FENTANYL: VAI TRÒ CỦA BẮC KINH TRONG VIỆC XUẤT KHẨU MỘT CHẤT MA TUÝ LÀM CHẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT TẠI MỸ
Tác giả: Pierre-Antoine Donnet
Những túi đựng
fentanyl trên bàn của hải quan Mỹ tại sân bay quốc tế O’Hare, San Francisco,
tháng 11 năm 2017. (Nguồn: VOA)
Chính quyền Trung Quốc quyết liệt phủ nhận, nhưng tất cả các cuộc điều tra của Mỹ hầu như đều đi theo cùng một hướng. Đảng Cộng sản Trung Quốc tài trợ việc sản xuất các thành phần hoạt tính của fentanyl và xuất khẩu sang Mexico. Ở đó, các hoạt chất này được sử dụng để chế tạo chất ma túy tổng hợp giết chết hàng chục ngàn người mỗi năm tại Mỹ.
Ngày 15 tháng 11 vừa qua (2023), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ giám sát ngăn chặn việc xuất khẩu các hóa chất gọi là “tiền chất” (precursor) trong thuật ngữ ngành dược khi ông Tập gặp ông Biden tại California, sau nhiều diễn văn công khai của Mỹ đối với Bắc Kinh. “Chúng tôi đã có nhiều biện pháp để giảm xuống một cách đáng kể làn sóng các tiền chất và các thuốc viên từ Trung Quốc nhập vào phương Tây, tổng thống Mỹ đã nói như vậy trước giới báo chí tập trung tại San Francisco. Việc này sẽ cứu sống nhiều mạng người và tôi đánh giá cao cam kết của chủ tịch Tập về vấn đề này.”
Nhưng bây giờ chính quyền Mỹ đang có một nhận xét cay đắng. Đã không có điều gì cụ thể được thực hiện và lời hứa này đã không được tôn trọng. Ngược lại là khác, vì chất ma túy tổng hợp này được đưa vào với số lượng ngày càng lớn và giết ngày càng nhiều người trên đất Mỹ. Vả lại, Bắc Kinh dường như đã thay đổi giọng điệu về vấn đề này, như lời của đại sứ Trung Quốc Tạ Phong (Xi Feng) tại Washington nêu rõ. Theo ông Tạ Phong, người đã gặp cách đây không lâu giám đốc văn phòng kiểm soát ma túy của Nhà Trắng Rahul Gupta, cuộc khủng hoảng này “không phải là vấn đề của Trung Quốc và Trung Quốc không phải là nguyên nhân”.
Tuy nhiên, cũng vị đại sứ này, đã được truyền thông Trung Quốc trích dẫn ngày 19 tháng 6 vừa qua, đã ngầm ngụ ý rằng Bắc Kinh có thể phản ứng khác đi nếu các quan hệ với Washington được cải thiện. Ông đã viết trên X, Twitter trước đây, “Mỹ phải quan tâm một cách nghiêm túc đến các mối lo lắng của chúng tôi và tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho sự hợp tác.”
Về phía mình, chính quyền Mỹ nêu chính thức: Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới các tiền chất hóa học của chất ma túy này, mạnh và gây nghiện hơn nhiều so với heroin (bạch phiến) và các phòng thí nghiệm của Trung Quốc sản xuất với số lượng rất lớn. Sau đó những “tiền chất” được xuất khẩu đến Mexico ở đó các tập đoàn ma túy lớn chế biến chúng thành fentanyl. Chất opioid tổng hợp rất rẻ được bán trên các đường phố của các thành phố nước Mỹ và nó tác hại nhiều vì bị dùng quá liều.
Tuy nhiên, tiếp theo cuộc gặp gỡ ngày 15 tháng 11 giữa hai vị nguyên thủ hai siêu cường quốc thế giới, vào tháng 1 vừa qua Washington và Bắc Kinh đã tạo một nhóm làm việc hỗn hợp để cùng xử lý vấn đề. Có vẻ như không được gì, vì Trung Quốc không làm gì đáng kể để kết tội “những người bán bất hợp pháp các hoá chất và trang thiết bị được sử dụng để sản xuất fentanyl” và để tấn công vào “các mạng lưới bất hợp pháp tài trợ cho họ”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã giải thích như vậy vào tháng tư vừa qua (2024).
