28.7.24

Đọc lại Tư bản (VI): Chương 5 - Tư bản như là quan hệ bóc lột mang tính hàng hóa

Trần Hải Hạc

Đọc lại Tư bản (VI)

LƯU Ý CỦA TÁC GIẢ - DỊCH GIẢ

Trần Hải Hạc (1945-)

Năm 2003, công trình nghiên cứu Pháp ngữ Relire Le Capital. Marx, critique de l’économie politique et objet de la critique de l’économie politique của Trần Hải Hạc ra mắt ở nhà xuất bản Page Deux (Lausanne, Thụy Sĩ) và gồm hai tập sách (t.1, 397 trang; t.2, 366 tr.). Từ đầu năm 2021, với nhan đề Đọc lại Tư bản. Marx, phê phán chính trị kinh tế học và đối tượng của phê phán chính trị kinh tế học, một bản dịch tiếng Việt do tác giả tự thực hiện được công bố từng phần trên trang Phân tích kinh tế.

Đọc lại Tư bản (VI) bao gồm các nội dung như sau:

Phần thứ hai: Hàng hoá với tính cách là sản phẩm của tư bản

Tiêu đề I: Vấn đề tồn tại của giá trị thặng dư và khái niệm về sức lao động.

Chương 5: Tư bản như là quan hệ bóc lột mang tính hàng hoá

Mục lục

Xem các phần trước:

- Đọc lại Tư bản (I)

- Đọc lại Tư bản (II)

- Đọc lại Tư bản (III)

- Đọc lại Tư bản (IV)

- Đọc lại Tư bản (V)

Do không có đầy đủ bản Việt ngữ các trước tác của Marx, dịch giả chọn sử dụng khi cần thiết bản Pháp ngữ của các tác phẩm và tự chuyển ngữ. Trong thư mục, các văn bản của Marx được xếp theo thứ tự năm xuất bản tác phẩm gốc hoặc năm Marx biên soạn bản thảo, tiếp theo là nhan đề tiếng Việt của tác phẩm và quy chiếu của văn bản tiếng Pháp. Đặt ở phía sau mỗi chương, các chú thích trích dẫn tác phẩm của Marx gồm có tên của văn bản Việt ngữ và quy chiếu đến văn bản Pháp ngữ.

Khi chuyển ngữ một số thuật ngữ của Marx chưa được thông dụng, lần đầu chúng tôi kèm theo từ Pháp ngữ trong dấu ngoặc đơn, đồng thời phía sau đây chúng tôi gom các thuật ngữ đó trong một bảng đối chiếu Việt - Pháp. Khi cần thiết, chúng tôi bổ sung bảng thuật ngữ với những chú giải về chọn lựa cách chuyển ngữ.

THUẬT NGỮ VIỆT–PHÁP

-  Hình thái giá trị / Hình thái của giá trị (Forme valeur / Forme de la valeur)Trong lý luận về giá trị, Marx phân biệt “hình thái giá trị” [forme valeur] và “hình thái của giá trị” [forme de la valeur]. Phạm trù “hình thái giá trị” chỉ giá trị với tính cách là hình thái xã hội, giá trị như là quan hệ xã hội lịch sử đặc thù. Phạm trù “hình thái của giá trị” [forme de la valeur] chỉ hình thái biểu hiện của giá trị hay hình thái hiện tượng của nó, tức hình thái tiền tệ của giá trị mà Marx còn gọi là “giá trị trao đổi” để phân biệt với “giá trị”. Sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng trong các văn bản của Tư bản, chẳng hạn như trong ấn bản đầu tiên của Quyển I năm 1867, cho nên trong ấn bản 1875, tức phiên bản tiếng Pháp, Marx đã phải đính chính khi trình bày hình thái của giá trị hay giá trị trao đổi: “Nếu ở đoạn đầu chương này, theo cách nói thông thường, chúng tôi có nói: hàng hoá là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, thì xét theo nghĩa đen từng chữ, nói như vậy là sai. Hàng hoá là giá trị sử dụng hay vật hữu dụng, và là giá trị. Hàng hoá chỉ biểu hiện thành một vật hai mặt khi giá trị của nó có một hình thái hiện tượng riêng, khác với hình thái tự nhiên của nó, tức hình thái giá trị trao đổi”[1]. Còn trong Bản thảo 1861-1863, để tránh hiểu sai, Marx phải cảnh báo người đọc: “Khi chúng tôi sử dụng từ giá trị mà không có chi tiết gì khác thì bao giờ cũng nên hiểu là giá trị trao đổi”[2].

Ngoài ra, thuật ngữ Đức ngữ “Werthform” mà Marx dùng để trình bày hình thái của giá trị ở Quyển I không được chuyển ngữ một cách thống nhất trong các ấn bản tiếng Pháp của bộ Tư bản. Trong ấn bản tiếng Pháp 1875 do chính tay Marx chỉnh sửa, thuật ngữ được dịch là “forme de la valeur”; còn trong ấn bản sau cùng của nhà xuất bản Editions Sociales năm 1983, nó được được dịch là “forme-valeur” làm cho khó phân biệt phạm trù hình thái giá trị với phạm trù hình thái của giá trị[3].

- Thâu gồm (Subsomption) - Trong triết học Kant, “thâu gồm” [subsomption] là đưa một đối tượng vào khái niệm của nó, đưa cái cá biệt vào cái phổ quát, theo nghĩa đặt nó vào quy luật của cái phổ quát. Marx vay mượn khái niệm này để phân tích các quan hệ về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông phân tích “sự thâu gồm của những cá nhân vào những giai cấp nhất định”[4]. Bộ Tư bản triển khai lý luận về “sự thâu gồm lao động vào tư bản” theo đó, trong mối quan hệ với tư bản, lao động chỉ tồn tại như là hình thái của tư bản; lao động không tồn tại như là hoạt động thể lực và trí lực mà người lao động tiến hành trong mọi phương thức sản xuất, nó trỏ hoạt động đặc thù của người làm công trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo nên giá trị thặng dư cho chủ tư bản. Theo nghĩa đó tư bản thâu gồm lao động như là hình thái của nó[5].

Trong các bản dịch tiếng Việt của nhà xuất bản Sự Thật, thuật ngữ Đức ngữ “Subsumtion” được chuyển ngữ là: “sự phụ thuộc” của những cá nhân vào những giai cấp nhất định (Hệ tư tưởng Đức), “sự lệ thuộc” của lao động vào tư bản (Tư bản, Quyển I) hay “sự phục tùng” của lao động đối với tư bản (Bản thảo kinh tế những năm 1861-1863) – tức là chỉ nói lên một khía cạnh của nội dung khái niệm của Marx. Theo Trần Hữu Quang mà chúng tôi có tham khảo ý kiến, muốn diễn tả hết nội dung đó có lẽ cần tạo ra một thuật ngữ mới như là “sự hàm nhiếp” (hàm: bao hàm; nhiếp: thu lấy) đã xuất hiện trong từ điển Trung Quốc. Tạm thời, chúng tôi sử dụng cách chuyển ngữ đơn giản của Bùi Văn Nam Sơn là “sự thâu gồm” trong bản dịch Phê phán lý tính thuần túy của Kant (nxb Văn học, 2004, tr. 1231).

- Tính khách thể, tính vật (Objectalité) - Bản thân tác giả của Tư bản đã gặp khó khăn khi chuyển ngữ thuật ngữ tiếng Đức “Gegenstandlichkeit” sang tiếng Pháp. Trong phiên bản Pháp ngữ 1875 của Quyển I do chính Marx kiểm tra việc dịch thuật, ông đã tránh né khó khăn trong Chương 1 bằng cách không chuyển ngữ mà dùng một từ khác là “réalité” [thực tế] để thay thế[6]. Trong các phiên bản Pháp ngữ về sau của Quyển I, các dịch giả đều chuyển ngữ “Gegenstandlichkeit” là “objectivité”[7] và gặp phải trở ngại là thuật ngữ này thường được dùng để chỉ “tính khách quan” đối lập với tính chủ quan [subjectivité].

Để khắc phục vấn đề đó, phiên bản Pháp ngữ mới nhất của Quyển I ở nxb Editions Sociales 2016 đã chọn thay “objectivité” bằng một từ tạo mới là “objectalité” để chỉ “tính vật” [le caractère d’objet][8]. Trong khảo cứu việt ngữ này, chúng tôi đề nghị chuyển ngữ “Gegenstandlichkeit” là “tính vật” hay là “tính khách thể”.

- Bề ngoài giả hình: Fausse apparence

- Cái biểu đạt - Cái được biểu đạt: Signifiant - Signifié

- Cái phổ quát, phổ biến: Universel, généralité

- Cảm giác - Siêu cảm giác: Sensible - Supra sensible

- Chỉ số hóa: Indexation

- Cụ thể hiện thực - Cụ thể trong tư duy: Concret réel - Concret de pensée

- Cương vị lý luận: Statut théorique

- Cưỡng chế giá trị thặng dư: Contrainte à la survaleur, à la plus-value

- Cưỡng chế tiền tệ: Contrainte monétaire

- Danh pháp: Nomenclature

- Duy danh: Nominalisme

- Duy hình thức: Formalisme

- Duy kim loại: Métallisme

- Duy chính trị luận: Politisme

- Duy kinh tế luận: Economisme

- Duy lịch sử luận: Historicisme

- Duy nhà nước luận: Etatisme

- Duy thực thể luận: Substancialisme

- Đẳng cầu (tính): Isomorphie

- Đè xẹp: Aplatissement

- Đổi chác: Troc

- Đối cực - Thế thống nhất đối cực: Polarité - Unité contradictoire

- Đồng đại (tính): Synchronie

- Đồng chất (tính): Homogénéité

- Đồng đẳng (tính): Homologie

- Đồng nhất (tính): Unité, homogénéité

- Đúc tiền - Đặc quyền đúc tiền: Monnayage - Seigneuriage

- Hai chiều (tính): Ambivalence

- Hai mặt (tính): Dualité

- Hàng hoá thưc sự, đúng nghĩa: Marchandise proprement dite, à proprement parler

- Hàng hoá tưởng tượng, giả tưởng - Phi-hàng hoá - Giả hàng hoá: Marchandise imaginaire, fictive - Non-marchandise - Pseudo-marchandise

- Hợp thức hóa - Hợp thức hóa giả - Tiền-hợp thức hóa: Validation - Pseudo-validation - Anté-validation

- Ký hiệu học: Sémiologie

- Lãnh trường lý luận: Champ théorique

- Lao động ngang bằng - Phép làm cho lao động ngang bằng: Travail égal - Égalisation des travaux

- Lịch đại (tính): Diachronie

- Loài - Tính loài: Genre - Générique

- Ngôn từ hiện thực (theo): En termes réels

- Người mang quan hệ xã hộiPorteur du rapport social

- Nhân loại học - Nhân loại luận: Anthropologie - Anthropologisme

- Nhập nhằng (tính): Ambiguité

- Phái sinhDérivation

- Phân đôi: Dédoublement

- Phép phân nhỏ: Fractionnement

- Quá trình phát sinh: Genèse

- Quy chiếu đến - Cái quy chiếu: Se référer - référent

- Sản phẩm thước đo: Numéraire (theo nghĩa của kinh tế học).

- Siêu cấu trúc: Métastructure

- Sùng bái / Tha hóa: Fétichisme / Aliénation

- Sự bao phủ: Recouvrement

- Thỏa dụng (tính): Ophélimité

- Thông ước (tính): Commensurabilité

- Thực tế / Hiện thực: Réalité / Réel

- Thực thể: Etre

- Thiết địnhPoser; position

- Tiền giả địnhPrésupposer; présupposition

- Tiền đúc: Numéraire (theo nghĩa của Marx)

- Tính không đầy đủ: Incomplétude

- Tính năng trao đổi - Tinh năng trao đổi trực tiếp: Echangeabilité - Echangeabilité immédiate;

- Tính quy định - Quy định: Détermination - Déterminer

- Trở thành độc lập - Độc lập: Autonomisation - Autonomie

- Tuyệt đối luận: Absolutisme

- Tương đối luận: Relativisne

- Vật đỡ quan hệ xã hội: Support du rapport social

- Vật hóa / Vật thể hóa: Objectivation / Réification

- Xác định tiêu chuẩn giá cả: Etalonnage

- Ý tưởng biến thành thực thể: Hypostase

* * *

Phần thứ hai:

HÀNG HOÁ VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN

Karl Marx (1818-1883)

“Sản phẩm của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa không chỉ là một sản phẩm (giá trị sử dụng), cũng không chỉ là một hàng hoá, tức một sản phẩm có giá trị trao đổi: sản phẩm đặc thù của nó là giá trị thặng dư, hay nói cách khác là những hàng hoá mang giá trị trao đổi cao hơn và biểu tượng một lượng lao động cao hơn lượng đã ứng ra dưới hình thái tiền tệ hay hàng hoá để sản xuất ra chúng” - Marx viết trong một bản thảo dự kiến kết thúc Quyển I Tư bản[1]. Là hình thái của sản phẩm lao động, hàng hoá được định nghĩa lại - ở cấp độ trừu tượng hóa chúng ta hiện ở - như là sản phẩm của tư bản. “Chúng ta đối mặt ở đây với một hàng hoá khác hàng hoá mà ta khởi đi ở khởi điểm quyển sách, bởi hiện nay nó là một sản phẩm hay một ước số [partie aliquote] của tư bản - là vật đỡ của một tư bản đã tăng giá trị và vì thế chứa đựng một ước số giá trị thặng dư do tư bản tạo nên”[2]. Với tính cách là sản phẩm của lao động, hàng hoá đại biểu một đại lượng lao động xã hội. Với tính cách là sản phẩm của tư bản, đại lượng lao động xã hội cần thiết ấy được cấu trúc thành C + V + M, tức lao động quá khứ (C) và lao động sống (V + M), bản thân lao động sống này được cấu trúc thành lao động cần thiết (V) và lao động thặng dư (M).

“Ở khởi điểm quyển sách, chúng ta đã xem xét hàng hoá giản đơn và độc lập như là kết quả và sản phẩm trực tiếp của một lượng lao động nhất định. Bây giờ khi hàng hoá là kết quả và sản phẩm của tư bản thì nó thay đổi hình thái” - Marx nhấn mạnh và thêm rằng, “sau này, nó thay đổi thực sự trong giá cả sản xuất”[3]. Việc khảo cứu hàng hoá-sản phẩm của tư bản nhằm trả lời câu hỏi kép:

1. Làm thế nào quan hệ trao đổi hàng hoá có thể chuyển hóa thành quan hệ bóc lột? Đó là vấn đề tồn tại của giá trị thặng dư như là hình thái giá trị của lao động thặng dư, mà Marx lý giải với khái niệm về sức lao động. (Tiêu đề I)

2. Làm sao giá trị thặng dư chuyển hóa thành lợi nhuận? Đó là vấn đề biểu hiện của giá trị thặng dư khi nó mang hình thái của lợi nhuận bình quân, mà Marx lý giải với khái niệm về tỷ suất lợi nhuận chung. (Tiêu đề II)

Đi từ sự tồn tại của giá trị thặng dư đến sự biểu hiện của nó, phép phân tích hàng hoá của Marx chuyển từ cấp độ trừu tượng hóa gọi là tư bản nói chung sang cấp độ tư bản số nhiều.

Tiêu đề I:

VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ SỨC LAO ĐỘNG

“Để phát triển khái niệm về tư bản, chúng ta cần xuất phát không phải từ lao động, mà từ giá trị, và hơn nữa từ giá trị trao đổi đã phát triển trong sự vận động của lưu thông” - Marx viết trong Bản thảo 1857-1858. Bởi “không thể nào chuyển thẳng từ lao động sang tư bản, cũng như không thể nào chuyển thẳng từ các chủng tộc người khác nhau sang người chủ ngân hàng, hoặc từ thiên nhiên chuyển thẳng sang máy hơi nước”[4]. Thật vậy, chỉ khi tác giả Tư bản từ bỏ lối định nghĩa tư bản từ lao động hay người lao động, để định nghĩa nó từ giá trị, thì ông mới có thể vạch ra khái niệm về tư bản - bao hàm sự sản sinh khái niệm về sức lao động, tách bạch khỏi lao động lẫn người lao động[5].

Xuất phát từ đó, Marx thiết định khái niệm về tư bản với tính cách là quan hệ xã hội về sản xuất, thông qua một phân tích kép:

1) Một phân tích tư bản đi từ hình thái giá trị của nó, tức là trong thế đối cực vừa là quan hệ bóc lột, vừa là quan hệ hàng hoá (Chương 5).

2) Một phân tích tư bản đi từ những sức sản xuất trong đó nó vật hóa, tức là trong thế đối cực vừa là quan hệ sản xuất, vừa là sức sản xuất (Chương 6).

Chương 5

TƯ BẢN NHƯ QUAN HỆ BÓC LỘT MANG TÍNH HÀNG HOÁ

Tư bản, theo như Marx viết, giả định lao động cần thiết “chỉ trong chừng mực” nó tạo nên lao động thặng dư dưới hình thái giá trị: “Tư bản thiết định lao động thặng dư như là điều kiện của lao động cần thiết, và biến giá trị thặng dư thành giới hạn của lao động vật hóa và của giá trị nói chung (…), bởi trên cơ sở của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, không có lao động cần thiết độc lập với giá trị thăng dự”[6]. Đặt quá trình hình thành của giá trị dưới sự chi phối của sản xuất giá trị thặng dư, tác giả Tư bản xác lập tính đặc thù của tư bản như là quan hệ bóc lột: một quan hệ bóc lột mang tính hàng hoá [rapport marchand d’exploitation]. Tính đặc thù này đặt ra vấn đề của mâu thuẫn trong lý luận của Marx giữa quan hệ tư bản chủ nghĩa [rapport capitaliste] và quan hệ hàng hoá [rapport marchand].

Cho đến đây, phân tích quan hệ hàng hoá của chúng tôi quả có quy chiếu đến các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng chỉ như là tiền-thiết định [présupposé] của phân tích. Khi trình bày hình thái hàng hoá và các khái niệm cấu thành nó (giá trị - giá trị sử dụng - giá trị trao đổi, lao động trừu tượng - lao động cụ thể - tiền tệ), chúng tôi luôn luôn xác định rằng tất cả các phạm trù ấy đều đặt trong phạm vi của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; tuy nhiên quy chiếu ấy còn mang tính hình thức, theo nghĩa quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ cụ thể hóa ở bề mặt trong hình thái về phân cách các quá trình lao động, về phân công lao động xã hội thành những quá trình lao động tư nhân. Vấn đề bây giờ là xác lập nền tảng của tính chất tư bản chủ nghĩa ấy, là xác định nội dung giai cấp của các phạm trù đó mà ý nghĩa vì thế sẽ chuyển hóa.

Vấn đề là làm rõ với Marx:

1. Sự phân đôi của thế giới hàng hoá, với một bên là các hàng hoá thật sự, tức sản phẩm của tư bản; và bên kia là sức lao động, không phải thật sự là hàng hoá, nhưng mà sự chuyển hóa thành hàng hoá giả tưởng là tiền đề của hàng hoá-sản phẩm của tư bản (Tiết 51).

2. Sự cấu trúc hóa tư bản theo hai tương quan chia cách, một mặt là chia cách người lao động với các tư liệu sản xuất, và mặt khác là chia cách quá trình lao động xã hội thành những quá trình tư nhân, trong đó quan hệ trao đổi tạo thành hình thái đặc thù của quan hệ giai cấp (Tiết 52).

Tiết 51:

SƯ PHÂN CHIA THẾ GIỚI HÀNG HOÁ

GIỮA SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN VÀ SỨC LAO ĐỘNG

Là hòn đá tảng của lý luận về giá trị thặng dư, khái niệm về sức lao động như là hàng hoá đã trở thành trọng điểm của nhiều chấp vấn và, đối với không ít nhà bình luận Tư bản, đó là hòn đá ngăn trở mà phân tích của Marx vấp phải. Chấp vấn ấy nhằm vào các phép đọc Tư bản hiểu đơn giản sự chuyển hóa sức lao động thành hàng hoá như là mở rộng, khái quát hóa phạm trù hàng hoá đến đối tượng sức lao động. Trong quan niệm ấy, sức lao động “chỉ là hàng hoá”, “hoàn toàn là hàng hoá”, “là hàng hoá như mọi hàng hoá khác”[7]. Những lý lẽ phản biện quan niệm ấy khiến người ta hoài nghi tính xác đáng của khái niệm về hình thái hàng hoá của sức lao động, và buộc ta xác lập cương vị của nó một cách minh bạch.

Đối với Marx, hình thái hàng hoá của sức lao động chỉ khái quát hóa hình thái hàng hoá trong chừng mực sự mở rộng [extension] ấy cùng lúc là sự lặp lại [redoublement] hình thái hàng hoá, đưa đến phân đôi thế giới hàng hoá với một bên là sức lao động, và bên kia là các sản phẩm của tư bản. “Thế giới hàng hoá phân đôi thành hai pham trù: một bên là sức lao động; bên kia là bản thân các hàng hoá”[8]. Nhằm phê phán chính trị kinh tế học, Marx nhấn mạnh đến “tính đặc thù đối cực của các thứ hàng hoá mà người lao động và chủ tư bản mua bán nhau”[9]. Ngược lại với một thứ truyền thống macxít, chúng tôi xác nhận hai mệnh đề tưởng như là phi chính thống của Marx:

1. Thay vì chỉ mở rộng lĩnh trường của giá trị thì sự khái quát hóa hình thái hàng hoá đến sức lao động, một cách cơ bản, là cấu trúc hóa lĩnh trường giá trị bởi quan hệ cưỡng chế giá trị thặng dư; và với cấu trúc đó, các hàng hoá, trước đây được định nghĩa là hình thái của sản phẩm lao động, trở thành sản phẩm của tư bản (§ 511).

2. Thay vì là hàng hoá thật sự, sức lao động chỉ có hình thái của hàng hoá mà thôi, nó có hình thái giá trị trao đổi trong khi nó không phải là giá trị; và hình thái hàng hoá ấy có tính tưởng tượng, nó định hình sức lao động như là một hàng hoá giả tưởng, đối lập với các hàng hoá thật sự, là sản phẩm của tư bản (§ 512).

§ 511 - Giá trị như hình thái của cưỡng chế lao động thặng dư

Trong Quyển I Phần 2 (‘Sự chuyển hóa của tiền tệ thành tư bản’), tác giả Tư bản đề ra khái niệm về hàng hoá sức lao động làm nền tảng cho công thức chung của tư bản T - H - T’[10]. Theo Marx, “tư bản chỉ giá trị trao đổi trở nên độc lập với tính cách là quá trình, giá trị trao đổi như là quá trình làm tăng thêm giá trị”[11]. T - H - T’ là giá trị trao đổi trong quá trình của nó, theo nghĩa tiền (T) và hàng hoá (H) ở đây là những phương thức tồn tại của giá trị luân phiên chuyển hóa từ hình thái riêng (H) sang hình thái chung (T). T - H - T’ là quá trình làm tăng thêm giá trị với ý nghĩa rằng trong cuộc vận động ấy, giá trị không chỉ được bảo toàn mà còn tăng đại lượng, tạo nên giá trị thặng dư (T’ > T). Đó là “giá trị tự làm tăng giá trị, là giá trị thiết định giá trị thặng dư. Với tính cách đó, nó là tư bản”[12].

Song, quá trình chuyển hóa tiền tệ thành tư bản này “đi ngược lại hết thảy mọi quy luật đã trình bày đến nay về bản chất của hàng hoá, của giá trị, của tiền tệ”[13]. Quá trình T - H - T’ đối lập với quá trình H - T - H’ trong chừng mực người ta không thể lý giải sự hình thành của giá trị thặng dư bởi sự lưu thông của hàng hoá. Giá trị thặng dư không xuất phát từ một sự khác biệt trong giá trị sử dụng của hàng hoá (hàng hoá được trao đổi có ích đối với người mua hơn là đối với người bán), cũng không xuất phát từ khác nhau trong giá trị trao đổi của hàng hoá (hàng hoá được trao đổi ở trên hoặc ở dưới mức giá trị trao đổi của nó). Nhưng người ta không thể tìm thấy giải thích của giá trị thặng dư ở ngoài các hành vi mua và bán cấu thành hình thái của các tương quan xã hội trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (ở ngoài lưu thông hàng hoá, người ta có thể với hao tổn lao động xã hội tạo nên một giá trị, nhưng không thể tạo ra một giá trị tự nó tăng thêm giá trị). Cho nên sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản “phải tiến hành trong phạm vi của lưu thông và đồng thời phải không tiến hành trong phạm vi lưu thông”[14].

Công thức T - H - T’ vì thế định nghĩa tư bản trong sự mâu thuẫn của nó với hình thái hàng hoá. Sự tồn tại của quá trình T - H - T’ giả định một mối tương quan bề ngoài, một tính quy định bên ngoài; song đồng thời, để cấu thành mâu thuẫn, tính quy định bên ngoài này phải mang hình thái một tương quan nội tại của lĩnh trường hàng hoá. Tính vừa bên trong - bên ngoài ấy, chính là hình thái hàng hoá của sức lao động mà Marx xác lập khái niệm.

Sức lao động không trỏ người lao động (nó không thể bán bản thân nó), cũng không trỏ lao động của nó (lao động chưa tồn tại lúc người lao động và chủ tư bản quyết định hợp đồng), mà chỉ năng lực lao động, là cái duy nhất mà người lao động có thể bán và chủ tư bản có thể mua. Chính xác hơn, đối với chủ tư bản, giá trị sử dụng của sức lao động là năng lực của nó tạo ra giá trị và nhiều giá trị hơn cái mà họ chi ra để mua nó.

I. Như vậy, giá trị sử dụng của sức lao động mà chủ tư bản mua chỉ năng lực của sức lao động sản sinh ra giá trị thặng dư (M) hay, nói cách khác, năng lực của nó chuyển hóa thành tư bản khả biến (V), tức là năng lực của sức lao động lồng vào quá trình làm tăng giá trị:

 

{ V

 

 

T - H

{ -----

H’ - T’

= C + V + M

 

{ C

 

 

Quá trình này có hai mặt: quá trình tạo nên giá trị mới, và quá trình chuyển di giá trị hiện có. Đó cùng là một quá trình mà thôi, bởi sức lao động chỉ tạo ra giá trị mới khi cùng lúc nó bảo tồn giá trị hiện có. Thuộc tính kép ấy tương ứng với tính hai mặt trừu tượng - cụ thể của lao động xã hội: với tính chất trừu tượng của nó, lao động xã hội tạo nên giá trị mới (V + M), tức là vượt qua tái sản xuất giá trị trao đổi của sức lao động (V), nó tạo thành giá trị thặng dư (M); đồng thời với tính chất cụ thể của nó, lao động xã hội chuyển di giá trị hiện có của tư liệu sản xuất (C). “Như vậy là theo thuộc tính chung, trừu tượng của lao động, coi như tiêu phí sức sống của con người, mà lao động của người thợ kéo sợi thêm một giá trị mới vào giá trị của bông và cọc sợi; và theo thuộc tính cụ thể, riêng biệt của lao động, thuộc tính có ích về kéo sợi, mà lao động của người thợ dệt chuyển di giá trị của những tư liệu sản xuất ấy vào sản phẩm và do vậy bảo tồn giá trị đó trong sản phẩm”[15]. Quả là không chỉ lao động trừu tượng, mà cả lao động cụ thể, đều tham gia quá trình hình thành của giá trị, và quá trình sản xuất giá trị thặng dư quả gắn với tính hai mặt của lao động xã hội.

