PHỎNG VẤN
ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC: “REMEMBER OUR SISTER” CỦA JO HAYOUNG HAY BI KỊCH CỦA CÁC “CAMP TOWNS”
Tác giả: Gwenaël Germain
Trích từ
phim “Remember our Sister" của Jo Hayoung. Hàn Quốc, 1980, bé gái Hong làm
việc trong một ngôi làng phục vụ cho thú vui của các lính Mỹ. (Credits: Jo
Hayoung)
Một bi kịch không được biết đến. Ngay từ những năm 1950 tại Hàn Quốc, có những ngôi làng đã tập trung các nhà chứa và những nơi “thư giãn” khác dành cho binh lính Mỹ. Tên của những ngôi làng này: Camp Towns. Những ngôi làng này do chính phủ Hàn Quốc trực tiếp tổ chức và cấm mại dâm ở ngoài các làng này. Ở đây đã có hàng chục ngàn phụ nữ trẻ bị buộc làm mại dâm. Trước tiên là phụ nữ Hàn Quốc, rồi sau đó là những phụ nữ từ khắp châu Á, họ đã trải qua một cực hình mà mọi người đều chấp nhận mãi cho đến những năm 2000. Hy sinh của họ được cho rằng để bảo vệ thường dân tránh khỏi những tội về tình dục mà binh lính Mỹ có thể phạm phải. Từ câu chuyện bi thảm này, nữ đạo diễn Jo Hayoung, 25 tuổi, đã thực hiện một bộ phim có độ dài trung bình gây xúc động đến xót xa, Remember our Sister. Vở nhạc kịch này được quay phù hợp với trẻ em đã đạt giải phim ngắn hay nhất năm 2022 tại Liên hoan phim Hàn Quốc tại Paris (FFCP). Năm nay phim này được chiếu lại tại một buổi đặc biệt mang tên “Fly Asiana”. Gặp gỡ với một nhà làm phim trẻ với niềm tin mãnh liệt và tài năng nổi bật.
Năm trước, chị đã cảm thấy thế nào khi được biết là chị đã đạt giải thưởng phim ngắn hay nhất tại Liên hoan phim Hàn Quốc ở Paris FFCP?
Jo Hayoung: Tôi hoàn toàn không tưởng tượng được việc nhận giải thưởng này và tôi rất ngạc nhiên. Vào lúc tôi biết tin này tôi đang cùng một người bạn gái và cả hai chúng tôi đã reo lên. Chúng tôi đã vô cùng sung sướng. Sau đó tôi tự nhủ rằng công chúng Paris đã yêu thích phim của tôi và điều này làm cho tôi rất hạnh phúc. Điều này đã là động lực cho tôi có thể thực hiện các dự án tiếp theo của tôi.
Kỷ niệm đầu tiên của chị về điện ảnh là gì?
Kỷ niệm đầu tiên của tôi là một kỷ niệm khá vui. Đó là lúc tôi học lớp năm, lúc đó chưa có điện thoại thông minh và tôi đã lấy một máy quay video xách tay cũ ở nhà để quay bộ phim đầu tiên của tôi. Vì tôi cũng không có phần mềm dựng phim, nên cứ mỗi lần mà tôi quay một cảnh, tôi ấn lên nút dừng, và quay tiếp với cảnh kế tiếp [có tiếng cười]. Đó là một phim kinh dị nói về bạo lực học đường. Tôi theo câu chuyện của một “Gwishin” [một loai ma Hàn Quốc, ghi chú của biên tập viên] trong một câu chuyện trả thù và tôi là người đóng vai con ma này! Tóc của tôi hoàn toàn bung ra và tôi đột nhiên xuất hiện trước ống kính [có tiếng cười].
Những ảnh hưởng của điện ảnh đối với chị là gì?
Đạo diễn yêu thích của tôi là người Nhật, ông tên là Nakashima Tetsuya [Kamikaze girls (2004), Memories of Matsuko (2006), The world of Kanako (2014), Ghi chú của biên tập viên]. Tôi cũng rất thích Michel Gondry.
