5.7.24

Bretton Woods: cũ nát nhưng vẫn là một thành tựu quốc tế to lớn sau 80 năm

BRETTON WOODS: CŨ NÁT NHƯNG VẪN LÀ MỘT THÀNH TỰU QUỐC TẾ TO LỚN SAU 80 NĂM

Hội nghị Bretton Woods đang mở họp, tháng 7 năm 1944. Everett Collection Inc/Alamy

Tháng 7 năm 1944, khi chiến tranh vẫn đang hoành hành ở châu Âu và Thái Bình Dương, 730 đại biểu từ 44 quốc gia đã tụ họp tại Mount Washington, một khách sạn lớn được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 ở New Hampshire. Họ đang ở rìa một thị trấn nhỏ tên là Carroll, được bao bọc bởi một khu rừng quốc gia cách biên giới Canada không xa. Nhưng cái tên sẽ trở nên nổi tiếng về sau thuộc về khu vực họ đang ở: Bretton Woods.

Hội nghị đã được Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi để thống nhất các quy tắc mới cho hệ thống tiền tệ quốc tế sau chiến tranh. Được mô tả là cuộc họp quốc tế quan trọng nhất kể từ hội nghị hòa bình Paris năm 1919, hội nghị sẽ "nhìn xa hơn cảnh tàn sát của chiến tranh để thiết lập một trật tự thế giới mới dựa trên thương mại và hợp tác". Thời điểm mà nước chủ nhà triệt để thay thế họ để trở thành cường quốc thống trị thế giới là một sự sỉ nhục đối với người Anh.

Khoảng 80 năm sau, hệ thống quốc tế trông rất khác so với những gì đã được thỏa thuận trong quá trình kéo dài ba tuần đó, phần lớn đã thất bại hoặc biến đổi theo thời gian. Tuy nhiên, sự thống trị của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục, với các nguyên lý cơ bản làm nền tảng cho thỏa thuận vẫn được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, như chúng ta sắp thấy, giờ đây chúng ta đang gặp phải mối đe dọa chưa từng có.

Hai nhân vật chính tại Bretton Woods là nhà kinh tế học người Anh và là trưởng đoàn đàm phán, John Maynard Keynes, và nhà kinh tế học quốc tế trưởng tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Harry Dexter White. Keynes là cựu chiến binh của hội nghị Paris, vốn đã kết thúc với hiệp ước Versailles.

Ông đã từ chức vì thất vọng với các cuộc đàm phán và xuất bản một hồi ký sống động và tàn khốc, The Economic Consequences of the Peace (Tạm dịch: Những hậu quả kinh tế của hòa bình) vào năm 1919 để giải thích lý do tại sao "các điều khoản kinh tế của hiệp ước (Versailles)hết sức sai lầm và nguy hiểm."

Keynes phát biểu tại hội nghị, bên phải là White. World History Archive/Alamy

Những điều kiện hà khắc mà hiệp ước đặt ra cho Đức có thể nói là đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Đức Quốc xã. Cuộc đại suy thoái, bắt đầu sau sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929, khiến quyền lực của phát xít tăng lên, và (đại suy thoái) càng trở nên tồi tệ hơn do sự sụp đổ của thương mại thế giới.

Đây là kết quả của việc nhiều quốc gia chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, phá giá tiền tệ và áp dụng biện pháp kiểm soát vốn để hạn chế lượng tiền chảy qua biên giới.

White và Keynes đều muốn tránh lặp lại sai lầm của Versailles, và tin rằng một hệ thống tỷ giá hối đoái ổn định và thương mại tự do là điều cần thiết để thúc đẩy cả thịnh vượng lẫn hòa bình. Tuy nhiên, có một số khác biệt rõ rệt giữa hai người về cách thức thiết lập hệ thống mới.

Về cơ bản, đây là một cuộc chiến địa chính trị, khi người Anh đang bị chiến tranh tàn phá cố gắng cứu vãn tầm quan trọng toàn cầu của mình trong khi người Mỹ quyết tâm gạt họ ra rìa.

Keynes đề xuất, trong số nhiều điều khác, rằng hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ được hỗ trợ bởi một đồng tiền dự trữ toàn cầu gọi là bancor và một ngân hàng trung ương toàn cầu gọi là Liên minh Thanh toán Quốc tế. Thật không may cho ông, người Mỹ chiếm thế thượng phong.

Họ đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, bao gồm cung cấp phần lớn thiết bị quân sự cho hai cuộc chiến tranh và cho vay lượng tiền lớn để các quốc gia tham chiến có thể duy trì chiến đấu. Phần lớn số tiền này được trả bằng vàng, và đến năm 1944, Hoa Kỳ sở hữu hầu hết dự trữ (vàng) của thế giới.

Kết quả là, tầm nhìn của White về một hệ thống tập trung nhiều hơn vào nước Mỹ đã thắng thế (và Keynes đã qua đời vì bệnh tim chưa đầy hai năm sau đó). Hai tổ chức mới do Hoa Kỳ thống trị đã được thành lập, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development IBRD).

IMF được giao nhiệm vụ quản lý một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định quốc tế, được neo theo đô la Mỹ. Đồng đô la có giá trị cố định bằng vàng – 35 đô la Mỹ (28 bảng Anh) cho một ounce – thay thế cho hệ thống trước đây trong đó tiền tệ của nhiều quốc gia được neo trực tiếp vào vàng và có thể chuyển đổi thành kim loại quý.