Vài điều cần làm rõ thêm ở đây:

1) Trong Tư bản, giá trị thặng dư hiện ra như là “chênh lệch”, “số thêm” của giá trị sử dụng sức lao động trên giá trị trao đổi của nó, có nghĩa rằng giá trị sử dụng của sức lao động và giá trị trao đổi của nó đồng tính chất, thuộc cùng lĩnh trường. Trong khi đó, theo giới phản biện, giá trị trao đổi và giá trị sử dụng của sức lao động biểu tượng hai thứ lao động mà tính chất khác nhau - một mặt là lao động chung, trừu tượng, mặt khác là lao động có ích, cụ thể - cho nên không thể đặt hai giá trị sử dụng và trao đổi ấy trên cùng bình diện để suy ra một chênh lệch số lượng như là giá trị thặng dư[16]. Đúng ra, trình bày của Marx thật chặc chẽ khi ta nắm bắt sức lao động không như là “giá trị sử dụng với tư cách như thế của nó” [sa valeur d’échange en tant que telle] mà như là “giá trị sử dụng đặc thù của nó đối với tư bản” [sa valeur d’échange spécifique pour le capital]. Giá trị sử dụng đặc thù này không chỉ năng lực của sức lao động cung cấp một loại lao động có ích nào đó, một lao động lành nghề nhất định, nó trỏ năng lực của sức lao động lồng vào quá trình làm tăng giá trị, quá trình sản xuất giá trị thặng dư. “Không phải tính cụ thể của lao động, không phải giá trị sử dụng của nó với tư cách là như thế - chẳng hạn, không phải vì nó là lao động của người thợ may, của người thợ đóng giày, của người kéo sợi, của người thợ dệt v.v - không phải cái đó cấu thành giá trị sử dụng đặc thù của lao động đới với tư bản. […] Không phải tính chất có ích nhất định của sức lao động […] tạo nên giá trị sử dụng đặc thù của nó đối với tư bản, mà là do tính chất của lao động đó với tư cách là nhân tố tạo ra giá trị trao đổi, tính lao động trừu tượng; chính xác hơn, không phải vì nó đại biểu cho một số lượng nhất định của cái lao động chung ấy, mà là do nó đại biểu cho một số lượng lao động trừu tượng lớn hơn số lượng chứa đựng trong giá cả của nó, tức trong giá trị của sức lao động. Đối với tư bản thì giá trị sử dụng của sức lao động chính ở số lượng lao động thặng ra do nó đem lại so với số lượng lao động đã vật hóa trong bản thân nó, và do đó cần thiết để tái sản xuất ra nó”[17].

2) Sự phân biệt về mặt khái niệm giữa “vật hữu ích” [objet utile] và “giá trị sử dụng” [valeur d’usage], hay giữa “lao động hữu ích” [­travail utile] và ”lao động cụ thể” [travail concret], cho đến nay vẫn có tính hình thực, hiện ra bây giờ với tất cả ý nghĩa và kích thước của nó: “Giá trị sử dụng duy nhất, tức vật hữu ích duy nhất có thể tồn tại đối mặt với tư bản, đó là vật làm tăng tư bản, nhân nó lên, do đó bảo tồn nó với tư cách là tư bản”[18]. Cho nên khi chúng ta không lẫn lộn lao động hữu ích với hình thái tư bản chủ nghĩa của nó là lao động cụ thể, thì có thể nói rằng lao động cụ thể - cũng như lao động trừu tượng - can dự vào quá trình làm tăng giá trị của tư bản: lao động cụ thể bằng cách bảo tồn tư bản, lao động trừu tượng bằng cách làm tăng tư bản. Do đó, có thể nói rằng giá trị sử dụng đặc thù của sức lao động đối với tư bản có hai mặt: như là sức sản xuất lao động cụ thể, nó chuyển di giá trị hiện có; như là sức sản xuất lao động trừu tượng, nó tạo nên giá trị mới.

3) Việc “bảo tồn” [conservation] hay “chuyển di” [transmission] giá trị của tư bản bất biến bằng lao động cụ thể không hề loại trừ sự “thay đổi” [modification] hay sự “tái hiện tại hóa” [réactualisation] giá trị của các hàng hoá cấu thành tư bản ấy. Hơn nữa, vì tư bản bất biến “bao giờ cũng giảm bớt giá trị, bởi giá trị của hàng hoá không phải do thời gian lao động cần thiết lúc đầu để sản xuất ra hàng hoá ấy quyết định, mà do thời gian lao động cần thiết để tái sản xuất hàng hoá ấy quyết định, trong khi thời gian lao động này không ngừng giảm với sự phát triển của sức sản xuất xã hội của lao động”[19]. Marx còn nhấn mạnh: “Cũng như sự thay đổi trong giá trị của tư liệu sản xuất không hề làm thay đổi tính chất tư bản bất biến của chúng, sự thay đổi về tỷ lệ giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến không ảnh hưởng gì đến sự khác nhau trong chức năng của chúng”[20]. Trong nghĩa đó, chuyển di giá trị là một quá trình có tính đồng đại [synchronique].

II. Hình thái hàng hoá của sức lao động tiến hành trong giá trị mới sản sinh (V + M) một sự phân cách giữa giá trị trao đổi của sức lao động (V) và giá trị thặng dư (M) mà biểu hiện là tỷ suất giá trị thặng dư e = M / V.

1) Không chỉ đơn gian là một sự phân chia, đây là một sự cấu trúc hóa giá trị bởi mâu thuẫn giữa lao động cần thiết và lao động thặng dư, do “lao động cần thiết là do lao động thặng dư thiết định và vì lao động thặng dư”[21]. Nói cách khác, tư bản biến lao động thặng dư dưói hình thái giá trị trở thành điều kiên của sản xuất giá trị: “Tư bản do đó thiết định lao động thặng dư như là điều kiện của lao động cần thiết và biến giá trị thặng dư thành giới hạn đối với lao động vật hóa, nghĩa là đối với giá trị nói chung”[22]. Do đó, nếu đặc tính của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa như là nền sản xuất hàng hoá, nền sản xuất giá trị, chỉ xác đáng nếu ta không quên rằng đó là sản xuất giá trị dưới sự cưỡng chế giá trị thặng dư: hay đó là sản xuất lao động thặng dư dưới hình thái giá trị. Cho nên, hình thái giá trị chỉ một hình thái đặc thù của cưỡng chế lao động thặng dư: sự cưỡng chế giá trị thặng dư. Bởi tất yếu xã hội mà giá trị bao hàm là sự chiếm hữu lao động thặng dư dưới hình thái giá trị, nêu đặc tính của lao động xã hội cần thiết đưa chúng ta đến các điều kiện sản sinh giá trị thặng dư và quan hệ giai cấp tư bản chủ nghĩa. Hàng hoá được sản xuất với tư cách là vật mang giá trị thặng dư. Với tư cách đó, hàng hoá trở thành sản phẩm của tư bản.

2) Tỷ suất bóc lột tư bản chủ nghĩa e = M / V diễn đạt sự phân chia giá trị mới do sức lao động tạo nên V + S giữa người làm công và chủ tư bản, tức sự phân cách lao động trừu tượng giữa lao động được trả công và lao động không công. Một mặt, tỷ suất e tùy thuộc thời gian và cường độ của ngaỳ lao động, là những chuẩn mực xã hội về sử dụng sức lao động, xác định cách thức sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối; mặt khác, e tùy thuộc giá trị trao đổi của sức lao động, là chuẩn mực xã hội về tái sản xuất sức lao động, xác định cách thức sản xuất giá trị thặng dư tương đối.

Tỷ suất giá trị thặng dư ấy là một tỷ suất “chung”: tính đồng nhất của nó - vượt qua tính đa dạng của các tư bản cá biêt - thể hiện sự tồn tại của tư bản với tư cách là quan hệ giai cấp. Như vậy, đối với Marx, tính độc nhất của tỷ suất bóc lột không phải chỉ là giả thuyết có tính đơn giản hóa: “Chúng ta quả có giả định sự tồn tại một tỷ suất giá trị thặng dư chung - với tính cách là xu hướng, như mọi quy luật kinh tế - để đơn giản hóa nghiên cứu lý luận; nhưng thật ra nó là điều kiện thực tế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, dù xu hướng này bị kìm hãm ít nhiều bởi các trở ngại thực tiễn gây >nên những sự khác nhau có tính địa phương”[23]. Đó là điều mà nhiều nhà phê bình không nắm khi họ trách Marx đã đề ra trong phân tích giả thuyết về một tỷ suất duy nhất về giá trị thăng dư đối với mọi tư bản[24]. Trong Tư bản, Marx gắn tỷ suất giá trị thặng dư với các chuẫn mực chung về sử dụng và tái sản xuất sức lao động, là những cái được thua của đấu tranh giai cấp. “Việc lập ra một ngày lao động tiêu chuẩn là kết quả của một cuộc nội chiến lâu dài, dai dẳng, lúc ẩn lúc hiện giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân” - tác giả Tư bản nhắc nhở[25].

Vả lại, tỷ suất bóc lột là một tỷ suất “quốc gia”[26]: tỷ suất giá trị thặng dư gắn với các chuẩn mực có tính quốc gia về tiền công, về thời gian và cường độ của ngày lao động. Và cũng như có một thời gian tiêu chuẩn về lao động, “trong mỗi nước, có một cương độ trung bình, bình thường nào đó; không có một cường độ như thế thì trong việc sản xuất ra một hàng hoá, lao động sẽ tiêu dùng nhiều thời gian hơn là thời gian xã hội cần thiết, do đó sẽ không được coi là lao động có chất lượng bình thường. […] Cường độ trung bình hay bình thường về lao động của quốc gia không phải ở nước nào cũng như nhau”[27]. Được xác định trong không gian của một quốc gia, các chuẩn mực về sử dụng và tái sản xuất sức lao động bao hàm sự pháp điển hóa có tính định chế, mang tính nhà nước. “Lịch sử của công nghiệp hiện đại cho ta thấy rằng những đòi hỏi vô độ của tư bản không thể nào kiềm chế được bằng nỗ lực riêng biệt của một công nhân, mà cuộc đấu tranh phải bắt đầu dưới hình thái của đấu tranh giai cấp và vì thế buộc quyền lực của nhà nước phải can thiệp” - Marx nhắc nhở[28].

Như vậy, dù là tuyệt đối hay tương đối, tính chất của giá trị thặng dư chỉ có thể là “xã hội”. Người ta chỉ có thể hiểu phân tích của nó ở cấp độ kinh tế vĩ mô của mối quan hệ giai cấp giữa tư bản và lao động làm thuê. Không thể nắm bắt được sản xuất giá trị thặng dư ở cấp độ kinh tế vi mô của mối tương quan giữa một chủ tư bản và những người làm công cho hắn. Marx vạch rõ điều này khi ông phân biệt phạm trù giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối với phạm trụ gọi là giá trị thặng dư siêu ngạch hay siêu lợi nhuận cá thể. Bởi khi gia tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp của mình, một nhà tư bản cá thể không hề tạo nên giá trị thặng dư tương đối: hắn chỉ giảm chi phí sản xuất cá thể ở dưới mức chí phí sản xuất chung của cả ngành, và chiếm hữu chênh lệch đó dưới hình thái lợi nhuận siệu ngạch, là siêu lợi nhuận so với tỷ suất lợi nhuận chung. Cũng như vậy, khi gia tăng thời gian hay cường độ của ngày lao động trong doanh nghiệp của mình, một nhà tư bản cá thể không hề tạo nên giá trị thặng dư tuyệt đối: hắn chỉ giành được một siêu lợi nhuận cá thể so với các chủ tư bản khác. Điều này hiện rõ ra khi cuộc canh tranh của các nhà tư bản với nhau đưa đến phổ cập hóa những gia tăng về thời gian, cường độ hay năng suất lao động, khiến cho giá trị thặng dư siêu ngạch của nhà tư bản cá thể biến mất, đồng thời xuất hiện giá trị thặng dư tương đối và tuyệt đối của giai cấp tư bản. Cho nên mục tiêu của một nhà tư bản cá thể không thể là chủ tâm sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối hay tương đối; song, một cách vô tình, từng chủ tư bản đều góp phần vào kết quả đó, bởi sự tiềm kiếm siêu lơi nhuận cá thể của mỗi chủ tư bản dẫn đến khởi động quá trình sản xuất giá trị thặng dư tuyết đối hay tương đối cho toàn thể giai cấp tư bản.

§ 512 - Sức lao động như là hàng hoá giả tưởng

Phép phân tích giá trị thặng dư trong Tư bản đặt ra cho người đọc không ít nghi vấn liên quan đến cương vị của sức lao động: nó có phải là hàng hoá hay không? Lời đáp dường như hiển nhiên: văn bản Tư bản đã không xác định tính đặc thù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở sự chuyển hóa sức lao động thành hàng hoá hay sao? Và khi phê phán chính trị kinh tế học, Marx đã không cải chính rằng sức lao động - chứ không phải lao động - mới là hàng hoá hay sao? Thế mà phép trình bày của Marx không tránh khỏi được nhập nha nhập nhằng, và những công thức nước đôi trong Tư bản dẫn đến hai cách đọc, hai lời đáp khác nhau cho câu hỏi đặt ra ở trên.

 I. Sức lao động và hàng hoá - Trước tiên, chúng ta hãy xét lời giải theo đó sức lao động là một hàng hoá. Đây là cách đọc truyền thống, là học thuyết Marx tiêu chuẩn, quy chiếu cơ bản đến những công thức của Chương 6 Tư bản (‘Mua và bán sức lao động’) để xác lập cương vị hàng hoá của sức lao động. Phân tích sức lao động như là hàng hoá có nghĩa rằng cùng một lô-gích chi phối sức lao động và các hàng hoá khác, rằng sức lao động là giá trị và có giá trị sử dụng.

Như trong mọi hàng hoá, giá trị sử dụng của sức lao động xác định tính cá biệt của nó. Khác với những hàng hoá khác, sức lao động có năng lực tạo ra giá trị và nhiều giá trị hơn cái mà nó là. Tính đặc thù của sức lao động ở chỗ nó là hàng hoá độc nhất mà giá trị sử dụng là sản sinh giá trị thặng dư.

Trái lại, với tính cách là giá trị, sức lao động giống như các hàng hoá khác: “Cũng như mọi hàng hoá khác, giá trị của sức lao động được quyết định bởi thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra nó, tức để tái sản xuất thứ sản phẩm đặc thù như thế”. Chính xác hơn, giá trị của sức lao động được “quy thành” giá trị của hàng hoá cần thiết để tái sản xuất nó[29].

David Ricardo (1772-1823)

“Vì sức lao động trị giá bằng một số tư liệu sinh hoạt nhất định”, tái sản xuất nó tóm lại là sản xuất môt rổ hàng hoá mà giá trị biến đổi theo năng suất lao động xã hội: khi năng suất này tăng thì tiền công phải giảm[30]. Phân tích tiền công như là giá trị của sức lao động, cơ bản, không có gì khác thuyết Ricardo về tiền công như là “giá trị của lao động” - việc Marx dùng cụm từ giá trị của “sức lao động” thay cụm từ giá trị của “lao động” chỉ mang tính thuần hình thức.

Mặc khác, “yếu tố tinh thần và lịch sử” mà giá tri của sức lao động chứa đừng, và “phân biệt nó với những hàng hoá khác”, giải thích những biến đổi trong thời gian và không gian của nội dung rổ hàng hoá của tiền công, “nhưng đối với một nước và một thời đại nhất định”, thì rổ hàng cũng là “nhất định”[31]. Cho nên nhấn mạnh đến nhân tố lịch sử không hề thay đổi sự đồng nhất hóa sức lao động với các hàng hoá khác khi ta xác định giá trị của chúng. Không thể phân biệt ở đây phân tích của Marx với chính trị kinh tế học.

Tuy nhiên, một phép đọc thật chăm chú bộ Tư bản lại cho thấy rằng, đối với Marx, quá trình tái sản xuất sức lao động quả tiêu dùng hàng hoá, nhưng không phải là quá trình sản xuất một hàng hoá.

1) Một mặt, khác với các hạng hóa, sức lao động không phải là sản phẩm của một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tái sản xuất nó không hề sản xuất ra một giá trị thặng dư mà người lao động, với tư cách là chủ của sức lao động, sẽ chiếm hữu.

Để làm rõ điều này, chúng ta chi cần áp dụng cho sức lao động phép quy định giá trị của hàng hoá-sản phẩm của tư bản, tức là sự cấu trúc hóa c + v + m, trong đó c là giá trị hiện có, v + m = va là giá trị mới tạo nên, tức là giá trị gia tăng [valeur ajoutée]. Nếu Vh chỉ giá trị của toàn bộ hàng hoá (khác hơn sức lao động) được sản xuất trong xã hội, nếu Ch chỉ giá trị của tư liệu sản xuất được tiêu dùng, và nếu VAh chỉ giá trị mới sản xuất ra trong các quá trình sản xuất hàng hoá, thì chúng ta có: Vh = Ch + VAh. Tương tự, nếu Vs là giá trị của sức lao động, Cs là giá trị của tư liệu sinh hoạt mà các người lao động tiêu dùng, VAs là giá trị mới sản xuất ra trong quá trình tái sản xuất sức lao động, thì chúng ta sẽ có Vs = Cs + VAs. Giá trị thặng dư M mà giai cấp tư bản chiếm hữu tương ứng với chênh lệch giữa tổng giá trị mới mà sức lao động đã tạo nên và giá trị của sức lao động ấy, tức M = (VAh + VAs) - (Cs + VAs) = VAh - Cs.

Như các tác giả Bruno Lautier và Raymond Tortajada có nhận xét, phân tích này tìm lại được, trong hình thức, kết quả mà Marx xác lập trong Tư bản, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác[32]. Bởi nó bao hàm ý nghĩ rằng sức lao động tái sản xuất bằng một quá trình lao động sản xuất giá trị và do đó sản sinh giá trị thặng dư mà những người lao động chiếm hữu với tư cách là chủ sở hữu hàng hoá sức lao động. Nói cách khác, thiết định sức lao động là một hàng hoá, tức là biến chủ của nó thành một người sở hữu giá trị thặng dư. Người làm công đâm ra có cùng cương vị với nhà tư bản với tư cách là sở hữu chủ hàng hoá. Người ta bị dẫn đến phủ định sự tồn tại của các giai cấp định nghĩa chủ nghĩa tư bản[33].

Đồng hóa người làm công với nhà tư bản với danh nghĩa sở hữu chủ hàng hoá là nền tảng của lý thuyết về tư bản con người, về vốn con người mà chính Marx phủ nhận. “Người ta đặt cho năng lực lao động cái tên là tư bản của người lao động trong chừng mực năng lực ấy cấu thành một vốn mà người lao động không thể cạn kiệt mỗi lần trao đổi, bởi nó luôn luôn được khôi phục lại suốt thời gian người lao động tồn tai. Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa tư bản đó thì mọi vốn cấu thành từ một quá trình lặp lại của một chủ thể sẽ là tư bản; chẳng hạn mắt sẽ là tư bản của thị giác, v.v.”[34]. Và tác giả Tư bản nhấn mạnh: “Sức lao động không hề là tư bản; người công nhân không phải là một nhà tư bản, mặc dù nó mang một hàng hoá, là bộ da của nó, đến thị trường”[35].

Thật vậy, nhà tư bản và người công nhân giữ những vị trí khác nhau trong lưu thông, tức đối với tiền tệ. “Về phía nhà tư bản, diễn ra ở đây sự vận động T - H - T. Với tiền, hắn ta mua hàng hoá (sức lao động); với sản phẩm của sức lao động ấy, hắn ta lấy tiền; đúng hơn, hắn bán sản phẩm đó cho công nhân là người trưa kia đối diện hắn với tư cách là người bán. Ngược lại, người công nhân đại biểu cho sư lưu thông H - T - H. Nó bán hàng hoá của nó (sức lao động) và với số tiền nhận được, nó mua lại một bộ phận hàng hoá mà nó sản xuất ra”[36]. Đối với nhà tư bản, tiền tệ hoạt động như là tư bản, còn trong tay của công nhân tiền tệ hoạt động như là thu nhập. Marx phê phán các nhà kinh tế học cho rằng sức lao động của người công nhân là “tư bản của nó dưới hình thái hàng hoá” từ đó mà công nhân không ngừng rút ra thu nhập của nó: “Tình trạng một người phải không ngừng bán hết lần này đến lần khác sức lao động của mình, nghĩa là bán bản thân mình đi cho một người khác - cứ theo các nhà kinh tế học nói trên - chứng tỏ rằng người đó là một nhà tư bản, vì người đó luôn luôn có “hàng hoá” (bản thân người đó) để bán”[37]. Phản bác luận điệu đồng hóa sức lao động với tư bản, tác giả Tư bản kết luân: Sức lao động của người công nhân “không phải là tư bản của nó. Sức lao động là cái hàng hoá duy nhất mà người công nhân có thể và phải không ngừng bán đi để sống, và nó chỉ hoạt động như là tư bản (khả biến) trong tay của người mua nó, của nhà tư bản”[38].

Chính xác hơn nữa, có thể nói rằng sự tái sản xuất sức lao động không hề là sản xuất giá trị. Nó không phải là một quá trình lao động tư nhân cần được công nhận là lao động xã hội khi sức lao động được mang đi bán. Thứ hoạt động mà người lao động xúc tiến để tái sản xuất bản thân mình mang tính trực tiếp hữu dụng dưới hình thái cụ thể của nó, chứ không hề là một quá trình lao động trừu tượng. Nó không tạo ra thêm giá trị mới cộng vào giá trị mà sản xuất hàng hoá sinh ra.

Ngược lại với nhiều lời phản biện bộ Tư bản, Marx đã không hề “mở rộng” hay “phổ quát hóa” tính quy định giá trị của hàng hoá đến sức lao động: giá trị trao đổi của sức lao động không phải do lao động xã hội cần thiết để sản xuất nó quy định, như mọi hàng hoá khác; mà quy định giá trị trao đổi của sức lao động chỉ là lao động xã hội cần thiết để sản xuất những hàng hoá can dự vào tái sản xuất sức lao động: “Giá trị của sức lao động vừa đúng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người vận dụng sức lao động”[39]. Giá trị của sức lao động “là do giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết cho công nhân quyết định, nghĩa là nó bằng lao động tất yếu để đủ tái sản xuất ra bản thân những điều kiện sinh sống của người công nhân: đó là điều đặc biệt của hàng hoá này (sức lao động)” - Marx nhấn mạnh. Và tác giả bản còn đưa ra nhận xét: “Đúng ra nó cũng không có đặc biệt hơn trường họp của súc vật như trâu ngựa mà giá trị là do giá trị của các tư liệu sịnh hoạt cần thiết để nuôi dưỡng chúng quyết định, tức là do lượng lao động cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt đó”[40].

Samuel Bailey (1791-1870)

Vấn đề đặt ra ở đây là tính quy định giá trị trao đổi của sức lao động có tính đến hoạt động nội trợ của người lao động nuôi dưỡng bản thân mình, tái sản xuất bản thân nó - còn gọi là lao động nội trợ [travail domestique] - hay không? Nhiều lời bình cho rằng lập trường của Marx mang tính nước đôi. Có người trách tác giả Tư bản đã đồng hóa hoạt động tái sản xuất người lao động với lao động sản xuất hàng hoá. Cũng có người trách ông đã quên lao động nội trở trong lao động cần thiết để tái sản xuất sức lao động[41]. Thật ra, các văn bản của Marx hoàn toàn mạch lạc: lao động của người làm công để bảo dưỡng sức lao động của mình không hề sản sinh giá trị; đó không phải là thứ lao động trừu tường - cụ thể, mà chỉ đơn giản là lao động có ích, lao động mà người lao động tiêu hao cho bản thân, là hoạt động tái sản xuất bản thân với tư cách là con người. Bàn đến lao động nội trợ - như là “nấu nướn thịt cho mình”, “bảo dưỡng bàn ghế, nhà cửa của mình”, “đánh giầy của mình” v. v. - Marx viết rằng: “Đối với giai cấp những người lao động sản xuất này, lao động mà họ thực hiện cho bản thân họ, là lao động phi sản xuất”[42]. Tác giả Tư bản làm rõ điểu này khi bác bỏ phản biện của Samuel Bailey cho rằng phương thức Ricardo quy định giá trị của ”lao động” là lệch lạc, nếu ta so sánh nó với tính quy định giá trị của mọi hàng hoá khác: theo Marx, “so sánh này vô giá trị”[43]. Bởi trong trường hợp của một sinh vật, giá trị của nó “không tùy thuộc lao động trực tiếp sử dụng để tái sản xuất nó, (…) mà chỉ tùy thuộc giá trị của tư liệu sinh hoạt mà nó tiêu dùng - đó là cách thức tái sản xuất của thực thể sống. Nếu ông muốn, Bailey đã có thể nhận thấy điều đó trong tính quy định giá trị của gia súc”[44]. Bởi “ngoài số lao động hạo tốn cho viêc chăm sóc gia súc và số lao động hao tốn để sản xuất thức ăn của gia súc, người ta không bao giờ tính trong lao động cần thiết để sản xuất gia súc cái lao động mà bản thân gia súc hao tốn trong hành vi tiêu dùng, trong hành vi ăn, uống, hấp thụ thực phẩm ấy. Đối với sức lao động, sự việc cũng hoàn toàn như thế. […] Sự tái sản xuất sức lao động không hao tốn lao động nào khác ngoài số lao động cần thiết để tái sản xuất những tư liệu sinh hoạt do công nhân tiêu dùng”[45]. Về phương diện đó và bất luận lời phản biện, tái sản xuất sức lao động hoàn toàn có thể so sánh với sản xuất gia súc”[46]. Tuy nhiên, đối với Marx và trái lại với lời phản biện, vẫn có sự khác biệt cơ bản giữa sản xuất gia súc - là một quy trình tư bản chủ nghĩa về sản xuất hàng hoá - với tái sản xuất sức lao động, là một quy trình không thể nào gia tăng giá trị của tư bản[47].

Nếu quá trình tái sản xuất sức lao động không sản sinh ra giá trị, thì sức lao động không thể có giá trị thực sự, do đó sức lao động không thể thực sự là hàng hoá. Từ nhân dịnh này, người ta có thể triển khai một phép đọc khác về phạm trù sức lao động và tương quan của nó với phạm trù hàng hoá.

II. Sức lao động và quan hệ giai cấp. Phép đọc khác mà chúng tôi đề xuất khởi đi từ nhận định của Marx theo đó sức lao động khác với hàng hoá ở chỗ nó không phải là giá trị, mặc dù nó có giá trị trao dổi, có giá cả qua trao đổi của nó với tiền tệ, với tiền công. Trong điều kiện đó, có thể thiết định rằng sức lao động thuộc về một phạm trù mà tác giả Tư bản đề ra ngay Phần 1 Quyển I, song không đích danh áp dụng cho sức lao động: phạm trù của những vật, “đứng về mặt hình thức mà nói, có thể có giá cả mà không có giá trị”. Đó là phạm trù của những vật mà, “nói đúng ra không phải là hàng hoá” như là đất đai, song “được người sở hữu nó mang ra đổi lấy tiền, và qua giá cả mà người ta định cho nó, có được hình thái hàng hoá”[48].