Trong thời gian liên hoan phim, cuốn phim tài liệu đầu tiên của chị, Sister’s room đã được chiếu. Đâu là nguồn gốc phát sinh của phim này?
Đó không phải là một dự án cho học đường. Điều đó xuất phát từ một ý tưởng, từ mong muốn nói về không gian của tôi và của những phụ nữ.
Trong cuốn phim đầu tiên này, ta cảm nhận một ảnh hưởng lớn của các chủ đề của thời đại. Chị đã quay phim này sau một vụ thảm sát phụ nữ xảy ra tại trạm tàu điện ngầm Gangnam năm 2016, đã gây chấn động tại Hàn Quốc. Sự kiện bi thảm này đã ảnh hưởng đến công việc của chị đến mức độ nào?
Vì tôi sống ở Hàn Quốc nên tất nhiên tôi chịu ảnh hưởng của những điều xảy ra trong xã hội và vấn đề là tôi muốn biết tôi đang sống trong một môi trường nào.
Chị có vẻ rất lo lắng về an toàn của khu vực mà chị của chị dọn đến. Đặc biệt, chị nhắc lại nhiều về sự hiện diện của các Love Hotels. Có tồn tại một rủi ro đặc biệt nào không khi cư trú gần những nơi này?
Người ta nói rằng an ninh ở Hàn Quốc không thua kém gì các nước khác. Người ta còn thường nói rằng chúng tôi may mắn hơn về vấn đề an ninh trong không gian công cộng. Nhưng khi ta xem thời sự với tư cách là phụ nữ ta có một cái nhìn khác. Không phải vì các nhà nghỉ là đặc biệt nguy hiểm, mà ngược lại vì một số bạo lực hay quấy rối tình dục mà tôi đã gặp phải đã diễn ra trong những không gian quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong metro hay trên xe buýt. Đó là những nơi mà tôi đã thực sự trải qua những thứ như vậy và vì nó xảy ra ở những nơi quen thuộc hàng ngày, tôi thấy rằng những nơi này còn làm cho chúng tôi sợ hãi hơn. Vì những khu vực với nhà nghỉ ít quen thuộc với chúng tôi hơn. Hơn nữa, chị tôi không những dọn đến một khu vực có nghà nghỉ, mà còn không xa một nhà ga. Trạm Gangnam thường xuyên tiếp nhận rất nhiều người. Vậy mà chính ở nơi đó đã xảy ra vụ giết người. Điều đó khiến chúng tôi nghĩ rằng dù sao xã hội Hàn Quốc cũng có một phần nguy hiểm đối với phụ nữ.
“Sister’s
Room" của nữ đạo diễn Jo Hayoung là một phim tài liệu về các không gian sống
của phụ nữ Hàn Quốc. (Nguồn: Jo Hayoung)
Cuốn phim ra đời năm 2018 và từ đó, phong trào #Me Too đã tiến triển. Chị có nghĩ rằng tình hình đã thay đổi đối với các vấn đề bạo lực tình dục tại Hàn Quốc?
Vâng. Tôi nghĩ điều đã thay đổi nhất, chính là những từ ngữ mà chúng ta dùng. Đã có một thay đổi to lớn về vấn đề bạo lực và quấy rối tình dục. Trước Covid ta đã nói rất nhiều về #MeToo và điều đó đã có một sự cộng hưởng không tưởng tượng được. Nhưng sau giai đoạn Covid, khi sử dụng lại các phương tiện giao thông công cộng, tôi đã không còn bị tình trạng quấy rối tình dục như vậy nữa. Tôi thấy điều này thật đáng ngạc nhiên. Từ đại dịch đến nay, tôi có cảm giác những người có quyền, nam cũng như nữ, rất chú ý đến những gì họ nói. Họ quan tâm nhiều hơn đến phân biệt giới tính và do đó họ chú ý đến lời nói của họ. Và đó là một thay đổi thực sự.
Vấn đề nữ quyền dường như cũng đã thay đổi. Ta có cảm tưởng chính thuật ngữ “nữ quyền” ít được chấp nhận hơn, ít được thế hệ mới ủng hộ so với năm 2018?
