VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY
MAI
Chủ biên:
Trần Văn
Thọ & Nguyễn Xuân Xanh
Sau một năm lao động tích cực,
chúng tôi hết sức vui mừng được giới thiệu với bạn đọc quyển sách mới ra mắt:
VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY MAI, một công trình biên soạn tập thể của 22 học
giả, nhà nghiên cứu, công nghệ, giáo dục Việt Nam trong và ngoài nước, với tâm
tư nóng bỏng muốn góp phần vào quá trình đổi mới đất nước:
Hồ Tú Bảo – Huỳnh Thế Du –
Giáp Văn Dương – Kim Hạnh – Nguyễn Thị Hậu – Vũ Ngọc Hoàng – Trần Quốc Hùng –
Phạm Chi Lan – Trương Trọng Nghĩa – Nguyên Ngọc – Nguyễn Quang Ngọc – Huỳnh Như
Phương – Trần Đức Anh Sơn – Huỳnh Bửu Sơn – Đặng Kim Sơn – Trần Hữu Phúc Tiến –
Trần Văn Thọ – Phạm Duy Thoại – Nguyễn Trung – Nguyễn Tùng -Trần Ngọc Vương –
Nguyễn Xuân Xanh
Quách Thu Nguyệt phụ trách
phần biên tập và xuất bản.
Xuất bản: Ban Tu thư Đại
học Hoa Sen và Nhà xuất bản Đà Nẵng
Đây là một tác phẩm phân
tích, tổng hợp, nhìn về quá khứ, hiện tại, để phóng chiếu tương lai, chạm đến
những vấn đề lịch sử, tư tưởng, kinh tế, phát triển, giáo dục, y tế và khai
sáng, trong bối cảnh rất phức tạp của thế giới. Người Việt Nam đang đứng trước
nhu cầu ngày càng bức thiết phải thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện và hiệu
quả để “lột xác” và bắt kịp thế giới. Chúng ta đang ở vào thời kỳ “giông bão và
thôi thúc”, cần có những nhận định và bước đi tương xứng.
Dưới đây là những dòng chữ
đầu tiên đọc được khi cầm lên quyển sách:
Những người trí thức dấn
thân xã hội phải chấp nhận thực trạng như họ đang sống, và tìm cách định hình
nó theo những mục tiêu xã hội tích cực, chứ không đứng cô lập bên lề tự cho
mình là đúng.
JOHN DEWEY
Việt Nam đang đứng trước
một thập niên mới, đánh dấu bởi nhiều sự kiện quan trọng: Covid-19 với nhiều hệ
quả to lớn lên toàn thế giới, kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, 45 năm hòa bình và
thống nhất đất nước, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người Việt Nam cũng đang có
“giấc mơ hóa rồng”, muốn tạo ra được những sản phẩm công nghệ, công nghiệp đẳng
cấp trên thị trường thế giới, có những tập đoàn công nghiệp mạnh, để có thể
nâng cấp nhanh chóng nền kinh tế lên tầm mức thế giới. Vâng, người Việt Nam
thấy cần thay đổi cả vận mệnh lịch sử của mình, như các dân tộc xung quanh từng
làm.
Đổi mới cho nên là mệnh
lệnh của thời đại, từ quản lý hành chính, cơ chế tuyển chọn lãnh đạo, đào tạo
nhân tài, đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học, và hoạt động của doanh
nghiệp.
Nhà nước cũng cần phải có
tính chất đổi mới sáng tạo để dẫn dắt, “kiến tạo và phát triển”, khuyến khích
động não, từ bỏ những lề lối cũ. Einstein cũng từng nói, chúng ta không thể
giải quyết những vấn đề phát sinh bằng những tư duy cũ đã sản sinh ra chúng.
Quyển sách này là sự hội tụ
của nhiều trí thức, học giả, nhà nghiên cứu từ nhiều lãnh vực khác nhau nhằm
đáp lời cho một sự đổi mới sáng tạo trước những thử thách mới thời đại đặt ra.
Cuốn sách này gồm 4 phần,
bao gồm gần hết các mặt của đất nước Việt Nam hiện nay. Hầu hết các bài viết
phân tích từ góc nhìn những vấn đề hôm nay và gợi ý, phát ra thông điệp cải
cách hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp.
Đổi mới sáng tạo là mệnh lệnh của thời đại. Trong tinh thần đó, một
số trí thức trong và ngoài nước đã tập hợp lại những suy nghĩ của mình về những
chủ đề như kinh tế, lịch sử, văn hóa, tư tưởng, thể chế, giáo dục, khoa học,
công nghệ và y tế. Như một nhà lãnh đạo châu Á từng nói, “Lịch sử luôn cho thấy
những quốc gia được dẫn dắt bởi những trí thức năng động, tham vọng và nhiệt
tình sẽ phát triển nhanh hơn những quốc gia không có.” Chúng tôi muốn chia sẻ
trách nhiệm đó. Đây cũng là món quà tinh thần tặng GS Cao Huy Thuần như một sự
tri ân cho những đóng góp văn hóa hơn nửa thế kỷ qua của ông.