Khái niệm “hình thái hàng hoá” này áp dụng cho sức lao động có nghĩa là nó không phải là hàng hoá, cũng không phải là phi-hàng hoá[49]. Sức lao động không phải là hàng hoá trong chừng mực nó chỉ có hình thái của hàng hoá. Sức lao động cũng không phải là phi-hàng hoá trong chừng mực nó có cùng chung với các hàng hoá hình thái của giá trị trao đổi. Chỉ có điều là, trong trường hợp của sức lao động, giá trị trao đổi không phải là hình thái hiện tượng của giá trị[50]: đó là một hình thái của giá trị, hình thái giá cả, mà Marx gọi là “tưởng tượng” [imaginaire][51]. Do đó, có thể nói rằng hình thái giá trị của sức lao động thể hiện sự tồn tại của môt hàng hoá tưởng tượng hay giả tưởng [marchandise fictive] hay một thứ giả hàng hoá [pseudo-marchandise][52].

Nếu phép đọc trên xác đáng thì cần hiệu chính một số công thức trong Tư bản.

1. Trước hết, “sự chuyển hóa sức lao động thành hàng hoá” không biến nó thành “một hàng hoá thực sự” [marchandise à proprement parler] theo lời của Marx, mà chỉ cấp cho nó “hình thái của một hàng hoá”. Thật vậy, quan hệ trao đổi giữa người sở hữu tiền và người sở hữu sức lao động là một mối quan hệ rất đặc thù, ở chỗ người lao động không hề có hàng hoá để bán cho nên mới đem ra thị trường sức lao động của mình. Mối quan hệ này phân đôi xã hội thành hai giai cấp: một bên là giai cấp tư bản nắm giữ tiền, tức tất cả mọi hàng hoá, tư liệu sản xuất cũng như tư liệu sinh hoạt; bên kia là giai cấp lao động làm thuê không nắm giữ hàng hoá nào cả và, để có tư liệu sinh hoạt, phải chuyển hóa sức lao động của mình thành một hàng hoá giả tưởng[53].

Nói cách khác, hình thái hàng hoá của sức lao động là phương cách gia nhập quan hệ hàng hoá của những ai không có hàng hoá để bán. Phải hiểu theo ý nghĩa đó mệnh đề của Marx cho rằng: “Chúng ta có thể phân chia thế giới ‘hàng hoá’ thành hai bộ phận lớn. Một là sức lao động; hai là các hàng hoá phân biệt với bản thân sức lao động”[54]. Sự phân chia này đúng hơn là một quan hệ “song cực” [bipolarité][55]: hàng hoá-sản phẩm của tư bản chỉ tồn tại trong sự đối lập với hình thái hàng hoá của sức lao động. Cho nên, nếu sức lao động không phải là sản phẩm của tư bản như các hàng hoá thực sự, đó là vì chính nó cấu thành tư bản với tư cách là quan hệ xã hội về sản xuất.

2. Là một hàng hoá tưởng tượng, như trường hợp của đất đai, sức lao động “không có giá trị vì không có lao động nào của con người vật hóa ở trong đó cả”, tuy nhiên nó “che giấu một mối quan hệ về giá trị thực sự” mà chúng ta cần vạch ra[56]. Trước tiến, thành ngữ do Marx thường dùng là “giá trị” của sức lao động phải được hiểu là “giá trị trao đổi” của nó. Song nói đến giá trị trao đổi của sức lao động trong khi nó không phải là giá trị, có nghĩa là hình thái ở đây thể hiện một cái gì khác hơn là một quan hệ đơn giản về hàng hoá, nó thể hiện những quan hệ xã hội khác hơn mà ta cần xác định.

A) Chúng tôi sẽ căn cứ trước tiên trên một văn bản của Lao động làm thuế và tư bản bàn về “tiền công tương đối” và giải thích vì sao giá trị trao đổi của sức lao động “nói chung không được quy định bởi khối lượng hàng hoá” mà người làm công nhận được khi bán sức lao động của mình[57]. Thứ nhất, Marx nhấn mạnh rằng người làm công không nhận một rổ hàng hoá mà nhận một số tiền nhất định”. Hơn nữa, “cả tiền công danh nghĩa, tức số tiền mà người làm công nhân có được khi bán mình cho nhà tư bản, lẫn tiền công thực tế, tức lượng hàng hoá mà nó có thể mua với số tiền ấy, cũng chưa phải là tất cả những quan hệ bao hàm trong tiền công”. Tiền công “được quy định trước hết bởi tương quan của nó với lợi nhuận của tư bản”: tiền công mang tính “tương đối” theo nghĩa nó thể hiển “cái phần mà lao động trực tiếp nhận được từ giá trị mới mà nó tạo ra, so với phần mà lao động tích lũy [travail accumulé] thu được, tức tư bản thu được”[58]. Thừa nhận công lao lớn của Ricardo đã “nghiên cứu tiền công tương đối và xác định nó như như là phạm trù”, Marx nhấn mạnh trong Các học thuyết về giá trị thặng dư: “Trước đó, tiền công bao giờ cũng được xem xét một cách giản đơn, không có so sánh, vì thế người lao động bị coi như là một súc vật. Còn ở đây thì người lao động được xét trong mối quan hệ xã hội của nó. Vị trí của các giai cấp đối với nhau là do tiền công tương đối quy định, hơn là đại lượng tuyết đối của nó”[59].

Nói rằng giá trị trao đổi của sức lao động được quy định “trước hết” một cách tương đối so với giá trị thặng dư, điều ấy có nghĩa là tính quy định của tiền công quy chiếu một cách cơ bản đến sự phân chia giá trị mới do lao động xã hội tạo ra giữa lao động cần thiết và lao động thặng dư, tức nó quy chiếu đến tỷ suất bóc lột tư bản chủ nghĩa. Đó chính là “mối quan hệ về giá trị thực sự” mà hình thái giá trị của sức lao động che giấu. Điều ẩn nấp và đồng thời biểu hiện trong khái niệm về giá trị trao đổi của sức lao động chính là một quan hệ giai cấp.

Một văn bản trong Quyển III Tư bản nhấn mạnh rằng “trong việc phân chia giữa giá trị thặng dư và tiền công […], có hai yếu tố rất khác nhau cùng tác động một cách quyết định là: sức lao động và tư bản; giá trị thặng dư và tiền công là hàm số của hai biến số độc lập, nhưng lại làm giới hạn lẫn nhau; từ sự khác biệt về chất của chúng diễn ra sự phân chia về lượng cái giá trị đã sản xuất ra”. Tư bản còn chú thích rằng cương vị của sức lao động ở đây tương tự với đất đai mà Marx đã gọi giá trị trao đổi của nó là hình thái tưởng tượng: “Sau này chúng ta sẽ thấy rằng trong phân chia giá trị thặng dư thành địa tô và lợi nhuận cũng xảy ra hiện tượng như thế”[60].

B) Chúng ta hãy làm rõ cương vị đặc thù của tiền công căn cứ trên văn bản của Tiền công, giá cả và lợi nhuận bàn về “nhân tố lịch sử hay xã hội” phân biệt tính quy định giá trị trao đổi của sức lao động với tính quy định giá trị trao đổi của các hàng hoá. Tính quy định tiền công có hai mặt đặc thù:

- Một mặt, giá trị trao đổi của sức lao động đươc quy định “ở mỗi nước bởi một mức sống truyền thống”. Chuẩn mực xã hội, tức quy mô của những nhu cầu gọi là thiết yếu và phương thức thỏa mãn chúng, là “một sản phẩm của lịch sử phụ thuộc chủ yếu vào những điều kiện trong dó giai cấp những người lao động tự do đã hình thành, cho nên - theo Marx - nó phụ thuộc vào các thói quen và yêu cầu của bản thân giai cấp này về điều kiện tồn tại của nó”. Bởi đó là một mức sống truyền thống, có thể xem chuẩn mực xã hội tái sản xuất sức lao động ở một nước nhất định, vào một thời kỳ nhất định, như là “một đại lượng nhất định”[61].

- Mặt khác, giá trị trao đổi của sức lao động “không phải là một đại lượng cố định” mà là “một đại lượng khả biến ngay cả trong điều kiện giá trị của tất cả hàng hoá khác không thay đổi”. Vả lại, người ta có thể “xác định mức tối thiểu của tiền công, nhưng không thể xác định mức tiền công tối đa”. Chúng ta chỉ có thể nói rằng giới hạn của ngày lao động đã cho sẵn thì mức tối đa giá trị thặng dư cho nhà tư bản tương ứng với giới hạn sinh lý của tiền công; và tiền công đã cho sẵn thì mức tối đa giá trị thặng dư tương ứng với giới hạn sinh lý của ngày lao động. Giữa hai giới hạn sinh lý ấy, giá trị thặng dư “có vô số biến thể”. Trong điều kiện đó, mức tiền công, cũng như mức giá trị thặng dư, “chỉ do cuộc đấu tranh không ngừng giữa tư bản và lao động quyết định”: trong chừng mực xu hướng của nhà tư bản là hạ thấp tiền công ở mức tối thiểu, trong khi người lao động không ngừng gây sức ép theo hướng ngược lại, “rút lại vấn đề là câu hỏi về so sánh lực lượng giữa hai bên đấu tranh với nhau”[62].

Đọc văn bản này đưa chúng ta đến một nhận xét kép:

a) Phép phân tích tiền công ở đây khác biệt rõ ràng với sơ đồ giải thích tiền công căn cứ trên sư phân biệt giữa hai phạm trù giá trị và giá cả thị trường, mà Marx từng sử dụng. Theo sơ đồ này xuất phát từ chính trị kinh tế học cổ điển, thì trên thị trường lao động, cung và cầu chỉ xác định sự cách biệt giữa giá cả thị trường của sức lao động, tức tiền công, với giá trị hay đúng hơn giá trị trao đổi của nó - trong khi giá trị đổi này chỉ do chuẩn mực tái sản xuất sức lao động xác định, độc lập với tương quan trên thị trường lao động giữa cung và cầu[63]. Từ bỏ việc phân biệt giá trị trao đổi và giá cả trên thị trường lao động của các nhà kinh tế học cổ điển, Mác phát triển ở đây một phép phân tích hoàn toàn khác về mối tương quan giữa giá trị trao đổi của sức lao động, chuẩn mực tái sản xuất sức lao động và tương quan lực lượng giữa lao động làm thuê và tư bản: giá trị trao đổi của sức lao động quả tương ứng với một chuẩn mực xã hội về tái sản xuất sức lao động được hình thành trong lịch sử, nhưng chuẩn mức này chỉ có thể thay đổi khi giá trị trao đổi của sức lao động thay đổi; cho nên chính là diễn biến của tương quan lực lượng giữa hai giai cấp luôn luôn chi phối diễn biến giá trị trao đổi của sức lao động. Như thế, trong khái niệm của nó, giá trị trao đổi của sức lao động chỉ sư phân chia giá trị gia tăng (M/V) dưới tác động của đấu tranh giai cấp, trước khi nó trỏ giá trị trao đổi của những hàng hoá can dự vào quy trình tái sản xuất sức lao động[64].

b) Do đó có thể nói rằng, đối với Marx, không có cơ chế kinh tế quy định giá trị trao đổi của sức lao động. Chỉ có những giới hạn mang tính kinh tế khi tiền công tăng hay giảm mà vượt quá chúng thì tư bản không thể tái sản xuất được nữa; vả lại những giới hạn kinh tế này hạn hẹp hơn các cột mốc tuyệt đối nêu lên trong Tiền công, giá cả và lợi nhuận, và càng làm nổi bật tính bất định về mặt kinh tế của giá trị trao đổi sức lao động[65]. Ở giữa các giới hạn ấy, đấu tranh giai cấp quyết định việc phân chia giá trị gia tăng[66].

Điều đó hiện rõ ra trong phép phân tích giá trị thặng dư tương đối, chí ít nếu ta không diễn giải nó theo lập luận Ricardo, nghĩa là như một tương quan nghịch biến giữa giá trị trao đổi sức lao động và năng suất lao động xã hội. Bởi sư gia tăng năng suất lao động xã hội tự nó không đủ để lý giải việc sản xuất giá trị thặng dự tương đối: nó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Còn phải có một tương quan lực lượng giữa lao động làm thuê và tư bản cho phép các nhà tư bản hưởng lợi, tức là cho phép họ ngăn chặn tiền công tăng tương đương với mức gia tăng năng suất lao động. Tỷ lệ theo đó sự gia tăng năng suất lao động xã hội chuyển hóa thành giá trị thặng dư tương đối tùy thuộc vào tình trạng đầu tranh giai cấp: nó “tùy thuộc vào trọng lượng tương đối mà sức ép của tư bản một bên, và là sự kháng cự của những người lao động một bên, ném vào cán cân”[67]. Marx nêu lên ở đây hai chỉ dẫn quan trong:

a) Sản xuất giá tri thặng dư tương đối hoàn toàn tương hợp với gia tăng tiền công thực tế. “Năng suất lao động mà tăng thì công nhân cũng trở nên rẻ đi, và do đó tỷ suất giá trị thặng dư cũng tăng lên, ngay cả khi tiền công thực tế gia tăng”; chi cần “tiền công này đừng bao giờ tăng lên theo cùng một tỷ lệ với năng suất lao động”[68]. Một đặc tính của sản xuất giá trị thặng dư tương đối là nó tăng tỷ suất giá trị thặng dư bằng cách giảm giá trị trao đổi sức lao động mà đồng thợi lại mở rộng chuẩn mực xã hội tái sản xuất sức lao động. Bản thảo 1861-1863 thường xuyến nhấn mạnh rằng “giá trị thặng dư tương đối có thể liên tục tăng và giá trị sức lao động liên tục giảm, tức liên tục giảm giá trị tiền công bình quân, trong khi đó phạm vi các tư liệu sinh hoạt và sự hưởng thụ cuộc sống của công nhân lại không ngừng mở rộng. Thật thế, sự hương thủ này tùy thuộc vào chất và lượng các giá trị sử dụng (hàng hoá) mà công nhân có thể chiếm hữu, chứ không phải vào giá trị trao đổi của hàng hoá ấy”[69]. Đặc biệt, với hình thái máy móc của quy trình lao động, công nhân càng khẳng định “yêu sách chiếm hữu một phần của năng suất lao động mà họ đạt được với máy móc”[70]. Và Marx nhận xét rằng “điều này không hề thay đổi tính chất và quy luật của giá trị thặng dư tương đối: theo đó, do năng suất gia tăng, một phần lớn hơn của ngày lao động bị tư bản chiếm hứu. Cho nên quả là ngu ngốc nếu muốn bác bỏ quy luật này với bằng chứng của thống kê cho thấy tình trạng vật chất của công nhân có cải tiến đây đó và ở mức độ này nọ, nhờ sự phát triển sức sản suất của lao động”[71].

b) Gia tăng tiền công thực tế trở thành điều kiện phát triển giá trị thặng tương đối. Việc gia tăng năng suất lao động xã hội và do đó gia tăng sản xuất, đòi hỏi tiêu dùng phải mở rộng song song, nếu không thì hàng hoá sản xuất ra sẽ không có thị trường tiêu thụ. Marx nhắn mạnh điều này trong Bản thảo 1857-1858: “Sản xuất giá trị thặng dư tương đối, nghĩa là sản xuất ra giá trị thặng dư căn cứ trên gia tăng và phát triển của lực lượng sản xuất, đòi hỏi phải sản xuấ ra tiêu dùng mới; nó đòi hỏi phạm vi tiêu dùng bên trong lưu thông cũng phải mở rộng như trước đó phạm vi sản xuất. Một là, đòi hỏi sự mở rộng về lượng của tiêu dùng hiện hữu; hai là đòi hỏi tạo ra nhu cầu mới bằng cách mở rộng nhu cầu đã có đến phạm vi rộng lớn hơn; ba là đòi hỏi sản xuất ra những nhu cầu mới, phát hiện và tạo ra những giá trị sử dụng mới”[72]. Điều này giả định một sự gia tăng vừa xung khắc và vừa đồng thời của tiền công thực tế và giá trị thặng dư tương đối, bởi “đối với mọi nhà tư bản, toàn thể người làm công - trừ số người làm công cho chính nhà tư bản riêng lẽ - không hiện ra như một toàn thể làm công, mà như là một toàn thể người tiêu dùng”[73]. Cho nên nhà tư bản tìm kiếm mọi biên pháp khuyến khích công nhân tiêu dùng, làm cho hàng hoá của hắn háp dẫn, khơi gợi nhu cầu mới v.v.”[74]. Trong điều kiện đó, sự sản xuất giá trị thặng dư tương đối hình như không còn có giới hạn và trở thành nền tảng phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa[75].

Phê phán quan điểm của Ricardo phủ nhận khả sản xuất thừa phổ biến trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx nhấn mạnh đến “sự phát triển tuyệt đối của sức sản xuất và từ đó của sự sản xuất đại trà […] hàng loạt sản phẩm thuộc phạm vi tư liệu sinh hoạt thiết yếu”[76]. Do đó không thể theo Ricardo khi ông cho rằng tiền công chỉ do sự khó khăn hay dễ dàng sản xuất tư liệu sinh hoạt quyết định, tức chi do trình độ phát triển sức sản xuất quy định. Tính quy định giá trị trao đổi sức lao động khi nào cũng bao hàm hai mặt:

- Tại một nước nhất định, vào môt thời điểm nhất định, chuẩn mực xã hội tái sản xuất sức lao động tùy thuộc mức độ phát triển sức sản xuất của xã hội; năng suất lao động xã hội càng cao thì chuẩn mực ấy càng bao gồm nhiều giá trị sử dụng.

- Ở một mức độ phát triển sức sản xuất nhất định, chuẩn mực xã hội tái sản xuất sức lao động do tương quan lực lượng giữa tư bản và lao động làm thuê quy định; chính đấu tranh giai cấp quyết định việc duy trì hay thay đổi chuẩn mực, và do đó sự kết nạp giá trị sử dụng mới hay không.

Marx phân tích hai điều như sau:

a) Không hề có một thị trường lao động trên đó mức nhân dụng tùy thuộc mức tiền công cân bằng cung và cầu lao động - như chính trị kinh tế học đã tưởng tượng nó: theo Marx, “thị trường lao động được chi phối bởi những quy luật khác hơn thị trường các sản phẩm”[77]. Trước hết, tác giả Tư bản nhận xét rằng trên thị trường lao động “đại lượng tích lũy tư bản là một biến số độc lập, đại lượng tiền công là môt biến số phụ thuộc, chứ không phải ngược lại”. Sự vận động mở rộng và thu hẹp tư bản trong quy trình tích lũy lần lượt tạo ra sự thiếu hụt và sự dư thừa tương đối của cung lao động, và do đó mức tiền công tăng hoặc giảm tương ứng. “Đó hoàn toàn không phải là quan hệ giữa hai đại lượng độc lập đối với nhau, giữa một bên là đại lượng tư bản với một bên là con số nhân khẩu công nhân; xét cho cùng thì đó chỉ là quan hệ giữa lao động không công với lao động được trả công của cùng một nhân khẩu công nhân mà thôi”[78]. Mặt khác, trong điều kiện tư bản tích lũy với kết cấu hữu cơ C/V tăng và sản sinh nhân khẩu thừa tương đối, thì sự vận động của tiền công chỉ do sự mở rộng và thu hẹp đôi quân công nghiệp trừ bị điều tiết, tương ứng với những thay đổi thời kỳ trong chu kỳ công nghiệp; nói cách khác, quyết định sự vận động của tiền công không phải là sự vận động của con số tuyệt đối về nhân khẩu công nhân, mà là “tỷ lệ luôn thay đổi theo đó giai cấp công nhân chia thành đội quân thường trực và đội quân trừ bị”. Do đó “cầu về lao động không đồng nhất với sự tăng trưởng của tư bản, cung về lao động cũng không đồng nhất với sự gia tăng nhân khẩu công nhân” - không hề có ở đây hai lực lượng độc lập với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Thật thế, trên thị trường lao động, “tư bản tác động cả hai bên”. Nếu ở một bên, tích lũy tư bản làm tăng thêm cầu về lao động, thì ở bên kia nó cũng làm tăng cung về công nhân bằng cách tạo ra số người thừa, trong khi sức ép của công nhân không có việc làm lại buộc những người có việc làm lao động nhiều hơn, “khiến cung về lao động trở nên độc lập với cung về công nhân”. Theo Marx kết luận, “les dés sont pipés” [con súc sắc gian] trên thị trường lao động, và quy luật cung cầu về lao động hoàn thiện sự chuyên chế của tư bản”[79]. Trong nghĩa đó, tính chất của thị trường lao động hiện rõ ra ở đây là thị trường giả tưởng, thị trường do chính trị kinh tế học tưởng tượng mà thôi.

b) Trên thị trường giả này, tương quan về lực lượng xác định mức tiền công bằng những thể thức thương lượng tập thể trong đó những người làm công can dự thông qua công đoàn của họ: chỉ bằng cách liên minh với nhau, người làm công mới “tự đặt mình ngang hàng” với chủ tư bản khi thiết lập khế ước lao động. Hoạt động của công đoàn khiến chủ tư bản không thể bàn bạc với từng người làm công “riêng rẽ”, đặc biệt là không thể áp đặt tiền công “ở dưới mức truyền thống của nó”. Chính là “mức tiền công tối thiểu” này, phải áp dụng đối với mọi người làm công, bị các chủ tư bản tố cáo là vi phạm quy luật cung cầu, là “làm tổn hại quyền tự do cá nhân của công nhân”[80]. Do đó, tính quy định giá trị trao đổi của sức lao động bao hàm năng lực của những người làm công vượt lên hoàn cảnh cạnh tranh giữa họ với nhau - đặc biệt là sự chia cách giữa những người làm công có việc làm và không có việc làm - để hình thành một lực lượng xã hội tương đối thống nhất, tức một giai cấp[81]. Cho nên, không thể tách rời khái niêm giá trị trao đổi của sức lao động với đấu tranh giai cấp[82].

III. Duy kinh tế luận và duy chính trị luận. Một nghịch lý của thuyết macxit về sức lao động lại là chỗ đứng của đấu tranh giai cấp trong phân tích của Marx. Ở một số văn bản của Tư bản, đấu tranh giai cấp dường như vắng mặt khỏi tính quy định giá trị trao đổi của sức lao động, khi đó hiện ra như là độc lập với đấu tranh giai cấp[83]. Ở một số văn bản khác có hiện diện của đấu tranh giai cấp, thì nó dường như không mang tính quy định, tác động của đấu tranh giai cấp chỉ là vô hiệu hóa xu thế của tư bản hạ thấp tiền công dưới mức giá trị trao đổi của sức lao động[84]. Hoặc, nếu đấu tranh giai cấp quả có tính quy định giá trị trao đổi của sức lao động, thì chỉ là xác định giá trị trao đổi ấy ở mức tối thiểu của nó[85]. Chí ít đây là phép đọc của thuyết macxit chính thống, ở nguồn gốc của quan niệm duy kinh tế về sức lao động như là một hàng hoá, và về tiền công như là giá của một hàng hoá. Chẳng phải Marx đã viết rằng: “Tiền công, như ta đã thấy, là giá của một hàng hoá nhất định, sức lao động. Cho nên tiền công cũng được xác định bởi những quy luật xác định giá của mọi hàng hoá khác” - hay sao?[86]. Rằng cung cầu của thị trường giải thích “tại sao giá cả thị trường của một hàng hoá cao hơn hay thấp hơn giá trị của hàng hoá đó, nhưng hoàn toàn không thể giải thích bản thân giá trị ấy”. Bởi vậy, “khi nghiên cứu bản chất của giá trị đó, chúng ta không quan tâm đến tác động tam thời của cung và cầu đối với giá cả thị trường. Điều đó đúng với tiền công như đối với giá cả của tất cả hàng hoá khác”[87].

Một số nhà bình luận đã nêu lên “sự tương phản” trong tư duy của Marx giữa một bên là yếu tố “cách mạng” [revolutionnaire], “chống tư biện” [anti-spéculatif] và bên kia là yếu tố “khách quan luận” [objectiviste], “quy định luận” [déterministe] cũng là yếu tố thắng thế trong các tác phẩm kinh tế của Marx thời trường thành: Cornelius Castoriadis tìm thấy trong tác giả Tư bản ý chí xây dựng một lý thuyết kinh tế về tiền công loại trừ đấu tranh giai cấp là “nhân tố vừa mang tính chất phi kinh tế vừa có bản chất bất định”; điều ấy giải thích “giả thuyết” mà phép phân tích của Marx chấp nhận, là “mức sống thực tế của giai cấp công nhân bất biến trong thời gian”[88]. Còn theo Philippe De Villle và Michel De Vroey, lập trường của tác giả Tư bản “cơ bản có tính nhập nhằng”, do bị phân tâm giữa xu thế “triệt để luận” [radicalisme] và xu thế “tự nhiên luận” [naturalisme] là xu thế thống trị thuyết tiền công của Marx: tự nhiên luận ấy đặt trong khuôn khổ của học thuyết chính thổng cổ điển mà hai đặc điểm là “sự đồng hóa” [assimilation] sức lao động với hàng hoá, và “tính ngoại sinh” [exogénéité] của rổ hàng hoá mà tiền công mua sắm đối với tương quan lực lượng trên thị trường lao động; thị trường này chịu sự chi phối của những sức “thanh toán” [clearing], nên mức tiền công cân bằng - khi đạt được - tương ứng với toàn dụng cung về sức lao động[89].

Cho dù phép đọc phê phán nói trên có cơ sở - và không thể chối cãi tính nước đôi của một số công thức của Marx -, các quan niệm về sức lao động như là hàng hoá và về tiền công như là giá của một hàng hoá, không thể coi là chính đáng, chính vì chúng để qua một bên đấu tranh giai cấp, khiến quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa trở nên bất định. Trước hết, quy trình sản xuất giá trị thặng dư tương đối, như chúng ta đã xét, có tính bất định. Còn khi xem quy trình sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối, Marx luôn luôn phê phán Ricardo “đã coi ngày lao động như là một đại lượng cho sẵn nào đó”[90], và không ngừng nhắc nhở rằng “xác định ngày lao động tiêu chuẩn” bao giờ cũng là kết quả của một cuộc đấu tranh giai cấp. Đó là vì, trong thời gian cũng như cường độ của nó, “ngày lao động là một cái có thể xác định được, nhưng bản thân nó lại là một đại lượng không xác định”[91]. Bởi cho dù có tính “thể chất hay xã hội”, các giới hạn của ngày lao động “rất co giãn và dành cho người ta một phạm vi tự do rộng nhất”. Nhưng “chính tính chất của sự trao đổi hàng hoá” giữa tư bản và lao động làm thuê không cho phép ấn định chuẩn mực cho ngày lao động, tức ấn định giới hạn cho lao động thặng dư: các nhà tư bản có quyền đòi hỏi tối đa từ sức lao động mà họ đã mua, trong khi người làm công cũng có quyền hạn chế lao động thặng dư ở mức tối thiểu. Ở đây, có sự mâu thuẫn “quyền đối lập với quyền”, mà chỉ có “sức mạnh”, “bạo lực” mới là quyết định - người ta đọc trong Tư bản[92].

Văn bản Tiền công, giá cả và lợi nhuận nói rõ rằng việc thể chế hóa ngày lao động tiêu chuẩn là kết quả của một cuộc đấu tranh không chỉ mang tính “kinh tế” mà còn có tính “chính trị”[93]. Không có cách nào giới hạn ngày lao động khác hơn là với thể chế, bằng luật, tức là “thông qua nhà nước”[94]. Dù thế nào đi nữa - Marx nhấn mạnh -, “kết quả ấy không thể đạt đến bằng những thỏa thuận tư nhân giữa công nhân và chủ tư bản”. Điều đó có nghĩa là việc bán sức lao động không chỉ đòi hỏi hành động của công đoàn mà cần một cuộc đấu tranh của những người làm công “hành động ở bên ngoài” mối quan hệ trao đổi hàng hoá. “Sự cần thiết về hành động chính trị chung này” của người lao động còn có nghĩa là “trong cuộc đấu tranh thuần túy kinh tế, tư bản bao giờ cũng mạnh hơn”[95]. Trong Tư bản, Marx kết luận chương về ‘Ngày lao động’ bằng mênh lệnh cơ bản: muốn chống lại tư bản, công nhân phải hợp nhất lại, và với tư cách là một giai cấp, họ buộc nhà nước phải ban hành một đạo luật dựng lên một rào cản không thể vượt qua, một chướng ngại xã hộị cấm không cho người lao động tự bán mình, họ và con cháu họ, cho chủ tư bản bằng giao kèo tự do”[96].