Tôi nghĩ rằng điều đó thuộc về một trào lưu, đi theo dòng chảy của nó. Bởi vì năm 2016, lúc xảy ra vụ giết người ở trạm Gangnam, người ta không biết chính xác nữ quyền là gì. Lúc đó người ta mới ở điểm khởi đầu. Do đó, chính từ ngữ này cũng làm người ta hơi e ngại. Nữ quyền hầu như được cho là một sự lăng nhục và ta gặp khó khăn trong diễn đạt điều ta muốn nói. Từ năm 2018 và từ phong trào #Me Too, tôi nghĩ rằng đã có một ý chí chân thành để bày tỏ và ta đã có thể nắm lấy từ ngữ này.
Ngày nay, tôi nghĩ rằng ta đã hiểu nữ quyền là gì và đã có ít nhiều trật tự trong đó. Bây giờ điều này làm cho ta nhìn các các sự việc một cách khác.
Chị đã tham gia vào một hội bảo vệ các quyền của phụ nữ. Chị có thể nói qua cho chúng tôi về hội này không?
Ở Seoul có một khu vực nóng mà ta gọi là “khu đỏ”. Với một hội tranh đấu cho các quyền của phụ nữ, người ta đem đến cho các phụ nữ những vật dụng mà họ cần và gặp họ để hỏi có thể giúp họ như thế nào, trong một chương trình mang tên “How to reach” (Tạm dịch “Làm sao để tiếp cận”). Tôi đã bắt đầu chú ý đến cái vòng lẩn quẩn vốn bóc lột những phụ nữ này và thế là ý tưởng về phim Remember our Sister đã nảy sinh mầm mống.
Trích
phim “Remember our Sister" của nữ đạo diễn Jo Hayoung. Người chị của Hong là
gái mại dâm tại quán Jasmine, một câu lạc bộ của binh lính Mỹ. (Nguồn: Jo
Hayoung)
Vấn đề các Camp Towns kéo dài gần 60 năm. Tại sao lại chọn thời điểm của cuốn phim là những năm 1980 và tại sao lại quay phim ở chính những nơi chốn của một Camp Town cũ?
Phim diễn ra trong những năm 1980 nhưng Camp Town Dongducheon nơi chúng tôi quay phim đã mở mang trong những năm 1960-1970. So với ngân sách và khả năng dàn dựng của chúng tôi thì dựng phim trong những năm 1960 là quá phức tạp. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào những năm 1980. Lúc đầu, chúng tôi đã cho rằng vấn đề cần biết là chúng tôi phải xây dựng bối cảnh dàn dựng hay không nhưng vì các căn cứ Mỹ khác nhau ở Seoul đều đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác, chỗ này trống và việc xin sử dụng những nơi này đã dễ dàng hơn nhiều cho chúng tôi. Tôi cũng nghĩ rằng sức mạnh của điện ảnh nằm ở năng lực lưu trữ các không gian và trình bày như thực trạng của chúng. Chính vì vậy mà chúng tôi đã quyết định quay những không gian bên ngoài ngay tại chỗ. Cũng như vậy đối với quán Jasmine vì chúng tôi đã quay phim trong một câu lạc bộ cũ nay đã đóng cửa. Chúng tôi đã chỉnh hình lại và phục dựng một ít cho nhu cầu của phim. Chúng tôi còn tìm thấy một nghĩa trang nhỏ nơi chôn cất những cô gái mại dâm trước đây. Nhưng chúng tôi thấy không được đạo đức cho lắm nếu quay trên những nấm mồ và thế là chúng tôi đã dựng lên một nghĩa trang nhỏ đàng sau trường học.
Mặt khác, nếu người ta hỏi tôi tại sao lại chọn kể một câu chuyện trong quá khứ thay vì một câu chuyện của hiện tại, chính vì hiện nay còn tồn tại rất nhiều cuộc chiến trên thế giới. Hai nước Triều Tiên về phương diện chính thức vẫn còn chiến tranh. Chúng tôi chưa ký hiệp ước đình chiến mặc dù đã có ngừng bắn. Các sự việc vẫn có thể lặp lại. Qua phim này tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng điều đó đã xảy ra và có thể trở lại nữa. Chúng ta có xu hướng quên lãng phần này của lịch sử.
