14.9.24

Tại sao Trung Quốc có thể gây bất ngờ cho thế giới khi trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng thu nhập cơ bản phổ quát

TẠI SAO TRUNG QUỐC CÓ THỂ GÂY BẤT NGỜ CHO THẾ GIỚI KHI TRỞ THÀNH QUỐC GIA ĐẦU TIÊN ÁP DỤNG THU NHẬP CƠ BẢN PHỔ QUÁT

Ảnh: Hyunwon Jang/Unsplash

Khái niệm thu nhập cơ bản phổ quát (hoặc Universal Basic Income – UBI) – một khoản thanh toán bằng tiền mặt được cung cấp thường xuyên và được phân phối vô điều kiện cho tất cả các cá nhân trong một cộng đồng xác định – quá khứ dài dòng và tương lai còn bỏ ngỏ. Với tư cách là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chủ đề này với hơn mười năm kinh nghiệm giáo dục mọi người về , một câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được là tôi nghĩ UBI sẽ có ở đâu trước tiên. Dù đã có hàng trăm năm thảo luận, và bang Alaska là một trong những nơi duy nhất triển khai UBI trên quy mô lớn từ trước tới nay, quốc gia nào sẽ ngừng liên thiên mà cứ làm thôi? Chà, một số quốc gia chắc chắn đã tiến gần tới đó hơn những quốc gia khác, và ý tưởng này hẳn là được chuộng hơn ở một số quốc gia so với các quốc gia khác, nhưng có một câu trả lời hoàn toàn khả dĩ thậm chí còn có xu hướng bị phớt lờ Trung Quốc.

Đầu tiên, mặc dù tôi là một người rất tin tưởng vào nền dân chủ tự do và luôn lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trên toàn thế giới, tôi vẫn phải thừa nhận rằng nền dân chủ có xu hướng đòi hỏi sự ủng hộ của người dân để ban hành chính sách. Một quốc gia như Hoa Kỳ muốn ban hành UBI cần có tỷ lệ cử tri ủng hộ đủ lớn, sự đồng thuận đủ cao trong Quốc hội, và tổng thống sẵn sàng ký ban hành luật. Để một quốc gia như Trung Quốc ban hành UBI, chỉ cần ban lãnh đạo tối cao của một đảng ra quyết định, và nếu trước kia cần đến vài người đồng thuận với quyết định này thì giờ đây Trung Quốc chỉ cần một người duy nhất – Tập Cận Bình.

Mùa Hè năm 2021, Tập Cận Bình bắt đầu dùng cụm từ “thịnh vượng chung” để mô tả các mục tiêu chính sách của mình đối với Trung Quốc. Ông mô tả đây là sự tăng trưởng lấy con người làm trung tâm, trong đó những người có thu nhập cao – cả cá nhân lẫn doanh nghiệp – được khuyến khích đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ông dường như tin rằng Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn tăng trưởng nhanh và bước vào một giai đoạn mới đòi hỏi phải giảm bất bình đẳng và nâng đỡ những người bị bỏ lại phía sau. Tập Cận Bình cũng cho biết ông muốn đạt được tiến bộ thực chất trong việc hoàn thành mục tiêu thịnh vượng chung vào năm 2035. Các thước đo chính cho sự thịnh vượng chung lớn hơn, bên cạnh giảm bất bình đẳng, sẽ còn bao gồm cải thiện sức khỏe và giảm suy thoái môi trường, nhưng quan trọng nhất là cơ sở tiêu dùng rộng hơn với sức mua lớn hơn.

Yếu tố cuối cùng này có lẽ là lý do mạnh mẽ nhất khiến Trung Quốc muốn xem xét thực hiện thu nhập cơ bản phổ quát. Tóm lại, mặt hàng nhập khẩu chính của Trung Quốc là nhu cầu. Quốc gia này dựa vào sức mua của người tiêu dùng trên khắp thế giới cho các sản phẩm của mình. Cái đã tạo nên sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường kinh tế là người tiêu dùng Mỹ và người tiêu dùng ở các nước khác trên thế giới. Thách thức đối với Trung Quốc vào thời điểm này là phải có tầng lớp trung lưu chuộng mua sắm của riêng mình – một lượng lớn người tiêu dùng có thu nhập khả dụng và có thời gian để mua và tiêu thụ những gì Trung Quốc sản xuất.