Tính chất chính trị và tính cách thể chế của các nhân tố quy định định ngày lao động, và từ đó quy định giá trị thặng dư tuyệt đối, càng làm nổi bật sự tương phản với tính quy định thuần túy kinh tế và hoàn toàn hàng hoá của tiền công, và dó đó của giá trị thặng dư tương đối, trong thuyết macxít chính thống. Sự đối lập đó càng khó biện minh khi sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối không tách rời khỏi giá trị thặng dư tương đối, khi mọi thay đổi trong thời gian hay cường độ của ngày lao động đều tác động đến giá trị trao đổi của sức lao động[97]. Chúng ta phải thừa nhận rằng chuẩn mực tiền công, cũng như ngày lao động tiêu chuẩn, đều phụ thuộc những nhân tố quy định mang tính thể chế và có tính nhà nước.

Như vậy, phép phân tích giá trị thặng dư tuyệt đối cũng như tương đối xác nhận rằng, trong quan hệ mua bán sức lao động, cái mà người lao động bán cho nhà tư bản không phải là một hàng hoá, mà là sự phục tùng cá nhân của người làm công đối với chủ tư bản trong ngày lao động. Cũng như cái là nhà tư bản mua của người lao động không phải là một hàng hoá mà là quyền chỉ huy người làm công trong suốt thời gian ngày lao động. Cho nên, quan hệ làm công chỉ có thể là tương quan xung đột, và sự phục tùng của người làm công đối với chủ tư bản chỉ có được thông qua những thỏa hiệp xã hội tạm thời, mỗi thỏa hiệp xã hội thừa nhận tương quan lực lượng giữa hai giai cấp ở một thời điểm nhất định. Những thỏa hiệp này liên quan đến các chuẩn mực xã hội xác định tỷ suất bóc lột: những chuẩn mực sử dụng sức lao động là thời gian và cường độ của ngày lao động; và chuẩn mực tái sản xuất sức lao động là giá trị trao đổi của sức lao động. Các chuẩn mực xã hội ấy là đối tượng pháp điển hóa của nhà nước thông qua những hình thái mang tính thể chế là luật lao động và các quy chế lao động.

Liên quan đến chuẩn mực tái sản xuất sức lao động, người ta đọc trong chương về ‘Cái gọi là tích lũy ban đầu’ rằng tư bản không thể không dùng đến bạo lực của quyền lực nhà nước để “điều tiết tiền công”, nhưng chỉ là trong thời kỳ của cái gọi là tích lũy ban đầu[98]; bởi khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghiã được xác lập thì việc sử dụng bạo lực phi kinh tế của nhà nước trở thành “ngoại lệ”, và việc duy trì mức tiền công thích hợp với yêu cầu của tư bản được đảm bảo qua “sự cưỡng chế câm lặng của các quan hệ kinh tế”[99]. Đúng ra, nếu đọc kỹ văn bản này của Tư bản, thì Marx trình bày những thay đổi về luật lệ và quy chế - tùy theo biến đổi của tương quan lực lượng giữa lao động làm thuê và tư bản - đã chi phối chuẩn mực tiền công từ thế kỷ thứ XV cho đến những năm 1870 xuất bản bộ Tư bản: văn bản đó không hề nói rằng chuẩn mực tiền công không còn do nhà nước điều tiết trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển. Chẳng hạn, trong trường họp của nước Anh, Tư bản cho thấy vai trò trung tâm của nhà nước trong quan hệ lao động làm thuê có tính thường trực, từ việc xóa bỏ mức tiền công hợp pháp tối đa (1813), rồi việc bãi bỏ đạo luật chống các liên minh của công nhân với nhau (1825), cho đến việc công nhận sự tồn tại hợp pháp của công đoàn (1881)[100]. Hơn thế, có thể xem những năm 1870 là bước ngoặt chính yếu của luật về lao động làm thuê: cho đến khi đó, việc mua-bán sức lao động dường như thuộc về quy tắc tự do khế ước, chủ nhân và công nhân coi như hợp đồng một cách tự do và cá thể, một sự bình đẳng hình thức đặt người làm công thực ra ở thế thua kém. Với việc hợp pháp hóa công đoàn của phong trào công nhân, người làm công có thể điều đình ở thế ngang hàng với chủ nhân, các chuẩn mực về sử dụng cũng như tái sản xuất sức lao động từ nay thoát khỏi khế ước tự do để trở thành đối tượng của những thỏa thuận xã hội được thể chế hóa, hay nói cách khác trở nên cái được thua [enjeu] của cuộc đấu tranh giai cấp có tính chính trị[101].

Việc chấp vấn cương vị hàng hoá của sức lao động đưa một số tác giả hiện nay đến chỗ từ bỏ phân tích hình thái hàng hoá của sức lao động để đối lập sức lao động với hàng hoá, quan hệ làm công với quan hệ hàng hoá - đối lâp ở đây không hiểu theo nghĩa “đối cực” [polaire] của Marx khi phân hình thái của giá trị, mà theo nghĩa giản đơn “loại trừ lẫn nhau” [exclusif]. Đó là trường hợp của phép đọc gọi là “phi chính thống” của Tư bản: theo cách đọc này, lý luận về bóc lột và giá trị thặng dư, mà Marx phái sinh từ lý luận về hàng hoá và giá trị, vẫn nằm trong phạm vi của chính trị kinh tế học cổ điển; hay chí ít, nó không đạt đến phép phê phán chính trị kinh tế học mà Marx nhắm xác lập. Song, khi đã coi sức lao động không phải là hàng hoá nữa, thì phạm trù về giá trị thặng dư - định nghĩa như là giá trị chênh lệch - mất tính chính đáng của nó. Phạm trù về sức lao động cũng không cần thiết để lý giải quan hệ làm công. Phạm trù về bóc lột trở nên vô nghĩa và nhường chỗ cho khái niệm về quan hệ làm cộng, định nghĩa như là quan hệ phục tùng mang tính tiền tệ[102] và nói chung là mang tính nhà nước[103]. Cho nên nguyên lý phục tùng của lao động làm thuê có tính chất nhà nước.

Cách đọc phi chính thống này nhấn mạnh vào một khía cạnh của phân tích tư bản mà phép trình bày của Marx đã không mấy rõ ràng: đó là vai trò trung tâm của nhà nước như là điều kiện tồn tại của sự phân chia xã hội thành hai giai cấp. Bởi do có đấu tranh giai cấp, sự phục tùng của người làm công đối với chủ tư bản chỉ thực hiện được thông qua những thỏa hiệp xã hội thừa nhận thế nhất thời của tương quan lực lượng. Nhà nước chính là cái nhờ đó hai giai cấp xã hội thể chế hóa các thỏa hiệp, tức là các quan hệ tranh chấp. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể quan niệm đơn giản mối quan hệ làm công như là một quan hệ tư nhân của người làm công với chủ tư bản nếu thiếu vắng cấp pháp điển hóa các chuẩn mực xã hội về sử dụng và tái sản xuất sức lao động. Cho nên, cũng như mối quan hệ trao đổi hàng hoá, mối quan hệ giai cấp tư bản chủ nghĩa vừa có tính tập trung, vừa mang tính phân tán: quan hệ lao động làm thuê - tư bản bao hàm những hình thải thể chế hợp nhất các tác nhân mà mối quan hệ đối lập. Nói cách khác, không thể tư duy tư bản nếu thiếu vắng nhà nước[104].

Tuy nhiên, phép đọc duy chính trị luận (politisme) và phép đọc duy kinh tế luận (économisme) gặp nhau ở tính chất đơn phương của chúng, tức ở chỗ cả hai đều không có khả năng tư duy tư bản như thể thống nhất và đối cực giữa kinh tế và chính trị. Môt bên, theo Ricardo, tư bản được quan niệm không kể đến nhà nước: người ta nắm lấy những quan hệ kinh tế ngoài tính quy định chính trị của chúng. Ở bên kia, tư bản được quan niệm ở ngoài và đối lập với hình thái giá trị của nó. Người ta không biết giá trị là gì trong phân tích của tư bản: hình thái đặc thù của quan hệ cương chế thặng dư lao động và, trong nghĩa đó, khái niệm về đấu tranh giai cấp.

Tiết 52:

QUAN HỆ TRAO ĐỔI NHƯ LÀ HÌNH THÁI QUAN HỆ GIAI CẤP

Một vấn đề nan giải trong lý luận về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, theo nhiều nhà bình luận, ở chỗ tác giả Tư bản xuất phát từ các phạm trù về hàng hoá và tiền tệ, tức là từ hình thái giá trị, để trình bày phạm trù về tư bản.

Thật ra, phân tích của Marx về mối tương quan của tư bản với hình thái giá trị có hai đặc tính:

1) Mặc dù trong trình tự lý luận của Tư bản, cũng như trong trình tự lịch sử của các xã hội, hàng hoá và tiền tệ có trước tư bản nhưng, xét về mặt lịch sử cũng như về mặt lý luận, mối quan hệ tư bản chủ nghĩa không bắt nguồn từ mối quan hệ hàng hoá; trái lại, chính sự cấu thành của quan hệ làm công mới là nguồn gốc của sự ngự trị quan hệ trao đổi hàng hoá (§521).

2) Thay vì chỉ trỏ một phương thức sản xuất xã hội khác hơn phương thức sản xuất của tư bản, các quan hệ hàng hoá là hình thái, là hiện tượng bề ngoài mà các quan hệ giai cấp và mâu thuẫn của chúng mang trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; nhưng nếu tư bản quy giản giá trị vào cương vị hình thái hiện tượng của quan hệ bóc lột, thì hình thái ở đây bất khả quy vào nội dung của nó, mối quan hệ tư bản chủ nghĩa và mối quan hệ hàng hoá cấu thành ở đây một thể thống nhất đối cực (§522).

§ 521 - Quan hệ hàng hoá và quan hệ tư bản chủ nghĩa

Georg Hegel (1770-1831)

Về mặt phân tích cũng như về mặt lịch sử, tư bản tiền giả định hàng hoá và tiền tệ. Tuy nhiên, thừa nhận hình thái giá trị như là tiền thiết định có tính phân tích và có tính lịch sử của tư bản, không dẫn chúng ta đến duy lịch sử luận (historicisme) hoặc Hegel luận (hégélianisme), nghĩa là phân tích bước chuyển từ quan hệ hàng hoá sang quan hệ tư bản chủ nghĩa như là một sự phát triển đơn giản của lịch sử hoặc của khái niệm. Thật vậy: 1) ở trường hợp đầu, người ta vấp phải cương vị hai mặt của lịch sử trong phép trình bày của Marx; 2) ở trường hợp sau, là vấp phải vào những giới hạn do Marx vạch ra của phép trình bày biện chứng.

1. Duy lịch sử luận và cương vị hai mặt của lịch sử. Trong một phương pháp luận duy lịch sử, nền sản xuất hàng hoá do Marx khái niệm hóa ở Phần 1 Tư bản, trước khi phân tích quan hệ tư bản chủ nghĩa, tương ứng với một nền sản xuất hàng hoá tiền tư bản chủ nghĩa: đó là một phương thức sản xuất xã hội khác và có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà nhiều tác giả gọi là ”phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn”. Theo cách diễn giải của Ronald Meek, Marx đã tiếp nối phương pháp luận của chính trị kinh tế học cổ điển là tiền giả định một xã hội tiền tư bản chủ nghĩa trừu tường hầu xây dựng phạm trù giá tri: “Trong chừng mực trong bộ Tư bản, sự chuyển hóa lô-gích (từ quan hệ hàng hoá với tư cách như thế sang hình thái chuyển hóa tư bản chủ nghĩa của nó) được Marx trình bày như là phản ánh một sự chuyển hóa lịch sử (từ sản xuất hàng hoá giản đơn sang sản xuất tư bản chủ nghĩa), thì phương pháp lập luận của Marx không khác về hình thức với phương pháp lập luận của Smith và Ricardo”[105].

Điều chính xác là - theo tác giả Tư bản - giá trị, với tư cách là phạm trú, “tồn tại từ thời cổ lỗ”[106]. Song không phải vì thế mà quy luật giá trị trở thành quy luật của một thứ phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn trong đó có hàng hoá và tiền tệ, nhưng không có tư bản. Bởi một phương thức sản xuất như vậy không hề có trong lịch sử, phương pháp lập luận duy lịch sử biến quy luật giá trị thành quy luật của những phương thức sản xuất có tính hàng hoá ở ngoài lề, theo nghĩa “các dân tộc buôn bán thực sự chỉ tồn tại ở những khe hở của thế giới cổ đại”[107]. Cái gọi là phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn đúng ra là “sự hư cấu thuần túy” xuất phát từ “vẻ bề ngoài” hàng hoá của quan hệ tư bản chủ nghĩa: “Cái ảo ảnh cho rằng lúc ban đầu người ta chỉ đối diện với nhau với tư cách là chủ hàng hoá, và vì vậy mỗi người chỉ sở hữu trong chừng mưc họ là người lao động. Cái ‘lúc ban đầu’ đó, như đã nói, chỉ là một ảo tưởng bắt nguồn từ cái vẻ bề ngoài của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và chưa bao giờ có trong lịch sử cả”[108]. Phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn do đó thuộc về những huyền thoại của chính trị kinh tế học, là “paradise lost [thiên đàn đã mất] của giai cấp tư sản, ở đó người ta đối diện với nhau chưa phải như chủ tư bản, người làm công, địa chủ, người lĩnh canh, người cho vay nặng lãi v. v., mà đối diện với nhau chỉ với tư cách là những người sản xuất hàng hoá giản đơn và trao đổi hàng hoá giản đơn”[109]. Marx đối chiếu “thời đại vang son” thần thoại này của các nhà kinh tế học với thực tế lịch sử nghiệt ngã của các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. “Nền sản xuất ban đầu đã được tiến hành trên cơ sở của những cộng đồng nguyên thủy trong đó trao đổi tư nhân chỉ nảy ra như là ngoại lệ, với tính hời hợt, thứ yếu. Với sự tan rã lịch sử của các cộng đông ấy, hiện ra các quan hệ thống trị và lệ thuộc, những tương quan bạo lực, rõ ràng mâu thuẫn với sự lưu thông hàng hoá một cách hòa bình và những quan hệ tương ứng với nó”[110].

Nêú đúng là các phạm trù mang tính hàng hoá “có một chân lý nào đấy đối với tất cả mọi hình thái xã hội khác, thì điều đó cũng chỉ có thể chấp nhận cum grano salis [một cách thật hạn chế] mà thôi” - Marx nói rõ: các phạm trù này có thể tồn tại trong những hình thái sản xuất xã hội khác hơn chủ nghĩa tư bản, “nhưng bao giờ thì cũng với một sự khác biệt căn bản”[111]. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới “sát nhập” quan hệ hàng hoá trong phương thức sản xuất của nó; còn trong các hình thái sản xuất xã hội khác, quan hệ hàng hoá “vẫn ở bên ngoài” phương thức sản xuất. Marx làm rõ điều này khi phân tích lịch sử của tư bản thương nhân và tư bản cho vay nặng lãi, là “hai thứ tư bản nảy chồi trong những chế độ kinh tế xã hội rất khác nhau, và mặc dù là trước kỷ nguyên hiện đại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng vẫn được gọi là tư bản”[112]. Chẳng hạn, trong văn bản ‘Về lịch sử của tư bản thương nhân’, người ta đọc rằng sự tồn tại của tư bản thương nhân trong những phương thức tiền tư bản chủ nghĩa cho thấy rằng nền sản xuất chưa chịu sự chi phối của tư bản. “Lưu thông tiền tệ và hàng hoá có thể nối liền những lĩnh vực sản xuất có cơ cấu hết sức khác nhau, mà tổ chức bên trong vẫn còn hướng đến sản xuất giá trị sử dung”. Ở đây, sản phẩm chỉ mang hình thái hàng hoá dưới tác động của thương nghiệp: “Do thương nghiệp mà sản phẩm ở đây trở thành hàng hoá”. Điều đó có nghĩa, “thứ nhất, là lưu thông chưa chi phối được sản xuất; thứ hai, là quá trình sản xuất chưa sáp nhập được lưu thông thành một pha của nó”. Hơn nữa, sự phát triển của tư bản thương nhân chỉ có thiệt cho sản xuất tư bản chủ nghĩa: “Quy luật theo đó sự phát triển độc lập của tư bản thương nhân tỷ lệ nghịch với trình độ phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa, thể hiện rõ nhất trong lịch sử của ngành thương nghiệp trung gian [carying trade], như ở các xứ người Venise, người Gêne, người Hà Lan, v.v.”[113]. Cũng như liên quan đến tư bản cho vay nặng lãi, văn bản ‘Ghi chú về thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa’ chỉ ra rằng “tệ cho vay nặng lãi cũng như thương nghiệp đều lợi dụng một phương thức sản xuất nhất định: cả hai không tạo ra phương thức sản xuất ấy; cả hai vẫn ở bên ngoài phương thức sản xuất đó”; và “tư bản cho vay năng lãi càng phát triễn mạnh trong một nước mà đại bộ phận của nền sản xuất vẫn còn hạn chế ở những sản phẩm tự nhiên, tức còn giới hạn vào những giá trị sử dụng”[114].

Chỉ với chủ nghĩa tư bản, người ta mới có thể nói đến một phương thức sản xuất hàng hoá. “Trước hệ thống tư bản chủ nghĩa, môt phần lớn sản phẩm không được sản xuất với tư cách là hàng hoá; hơn nữa, phần lớn những sản phẩm gia nhập quá trình sản xuất không phải là hàng hoá. Mà nếu trong quá trình sản xuất, đầu vào không phải là những vật có tính thương mại, thì đầu ra cũng không mang hoàn toàn tính cách đó”[115]. Chừng nào các quan hệ hàng hoá vẫn ở bên ngoài phương thức sản xuất, các trao đổi không do giá trị chi phối, mà được tiến hành theo quy tắc phi-ngang giá. Lợi nhuận thương nhân là “do ăn cắp và lừa đảo mà ra”, nó luôn luôn “trực tiếp gắn liền với cướp bóc bằng bao lực, ăn cướp bể, bắt cóc nô lệ, chinh phục thuộc địa”[116]. Theo Marx, quy tắc ngang giá khiến người ta “không thể” tiến hành trao đổi trong các hình thái sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa, bởi trao đổi tiền tư bản chủ nghĩa “mâu thuẫn” với khái niệm giá trị: “Nếu hoạt động thương mại thu tóm các quá trình lưu thông, nếu tiền tệ với tính cách tài sản của thương nhân, là một mặt hình thái tồn tại đầu tiên của tư bản hiện ra về phương diện lịch sử; […] một mặt khác, hình thái ấy hiện ra như trực tiếp mâu thuẫn với khái niệm giá trị. Quy luật thương mại là mua rẻ bán đắt. Do đó, không phải là trao đổi những vật ngang giá, bởi nếu thế thì sẽ không thể có thương mại như là ngành nghề kinh doanh đặc biệt”[117].

Chỉ có trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì quy luật giá trị mới tồn tại theo pháp luật và trên thực tế, bởi chỉ với nền sản xuất hàng hoá trên nền tảng lao động làm thuê thì mới có thể định nghĩa về mặt lý luận các phạm trù như lao động trừu tượng hay lao động xã hội tất yếu. “Trong lý luận, khái niệm về giá trị có trước khái niệm về tư bản, nhưng mặt khác khái niệm về giá trị giả định như điều kiện phát triển tuần túy của nó là phương thức sản xuất căn cứ trên tư bản” - Marx viết trong Bản thảo 1857-1858[118]. Và không ngừng nhấn mạnh rằng “lao động tạo ra giá trị trao đổi mang tính chất đặc thù tư bản chủ nghĩa”[119]; rằng “nếu giá trị của hàng hoá được quy định bởi thời gian lao động tất yếu […] thì tư bản chính là kẻ đầu tiên thực hiện tính quy định ấy”[120]. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng sự ngự trị của sản xuất hàng hoá không phải là điều kiện mà là kết quả của sự hình thành chế độ lao động làm thuê. Bởi “chỉ ở nơi lao động làm thuê trở thành nền tảng của nền sản xuất hàng hoá, thì nền sản xuất này không những trở nên bắt buộc đối với xã hội mà còn phát huy hết mọi tiềm lực của nó”[121]. Cho nên không được lẫn lộn những phạm trù hàng hoá phát triển trên cơ sở của tư bản[122] - nơi giá trị là hình thái chung và cơ bản của nền sản xuất xã hội - với tiền tệ và hàng hoá có trong những hình thái sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa, nơi giá trị - như là hình thái ngoài lề và bên ngoài phương thức sản xuất - nhất thiết có một nội dung khác, một ý nghĩa khác[123]

Khi tác giả Tư bản lấy hàng hoá làm khởi điểm để phân tích tư bản, đây không phải là hàng hoá với tính cách là một phạm trù tiền tư bản chủ nghĩa, mà là hàng hoá như là phạm trù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đó chính là ý nghĩa của mệnh đề nổi tiếng khai mào Tư bản[124]. Để tránh mọi sự hiểu sai, Marx không ngừng nhắc độc giả rằng “hàng hoá chỉ trở thành hình thái nguyên tố chung của của cải trên cở sở của nên sản xuất tư bản chủ nghĩa”[125]. Và nói rõ hơn: “Điểm xuất phát của chúng ta là, trong nền sản xuất tư sản, hàng hoá hiện diện như là hình thái nguyên tố chung của của cải. […] Nếu chúng ta tự hỏi trong hoàn cảnh nào các sản phẩm được sản xuất một cách phổ biến như là hàng hoá, hay trong điều kiện nào sự tồn tại của sản phẩm với tính cách là hàng hoá xuất hiện như là hình thái phổ biến và tất yếu của mọi sản phẩm, thì ta đã phát hiện rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trên cơ sở của một phương thức sản xuất lịch sử nhất định, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”[126]. Theo nghĩa đó, có “tính cùng thời” [contemporanéité] giữa ba từ: hàng hoá, tiền tệ và tư bản thuộc “cùng thời đại”[127]. Bởi trong mọi hệ thống, các mối quan hệ đều tiền giả định lẫn nhau - Marx nhấn mạnh: “Nếu trong hệ thống tư sản hoàn chỉnh, mỗi quan hệ kinh tế tiền giả định quan hệ khác dưới hình thái kinh tế tư sản của nó, và dó đó mỗi quan hệ được thiết định [posé] đồng thời cũng là tiền thiết định [présupposition] của một quan hệ khác, thì cái đó xảy ra trong mọi hệ thống hữu cơ”[128]

Tất nhiên, thuyết duy lịch sử luận viện dẫn sự kiện lịch sử theo đó tư bản không thể tồn tại nếu thiếu tiền tệ và hàng hoá, trong khi ngược lại thì, trong hình thái xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, sự lưu thông của tiền tệ và hàng hoá không bao hàm sự tồn tại của tư bản. Song sự kiện lịch sử ấy cũng là chỗ tựa để phê phán thuyết duy lịch sử luận, bởi ý nghĩa chính xác của nó là, trong lưu thông hàng hoá, người ta không tìm thấy những điều kiện lịch sử về sự tồn tại của tư bản. Marx nhấn mạnh điều này khi cho rằng “những điều kiện lịch sử về sự tồn tại của tư bản không trùng hợp với sự lưu thông của hàng hoá và tiền tệ. Các điều kiện đó chỉ xẩy đến khi người nắm giữ các tư liệu sản xuất và sinh hoạt gặp trên thị trường người lao động tự do đến bán sức lao động của mình, và điều kiện lịch sử độc nhất ấy chứa chấp cả một thế giới mới”[129]. Tác giả Tư bản đã trình bày vấn đề phát sinh của “thế giới mới” ấy bằng cách đi ngược lại “cái gọi là tích luỹ tư bản ban đầu” của chính trị kinh tế học[130]. Khác với giả định của các nhà kinh tế học, tư bản không hề phát sinh từ một thứ phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn; đặc biệt, tư bản không hề là sự tích lũy tiền tệ: tích lũy tiền tệ bao giờ cũng có, nhưng sự triển khai của nó không phải lúc nào cũng dẫn đến tư bản[131]. Đối với Marx, đối tượng của quá trình phát sinh quan hệ tư bản chủ nghĩa là tạo nên một sức lao động tự do có thể bán và mua: “Điểm xuất phát của nó là tình cảnh nô dịch của người lao động”; và nó “thay đổi hình thức của sự nô dịch, biến sự bóc lột phong kiến thành sự bóc lột tư bản chủ nghĩa”[132]. Cái gọi là tích lũy ban đầu của các nhà kinh tế học đã xoay vấn đề theo hướng khác để đặt ra một vấn đề giả, và che khuất vấn đề thật[133]: là vấn đề của cuộc đấu tranh giai cấp hủy bỏ những quan hệ sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa (“sự tước đoạt ruộng đất của nông dân”) và cưỡng chế người lao động phải bán sức lao động của họ (“pháp chế đẫm máu”). “Thời đại tiền sử [âge préhistorique] này của thế giới tư sản” có thể là bất cứ gì trừ là một thời đại vàng son, và nếu tích lũy tư bản có khác với tích lũy gọi là ban đầu thì là theo nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa của chính trị kinh tế học: trong khi tích lũy tư bản tiến hành một quá trình tước đoạt lao động thặng dư thông qua những quan hệ hàng hoá, thì trong tích lũy gọi là ban đầu, đó là một quá trình tiến hành trực tiếp và công khai bằng sức mạnh và bạo lực. Bởi “các phương pháp của tích lũy ban đầu là bất cứ gì cũng được, nhưng quyết không phải là một bản tình ca”[134].

Trái với mọi thứ duy lịch sử luận, phương pháp lập luận của Marx chỉ đề cập đến vấn đề phát sinh của tư bản sau khi đã phân tích quá trình sản xuất của nó, tức là ở điểm kết thúc Quyển I Tư bản mà ‘Tích lũy tư bản ban đầu’ chính là phần cuối cùng. Người ta gặp lai phương pháp luận này sau đó ở Quyển III: chương ‘Lược sử tư bản thương nhân’ chỉ xuất hiện ở cuối Phần 4 bàn về tư bản thương nhân; chương ‘Những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa’ chỉ xuất hiện ở cuối Phần 5 bàn về tư bản sinh lợi tức; chương ‘Sự phát sinh của địa tô tư bản chủ nghĩa’ chỉ xuất hiện ở cuối Phần 6 bàn về địa tô tư bản chủ nghĩa. Vậy thì trình tự trình bày của bộ Tư bản trong đó khảo cứu sự phát sinh của tư bản từ những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa không bao giờ đi trước mà luôn luôn đi sau khảo cứu sự phát triển của tư bản trên cơ sở của bản thân nó, trình tự ấy có ý nghĩa gì? Một văn bản của Bản thảo 1857-1858 đưa ra lời lý giải, theo đó vấn đề của Marx là phân biệt hai quá trình lịch sử của tư bản hoàn toàn khác nhau: “lịch sử đương đại” [histoire contemporaine] của tư bản và “lịch sử hình thành của nó” [histoire de sa formation]. Nói cách khác, vấn đề là xác lập cương vị hai mặt của lịch sử trong phân tích tư bản: một mặt, như là “sự tái sản xuất” tư bản trên cở sở của những quy luật của bản thân nó; mặt khác, như là “sự phát sinh” tư bản từ những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa. Hay để nhắc lại phân biệt của Marx trong phân tích tích lũy ban đầu: một mặt là “lịch sử” của tư bản, mặt khác là “tiền sử” của nó[135]. Marx đối lập tính hai mặt của diễn từ về lịch sử này với quan điểm “phiến diện” của chính trị kinh tế học theo đó “cái gọi là phát triển lịch sử nói chung dựa trên tình trạng là hình thái cuối cùng coi các hình thái đã qua là những giai đoạn để đi đến bản thân nó”. Vấn đề mà Marx đặt ra là cần phê phán “các nhà kinh tế học xóa nhòa tất cả sự khác nhau về mặt lịch sử và coi tất cả các hình thái xã hội đều là những hình thái tư sản”[136]. Một quan niệm phi lịch sử chỉ nhằm “tán dương” tư bản: “Coi tư bản như là một hình thái sản xuất vĩnh cửu và tự nhiên (phi lịch sử), các nhà kinh tế học tư sản cố tìm cách biện minh cho tư bản, bằng cách đồng hóa những điều kiện của tư bản đang trở thành [en devenir] với những điều kiện hiện thực nó ngày nay; tức bằng cách biến những thời điềm nhà tư bản chiếm hữu với tư cách chưa phải là nhà tư bản (bởi hắn chỉ đang trở thành nhà tư bản) thành những điều kiện thật sự hắn chiếm hữu với tư cách là nhà tư bản”[137]. Đó chính là ý nghĩa của thần thoại kinh tế học về cái gọi là tích lũy ban đầu, hay về cái gọi là phương thức sản xuất hàng hoá giản đơn.

Hơn thế nữa, nhờ phân biệt cương vị hai mặt của lịch sử, Marx có thể làm rõ mối tương quan giữa quá trình về lịch sử và quá trình về lý luận. Tránh xa quan điểm duy lịch sử luận đồng nhất hóa trình tự lịch sử và trình tự lý luận, Marx xác định phương pháp luận của Tư bản bằng hai điểm[138]: 1) Một mặt, “để triển khai các quy luật của nền kinh tế tư sản, không cần thiết viết ra lịch sử thực tế của các quan hệ sản xuất”, tức sự phát sịnh của chúng từ những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa. Nói khác đi, quá trình lý luận của tư bản, một cách cơ bản, mang tính đồng đại [synchronique], và với tính cách đó nó bao gồm lịch sử về tái sản xuất của tư bản, chứ không bao gồm lịch sử về phát sinh của tư bản. 2) Nhưng mặt khác, “phương pháp luận của chúng ta chỉ rõ những chỗ mà phân tích lịch sử của tư bản cần can dự; hay là những điểm mà kinh tế học tư sản quy chiếu đến những phương thức sản xuất lịch sử tồn tại trước nó”. Cũng như “các điều kiện ngày nay của sản xuất lại hiện ra như là điều kiện kiện tự hủy bỏ mình, và do vậy như là những tiền giả định lịch sử của một chế độ xã hội mới”. Vì thế mà quá trình lý luận của tư bản không thể bỏ qua những thời điểm mang tính lịch đại [diachronique] là những điểm quy chiếu đến các quan hệ xã hội khác, tiền tư bản chủ nghĩa hay hậu tư bản chủ nghĩa.

Louis Althusser (1918-1990)

Tuy nhiên, sự can dự của phân tích lịch sử trong phép trình bày của Tư bản thường không được hiểu đúng nghĩa của nó. Phê phán mạnh mẽ nhất quan điểm duy lịch sử ở Marx, Louis Althusser cho rằng sự giao thoa của diễn từ lý luận với diễn từ lịch sử khiến phép trình bày của Tư bản “không có thể thống nhất mà nó nói”. Theo Althusser, Tư bản có một trình tự trình bày cơ bản nhưng lai đan xen với những phân tích lịch sử “vượt quá” phân tích lý luận. Nhưng bởi vì những phân tích gọi là lịch sử lại có cương vị lý luận cho nên thể thống nhất của trình tự trình bày “trở thành vấn đề”[139]. Trong cách đặt vấn đề của chúng tôi, trình tự trình bày của Tư bản quả có thể thống nhất, nhưng một thể thống nhất có tính đối cực, mang tính mâu thuẫn. Đó là thể thống nhất của quá trình lý luận và quá trình lịch sử thâu gồm trong quá trình lý luận [unité du procès théorique et du procès historique subsumé par le procès théorique]. Cho nên lịch sử có cương vị hai mặt bên trong và bên ngoài đối với lý luận. Nhưng với tính cách là sư phát sinh của tư bản, là “lịch sử hình thành của nó”, quá trình lịch sử có thế đứng ở bên ngoài và do đó nó vượt quá ở đây trình tự lý luận.

Tiếp theo Marx, vấn đề còn là phân biệt sư phát sinh của cái cụ thể hiện thực với sự phát sịnh của cái cụ thể trong tư duy. Trình tự trình bày Tư bản đi từ quan hệ mang tính hàng hoá sang quan hệ tư bản chủ nghĩa không hề tương ứng với sư phát sinh lịch sử của cái cụ thể hiện thưc [genèse historique du concret réel], mà tương ứng với sự phát sinh lý luận của cái cụ thể trong tư duy [genèse théorique du concret de pensée], tức là với quá trình tái tạo cái cụ thể hiện thực dưới hình thức cái cụ thể trong tư duy, thông qua phương pháp trừu tượng hóa. Người ta biết rằng “phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể chỉ là phương pháp nhờ đó mà tư duy quán triệt được cái cụ thể và tái tạo ra nó với tư cách là một cái cụ thể trong tư duy. Nhưng đó quyết không phải là quá trình phát sinh ra bản thân cái cụ thể”[140]. Trình tự trình bày các phạm trù có tính hàng hoá và tư bản chủ nghĩa không hề quy chiếu đến mối quan hệ của “những hình thái xã hội khác nhau và nối tiếp nhau”: trái lại, trình tư của các phạm trù do “mối quan hệ qua lại của chúng ở trong xã hội tư sản hiện đại quy định”[141]

II. Hegel luận và những giới hạn của hình thức biện chứng trong phép trình bày. Câu hỏi cần đặt ra ở đây liên quan đến trình tự trình bày các phạm trù, khi phạm trù hình thái giá trị đi trước (Phần 1 Quyển I) và phạm trù về tư bản đến sau (Phần 2 Quyển I) trong trình tự trình bày của Tư bản. Đây không phải là trình tự các phạm trù nối tiếp nhau trong lịch sử, “càng không phải là trình tự nối tiếp nhau của chúng ‘trên ý niệm’”[142] - như phương pháp lập luận tư biện [démarche spéculative] cho rằng: tư bản là kết quả tự phát triển của hình thái giá trị. Không phải vì phạm trù về tư bản được trình bày từ phạm trù về giá trị, đặc biệt từ hình thái tiền tệ của nó mà, theo Marx, tư bản được chứa đựng trong phạm trù tiền tệ, và chỉ cẩn triển khai nó để rút ra phạm trù tư bản. Chống lại Hegel luận, phép trình bày của Tư bản cho thấy không thể suy diễn tư bản từ giá trị và đặc biệt từ tiền tệ. Tuy vậy, vẫn có khả năng đọc sai lạc tác giả Tư bản khi ta căn cứ vào một số lời trình bảy có tính Hegel luận thuộc Bản thảo 1857-1858. Chính Marx lưu ý điều ấy trong một văn bản liên quan đến bước chuyển của lý luận từ giá trị sang tiền tệ. Rồi vấn đề được ông nêu trở lại trong ‘phiên bản ban đầu’ của Góp phần phế phán chính trị kinh tế học ở một đoạn văn liên quan đến bước chuyển của lý luận từ tiền tệ sang tư bản: “Hình thức biện chứng của phép trình bày chỉ đúng đắn khi chúng ta biết những giới hạn của nó”[143]. Chính là quy chiếu đến hai văn bản nói trên mà Henri Denis bảo vệ luận điểm theo đó tác giả Tư bản “suýt” xây dựng thực sự một lý thuyết về giá trị “như là ứng dụng thuần túy Lô-gích của Hegel”[144]. Bởi về sau - theo Denis -, Marx đã từ bỏ phương pháp lập luận của các năm 1857-58 trong đó giá trị và tiền tệ được quan niệm như là những phạm trù mà tính mâu thuẫn nhất thiết dẫn đến tư bản. Và Denis coi đó là một sự “tụt hậu” của tác giả Tư bản, bởi khi “từ bỏ ý niệm về mâu thuẫn nội bộ chứa đựng trong tiền tề, và dó đó trong lưu thông giản đơn, […] Marx không còn có thể nói đến một bước chuyển tất yếu từ tiền tệ sang tư bản”[145].

Điểu chính xác là giữa Tư bảnBản thảo 1857-1858, có một sự khác biệt đáng kể trong cách trình bày bước chuyển đi từ tiền tệ sang tư bản. Trong Tư bản, Quyển I, sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản được nghiên cứu tại Phần 2 từ công thức lưu thông của tư bản T – H – T đối lập với công thức lưu thông của hàng hoá H – T – H đã khảo cứu ở Phần 1. Còn trong Bản thảo 1857-1858, hình thái thứ hai về lưu thông T – H – T (công thức hóa T – H – H – T) được nêu ra từ sự phân tích tiền tệ trong chức năng thứ ba của nó là tiền (phương tiện tích trữ, phương tiện thanh toán), và biểu hiện ra như là sự phát triển của lưu thông H – T – H (công thức hóa H – T – T – H) trong đó tiền tệ vận hành với chức năng phương tiện lưu thông. “Bây giờ chúng ta chuyển sang tính quy định thứ ba của tiền tệ là kết quả trước hết của hình thái lưu thông thứ hai T – H – H – T” - Marx viết trong ‘Chương về tiền tê’ và thêm rằng: trong tiền tệ với tính cách là tiền, “tính quy định là tư bản đã chứa đựng ở dạng tiềm tàng”[146]. Các tính quy định chức năng của tiền tệ khiến tiền tệ “biểu hiện ở tất cả các phương diện như là một mâu thuẫn tự thủ tiêu chính nó”. Với tính cách là phương tiện lưu thông, tiền tệ bị phủ định trong chừng mực nó biến mất, tiêu tan trong lưu thông hàng hoá. Với tính cách là phương tiện tích lũy, tiền tệ cũng bị phủ định bởi nó chỉ duy trì được và trở nên độc lập khi đi ra khỏi lưu thông hàng hoá. Muốn khắc phục mâu thuẫn này, tiền tề phải trở vào lưu thông và tồn tại ở đó, là điều chỉ có thể có nếu lưu thông được thiết định như là quá trình sản xuất giá trị: “Việc tiền tệ tham gia lưu thông phải trở thành yếu tố của sự tồn tại của nó trong bản thân nó, còn sự tồn tại trong bản thân nó sẽ phải là sự tham gia lưu thông”. Điều đó có nghĩa rằng “quá trình lưu thông cũng phải biểu hiện ra như là quá trình sản xuất các giá trị trao đổi […]. Được thiết định như thế, giá trị trao đổi là tư bản, và lưu thông được thiết định với tính cách là hành vi sản xuất”[147]. Marx tóm tắt lập luận như sau ở đầu ‘Chương về tư bản’: “Chúng ta đã thấy rằng tiền tệ tham gia lưu thông và từ lưu thông lại quay về bản thân mình, rằng đây là hình thái cuối cùng trong đó tiền tệ tự phủ định mình. Đồng thời đây là khái niệm đầu tiên về tư bản và là biểu hiện đầu tiên của tư bản. […] Tiền tệ là hình thái đầu tiên trong đó tư bản biểu hiện ra với tư cách là tư bản. T – H – H – T”[148].

Tuy nhiên, giả định rằng chính tiền tệ trong chức năng tiền tệ chuyển hóa lưu thông H – T – H thành T – H – T, có nghĩa là chúng ta thiết định tư bản như là sự phát triển các tính quy định chức năng của tiền tệ. Nói cách khác chúng ta lấy tiến tệ làm lý lẽ tồn tại của tư bản[149]. Đó chính là điều tách biệt hai phép trình bày của Tư bản và của Bàn tháo 1857-1858: trong Tư bản, Marx quan niệm T – H – T như là một sự lưu thông khác biệt và tách khỏi H – T – H, chứ không phải như là một hình thái phát triển của H – T – H. Tiền tệ không lý giải tư bản, và người ta không thể lý giải sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản bằng cách phát triển khái niệm về tiền tệ và các tính quy định chức năng của nó. Tất nhiên, trong quá trình T – H – T, tiền tệ quay lại lưu thông với chức năng thứ ba là phương tiện thanh toán, nhưng chức năng tiền tệ này không hề xác định tư bản bởi nó được nêu ra trước đó trong phân tích lưu thông H – T – H. “Nếu tiền tệ biểu hiện ra ở đây [trong T – H – T’] thành hình thái tồn tại của tư bản, nhất quyết không phải chỉ vì tiền tệ xuất hiện ở đây như phương tiện thanh toán” - người ta đọc trong Tư bản. “Tiền tệ có thể chi ra dưới hình thái ấy chỉ vì sức lao động ở vào trang thái tách rời khỏi tư liệu sản xuất (kể cả tư liệu sinh hoạt, coi như là tư liệu sản xuất của bản thân sức lao động); vì sự tách rời ấy chỉ có thể khắc phục được bằng cách bán sức lao động cho kẻ sở hữu các tư liệu sản xuất”. Và Marx nhấn mạnh rằng “không phải bản chất của tiền sinh ra quan hệ đó; trái lại chỉ có sự tồn tại của quan hệ đó mới có thể làm cho một chức năng thuần túy của tiền tệ thành một chức năng của tư bản”[150].

Chính vì vậy sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản không đơn gian là một sự phát triển khái niệm, mà nó đòi hỏi những điều kiện lịch sử đặc thù, các điều kiện của sự chuyển hóa sức lao động thành hàng hoá giả tưởng, tức quá trình lịch sử tách rời những người lao động khỏi những điều kiện lao động của họ mà chương về ‘Cái gọi là tích lũy ban đầu’ phân tích. Marx không ngừng nhắc nhở “không phải sở hữu tiền tệ làm cho nhà tư bản thành tư bản. Muốn chuyển hóa tiền tệ thành tư bản phải có những tiền đề của nên sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà tiền đề lịch sử đầu tiên là sự tách rời nói trên”[151]. Và bởi vì Marx nhìn thấy trong tính quy định lịch sử của tư bản “giới hạn của hình thức biện chững trong phép trình bày” của Bản thảo 1857-1858, người ta không thể cho rằng sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản thuộc phương pháp lập luận tư biện, thuộc phép biện chứng về khái niệm[152]. Mặt khác, sự kiện Marx đã chỉnh lý một cách đáng kể phép trình bày1857-58 chứng tỏ ông không hài lòng về nó, cho nên ta không thể xem phép trình bày đó như là tương đương với phép trình bày của Tư bản[153].

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tránh mọi diễn giải tư biện khi khởi đầu đọc Phần 2 về ‘Sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản’ trong Tư bản: “Lưu thông hàng hoá là khởi điểm của tư bản. […] Lưu thông ấy có sản phẩm cuối cùng là tiền tệ. Sản phẩm cuối cùng đó là hình thái biểu hiện đầu tiên của tư bản”[154]. Những mệnh đề này phải được đặt trong vấn đề mà Marx muốn làm rõ ra ở đây là: “những điều kiện lịch sử của sự tồn tại của tư bản không ăn khớp với lưu thông hàng hoá và tiền tệ”, và ”chỉ có sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá thôi thì chưa đủ để biến tiền tệ thành tư bản”[155]. Hay nói cách khác, công thức lưu thông H – T – H’ ở Phần 1 Tư bản không lý giải công thức lưu thông T – H – T’ của Phần 2.

Như chúng tôi đã nêu ra, cách đặt vấn đề của Tư bản là phân tích tư bản khởi đi từ hàng hoá và tiền tệ như là những phạm trù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. “Chúng ta phải giả định tất cả hệ thống của nền sản xuất tư sản nếu muốn cho giá trị trao đổi và quá trình trao đổi hiện ra trên bề mặt nền sản xuất ấy với tính cách là điểm xuất phát đơn giản, như nó biểu hiện trong lưu thông giản đơn”[156]. Tuy nhiên, điều mà Phần 1 Tư bản phân tích không phải là hàng hoá và tiền tệ như là hình thái tồn tại đặc biệt của tư bản, mà như là phạm trù của nền sản xuất và lưu thông hàng hoá gọi là giản đơn. Vậy thì phương pháp lập luận tiến hành phân tích sản xuất và lưu thông hàng hoá trước khi phân tích sản xuất và lưu thông tư bản chủ nghĩa có ý nghĩa gì? Người ta có thể coi đó là một phương pháp lập luận phản biện Hegel luận, theo nghĩa nó không cho phép suy diễn khái niệm về tư bản từ các quan hệ hàng hoá. Diễn giải này đã được Suzanne de Brunhoff nêu ra và nhấn mạnh: “Phương pháp lập luận này của Marx nhằm phân biệt tư bản với những điều kiện mang tính hàng hoá của nó”, nhằm phê phán chính trị kinh tế học đã đồng hóa quan hệ tư bản chủ nghĩa với quan hệ hàng hoá. Marx định nghĩa tư bản là phương thức sản xuất trong đó hình thái hàng hoá của sản phẩm trở nên hình thái xã hội thống trị, nhưng không phải vì vậy mà “lô-gích của tư bản đồng hóa với lô-gích của hàng hoá[157].

Phương pháp lập luận của Marx trong Phần 1 Tư bản là xây dựng các phạm trụ về tiền tệ và hàng hoá để vạch ra những mâu thuẫn đặc thù của hình thái giá trị, và vì thế ông không kể đến mối quan hệ tư bản chủ nghĩa: “Đối với chúng ta, phạm trù ấy chưa có ở bước trình bày này” - như Marx viết[158]. Bằng cách tiến hành như thế, tác giả Tư bản xây dựng mối quan hệ tư bản chủ nghĩa “mà không gây nên lẫn lộn về lý luận”, như một mối quan hệ “bất khả quy” vào quan hệ hàng hoá[159]. Cương vị lý luận của của nền sản xuất và lưu thông hàng hoá phân tích ở Phần 1 Tư bản thường bị hiểu sai, thậm chí ngược nghĩa, khi người ta đồng hóa nó với cái gọi “trạng thái sơ khai của các xã hội” trong học thuyết của Smith và Ricardo. Trong khi Marx cho thấy rằng không thể suy diễn mối quan hệ tư bản chủ nghĩa chỉ từ các quan hệ hàng hòa, tức không thể quy giản nó vào mối quan hệ hàng hoá. Và ông phế phán chính trị kinh tế học đã lẫn lộn hoàn toàn quan hệ tư bản chủ nghĩa với quan hệ hàng hoá nhằm xóa nhòa mâu thuẫn của tư bản: đó mà là “mưu toan phủ nhận những mâu thuẫn của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, bằng cách quy tương quan giữa những tác nhân của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thành những tương quan đơn giản bắt nguồn từ lưu thông hàng hoá”[160].

S. de Brunhoff đã vạch rõ chức năng về lý luận và phê phán của phép phân tích các phạm trù hàng hoá và tiền tệ mà không kể đến phạm trù tư bản. Song trình bày của tác giả tạo ra tranh cãi trong chừng mực bà cho rằng nền sản xuất và lưu thông hàng hoá phân tích ở Phần 1 Tư bản là “một sự trừu tượng hóa thuần túy, không liên quan đến quan hệ xã hội hiện thực nào cả”[161]. Theo chúng tôi, nền sản xuất và lưu thông hàng hoá chỉ hiện lên như là sự trừu tượng hóa thuần túy trong chừng mực nó bị tách bạch khỏi tư bản và hệ thống hóa độc lập. Hay - theo lời của Marx - trong chừng mực chúng ta “dừng lại ở những quan hệ đơn giản nhất, là những sư trừu tượng hóa thuần túy nếu xem xét chúng một cách độc lập”. Còn trên thực tế, các quan hệ hàng hoá gọi là giản đơn ấy không thể tách khỏi các quan hệ tư bản chủ nghĩa với mâu thuẫn của chúng, mà quan hệ hàng hoá “chỉ phản ánh một khía cạnh, là khía cạnh trong đó những mâu thuẫn ấy bị xóa nhòa”[162]. Theo nghĩa đó, các phạm trù về hàng hoá được Marx phân tích ở đầu cuốn Tư bản phản ánh một mặt của những quan hệ sản xuất hiện thực và chỉ có thể là của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vì đó là phương thưc sản xuất duy nhất chứa đựng trong nó những quan hệ hàng hoá. Có thể nói rằng, nếu Phần 1 Tư bản không nói về một nền sản xuất gọi là hàng hoá tiền tư bản chủ nghĩa, nó cũng không bàn đến nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thực sự: nó phân tích môt momen nhất thiết phiến diện, bị tách rời và do đó trừu tượng, của khái niệm tư bản. Hay nói cách khác, tiền tệ và hàng hoá là những hình thái biểu hiện của tư bản, nhưng đó là hình thái “âm bản” của tư bản[163]. Quả là trong phạm trù về hàng hoá của Phần 1, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa được thiết định [posé], mà là tiền-thiết định [présupposé]: “Trong phần thứ nhất này bàn về giá trị trao đổi, tiền tệ và giá cả, phạm trù hàng hoá luôn luôn hiện diện. Xác định các hình thái biểu hiên của hàng hoá là điều đơn giản khi ta biết rằng hàng hoá thể hiện những tính quy định của nền sản xuất xã hội: nền sản xuất xã hội ấy là tiền-thiết định, chứ không được thiết định”[164].

Đối với de Brunhoff, các tác nhân sản xuất để trao đổi trong nền sản xuất và lưu thông hàng hoá mà Marx nói đến ở đầu cuốn Tư bản “được coi như là những người lao động cá thể bình đẳng về quyền sở hữu các hàng hoá do chính họ sản xuất nhằm trao đổi: đó là một ‘sự trừu tượng hóa tốt’” [une bonne abstraction][165]. Như vậy, ý tưởng đúng đắn về sự phân biệt cần thiết giữa mối quan hệ hàng hoá và mối quan hệ tư bản chủ nghĩa dẫn đến quy giản, ở đây, mối quan hệ hàng hoá vào cương vị thuần lô-gích và phê phán của “sự trừu tượng hóa tốt”. Theo cách nhìn này, người ta coi nền sản xuất và lưu thông hàng hoá hoặc như là một mô hình phương pháp luận hay sư phạm luận, mà tính phi hiện thực được khẳng định, nhưng cho phép người ta dẫn nhập từng bước các yếu tố cấu thành tư bản[166]; hoặc như là một “ảo ảnh” không có thực tế gì ngoài tính hệ tư tưởng của nó[167], là “ngụ ngôn lý luận” chỉ một xã hội không tưởng, là xã hội tư bản chủ nghĩa đã loại trừ những mâu thuẫn giai cấp[168]. Cho dù có xác đáng về phương diện phương pháp luận hay hệ tư tưởng, cương vị “trừu tượng hóa tốt” này của de Brunhoff bỏ qua một khía cạnh trong phân tích mà Marx nêu ra ở trên: nền sản xuất và lưu thông hàng hoá là một momen trong quá trình khái niệm hóa tư bản, nhưng nó không chỉ là một cấu trúc thuần lô-gíc, bởi sản xuất và lưu thông hàng hoá còn tương ứng với “một khía cạnh đích xác của thực tế tư bản chủ nghĩa”[169]. Ấy là “khía cạnh” hàng hoá của chủ nghĩa tư bản, khía cạnh trong đó những mâu thuẫn giai cấp bị xóa nhòa - Bản thảo 1857-1858 nhấn mạnh. “Tất cả những mâu thuẫn nội tại của xã hội tư sản như bị xóa nhòa trong các mối quan hệ tiền tệ quan niệm giản đơn”, khi không kể đến mối quan hệ tư bản chủ nghĩa. Theo nghĩa đó, “chế độ tiền tệ trong thực tiễn chỉ có thể là sự thực hiện chế độ tự do và bình đẳng”, đặc tính của trật tự hàng hoá: với hình thái giá trị của khách thể, hình thái tư nhân của chủ thể, hình thái khế ước của pháp luật[170]. Cho dù các hình thái này bị mối quan hệ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt quan hệ làm công, phản bác, không phải vì thế mà trật tự hàng hoá và pháp luật của nó là những thực tế giả hay giả tưởng - như là Stavos Tombazos có nhấn mạnh: trật tự hàng hoá và pháp luật của nó vẫn là momen nền tảng của trật tự tư bản chủ nghĩa[171]. Điều mà người ta đánh mất khi diễn giải nền sản xuất và lưu thông hàng hoá như là “sự trừu tượng hóa thuần túy”, đó là thể thống nhất đối cực của quan hệ hàng hoá với quan hệ tư bản chủ nghĩa, mà ngoài thể thống nhất ấy thì mối quan hệ hàng hoá không thể tồn tại. Bởi “để các tác nhân cá nhân đối diện nhau trong quan hệ mua bán giản đơn với tư cách là những nhà sản xuất tư nhân tự do trong quá trình lưu thông, và để họ xuất hiện như những tác nhân độc lập của quá trình này, thì điều đó giả định những quan hệ sản xuất khác, phức tạp hơn, ít nhiều xung khắc với tự do và độc lập của cá nhân, nó tiền giả định những quan hệ kinh tế khác. Song, xét theo góc độ lưu thông giản đơn thì những quan hệ ấy đã bị xóa nhòa đi”[172].

Tóm lại, chỉ nhìn thấy trong các phạm trù hàng hoá giản đơn một sự trừu tượng hóa tốt, là không đi ra khỏi cách đặt vấn đề của chính trị kinh tế học cổ điển mà Marx diễn tả phương pháp lập luận như sau: “Thoạt đầu Ricardo bắt người lao động phải trao đổi với người lao động, và trong trường hợp này trao đổi quy định qua vật ngang giá bởi thời gian lao động mà hai bên đã chi trong quá trình sản xuất. Tiếp đó, Ricardo mới đề cập vấn đề thực sự của kinh tế học của ông, là chứng minh rằng tính quy định giá trị như thế không thay đổi khi có tích lũy tư bản, nghĩa là khi tư bản hiện hữu”. Trên điểm này, de Brunhoff quả lật cách đặt vấn đề cổ điển khi tách bạch sản xuất hàng hoá với sản xuất tư bản chủ nghĩa, tuy nhiên cuối cùng bà vẫn ở trên lập trường của Ricardo vì “không thấy rằng chính cái quan hệ tự nhiên ban đầu của ông chẳng qua chỉ là quan hệ đã được trừu tượng hóa của nền sản xuất căn cứ trên tư bản”[173]. Đứng trước phương pháp luận của Ricardo đồng nhất hóa lô-gích tư bản và lô-gích hàng hoá, phương pháp luận của Tư Bản không chỉ cho thấy rằng đó là hai lô-gích không thể quy giản về nhau, và dó đó không thể từ lô-gích này suy diễn ra lô-gích kia; mà hơn thế nữa, đó là hai đối cực, tức một thể thống nhất; hay nói khác đi, tư bản chỉ có một lô-gích nhưng mang tính đối cực.