Xem đoạn phim giới thiệu Remember our sister:
Cuộc sống hàng ngày của những phụ nữ trẻ này ra sao?
Điều đó không xuất hiện trong phim của tôi nhưng tôi muốn nói đến những xét nghiệm về các bệnh hoa liễu. Những phụ nữ làm việc trong các Camp Towns này được thường xuyên xét nghiệm về các bệnh lây qua đường tình dục. Nếu xét nghiệm là dương tính, họ sẽ được đưa đến nơi mà người ta gọi là những “Monkey house” [“Nhà của khỉ”, một loại trung tâm giam giữ cách ly thô sơ – Ghi chú của biên tập viên]. Ở đó, những phụ nữ này bị buộc phải tiêm penicillin và trong số đó nhiều người đã chết vì bị sốc thuốc. Những người đàn ông của quân đội Mỹ không được xét nghiệm và những bệnh lây qua đường tình dục không được kiểm soát. Do đó phụ nữ bị nhiễm bệnh nhiều lần và đã chết. Rất nhiều tiền đã được tiêu tốn trong các Camp Towns ở Hàn Quốc nhưng các phụ nữ ở đó đã bị bóc lột về tình dục và không thể thoát khỏi nghèo khó. Chỉ có những tên ma cô và Nhà Nước là giàu lên. Những bé gái vị thành niên bị bắt cóc và bị bóc lột về mặt tình dục, nhiều phụ nữ đã bị giết nhưng Hàn Quốc và Mỹ chấp nhận điều đó. Gần đây, và là lần đầu tiên, một phán quyết tòa án đã được tuyên bố, thừa nhận những thiệt hại gây ra cho các phụ nữ ở các Camp Towns. Tuy nhiên sự an toàn cho phụ nữ tại các khu vực đỏ vẫn không hề được bảo đảm, khi đơn giản là họ bị trục xuất đến những con đường khác trong khuôn khổ của kế hoạch chỉnh trang lãnh thổ.
Chị có những dự án gì?
Gwenaël Germain |
Hiện nay, tôi có dự án kể một câu chuyện vừa dưới dạng một cuốn phim và đồng thời cũng chuyển thể nó dưới dạng một vở kịch. Tôi cũng đang chuẩn bị hai phim ngắn, một về môi trường và một về bản sắc gia đình đang thay đổi vì sự sút giảm nghiêm trọng của mức sinh tại Hàn Quốc.
Về tác giả Gwenaël Germain
Gwenaël Germain ghi lại nội dung
Phiên dịch: Kim Yejin
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Cinéma coréen: ‘Remember our sisters’ de Jo Hayoung la tragédie des ‘Camp Towns’”, Asialyst, 9.12.2023.
BỐI CẢNH Liên hoan thứ 18 phim Hàn Quốc ở Paris (Festival du Film Coréen à Paris -FFCP) đã diễn ra từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 7 tháng 11 tại rạp chiếu phim Publicis. Hàng năm, liên hoan phim trình chiếu cho khán giả Pháp một hợp tuyển những phim Hàn Quốc hay nhất trong năm, những phim thương mại qui mô và sang trọng cũng như những phim độc lập thiên về cảm xúc nghệ thuật hay xã hội. Song song với việc tuyển chọn những phim dài, Liên hoan phim Hàn Quốc nổi bật với một cuộc thi các phim ngắn dành phần ưu ái cho tính sáng tạo và sự sắc sảo của các nhà điện ảnh trẻ và giúp nắm bắt được nhịp đập của xã hội Hàn Quốc. Liên hoan phim cũng là dịp để công chúng Pháp gặp gỡ nhiều nhà làm phim Hàn Quốc trong các phiên thảo luận (hỏi- đáp) sau buổi chiếu phim. Đặc biệt và chỉ trong vài tuần, Remember Our Sister được chiếu trên kênh YouTube của đạo diễn với phụ đề tiếng Anh: G.G. |
----
Bài có liên quan: Việt Nam: bi kịch Con lai Đại Hàn, những đứa trẻ được sinh ra từ các vụ hãm hiếp trong chiến tranh