2.7.24

MILL John Stuart, 1806-1873

MILL John Stuart, 1806-1873

John Stuart Mill (1806-1873)

Cuộc đời của Mill trước tiên mang dấu ấn của cha ông, triết gia J. Mill, người áp đặt cho ông một chế độ giáo dục đặc biệt hà khắc, hoàn toàn hướng về học tập, nhằm tạo ra một nhà tư tưởng hàng đầu: kết quả thì đạt được nhưng với cái giá là những yếu kém tâm lí được chính Mill viết lại trong tiểu sử tự thuật ([1873], 1993) mô tả hành trình trí tuệ biến ông thành một trong những nhà tư tưởng quan trọng và độc đáo nhất của thế kỉ XIX. Tìm được việc làm trong Công ty Đông Ấn Anh, một công việc cho ông được rộng rãi thời gian nhàn rỗi dành cho viết lách giúp ông có nhiều đóng góp quan trọng trong những lĩnh vực khác nhau được ông đụng vào: lí thuyết nhận thức, lí thuyết đời sống xã hội, chính trị kinh tế học và triết học đạo đức và chính trị.

Trước tiên Mill đóng góp vào sự phát triển một “triết học tinh thần” có tính tự nhiên, kinh nghiệm chủ nghĩa và liên hợp chủ nghĩa, trong sự nối dài của truyền thống kinh nghiệm chủ nghĩa Anh, đặc biệt là truyền thống của Hume. Trong tác phẩm Système de logique ([1843], 1988) ông quan tâm, theo quan điểm quyết định luận, đến những cơ chế của tư duy và của sự hình thành các niềm tin. Không đi vào chi tiết các phân tích, cần nhấn mạnh nguyên lí tổng quát: không được xây dựng những tiêu chí của sự hiển nhiên một cách tiên nghiệm. Những quy luật của tính duy lí được khám phá ngay trong quá trình tư duy, đối với ai có những suy tư như vậy không có nền tảng nào khác hơn là việc khám phá hiệu lực của các quy luật (Skorupsky, 1989). Như vậy có một tính quy phạm nội tại của tư duy mà chính trong quá trình suy nghĩ cho phép hình thức hóa hiệu lực của chính nó. Không dừng lại ở sự phân biệt giữa sự kiện và chuẩn mực, suy nghĩ của Mill hướng đến việc thừa nhận điều mà ta có thể gọi là sự kiện chuẩn tắc: sự kiện tư duy dẫn đến việc khám phá chuẩn mực của tư duy, trong sự tiến triển và thực hành tư duy. Như vậy tính phong phú của phân tích của Mill cho phép phân tích sự hình thành của những tin tưởng sai lầm, những ngụy biện. Thật vậy, nếu quá trình tư duy cung cấp chuẩn mực của chính nó thì quá trình này cũng cho phép hiểu quá trình thất bại của tư duy và việc sản sinh những sai lầm điển hình.

Do đó, lí thuyết của Mill là một lí thuyết tâm lí học, theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả những sự tin tưởng của con người. Đời sống tinh thần được tâm lí học nghiên cứu có sự tham gia của việc nghiên cứu toàn bộ những biểu hiện của tinh thần này, nghĩa là cả những tư tưởng lẫn cảm xúc, ý chí lẫn cảm xúc. Vấn đề là khám phá những quy luật của sự hình thành những ý tưởng, và cả những ý muốn và ý chí, trong một tầm nhìn chú ý đến việc xác định những nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng đến việc hướng dẫn hành động.