§ 522 - Hình thái giá trị và nội dung giai cấp

Phải tư duy thế nào bước chuyển từ hình thái giá trị sang tư bản khi chúng ta đã gạt bỏ các phương pháp duy lịch sử luận và tư biện? Vấn đề, theo tác giả của Tư bản, là tư duy mối quan hệ hàng hoá và mối quan hệ tư bản chủ nghĩa trong thể thống nhất đối cực của chúng, tức là gắn kết sự tồn tại của quan hệ hàng hoá với sự hiện diện của những giai cấp xã hội. 1) Vấn đề trước tiên là xác lập nội dung giai cấp của hình thái giá trị, chứng giải rằng, trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, quan hệ giai cấp được xác định dưới dạng giá trị. 2) Vấn để còn là xác định sự tách biệt các quá trình lao động tư nhân, xác lập phép phân công lao động xã hội đặc thù của hình thái giá trị trong một sự tách biết khác, là tách biệt của người lao động với các điều kiện lao động của nó, nghĩa là phép phân chia xã hội thành giai cấp.

I. Sự đảo ngược quan hề trao đổi thành quan hệ giai cấp. Chúng tôi sẽ xuất phát từ một công thức nói về bước chuyển từ quan hệ hàng hoá sang quan hệ tư bản chủ nghĩa, mà Bản thảo 1857-1858 gọi là “đảo ngược biện chứng” [renversement dialectique]. Người ta đọc rằng: trao đổi hàng hoá là trao đổi các vật ngang giá, là chiếm hữu sản phẩm của lao động bằng lao động, chiếm hữu sản phẩm lao động của người khác bằng lao động của cá nhân mình. Với tư bản, mối quan hệ trao đổi bị “đảo ngược bởi một phép biện chứng tất yếu”, bị “lật ngược thành cực đối lập của nó”: một mặt, nhà tư bản có thể chiếm hữu lao động của người khác mà không phải trả bằng vật ngang giá; mặt khác, người lao động không thể chiếm hữu sản phẩm lao động của mình, mà phải xử sự với sản phẩm lao động của bản thân mình và với lao động của mình như là đối với sở hữu của người khác[174]. Công thức này, theo Marx, không thể gây ảo tưởng và khiến chúng ta mắc vào sai lầm của thủ pháp về đảo ngược trong Hegel luận, cho dù ta có lịch sử hóa nó đi nữa. Lập luận theo đó, ở khởi điểm lịch sử cũng như ở khởi điểm khái niệm, có quan hệ trao đổi giữa vật ngang giá mà sự triển khai đã đảo ngược thành quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa - lập luận này, như ta biết, đã bị tác giả Tư bản bác bỏ.

Thật “sai lầm” nếu cho rằng trước chủ nghĩa tư bản, đặc biệt trong những hình thái xã hội mà người lao động làm chủ các điều kiện sản xuất của nó, “sản xuất và do đó xã hội, căn cứ trên sự trao đổi đơn giản lao động lấy lao động”. Thật vậy, “hoàn cảnh trong đó người ta chỉ trao đổi đơn giản lao động lấy lao động - dù dưới hình thức trực tiếp của lao động sống hay hình thức sản phẩm - giả định rằng lao động đã tách rời khỏi ràng buộc ban đầu của nó với các điều kiện khách quan của lao động. […] Cơ sở của trao đổi lao động lấy lao động - một sự trao đổi tưởng như là điều kiện về sở hữu của người lao động - là người lao động không có sở hữu”[175]. Việc đảo ngược mối quan hệ trao đổi thành quan hệ bóc lột mà Marx nói đến ở đây thật ra ra là một sự đảo ngược về quan điểm phân tích xẩy ra khi mối quan hệ của người làm công với chủ tư bản không còn bị coi một cách riêng rẽ, biệt lập nữa, mà được xem xét một cách lặp đi lặp lại, tức là trong quá trình tái sản xuất của nó. Đó chính là vấn đề mà công thức về “sự đảo ngược” đặt ra trong Bản thảo 1857-1858.

Phân tích ấy được xác định trong Tư bản, khi Marx viết rằng “sự đảo ngược” quy luật chiếm hữu hàng hoá thành “cực đối lập trực tiếp của nó”, bởi “một phép biện chứng luận bên trong, tất yếu của nó”[176] - sự đảo ngược ấy tương ứng với một sự thay đổi về quan điểm phân tích tư bản: quan điểm của nền sản xuất và lưu thông hàng hoá là quan điểm của trao đổi được xem xét riêng lẻ, tức là như mối quan hệ giữa cá thể với nhau; còn trong nền sản xuất và lưu thông tư bản chủ nghĩa thì trao đổi được xét từ quan điểm tái sản xuất của nó, và biểu lộ nó là mối quan hệ giữa giai cấp với nhau. “Để xét nền sản xuất hàng hoá theo những quy luật kinh tế của nó, chúng ta phải xét riêng lẻ từng hành vi trao đổi, thay vì xét trong sự nối tiếp với hành vì trao đổi trước đó hay sau đó. Hơn nữa, vì các hành vi mua và bán chỉ diễn ra giữa những cá nhân với nhau, cho nên không thể tìm ở đó mối quan hệ giữa những giai cấp với nhau”. Trong khi đó, “sự vật sẽ hiện ra khác hẵn nếu ta xem xét nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trong dòng đổi mới không ngừng của nó, và nếu thay cho nhà tư bản cá biệt và người công nhân cá biệt, chúng ta xem xét giai cấp các nhà tư bản và giai cấp công nhân”[177]. Sự thay đổi về cấp độ phân tích tiết lộ rằng, “dưới hình thái tiền tệ, giai cấp các nhà tư bản thường xuyên trao cho giai cấp công nhân những phiếu để lĩnh một phần của sản phẩm do công nhân sản xuất ra và bị nhà tư bản chiếm hữu. Giai cấp công nhân cũng đều đặn nộp lại cho các nhà tư bản các phiếu đó để đổi lấy cái phần được tính thuộc về mình trong sản phẩm do mình làm ra. Chính hình thái hàng hoá của sản phẩm và hình thái tiền tệ của hàng hoá che đậy mất sự giao dịch đó”. Mối quan hệ tiền tệ che giấu như thế việc nhà tư bản thu tóm thặng dư lao động: mang tính thuần giả tưởng, mối quan hệ trao đổi giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê hiện diện ở đây như để “đánh lừa con mắt” [trompe-l’oeil][178].

Theo nghĩa đó, quan hệ trao đổi chỉ là “cái vẻ bề ngoài”: đó là sự chiếm đoạt lao động của người khác mà “không có trao đổi, nhờ hình thái trao đổi” - trao đổi trở nên “thuần túy hình thức”[179]. Nói cách khác, quan hệ trao đổi ở đây là “một hình thức xa lạ với nội dung của nó”[180]. Việc đảo ngược quan hệ trao đổi hàng hoá thành cực đối lập của nó - quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa - không thuộc về biện chứng pháp lịch sử, mà thuộc về phép phân tích hình thái có đặc tính là đảo ngược tương quan nội dung - hình thức, hình thức biểu hiện nội dung bằng cách che giấu nó, thậm chí biểu lộ cực đối lập nó. Nói rằng quan hệ hàng hoá đảo ngược thành quan hệ tư bản chủ nghĩa, do đó, là nói rằng “nội dung” tư bản chủ nghĩa chỉ thể hiện ngược đảo trong “hình thức” hàng hoá. Sự đảo ngược ở đây mang tính “biện chứng” theo nghĩa đó là thể thống nhất hai cực đối lập, là một mối tương quan đối cực: nội dung tư bản chủ nghĩa phủ định hình thức hàng hoá, mâu thuẫn với nó, nhưng không bãi bỏ hình thức hàng hoá, không xóa nhòa nó; trái lại, mối quan hệ tư bản chủ nghĩa giả định quan hệ hàng hoá và không thể tách rời khỏi nó. Thật vậy, sự đảo ngược không có nghĩa là vi phạm trật tự hàng hoá, bởi sự đảo ngược chính là kết quả vận dụng các quy luật hàng hoá trong sự trao đổi tiền tệ với sức lao động, khi mà sức lao động không phải là hàng hoá. Như Marx có nói rõ: “Tuy phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa có vẻ trái với các quy luật ban đầu của nền sản xuất hàng hoá, đó không phải là sự vi phạm các quy lật ấy mà trái lại là sự vận dụng các quy luật đó”[181].

Sự đảo ngược xẩy ra khi việc phân tích tư bản trong quá trình tái sản xuất của nó cho phép làm rõ cương vị của các phạm trù về hàng hoá trong tương quan với lịch sử và cương vị hai mặt của nó - lịch sử phát sinh và lịch sử tái sản xuất. Trong quá trình tái sản xuất tư bản, khi tiền tệ chuyển hóa lần thứ hai thành tư bản, “người ta rõ ra một số điều không thấy được trong lần xuất hiện thứ nhất của tư bản” - Bản thảo 1857-1858 giải bày. Trong chuyển hóa lần thứ nhất, “các tiền đề của tư bản như do quá trình lưu thông đem lại từ bên ngoài; tiền đề này không xuất phát từ bản chất nội tại của tư bản và không được giải thích bởi bản chất ấy”. Khi tư bản xuất hiện lần thứ hai, thì “những tiền đề bên ngoài ấy trở thành những momen của sự vận động của chính bản thân tư bản; thành thử tự thân tư bản giả định các tiền đề như là những momen của chính mình, cho dù tiền đề đó đã phát sinh như thế nào về mặt lịch sử”[182]. Như vậy, quá trình tái sản xuất của tư bản xóa đi mọi tiền đề trong phân tích. Cương vị của tiền tệ và hàng hoá không phải là tiền đề của tư bản, mà chỉ là khởi điểm của phép trình bày của tư bản. Chúng ta chỉ có thể nói rằng tư bản tiền giả định tiền tệ và hàng hoá trong chừng mực, ngược lại, tiền tệ và hàng hoá tiền giả định tư bản; hay tóm lại, trong chừng mực bản thân tư bản tiền giả định chính mình: “Tư bản không còn xuất phát từ những tiền giả định để trở thành, mà chính bản thân tư bản được tiền giả định, và xuất phát từ bản thân nó, tư bản tạo ra những điều kiện duy trì và phát triển của nó”; nghĩa rằng, “trong quá trình tái sản xuất của nó, tư bản sản xuất ra những điều kiện của nó”[183].

Mặt khác, lịch sử phát sinh lịch sử của tư bản cho phép vượt qua cái vòng luẩn quẩn mà mối tương quan giữa hàng hoá và tiền tệ với tư bản dường như mắc phải, vì mỗi phạm trù xuất hiện đôi khi như là sản phẩm, đôi khi như là sản xuất ra phạm trù kia. “Điều này được giải quyết về mặt lịch sử ở chỗ tư bản không tạo ra thế giới từ đầu”, những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã có sẵn trước khi tư bản bắt chúng tuân theo quá trình của nó. “Cần nhớ rằng những lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới không phát triển từ hư vô, không từ trên trời rơi xuống, cũng không từ Ý niệm tự giả định bản thân mình; các lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới thành hình trong đấu tranh với quá trình phát triển của nền sản xuất hiện hữu và những quan hệ sỡ hữu truyền thống mà chúng kế thừa” - Marx nhấn mạnh. Và “nếu trong hệ thống tư sản hoàn chỉnh, mỗi quan hệ kinh tế đều giả định quan hệ khác dưới hình thái kinh tế tư sản - và do đó mỗi quan hệ được thiết dịnh đồng thời là tiền thiết định của mối quan hệ khác - […] thì đó cũng là trường hợp của mọi hệ thống hữu cơ. Sự phát triển của hệ thống này với tính cách là một toàn thể thể hiện ở chổ nó chi phối mọi thành phần trong xã hội; hoặc từ xã hội, nó tạo nên những bộ phận mà hệ thống ấy còn thiếu. Bằng cách đó, nó trở thành một toàn thể mang tính lịch sử”[184].

Phân tích tái sản xuất của tư bản còn cho phép xác định cương vị của mối quan hệ hàng hoá như là momen trừu tượng của mối quan hệ tư bản chủ nghĩa. Thật vậy, khác vói quá trình tư bản bản chủ nghĩa tự sản xuất những điều kiện tái sản xuất của bản thân nó, quá trình hàng hoá không có trong bản thân nó những điều kiện để nó tái sản xuất. Quá trình lưu thông hàng hoá không thể tự khởi động bởi “nó không chứa đựng nguyên tắc tái sản xuất một cách độc lập. Những yếu tố của lưu thông mang tính tiền thiết định, chứ không do nó thiết định. Hàng hoá thường xuyên phải được ném vào lưu thông từ bên ngoài, (…) nếu không ngọn lửa của nó sẽ tắt đi”. Điều đó lý giải vì sao công thức H – T – H’ không xác định một phương thức sản xuất nào hết và không không có tồn tại ngoài phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nói khác đi, H – T – H không tồn tại độc lập, và chỉ vận hành dưới sự chi phối của T – H – T’.

Người ta có thể hiểu vì sao, theo Marx, lưu thông hàng hoá tồn tại như một “quá trình hình thức”, như “hiện tượng của một quá trình diễn ra ở phía sau nó”[185]. Một cách nói khác, cũng theo Marx, là lưu thông hàng hoá giản đơn “cấu thành lĩnh vực trừu tượng của toàn bộ quá trình sản xuất tư sản”, các tính quy định nền lưu thông giản đơn khiến nó biểu hiện như là “hình thái hiện tượng của một quá trình sâu sắc hơn nằm phía sau nó”[186]. Do đó, phép trình bày tư bản của Marx, khởi đi từ phạm trù hàng hoá giản đơn, nhằm mục đích xác lập nội dung giai cấp của hình thái thái giá trị. Ông viết rằng “sự đối lập của lao động làm thuế với tư bản tìm ẩn trong tính quy định giản đơn của giá trị trao đổi”, nhưng hình thái giá trị “chỉ cho thấy một mặt của thực tế, cái mặt mà trong đó sự đối lập ấy bị xóa nhòa”[187]. Chỉ khi nào hình thái về hàng hoá được chúng ta tư duy trong thể thống nhất và đối cực với nội dung tư bản chủ nghĩa của nó, thì hàng hoá và tiền tệ mới biểu thị trong qua trình của chúng mối quan hệ giai cấp cấu thành chúng.

Tính đặc thù của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không ở bản chất quan hệ giai cấp của nó, mà ở hình thái mang bởi quan hệ giai cấp ấy: đặc trưng của nó ở chỗ quan hệ giai cấp này được xác định dưới dạng giá trị. Dưới hình thái giá trị đó, mối quan hệ tư bản - lao động làm thuệ được cơ cấu như một mối tương quan trao đổi giữa người mang tiền và người mang sức lao động. “Dù trong hành vi T – Slđ, người sở hữu tiền (T) và người sở hữu sức lao động (Slđ) đơn thuần lấy tư cách kẻ mua và người bản, (…) những đó là một việc mua và bán giả định kẻ mua là một nhà tư bản, và người bán là một người lao động làm thuê”. Thật vậy, tiền tệ mua được sức lao động “chỉ vì sức lao động ở vào trạng thái tách rời khỏi các tư liệu sản xuất của nó (kể cả tư liệu sinh hoạt coi như là tư liệu để sản xuất ra bản thân sức lao động); và vì sự tách rời ấy chỉ có thể khắc phục được bằng hành vi bán sức lao động cho kẻ sở hữu các tư liệu sản xuất”. Cũng theo nghĩa ấy, tác giả Tư bản cho rằng: “Quan hệ tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong quá trình sản xuất chỉ vì nó đã tồn tại trong hành vi lưu thông rồi, trong những điều kiện kinh tế cơ bản khác nhau của kẻ mua và người bán đối diện với nhau trong quan hệ giai cấp của họ”[188]. Và bởi vì hình thái giá trị xác định tính đặc thù của tư bản như là quan hệ giai cấp, cho nên - đối với Marx - nó là khởi điểm của Tư bản.

II. Tư bản như là tách biệt kép. Là điểm khởi đầu phép trình bày của Marx, hình thái giá trị hiện ra bây giờ đúng như nó là: hình thái hiện tượng của một quá trình ngấm ngầm mà nó biểu lộ và đồng thời che giấu, quá trình bóc lột tư bản chủ nghĩa. Vì hình thái giá trị chỉ quan niệm được dưới sự chi phối của tư bản, quá trình sản xuất giá trị không tồn tại độc lập với quá trình bóc lột tư bản chủ nghĩa mà nó là hệ quả. Ở khởi điểm phép trình bày Tư bản, chúng ta đã nhận thấy Marx xác định nền sản xuất giá trị như là hiệu ứng của một cơ cấu lao động xã hội đặc thù, ở đó tính phụ thuộc lẫn nhau của những quá trình lao động mang hình thái về tính độc lập của các quá trình ấy - Marx gọi đó là phép phân chia quá trình lao động xã hội thành những quá trình tư nhân. Điều hiện ra bây giờ là sự phân chia lao động xã hội thành lao động tư nhân ấy là hiệu ứng của một phép phân chia khác, là sự phân chia xã hội ra thành giai cấp. Sự tách biệt các quá trình lao động tư nhân quy chiếu ở đây đến sự tách biệt những người lao động khỏi những điều kiện của lao động. Tuy nhiên, nói rằng cơ cấu của lao động xã hội quy chiếu đến cơ cấu của giai cấp xã hội không có nghĩa là có thể quy gian cơ cấu đầu vào cơ cấu sau. Chúng ta cần tư duy tư bản như là một cơ cấu tách biệt kép: một bên là sự tách biệt người lao động với các điều kiện của lao động; và bên kia là sự tách biệt của các quá trình lao động tư nhân. Nói khác đi, tư bản phải được tư duy như là thể thống nhất đối cực của một mâu thuẫn, mà mặt chính là phép phân chia xã hội thành giai cấp, là mối quan hệ giai cấp tư bản chủ nghĩa; và mặt phụ là phép phân chia lao động xã hội thành lao động tư nhân, là mối quan hệ trao đổi giữa những cá nhân. Trong thể thống nhất đối cực này, mối quan hệ giai cấp có tính chi phối và mối quan hệ trao đổi chịu sự chi phối: “Trao đổi cá nhân tương ứng với một phương thức sản xuất nhất định mà bản thân nó tương hợp với đối kháng giai cấp. Cho nên không có trao đổi cá nhân nếu thiếu đối kháng giai cấp”[189]. Phải quan niệm quan hệ hàng hoá dưới sự chi phối của quan hệ giai cấp, bởi chính sự tách biệt người lao động với các điều kiên của lao động biểu hiện trong tương quan của những người nắm giữ tư liệu sản xuất với nhau khi họ tiến hành các quá trình lao động tư nhân. Phép phân chia lao động xã hội vận hành ở đây như là vật đỡ của phép phân chia giai cấp xã hội.

Chúng ta có thể nhận xét rằng mỗi cực của thể mâu thuẫn tự nó cũng mang tính mâu thẫn. 1) Mối quan hệ giai cấp cấu thành cực chính của mâu thuẫn, là một quan hệ giai cấp xác định dưới dạng giá trị. Bản thân nó là thể đối cực của quan hệ giai cấp và quan hệ hàng hoá, mối quan hệ hàng hoá vận hành như là hình thái của mối quan hệ giai cấp. Theo nghĩa đó, quan hệ giai cấp là quan hệ bóc lột đồng thời là quan hệ trao đổi, quan hệ bóc lột mang hình thái quan hệ trao đổi. “Đối diện trên thị trường không phải đơn giản là một người bán và một kẻ mua, mà là một nhà tư bản và một người làm công đối lập nhau với tư cách người bán và kẻ mua trong lĩnh vực lưu thông. Mối quan hệ giai cấp giữa nhà tư bản và người công nhân chi phối mối quan hệ kẻ mua và người bán của họ”[190]. 2) Là cực phụ của thể mâu thuẫn, mối quan hệ hàng hoá tự nó cũng mang tính mâu thuẫn, bởi không những nó đặc trưng hình thái phân chia lao động xã hội, mà cả hình thái của quan hệ giai cấp. Nói cách khác, quan hệ hàng hoá xác định một mặt hình thái của mối quan hệ giữa các nhà tư bản với nhau, mà xác định cả hình thái của mối quan hệ giữa nhà tư bản và người làm công. Cương vị kép của mối quan hệ hàng hoá tương ứng với sự phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến: trong khi tư bản khả biến cấu thành từ việc mua-bán sức lao động giữa các nhà tư bản và những người làm công, thì tư bản bất biến hình thành từ việc mua-bán tư liệu sản xuất giữa các nhà tư bản với nhau.

Chúng ta còn có thể nhận xét rằng trong tiến trình của nó, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tư nó tái sản xuất sự tách tách biệt giữa người lao động với các điều kiện lao động: “nó thường xuyên buộc người lao động bán sức lao động của mình để sống, và thường xuyên tạo khả năng cho nhà tư bản mua sức lao động để làm giàu”. Cho nên “không phải ngẫu nhiên” mà người lao động và nhà tư bản chạm trán nhau trên thị trường với tư cách là người bán và kẻ mua. Quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa là “một cơ chế chu chuyển kép” [double moulinet], một mặt “luôn luôn ném người lao động lên thị trường thành người bán sức lao động của minh”, mặt khác “luôn luôn biến sản phẩm của người lao động thành phương tiện mua cho nhà tư bản. Trên thực tế, người lao động đã thuộc về tư bản trước khi nó bán mình cho một nhà tư bản cá nhân”[191]. Đó là phép tái sản xuất tư bản như là quan hệ giai cấp. Còn tư bản như là quan hệ hàng hoá thì đặt ra vấn đề về cá nhân nhà tư bản và về cá nhân người làm công - những vật đỡ của quan hệ giai cấp - mà việc tái sản xuất tùy thuộc cái Marx gọi là “bước nhảy nguy hiểm của hàng hoá” [saut périlleux de la marchandise], tức sự chuyển hóa bắt buộc của hàng hoá thành tiền tệ, còn gọi là cưỡng chế tiền tệ [contrainte monétaire]. Ở đây, có thể nói đến một “bước nhảy nguy hiểm kép” [double saut périlleux]: đối với nhà tư bản cá nhân là chuyển hóa các hàng hoá đã sản xuất ra thành tiền tệ, tức là không bị sản xuất thừa; còn đối với người làm công cá nhân thì là chuyển hóa sức lao động đã tái sản xuất thành tiền công, tức là không bị thất nghiệp[192].

Một mặt, hình thái hàng hoá của sản phẩm lao động đặt nhà tư bản cá thể vào thế cạnh tranh với các nhà tư bản khác, với nguy cơ là sản xuất thừa. Mặt khác, và cho dù nó không phải là hàng hoá thực sự, nhưng thông qua giá trị trao đổi mà nó có được, sức lao động mang một hình thái hàng hoá khiến người làm công cá thể phải cạnh tranh với các người làm công khác, với nguy cơ là bị thất nghiệp. Hình thái hàng hoá của sức lao động do đó chỉ một hình thái chia tách sức lao động xã hội thành những sức lao động cá thể, ở trong đó người làm công sở hữu sức lao động mà nó cho thuê và như vậy là một người lao động “tự do”. Cương vị này có nghĩa rằng cá nhân người làm công “có trách nhiệm” tái sản xuất sức lao động của nó, và điều đó biểu thị ở chỗ sức lao động được trao đổi với một lượng tiền tệ, chứ không phải với một rổ giá trị sử dụng. Hơn nữa, người làm công còn có trách nhiệm bán sức lao động của nó, thành công bước nhảy nguy hiểm tương tự như một hàng hoá[193]. Tiết kiệm cũng thuộc trách nhiệm của người làm công cá thể: “Trong tình hình kinh tế thuận lợi, những người lao động phải có những khoan tiết kiệm đủ để chịu đựng tình hình kinh tế xấu, thất nghiệp bán phần, tiềng công bị hạ thấp, v.v.”. Marx còn nhận xét rằng “chính các nhà kinh tế học thừa nhận rằng mục đích của quỹ tiết kiệm không phải là của cải, mà là phân phối hợp lý hơn các khoản thu nhập của công nhân; làm sao để người lao động khi đến tuổi già hoặc trường hợp ốm dau, tình trạng khủng hoảng v.v. không trở thành gánh nặng đối với nhà nước, những cơ quan cứu tế, từ thiện (tóm lại, gánh nặng này phải do bản thân giai cấp công nhân, chứ không phải các nhà tư bản gánh chịu), những người lao động phải tiết kiệm cho các nhà tư bản”[194].

Như vậy, sự cưỡng chế của tư bản đối với người lao động mang trước hết tính tiền tệ. Và hình thái tiền tệ này không tách rời một cương vị độc lập của người làm công cá thể. Cho nên nói rằng mối quan hệ hàng hoá “đảo ngược” thành “bề ngoài tuần túy” của mối quan hệ bản chủ nghĩa, không hề có nghĩa là cương vị người lao động tự do và sự cưởng bách tiền tệ bị xóa bỏ. Bởi nếu quả xu thế của tư bản là quy giản quan hệ trao đổi hàng hoá vào cương vị hình thái hiện tượng của quan hệ bóc lột, trao đổi hàng hoá với tính cách là hình thái vẫn bất khả quy thành quan hệ bóc lột. Theo nghĩa đó, có sự mâu thuẫn, thể đối cực giữa quan hệ tư bản chủ nghiã và quan hệ hàng hoá thâu gồm bởi quan hệ tư bản chủ nghĩa.

Carlo Benetti
Jean Cartelier (1942-)

Cho nên vấn đề tương quan giữa phạm trù hàng hoá và phạm trù tư bản chủ nghía cần được đặt ra một cách đúng đắn, tránh sai lầm của tính đồng nhất giản đơn, tức là sự lẫn lộn không có phân biệt, cũng như sai lầm của tính đối lập giản đơn, tức là sự loại trừ không có bao hàm. Để làm sáng tỏ vấn đề, hãy xem xét phép trình bày mà Carlo Benetti và Jean Cartelier đề xuất trong Marchands, salariat et capitalistes. Hai tác giả mô tả các mối quan hệ hàng hoá và tư bản chủ nghĩa dưới dạng tương quan “tách biệt” với ba giả thuyết khác nhau: giả thuyết H1 theo đó đặc tính của xã hội là sự tách biệt của các yếu tố mà mối liên hệ xã hội là tiền tệ; giả thuyết H2 theo đó phương thức tách biệt là mối quan hệ xã hội - tư nhân; giả thuyết H2’ theo đó phương thức tách biết là mối quan hệ lao động làm thuê. Ba gia thuyết trên cho phép mô tả “hai hình thái xã hội thay thế nhau” [deux formes sociales alternatives], là xã hội hàng hoá (H1, H2) và xã hội tư bản chủ nghĩa (H1, H2’). Hai hình thái xã hội có cùng chung giả thuyết về tách biệt xã hội H1 tương ứng với sự tồn tại của tiền tệ: trên cở sở tiền tệ ấy, xã hội hàng hoá tiêu biểu với giả thuyết H2 về tương quan tách biệt “mang tính bình đẳng”, trong đó các yếu tố tách biệt “tự mình khai báo” [auto-déclaré]; trong khi xã hội tư bản chủ nghĩa tiêu biêu với giả thuyết H2’ về tương quan tách biệt “mang tính bất bình đẳng”, với những yếu tố “tách biệt” và những yếu tố “phi-tách biệt” [non-séparé], “phải được khai báo” [déclaré]. Từ đó Benetti và Cartelier phân biêt ba cách tiếp cận vấn đề: cách tiếp cận tân-cổ điển quan niệm hàng hoá và tư bản trên nền tảng của H1và H2 (khái quát hóa thuyết trao đổi hàng hoá đến các nhân tố sản xuất); cách tiếp cận Ricardo-Sraffa quan niệm tư bản trên giả thuyết duy nhất H2’ (quy định tỷ suất lợi nhuận chung ngoài mọi quy chiếu đến tiền tệ và giá trị trao đổi); cách tiếp cận Smith-Marx xác định hàng hoá với H1, H2, và quan niệm tư bản bằng cách thêm H2’ (bước chuyển từ hàng hoá sang tư bản “bằng cách kết nạp một hàng hoá bổ sung”, là lao động của Smith hay sức lao động của Marx)[195].

