THUYẾT HẬU THỰC DÂN: MỘT NGÕ CỤT VỀ MẶT KHÁI NIỆM CẦN PHẢI ĐƯỢC TRA CỨU?
Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Quan hệ quốc tế tại Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne
Thuyết hậu thực dân, xuất hiện vào cuối những năm 1970, hiện nay là một trường phái tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn trong giới học thuật Pháp và quốc tế.
Các nghiên cứu được thực hiện trong trường của thuyết hậu thực dân tập trung sự phân tích vào những tác động trong quá khứ và hiện tại của sự thống trị văn hóa và tâm lí đối với các xã hội và các dân tộc thuộc địa trước đây. Các công trình tự nhận thuộc trường phái này, hoặc sử dụng các khái niệm bắt nguồn từ nó, đã tăng lên trong những năm gần đây, trong khi các tiền đề lý thuyết nền tảng của chúng không phải lúc nào cũng bị tra vấn.
Tuy nhiên, hệ hình hậu thực dân vượt xa không gian đại học đơn thuần và hiện nay xuất hiện trong cuộc tranh luận chính trị, định hướng, một cách ít nhiều có ý thức, tiến trình lấy các quyết định công cộng trong không gian quốc gia và quốc tế. Mặc dù một số trong các công trình này đã có thể đưa ra một cái nhìn mới mẻ và phong phú về những biểu tượng kéo dài của chủ nghĩa thực dân, nhưng ngày nay cần phải có một cái nhìn phê phán. Bởi vì khi bản chất hóa các nhóm xã hội được nghiên cứu, khi ít chú ý đến quỹ đạo lịch sử trước đây và độc đáo của các quốc gia được nghiên cứu, và khi bỏ qua những chuyển đổi cơ bản đang xảy ra trong hệ thống quốc tế đương đại, hệ hình hậu thực dân giờ đây có nguy cơ biến thành một lối mòn thực sự về mặt khái niệm, gây hại cho sự hiểu biết về các động năng xã hội hiện tại, ở Pháp và nước ngoài. Sáu mươi năm sau khi các nước châu Phi trở thành độc lập, một lộ trình lý thuyết và thực tiễn mới phải được đề xuất.
Một định nghĩa với các đường viền mờ
Edward Said (1935-2003) |
Đối với nhiều nhà sử học, sự xuất bản năm 1978 của cuốn tiểu luận chủ yếu của Edward Said Đông Phương Luận: Phương Đông do Phương Tây tạo ra/L’Orientalisme: L’Orient créé par l’Occident, đã đánh dấu sự xuất hiện chính thức của các nghiên cứu hậu thực dân.
Bị ảnh hưởng bởi di sản kép của tư tưởng của Michel Foucault và các tác giả của Trường Phái Lý Thuyết Pháp/French Theory, và mặt khác của những người thuộc trường phái Nghiên Cứu Hạ Cấp/Subaltern Studies, với tác phẩm này, Said đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới bằng cách tra cứu nguồn gốc của sự thống trị văn hóa mà Phương Tây đã áp đặt lên Phương Đông. Ở đây, vấn đề đặt ra không phải là đặt câu hỏi về sự tồn tại của các cấu trúc kinh tế và chính trị đảm bảo “sự phụ thuộc” mà một nước áp đặt trên một nước khác, theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, mà là chỉ ra rằng sự thống trị hoạt động trước hết qua việc làm chủ và sự áp đặt một ngôn ngữ, một hệ thống biểu tượng.
Chính trên nền tảng ban đầu này, nhiều tác phẩm sẽ được phát triển trong các trường đại học Mỹ trong những thập niên 1980 và 1990, bởi các tác giả và các trí thức tự nhận theo chủ nghĩa hậu thực dân, trước hết là ở các khoa văn học so sánh trước khi phát triển trong sử học, triết học và nhân học. Chúng sẽ nhanh chóng lan tỏa trong không gian học thuật quốc tế.
Ở Pháp, vào đầu những năm 2000, trào lưu hậu thực dân lúc đầu được giới học thuật đón nhận với một sự cảnh giác nhất định. Sự cảnh giác sẽ được những người theo chủ nghĩa hậu thực dân diễn giải như là một dạng của chủ nghĩa bảo thủ hoặc chủ nghĩa tỉnh lẻ/provincialisme. Thế nhưng, không thể chối cãi là, tính không đồng nhất lớn của các công trình và các khái niệm xuất phát từ các nghiên cứu thời hậu thực dân đặt vấn đề.