“Trợ cấp và tưởng thưởng”
Dần dần, đối mặt với một tai họa đã trở nên có tính chính trị cao khi sắp đến gần bầu cử tổng thống ngày 5 tháng 11 tới đây, nước Mỹ trở nên gay gắt hơn. Ngày 11 tháng 6, những điều tra viên Mỹ đã công bố một báo cáo chưa từng có và gây ngạc nhiên về vấn đề này, được chuyển đến một ủy ban về Trung Quốc của Hạ Viện Hoa Kỳ tại Washington. Trong báo cáo đó, họ khẳng định có bằng cớ chứng minh việc chính phủ Trung Quốc tiếp tục trợ cấp “trực tiếp […] việc chế tạo và xuất khẩu bất hợp pháp chất fentanyl”, theo hãng thông tấn Mỹ Associated Press.
Theo báo cáo này, được soạn thảo bởi các điều tra viên được ủy ban lưỡng đảng trên tuyển dụng, những người có trách nhiệm chính thức của Trung Quốc “khuyến khích” sản xuất các tiền chất hóa học này bằng cách cấp “trợ cấp và tưởng thưởng cho những doanh nghiệp tham gia công khai vào việc buôn bán các vật liệu [dùng để sản xuất] fentanyl]”. Báo cáo nêu tiếp, những điều tra viên này đã tập hợp những thông tin xác nhận rằng những doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất các tiền chất để chế tạo fentanyl có thể nộp đơn để hưởng giảm thuế và những trợ cấp tài chính khác của Nhà Nước Trung Quốc để tài trợ cho xuất khẩu sản phẩm này của họ.
Fentanyl, 50 lần mạnh hơn và rẻ hơn nhiều so với heroin (bạch phiến), 100 lần mạnh hơn morphine lại càng nguy hiểm hơn vì nó gây nghiện hầu như tức thì. Fentanyl đã gây ra cái chết của khoảng 500.000 người tại Mỹ trong vòng 20 năm. Con số này gia tăng liên tục và hiện nay vượt quá 100.000 người chết mỗi năm. Dùng quá liều fentanyl đã trở thành nguyên nhân tử vong chính ở những người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi.
Tháng 9 vừa qua (2023), Antony Bilken đã cảnh báo Ylva Johansson, ủy viên châu Âu về nội vụ, phụ trách về khủng bố và các vấn đề di dân, về tính chất bùng nổ của hồ sơ này [nhập lậu chất fentanyl – ND] ở châu Âu, vì châu Âu cũng bắt đầu xác nhận cùng hiện tượng trên lãnh thổ châu Âu.
Theo Bertrand Monnet, giáo sư tại trường cao học thương mại EDFEC (École des hautes études commerciales du Nord), và là nhà nghiên cứu Pháp chuyên về hồ sơ này, được tạp chí Express trích dẫn ngày 11 tháng 4 “những tập đoàn Mexico mà tôi đã có thể nói chuyện, nêu ra rất rõ ràng xuất khẩu fentanyl này nay hướng về châu Âu”. Những mối quan hệ trực tiếp này dường như tồn tại giữa các cơ quan chính quyền của Trung Quốc và các nơi sản xuất tiền chất fentanyl này đã được các chuyên gia Mỹ biết đến từ nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên các mối quan hệ này được mô tả một cách công khai như vậy bởi Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington.
Cũng theo báo cáo này, ý thức được rằng sự thông đồng giữa chính quyền Trung Quốc và những tổ chức sản xuất này bắt đầu được thấy rõ, chính quyền Bắc Kinh đã có những biện pháp để che khuất chúng. Theo một trong những điều tra viên giấu tên, được hãng thông tấn Mỹ trích dẫn, từ nay rõ ràng là những lợi nhuận tài chính được bộ máy quan liêu Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp này góp phần trực tiếp vào sự gia tăng lượng fentanyl nhập vào Mỹ: “Chỉ việc đơn giản là các tiền chất hóa học này được hưởng lợi về trợ cấp xuất khẩu khiến chúng trở nên rẻ.”
Ngoài ra, các tác giả của báo cáo này đã thiết lập chứng cứ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và giao các “tiền chất” này trực tiếp cho khách hàng của họ tuy họ được nhận diện một cách rõ ràng họ là những người chế biến chất ma túy này một cách bất hợp pháp cho thị trường Mỹ. Hơn nữa, những việc mua bán này thường được trả bằng tiền điện tử mã hóa vốn bảo đảm tính ẩn danh của các doanh nghiệp Trung Quốc và các khách hàng Mexico của họ, cũng những điều tra viên này nói thêm.
xuất xứ trung quốc của các tập đoàn mexico DE SINALOA và DE JALISCO
Ngay từ năm 2019, phóng viên điều tra Mỹ Ben Westhoff đã viết trong quyển sách của ông Fentanyl Inc. (Nhà xuất bản Atlantic Monthly Press): “các khoản giảm thuế, trợ cấp và những thuận lợi tài chính khác” được cấp cho những doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sản xuất các tiền chất hóa học dùng cho sản xuất fentanyl.
Những tàn phá do fentanyl tại Mỹ đã trở thành một trong những chủ đề vận động tranh cử chính trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 5 tháng 11 sắp tới giữa Joen Biden và đối thủ dân túy Donald Trump. Năm 2023, Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định tiếp tục truy tố pháp lý đối với bốn phòng thí nghiệm Trung Quốc bị cáo buộc đã cho nhập vào Mỹ những hóa chất cần thiết để chế tạo fentanyl. Tám trong số nhân viên của các phòng thí nghiệm này đã được nhận dạng đích danh và là đối tượng của sự truy tố của bộ trưởng bộ Tư Pháp Mỹ Merrick Garland. Hai trong số họ đã từng bị chất vấn ở Hawaï và bị giam giữ.
Một trong những doanh nghiệp này, Amarvel Biotech, tọa lạc tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, bị cáo buộc riêng một mình doanh nghiệp này “đã cho nhập vào Mỹ hơn 200 kg tiền chất hóa học trong mục đích sản xuất ra hơn 50 kg fentanyl, một lượng đủ để gây ra cái chết cho 25 triệu người Mỹ”, tờ New York Times khẳng định như vậy ngày 23 tháng 6 năm 2023. Những phòng thí nghiệm này có lẽ cũng đã đề nghị “cung cấp cho khách hàng của họ các nguyên liệu và bí quyết khoa học để chế tạo dược phẩm này”, theo nhật báo New York. Tuy nhiên, Bắc Kinh triệt để phủ nhận mọi trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng về chất ma túy opioid trên đất Mỹ.
“Đó là một ví dụ tiêu biểu về giam giữ tùy tiện và trừng phạt đơn phương. Những cáo buộc này gây thiệt hại một cách sâu sắc đến việc thiết lập một sự hợp tác chống ma túy giữa Trung Quốc và Mỹ”, bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng trong một thông cáo, và thêm rằng xuất khẩu fentanyl đến Mỹ đã bị cấm từ năm 2019.
Fentanyl được sử dụng như một chất giảm đau mạnh. Về lý thuyết phải có đơn thuốc để mua fentanyl, thường được kê đơn cho những bệnh nhân ung thư. Nhưng từ khoảng 20 năm nay, thị trường chợ đen về chất này phát triển, đặc biệt là trên đất Mỹ. Tại Mỹ, những người nổi tiếng như ca sĩ Prince hay diễn viên nhạc rap Coolio đã chết vì dùng quá liều fentanyl.
Theo văn bản cáo buộc của Bộ Tư Pháp Mỹ, do Washington Post tham khảo, các doanh nghiệp Trung Quốc đã cố tình cung cấp những sản phẩm này cho các tập đoàn Mexico. “Các tập đoàn ở bang Sinaloa và bang Jalisco làm việc với các doanh nghiệp hóa chất đặt tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để có được nguyên liệu của Trung Quốc và sau đó làm tràn ngập nước Mỹ với fentanyl’, Anne Milgram, người quản lý tổ chức Drug Enforcement Administration (DEA, tổ chức chống ma túy Mỹ) đã bình luận như vậy.