IBRD, hiện là một phần của Ngân hàng Thế giới (WB), được thành lập để cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc tái thiết châu Âu và Nhật Bản sau chiến tranh – đảm bảo Hoa Kỳ có những đồng minh thịnh vượng có thể mua hàng của Hoa Kỳ. Nhằm tạo điều kiện cho thương mại tự do, hệ thống này sau đó được tăng cường vào năm 1947 bởi thỏa thuận chung về thuế quan và thương mại (GATT), sau đó phát triển thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Diễn biến về sau

Hệ thống chỉ tồn tại cho đến năm 1970, vì chi tiêu quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam khiến đồng đô la Mỹ không thể giữ được mức neo với vàng. Trong khi Bretton Woods đã hạn chế số lượng tiền tệ lưu hành, thì giờ đây các ngân hàng trung ương có thể mở rộng nguồn cung tiền của mình để cố gắng kích thích nền kinh tế của họ.

Điều này cho phép tạo ra lượng tiền khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu sau các cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và 2020, vốn được cho là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.

Trong khi đó, IMF và Ngân hàng Thế giới bận rộn với việc cho các nước nghèo đang khủng hoảng vay. Cả hai đều bị chỉ trích nặng nề vì đã buộc các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu công và bán tài sản cho các công ty nước ngoài. Về phần WTO, tổ chức này có lẽ đã có nhiều hành động giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác nhưng gần như đã ngừng hoạt động trong những năm gần đây.

Tiếp đó là đồng đô la Mỹ. Quyết định của chính phủ Hoa Kỳ khi vũ khí hóa hệ thống tài chính quốc tế sau khi cuộc chiến tranh Ukraine nổ ra bằng cách cắt đứt quyền tiếp cận của Nga đối với các tài sản được định giá bằng đô la của mình đã khiến các quốc gia khác lo sợ rằng họ có thể phải chịu chung số phận. Trung Quốc và các quốc gia khác đã giảm mức độ dễ bị tổn thương trước đồng đô la bằng cách thực hiện các thỏa thuận thương mại được định giá bằng các loại tiền tệ khác chẳng hạn như nhân dân tệ.

Nga và Trung Quốc đang đi đầu trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Newscom/Alamy

Tuy nhiên, những điều trên không có nghĩa là hệ thống Bretton Woods thực sự đã thất bại. Từ năm 1950 đến năm 2017, khối lượng thương mại thế giới đã tăng gấp 39 lần. Tỷ lệ dân số thế giới sống với mức dưới 2 đô la Mỹ một ngày sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã giảm từ 75% vào năm 1950 xuống chỉ còn 10% vào năm 2015, dù con số này hầu như không giảm thêm kể từ đó.

Châu Âu bày tỏ sự ngưỡng mộ Hoa Kỳ qua việc cố gắng sao chép hệ thống Bretton Woods khi thành lập khu vực đồng euro, trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres có thiện chí với thỏa thuận năm 1944 đủ để kêu gọi một "khoảnh khắc Bretton Woods mới" vào năm 2023 để đảm bảo rằng các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn trong các tổ chức tài chính toàn cầu.

Tương tự, một số vấn đề khác với hệ thống hiện tại có thể bị cường điệu hóa. Có thể lập luận rằng, kỷ luật mà IMF và Ngân hàng Thế giới yêu cầu rốt cục xuất phát từ ý định tốt. Ví dụ, Hy Lạp có lẽ đã phải chịu đựng chính sách thắt lưng buộc bụng tàn khốc do các gói cứu trợ những năm 2010, nhưng các khoản vay đó có lẽ vẫn cứu quốc gia này khỏi những kết cục tồi tệ hơn như bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng euro và rơi vào siêu lạm phát.

Cũng thế, “phi đô la hóa” chỉ có tác động hạn chế: vị thế của đồng bạc xanh ở đỉnh cao của hệ thống tài chính quốc tế không gặp vấn đề nghiêm trọng.

Nhưng những thách thức mới đã xuất hiện. Trung Quốc hiện là mối đe dọa thực sự đối với sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ. Đạo luật Giảm Lạm phát 2022 của Hoa Kỳ thiên về trợ cấp đại diện cho một động thái đáng kể rời xa học thuyết thương mại tự do vốn là nền tảng của hệ thống quốc tế kể từ những năm 1940, cũng như các mức thuế quan gần đây do Washington và có khả năng là cả Brussels áp đặt đối với xe điện của Trung Quốc.

Những thành công của chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu gần đây và khả năng tái đắc cử của Donald Trump là những mối đe dọa tiếp theo đối với hệ thống quốc tế, chưa kể đến các căng thẳng đông-tây tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh này, Bretton Woods ngày càng giống như dấu ấn đỉnh cao trong hợp tác quốc tế. Có thể ghi nhận nhiều công lao cho hội nghị này vì đã giúp châu Âu năm 1944, bị tàn phá bởi sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc suy thoái toàn cầu, sống trong hòa bình tương đối trong 80 năm. Khó có thể nói liệu Bretton Woods có thể tồn tại hay không, nhưng chúng ta nên suy ngẫm về những thành tựu của nó trong thời kỳ khó khăn này.

Tác giả

Conor O'Kane
Conor O'Kane

Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Đại học Bournemouth

Tuyên bố công khai

Conor O'Kane không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Bretton Woods: bloodied, battered but still a huge international achievement 80 years on, The Conversation, June 28, 2024.

-----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF