MMT (MODERN MONETARY THEORY) HAY LÍ THUYẾT TIỀN TỆ HIỆN ĐẠI
MMT là lí thuyết biết rút ra tất cả những hệ quả của tính NỘI SINH của việc tạo sinh tiền tệ. Như vậy lí thuyết có một quan điểm độc đáo, thường trái chiều với các thành kiến giữa TIỀN TỆ và tín dụng cũng như như với vai trò của CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ. Lí thuyết này, trong một thời gian dài chỉ phổ biến trong một vài đại học không nổi tiếng, trở nên quan trọng vào thời điểm cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, tính xác đáng của những phân tích của nó được một phần lớn giới kinh tế miễn cưỡng thừa nhận. Các luận điểm của lí thuyết – được trình bày trong “MMT primer” trên trang neweconomicperspectives.org – là một thách thức thật sự đối với lí thuyết TÂN CỔ ĐIỂN mà tiền tệ và, chung hơn, các khoản nợ và tín dụng là những lỗ đen.
Điều làm nên sức mạnh và lực thu hút của MMT là do lí thuyết được đặt trên nền tảng của những sự kiện khó phản bác và trên những hằng đẳng thức kế toán – do đó luôn đúng. Việc này khiến cho lí thuyết có một quan điểm rất khác, và xác đáng hơn quan điểm truyền thống.
Những nhận định chính làm cơ sở cho MMT
Ở cội nguồn của tiền tệ, có những khoản nợ và tín dụng, ví dụ dưới dạng những ghi chép trên các bảng đất sét. Tín dụng và nợ nần, đặc biệt giữa thương nhân với nhau đã cho phép các cuộc trao đổi phát triển thông qua những điểm tựa vật chất trong số đó có đồng tiền rồi tiền giấy mà Nhà nước tạo ra để thu về sản phẩm (ví dụ xem “Graber 2011/08” trên trang nakedcapitalism.com). Các đồng tiền và tiền giấy này là sự công nhận nợ của Nhà nước, vả lại sẽ không bao giờ được Nhà nước hoàn trả – một ĐẶC QUYỀN PHÁT HÀNH TIỀN TỆ (seigneuriage). Đó là những vật tương đương với những thẻ, tự chúng không có giá trị, nhưng có đặc tính quan trọng là được chấp nhận trong những cuộc trao đổi sản phẩm vốn có giá trị. Cách nhìn này về nguồn gốc của tiền tệ đối lập với cách nhìn, rất phổ biến cho rằng tiền tệ xuất hiện trước tiên để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi, các khoản nợ và tín dụng chỉ xuất hiện sau, trên cơ sở của tiền tệ này mà ta có thể gọi là tiền tệ “vật chất”.
Tiền tệ tạo nên kí gởi. Trong các xã hội của chúng ta ngày nay, phần chủ yếu của việc tạo sinh tiền tệ diễn ra khi các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng. Khi một ngân -hàng cung cấp một tín dụng x euro cho A thì như thể là ngân hàng kí gởi số tiền x vào tài khoản của A và A có thể tùy nghi sử dụng số tiền đó. Do đó tín dụng có trước kí gởi: ngân hàng quyết định tin tưởng (được thể hiện bằng việc ghi vào sổ sách của mình) rồi tiến hành việc kí gởi mà người thụ hưởng sẽ sử dụng cho những giao dịch của mình (tiền mặt, séc, chuyển khoản). Trong lúc đối với quan điểm thống trị, trực giác hơn nhưng có tính đánh lừa, các kí gởi đi trước tín dụng. Sai lầm nằm ở việc xem tiền tệ là một sản phẩm vật chất, song nó không phải vậy.
Quan hệ giữa lượng tiền và tiền cơ bản (tiền ngân hàng nhà nước) luôn biến động và do đó không mấy ích lợi. Những biến thiên của tiền cơ bản có xu hướng đi theo những biến thiên của lượng tiền – chứ không đi trước, như thường được khẳng định –, ngân hàng trung ương không thể từ chối cung cấp cho các ngân hàng thương mại tiền mặt hay tiền dự trữ, nếu không sẽ gây rủi ro chúng bị vỡ nợ. Ngân hàng trung ương chỉ có thể bắt chúng trả giá ít nhiều nặng nhẹ, thông qua lãi suất hay bằng cách đánh giá thấp các chứng khoán thế chấp (áp đặt haircut).