Chỉ xét phép đọc Marx của Benetti và Cartelier, người ta nhận thấy rằng hai tác giả đã tránh sư đồng nhất quy giản quan hệ tư bản chủ nghĩa vào quan hệ hàng hoá bằng cách đối lấp tuyệt đối hai mối quan hệ. Chẳng hạn, khi họ cho rằng, trong quan hệ tư bản chủ nghĩa, sự cách biệt H1 được thực hiện chỉ thông qua quan hệ lao động làm thuê H2’ và bỏ qua giả thuyết H2: “H2 trở nên lỗi thời và phải thay bằng H2’”. Cũng như khi họ cho rằng quan hệ giữa nhà tư bản và người làm công không thể là một tương quan hàng hoá: “H2 và H2’ loại trừ lẫn nhau”[196]. Với cách đặt vấn đề đó, các tác giả chỉ có thể quan niệm quan hệ tư bản chủ nghĩa theo thể “loại trừ” hay thể “thay thế” mối quan hệ hàng hoá - một phân tích bị nghèo đi, phiến diện so với cách đặt vấn đề của Marx về sự “phụ thuộc” hay chính xác hơn về sự “thâu gồm” quan hệ hàng hoá vào quan hệ tư bản chủ nghĩa.

Trong phép trình bày Quyển I Tư bản, bước chuyển từ quan hệ hàng hoá sang quan hệ tư bản chủ nghĩa được Marx tiến hành thông qua việc kết nạp thêm, không phải một hàng hoá “bổ sung”, mà một phi-hàng hoá, tức sức lao động, mà sự chuyển hóa thành hàng hoá giả tưởng, thay vì khái quát hóa mối quan hệ hàng hoá thì lại đảo ngược nó. Tức là thay vì “mở rộng” trao đổi hàng hoá đến trao đổi lao động làm thuế, thì có sự “đảo nghịch” của trao đổi hàng hoá trong trao đổi lao động làm thuê. Cho nên mối quan hệ hàng hoá, thay vì là một “hình thái xã hội thay thế”, thì là hình thái hiện tượng của quan hệ tư bản chủ nghĩa. Theo Marx, đó cũng chính là điều khác biết với lý luận của Smith: “Tư bản không chỉ, như Smith nghĩ, là sự chi phối lao động của người khác - hiểu theo nghĩa mọi giá trị trao đổi đều là sự chi phối như thế, bởi vì nó đem lại sức mua cho người sở hữu giá trị trao đổi đó - mà tư bản còn là quyền lực chiếm hữu lao động của người khác không thông qua trao đổi, không trả bằng vật ngang giá, nhưng lại núp dưới bề ngoài của trao đổi”[197]. Theo nghĩa ấy, người ta không thể tư duy tư bản độc lập với hình thái giá trị của nó. Thật vậy, “không có trao đổi thì sẽ không thể có sản xuất tư bản với tư cách là tư bản; bởi vì không có trao đổi thì không có sự tăng lên của giá trị với tư cách như thế. Nếu không có trao đổi thì chỉ có thể nói đến sự đo lường giá trị sử dụng đã được sản xuất ra, nói chung chỉ có thể nói đến giá trị sử dụng”. Tuy nhiên, “trao đổi không làm thay đổi những điều kiện nội tại của việc tăng giá trị; nhưng nó bóc trần những điều kiện ấy, đem lại cho chúng một hình thức độc lập và, do đó, làm cho sự thống nhất bên trong của chúng chỉ tồn tại với tư cách là tính tất yếu nội tại, và bộc lộ ra ngoài một cách dữ dội dưới dạng các cuộc khủng hoảng”[198].

Nói khác đi, chính sự tách biệt người làm công với điều kiện lao động của nó được tải sản xuất qua hình thái giá trị, tức thông qua sự tách biệt lao động xã hội thành những quá trình tư nhân[199]. Phân tích hình thái cho phép Marx xác định tư bản như là tách biệt kép và cho phép ông tư duy mâu thuẫn của quan hệ tư bản chủ nghĩa với quan hệ hàng hoá[200]. Trong khi cách diễn giải Tư bản của Benetti và Cartelier gặp cách đọc của Cornelius Castoriadis, ở chỗ nó không thể tư duy mâu thuẫn khác hơn là dưới thể đối kháng [antinomie] và phân đôi [dichotomie], tức trong thế chọn lựa sự đồng nhất [identité] hay loại trừ [exclusion]. Có thể nói rằng đây là những tác giả cùng có chung đặc điểm là “ghét cay ghét đắng thể mâu thuẫn”[201].

Khi kết thúc phần thảo luận về mối tương quan giữa hình thái giá trị và tư bản, chúng ta hiểu ra vì sao hình thái giá trị đi trước tư bản trong tiến trình trình bày của bộ Tư bản. Không phải vì một lý do về trật tự lịch sử hay trình tự tư biện, mà chỉ là vì tư bản, định nghĩa như là quan hệ bóc lột, không đơn giản là quan hệ cưỡng đoạt lao động thặng dư, mà chính xác là quan hệ cưỡng đoạt giá trị thặng dư, tức lao động thặng dư dưới hình thái giá trị. Mối quan hệ hàng hòa không chỉ một hình thái xã hội thay thế của quan hệ tư bản chủ nghĩa; nó cũng không chỉ một quan hệ xã hội không có quan hệ sản xuất. Trong Tư bản, mối quan hệ hàng hoá khẳng định cương vị về hình thái của nó: hình thái biểu hiện đặc thù của quan hệ giai cấp trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

----

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

LỜI DẪN NHẬP

Phần thứ nhất: HÀNG HOÁ NHƯ LÀ HÌNH THÁI CỦA SẢN PHẨM LAO ĐỘNG

Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG

Chương 1: LAO ĐỘNG TRỪU TƯỢNG - CỤ THỂ

Tiết 11: Lao động trừu tượng và lao động cụ thể, lao động xã hội và lao động tư nhân

§ 111: Tính đối lập giữa lao động tư nhân và lao động xã hội

§ 112: Tính che phủ lao động tư nhân - lao động cụ thể, lao động xã hội - lao động trừu tượng

§ 113: Tính xã hội và sự xã hội hoá các cá nhân tư

Tiết 12: Lao động trừu tượng – cụ thể, lao động sinh lý và lao động có ích

§ 121: Định nghĩa vật chất - kỹ thuật về lao động cụ thể

§ 122: Định nghĩa thực định về lao động trừu tượng

Tiết 13: Lao động trừu tượng, lao động nói chung và sự trừu tượng hóa hiện thực

§ 131: Lao động trừu tượng như là sự thật thực tiễn

§ 132: Lao động trừu tượng như là lao động tha hóa

§ 133: Lao động trừu tượng như là phổ quát cụ thể

Tiết 14: Lao động trừu tượng, lao động xã hội và lao động ngang bằng

§ 141: Lao động trừu tượng như là phạm trù lô-gích

§ 142: Lao động trừu tượng như là phạm trù siêu hình

§ 143: Bàn về Chương 1, Quyển I bộ Tư bản

Chương 2: HÌNH THÁI GIÁ TRỊ CỦA SẢN PHẨM LAO ĐỘNG

Tiết 21: Tính khách thể xã hội và hình thái vật chất của giá trị

§ 211: Giá trị như hình thái vật hóa của xã hội

§ 212: Giá trị như hình thái xã hội của một vật

§ 213: Tính khách thể và tính vật chất

Tiết 22: Giá trị và giá trị sử dụng

§ 221: Sự phân biệt giữa tính hữu dụng và giá trị hữu dụng

§ 222: Sự thống nhất của giá trị và giá trị hữu dụng

Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TIỀN TỆ

Chương 3: TÍNH ĐỐI CỰC TIỀN TỆ – HÀNG HOÁ

Tiết 31: Lao động trừu tượng và/hay tiền tệ

§ 311: Hình thái của giá trị và tính đối cực hình thái tương đối – hình thái vật ngang giá

§ 312: Hình thái giá cả và tính đối cực hàng hoá – tiền tệ

§ 313: Các hình thái của tiền tệ và tính đối cực tín dụng – tiền tệ

§ 314: Tiền tệ hay mặt đối lập của hàng hoá

§ 315: Tính hai mặt của tiền tệ

Tiết 32: Giá trị và/hay giá trị trao đổi

§ 321: Từ Góp phần phê phán kinh tế chính trị học đến Tư bản

§ 322: Giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối

§ 323: “1 góc tạ lúa mì = a kg sắt” đối chiếu với “20 m vải = 1 cái áo”

Tiết 33: Giá trị và/hay giá cả

§ 331: Thước đo nội tại và thước đo bề ngoài của giá trị

§ 332: Sự chuyển hóa giá trị thành giá cả

Chương 4: SỰ SÙNG BÁI HÌNH THÁI GIÁ TRỊ

Tiết 41: Hình thái khách thể và hình thái chủ thể

§ 411: Hình thái về khách thể và sự sùng bái

§ 412: Hình thái về cá thể và quan hệ hàng hoá

§ 413: Sùng bái và tha hóa

Tiết 42: Bàn về Phần 1, Quyển I bộ Tư bản

Phần thứ hai: HÀNG HOÁ VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN

Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ SỨC LAO ĐỘNG

Chương 5: TƯ BẢN NHƯ QUAN HỆ BÓC LỘT MANG TÍNH HÀNG HOÁ

Tiết 51: Sự phân chia thế giới hàng hoá giữa sản phẩm của tư bản và sức lao động

§ 511: Giá trị như là hình thái cưỡng chế lao động thặng dư

§ 512: Sức lao động như là hàng hoá giả tưởng

Tiết 52: Quan hệ trao đổi như là hình thái quan hệ giai cấp

§ 521: Quan hệ hàng hoá và quan hệ tư bản chủ nghĩa

§ 522: Hình thái giá trị và nội dung giai cấp

Chương 6: TƯ BẢN NHƯ LÀ QUAN HỆ SẢN XUẤT VÀ SỨC SẢN XUẤT

Tiết 61: Sự vật thể hóa tư bản trong sức sản xuất

§ 611: Thâu gồm hình thức và cưỡng chế tiền tệ về lao động thặng dư

§ 612: Thâu gồm hiện thực và cưỡng chế kỹ thuật về lao động thặng dư

Tiết 62: Tính hai mặt của sức sản xuất do tư bản phát triển

§ 621: Phủ định tư bản như là xu thế của tư bản

§ 622: Tính đối kháng và phi đối kháng của mâu thuẫn tư bản

§ 623: Sức lao động, khái niệm đặc thù của người lao động tự do

Tiêu đề II: VẤN ĐỀ BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ KHÁI NIỆM VỀ TỶ SUẤT LỢI NHUẬN CHUNG

Chương 7: PHÉP CHUYỂN HÓA NHƯ LÀ BƯỚC CHUYỂN PHÂN TÍCH TƯ BẢN TỪ CẤP ĐỘ TRỪU TƯỢNG HÓA NÀY SANG CẤP ĐỘ KHÁC

Tiết 71: Quan hệ giai cấp và quan hệ liên tư bản

§ 711: Sản xuất hàng hoá đơn giản và sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa

§ 712: Tư bản nói chung và tư bản số nhiều

Tiết 72: Tỷ suất lợi nhuận chung và tỷ suất lợi nhuận bình quân

§ 721: Tỷ suất lợi nhuận bình quân như là bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận theo giá trị thị trường

§ 722: Tỷ suất lợi nhuận bình quân như là bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận theo giá cả thị trường

§ 723: Cương vị kép của tỷ suất lợi nhuận chung: hình thái chuyển hóa của tỷ suất giá trị thặng dư và tỷ suất lợi nhuận bình quân

Chương 8: PHÉP CHUYỂN HÓA NHƯ BƯỚC PHÁT TRIỂN HÌNH THỨC CỦA GIÁ TRỊ SANG CẤP ĐỘ TƯ BẢN SỐ NHIỀU

Tiết 81: Tỷ suất lợi nhuận chung và tỷ suất lợi nhuận không ngang bằng

§ 811: Tỷ suất lợi nhuận chung và những hình thái cạnh tranh

§ 812: Tỷ suất lợi nhuận chung và phân khúc tư bản

Tiết 82: Giá cả sản xuất và quy luật giá trị

§ 821: Phép chuyển hóa và bóc lột

§ 822: Hai đẳng thức của phép chuyển hóa

§ 823: Giá cả sản xuất và lao động xã hội cần thiết

Phần thư ba: HÀNG HOÁ VỚI TÍNH CÁCH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN CÁ BIỆT

Tiêu đề I: VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA LỢI NHUẬN SIÊU NGẠCH

Chương 9: SIÊU LỢI NHUẬN NỘI NGÀNH VÀ LIÊN NGÀNH

Tiết 91: Giá cả sản xuất chung, giá cả sản xuất cá biệt và siêu lợi nhuận cá biệt

§ 911: Giá cả sản xuất và giá cả thị trường

§ 912: Giá cả sản xuất chung và giá cả sản xuất cá biệt

§ 913: Giá cả sản xuất chung và giá trị thị trường

Tiết 92: Giá cả sản xuất chung, giá cả thị trường và siêu lợi nhuận thị trường

§ 921: Tính chất của lao động xã hội cần thiết

§ 922: Giá cả thị trường xoay quanh giá cả sản xuất

§ 923: Tỷ suất lợi nhuận chung, siêu lợi nhuận thị trường và siêu lợi nhuận cá biệt

Tiêu đề II: VẤN ĐỀ CHUYỂN ĐỔI LỢI NHUẬN SIÊU NGẠCH THÀNH ĐỊA TÔ

Chương 10: ĐỊA TÔ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Tiết 101: Sở hữu đất đai và tư bản

§1011: Sở hữu đất đai như là quan hệ phân phối tư bản chủ nghĩa

§ 1012: Sự thâu gồm sở hữu đất đai vào tư bản

§ 1013: Địa tô tuyệt đối, sở hữu ruộng đất và giai cấp xã hội

Tiết 102: Vấn đề ruộng đất và quy luật giá trị

§ 1021: Địa tô tư bản chủ nghĩa và khớp nối các phương thức sản xuất

§ 1022: Sự thâu gồm lao động vào tư bản trong nông nghiệp và sự bóc lột lao động nông dân

§ 1023: Đối tượng của Phần 6 Quyển III Tư bản

Chương 11: KHÁI NIỆM VỀ ĐỊA TÔ CHÊNH LỆCH

Tiết 111: Lĩnh vực nông nghiệp và sự xác định giá cả sản xuất

§ 1111: Khả năng về lợi nhuận dưới chuẩn bình quân trong nông nghiệp

§ 1112: Khả năng về địa tô chênh lệch âm

Tiết 112: Đất nông nghiệp và tính màu mỡ

§ 1121: Tính màu mỡ gọi là tự nhiên và màu mỡ kinh tế

§ 1122: Tính màu mỡ gọi là tự nhiên và màu mỡ nhân tạo

§ 1123: Ruộng đất như là hàng hoá giả tưởng và sự chuyển đổi siêu lợi nhuân cá biệt thành địa tô chênh lệch

Chương 12: KHÁI NIỆM VỀ ĐỊA TÔ TUYỆT ĐỐI

Tiết 121: Giải pháp lý luận năm 1862

§ 1211: Địa tô trên khoảng đất tồi nhất

§ 1212: Cấu thành hữu cơ của tư bản nông nghiệp và sở hữu ruộng đất

§ 1213: Địa tô tuyệt đối như khoản dư của giá trị trao đổi trên giá cả sản xuất

§ 1214: Tình trạng thị trường và sự hiện thực hóa địa tô

Tiết 122: Đặt lại vấn đề địa tô tuyệt đối

§ 1221: Khoản trừ trên giá trị trao đổi hay khoản dư trên giá cả sản xuất

§ 1222: Địa tô tuyệt đối hay địa tô độc quyền

§ 1223: Địa tô nội sinh hay địa tô ngoại sinh

§ 1224: Tính chất của địa tô tuyệt đối và phương thức xác định nó

LỜI KẾT

THƯ MỤC

Nguồn: Tác giả - dịch giả Trần Hải Hạc gởi trực tiếp cho PTKT.

----




CHÚ THÍCH

Phần thứ hai: Hàng hoá với tính cách là sản phẩm của tư bản

Tiêu đề I: Vấn đề tồn tại của giá trị thặng dư và khái niệm về sức lao động

Chương 5: Tư bản như là quan hệ bóc lột mang tính hàng hoá

[1] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 160-161].

[2] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 101].

[3] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 106-107].

[4] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 199].

[5] Etienne Balibar, Jean-Pierre Lefebvre, ‘Plus-value ou survaleur’, La Pensée n° 197, 1978.

[6] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 361].

[7] Cornelius Castoriadis, La société bureaucratique, UGE, 1973, tr. 31; Capitalisme moderne et révolution, UGE, 1979, tr. 85; Les carrefours du labyrinthe, Seuil, 1978, tr. 262.

[8] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, tr. 184].

[9] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 141].

[10] Phần trình bày này, cơ bản, đã có trong Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 13 và tiếp].

[11] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 175].

[12] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 22].

[13] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 160].

[14] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 169].

[15] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 200].

[16] Đối với Bruno Lautier và Ramon Tortajada, giá trị sử dụng của sức lao động mà nhà tư bản quan tâm trong quá trình sản xuất “phải có tính lành nghệ bình thường nhất định: đó là lao động cụ thể (của người thợ dệt, người thợ làm guốc…). [B. Lautier, R. Tortajada, Ecole, force de travail et salariat, Maspéro-PUG, 1978, tr. 102]. Xem thêm Bernard Drugman, ‘Travail, force de travail et salariat: au-delà de l’économie politique du capital’, in B. Bourreille và các tác giả khác, Réexamens de la théorie du salariat, PUL, 1981, tr. 92.

[17] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, tr. 468]. Xem thêm, tr. 166. Hay Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 179 và 232].

[18] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 212].

[19] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2, tr. 62]. Marx còn nói chính xác hơn: “Ngoài sự hao mòn vật chất, có thể nói rằng máy móc còn bị hao mòn về tinh thần nữa. Máy móc sẽ mất giá trị trao đổi trong chừng mực có máy cùng cấu tạo được tái sản xuất rẻ hơn hoặc có những máy tốt hơn canh tranh với chúng. Trong cả hai trường hợp, và cho dù máy có ít tuổi hay còn nhiều lực đến đâu đi nữa, thì giá trị của nó cũng không do thời gian lao động đã vật hóa thực tế trong nó quyết định, mà lại do thời gian lao động cần thiết để tái sản xuất ra nó, hay tái sản xuất ra những máy tốt hơn nó, quyết định”. Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 454]. Xem thêm Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 157].

[20] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 236].

[21] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 352].

[22] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 361].

[23] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 191].

[24] Xem Mark Blaug, La pensée économique, Economica, 1981, tr. 275 và 327.

[25] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 334-335].

[26] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 160].

[27] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 2, tr. 230].

[28] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 189].

[29] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 191-192].

[30] “Vì sức lao động trị giá bằng một số tư liệu sinh hoạt nhất định, nên giá trị của nó thay đổi theo giá trị của những tư liệu sinh hoạt đó, nghĩa là thay đổi tỷ lệ với thời gian lao động sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt đó”. Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 175]. “Giá trị của hàng hoá là theo tỷ lệ nghịch với năng suất của lao động đã sản xuất ra hàng hoá đó. Sức lao động cũng vậy” [1875, t. 2, tr. 13].

[31] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 175].

[32] B. Lautier, R. Tortajada, sđd, tr. 97.

[33] B. Lautier, R. Tortajada, ‘La force de travail comme marchandise particulière’, in ACSES, Sur l’Etat, Contradictions, 1977, tr. 267.

[34] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 174]. Xem thêm Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 231-232].

[35] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 191].

[36] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, tr. 373].

[37] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 91]. Marx bổ sung: “Với lối nhìn đó thì ngay cả người nô lệ cũng sẽ trở thành nhà tư bản, tuy rằng nó đã bị một kẻ thứ ba bán hẳn nó đi như là một hàng hoá; vì bản chất của hàng hoá này - người nô lệ - là ở chỗ kẻ mua hàng hoá đó không những bắt nó ngày nào cũng phải lao động, mà còn cấp cho nó những tư liệu sinh hoạt nhờ đó mà nó có thể lao động trở lại”.

[38] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 91].

[39] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 174]. Căn cứ trên điều này, Michel Henry viết rằng giá trị mà Marx gán cho sức lao động “không phải là giá trị của chính nó” mà là giá trị của các hàng hoá mà sức lao động cần để tái sản xuất nó: khác với giá trị của các hàng hoá, giá trị của sức lao động không được tạo ra trong quá trình tái sản xuất của nó; do đó thành ngữ “giá trị của sức lao động” phi lý cũng như thành ngữ “giá trị của lao động” mà Marx phê phán. [M. Henry, Marx, Gallimard, 1976, t.2, tr. 331 và 323].

Đối với B. Lautier và R. Tortajada, cách thức Marx xác định giá trị của sức lao động giống như nó “chỉ là phản ánh” những giá trị “đã hiện thực hóa”: khác với các hàng hoá, sức lao động không phải là “giá trị tìm cách hiện thực hóa”. [B. Lautier, R. Tortajada, Ecole, force de travail et salariat, tr. 97-98]. Đây cũng là điều mà Michel Aglietta nhấn mạnh khi nói rằng hành vi người làm công bán sức lao động “không thuộc vấn đề hiện thực hóa giá trị” của hàng hoá. “Chỉ có hành vi người làm công mua hàng hoá mới thuộc vấn đề này”. [M. Aglietta, Régulation et cries du capitalisme, Calmann-Lévy, 1976, tr. 37].

[40] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 91].

[41] B. Lautier, R. Tortajada, sđd, tr. 93 và tiếp. Xem thêm phê phán của B. Drugman, Etat, capital et salariat, thèse Université de Grenoble, 1979, tr. 269-270.

[42] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, tr. 178].

[43] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 176].

[44] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 55].

[45] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 176-177]. Marx nói thêm: “Thao tác tiêu hóa những tư liệu sinh hoạt ấy không phải là ‘lao động’. Cũng như lao động chứa đựng trong dạ, thì - ngoài lao động của người thợ dệt, lao động chứa đựng trong len, trong thuốc nhuộm, v.v. - nó không bao gồm các thao tác hóa học hoặc lý học của bản thân len, nhờ đó mà len hấp thu thuốc nhuộm, v.v., tương tự như người công nhân hay con súc vật hấp thu thức ăn vậy”.

[46] Xem phê phán của Henri Denis cho rằng Marx “đã sai lầm khi đồng hóa tái sản xuất sức lao động với sản xuất hàng hoá”. Bởi nếu người làm công là một người tự do trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thì ta không thể cho rằng sức lao động của nó được sản xuất “giống như sức lao động của súc vật mà ta có được qua chân nuôi”: sức lao động là hệ quả của những hoạt động tái sản xuất con người (như kết hôn, hoạt động tính dục) mà người ta không thể đồng hóa với những thao tác của sản xuấ hàng hoá. Cho nên người ta không thấy làm sao Marx có thể biện minh ý nghĩ ở trung tâm hệ thống của ông, theo đó “sức lao động được sản xuất ra bằng một lượng lao động nhất định” [H. Denis, L’Economie de Marx, PUF, 1980, tr. 182].

[47] Cho nên Marx phê phán Smith đã đồng hóa các tư liệu sinh hoạt của công nhân với thức ăn của súc vật thồ. Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 197].

[48] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 116]. Xem thêm Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 284]: “Những vật vốn không phải là hàng hoá (…) có thể chuyển hóa thành hàng hoá khi người ta đem chúng ra trao đổi với tiền tệ”. Điều đặc trưng của phạm trù này là ở đây “giá cả không thể quy vào giá trị”.

Từ điển chính trị kinh tế học của M. Volkov, A. Smirnov và I. Famiski [M. Volkov (chủ biên), Dictionnaire d’économie politique, éditions du Progrès, 1983, tr. 316] xếp sức lao động, bên cạnh đất đai, trong phạm trù của những vật có giá cả, nhưng lại “không có giá trị”. Tuy nhiên, một cách bất nhất, từ điển vẫn sự dụng công thức truyền thống theo đó “sức lao động, như mọi hàng hoá, có giá trị (…) do chi phí về tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người công nhân quyết định” [tr. 176].

[49] Ở điểm này, phân tích của chúng tôi tách khỏi lý luận của Michel de Vroey định nghĩa sức lao động như là phi-hàng hoá [M. de Vroey, ‘Marchandise, société marchande, société capitaliste. Un réexamen de quelques définitions fondamentales, Cahiers d’économie politique n° 9, 1984, tr. 109 và tiếp].

[50] Như Makoto Itoh [La crise mondiale, EDI, 1987, tr. 83] hay B. Lautier và R. Tortajada [sđd, tr. 98] có nhấn mạnh. Trong văn bản về sau này, phê phán “quan niệm hàng hoá về lao động làm thuê” của Marx, B. Lautier phản bác triệt để hơn khi cho rằng hành vi mua-bán sức lao động không thể nào là một quan hệ hàng hoá. “Sức lao động không phải là một hàng hoá đặc biệt có giá cả nhưng không có giá trị. Nó hoàn toàn không phải là hàng hoá”. Lý do là tính chất không đầy đủ [incomplétude] của khế ước lao động: trong khi mối quan hệ hàng hoá giả định “việc xác định cái được trao đổi trước khi có trao đổi”, khế ước lao động chỉ xác định “một phạm vi tranh chấp có thể” giữa nhà tư bản và người làm công, nó liên quan đến thời gian lao động thực và những năng lực mà người làm công phải tiến hành trong quá trình lao động. Đối tượng của quan hệ lao động làm thuê vốn có tính giả thiết, nó là cái được-thua trong đánh cuộc của nhà tư bản [B. Lautier, ‘L’objet du rapport salarial’, communication au colloque Formes de mobilisation salariale et théorie du salariat, Université de Picardie, 1985].

Tính chất không chắc chắn và tranh chấp của mối quan hệ phục tùng tư bản của người lao công trong quá trình lao động được Marx phân tích trong thể thâu gồm gọi là “hiện thực”. Nó không xóa bỏ khía cạnh khác của sự thâu gồm mà Marx gọi là “hình thức” và gắn với hình thái hàng hoá của sức lao động. Xử lý hai khía cạnh của vấn đề này chính là đối tượng khảo cứu của chương tiếp theo (Chương 6).

[51] “Về mặt hình thức, một vật có thể có giá cả mà không có giá trị. Trong trường hợp này, biểu hiện về giá cả là một biểu hiện tưởng tượng, giống như một số đại lượng trong toán học” Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 116].

[52] Karl Polanyi tập hợp dưới phạm trù “hàng hoá giả tưởng” không những đất đai, lao động mà cả tiền tệ nữa [La Grande transformation, Gallimard, 1983, tr. 102 và tiếp; tr. 254 và tiếp. Xem mục § 315]. Trong phép trình bày của chúng tôi, tiền tệ không có giá trị, nhưng cũng không có giá cả. Theo nghĩa đó, tiền tệ không có “hình thái hàng hoá”: tiền tệ không phải là hàng hoá giả tưởng, mà là cực đối lập của hàng hoá [Xem phía trên § 314].

