TÀI LIỆU LƯU TRỮ VÀ DIỄN VĂN /1/2019
mỘT NỬA Ổ BÁNH MÌ VÀ MỘT QUYỂN SÁCH
Một văn bản của Federico Garcia Lorca
![]() |
Tượng của Federico García Lorca trên quãng trường Sainte-Anne, Madrid | Wikimedia Commons |
FÉLIX LANDRY – Trong bài diễn văn Federico García Lorca đọc nhân dịp khánh thành thư viện của ngôi làng nơi ông sinh ra, Fuente Vaqueros (tỉnh Grenade), vào tháng 9 năm 1931, nhà thơ vùng Andalousie khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của văn hoá – trong nghĩa phổ quát – cao hơn các yêu cầu về kinh tế xã hội, và sự cần thiết cháy bỏng cần phổ biến qua việc đọc cho mọi người và ở khắp nơi. Nhắc lại những chân lý cơ bản, khuyến khích đọc mãi mãi, theo dòng của một bài phát biểu trong một hoàn cảnh nhất định, tất nhiên, một bài phát biểu phong phú nhưng khẳng định rõ ràng trước vài năm rằng khi giết một người, ta không giết được tinh thần của người ấy.
Để phụ theo bài này, ngoài một vài bình luận ngắn của một người chuyên về ngôn ngữ Tây Ban Nha đã bị trục xuất, chúng tôi mạn phép nêu ra vài gợi ý cho việc đọc, nằm giữa sự uyên bác tiếp thêm sinh lực và những tham chiếu chính thống, nghĩa là với một tinh thần chiết trung theo chúng tôi là phù hợp với tinh thần của phát biểu của nhà thơ Lorca.
FEDERICO GARCIA LORCA - Cùng đồng bào Andalousie và bằng hữu thân mến[1],
Trước tiên, tôi phải nói với các bạn rằng tôi không nói: tôi đọc. Và sở dĩ tôi không diễn thuyết, vì xảy ra với tôi điều tương tự như với Galdós và với tất cả các nhà văn, nhà thơ nói chung: chúng tôi quen nói các sự việc một cách ngắn gọn và với sự chính xác, nhưng tôi có cảm tưởng nghệ thuật hùng biện là một thể loại trình bày những ý tưởng bị pha loãng đến độ chỉ còn lại một thứ âm nhạc dễ chịu. Phần còn lại, gió đã cuốn đi. Tôi luôn luôn đọc những tham luận của tôi, điều này đòi hỏi nhiều công phu hơn là nói, nhưng rốt cuộc bài phát biểu sẽ lâu bền hơn, vì bài viết vẫn nằm đó, và còn vững chắc hơn vì nó có thể phục vụ cho sự sáng tạo của những người nghe tôi không rõ hay không có mặt ở đây.
Benito Pérez Galdós (1843-1920), tiểu thuyết gia hiện thực, ngay trung tâm của sáng tạo văn học Tây Ban Nha thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với tác phẩm Episodios nacionales. Đôi khi được so sánh với Dickens, ông được tôn vinh chủ yếu vì đã mô tả một cách chân thực Tây Ban Nha bình dân thời của ông và ghi lại một cách trung thành những lời nói của ông.
![]() |
![]() |
Pérez Galdós (1843-1920) |
Với ngôi làng xinh đẹp này nơi tôi chào đời và trải qua thời thơ ấu hạnh phúc, tôi có một nghĩa vụ nhớ ơn, vì sự vinh danh mà tôi không xứng đáng khi tên tôi đã được đặt cho đường Église cũ. Các bạn hãy biết rằng tự đáy lòng tôi rất nhớ ơn các bạn, và tôi, dù ở Madrid hay ở nơi khác để điều tra cho phóng sự hay cho việc khác, khi người ta hỏi nơi sinh của tôi, tôi nói rằng tôi người làng Fuente Vaqueros, để cho sự vẻ vang và danh tiếng người ta trao cho tôi lan tỏa đến tận Fuente, ngôi làng đáng yêu, hiện đại, đáng quý và phóng khoáng biết bao.
Việc thay đổi tên một con đường vốn trước đây gắn với toà nhà của tín ngưỡng Thiên Chúa giáo nằm trong khuôn khổ chủ trương chống giáo hội là đặc trưng của nền Đệ nhị Cộng hoà của Tây Ban Nha và của chính phủ Manuel Azaña, họ để cháy vài tu viện ở Séville vào năm 1936. Mặc dù hưởng ứng những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội và đã bị dân quân theo Franco giết vào năm 1936, García Lorca không vì thế mà trở thành người chống giáo hội Thiên Chúa giáo. Không thích bất kỳ gán nhãn chính trị nào, không lâu trước khi qua đời, ông tự tuyên bố mình là “theo đạo Thiên Chúa, vô chính phủ, theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa truyền thống và chủ nghĩa quân chủ”, nghĩa là ít mâu thuẫn hay ít thờ ơ, và nhạy cảm hơn với mọi cung bậc của con người Tây Ban Nha.
Tất cả chúng ta hãy biết rằng lúc đó tôi lập tức ca ngợi điều đó, với tư cách là nhà thơ và là một trong những người con trai của làng, bởi vì trong tất cả vùng đồng cỏ Grenade (Vega de Grenade) - ở đó tôi không hề có một niềm say mê nào -, không có một ngôi làng nào đẹp hơn, giàu có hơn, gây xúc động hơn ngôi làng này. Tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ngôi làng xinh đẹp nào của đồng cỏ Grenade[2], nhưng tôi có đôi mắt để thấy và đủ trí thông minh để ca ngợi ngôi làng quê hương của tôi.
Ngôi làng được xây dựng trên mặt nước. Từ khắp nơi là tiếng hát của những con kênh đào dẫn nước và có những cây dương cao, gió thổi xuyên qua chúng reo lên một điệu nhạc êm dịu vào mùa hè. Ở trung tâm của làng là một đài phun nước[3] mà nước phun lên không ngừng, và trên những mái nhà ta nhìn thấy những dãy núi phơn phớt xanh của đồng cỏ, nhưng xa xăm, cách biệt, như thể chúng không muốn những tảng đá của chúng đến tận nơi đây, nơi có đất tơi xốp và màu mỡ nuôi dưỡng và phát triển mọi loại trái cây.
Tầm quan trọng của nước giống như một chủ đề liên quan đến Hồi giáo thời trung cổ và đặc biệt là văn minh Ả Rập-Andalousie: xem Patrice Cressier, “Prendre les eaux en Al-Andalus”, Médiévales 43, 2002, p. 41-54, và Pierre Guichard, “L’eau dans le monde musulman médiéval”, Travaux de la Maison de l’Orient 3, 1982, p. 117-124. Patrice Cressier đã chủ biên một tác phẩm tập thể về La Maîtrise de l’eau en Al-Andalus, do Casa de Velázquez xuất bản năm 2006.