Thu nhập khả dụng trung bình hiện tại của Trung Quốc là khoảng 7.200 USD ở khu vực thành thị và khoảng 3.015 USD ở khu vực nông thôn, so với khoảng 45.000 USD mà một người Mỹ trung bình phải chi sau thuế. Trung Quốc cần tìm cách tăng thu nhập khả dụng trên diện rộng sao cho đáp ứng được nhiều mục tiêu đã đề ra.

Mức chi tiêu tiêu dùng suy yếu ở Trung Quốc sau đại dịch được mô tả là một trường hợp của "hội chứng Covid kéo dài trong kinh tế" và thậm chí còn phần nào gợi nhớ đến cuộc Đại suy thoái. Cuộc họp vào tháng 7 năm 2023 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC, cùng với các tuyên bố gần đây của ngân hàng trung ương Trung Quốc và Viện Kinh tế của Học viện Trung Quốc cũng đều nhất trí về sự cần thiết phải hướng năng lực quốc gia vào việc tăng cường nhu cầu trong nước. Vì vậy, không chỉ cộng đồng quốc tế mà chính Trung Quốc cũng tự nhìn nhận như thế.

Trong khi người tiêu dùng Mỹ lao vào chi tiêu điên cuồng sau đại dịch thì người tiêu dùng ở Trung Quốc khác hẳn. Họ thích gửi tiền vào các tài khoản tiết kiệm hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm gần 10% so với đỉnh và hiện đang ở mức thấp kỷ lục, thấp hơn cả trong thời kỳ đại dịch. Trung Quốc đang rất cần tìm ra giải pháp để thúc đẩy người dân chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ thay vì tiết kiệm.

Như Paul Krugman đã viết trên tờ New York Times, “những gì Trung Quốc phải làm có vẻ đơn giản: chấm dứt đàn áp tài chính và cho phép thu nhập của nền kinh tế chảy vào túi người dân nhiều hơn, đồng thời củng cố mạng lưới an sinh xã hội để người tiêu dùng không cảm thấy cần phải tích trữ tiền mặt.UBI giúp hoàn thành cả hai mục tiêu.

Còn một lý do khác khiến Trung Quốc có thể cân nhắc UBI như một công cụ để đạt được các mục tiêu kinh tế của mình, đó là dibao. Dibao là chương trình đảm bảo thu nhập tối thiểu hiện có của Trung Quốc. Ban đầu, dibao được thiết kế dành riêng cho khu vực thành thị nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo đó, người nào có thu nhập dưới mức tối thiểu sẽ được nhận một khoản hỗ trợ bằng với chênh lệch giữa thu nhập thực tế và mức tối thiểu quy định. Vấn đề của kiểu thiết này là tạo ra tâm lý ngại lao động do mức thuế suất cận biên bằng 100% thu nhập. Miễn là ai đó có thu nhập dưới mức dibao, thì bất kỳ khoản thu nhập bổ sung nào cũng không giúp họ khá giả hơn. Điều này trái ngược với thiết kế của UBI, trong đó tất cả thu nhập bổ sung đều giúp cải thiện đời sống.

Để dễ hình dung, hãy giả sử bạn có một công việc bán thời gian được trả 500 đô la một tháng và dibao được đặt ở mức 1.200 đô la một tháng. Bạn sẽ được nhận thêm cho đủ 1.200 đô la. Sau đó, nếu bạn tăng gấp đôi số giờ làm việc để kiếm được 1.000 đô la một tháng, bạn vẫn chỉ nhận được 1.200 đô la (lúc này bạn nhận thêm 200 đô la thay vì 700 đô la như trước – ND). Nỗ lực làm thêm trở nên vô nghĩa. Bạn sẽ không khá lên dù có làm nhiều hơn. Tuy nhiên, với UBI cũng được đặt bằng 1.200 đô la một tháng, thu nhập của bạn sau khi tăng gấp đôi giờ làm sẽ tăng từ 1.700 đô la, gồm 500 đô la tiền công và 1.200 đô la UBI, lên mức 2.200 đô la (trước thuế).