Một đất nước kiểm soát đồng tiền của mình – có thể phát hành bao nhiêu tiền cơ bản tùy mình – không bao giờ bị dồn đến phá sản, ít nhất là đối với những khoản tín dụng bằng đồng tiền quốc gia. Vả lại, trong các nước này, sự tách biệt giữa ngân hàng trung ương và Kho bạc Nhà nước chủ yếu có tính lí thuyết. Chẳng hạn, trong trường hợp thâm hụt ngân sách, Kho bạc trả tiền trước tiên cho công chức – bằng cách gõ bàn phím … – rồi mới “phát hành” trái phiếu cho công chúng hay cho ngân hàng trung ương. Hơn nữa, chính sách bán hay mua trái phiếu Kho bạc của ngân hàng trung ương không nhằm “tài trợ cho Nhà nước” mà nhằm tác động đến lãi suất – ngắn, trung hay dài hạn tùy theo thời gian đáo hạn ghi trên trái phiếu. Một phần lớn các vấn đề của những nước khu vực đồng euro với nợ quốc gia của họ là do không kiểm soát được việc phát hành đồng tiền họ đi vay (xem “MMP blog # 16” trên trang neweconomicperspectives.org).
Nếu không tính đến các trao đổi với bên ngoài, đối phần của một thặng dư của khu vực tư nhân (thu nhập > chi tiêu) bắt buộc là một thâm hụt của khu vực công. Và ngược lại: một khu vực tư nhân chi nhiều hơn thu có đối phần là một thặng dư ngân sách. Nếu có tính đến bên ngoài, thì có thể có, như trường hợp của Hoa Kỳ từ năm 2004 đến năm 2006, có một thâm hụt đồng thời vừa công vừa tư với đối phần là một thặng dư với bên ngoài – tự nó đã tài trợ cho khu vực nội địa, cả tư lẫn công (xem “Sector financial Balances” trên trang creditwritedowns.com).
Một cách khác để hình dung tình hình kinh tế
Sự đảo lộn lớn bắt đầu năm 2007 ở Hoa Kì và cuộc khủng hoảng năm 2008 đã bộc lộ tính hão huyền của lí thuyết tiền tệ thống trị, như có thể tìm thấy trong các sách giáo khoa – nơi mà lí thuyết này ít hay nhiều còn mang dấu ấn của LÍ THUYẾT ĐỊNH LƯỢNG VỀ TIỀN TỆ (vi dụ như mô hình AD-AS). Trái với những tiên đoán của lí thuyết này, gia tăng quan trọng các khoản các ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay với một lãi suất cực thấp hầu như không có tác động nào trên khối lượng tiền hay trên giá cả. phải tiến hành “ngược chiều” như đề xuất của MMT: xuất phát từ hiện trạng của nền kinh tế – việc làm, năng lực sản xuất được sử dụng, “không khí kinh doanh” –, rồi xem xét ảnh hưởng của hiện trạng trên cầu tín dụng, với tư cách là chỉ báo của diễn tiến tương lai của sản xuất và việc làm. Trong những tình huống bình thường, ngân hàng trung ương tìm cách kích thích hay kìm hãm cầu này – tùy theo đánh giá của ngân hàng trung ương về hiện trạng của nền kinh tế – bằng đòn bẫy là lãi suất hay, có thể buộc các ngân hàng phải giữ một số lượng dự trữ (vốn là thành phần của tiền cơ bản). Do đòn bẫy này không còn tác dụng, cần phải tìm những cách khác để kích thích hoạt động kinh tế – hay ít ra tránh sự sụp đổ của hoạt động này. Biện pháp chính chỉ có thể đến từ Nhà nước vốn phải vay nợ để bù đắp cho sự giảm nợ nần của khu vực tư nhân – giảm đột ngột của chi tiêu Nhà nước. Ngân hàng trung ương có thể tìm cách đồng hành với động thái này bằng cách tái lập sự tin tưởng lẫn nhau giữa các ngân hàng – tài khoản của các ngân hàng này đầy những tài sản mà không ai biết giá trị thực của chúng – sao cho họ có thể vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng và bớt dè dặt hơn trước những yêu cầu về tín dụng. Thật ra các yêu cầu này do hoạt động kinh tế và những triển vọng của hoạt động này xác định (“không khí kinh doanh”) mà Nhà nước tìm cách khôi phục lại bằng cách vận dụng CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA và, có thể phá giá đồng tiền nội địa – thúc đẩy lại hoạt động bằng xuất khẩu mất thời gian hơn và bấp bênh hơn (xem “MMP blog # 16” trên trang neweconomicperspecives.org).