sẢN XUẤT VÀ BÁN BẤT HỢP PHÁP CÁC “TIỀN CHẤT HÓA HỌC” TẠI tRUNG qUỐC
Tháng Tư năm 2023, Ken Salazar, một người thân tín của Joe Biden, đã kêu gọi thế giới “đoàn kết lại” để chiến đấu chống lại tai họa này. “Không phải chỉ Mexico và nước Mỹ. Các chính phủ châu Âu đang xác nhận những gì đang diễn ra với fentanyl”, ông đã tuyên bố với báo chí tại cuộc họp song phương với Mexico ở Washington về vấn đề này. Sau cuộc họp này, chính quyền Mỹ đã thông báo những trừng phạt mới chống lại các mạng lưới liên quan đến Trung Quốc trong mua bán fentanyl. Bộ Tư Pháp đã kết tội 28 người trong đó có bốn người con của trùm buôn ma túy Mexico Joaquin “El Chapo” Guzmán, người này bị tù chung thân trong một nhà tù ở Colorado.
Ovidio, một trong ba người con trai của Guzmán, đã bị bắt ngày 5 tháng 1, 2023 tại Mexico trong một chiến dịch đã gây ra cái chết cho 29 người (10 binh lính và 19 người được cho là tội phạm). Mỹ đã yêu cầu dẫn độ anh ta ngay từ tháng 2. Những người khác đã bị bắt ở Colombia, Hy Lạp, Guatelala và ngay trên đất Mỹ, theo Anne Milgram, giám đốc tổ chức chống ma túy (DEA). DEA nhấn mạnh, những tập đoàn ma túy Mexico trả khoảng 800 đô la cho 1 kg tiền chất hóa học Trung Quốc, đủ để sản xuất 4 kg fentanyl. Lợi tức có thể từ 200 đến 800 lần cao hơn vốn gốc, đem lại từ 160.000 đến 640.000 đô la (khoảng từ 149 000 đến 595.000 euro cho mỗi kí lô).
Trong số báo xuất bản ngày 15 tháng 2 vừa qua, tạp chí Courrier International đã công bố một cuộc điều tra về sản xuất tiền chất hóa học tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi có trụ sở của nhiều công ty bị Mỹ trừng phạt vì có liên quan đến fentanyl. Cuộc điều tra này do truyền thông Tây Ban Nha El Pais Semanal thực hiện, theo đó ngày 15 tháng 12 năm 2021 một doanh nhân tự học người Trung Quốc đã trở thành một trong những người bị truy tìm nhiều nhất về buôn bán fentanyl toàn cầu. Ông ta được biết đến với cái tên bằng tiếng Quảng Đông, Chuen Fat Yip. Ông ta 70 tuổi, mắt màu nâu, cao 1,72 mét, cân nặng 68 kí lô. Ông ta sinh ra ở Vũ Hán. Bộ Ngoại Giao Mỹ treo giải thưởng 5 triệu đô la (4,6 triệu euro) cho tất cả những thông tin giúp bắt được ông ta.
Theo Washington, Chuen “chỉ huy một mạng lưới buôn bán ma túy tổng hợp hoạt động ở Trung Quốc lục địa và Hong Kong” và “kiểm soát một nhóm công ty bán hợp chất và tiền chất hóa học”. Một trong những doanh nghiệp này là Wuhan Yuancheng Gongchuang Technology. Trên trang mạng Internet của mình, doanh nghiệp này xác nhận xuất khẩu sản phẩm của họ đến hơn 20 nước. Doanh nghiệp cũng cho số điện thoại của mình. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông trả lời các phóng viên báo El Pais Semanal. Khi được hỏi về lệnh trừng phạt năm 2015 do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ áp đặt, người này xin lỗi: “Tôi chỉ là một người bán hàng.” Sau đó, anh ta không trả lời các tin nhắn nữa.
Chuen khẳng định sự vô tội của mình, khẳng định rằng sự việc này dựa trên những “thông tin dối trá” của nhà báo Mỹ Ben Westhoff, El Pais Semanal giải thích như vậy. Ben Westhoff đã gặp Chuen trước đây. Khi thực hiện điều tra trên Internet, Ben Westhoff đã nhận diện những quảng cáo về tiền chất hóa học và và tìm ra hàng trăm trang về các công ty dược Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu các tiền chất này. Tất các mọi tuyến thăm dò dường như tụ về duy nhất một công ty mẹ: Wuhan Yuancheng Gongchuang Technology. Đó là vào năm 2017, lúc mà sản xuất và mua bán các tiền chất hóa học này còn hợp pháp ở Trung Quốc.