Tính cách của dân làng khác với những người dân ở các làng lân cận. Ta nhận ra ngay một chàng trai trẻ của Fuente Vaqueros trong cả ngàn người. Nơi đó, bạn sẽ thấy anh ta hào hiệp, dễ gần, đội mũ lật ngược ra đàng sau, khéo léo và lịch sự khi trò chuyện. Nhưng anh ta sẽ là người đầu tiên trong một nhóm người xa lạ[4] chấp nhận một ý tưởng hiện đại hay đứng về một chính nghĩa.
Về phần một cô gái của làng Fuente, bạn cũng nhận ra cô giữa hàng ngàn cô gái qua óc hài hước, sự năng động, khao khát sự lịch lãm và vượt qua giới hạn bản thân của cô ấy.
Chính dân cư của làng này được thôi thúc bởi những cảm xúc nghệ thuật bẩm sinh, cụ thể và cảm nhận được nơi những người sinh ra ở đây. Cảm thụ nghệ thuật, và niềm vui, có thể nói là cảm thụ sự sống.
Tôi đã nhiều lần nhận thấy, khi bước chân vào ngôi làng này, rằng ta cảm nhận như một tiếng thì thầm, một rung động nhẹ toát ra từ nơi sâu kín nhất của mình. Đó là một tiếng thì thầm, một nhịp điệu vốn khao khát sự hoà đồng và thông cảm của con người. Tôi đã đi qua hàng trăm ngôi làng nhỏ như làng này, và tôi đã quan sát thấy ở những nơi đó một sự u sầu vốn không chỉ phát sinh từ nghèo khổ, mà còn từ thất vọng và thiếu văn hoá. Những ngôi làng chỉ sống bám vào đất và không có gì khác hơn là một cảm nhận kinh khủng về sự chết mà không có gì đưa tới những ngày tươi sáng của hạnh phúc và của một nền hoà bình xã hội chân thực.
Ta không thể không nghĩ đến Maurice Barrès với La Terre et les Morts, một phát biểu tham luận vào năm 1899 tại Ligue de la patrie française và được Nhà xuất bản l’Herne công bố lại gần đây (2016). Xem Maud Hilaire Schenker, “Le nationalisme de Barrès: moi, la terre et les morts”, - Chủ nghĩa dân tộc của Barrès: tôi, đất và những người chết -, Paroles gelées 23 (1), 2007. Nên nhớ rằng với Barrès điều tưởng tượng về quốc gia không chỉ gói gọn trong nước Pháp, và ông là tác giả của một chủ đề xuất sắc Voyage en Espagne, mà ông định nghĩa là “máu, khoái lạc, sự chết”. Xem Bartolomé Bennassar, Le Voyage en Espagne, Paris, Robert Laffont, 1998.
Về điều đó, Fuente Vaqqueros đã đạt được. Ở đây có một khao khát niềm vui, nghĩa là sự tiến bộ, nghĩa là sự sống. Và do đó, một niềm hăng say nghệ thuật, một tình yêu cái đẹp và văn hoá.
Tôi đã gặp rất nhiều người từ nhiều vùng khác nhau đi làm về, trở về nhà họ, và mệt rã rời, họ ngồi im lặng, như những bức tượng, còn chờ một ngày rồi ngày khác, mà không một chút ước muốn hiểu biết xuyên qua tâm hồn họ. Những con người nô lệ cho sự chết, vì đã không thấy dù chỉ là ánh sáng và vẻ đẹp mà tinh thần con người có thể đạt đến. Thực vậy, trên đời không có gì ngoài sự sống và sự chết, và có hàng triệu người nói, sống, thấy, ăn, nhưng họ đã chết. Chết còn hơn cả những hòn đá, và chết hơn cả những người chết thật đang mơ màng trong lòng đất, bởi vì tâm hồn họ đã chết. Chết như một cối xay gió bất động, chết vì không có tình yêu, không có mầm mống một ý tưởng, một niềm tin, một khao khát sự giải phóng mà nếu không có thì một con người sẽ không còn xứng đáng với danh xưng ấy nữa. Các bạn thân mến, đó chính là một trong những chương trình tôi quan tâm nhất trong lúc này.
Khi một người nào đó đi xem kịch, hoà nhạc hay một lễ hội bất kỳ nếu lễ hội này phù hợp với sở thích của họ, chắc chắn họ nghĩ đến những người mà họ yêu mến và tiếc rằng những người này không có mặt ở đó. “Chị tôi, cha tôi sẽ thích điều này biết bao”, họ nghĩ vậy, và thế là họ chỉ còn thưởng thức buổi trình diễn trong một nỗi u buồn nhè nhẹ. Tôi đã cảm nhận chính là nỗi u buồn ấy, không phải cho những người của riêng gia đình tôi, nếu vậy hoá ra nhỏ nhen, mà cho tất cả những người, vì không có phương tiện hay không may, bị tước mất điều thiện tuyệt đỉnh của cái đẹp, vốn là sự sống và lòng tốt và sự thanh thản và niềm đam mê.
Chủ đề trung tâm của thơ ca của Lorca. Xem Jocelyne Aubé-Bourligueux, Lorca ou la Sublime Mélancolie, Paris, Éditions Aden, 2008.
Chính vì vậy mà tôi đã không bao giờ sở hữu một quyển sách vì tôi tặng tất cả những gì tôi mua – và có rất nhiều – và chính vì vậy ở đây tôi vinh dự và vui sướng được khánh thành thư viện này của làng, có lẽ là thư viện đầu tiên trong toàn tỉnh Grenade.
Con người không chỉ sống nhờ bánh mì. Nếu tôi bị quẳng ra đường, đói khát và nghèo túng, tôi sẽ không xin một ổ bánh mì: tôi sẽ đòi nửa ổ bánh mì và một quyển sách. Ở đây, tôi cực lực phản đối những người chỉ nói đến những yêu sách về kinh tế mà không bao giờ đề cập đến nhưng yêu sách về văn hoá, vốn là những điều mà nhân dân các nước lớn tiếng kêu đòi. Tất nhiên tất cả đều được ăn no là một điều tốt, nhưng tất cả đều cần có hiểu biết. Mọi người cần được hưởng những thành quả của trí tuệ con người, bởi vì điều ngược lại sẽ đơn giản biến họ thành những bộ máy phục vụ cho Nhà Nước, làm nô lệ cho một tổ chức xã hội kinh khủng.