Cung tiền – bất luận thước đo nó – trong thực tế không có vai trò nào trong phân tích tình huống. Tiền cơ bản – phân số khả biến và nhỏ của cung tiền – có một vai trò, nhưng với tư cách là một phương tiện của ngân hàng trung ương để đảm bảo hoạt động của hệ thống và để có thể tác động vào lãi suất mà cầu tín dụng phụ thuộc vào một phần. Do đó MMT ít quan tâm đến cung tiền và thích nhấn mạnh đến những chuyển động của các khoản nợ và tín dụng – phương tiện giao dịch chính của ngày nay.
Về những dè dặt đối với MMT
Paul Krugman (1953-) |
Những người bảo vệ MMT không nhìn nợ một cách tiêu cực – đặc biệt là nợ công. Họ xem nợ công có thể là một sự cần thiết, với đối phần đi cùng là trái phiếu, đối với một nền kinh tế đang bành trướng – nhất là khi nền kinh tế không không dựa vào sự gia tăng của những thâm hụt với nước ngoài. Do đó họ bác bỏ phân tích của những ai – các nhà TRỌNG TIỀN và tay sai – theo đó nợ là điều tồi tệ tuyệt đối, dẫn đến việc “trục xuất” đầu tư tư nhân (thông qua gia tăng của lãi suất) và lạm phát (vì “bơm quá đáng thanh khoản”). Những đối thủ “keynesian” của họ – trong đó có Paul Krugman – có một thái độ nhập nhằng. Các đối thủ này đồng ý với những người bảo vệ MMT về sự cần thiết của một chính sách tài khóa tích cực để thoát khỏi khủng hoảng – cho dù phải gia tăng (mạnh mẽ) thâm hụt ngân sách và nợ công. Họ cũng chống lại ý tưởng cho rằng mọi gia tăng của tiền cơ bản do các ngân hàng nắm giữ sẽ “lây” sang cung tiền rồi “trong dài hạn” sang giá cả. Đồng thời họ không chịu đảm nhận đến cùng rằng việc tạo sinh tiền tệ là có tính nội sinh. Như vậy họ tiếp tục viện đến trong các công trình hàn lâm hay trong các trình bày hình thức hóa bằng mô hình như IS-LM hay AD-AS – các giả định “lượng tiền tệ” là ngoại sinh. Một đồng tiền nội sinh đòi hỏi phải tính đến tín dụng và các định chế cho phép đồng tiền phát triển trên quy mô lớn. Điều này trong thực tế là không thể mô hình hóa được nếu ta hiểu – như Krugman và các nhà “keynesian” mà ông là một thành viên – mô hình là một tập những ý tưởng dưới dạng những phương trình hay đường biểu diễn với, nếu có thể, những “kết quả” dứt khoát.
Những nhận định làm nền tảng cho MMT tất nhiên có giá trị trong mọi trường hợp. Chúng dẫn đến những khuyến nghị rõ ràng trong trường hợp khủng hoảng. Điều này không còn đúng nữa khi ngược lại năng lực sản xuất gần đến ngưỡng toàn dụng, với một mức thất nghiệp tương đối giới hạn. Tương quan lực lượng thay đổi, giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như giữa doanh nghiệp và người lao động, và điều này có thể đưa đến sự gia tăng của giá cả trong ngành rồi giá cả tổng quát. Trước sự đe dọa của LẠM PHÁT, thật sự hay giả định, chính sách tiền tệ truyền thống tìm lại được một phần hiệu quả của nó, ví dụ ngân hàng trung ương vận dụng lãi suất để tác động vào hoạt động kinh tế làm cho tín dụng đắt đỏ hơn. Như vậy cuộc tranh luận về chính sách thích hợp được mở ra, kể cả trong nội bộ những người bảo vệ MMT – tất nhiên lí thuyết này không có câu trả lời cho mọi vấn đề.
Bernard Guerrien và Ozgur Gun
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire
d’analyse économique của Bernard Guerrien và Ozgur Gun, 4è
édition revue et augmentée, La Découverte, Paris, 2012.