David Hume (1711-1776)
Émile Durkheim (1858-1917)

Cũng trong sự tiếp nối Hume, ông quan tâm đến những qui luật hình thành các tính cách, khoa học được ông gọi là tập tính học, và việc tính đến những hiện tượng đặc thù góp phần hình thành những tính cách đặc biệt của cá nhân hay tập thể (quốc gia) phải được kết hợp với những qui luật chung về bản chất con người. Trong quan điểm của Mill, mọi nghiên cứu đời sống xã hội có thể quy về một nghiên cứu tâm lí học, trong chừng mực mà nghiên cứu này liên quan đến toàn bộ sản xuất của tinh thần con người vốn bao giờ cũng gắn với tất cả những thể hiện của đời sống xã hội, tuy nhiên nghiên cứu tâm lí học được bổ sung bằng một nghiên cứu tập tính học về sự hình thành các tính cách trong những tình huống nhất định. Nhưng Mill không quan niệm là có gì mới trong bước chuyển từ các nhân cách sang đời sống xã hội. Ông viết trong một đoạn đáng chú ý cần trích dẫn để đối sánh với những gì Durkheim sẽ viết sau này trong chiều ngược lại: “Những quy luật của các hiện tượng xã hội chỉ là, và chỉ có thể là những quy luật của hành động và đam mê của con người tập hợp với nhau trong trạng thái xã hội. Tuy nhiên, con người trong trạng thái xã hội bao giờ cũng là con người: những hành động và đam mê của họ bao giờ cũng tuân thủ các quy luật của bản chất con người cá nhân. Con người không thay đổi, khi được tập hợp nhau, thành một kiểu bản chất khác, như hydro và oxy là khác với nước […]. Con người trong xã hội không có đặc tính nào khác ngoài những đặc tính xuất phát từ những quy luật của đặc tính con người cá nhân và được xác định từ các quy luật này” ([1843] 1988, 468).

Từ đây Mill sẽ quan tâm đến phương pháp luận của khoa học xã hội (quyển VI của Système de logique) từ tiền giả định tổng quát của quyết định luận. Đối với Mill, hai khó khăn cơ bản của phân tích này trước hết là sự chằng chịt của các nguyên nhân và ảnh hưởng qua lại chung của chúng và tiếp đó là việc không thể tiến hành những thử nghiệm mấu chốt: ta không thể, trong lĩnh vực đời sống xã hội, tiến hành những thử nghiệm lặp lại trong đó ta kiểm soát tất cả mọi biến. Từ đó, ông phát triển một phương pháp luận độc đáo sẽ được áp dụng đặc biệt vào chính trị kinh tế học ([1848] 1861). Vấn đề là, trong một trường hợp đặc biệt, đôi lúc một nguyên nhân đặc biệt lấn thế. Như thế, phân tích sẽ xem xét những hệ quả của sự thắng thế của nguyên nhân này trong những tình huống khác nhau mà hành động được triển khai. Trong lĩnh vực kinh tế, một nguyên nhân khống chế tất cả các nguyên nhân khác: việc tìm kiếm của cải. Từ đó có thể cô lập nguyên nhân đang vận động trong việc hành xử của con người để nghiên cứu những hệ quả khác nhau của nó và như vậy đặt cơ sở cho một phân tích đời sống kinh tế. Tất nhiên khi đi vào chi tiết phân tích này có thể là sai, trong chừng mực là có những nguyên nhân khác can dự vào trong một trường hợp đặc biệt. Nhưng nhìn chung (trung bình) các kết quả là đúng. Mill có tham vọng mở rộng phương pháp này cho đời sống xã hội nói chung, dù biết là công việc này càng khó hơn khi có nhiều nguyên nhân và chúng chằng chịt nhau.

Pierre DEMELEUNAERE

Đại học Nancy II

· (1963-1991), The Collected Works of John Stuart Mill, Toronto, Univ. Press of Toronto, 33 vol.; (1843) Système de logique, Liège, Bruxelles, Pierre Mardaga, 1988; (1848) Principes d’économie politique, Paris, Guillaumin, 1861; (1859) De la liberté, Paris, Gallimard, 1990; (1863 và 1838) L’utilitarisme: Essai sur Bentham, Paris, PUF, 1998; (1869), L’asservissement des femmes, Paris, Payot, 1975; (1873), Autobiographie, Paris, Aubier, 1993.

 SKORUPSKI J., John Stuart Mill, London, Routledge, 1989SKORUPSKI J. (ed.), The Cambridge Companion to Mill, Cambridge Univ. Press., 1998.

à Chủ nghĩa thực chứng, Chủ nghĩa công lợi, Comte, Saint-Simon.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.

Print Friendly and PDF