Về truyền thống đấu tranh xã hội và vô chính phủ trong nông nghiệp đặc thù của vùng Andalousie từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tham khảo Eric Hobsbawm, Primitive Rebels (1959), và chẳng hạn như, John Corbin, “El anarquismo andaluz: perspectiva desde la antropología social”, Revista de antropología social 2, 1993, p. 73-104. Những không tưởng và những viễn cảnh đen tối đặc trưng của châu Âu giữa hai thế chiến vang vọng đến Andalousie qua một truyền thống cũ về nông dân nổi loạn chống lại những điền trang lớn được thừa kế từ thời La Mã, người ta nói vậy.
Ý trưởng về những nhu cầu và yêu sách về văn hoá hơn là về kinh tế xã hội đã thời thượng trở lại từ đầu thế kỷ của chúng ta (Thế kỷ XX - ND). Về một chẩn đoán tương đối sớm, tham khảo Alain Touraine, Un Nouveau Paradigme, Paris, Fayard, 2005.
Tôi thương xót một người muốn biết mà không thể biết hơn là một người đói. Một người đói có thể dễ dàng xoa dịu cái đói với một mẩu bánh mì hay vài trái cây, trong khi một người khát khao hiểu biết mà không có phương tiện phải chịu một sự đau đớn khinh khủng, vì anh ta cần sách, cần sách và cần nhiều sách nữa. Và những quyển sách ấy ở đâu?
Vào đầu thế kỷ XX, Tây Ban Nha chỉ có 6 triệu người biết chữ trong số 14 triệu dân. Xem Jean-François Botrel, Libros y lectores en la España del siglo XX, Rennes, JFB, 2008.
![]() |
Fyodor Dostoevsky (1821-1881) |
Sách, sách! Đó là một từ ngữ kỳ diệu, có nghĩa là “tình thương, tình thương”, mà nhân dân các làng[5] phải kêu đòi như họ đòi bánh mì hay như họ mong mưa cho mùa vụ của họ. Khi nhà văn nổi tiếng Fédor Dostoïevski, là cha đẻ của Cách mạng Nga hơn cả Lénine, bị đày ở Sibérie, cách xa thế giới bên ngoài, bị giam trong bốn bức tường và bao quanh bởi những vùng đồng bằng hoang vắng với tuyết phủ đến vô tận, trong những bức thư cầu cứu đến gia đình ông ở nơi xa, ông chỉ viết: “hãy gửi sách cho tôi, nhiều sách để tâm hồn tôi không gục ngã!”. Ông thấy lạnh nhưng ông không yêu cầu lửa sưởi ấm, ông khát nước kinh khủng nhưng ông không yêu cầu nước, ông yêu cầu nhiều sách, nói cách khác là những chân trời, nói cách khác là những bậc thang tiến lên các đỉnh của trí tuệ và tình thương. Thực vậy, sự đau đớn thể xác, sinh học, tự nhiên của cơ thể, vì đói, khát, hay lạnh chỉ kéo dài một lúc, một lúc ngắn, trong khi sự đau đớn của một tâm hồn bị ẩn ức kéo dài cho đến khi cuộc sống kéo dài.
Việc tiếp nhận tác phẩm của Dostoïevski ở Tây Ban Nha là do các tác giả thành viên của “thế hệ 1898” như Miguel de Unamuno hay Pío Baroja, nguồn ảnh hưởng chính đối với García Lorca. Xem Jordi Morillas Esteban, “F. M. Dostoievski en España”, Mundo eslavo 10, 2011, p. 119-143.
![]() |
Menéndez Pidal (1869-1968) |
Nhà ngữ văn và sử học nổi tiếng Menéndez Pidal[6], một trong những nhà hiền triết đích thực của châu Âu đã nói rồi: Khẩu hiệu của nền Cộng Hoà[7] phải là “Văn hoá”. Văn hoá, bởi vì chỉ qua văn hoá mới giải quyết được những vấn đề mà dân chúng ngày nay đang cố gắng đấu tranh, giàu niềm tin nhưng thiếu ánh sáng soi đường.
Ta gặp lại ở đó điệp khúc của thế hệ 1898 - Pío Baroja, Unamuno, Ramón del Valle Inclán, Rubén Darío, v.v.. Dưới dấu ấn của tai hoạ năm 1898 (chiến tranh Cuba và mất những mảng cuối cùng của đế quốc thực dân Tây Ban Nha ở châu Mỹ, Thái Bình Dương và châu Á), các tác giả này trở thành những người ca ngợi một sự “phục hồi” của đất nước được xây dựng dựa nhiều trên văn hóa, thậm chí còn nhiều hơn là dựa trên sự tiến bộ về vật chất; là người xứ Basque, Andalousie, Galice, nhưng họ làm cho vùng Castille thành suối nguồn tuổi trẻ của họ, nhưng là một Castille được lui tới thăm viếng, được trở thành di sản và được phát hiện lại từ bên ngoài.
![]() |
Margaret Mead (1901-1978) |
![]() |
Và đừng quên rằng ánh sáng là sự khởi đầu của tất cả. Rằng chính ánh sáng vốn tác động lên một vài cá nhân tạo ra nhân dân, và nhân dân sống và phát triển nhờ những ý tưởng nẩy mầm trong một số đầu óc được ưu ái, đầy tình thương cao thượng đối với tha nhân.
Như Edgar Morin nói rõ ra và nhấn mạnh trong tác phẩm của ông Voie: pour l’avenir de l’Humanité - Con đường: Vì tương lai của nhân loại - (Paris, nhà xuất bản Fayard, 2011), khi trích dẫn nhà nhân học Margaret Mead, “Đừng bao giờ nghi ngờ điều một nhóm nhỏ các cá nhân có ý thức và dấn thân có thể thay đổi thế giới. Chính luôn luôn qua cách đó mà sự thay đổi đã xảy ra”. Tiên phong, hay ngợi ca sự mong manh…
Vì tất cả điều đó, các bạn không thể hình dung được niềm vinh dự được khánh thành thư viện công cộng của Fuenta Vaqueros đem lại cho tôi niềm vui lớn như thế nào! Một thư viện, là một sự tụ hội những quyển sách được lựa chọn và tập hợp lại, đó là một tiếng nói vang lên chống lại sự ngu dốt, một ánh sáng vĩnh cửu đối diện với bóng tối.