Và những
lời từ trái tim của một người bạn lâu năm dấn thân và nhiệt huyết:
Sáng kiến
quyển sách này quả thật bất ngờ với tôi. Một phần thưởng mà tôi không hề dám
nghĩ đến. Lòng tôi tràn ngập sự biết ơn đối với tình cảm của các anh chị đã có
sáng kiến cũng như đối với các anh chị đã đồng lòng hưởng ứng. Thực sự, tôi tự
thấy mình bé nhỏ trước vinh dự quá lớn mà các anh chị đã dành cho tôi.
Nhưng,
vượt qua xúc động đầu tiên, tôi nghĩ lại: quyển sách này đâu phải chỉ để thực
hiện những tình cảm cá nhân giữa chúng ta với nhau? Chúng ta, những người trí
thức ở bốn phương, gắn bó với nhau, vượt không gian và thời gian, trên hết còn
vì tình cảm chung đối với quê hương đất nước. Bởi vậy, tôi xin được xem vinh dự
này không phải chỉ là vinh dự cá nhân mà là vinh dự chung. Vinh dự được là
người trí thức trước sóng gió của thời cuộc.
CAO HUY THUẦN
MỤC LỤC SÁCH
Dẫn nhập Từ Hôm nay nghĩ về Ngày mai Việt Nam
Phần I Lịch sử, Văn
hóa Đoàn kết để cường thịnh:
Từ quá khứ nhìn về
tương lai Chủ quyền của Việt Nam
ở Hoàng Sa và Trường Sa: quá trình từ sơ khai đến thật sự và toàn vẹn Sài Gòn mỹ lệ xuyên thời
gian và không gian Bản sắc đô thị Saigon
trong bối cảnh Nam bộ Đoạn đường Huế-Đà Nẵng
thời xưa Bảo tồn di sản văn hóa
Việt Nam hiện nay:
Thực trạng và giải pháp Phần II Tư tưởng, Thể
chế Vấn đề chủ nghĩa dân tộc,
chủ nghĩa quốc gia ở
Việt Nam hiện nay Francis Bacon –
Fukuzawa Yukichi và Việt Nam Độc lập, tự do và phát
triển Suy nghĩ về thế giới
và nước ta thời hậu đại dịch Covid19 Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa:
Đặc thù chính trị của Việt Nam Suy nghĩ về con đường
phát triển của Việt Nam
Phần III Giáo dục, Y tế Đại chúng hay tinh
hoa? Xây dựng và quản trị
trường học phổ thông:
một vài kinh nghiệm Giáo dục đại học Việt
Nam bước vào những năm 2020 Chuyển đổi số và giáo
dục Đại dịch Covid-19 và Y
tế Việt Nam Phần IV Kinh tế, Kinh
doanh Chính trị và kinh tế
thế giới sau đại dịch:
Cơ hội và thử thách cho Việt Nam Tương lai kinh tế Việt
Nam nhìn từ đại dịch Doanh nghiệp Việt và
giấc mơ Việt Nam thịnh vượng “Tài nguyên nội địa”
và vấn đề phát triển bền vững Tái cơ cấu nông nghiệp
và phát triển nông thôn |
Trần Văn Thọ và Nguyễn Xuân Xanh
Huỳnh Bửu Sơn Nguyễn Quang Ngọc Trần Hữu Phúc Tiến Nguyễn Thị Hậu Nguyễn Tùng Trần Đức Anh Sơn
Nguyễn Xuân Xanh Vũ Ngọc Hoàng Nguyễn Trung Trương Trọng Nghĩa Huỳnh Thế Du
Nguyên Ngọc Giáp Văn Dương Huỳnh Như Phương Hồ Tú Bảo Phạm Duy Thoại
Trần Quốc Hùng Trần Văn Thọ Phạm Chi Lan Vũ Kim Hạnh Đặng Kim Sơn |
Dẫn nhập
TỪ HÔM NAY NGHĨ VỀ NGÀY MAI VIỆT NAM
Trần Văn Thọ & Nguyễn Xuân Xanh
Nước Việt Nam thân yêu của chúng
ta đang ở trên đường phát triển nhưng còn đối diện nhiều vấn đề mà trí thức cần
đóng góp trí tuệ để góp phần làm cho tương lai đất nước tốt đẹp hơn. Nhìn từ
góc độ nào, từ văn hóa, giáo dục, y tế đến kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa
học, ta đều thấy có nhiều vấn đề cần cải cách, cải thiện, trong đó không ít vấn
đề làm mình bức xúc. Dân số nước ta sắp đạt 100 triệu. Hiếm có nước nào đông
dân như thế mà có sự thống nhất cao về văn hóa, ngôn ngữ, và hầu như không có
mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo. Một nước có các tính chất đó rất dễ phát triển
thành một nước tiên tiến. Tiềm năng để Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh là
rất lớn. Nhưng những vấn đề, những bức xúc về nhiều mặt hiện nay phải được giải
quyết thì tiềm năng mới được khơi dậy. Năm nay (2020) ngẫu nhiên có nhiều sự
kiện mở đầu một giai đoạn mới của Việt Nam: Hậu đại dịch Covid-19, kỷ niệm 75
năm Quốc khánh, 45 năm từ ngày có hòa bình và thống nhất đất nước, đón một thập
niên mới đánh dấu bằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v.. Nhân cơ
hội này, trước những vấn đề cần giải quyết, chúng ta có thể phát đi một thông
điệp, đưa ra các ý tưởng để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển không?