Đó chính xác đã là một phần của vấn đề: trước đây các tiền chất hóa học không bị cấm tại Trung Quốc. Các tiền chất này là nguyên nhân của hàng chục ngàn cái chết ở phần bên kia của thế giới, nhưng chúng không gây ra tai hại gì ở Trung Quốc nơi buôn bán ma túy bị phạt rất nặng với những hình phạt có thể lên đến tử hình. Một trong những nguồn thông tin chính thức mới nhất là một phim tài liệu được truyền hình nhà nước chiếu gần đây. Phim này khẳng định rằng tại Trung Quốc nơi những quy định chống ma túy thuộc loại nghiêm khắc nhất trên thế giới, việc lạm dụng fentanyl “thực sự là không có”. Tuy nhiên, phim tài liệu này, được trích dẫn bởi truyền thông Tây Ban Nha và Ben Westhoff, thừa nhận khó tính đến các biến thể mới. Năm 2013 đã có 13 loại fentanyl. Mười năm sau, người ta đếm được trên 50 loại, chỉ riêng tại Trung Quốc.
Sau khi NPP và 4-ANPP, hai tiền chất của fentanyl, được thêm vào danh mục các hợp chất được kiểm soát năm 2017, những người bán hàng trực tuyến Trung Quốc đã bắt đầu đề nghị với Westhoff những chất thay thế hợp pháp. Westhoff tóm tắt cái vòng lẩn quẩn này như sau: trong những năm đầu của dịch bệnh, một phần quan trọng của fentanyl nhập vào Mỹ xuất phát từ Trung Quốc trong những kiện hàng gửi bình thường.
Khi các chính quyền châu Á đã siết lại việc sản xuất ma túy, những tay buôn bán ma túy Mexico đã nhanh chóng học cách “chế biến”. Nhưng họ vẫn phải cần Trung Quốc cung cấp những thành phần cơ bản cho công thức chế biến: đó là những tiền chất hóa học quý giá này. Tháng 2 năm 2018, giả dạng khách hàng, cuối cùng Westhoff đã vào được doanh nghiệp của Chuen ở Vũ Hán. Thành phố này, sẽ trở nên nổi tiếng một cách đáng buồn là trung tâm của đại dịch Covid-19 vào mùa thu năm 2019, là một trong những trung tâm của công nghiệp hóa chất của Trung Quốc và cũng là nơi có trụ sở của nhiều công ty bị Mỹ trừng phạt do có dính líu đến fentanyl.
Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới về dược phẩm, nhưng trong quá khứ không phải như vậy. Sự thay đổi đã xảy ra với các cải cách và chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình vào đầu những năm 1980. Năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận các tư bản nước ngoài, một trong những doanh nghiệp dược đầu tiên vào Trung Quốc là doanh nghiệp Bỉ Janssen. Người sáng lập doanh nghiệp này, bác sĩ Paul Janssen (1926 – 2003) là một người say mê Trung Quốc. Ông cũng là nhà hóa học đã lần đầu tiên tổng hợp được fentanyl vào năm 1959, và fentanyl đã nhanh chóng trở thành một trong những chất giảm đau opioid được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Hôm Westhoff đến thăm doanh nghiệp, hàng trăm người bán hàng làm việc ở các văn phòng mở (open sapce) của Chuen. Westdoff và Chuen đã có cuộc trao đổi ngắn. Trong quyển sách của mình, nhà báo này khẳng định Yuangcheng không bán những sản phẩm bị cho là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng mọi sự cho thấy rõ là ông ta biết những tiền chất hóa học của mình được dùng để sản xuất fentanyl một cách bất hợp pháp. Yu Haibin, phó giám đốc Văn phòng quốc gia Trung Quốc về kiểm soát các chất ma túy, một trong những người phụ trách cao nhất về chống ma túy của quốc gia, đã tuyên bố với ông là có biết về vụ Chuen Fat Yip. Nhưng, theo truyền thông Tây Ban Nha, ông đã thêm rằng, “cho đến nay, chúng tôi không tìm thấy một yếu tố nào chứng tỏ ông và doanh nghiệp của ông ta đã vi phạm luật ở Trung Quốc. Nếu phía Mỹ có khả năng cung cấp cho chúng tôi những bằng cớ đạt được một cách hợp pháp, chúng tôi có thể hành động trong khuôn khổ của pháp luật Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác.”