Còn hơn là một sáo ngữ, thế giới Tây Ban Nha trong những thế kỷ XIX và XX có rất nhiều tác giả muốn làm cho giáo dục và việc đọc trở thành nền tảng của một nền văn hoá công dân được chia sẻ. Đặc biệt ta nghĩ đến tác phẩm không bao giờ cạn nguồn của nhà văn Argentine Domingo Faustino Sarmiento trong những năm từ 1840 đến 1880. Ở đó có một kẽ hở mà ta có thể đặt những lời của García Lorca: lấy lại những ý tưởng cũ xưa đã ngót một thế kỷ, tác phẩm cuối cùng đẹp nhất của một sự không tưởng về tính công dân của văn chương vốn đang suy tàn, nhưng trong một nước Tây Ban Nha còn đang xoá mù chữ hai mươi năm trước khi phía bắc của châu Âu tiến vào một quá trình đại chúng hoá giáo dục đại học. Ta có thể thấy ở đó, tuỳ lựa chọn - không tuyệt đối – một trong những dấu hiệu của “sự chậm trễ của Tây Ban Nha”, hay hiệu ứng của vị trí tương đối ngoài rìa trong một hệ thống thế giới dù sao cũng mang tính quyết định. Xem Jordi Nadal et Carles Sudriá, “La controverse sur le retard économique de l’Espagne”, Revue d’histoire moderne et contemporaine, vol.41 (2), 1994, pp. 329-352, và Immanuel Wallerstein, The Modern World System III, San Diego, Academic Press, 1989.
Khi cầm quyển sách trên tay, không ai nhận ra là đã có biết bao cố gắng, đau đớn, chăm lo và máu. Sách, rõ ràng là tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại. Thường có trường hợp một dân tộc ngủ quên như mặt nước hồ một ngày không có gió. Ếch nhái ngủ dưới đáy hồ và chim muông bất động trên những cành cây chung quanh hồ. Nhưng bỗng nhiên bạn hãy ném một hòn đá xuống hồ. Bạn sẽ thấy một sự bùng nổ các vòng đồng tâm, những con sóng tròn vừa mở rộng ra vừa xô đẩy nhau và vỡ tan khi va vào bờ hồ. Bạn sẽ thấy sự run rẩy của toàn bộ khối nước, ếch nhái ào lên mọi phương hướng, một sự xáo động trên tất cả bờ hồ, và cho đến cả những con chim đang ngủ trên những cành cây rậm rạp cũng bỗng nhiên bay đi từng đàn trên trời xanh. Thường khi, một đân tộc ngủ như nước trong hồ một ngày không có gió, và một hay vài quyển sách có thể lay động họ, thúc đẩy họ và chỉ cho họ những chân trời mới của sự thăng hoa và hoà hợp.
Con người đã phải thực hiện biết bao cố gắng để sản xuất một quyển sách! Và những cố gắng này đã, đang và sẽ có ảnh hưởng to lớn biết bao trên thế giới! Voltaire rất sáng suốt đã nói: toàn bộ thế giới văn minh đã được điều hành qua những quyển sách, Kinh Thánh, kinh Coran, các tác phẩm của Khổng Tử và của Zoroastre. Và linh hồn và thể xác, sức khoẻ, tự do và tài sản phải tuân thủ và lệ thuộc những tác phẩm lớn này. Và tôi, tôi nói thêm: tất cả đều đến từ sách. Cách mạng Pháp đến từ Bách khoa toàn thư và các sách của Rousseau, tất cả các phong trào xã hội chủ nghĩa và cộng sản hiện nay đều xuất phát từ một quyển sách quan trọng, quyển Tư bản của Karl Marx.
Nhưng cho đến khi con người thành công trong việc sản xuất ra sách để phổ biến chúng, biết bao thảm kịch bất tận và cuộc đấu tranh mà con người đã phải gánh chịu! Những con người đầu tiên làm những quyển sách bằng đá, nghĩa là họ khắc những dấu hiệu của tôn giáo của họ lên các thành núi. Vì không có sẵn phương tiện nào khác, họ khắc lên đá những mong ước của họ, với niềm khát khao sự bất tử, sự sống còn, vốn tạo nên sự khác biệt giữa loài người và loài thú[8]. Tiếp đến, họ dùng kim loại. Aeron, giáo sĩ cách đây hàng nghìn năm của người Hébreux, em của Moïse, mang trên mình một bảng đồng đầy những câu khắc, và những tác phẩm của nhà thơ Hy Lạp cổ Hésiode, ông tin đã thấy chín nàng thơ nhảy múa trên đỉnh Hélicon [tên một ngọn núi ở vùng Béotie – Hy Lạp - ND -], được khắc ghi trên những bảng bằng chì. Về sau, người Chaldea và Assyria cổ đã viết được các luật và biên niên sử của họ trên gạch, bằng cách cho chạy một mũi dùi trên bề mặt gạch trước khi gạch khô. Nhờ đó họ đã có những thư viện lớn với những bảng bằng đất sét, vì họ là những cư dân đã tiến bộ, và có những nhà thiên văn học xuất chúng, những người đầu tiên xây nên những tháp cao và tập trung nghiên cứu vòm trời.
Người Ai Cập, ngoài việc viết lên các cánh cửa của những ngôi đền đồ sộ của họ, họ còn viết trên những tấm giấy làm từ thực vật gọi là papyrus (giấy cói) mà họ chế tạo thành từng cuộn. Đó là lúc sách đúng nghĩa xuất hiện. Vì Ai Cập cấm xuất cảng chất liệu thực vật này, người dân vùng Pergame [nay là Bergama tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ - ND] cũng muốn có sách và một thư viện, đã có ý tưởng dùng da động vật phơi khô; do đó đã xuất hiện giấy da (parchemin) đã thay thế giấy cói không lâu sau đó và trở thành vật liệu duy nhất của sách cho đến khi phát minh ra giấy.
Khi tôi kể điều này cho các bạn một cách ngắn gọn, không nên quên rằng giữa một sự kiện và sự kiện tiếp theo thì có thể đã có nhiều thế kỷ trôi qua; nhưng con người luôn chiến đấu hết sức mình, với cả đôi mắt và máu của mình, để định hình, phổ biến và biểu thị tư tưởng và vẻ đẹp trong thiên thu.
Khi Ai Cập đi đến việc thôi không bán giấy cói nữa, vì họ cần giấy hay do không muốn, thì ai ở Pergame đã trải qua nhiều đêm, nhiều năm cố gắng gian khổ cho đến khi họ có ý tưởng viết trên da thú được phơi khô? Người nào, hay những người nào là những người trong gian khổ tìm một vật liệu để viết lên đó tư tưởng của những nhà hiền triết lớn và của những nhà thơ? Không phải là một người hay một trăm người. Đó là toàn bộ Nhân loại đã bí mật thúc đẩy họ làm việc đó.
Thế thì, một khi giấy da được chấp nhận, thư viện lớn của Pergame được xây dựng, đó là một trung tâm thực sự của ánh sáng trong nền văn hoá cổ điển. Và những bộ luật lớn được viết ra. Diodorus Siculus khẳng định rằng những quyển sách thiêng lớn của người Persan xưa bao gồm giấy da làm từ da của không ít hơn một ngàn hai trăm con bò.