Đó là suy nghĩ chung của chúng
tôi, những người tham gia thực hiện cuốn sách nầy. Nhưng còn một lý do nữa để
viết cuốn sách nầy. Chúng tôi muốn làm một món quà văn hóa để tăng người bạn
thân thiết và khả kính, Giáo sư Cao Huy Thuần, Giáo sư Danh dự Đại Học Picardie
(Pháp). Vừa bước qua tuổi bát tuần, anh Thuần tuy làm việc và sinh sống tại
Pháp, chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu về chính trị, luật học, văn hóa, tôn
giáo, nhưng luôn hướng về tổ quốc, mong muốn đất nước phát triển. Tặng anh Cao
Huy Thuần chúng tôi không làm theo cách thường thấy, nghĩa là không viết về anh
Thuần (dù chúng ta có rất nhiều kỷ niệm đối với anh), không đánh giá, bình luận
về hoạt động khoa học và giáo dục của anh (dù việc nầy rất đáng làm), mà viết
một cuốn sách về các vấn đề hiện nay của Việt Nam, những vấn đề mà chính anh
Thuần cũng từng trăn trở.
(I)
Giáo sư Cao Huy Thuần sinh năm
1937 tại Bình Sơn, Quảng Ngãi. Sau 1945 về Huế, chánh quán của gia đình, học
trung học tại trường Khải Định (Quốc Học) rồi vào Saigon học Đại Học Luật và từ
năm 1962 dạy Luật tại Đại Học Huế. Cuối năm 1964 anh nhận học bổng của chính
phủ Pháp và sang Paris du học. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại Học Paris
đầu năm 1969, anh được bổ nhiệm giảng dạy tại Đại Học Paris, sau đó chuyển sang
Đại Học Lille rồi Đại Học Picardie (tại đây anh kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Cộng đồng châu Âu). Anh về hưu với chức danh Giáo sư Danh dự Đại học
Picardie. Anh là tác giả hoặc đồng tác giả của hàng chục bài nghiên cứu và hơn
chục tác phẩm bằng tiếng Pháp.
Giáo sư Cao Huy Thuần cũng là
người gắn bó nhiều với quê hương. Do những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn
hóa và giáo dục Việt Nam, năm 2017 anh được trao Giải văn hóa Phan Châu Trinh
vì sự nghiệp đó. Thay mặt ban chủ trương trao giải, nhà văn Nguyên Ngọc đã có
những đánh giá chính xác và đầy đủ về Giáo sư Cao Huy Thuần. Dưới đây chúng tôi
xin trích một số đoạn chính:
“Những tác phẩm của ông, hầu hết
đều đã được xuất bản ở Việt Nam, đều được người đọc ở trong nước đón đợi…. Ông
thuộc thế hệ những nhà trí thức và hoạt động văn hóa xuất hiện ở miền Nam đầu
những năm 1960, đã tham gia cuộc vận động chống áp bức, đòi hòa bình, phát huy
văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt thời bấy giờ. Năm 1964,
khi là giảng viên đại học Huế, ông chủ trương tuần báo Lập trường, tiếng
nói đấu tranh chống độc tài, hướng tới một đất nước thống nhất, tự do và dân
chủ. Du học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài Đạo Thiên Chúa và
chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914 vào năm 1969 tại Paris, ông trở thành
giáo sư giảng dạy môn chính trị học tại đây. Hơn bốn thập niên qua, giáo sư Cao
Huy Thuần được biết đến như là nhà nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo, luật học
và chính trị học. Những công trình của ông về mặt này đã xuất bản ở trong nước
có Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và ta, Giáo sĩ thừa sai và chính sách
của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Từ Đông sang Tây, Tôn giáo và xã hội hiện
đại.
