mới phục hưng của chủ tịch Tập Cận Bình, đã già nua trước khi giàu có.

Điều đó có nghĩa là các số liệu rất xấu. Và Cục Thống kê cần có thời gian đề điều chỉnh chúng”, những người sử dụng mạng Weibo, mạng tương đương với Twitter ở Trung Quốc đã chế giễu như vậy, theo trích dẫn của Le Figaro.

Ngày 29 tháng tư, South China Morning Post đã khẳng định là dân số Trung Quốc đã tiếp tục gia tăng năm 2020. Nhật báo Hồng Kông này viện dẫn rằng Cục Thống kê Quốc gia đã phủ nhận một sự thụt lùi (dân số - ND) đầu tiên từ 60 năm nay. Cải chính này là một sự đáp trả một bài báo ny lửa trên Financial Times ngày 27 tháng tư. Theo nhật báo Anh Quốc này, dân số Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm như miếng da lừa, sự sút giảm đầu tiên kể từ nạn đói lớn do cuộc Đại Nhảy Vọt gây ra trong thời kỳ Mao Trạch Đông, khiến 40 triệu người Trung Quốc chết.

MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG DÂN SỐ “VƯỢT KHỎI SỨC TƯỞNG TƯỢNG”

Yi Fuxian

Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận, sự sút giảm (dân số - ND) dường như có thực bởi vì “sự nghiêm trọng của khủng hoảng dân số ở Trung Quốc vượt khỏi sức tưởng tượng, và các viễn cảnh kinh tế u ám hơn nhiều so với những dự đoán của các nhà kinh tế”, Yi Fuxian, chuyên viên nghiên cứu Đại học Wisconsin - Madison nhận định, do nhật báo Pháp dẫn lại. Theo nhà nhân khẩu học này, dân số đã sụt giảm từ năm 2018: nó đã ở dưới mức 1,28 tỷ dân, cách xa con số 1,4 tỷ do chính quyền (Trung Quốc – ND) đưa ra và được các tổ chức quốc tế dẫn lại.

Bằng cách đốt giai đoạn, “xưởng máy của thế giới” đối mặt với những thách thức nặng nề đe dọa “giấc mộng Trung Hoa” phục hưng của chủ tịch Tập, nhật báo Le Figaro nhấn mạnh. Thường thường, các nước phát triển đạt đến giai đoạn dân số già khi họ đã có mức thu nhập cao chừng 30.000 đô la Mỹ/người/năm. Trung Quốc, thu nhập chỉ có 10.000 đô la Mỹ/người/năm, nghĩa là bốn lần thấp hơn thu nhập của dân Pháp, mà phải đối phó với sự gia tăng sắp tới của những bệnh của người già, trong một hệ thống mà Nhà nước phúc lợi còn thô sơ.

Sự sụt giảm dân số không thể tránh khỏi cũng là một thách thức địa chính trị nặng nề vào lúc Bắc Kinh khẳng định những tham vọng toàn cầu dưới quyền hành của Tập, người triệt để bênh vực cho một chủ nghĩa dân tộc không mặc cảm. Những số liệu suy thoái (dân số - ND) này mâu thuẫn với hình ảnh một nước Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ theo dự kiến của nhà cầm quyền, họ dùng qui mô của thị trường của họ để thu hút các nhà đầu tư và đôi khi để hù dọa các đại sứ quán.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG QUỐC BỊ NGƯNG LẠI?

Gideon Rachman (1963-)

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với ý nghĩa của sự sụt giảm dân số này. Ví dụ như Gideon Rachman đã phản ứng với cuộc bút chiến về tình trạng dân số của Trung Quốc trên báo Financial Times ngày 3 tháng năm. Đối với nhà báo người Anh này, điều đã từng đúng với các cường quốc cho đến thế kỷ XX không còn đúng nữa vào thế kỷ XXI. Chiến tranh ngày càng có tính chất công nghệ, dựa trên các drone không người lái, và không còn cần nhiều đội quân chính qui như trước đây, vốn đã tạo nên lợi thế chiến lược cho những nước đã trải qua một cuộc bùng nổ dân số.