Toàn bộ La Mã viết trên giấy da. Tất cả các tác phẩm của những nhà thơ La Tinh lớn, những mẫu mực muôn đời của sự sâu sắc, hoàn hảo và vẻ đẹp, đã được viết trên giấy da. Chính trên giấy da đã lộ ra thơ trữ tình mãnh liệt của Virgile, và chính trên miếng da vàng nhạt này đã lấp lánh ánh sáng nồng nàn của văn xuôi rực rỡ của Sénèque, triết gia Tây Ban Nha.
Nhưng hãy bàn về giấy. Từ thời Thượng Cổ, Trung Quốc đã biết đến giấy. Giấy được làm từ gạo. Sự phổ biến giấy đánh dấu một giai đoạn to lớn trong lịch sử thế giới. Ta có thể xác định chính xác ngày giấy của Trung Quốc xâm nhập vào phương Tây vì lợi ích của nền văn minh: ngày vinh quang ấy là ngày 7 tháng bảy năm 751 sau Công Nguyên.
Các sử gia Ả Rập và Trung Quốc đồng ý với nhau về điều này. Có một điều là người Ả Rập, khi xung đột với người Trung Quốc tại Triều Tiên đã thành công trong việc xuyên thủng biên giới của Thiên Triều và bắt nhiều người tù. Một số người tù hành nghề làm giấy, và chuyển giao bí mật của họ cho người Ả Rập. Những người này được đưa đến Samarcande, ở đó họ tiếp tục công việc dưới triều đại của vua (sultan) Haroun al-Rachid, một nhân vật phi thường đã ám ảnh những chuyện kể Nghìn lẻ một đêm.
Ở đây tác giả ám chỉ trận đánh Talas ở Kyrgyzstan hiện nay. Ta không thấy rõ mối liên hệ với Triều Tiên, nhưng thực tế là từ rất lâu đã ngự trị ý tưởng theo đó quân chinh phục Ả Rập đã biết đến giấy qua những người tù Trung Quốc. Vậy là Phương Tây của chúng ta vừa văn chương vừa sính giấy tờ bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa đội quân của Vương Quốc Hồi giáo Abbas và Nhà Đường Trung Quốc. Ta từng biết căn nguyên tồi tệ hơn.
Lúc đầu giấy được chế tạo từ bông vải, nhưng vì ở xứ những người Ả Rập khan hiếm vật liệu này, họ đã học cách sản xuất giấy từ sợi giẻ, và như vậy họ đã đóng góp vào sự xuất hiện của giấy hiện đại. Nhưng sách vẫn còn dưới dạng chữ viết. Sách được viết bởi những thư lại, là những người điềm tĩnh, chép từ trang này sang trang khác một cách rất khéo léo và kiên nhẫn, nhưng rất ít trong số họ có thể sở hữu những quyển sách này.
Khi các sưu tập những cuộn giấy cói hay giấy da thuộc sở hữu các ngôi đền hay kho lưu trữ của vương triều, những bài viết tay trên giấy đã được lưu truyền rộng rãi hơn, nhưng vẫn trong vòng giới tinh hoa có đặc quyền. Nhiều quyển sách đã được tạo ra như vậy, nhưng không vì vậy mà người ta bỏ giấy da, trên đó các nghệ sĩ vẽ những bức tranh nhỏ tuyệt đẹp với màu sắc sống động, với một vẻ đẹp và một cường độ đến mức ngày nay nhiều quyển sách này được bảo tồn trong những thư viện lớn như những báu vật thực sự, còn quý hơn vàng hay những loại ngọc được đẽo gọt đẹp nhất. Tôi đã xúc động chân thành khi cầm một vài quyển sách này trong tay. Một số tập sách Ả Rập của thư viện Escorial và bộ Lịch sử tự nhiên (Histoire naturelle) của Albert le Grand, tập sách của thế kỷ XIII được bảo tồn tại Đại học Grenade, mà tôi đã cận kề trong nhiều giờ liền, mà không thể rời mắt khỏi những bức tranh vẽ thú vật, được thể hiện qua nét cọ tinh tế hơn cả không khí, với những màu sắc xanh nhạt và hồng và xanh lục và vàng kết hợp với nhau trên nền những tấm bảng bằng vàng. Nhưng con người còn muốn hơn nữa. Một cách bí mật, Nhân loại đã thúc đẩy một vài người trong chúng ta để mở ra với những cây rìu ánh sáng khối gỗ dầy của sự ngu dốt. Vì thế, những quyển sách, lẽ ra mọi người phải tiếp cận được, vẫn là những trường hợp của các vật dụng sang trọng, mà lẽ ra đó là những tài sản cần thiết hàng đầu. Khắp các núi đồi và thung lũng, ở thành thị và bên bờ sông, hàng triệu người chết mà không biết một chữ là gì. Nền văn hoá lớn thời Cổ đại chìm trong quên lãng, và những mê tín dị đoan đê hèn nhất đã đánh lạc hướng ý thức của dân chúng.
Người ta nói rằng ham muốn hiểu biết đến cháy lòng mở được những cánh cửa ngoan cố nhất, và điều đó đúng. Niềm khao khát mơ hồ này của con người đã đã dẫn dắt một số người học hỏi, làm những thử nghiệm, và do đó vào thế kỷ XV, tại Mayence, nước Đức, đã xuất hiện máy in đầu tiên trên thế giới. Rất nhiều người tranh giành phần của mình đối với phát minh này, nhưng chính Gutenberg đã hoàn tất phát minh này. Ông đã có ý tưởng đúc khuôn các mẫu tự trên chì và in ra giấy, điều này giúp sản xuất mỗi quyển sách với số lượng nhiều vô tận. Có gì đơn giản hơn! Có gì khó khăn hơn! Biết bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua nhưng ý tưởng này đã không nảy sinh trong trí óc con người. Tất cả chìa khoá của những bí mật của chúng ta nằm trong tay chúng ta, bao quanh chúng ta tự muôn đời, nhưng mở những cánh cửa nhỏ mà những chìa khoá này đang ẩn giấu phía sau là một khó khăn rất to lớn cho chúng ta!
Có lẽ ta tìm thấy phương thuốc cho nhiều bệnh không chữa được trong những vật liệu tự nhiên, nhưng đâu là sự kết hợp đúng đắn và chính xác qua đó phép lạ xảy ra? Trong lịch sử thế giới đã không thường có sự kiện nào quan trọng hơn phát minh ra máy in. Phát minh này có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với hai sự kiện lớn khác cùng thời: phát minh ra thuốc súng và phát hiện ra châu Mỹ. Thực vậy, mặc dù thuốc súng đại bác dẫn đến sự chấm dứt của chế độ phong kiến, động viên nhiều quân đội lớn và hình thành nhiều dân tộc mạnh, vốn trước đây bị phân tán bởi giới quý tộc, và mặc dù sự khai sinh của châu Mỹ khơi dậy sự dịch chuyển của một Lịch sử được hồi sinh và chấm dứt một bí mật địa lý hàng nghìn năm, còn máy in sẽ gây ra một cuộc cách mạng trong những tâm hồn, mạnh đến nỗi làm rung chuyển tận nền móng các xã hội. Thế nhưng nó đã sinh ra trong yên lặng và rụt rè nhường nào!