Thấm đẫm trong mỗi trang viết của
ông là niềm ưu tư về nhân sinh và thế cuộc, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây,
tất nhiên tập trung nhất là về chính mảnh đất quê hương này mà ông thiết tha và
trăn trở yêu và từng ngày chiêm nghiệm, lo lắng không chỉ trước những suy đồi
trong đời sống văn hóa và giáo dục của đất nước, mà cả những biểu hiện khủng
hoảng tinh thần và hiểm nguy có tính chất toàn cầu, Cao Huy Thuần tha thiết
muốn truyền trao cho con người, cho nhân dân của mình, trước hết là cho thế hệ
trẻ những giá trị tinh thần của dân tộc và của nhân loại làm sức mạnh giúp họ
đứng vững khi đối mặt với những tác động của một thế giới có nguy cơ sa vào vực
thẳm của tuyệt vọng. Lời nói của ông thống thiết mà tinh tế, uyên bác mà giản
dị và gần gủi, cao vời mà thầm thỉ tâm sự, nhẹ nhàng và uyển chuyển, lúc như
thỏ thẻ lúc như đùa bỡn, không hề lên giọng răn dạy, tạo sức thuyết phục nhẹ và
sâu. Văn của Cao Huy Thuần là một thứ văn rất có duyên. Các tản văn của ông tập
họp trong các cuốn sách sâu sắc về nội dung, nhuần nhị về nghệ thuật, như Nắng
và hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật
ký sen trắng, Sợi tơ nhện, Đến với Phật cùng tôi đã thật sự gõ cửa được tâm
hồn con người, có lẽ bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa: ông là một nhà văn
hóa và nhà giáo dục luôn vững tin rằng mặc dầu tất cả, trong tận cùng của mỗi
con người vẫn không bao giờ mất đi những hạt mầm của phẩm hạnh. Cao Huy Thuần
là người tin rằng chức năng thiêng liêng của nhà giáo dục là luôn giữ vững niềm
tin ở những hạt mầm tốt đẹp ấy và bằng mọi cách kiên trì đánh thức nó dậy.
Chúng ta cám ơn Cao Huy Thuần vì bài học quý đó”.
Đúng là chúng ta cám ơn Cao Huy
Thuần vì những đóng góp quý giá cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi mong anh
Thuần, người bạn thân thiết, sẽ tiếp tục khỏe mạnh và truyền đi các thông điệp
cần thiết cho Việt Nam hôm nay và ngày mai.
(II)
Cuốn sách nầy gồm 4 phần, bao gồm
gần hết các mặt của đất nước Việt Nam hiện nay. Hầu hết các bài viết phân tích
từ góc nhìn những vấn đề hôm nay và gợi ý, phát ra thông điệp cải cách
hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp. Ở mỗi
chương sách đều có phần tóm tắt nhưng ở đây chúng tôi tóm lược ngắn hơn những
điểm chính của mỗi phần và mỗi chương.
Phần I (Lịch sử, Văn hóa) gồm 6 chương
nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai, từ cấp độ lịch sử dân tộc đến giá trị
xưa và nay của Sài gòn, lịch sử đoạn đường nối Huế Đà Nẵng, và vấn đề bảo tồn
di sản văn hóa.
Huỳnh Bửu Sơn trong Đoàn kết
để cường thịnh – Từ quá khứ nhìn về tương lai cho rằng “Ý thức hệ dân tộc,
nhà nước chính danh và một giới tinh hoa yêu nước là 3 nhân tố cần thiết giúp
xây dựng đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân tộc”. Đó là điều đặc biệt đúng
trong lúc này để “phát huy mạnh mẽ ý thức hệ dân tộc, phát triển giới tinh hoa
và tranh thủ sự hưởng ứng của họ, để đoàn kết, bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất
nước cường thịnh.”
Nguyễn Quang Ngọc trong Chủ
quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa xác nhận lại lịch sử chủ quyền
và sự thực thi đầy đủ của các vua Việt Nam đối với hai quần đảo này, cho thấy
muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII đã có đội Hoàng Sa xuất hiện. Chỉ từ năm 1909
chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cử người ra Hoàng Sa ngang nhiên tuyên
bố đã phát hiện ra quần đảo này và đặt tên là quần đảo Tây Sa mới gây ra cuộc
tranh chấp như hiện nay.
Trong Bản sắc đô thị Sài gòn
trong bối cảnh Nam bộ, Nguyễn Thị Hậu dựng lại sự hình thành của Sài gòn và
vai trò đại diện của nó cho Nam bộ, vừa là thủ phủ của chính quyền thực dân,
vừa là trung tâm thương mại nối liền thế giới, có văn hóa đa dạng của những
người bản xứ và người đến lập nghiệp, nối liền cả “hệ sinh thái Nam bộ” từ Miền
Đông, Trung và Nam bộ trù phú. Sức sống của nó vẫn còn được chứng minh sau 1975
với vai trò “cùng cả nước vì cả nước”.