Akhil Gupta (1959-) |
Trước hết, định nghĩa xã hội học về chủ nghĩa hậu thực dân là gì? Các mốc, giới hạn lý thuyết của nó là gì? Tiền tố “hậu” của thuật ngữ chủ nghĩa hậu thực dân không liên quan nhiều đến việc đóng khung theo trình tự thời gian. Vấn đề không phải là mô tả một thời điểm lịch sử đặc thù trong đời sống của các xã hội được mở ra sau quá trình thuộc địa hóa mà là “tư duy cái hậu thực dân như là tất cả những điều bắt nguồn từ sự kiện thuộc địa, không có sự phân biệt về thời gian”, theo công thức của nhà nhân học Akhil Gupta.
Với định nghĩa co giãn này, chủ nghĩa hậu thực dân có thể được huy động để phân tích tất cả các hình thức thống trị đương thời, ở Phương Bắc cũng như ở Phương Nam, bất kể tính đặc thù của bối cảnh lịch sử, địa lý hoặc xã hội được xem xét. Điều này không phải là không đặt ra những khó khăn nghiêm trọng. Các tác giả như Jean-François Bayart, tác giả năm 2010 của một tiểu luận phê phán đối với các nghiên cứu hậu thực dân, đặt câu hỏi: cái hậu thực dân bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu? Tính hậu thực dân trở thành một “sự kiện xã hội tổng thể” mà tầm giải thích là tổng quát, nhưng với một định nghĩa xã hội học vẫn rất mong manh.
Sự mong manh này lại được củng cố bởi một điểm yếu sâu sắc về mặt phương pháp luận gắn với sự hình thành của các nghiên cứu thời hậu thực dân trong các khoa văn học so sánh. Khi tập trung nhiều vào các diễn ngôn và các hình tượng của các tác nhân trong thế giới xã hội hơn là vào các thực tiễn thực tế của họ, các công trình xuất phát từ các nghiên cứu hậu thực dân thường vi phạm một trong những quy tắc chính của phân tích xã hội học: phân biệt các diễn ngôn và các thực tiễn, các thực tiễn phải được rút ra từ các tư liệu của một nghiên cứu thực địa chặt chẽ, đáp ứng các chuẩn mực khoa học. Nhưng những lời chỉ trích chủ nghĩa hậu thực dân không chỉ là về mặt phương pháp luận mà còn là về mặt nhận thức luận.
Nguy cơ của chủ nghĩa duy bản chất (essentialisme)
Khi tập trung vào sự tồn tại dai dẳng của các mối quan hệ thống trị mang tính biểu tượng xuất phát từ tiến trình thuộc địa hóa, làm phương hại đến một cách đọc tinh tế hơn có tính đến những căng thẳng xã hội nội bộ diễn ra trong các xã hội cũng như đến sự đa dạng của các tình huống thuộc địa và hậu thuộc địa, chủ nghĩa hậu thực dân có xu hướng đóng băng các mối quan hệ xã hội xoay quanh một tầm nhìn đơn nhất dẫn đến việc giam giữ các tác nhân của thế giới xã hội trong một lôgic đối lập nhị phân giữa “chúng nó” và “chúng ta”. Tuy nhiên, một cách nghịch lý, khung phân tích này lại dẫn đến việc bản chất hóa (gán một bản chất bất biến cho một vật thể, một hiện tượng, một sự kiện - ND) các xã hội và các dân tộc được nghiên cứu.
Như Emmanuelle
Sibeud đã chỉ rõ, nó có nguy cơ duy trì những người cựu thuộc địa trong
thời điểm đặc biệt này là thời kỳ thuộc địa, “bằng cách vô tình gây ra một sức
mạnh mới cho ý tưởng phi lý rằng sự thống trị đã khiến cho họ đi vào lịch sử”.
Khi xác định rằng không có sự đứt đoạn giữa thời kỳ thuộc địa và thời kỳ được mở ra sau đó, do đó tạo ra ít không gian cho sự tham gia của các tác nhân chính trị của nền độc lập, chủ nghĩa hậu thực dân góp phần duy trì sự bá quyền thực dân, bằng cách đảo ngược bá quyền này. Theo cách thức của một lời tiên tri tự hoàn thành, chủ nghĩa hậu thực dân biến thời điểm thuộc địa thành ma trận lịch sử của các xã hội Phương Nam, và với một hệ quả ngược lại, của các xã hội Phương Bắc.
Từ chủ nghĩa hậu thực dân đến trào lưu phi thực dân, một sự liên tục về mặt khái niệm
Nhưng chủ nghĩa hậu thực dân không chỉ mang tính mô tả, nó còn chuyển tải một dự án chính trị. Với danh nghĩa này, ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài lĩnh vực học thuật và hiện nay xuất hiện trong cuộc tranh luận công khai.
Bằng cách cung cấp cho những người nắm bắt nó một danh mục tư tưởng và biểu tượng, các nghiên cứu hậu thực dân dường như không thể tách rời khỏi một số phong trào xã hội tự nhận thuộc về xu hướng này, trong đó có trào lưu phi thực dân. Với mong muốn tiếp nối các công trình xuất phát từ các nghiên cứu hậu thực dân bằng một cam kết chính trị trên thực địa, những người ủng hộ trào lưu phi thực dân muốn truy cứu các tiến trình thuộc địa liên tục, ngay cả đến tận trí tưởng tượng.