Trong khi thuốc súng làm nổ tung những bông hồng lửa trên chiến trường và Đại Tây Dương tải đầy những chiếc tàu với những cánh buồm no gió, đi lại với vàng và những món hàng quý, thì trong im lặng, tại thành phố Anvers, Christophe Plantin đã thiết lập nhà máy in và nhà sách quan trọng nhất thế giới, và - cuối cùng!- sản xuất những quyển sách giá rẻ đầu tiên.
Thời đại của chúng ta cho rằng sự khai sinh ra châu Mỹ là quan trọng hơn, và nhất là sự khám phá đầy đủ thế giới đã được thúc đấy nhanh, là nền tảng của toàn cầu hoá của chúng ta (xem Serge Gruzinski, Les Quatre Parties du monde, Paris, La Martinière, 2004). Thế nhưng… Những nghiên cứu hiện nay của Serge Gruzinski là về cách mà việc sử dụng các bài viết và những chuyện kể theo thời gian, từ các tu sĩ dòng Phanxico mặc dù nặng về thuyết tương đối hơn thông thường của thời đó, đã đóng góp vào “cách nhìn lịch sử” của phương Tây về người Mỹ bản địa: Jack Goody, xem The Theft of History, Cambridge, 2006.
Thế thì, những quyển sách cổ, chỉ còn một số rất ít, đang thôi thúc trước cửa các nhà in và các ngôi nhà của các bậc hiền triết, lên tiếng kêu đòi được xuất bản, được dịch và phổ biến trên khắp thế giới. Đó là một thời điểm quan trọng của thế giới. Đó là thời kỳ Phục Hưng. Là bình minh huy hoàng của các nền văn hoá hiện đại mà chúng ta đang sống.
Rất nhiều thế kỷ trước giai đoạn mà tôi vừa kể, sau sự sụp đổ của Đế Quốc La Mã, sau những cuộc xâm lăng dã man và chiến thắng của đạo Thiên Chúa, sách đã trải qua một thời điểm nguy nan kinh khủng nhất. Các thư viện bị tàn phá, sách bị phân tán. Tất cả triết học và thơ ca của người xưa thời Cổ đại sắp biến mất. Những bài thơ của Homère, những tác phẩm của Platon, tất cả tư tưởng của Hy Lạp, ánh sáng của châu Âu, thơ ca La Tinh, luật La Mã, tất cả, tuyệt nhiên là tất cả. Nhờ sự chăm sóc của các tu sĩ, sợi dây không bị đứt quãng. Các tu viện xưa đã cứu Nhân loại. Tất cả văn hoá và tri thức đã ẩn nấp trong các tu viện, ở đó những con người minh triết và giản dị, không bị ràng buộc bởi cuồng tín và cố chấp – cố chấp là điều mới hơn nhiều – bảo tồn và nghiên cứu những tác phẩm lớn tối cần thiết cho con người. Khi làm việc ấy, họ đã học những ngôn ngữ cổ để hiểu sách, và chính như vậy mà một triết gia ngoại đạo như Aristote đã có ảnh hưởng quyết định đối với triết học Thiên Chúa giáo. Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, các tu sĩ dòng thánh Benedict vùng núi Athos thu thập và bảo tồn vô vàn tác phẩm, chính nhờ họ mà chúng ta thực sự biết được những tác phẩm hay nhất của Nhân loại thời cổ đại.
Nhưng không khí trong lành của thời Phục Hưng của nước Ý bắt đầu lan toả và những thư viện mọc lên khắp nơi. Thế là những bức tượng các vị thần xưa được khai quật, nhiều ngôi đền tráng lệ bằng đá hoa được phục chế, những học viện như Côme de Médicis đã xây dựng tại Florence để nghiên cứu các tác phẩm của triết gia Platon đã mở cửa, và cuối cùng là Giáo Hoàng Nicolas V gửi sứ giả đi khắp thế giới để thu thập những quyển sách và trả thù lao hậu hĩ những người phiên dịch cho họ.
Nhưng điều đó có tuyệt vời bao nhiêu chăng nữa, thì cũng chính nhà xuất bản Christophe Plantin ở Anvers là người hoàn thành bước quyết định. Chính từ ngôi nhà nhỏ này, với cái sân nhỏ phủ đầy dây thường xuân và những cửa sổ kính hàn chì, đã toả ra ánh sáng đến cho mọi người dưới dạng sách giá rẻ. Chính từ đó một cuộc tấn công rộng lớn chống lại sự ngu dốt đã được tiến hành, mà ngày nay ta cần theo đuổi với một lòng hăng say quyết liệt, bởi vì sự ngu dốt vẫn còn kinh khủng và chúng ta biết rằng nơi nào sự ngu dốt ngự trị thì không có gì dễ hơn là lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu, giữa sự thật và dối trá.
Tất nhiên, những kẻ hùng mạnh, vốn đã sở hữu những bản viết tay và sách bằng giấy da, chế nhạo sách bằng giấy, như là một thứ đáng khinh thường và tầm thường, vì mọi người đều có thể tiếp cận loại sách này. Những quyển sách của họ được trang trí với những chữ sơn vẽ vàng óng, trong khi sách của những người khác chỉ là giấy đơn sơ được lấp đầy chữ. Nhưng vào giữa thế kỷ XV, và nhờ những hoạ sĩ tuyệt vời người flamand, anh em Van Eyck, họ cũng là những hoạ sĩ tranh sơn dầu đầu tiên, tranh khắc đã xuất hiện, và các sách đầy những tranh bản sao, chúng vô cùng hỗ trợ các độc giả. Vào thế kỷ XVI, thiên tài Albert Dürer hoàn thiện tranh khắc, và sách đã có thể sao lại các bức tranh, phong cảnh, người. Tranh khắc tiếp tục hoàn thiện trong suốt thế kỷ XVII để đạt đến vào thế kỷ XVIII những tranh minh hoạ tuyệt vời và đạt đỉnh cao của vẻ đẹp của sách giấy.
Thế kỷ XVIII đạt đến mức tuyệt diệu về sách đẹp. Người ta xuất bản những tác phẩm đầy tranh khắc và khắc axit, được làm một cách cẩn thận và với một tình yêu đến nỗi ngày nay, chúng ta những con người của thế kỷ XX vẫn không vượt qua được những sách này, cho dù đã có những tiến bộ to lớn.