Trần Hữu Phúc Tiến trong Sài
Gòn mỹ lệ xuyên thời gian và không gian khẳng định tính cách đặc biệt của
người Sài gòn: đa xứ, đa văn, có máu khai phá của dân “đi về miền Tây” ở Mỹ,
từng là Kinh đô Đàng Trong, là thủ đô Đông Dương công nghiệp hóa, là Thủ đô của
Quốc Gia Việt Nam, rồi Thủ đô Việt Nam Cộng Hòa; và sau 1975 trở thành căn cứ
“chòi đạp” để các “nhà tư sản và tiểu thương từ trong bóng tối khổ đau trở lại
thương trường” xác lập lại tên tuổi.
Nguyễn Tùng mô tả lại trong bài Đoạn
đường Huế-Đà Nẵng thời xưa những gian nan giao thông của khúc đường này chủ
yếu trong thế kỷ 19. Đi từ Huế vào Đà Nẵng phải mất hai ngày: "Đi bộ thì sợ Hải
Vân, Đi thủy thì sợ sóng thần hang Giơi". Còn từ Gia Định ra Huế thường phải
mất đến 30 ngày! Cảm xúc lần đầu tiên của Paul Doumer: “Dưới kia vịnh Đà Nẵng
hiện ra. Thực tuyệt vời! Không một cảnh quan thần tiên nào của Địa Trung Hải có
được cái đẹp và cái hùng tráng này…”
Trong Bảo tồn di sản văn hóa
Việt Nam hiện nay, Thực trạng và Giải pháp, Trần Đức Anh Sơn đưa ra cái
nhìn khái quát về lịch sử bảo tồn di sản từ lúc Việt Nam có chính quyền đầu
tiên năm 1945, bàn về những khái niệm chuyên môn về di sản văn hóa của Việt Nam
và UNESCO, những thành tựu giành được, và những vấn đề còn tồn tại. Hai trường
hợp thành công điển hình là Di sản văn hóa Huế, và Quần thể danh thắng Tràng
An.
Phần II (Tư tưởng, Thể chế) gồm 6 chương
bàn về những giá trị truyền thống và hiện đại, vấn đề khai sáng thực học, và
các vấn đề về cải cách thể chế để đất nước phát triển.
Theo Trần Ngọc Vương trong Vấn
đề chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa
quốc gia ở Việt Nam, khởi đầu từ Triệu Đà, được nối tiếp thông qua mọi thời
gian và triều đại hiện hữu trong lịch sử quốc gia – dân tộc, càng về sau càng
được củng cố và vun đắp, lành mạnh hơn và toàn diện hơn. Ngoài ra, tác giả cho
rằng tư tưởng của Hồ Chí Minh tại nhiều thời điểm có tính dân tộc và đã đi
ngược lại tư tưởng chính thống của Đệ tam quốc tế.
Độc lập, tự do và phát triển của Vũ Ngọc Hoàng cho rằng những
giá trị Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do và Hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập
75 năm trước cần được bảo vệ trước “sự tha hóa quyền lực” đã diễn ra lâu năm do
thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực và thực thi dân chủ, các khuyết điểm của nhiều
nhiệm kỳ trong công tác cán bộ, cũng như do khoa học chưa làm được nền tảng cho
các cải cách và quyết sách.
Trong Fukuzawa Yukichi,
Francis Bacon và Việt Nam, Nguyễn Xuân Xanh bàn về khai sáng Bacon,
Fukuzawa và cả khai sáng Ngũ Tứ Trung Quốc nữa, tất cả đều lấy khoa học hữu
dụng, hay thực học, làm nền tảng để phụng sự con người, xây dựng quốc gia. Khai
sáng Ngũ Tứ cần thêm Dân chủ để giải phóng con người bị đè nén quá lâu.
Đó là những ngọn gió của Tinh thần thế giới thổi trên địa cầu từ bốn
trăm năm qua, nhưng tại sao nó vẫn chưa đến Việt Nam? Tác giả tìm cách lý giải.
Nguyễn Trung trong Suy nghĩ về
thế giới và nước ta sau đại dịch covid-19 muốn gửi đến công chúng thông
điệp rằng sau đại dịch chỉ có một trật tự quốc tế mới dành cho nhân dân Việt
Nam “một con đường sống duy nhất”. Đó là “phải trở thành một dân tộc trưởng
thành và dấn thân,…, quyết xây dựng quốc gia phát triển, và dấn thân cùng với
trào lưu tiến bộ của nhân loại cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển!