Trung Quốc đang - nếu không phải đã thực hiện - nhường ngôi vị quốc gia đông dân nhất thế giới cho Ấn Độ. Từ đây cho đến cuối thế kỷ, đất nước của Narenda Modi (thủ tướng Ấn Độ - ND), theo các dự báo của Liên Hiệp Quốc, sẽ có gần 1,5 tỷ dân, so với 1 tỷ của Trung Quốc – một vài nghiên cứu còn nêu ra con số 800 triệu dân. “Nhưng kinh tế của Ấn Độ chỉ bằng 20% kinh tế của Trung Quốc, Gideon lập luận. Như vậy hố ngăn cách về sự giàu có và sức mạnh sẽ không nhanh chóng được khỏa lấp.” Cuối cùng, Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển tiếp dân số như các cường quốc Đông Bắc Á: Nhật Bản đã đạt mức dân số tối đa năm 2010 với 128,5 triệu dân. Từ lúc đó trở đi, dân số Nhật Bản giảm liên tục và có thể chỉ còn 75 triệu dân vào cuối thế kỷ, theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc. Hàn Quốc cũng có xu hướng tương tự.

Mặt khác, Gideon Rachman tiếp tục, “Hơn cả qui mô dân số, chính cơ cấu dân số của Trung Quốc mới là thách thức thực sự”. Từ đây đến năm 2040, khoảng 30% dân số sẽ trên 60 tuổi. Dân số lao động trẻ ít đi và phải nuôi sống nhiều người già hơn, điều này làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế, nhà báo này thừa nhận. “Chắc chắn Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt mức thu nhập trên đầu người như nước Mỹ. Nhưng ngay cả khi của cải của một người Trung Quốc trung bình bằng một nửa của người Mỹ trung bình, thì kinh tế của Trung Quốc vẫn vượt kinh tế Mỹ”, ông nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, sự già hóa nhanh chóng của dân số Trung Quốc rõ ràng gây lo lắng cho ngân hàng trung ương ở Bắc Kinh, nhật báo South China Morning Post nhận định như vậy. Hệ thống trợ cấp hưu trí có chịu đựng được sự sút giảm này không? Hưởng ứng thể chế tài chính này của Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu rất chính thống của nhà nước cũng kéo còi báo động: cần cấp bách hủy bỏ chính sách hạn chế sinh sản và cần tích cực khuyến khích người dân Trung Quốc sinh con! Thật vậy, sự kết thúc của chính sách một con vào năm 2015 đã không giúp gây ra một sự bùng nổ mức sinh.

NGƯỜI TRUNG QUỐC KHÔNG MUỐN SINH CON NỮA

Với những số liệu dân số sai lệch, Trung Quốc đã đánh lừa các nước khác và các nhà đầu tư, biến một con mèo già bệnh hoạn thành một con sư tử đầy sinh khí”, Yi Fuxian nhấn mạnh. Vấn đề cốt lõi là người Trung Quốc không muốn sinh con nữa. “Phần đông những người trẻ, nam cũng như nữ, chỉ muốn có một con, hay hoàn toàn không có con”, nhà nhân khẩu học nêu rõ. Một cuộc đảo lộn được minh họa bởi sự gia tăng tuổi kết hôn trong vòng một thập kỷ, từ 23 tuổi năm 2010 lên 28 tuổi năm 2020, và được đánh dấu bởi sự va chạm giữa các tập tục truyền thống và sự nâng cao giá cả sinh hoạt.

Tại Trung Quốc, mua một căn hộ và một xe hơi là điều kiện tiên quyết của hôn nhân. Nhưng giá cả bất động sản và áp lực xã hội làm nản lòng những người trẻ”, Yi Fuxian phân tích thêm. Mà trong một xã hội còn mang tính chất truyền thống như ở Trung Quốc, việc sống chung không kết hôn lại bị chê bai.

Trong những tuần vừa qua, nhiều tiếng nói quan trọng của phái nữ quyền Trung Quốc đã bị dập tắt, với việc ồ ạt đóng nhiều tài khoản của họ trên các mạng xã hội Trung Quốc. Lý do: Một vài nhóm nữ quyền bác bỏ hôn nhân và sinh sản. Đây là điều không thể chấp nhận trong mắt chính phủ Trung Quốc, vì đối với họ, hôn nhân dị giới vẫn là một mũi nhọn của sinh sản vào lúc suy giảm nhân khẩu của Trung Quốc.

Về Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Cựu phóng viên của AFP (Agence France-Presse – Hãng Thông tấn báo chí Pháp), Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng 15 tác phẩm về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và về những thách thức quan trọng ở châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên thường trú ở Bắc Kinh này đã xuất bản tác phẩm “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ]” do nhà xuất bản Éditions de l'Aube ấn hành. Ông cũng lá tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif” – Tây Tạng, chết hay là sống – nhà xuất bản Gallimard ấn hành năm 1990 và tái bản năm 2019 với một ấn bản được cập nhật và bổ sung.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:En panne de naissances, la Chine n’est peut-être déjà plus le pays le plus peuplé au monde, Asialyst, 5.5.2021

Print Friendly and PDF