Sách không còn là một công cụ văn hoá dành cho một số người, mà trở thành một nhân tố xã hội mạnh mẽ. Những hiệu ứng sớm được cảm nhận. Mặc cho những bức hại, và mặc dù sách thường làm mồi cho các ngọn lửa, Cách mạng Pháp bùng lên, đó là tác phẩm xã hội đầu tiên của sách.
Thực vậy, những sự đàn áp thường bất lực trước sách. Vũ khí, tiền bạc, những ngọn lửa, không thể làm gì được chống lại sách, bởi vì ngay cả khi bạn có thể làm cho một tác phẩm biến mất, bạn không thể rứt ra khỏi vô số đầu óc đã học được một điều gì đó ở sách; và dù những đầu óc này không nhiều, bạn cũng không biết họ ở đâu.
Sách đã bị đàn áp bởi đủ loại Nhà Nước và đủ loại tôn giáo, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì so với việc sách đã được yêu mến biết bao nhiêu. Bởi vì khi một ông hoàng phương đông cuồng tín đốt thư viện Alexandrie, thì Alexandre Đại Đế lại cho lập một cái rương được trang trí lộng lẫy với tráng men và đá quý để cất giữ tác phẩm Iliade của Homère; những người Ả Rập vùng Cordou chế tạo ra một điều tuyệt vời là Mihrab [là hốc lõm trên bức tường chính điện thường được gọi là bức tường cầu nguyện được xây dựng nằm về hướng Tây là hướng Thánh địa Mecca - ND -] trong đền thờ Hồi giáo của họ và đặt ở đó quyển kinh Coran trước đây thuộc về vua Hồi giáo Omar, và dù sao đi nữa, các thư viện cũng tràn ngập thế giới, và ta thấy chúng tận các đường phố và ngoài trời trong các công viên thành phố.
García Lorca, người con của Andalousie, báo trước cuộc tranh luận lớn về lịch sử và văn hoá sẽ xâu xé Tây Ban Nha của thế kỷ XX vượt ra ngoài những lưu đày. Tranh luận của những nhà sử học: với Claudio Sánchez Albornoz, Tây Ban Nha ra khỏi quá trình Tái Chinh phục, một xã hội quân sự với biên giới được tạo ra từ một cuộc tiến quân như vũ bão xuyên qua các cao nguyên vùng Castille báo trước cuộc viễn chinh thực sự, cuộc chinh phục châu Mỹ; với Américo Castro, Tây Ban Nha nằm ở phía Nam, là một hỗn hợp, Andalousie và là con của Ba Tôn giáo, thừa hưởng dồi dào từ các nguồn Do Thái giáo và Hồi giáo. Một hỗn hợp bao gồm vùng Tolède, trường dạy phiên dịch và lò luyện một thứ thép có một không hai. Một sợi dây được mài dũa và cầu nối giữa các nền văn hoá. Chúng ta không quên Tây Ban Nha.
Mỗi ngày các nhà xuất bản cố gắng hạ thấp giá sách, và ngày nay mọi người đều tiếp cận được với sách qua quyển sách lớn hàng ngày là tờ báo, quyển sách được mở ra với hay hai ba tờ đến với chúng ta thấm đẫm mùi hương của sự tò mò và mực còn ướt, cái tai này nghe những tin tức của tất cả các quốc gia một cách hoàn toàn khách quan. Hàng ngàn tờ báo này là những tiếng đập thực sự của con tim đồng lòng của thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngắn ngủi của mình, ngôi làng này từ nay sở hữu một bước đầu của thư viện. Điều quan trọng là đặt viên đá đầu tiên, bởi vì tôi sẽ giúp sau đó, cũng như tất cả các bạn, để xây dựng nó. Đó là một sự kiện quan quan trọng, nó làm tôi vui, và tôi lấy làm vinh dự vì tiếng nói của tôi được phát biểu tại đây vào dịp khánh thành, bởi vì gia đình tôi đã hợp tác mạnh mẽ với văn hoá của các bạn. Mẹ tôi, như tất cả các bạn đều biết, đã hào phóng dạy học cho nhiều cư dân của ngôi làng này, vì chính để dạy học mà bà đã đến đây, và tôi nhớ lại, khi còn nhỏ, đã nghe bà đọc to để được nhiều người lắng nghe. Ông bà của tôi đã phục vụ làng với nhiều trí tuệ, và rất nhiều giai điệu và bài hát mà các bạn đã hát đã được sáng tác bởi một nhà thơ già trong gia đình tôi. Chính vì vậy mà tôi thấy rất hài lòng trong lúc này, và tôi hướng đến những người sở hữu một tài sản nào đó để đề nghị họ đóng góp vào mục đích tốt đẹp này, góp tiền để mua sách, vì đó là nghĩa vụ, là bổn phận của các bạn. Đối với những người không có những phương tiện này, tôi mời các bạn đến đọc, đến bồi dưỡng trí tuệ của các bạn, vì đó là con đường duy nhất tiến đến sự giải phóng về kinh tế và xã hội của các bạn. Thư viện được nuôi dưỡng với sách mới và bạn đọc mới là điều tối cần thiết, và các giáo viên nên cố gắng không dạy trẻ em đọc một cách máy móc, như vẫn còn quá nhiều trường hợp như vậy, nhưng họ phải vun xới cho trẻ em cảm nhận của sự đọc, nghĩa là một dấu chấm và một dấu phẩy có giá trị gì trong diễn tiến và hình thức của một ý tưởng được viết ra.
Và nhiều sách! Nhiều sách! Sách phải bắt đầu đến tận cái thư viện của làng Fuente. Tôi đã viết thư cho nhà xuất bản của cư xá sinh viên ở Madrid, nơi tôi đã học trong nhiều năm, và cho nhà xuất bản Ulises, để xem tôi có thể được họ gửi đến đây những bộ sưu tập sách đầy đủ của họ, và tất nhiên tôi sẽ gửi những quyển sách tôi đã viết cũng như của các bạn tôi.
Những quyển sách đủ mọi khuynh hướng, đủ mọi luồng ý tưởng. Những tác phẩm về thần thánh, huyền bí, về các vị thánh cũng như những tác phẩm rực lửa của các nhà cách mạng và những người hành động. Hãy để Cantique spirituel của Jean de la Croix, đỉnh cao của thơ ca Tây Ban Nha, đối mặt với những tác phẩm của Tolstoï. Hãy để Cité de Dieu của Saint Augustin nhìn thẳng vào trong mắt Ainsi parlait Zarathoustra của Nietzsche hay Le Capital của Marx. Bởi vì, các bạn thân mến, tất cả những tác phẩm này gặp nhau về phương diện tình yêu của Nhân loại và sự nâng cao trí tuệ, và rốt cùng lại, tất cả những tác phẩm này hoà quyện và trộn lẫn vào nhau trong một lý tưởng tối thượng.