Với tất cả ý chí: Sống hay là chết!”
Trong bài Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa – đặc thù chính trị của Việt Nam, Trương Trọng Nghĩa xem
xét sự tiến hóa của Hiến Pháp từ 1945 đến nay, từ “dân chủ nhân dân”, “nhà nước
chuyên chính vô sản”, đến “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do
dân, vì dân” kéo dài đến hôm nay. NNPQXHCN hay kinh tế thị trường định hướng XHCN có đem lại “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đến năm 2045 như nghị quyết hay
không, đó là điều còn chờ thực tế sẽ trả lời.
Trong Suy nghĩ về con đường
phát triển của Việt Nam, Huỳnh Thế Du cho rằng mô hình của Việt nam hiện
đang gặp “trục trặc”, và tác giả gợi ý rằng, để đạt đến các mục tiêu “dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cần giảm nhẹ tính chất “ý thức hệ” để
có những cuộc thảo luận khoa học, cởi mở và hữu ích hơn giữa Đảng và giới trí
thức. Đảng cũng cần chấp nhận việc kết nạp người tài vào bộ máy quản trị đất
nước, vì lợi ích tối cao của quốc gia.
Phần III (Giáo dục, Y tế) gồm 5 chương đề
cập đến những vấn đề giáo dục trung học và đại học, chuyển đổi số như mệnh lệnh
thời đại, và bàn về phát triển hệ thống y tế Việt Nam thời hậu-covid 19.
Nguyên Ngọc trong Đại chúng
hay tinh hoa?, dựa trên các bài thi triết học của những kỳ thi Tú tài Pháp
cho học sinh tất cả các ban, nêu lên sự khác biệt lớn giữa Tây và Ta: Giáo dục
Tây chú ý vừa tính đại chúng, nhưng cũng vừa có tính tinh hoa cho thiểu số để
có năng lực nhận ra và lý giải những câu hỏi lớn của thời đại, tức phải biết
"nghĩ khác", trong khi giáo dục Việt Nam nhằm đào tạo con người "đồng dạng",
điều chưa hẳn tốt cho phát triển.
Trong Xây dựng và Quản trị
trường học phổ thông Giáp Văn Dương chia sẻ kinh nghiệm về tầm nhìn và cách
quản trị. Cách mạng công nghiệp là quyết định và tình hình chưa bao giờ thuận
lợi như hôm nay. Người làm giáo dục phải có tầm nhìn tối thiểu 30-50 năm về
tương lai, để việc giáo dục những học sinh 6 tuổi năm nay bước vào lớp 1, thì
30 năm sau sẽ đơm hoa kết trái, để Việt Nam sẽ vươn lên trở thành một nước phát
triển và hùng cường trên thế giới.
Với Chuyển đổi số và Giáo dục
Hồ Tú Bảo nhận định Việt Nam đã luôn “đứng ngoài những cơ hội (công nghiệp hóa)
của lịch sử”. Cuộc Cách mạng công nghệ số cốt lõi đang đến, “mở ra những
cơ hội số của sản xuất thông minh và một xã hội thông minh”. Đó là cơ hội có
một không hai để Việt Nam có thể vượt lên trong một vài thập kỷ tới. Tác giả
cũng bàn đến những thách thức của chuyển đổi số trong giáo dục.
Giáo dục Đại học Việt Nam bước
vào những năm 2020 của Huỳnh Như
Phương nhận xét giáo dục đại học Việt Nam là một di sản phức tạp với nhiều
khuyết tật. Tác giả mô tả tính phức tạp, chỉ ra các khuyết tật và đề khởi cách
giải quyết, đồng thời hy vọng những nhà giáo dục chân chính “dù vẫn nhận đồng
lương quá thấp và chịu những áp lực ngày càng đè nặng trên vai, họ vẫn cho thấy
nghề giáo là một nghề đòi hỏi nhiều lương tri,” và “chính họ mới là những người
có tư cách đại diện cho nghề nghiệp cao quý”.
Trong Đại dịch Covid-19 và Y
tế Việt Nam Phạm Duy Thoại đưa ra những kiến thức cơ bản về virus, và các
phương pháp xét nghiệm, ngăn ngừa, v.v.. Đại dịch là một thử thách nghiêm trọng
cho từng quốc gia. Việt Nam, với nền y tế chưa phát triển nhưng đã khống chế
được dịch bệnh rất hiệu quả khiến thế giới phải ngả mũ. Tuy nhiên, Việt Nam nên
nhân cơ hội này gấp rút nâng cấp toàn bộ hệ thống y tế và bảo hiểm phòng cho
mọi bất trắc.
Phần IV (kinh tế, kinh doanh) gồm 5
chương bàn về các vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam và đề khởi chiến lược,
chính sách để phát triển trong tương lai.