Công thức mà Polanyi đề xuất thật ra lẫn lộn tiền tệ với tư bản-tiền tệ - mà tư bản-tiền tệ thì quả có giá cả là lợi tức [sđd, tr. 103]. Trong Tư bản Quyển III, Phần 5, Marx viết rằng lợi tức là một hình thái giá cả “không hợp lý”, nó không biểu hiện giá trị của tư bản-tiền tệ mà quy chiếu đến giá trị sử dụng của nó, tức năng lực tạo nên giá trị thặng dư, sản xuất lợi nhuận bình quân. “Nếu người ta gọi lợi tức là giá cả của tư bản-tiền tệ, thì đó la một hình thái không hợp lý của giá cả, hình thái hoàn toàn mâu thuẫn với khái niệm giá cả hàng hoá. Ở đây, giá cả bị quy thành hình thái thuần túy trừu tượng và không có nội dung: giá cả ở đây là một số tiền nhất định chi trả cho một cái gì biểu hiện, bằng cách này hay cách khác’, như là giá trị sử dụng; trong khi đó, theo khái niệm của nó, giá cả là giá trị biểu hiện bằng tiền của giá trị sử dụng ấy”. Với ý nghĩa này, Marx nhận xét rằng tiền tệ cho vay “giống một phần nào với sức lao động trong mối quan hệ với nhà tư bản công nghiệp”. Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2, tr. 19-22].

[53] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 13]. “Như chúng ta đã thấy ở đầu Phần 2 [Phần 2, Quyển 1 - ‘Sự chuyển hóa của tiền tệ thành tư bản’], chỉ có sản xuất và lưu thông hàng hoá thôi không đủ để tạo ra tư bản. Người sở hữu tiền tệ còn phải tìm thấy trên thị trường những người khác, tự do, nhưng buộc phải tự nguyện bán sức lao động của mình, bởi họ không có gì khác để bán. Sự tách biệt (…) giữa phạm trù của những người sở hữu tất cả các điều kiện của lao động với phạm trù của những người chỉ sở hữu sức lao động của họ, đó là khởi điểm của nên sản xuất tư bản chủ nghĩa”.

[54] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 1, tr. 179].

[55] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 141].

[56] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 116].

[57] Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 33-34].

[58] Marx chỉ rằng “tiền lương tương đối có thể giảm, ngay cả khi tiền lương thực tế và tiền lương danh nghĩa đều tăng, chỉ cần tiền lương thực tế không tăng cùng tỉ lệ với lợi nhuận mà thôi” [sđd, tr. 36]. Tác giả Tư bản xác định điều này ở chương “Sự thay đổi trong đại lượng giá cả của sức lao động và giá trị thặng dư”. Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 585].

[59] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 2, tr. 497]. Xem thêm Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 87].

[60] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2, tr. 30-31].

[61] Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 106]. Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 192].

[62] Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 107]. Vấn đề được trình bày trở lại ở chương ‘Sự hay đổi trong đại lượng giá cả của sức lao động và giá trị thặng dư’. Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 584-585].

[63] Nêu câu hỏi xem, trong đấu tranh về tiền công với tư bản, người làm công có thể đạt thắng lợi đến mưc nào, Marx đưa ra một phép lập luận tách bạch từ đầu khỏi cơ chế cổ điển về giá trị và giá cả thị trường của hàng hoá: “Tôi có thể trả lời bằng một sự khái quát hoá và nói rằng trong một khoảng thời gian dài, giá cả thị trường của [sức] lao động, cũng như của tất cả các hàng hoá khác, sẽ thích hợp với giá trị của nó; rằng mặc dầu tiền công có tăng và có giảm, và bất luận người lao động hành động thế nào đi nữa, thì bình quân nó chỉ nhận được giá trị [sức] lao động của nó mà thôi. (…) Nhưng có một số đặc điểm phân biệt giá trị của sức lao động với giá trị của tất cả các hàng hoá khác. Giá trị của sức lao động do hai yếu tố hợp thành - một yếu tố có tính chất thuần thể chất, còn yếu tố kia thì mang tính chất lịch sử hay xã hội”. Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 106].

[64] Jacques Bidet [Que faire du Capital?, Klincksieck, 1985, tr. 81] đề nghị áp dung khác nhau cơ chế về giá trị - giá cả thị tường trong trường hợp của hàng hoá thông thương và trong trường hợp của sức lao động: trong trường hợp thứ nhất, nó là cơ chế phân chia giá trị thặng dư giữa các nhà tư bản với nhau; trong trường hợp thứ hai, nó là cơ chế phân chia giá trị mới sản xuất ra giữa những người làm công và các nhà tư bản. Đối với chúng tôi và trong chừng mực sức lao động không phải là giá trị mà chỉ có một giá trị trao đổi, chỉ có giá cả, thì sự phân biệt giá trị với giá cả của sức lao động cũng bị xóa bỏ: giá trị trao đổi của sức lao động cũng là giá cả của nó, và do đó tương ứng với tiền công.

[65] Trong Tư bản, Marx xác định rằng sự gia tăng giá trị trao đổi của sức lao động “không được vượt quá các giới hạn đảm bảo giữ nguyên những các nền tảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa, mà còn đảm bảo tái xuất hệ thống trên quy mô mở rộng”- Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 695]. Bàn đến mức tiền công tối thiểu về mặt sinh lý, Marx thừa nhận đó là một giới hạn khó xác định bơi nó co giãn, cho nên, “trong giá trị [trao đổi] của sức lao động không cần xem xét mức tối thiểu mang tính sinh lý ấy” - Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 277].

[66] “Tại bất kỳ thời điểm nào, trừ những thời kỳ suy thoái lớn, đối với mỗi ngành nghề, đều có một phạm vi nhất định trong đó mức tiền công có thể thay đổi theo kết quả đấu tranh giữa công nhân và chủ nhân. Trong mọi trường hợp, mức tiền công được ấn định theo hợp đồng, và trong một hợp đồng, bên kiên trì lâu nhất và hữu hiệu nhất có nhiều khả năng nhận được nhiều hơn mức ấn định” - F. Engels, ‘Quy luật tiền công’, Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 114].

[67] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 585].

[68] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 677] (đoạn văn không có trong ấn bản tiếng Pháp). Điều này không có nghĩa là tiền công thực tế không thể tăng nhiều hơn năng suất lao động.

[69] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 255]. Xem thêm Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 585]: “Như vậy, khi sức sản xuất của lao động tăng thì giá cả của sức lao động có thể giảm xuống không ngừng, đồng thời khối lượng tư liệu sinh hoạt của người lao động tăng lên không ngừng. Nhưng nói một cách tương đối, nghĩa là so sánh với giá trị thặng dư, thì giá trị sức lao động không ngừng giảm và cái hố giữa hoàn cảnh sinh sống của người lao động và của nhà tư bản càng sâu thêm”.

[70] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 361]. Xem thêm Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 362] và Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 101].

[71] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 260]. Trong trường hợp tiền công gia tăng và làm giảm tỷ suất giá trị thặng dư, Marx nhận xét: “Nếu được đối đãi tử tế hơn, được ăn uống khá hơn, được ăn mặc sạch hơn và được thêm tiền dành dụm, không hề xóa bỏ ràng buộc của chế độ nô lệ, thí đối với chế độ làm cộng cũng như vậy. (…) Trái lại, điều đó càng tập cho người lao động thói quen tìm cứu tinh trong sự làm giàu của chủ nhân” - Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 58-60].

[72] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 347-348].

[73] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 359]. Tuy nhiên và quy chiếu đến Malthus, Marx xác định rằng cầu của người lao động tự nó không thể là ”cầu thích ứng”, bởi vấn đè còn là “cầu khác hơn là của người lao động” - [sđd, tr. 360].

[74] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 229]. Marx bổ sung rằng “cạnh khía này của quan hệ giữa tư bản và lao động chính là nhân tố văn minh thiết yếu dựa vào đó tư bản biện minh cho sự tồn tại lịch sử cũng như cho quyền lực ngày nay của nó”.

[75] Trong Tiền công, giá cả và lợi nhuận, người ta tìm thấy một mệnh đề dường như trái ngược, theo đó: do kết cấu của tư bản có xu hướng tăng, “sự phát triển của công nghiệp hiện đại tất phải làm cho cán cân ngày càng nghiêng về phía tư bản, bất lợi cho công nhân, do đó, khuynh hướng chung của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là nâng cao mức trung bình của tiền công lên, mà là hạ thấp mức ấy xuống, nghĩa là nhiều hay ít hạ giá trị của [sức] lao động xuống tới giới hạn thấp nhất” - Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 109]. Có thể nhận xét rằng đây chỉ là “khuynh hướng” chứ không phải là vận động hiện thực, bởi sự hiện thực hóa nó sẽ khiến tư bản không thể tái sản xuất; nói khác đi, đó là một mâu thuẫn mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thường xuyến phải vượt qua để có thể tái sản xuất.

[76] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 2, tr. 630]. Xem thêm, tr. 621.

[77] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 13].

[78] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 694-695].

[79] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 718].

[80] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 279-280].

[81] F. Engels nhấn mạnh rằng “công lao to lớn của các công đoàn là qua đấu tranh bảo vệ tiền công và giảm giờ lao động, họ cố gắng duy trì và cải thiện điều kiện sống của người lao động. Một tổ chức công nhân mạnh đặt người lao động vào vị thế có thể áp đặt một mức sống cao hơn như chuẩn mực tiền công” - Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 114].

[82] Như J. Bidet đã nhấn mạnh [sđd, tr. 79].

[83] Đó là trường hợp của văn bản quy chiếu truyền thống ‘Mua và bán sức lao động’ của Phần 2 Tư bản.

[84] Xem trong Tiền công, giá cả và lợi nhuận [sđd, tr. 106] đoạn văn hình như cho rằng “bất luận người lao động hành động như thế nào đi nữa”, cuối cùng nó chỉ nhận được bình quân giá trị trao đổi sức lao động của mình. Ý nghĩa đoạn văn này đư dược phân tích trong chú thích ở phía trên.

[85] Xem đoạn văn khác trong Tiền công, giá cả và lợi nhuận [sđd, tr. 109] cũng được phân tích trong chú thích ở phía trên.

[86] Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 23].

[87] Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 80].

[88] Cornelius Castoriadis, Capitalisme moderne et révolution, t.2, tr. 84-88 và 206-207.

[89] Philippe de Ville, Michel d Vroey, ‘Salaire et marché du travail chez Marx et Keynes: orthodoxie ou hétérodoxie?’, Cahiers d’économie politique n° 10-11, 985, tr. 77.

[90] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 2, tr. 486]. Xem thêm Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 586].

[91] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 302].

[92] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 258-262]. Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 231].

[93] Marx phân biệt đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị như sau: “Mọi phong trào trong đó giai cấp công nhân, với tư cách là một giai cấp, chống lại các giai cấp thống trị, và buộc họ phải khuất phục trước áp lực bên ngoài, đều là một phong trào chính trị. Ví dụ, tìm cách ép buộc bằng đình công, v.v., những nhà tư bản cá nhân, trong một nhà máy hay một ngành công nghiệp, phải giảm giờ làm việc là một phong trào thuần túy kinh tế; trái lại, phong trào nhằm giành lấy đạo luật về 8 giờ lao động, v.v., là một phong trào chính trị.” – ‘Thư Marx gửi F. Bolton ngày 23.2 1971’, Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 118].

[94] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 267].

[95] Lao động làm thuê và tư bản & Tiền công, giá cả và lợi nhuận [1849-1865, tr. 108].

[96] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 338]. Xem thêm ‘Thư gửi Kugelmann ngày 17.3 1868’, Những lá thư viết cho Kugelmann [1862-1895, tr. 93]: “Về đạo luật công xưởng - điều kiện đầu tiên cho phép giai cấp công nhân được tự do phát triển và di chuyển -, tôi yêu cầu nó phải xuất phát từ nhà nước, và mang tính cưỡng chế, không chỉ đối với các chủ công xưởng mà còn đối với bản thân các công nhân!”.

[97] Arghiri Emmanuel nêu lên tính chất “hỗn hợp” [hybride] này của giải thích macxit truyền thống khi nó quan niệm ngày lao động có tính “ngoại sinh” và giá trị trao đổi sức lao động có tính “nội sinh” đối với thị trường lao động, trong khi tiền công lại do thời gian lao động chi phối một phần. Tác giả còn nhận xét rằng tính nội sinh của tiền công giả định một thị trường “tự do” về sức lao động chưa hề tồn tại, trừ ra trong tưởng tượng: chính xác hơn, khi người lao động chưa là người “tự do” thì quả có một thứ thị trường “tự do” về sức lao động dưới hình thái thị trường nô lệ; nhưng khi người lao động trở nên người “tự do” thì sức lao động không còn là một hàng hoá có thể thương lượng “tự do” trên thị trường - [A. Emmanuel, La dynamique des inégalités, Anthropos, 1985, tr. 141 và 151-152].

[98] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 829]. Ở trang 843, người ta còn đọc rằng cái gọi là tích lũy ban đầu kết hợp một cách hệ thống “chế độ thực dân, chế độ công trái, chế độ thuế hiện đai, chế độ thuế quan bảo hộ. Những phương pháp này một phần dựa vào bạo lực thô bạo nhất; ví dụ như chế độ thực dân. Tất cả đều vận dụng quyền lực nhà nước, tức bạo lực tập trung và có tổ chức của xã hội”.

[99] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 829].

[100] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 832-833].

[101] Khảo cứu của Christine André và Robert Delorme xác định bước ngoặt trong luật lao động của nước Pháp vào khoảng năm 1890 với quyết định xóa bỏ sổ lao động của công nhân và thừa nhân công đoàn và quyền tự do đình công [C. André, R. Delorme, L’Etat et l’économie, Seuil, 1983, tr. 469 và tiếp]. Phân tích của Lysiane Cartelier cho thấy rằng nhà nước cấu thành mối quan hệ của người làm công với chủ tư bản qua sự pháp điển hóa bằng luật và điều lệ chế độ lao động làm thuê từ khi nó phát sinh. Nhà nước chỉ quản lý trực tiếp chế độ lao động làm thuế - với tiền công gián tiếp, những chi tiêu công tái sản xuất sức lao động - vào thời kỳ đương đại của chủ nghĩa tư bản - [L. Cartelier, ‘Le rapport salarial comme figure étatique’, in J.C. Delaunay (chủ biên), Actualité du marxisme, Anthropos, 1982, t. 2, tr. 42-43].

[102] Xem C. Benetti, J. Cartelier, Marchands, salariat et capitalistes, Maspéro, 1980, tr. 65. M. de Vroey, ‘Marchande, société marchande, société capitaliste. Un réexamen de quelques définitions fondamentales’, Cahiers d’économie politique n°9, tr. 130.

[103] Xem L. Cartelier, ‘Contribution à l’étude des rapports entre Etat et travail salarié: genèse, enjeux et perspectives’, Cahiers de l’IREP-Développement n°4 (Sur le rapport salarial), 1983, tr. 51.

[104] Vấn đề nhà nước trong phân tích sức lao động được xem xét lại ở Tiết 62.

[105] R. Meek, Studies in the labour theory of value, Laurence & Wishart, 1973, tr. 303; tr. XV.

[106] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 35].

[107] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 91].

[108] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 443].

[109] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 36].

[110] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 213].

[111] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 40].

[112] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 192].

[113] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 336-337].

[114] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 2, tr. 269].

[115] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 268].

[116] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 339-340].

[117] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 350].

[118] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 191].

[119] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 35].

[120] Tư bản, Quyển III [1864-1865, t. 1, tr. 105].

[121] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 27].

[122] “Chỉ có trên cơ sở của tư bản thì nền sản xuất hàng hoá, hay là sản xuất sản phẩm với tư cách là hàng hoá, mới trở nên khái quát và thấm vào thực chất của sản phẩm” - Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 365].

[123] “Cho nên chỉ với sư phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức của tư bản, thì các quy luật phổ biến liên quan đến hàng hoá mới được thực hiện; như là giá trị của hàng hoá do thời gian lao động xã hội cần thiết chứa đựng trong nó quyết định. Người ta nhận thấy trong chừng mức nào các phạm trù thuộc về những thời kỳ sản xuất trước đó, trên cơ sở của một phương thức sản xuất khác, có một tính cách đặc thù khác, môt tính cách lịch sử” - Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 330].

[124] “Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối thì của cải biểu hiện ra là ‘một đống hàng hoá khổng lồ’, còn từng hàng hoá cá thể thì biểu hiện ra là hình thái nguyên tố của của cải ấy. Vì vậy, công cuộc nghiên cứu của chúng ta bắt đầu bằng việc phân tích hàng hoá” - Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 39].

[125] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 76].

[126] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 44-45].

[127] Stavros Tombazos, Le temps dans l’analyse économique: les catégories du temps dans le Capital, Société des saisons, 1994, tr. 58.

[128] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 219].

[129] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 173].

[130] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 803].

[131] “Chỉ có của cải dưới dạng tiền tệ, kể cả khi của cải ấy đã chiếm địa vị thống trị nào đó, cũng không đủ để quá trình giải thể những phương thức sản xuất trước đây dẫn đến tư bản. Nếu không thì La Mã thời cổ, Byzance và v.v. đã có thể kết thúc lịch sử của mình với lao động tự do và tư bản; hay đúng hơn đã có thể bằng cách đó mở đầu lịch sử mới. Ở đây, sự tan rã của các quan hệ sở hữu cũ cũng gắn với sự phát tiễn của cải dạng tiền tệ, của thương mai v.v.. Song thay vì dẫn đến công nghiệp, quá trình tan rã ấy thực tế đã đưa đến sự thống trị của nông thôn trên thành thị” - Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 144].

[132] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 155].

[133] Serge Latouche, Le projet marxiste, PUF, 1975, tr. 113.

[134] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 155 và 154].

[135] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 398-399].

[136] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 40].

[137] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 399].

[138] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 400].

[139] Louis Althusser, ‘Avant-propos’, in Georges Duménil, Le concept de loi économique dans Le Capital, Maspéro, 1978, tr. 22-23.

[140] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 15].

[141] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 42].

[142] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 42].

[143] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 253].

[144] Henri Denis, L’Economie de Marx, PUF, 1980, tr. 201.

[145] H. Denis, sđd, tr. 157, 180 và 178.

[146] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 155-156]. Xem thêm ‘Thư gửi Engels ngày 2.4 1858’: “Tiền tệ với tư cách là tiền. Nó là sự phát triển của công thức T – H – T. (...) Trong tiền tệ - như sự phát triển các tính quy định nó cho thấy -, yêu cầu đặt ra đối với giá trị là đi vào lưu thông, được bảo toàn trong lưu thông này, đồng thời bao hàm nó: tư bản” - Những lá thư viết về bộ Tư bản [1845-1895, 98].

[147] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 42].

[148] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 193]. Là một chỉ dẫn có tính duy lịch sử luận, văn bản này cho rằng vận động T – H – H – T tương ứng với tư bản thương nghiệp “tồn tại trong những giai đoạn phát triển kinh tế sớm nhất”.

[149] Theo lời bàn của Jean-Luc Dallemagne khi tác giả phê phán phép trình bày của Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [J.L. Dallemagne, L’économie du Capital, Maspéro, tr. 72]. Quả là trong văn bản 1859 này, chức năng thứ ba của tiền tệ với tính cách là tiền được Marx trình bày đi từ sự phân biệt hai công thức H – T – H và T – H – T. Tuy nhiên khi khảo cứu tích trữ tiền tệ và phương tiện thanh toán, Marx không hề quy chiếu đến T – H – T, như Jacques Bidet có nhận xét [J. Bidet, Que faire du Capital?, tr. 141]. Cho nên, trái với cách đọc mà Dallemagne đề xuất [sđd, tr. 73], phép trình bày của Góp phần phê phán phải được xếp bên cạnh Tư bảnBản thảo 1861-1863 (nối tiếp văn bản Góp phần phê phán mà nó là chương 3 bàn về ‘Tư bản nói chung’), chứ không phải bên cạnh Phiên bản ban đầu (1858) của Góp phân phê phánBản thảo 1857-1858.

[150] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 33-34].

[151] Các học thuyết về giá trị thặng dư [1862-1863, t. 3, tr. 318].

[152] Như Gilbert Faccarello lập luận [G. Faccarello, Travail, Valeur et prix, thèse Université Paris X, 1979, 628].

[153] Như Roman Rosdolky lập luận [R. Rodolsky, La genèse du Capital chez Marx, Maspéro, 1976, 254].

[154] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 165].

[155] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 173; t. 3, tr. 13].

[156] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 216].

[157] Suzanne de Brunhoff, Les rapports d’argent, Maspéro-PUG, 1979, tr. 16.

[158] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 50].

[159] Suzanne de Brunhoff, La politique monétaire, PUF, 1973, tr. 56-57.

[160] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 129].

[161] S. de Brunhoff, sđd, tr. 53.

[162] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 42].

[163] Theo lời bàn của Abraham Marouani [‘A propos du chapitre premier du Capital. L’importance décisive de la dialectique’, Cahiers du CERM n° 153, 1978, tr. 188].

[164] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 166].

[165] Suzanne de Brunhoff, La monnaie, Editions Sociales, 1973, tr. 194.

[166] Người ta tìm thấy phương pháp luận của những mô hình kiểu Sraffa này trong khảo cứu của Ronald Meek và đối lập với phương pháp luận duy lịch sử [R. Meek, Studies in the labor theory of value, Laurence & Wishart, 1973, tr. Xxxii và tiếp].

[167] S. Latouche, sđd, tr. 50.

[168] Michel de Vroey, ‘La théorie du salaire de Marx. Une critique hétérodoxe’, Revue économique n° 3, 1985, tr. 477-478.

[169] Theo lời bàn của S. Tombazos, sđd, tr. 55.

[170] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 188, 181 và 186].

[171] S. Tombazos, sđd, tr. 62-63.

[172] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 216].

[173] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 45].

[174] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 397; t. 2, tr. 7 và 165].

[175] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 7-8].

[176] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 654 - ấn bản 2016, tr. 567].

[177] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 26-27]. Xem thêm, tr. 14-15.

[178] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 10-11 và 24].

[179] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 397; t. 2, tr. 166].

[180] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 654].

[181] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 654-655].

[182] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 389].

[183] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 399; t. 2, tr. 167].

[184] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 167; t. 1, tr. 219-220].

[185] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 195-196].

[186] Góp phần phê phán chính trị kinh tế học [1859a, tr. 231].

[187] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 188].

[188] Tư bản, Quyển II [1870-1878, t. 1, tr. 33].

[189] Sự khốn cùng của triết học [1847, tr. 88].

[190] Chương VI, Tư bản, Quyển I, Bản thảo 1863-1867 [1864, tr. 184].

[191] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 3, tr. 20].

[192] Theo lời bàn của Alain Lipietz [Crise et inflation, pourquoi? Maspéro, 179, tr. 174].

[193] Trong Chương VI Tư bản, Marx nhấn mạnh điều phân biệt người làm công với người nô lệ: đó là “ý thức rằng mình do bản thân mình chi phối, rằng mình là người tự do, có tinh thần trách nhiệm gắn với sự tự do ấy”. Người làm công “chịu trách nhiệm về hàng hoá mà mình cung cấp và phải cung cấp một chất lượng nào đó, nếu không có thể bị những người bán cùng thứ hàng đó loại bỏ”. Và trong khi người nô lệ nhận các tư liệu sịnh hoạt dưới hình thái giá trị sử dụng thì người làm công nhận chúng dưới hình thái tiền tệ và “tự mình chuyển hóa tiền tệ thành những giá trị sử dụng, những hàng hoá, mà nó tự chọn”. Người làm công “ứng xử như là tác nhân tự do và xoay xở lấy một mình: bản thân nó chịu trách về cách chi tiêu tiền công của mình” [sđd, tr. 213-215].

[194] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 227-228].

[195] C. Benetti, J. Cartelier, Marchands, salariat et capitalistes, tr. 135 và 133.

[196] C. Benetti, J. Cartelier, sđd, tr. 135-136.

[197] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 2, tr. 43].

[198] Bản thảo 1857-1858 [1857-1858, t. 1, tr. 386].

[199] B. Lautier và R. Tortajada cho thấy không thể cấu thành một xã hội tư bản chủ nghĩa độc lập với một lý luận về hàng hoá, và họ phê phán thiết kế lý thuyết của C. Benetti và J. Cartelier [B. Lautier, R. Tortajada, ‘Monnaie, financement et rapport salarial’, Cahiers d’économie politique n° 9, 1984, tr. 183].

[200] Như Michel de Vroey có nhận xét, việc đối lập mà C. Benetti và J. Cartelier đề ra giữa hai hạm trù xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội hàng hoá không hề xác đáng, bởi nó giả định hai xã hội được đặt ngang hàng với nhau, trong khi xã hội hàng hoá không hề tồn tại độc lập với xã hội tư bản chủ nghĩa, mà còn “làm bù nhìn” [faire-valoir] cho xã hội này. Mặt khác, de Vroey nhận xét rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống “không đồng nhất” [hétérogène], bao gồm hai phạm trù có cùng bề ngoại - là giá cả - những có hai nguyên lý khác nhau: một bên là sự trao đổi hàng hoá với tính cách là trao đổi mang hình thái tiền tệ và theo quy tắc ngang giá; một bên là sự trao đổi lao động làm thuê với tính cách là trao đổi mang hình thái tiền tệ nhưng phi-hàng hoá, như là biểu hiện tiền tệ của một sự phục tùng giai cấp. De Vroey “đặt kề nhau” hai nguyên ly có “những lĩnh trường riêng biệt”. [M. de Vroey, ‘Marchandise, société marchande, société capitaliste’, sđd, tr. 133-134].

Nếu cách diễn giải Tư bản của de Vroey làm rõ tư bản như là quan hệ tách biệt kép, nó không cho phép tư duy mâu thuẫn của nó: rằng tư bản là sự thâu gồm quan hệ hàng hoá vào quan hệ tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng là sự bất khả quy quan hệ hàng hoá vào quan hệ tư bản chủ nghĩa.

[201] Xem Ruy Fausto, Marx: logique et politique, Publisud, 1986, tr. 157. Xem thêm Bernard Guibert, ‘Les ravages logiques’, Critique de l’économie politique n° 13, 1980, tr. 106 và tiếp.



Chú Thích cho phần Lưu ý của Tác giả - Dịch giả:

[1] Tư bản, Quyển I, bản 1875 [1875, t. 1, tr. 74].

[2] Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, tr. 15].

[3] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 53].

[4] Hệ tư tưởng Đức [1846, ấn bản tiếng Pháp sau cùng năm 2014 của nxb Editions Sociales, tr. 195, 197]. Trong các ấn bản trước của nhà xuất bản này, “subsumtion” còn được chuyển ngữ tiếng Pháp là “subordination” [sự phụ thuộc] [ấn bản 1967, tr. 62].

[5] Tư bản, Quyển I, bản 1890 [1890, tr. 571]. Chương VI. Bản thảo 1861-1863 [1861-1863, ấn bản tiếng Pháp sau cùng năm 2010 của nxb Editions Sociales, tr. 30]. Trong ấn bản trước đó của nxb UGE, “subsumtion” còn được chuyển ngữ tiếng Pháp là “soumission” [sự phục tùng] [ấn bản 1971, tr. 191].

[6] Tư bản, Quyển 1, bản 1875 [1875, t.1, tr. 62].

[7] Chương 1 của bộ Tư bản, bản 1867 [1867/1890a, tr. 53, bản in 1977 nxb Cerf]. Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, tr. 54, bản in 1983 nxb Editions Sociales].

[8] Tư bản, Quyển 1, bản 1890 [1890, tr. xii và 51, bản in 2016 nxb Editions Sociales].

Print Friendly and PDF