Và những độc giả! Nhiều độc giả! Tôi biết rằng tất cả không có cùng trí tuệ, cũng như tất cả không có cùng gương mặt; rằng có những trí tuệ tuyệt vời, và những trí tuệ teo tóp, cũng như có những gương mặt khó ưa và những gương mặt đẹp, nhưng mỗi người sẽ rút ra từ sách điều họ có thể rút ra, sẽ luôn luôn có lợi cho họ, và tuyệt đối mang tính cứu nguy đối với một số người. Thư viện này phải phục vụ một mục đích xã hội, bởi vì nếu ta chăm sóc nó, ta làm gia tăng số độc giả, và nó dần dần được làm phong phú thêm với những tác phẩm mới, thì trong vài năm nữa ta sẽ nhìn thấy trong làng, hãy tin chắc như vậy, một trình độ văn hoá cao hơn. Và nếu thế hệ đang nghe tôi hôm nay, do thiếu chuẩn bị, không có khả năng rút ra từ những quyển sách tất cả những gì mà sách có thể mang lại, thì con cái của các bạn sẽ làm được. Tất cả các bạn nên biết rằng chúng ta, những con người, không làm việc cho chính chúng ta, mà cho nghững người đi theo chúng ta, và đó chính là ý nghĩa đạo đức của tất cả các cuộc cách mạng, và rốt cùng là ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Những người cha tranh đấu cho con và cháu họ, và lòng ích kỷ đồng nghĩa với sự cằn cỗi. Vào thời điểm Nhân loại tiến đến không còn giai cấp xã hội, như chúng đã được thiết lập, nhân loại phải chứng tỏ tinh thần hy sinh và quên mình trong tất cả mọi lĩnh vực, để tăng cường văn hoá, là con đường cứu nguy duy nhất cho các dân tộc.
Tôi tin chắc rằng Fuente Vaqqueros, vốn đã là một ngôi làng với trí tưởng tượng sắc sảo và tâm hồn trong sáng và vui vẻ như nước phun ra từ đài phun của làng, sẽ rút được nhiều điều từ thư viện này và thư viện sẽ hữu ích cho tất cả mọi người ấp ủ những ước muốn mới và những niềm vui mới về hiểu biết. Tôi đã giải thích cho các bạn những nét lớn cố gắng của con người để đi đến chỗ làm được những quyển sách đặt trong tầm tay của mọi người. Mong rằng bài học nhỏ và khiêm tốn này sẽ hữu ích giúp các bạn yêu sách và tìm đến tình bạn với sách. Bởi vì con người thì chết đi, nhưng sách thì ngày càng sống động hơn, vì cây cối thì úa tàn nhưng sách thì mãi xanh tươi, bởi vì vào mọi thời khắc, giờ giấc, sách đều mở ra để trả lời một chất vấn hay cho lời khuyên một cách hào phóng.
Và tất nhiên, các bạn hãy biết rằng, những tiến bộ xã hội và những cuộc cách mạng được thực hiện cùng với sách, rằng những người điều khiển các cuộc cách mạng thường chết như Lénine vĩ đại vì đã nghiên cứu quá nhiều, đã quá ham muốn ôm chặt với trí tuệ của họ. Vũ khí hay máu không có giá trị gì nếu các ý tưởng không được định hướng tốt và không được tiếp thu trong đầu những con người. Và nhân dân phải đọc để học được không những ý nghĩa đích thực của tự do, mà còn là ý nghĩa đích thực của sự hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết cuộc sống.
Xin cám ơn tất cả. Cám ơn ngôi làng, đặc biệt cám ơn phân ban xã hội chủ nghĩa đã luôn dành cho tôi sự quan tâm tốt nhất, và cám ơn ông trưởng làng, ngài Rafael Sánchez Roldán, một người tốt, chân thực và người con trung thành của lao động, bằng những cố gắng của mình, ông đã biết cách đạt được nhận thức trong sáng về thời đại của mình, và nhờ ông mà thư viện công cộng này từ nay đã trở thành hiện thực.
Tôi xin chào tất cả. Những người sống và những người chết, bởi vì người sống và người chết tạo nên một đất nước. Chào những người sống để chúc các bạn hạnh phúc, và chào những người chết, để chúng ta nhớ đến họ trong tình thương mến, vì họ đại diện cho truyền thống của làng và vì tất cả chúng ta đang ở đây là nhờ họ. Mong rằng thư viện này phục vu cho hoà bình, cho sự hiếu kỳ của trí tuệ và cho niềm vui của ngôi làng xinh đẹp này, nơi tôi được vinh dự chào đời, không nên quên câu ngạn ngữ tuyệt vời của một nhà phê bình Pháp vào thế kỷ XIX: “Hãy nói với tôi bạn đọc gì, tôi sẽ nói bạn là ai”.
Tôi đã nói xong.
Nguồn: “La moitié d’un pain, et un livre”, Le Grand continent, 5.01.2019
Chú
thích: [1] Ở đây
García Lorca không nói với đồng bào theo nghĩa là người Tây Ban Nha mà là với
những người gốc cùng làng Fuente Vaqueros, tỉnh Grenade, vùng Andalousie, “tổ
quốc nhỏ” của ông. [2] Comarque centrale trong
tỉnh Grenade, nằm giữa đồng bằng và sierras. [3] Fuente trong
tiếng Tây Ban Nha là đài phun nước hay con suối. … [4] Forasteros: đối lập với paisanos,
chỉ những người đến từ nơi khác. [5] Pueblos trong
tiếng Tây Ban Nha: một thuật ngữ không rõ ràng, vừa chỉ “nhân dân” vừa chỉ “làng”… [6] Ramón Menéndez Pidal
(1869-1968), nhà ngữ văn học và sử học. Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX,
ông đã hoàn thành một công trình quan trọng là tập hợp những bài hát và tình ca mà ông làm thành nền tảng của
văn hoá Tây Ban Nha tập trung vào vùng Castille – đồng thời, với tư cách là nhà
ngôn ngữ học, ông vẫn quan tâm sát sao ngôn ngữ basque. [7] Đệ Nhị Cộng hoà của Tây
Ban Nha được công bố ngày 14 tháng tư năm 1931, nghĩa là 5 tháng trước bài diễn
văn này của García Lorca: như vậy đó là một chế độ còn rất trẻ, mà mục tiêu còn
cần được xác định và tương lai chưa được bảo đảm. [8] Nghệ thuật vẽ tranh trên
thành đá này có một khả năng bất tử đặc biệt: những hoạ tiết như nhau, mặc dù
thuần tuý con người và rất nghệ thuật, được lặp lại trong hàng nghìn năm… Xem Alain Testart, Avant l’Histoire,
Paris, Gallimard, 2012.