“người ta nhìn thấy cái sai nhỏ xíu của người khác mà không thấy cái sai to lớn của mình”
Vụ việc này báo hiệu vấn đề căn bản. Khi những căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh lên cao nhất, vào năm 2023, Nhà Trắng đã gia tăng trừng phạt đối với hàng chục doanh nghiệp và công dân Trung Quốc. Thế nhưng, Yu Haibin nói tiếp, các cuộc điều tra của Trung Quốc chỉ phát hiện vật liệu và các chất bị buộc tội “không thuộc về các sản phẩm được kiểm soát” ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là việc mua bán các chất này không bị cấm.
Trong một bài báo ngày 11 tháng 4 năm 2023, cũng tờ Courrier International trích dẫn nhật báo Mexico La Jordana, tờ báo này nêu lời của tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador: “Nếu fentanyl không được sản xuất ở Trung Quốc thì nó được sản xuất ở đâu?”. “Nếu ta đọc những tuyên bố cuối cùng thì dường như fentanyl và các dẫn xuất của nó không hiện hữu. Không có ai tổng hợp nó, không có ai vận chuyển nó, không có ai tiêu thụ nó. Đó là sản phẩm của Thánh Thần”, Về phía mình, trang mạng Mexico Sin Embargo đã hài hước như vậy dưới tựa đề “Fentanyl và địa chính trị”.
Về phần mình, trang mạng El Pais thêm rằng người đứng đầu Nhà Nước Mexico đã đòi hỏi rõ ràng người đồng cấp Trung quốc Tập Cận Bình có những biện pháp để giảm việc sản xuất ở châu Á “vì những lý do nhân đạo”. Tóm lại, Sin Embargo nêu tiếp, “người ta nhìn thấy cái sai nhỏ xíu của người khác mà không thấy cái sai to lớn của mình. […] Từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 3 năm 2023, quân đội Mexico đã triệt phá 1206 phòng thí nghiệm lén lút sản xuất fentanyl và méthamphétamine […]. Mexico không chỉ là con đường đi đến Phương Bắc của các chất ma túy tổng hợp, Mexico cũng là một nước sản xuất. Chúng ta phải chấp nhận điều đó”, tờ báo mạng khẳng định như vậy.
Ngoài kết quả thuần túy tài chính mà việc buôn bán này đem lại, ta cũng có thể nêu câu hỏi về những động cơ khác, có tính chính trị hơn, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nung nấu với việc buôn bán fentanyl béo bở đang tràn ngập các thành phố của Mỹ và có thể sắp tới là châu Âu. Thực vậy, làm sao mà không nêu câu hỏi về những lợi lộc rất có tính chính trị và cả địa chính trị mà chế độ Trung Quốc có thể rút ra. Từ đó nảy sinh những hiệu ứng tàn phá xã hội của fentanyl đối với một giới trẻ mất phương hướng chìm trong ma túy, đó là giới trẻ Mỹ hay có thể sắp tới là giới trẻ châu Âu.
Về tác giả
Pierre-Antoine Donnet
Pierre-Antoine Donnet (1953-) |
Cựu phóng viên của Hãng Thông tấn Pháp AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng 15 tác phẩm về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức quan trọng của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên thường trú ở Bắc Kinh này đã công bố “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis” [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ] nhà xuất bản Éditions de l'Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif” [Tây Tạng, sống hay chết], do nhà xuất bản Gallimard phát hành năm 1990 và tái bản năm 2019 với một phiên bản cập nhật và được bổ sung. Sau “Chine, le grand prédateur” [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại], xuất bản năm 2021 bởi Éditions de l'Aube, vào cuối năm 2022 ông đã chủ biên một tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois” [Hồ sơ Trung Quốc] (nhà xuất bản Cherche Midi). Đầu năm 2023, ông cho ra đời cuốn “Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste” [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát] , nhà xuất bản Éditions de l'Aube. Quyển sách cuối cùng của ông, “Chine, l'empire des illusions” [Trung Quốc, Đế chế của những ảo vọng] được phát hành tháng 1, 2024 (nhà xuất bản Saint-Simon).
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Le rôle de Pékin dans l’exportation des drogues qui tue en masse aux États Unis“, Asialyst, 28.6.2024.