Nhưng bởi vì dựa trên những tiền đề xã hội học phần lớn sai lầm, thấm nhuần chủ nghĩa duy bản chất, trào lưu này củng cố những bản sắc mà nó có tham vọng giải cấu trúc. Tính triệt để ngày càng tăng của trào lưu phi thực dân, sự quyết tâm của nó để chủng tộc hóa (racialiser) các mối quan hệ xã hội, gần đây đã khiến một số tác giả thuộc chủ nghĩa hậu thực dân giữ khoảng cách với một số người ủng hộ trào lưu phi thực dân. Tuy nhiên, chính sự yếu kém về mặt khoa học vốn có trong hệ hình hậu thực dân ghép với tham vọng chính trị và chuẩn tắc ban đầu của nó đã tạo cơ hội cho những sai lầm hiện tại của trào lưu phi thực dân.
Một khung quá hạn hẹp để hiểu được các sự bền lâu và sự đứt đoạn trong các xã hội đương đại
Một cách nghịch lý, chủ nghĩa hậu thực dân giờ đây bị xem như đã lỗi thời để giải thích những biến đổi đang diễn ra trên phạm vi quốc tế và trong các xã hội đã trải qua quá trình thuộc địa hóa.
Bằng cách biến thời điểm thuộc địa trở thành cột mốc chính trong lịch sử của các xã hội này, hệ hình hậu thực dân có xu hướng xóa bỏ trong phân tích lịch sử lâu đời và phong phú của các xã hội trước khi bị thuộc địa hóa. Tuy nhiên, không thể hiểu được các hiện tượng xã hội đang diễn ra trong các xã hội này ngày nay, đặc biệt là ở lục địa Châu Phi, nếu không vận dụng nghiên cứu dài hạn.
Jean-François Bayart (1950-) |
Sáu mươi năm sau khi các nước châu Phi giành độc lập, các hình thái chính trị và xã hội mới xuất hiện trên lục địa này vay mượn nhiều từ các thể chế xuất phát từ quá trình thuộc địa hóa cũng như từ các hệ thống về tính chính đáng được ghi trong lịch sử châu Phi thời kỳ tiền thuộc địa. Jean-François Bayart giải thích hiện tượng lai ghép Nhà nước này bởi sự đan xen giữa các hệ thống về tính chính đáng của chính trị ở châu Phi. Hệ hình hậu thực dân dường như không mấy có ích lắm để hiểu sự biến đổi này.
Mặt khác, trong bối cảnh của tiến trình đa cực hóa thế giới và của sự biến đổi sâu sắc các mối quan hệ quyền lực quốc tế - kể cả về mặt văn hóa - các xã hội châu Phi hiện được nuôi dưỡng bởi những ảnh hưởng mới khiến cho tầm quan trọng biểu tượng của sự thống trị thời hậu thực dân bị tương đối hóa.
Ngoài ra, hoàn toàn không chỉ là những không gian thụ động và bị trị tiếp nhận những ảnh hưởng văn hóa được tạo ra ở nước ngoài, các xã hội này đóng góp nhiều vào sự hình thành nền văn hóa toàn cầu ngày nay. Do đó, chủ nghĩa hậu thực dân dường như bị lệch lạc để hiểu các hiện tượng như sự cam kết của các cộng đồng người châu Phi phân tán khắp thế giới đối với lợi ích của lục địa xuất thân của họ, vốn thường là kết quả của sự lai tạp giữa nhiều đóng góp về văn hóa và vật chất, không thể bị tóm gọn trong sự đối lập nhị phân giữa kẻ thực dân và người thuộc địa.
Bởi vì nó dựa vào một cơ sở lý thuyết quá mỏng manh, vì chiều kích chuẩn mực của nó có xu hướng kết tinh các bản sắc mà nó muốn giải cấu trúc và vì nó có xu hướng che khuất sự độc lập của các quỹ đạo lịch sử của các quốc gia được nghiên cứu, đặc biệt là ở lục địa châu Phi, ngày nay lý thuyết hậu thực dân gần như là một ngõ cụt. Không phủ nhận những đóng góp thực sự của các công trình có thể đã được tạo ra trong trường của các nghiên cứu hậu thực dân, giờ đây dường như cần phải vượt qua hệ hình này, vốn quá hạn hẹp đối với thế giới xã hội đương đại. Điều này sẽ tác động đến khả năng của chúng ta để hiểu các động năng của xã hội này, để hỗ trợ các chuyển đổi của nó.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Le postcolonialisme: une impasse conceptuelle à interroger?”, The Conversation, 29.6.2021.
----
PTKT đã đăng những bài liên quan trong nhãn: “Studies”