Trong Chính trị và kinh tế thế
giới sau đại dịch: Cơ hội và thử thách cho Việt Nam, Trần Quốc Hùng cho
rằng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung, tình trạng “một thế giới, hai
hệ thống” và những xáo trộn về chuỗi giá trị cung ứng sẽ xảy ra. Việt Nam phải
củng cố nội lực để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội do những thay đổi
của chính trị, kinh tế thế giới mang lại mới phát triển bền vững trong thời
gian tới.
Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn
từ đại dịch của Trần Văn Thọ
cho rằng với tiền đề mọi người sẽ phải sống chung với đại dịch, kinh tế thế
giới sẽ phải thay đổi và tư duy phát triển của Việt Nam cũng phải khác với các
lý luận đã có. Với tư duy mới về các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị
và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, ., cùng với chiến lược chuyển dịch cơ
cấu, Việt Nam sẽ phát triển bền vững với mô hình mới trong thập niên 2020.
Trong Doanh nghiệp Việt và
giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, Phạm Chi Lan phân tích thực trạng doanh
nghiệp Việt Nam và suy nghĩ về hướng đi tương lai, khi mọi người đang mong thực
hiện giấc mơ Việt Nam thịnh vượng vào khoảng giữa thế kỷ này. Tác giả
cho rằng phải thúc đẩy tăng cường nền tảng vi mô của kinh tế thị trường, học
hỏi và sáng tạo về công nghệ và quản trị, liên kết và hội nhập là những hướng
đi chính để doanh nghiệp Việt phát triển và góp sức hiện thực hóa giấc mơ Việt
Nam thịnh vượng.
Trong Tài nguyên bản địa và
vấn đề phát triển bền vững, Kim Hạnh chủ trương để thúc đẩy phát triển kinh
tế nông nghiệp cần nhấn mạnh “tài nguyên bản địa” , một khái niệm chỉ nguồn lực
có sẵn cần khai thác, chế biến, tìm kiếm thị trường. Ngoài ra cần chú ý bảo tồn
tài nguyên bản địa nhất là các giống cây, giống con bản địa để bảo vệ đa dạng
sinh học, sự hài hòa giữa thiên nhiên, con người và văn hóa truyền thống. Trong
văn mạch nầy, thực hiện “kinh tế tuần hoàn” là cần thiết.
Tái cơ cấu nông nghiệp và phát
triển nông thôn của Đặng Kim Sơn
phân tích vai trò của nông nghiệp trong kinh tế Việt Nam và đưa ra các ý tưởng
để nông nghiệp phát triển trong giai đoạn mới có các đặc tính như toàn cầu hóa,
biến đổi khí hậu, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tác giả chủ trương cần thay đổi
từ phát triển theo chiều rộng, thâm dụng tài nguyên sang một nền nông nghiệp
toàn diện, vừa phát huy lợi thế vùng, ngành; vừa đảm bảo sự vững bền về xã hội
và môi trường.
Nội dung của các chương sách phản
ảnh sự chuyên sâu trong lãnh vực của các tác giả nhưng được trình bày với văn
phong dễ hiểu cho mọi độc giả có trình độ hiểu biết nhất định. Ý kiến trình bày
trong các chương dĩ nhiên là ý kiến riêng của các tác giả và các tác giả chịu
trách nhiệm về nội dung và sự chính xác của bài viết của mình. Là những người
chủ biên, chúng tôi xin cám ơn các tác giả đã đáp ứng yêu cầu về mục tiêu của
cuốn sách và đã hoàn thành bài viết trong thời gian rất ngắn.
(III)
Tập sách nầy ra đời bắt nguồn từ
trao đổi qua emails giữa một số thành viên của Hội thảo Hè, một sinh hoạt hầu
như hằng năm của một nhóm trí thức người Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu từ năm
1997. Năm nay (2020) vì dịch Covid19 nên không tổ chức. Sau vài trao đổi qua
emails, nhiều người có ý kiến nên cùng viết vài cuốn sách phân tích các vấn đề
của Việt Nam, và nhân tiện trao tặng những người bạn lớn tuổi và qua hoạt động
khoa học hay xã hội đã để lại dấu ấn tại quê hương. Người tiêu biểu đầu tiên
được mọi người chọn để tặng cuốn sách đầu tiên là anh Cao Huy Thuần mà sự
nghiệp khoa học cũng như sự gắn bó với quê hương của anh đã được giới thiệu ở
trên.
Nhưng khi tiến hành kế hoạch xuất
bản sách, chúng tôi vui mừng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo trí
thức, nhất là trí thức trong nước. Ngoài 22 người phụ trách các chương trong
sách nầy còn nhiều anh chị vì điều kiện sức khỏe và thì giờ tuy rất muốn nhưng
không thể tham gia được. Qui mô của thành phần tham gia cuốn sách đã vượt phạm
vi của Hội thảo Hè nói trên, tuy hầu hết các bạn có mặt trong sách nầy đều là
bạn bè thân thiết của anh Cao Huy Thuần và của các thành viên khác trong ban Tổ
chức Hội thảo Hè. Nhân đây chúng tôi xin đặc biệt cám ơn anh Trần Hữu Dũng,
Giáo sư Danh dự Đại học Wright State (Hoa Kỳ), người bạn thân thiết của hầu hết
các tác giả trong sách nầy, lẽ ra cũng là một người trong ban chủ biên cuốn
sách vì lúc đầu dự định như thế và anh cũng đã đóng góp nhiều ý tưởng lúc khởi
đầu dự án, nhưng điều kiện thì giờ không cho phép anh tiếp tục tham gia.
Người Việt Nam đang có “giấc mơ
hóa rồng”, tạo ra được những sản phẩm công nghệ đẳng cấp trên thị trường thế
giới, có những tập đoàn công nghệ mạnh, để có thể nâng cấp nhanh chóng nền kinh
tế lên tầm mức thế giới. Điều đó rất chính đáng. Vâng, người Việt Nam thấy cần
thay đổi cả vận mệnh lịch sử của mình cho tốt hơn, như các dân tộc xung quanh
từng làm, nhanh chóng hơn, quyết đoán hơn, đặc biệt như tấm gương Hàn Quốc để
lại cho thế giới. Từ nhiều thập niên qua các loại công nghệ có tính bứt phá,
đột biến lần lượt ra đời làm thay đổi cuộc sống và nền kinh tế. Sự phát triển
đã đạt tốc độ hàm mũ (exponential). Kinh tế không còn chỉ là “kinh tế tri thức”
mà trở thành “kinh tế đổi mới sáng tạo”. Nhà nước cần phải có tính chất đổi mới
sáng tạo, dẫn dắt đổi mới sáng tạo, “kiến tạo và phát triển”, và có những chính
sách để thực hiện đổi mới sáng tạo trong tất cả các thành phần xã hội, trên tất
các lãnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, học thuật, khuyến khích mọi người tư
duy, động não theo hướng đổi mới sáng tạo. Trong một thế giới không đứng yên,
chúng ta không thể phát triển chậm theo tuyến tính, mà phải có những bước đi
bứt phá, cần phải có nhiều chất xám đổi mới sáng tạo để “đốt giai đoạn”. Chỉ có
phát triển nhanh, và liên tục, để thành một quốc gia công nghiệp hóa mới đem
lại sức mạnh cần thiết cho quốc gia, vừa đem lại phồn vinh, vừa bảo vệ non
sông, và giữ gìn được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong tinh thần đó, các bài viết
trong tập sách này đều đượm chất đổi mới sáng tạo, xuất phát từ những người có
tấm lòng với đất nước muốn thấy đất nước nhanh chóng vượt những rào cản khó
khăn để tiến bước nhanh. Các tác giả thật sự quan ngại đất nước lại chậm bước,
lỡ thời vận thêm trên con đường chấn hưng. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu
trách”. Vì thế chúng tôi xin gửi gắm những tình cảm và suy nghĩ rất khiêm tốn
có tính xây dựng của mình trong quyển sách này, để góp phần đổi mới đất nước
nhiều hơn nữa.
Cuối cùng, về khâu xuất bản và
phát hành, chúng tôi rất may mắn được sự trợ giúp của chị Quách Thu Nguyệt, một
người yêu quý sách và có kinh nghiệm xuất bản, phát hành sách, và cũng là người
bạn thân thiết của hầu hết chúng tôi ở đây. Chị Nguyệt từng là Giám đốc Nhà
xuất bản Trẻ, hiện nay là thành viên ban Giám khảo Giải Sách Hay và là thường
trực Ban tu thư của Đại học Hoa Sen. Cám ơn chị Nguyệt đã bỏ nhiều công sức để
cuốn sách ra đời theo đúng kế hoạch.
Cuối cùng, nhưng không ít, chúng
tôi cám ơn Ban Tu Thư Đại Học Hoa Sen đã liên kết xuất bản với Nhà Xuất bản Đà
Nẵng để quyển sách này được đến với bạn đọc .
TOKYO/TPHCM,
25/10/2020
Xem BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ:
Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi và Việt Nam
và vai trò thiết yếu của người trí thức trong cuộc
xây dựng quốc gia công nghiệp phát triển:
Cuộc hóa rồng và Giới tinh hoa kỹ trị
Nguồn bài
viết: Giới
thiệu sách VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY MAI – Bài viết của Nguyễn Xuân Xanh, rosetta.vn,
8 Tháng Tư, 2021.