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc nhất thiết phải chuyển dibao thành UBI, nhưng dibao cho thấy Trung Quốc đã có tiền lệ coi nghèo đói là do thiếu tiền và có thể giải quyết trực tiếp bằng cách phân phối tiền hng tháng. Chương trình này cũng xuất phát từ mối lo ngại về việc “ngăn chặn bất ổn và rối loạn xã hội” trong thời điểm thị trường lao động có sự chuyển đổi lớndibao được coi như đã hoàn thành các mục tiêu đó. Khi tự động hóa ngày càng tiên tiến, UBI có thể là công cụ mạnh mẽ hơn để duy trì ổn định xã hội mà không tạo ra tâm lý ngại lao động như các chương trình kiểu dibao.

Đây là ba lý do chính khiến tôi tin rằng Trung Quốc có thể gây bất ngờ khi trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng thu nhập cơ bản phổ quát: Tập Cận Bình có thể quyết định thực hiện UBI bất cứ lúc nào. UBI có thể hiện thực hóa các mục tiêu của Trung Quốc về một tầng lớp người tiêu dùng vững mạnh ý niệm về sự thịnh vượng chung. Và Trung Quốc có thể nhận ra UBI là chính sách ưu việt hơn so với chiến lược thu nhập tối thiểu hiện có.

Có rất nhiều người không đồng ý với quan điểm của tôi về vấn đề này, bao gồm cả UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – ND), họ cho rằng UBI là “không khả thi về mặt tài chính” ở Trung Quốc, nhưng nhận định này xuất phát từ một sai lầm thường thấy trong các cuộc thảo luận về UBI. UBI không hề tốn kém hơn một chương trình hỗ trợ thu nhập mục tiêu, nếu xét trên mục tiêu cuối cùng là tạo ra sự phân phối thu nhập sau thuế giống hệt nhau. Việc nhắm mục tiêu chỉ sử dụng cơ chế giảm dần mà nhiều người nhầm tưởng là không phải thuế. Chi phí để hỗ trợ ai đó 50 đô la sau khi giảm dần từ bậc 100 đô la cũng giống như chi phí để hỗ trợ 100 đô la và sau đó đánh thuế 50 đô la. (Thay vì cắt giảm hoàn toàn hỗ trợ khi thu nhập của người thụ hưởng vượt quá một ngưỡng nhất định, cơ chế này cho phép giảm dần mức hỗ trợ theo từng bậc thu nhập tăng thêm – ND). Tuy nhiên, giải pháp trước có thể kéo theo chi phí hành chính cao và thuế suất cận biên cao trong khi giải pháp sau thì không. Trên thực tế, nhắm mục tiêu là một cách phân phối thu nhập tốn kém hơn nhưng lại mang lại kết quả tồi tệ hơn. UBI có thể đem lại mức giảm bất bình đẳng tương tự như thiết kế có mục tiêu, nhưng hữu hiệu hơn, tạo ra nhiều nguồn cung lao động hơn và nhiều kết quả khả quan khác.

Ít nhất thì tôi biết một người ở Trung Quốc có vẻ đồng tình với mình, đó là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung Quốc – Xu Gao. Ông đã đề xuất “Kế hoạch chia sẻ quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước cho tất cả mọi người, theo đó cần thành lập nhiều quỹ đầu tư công bằng nguồn vốn từ tất cả các doanh nghiệp nhà nước, lợi nhuận thu được sẽ được phân phối đều cho toàn bộ dân số như một khoản cổ tức hng năm. Những người say mê UBI có thể nhận ra kế hoạch này về cơ bản chính là mô hình của Alaska, nhưng sử dụng lợi nhuận doanh nghiệp thay vì dầu mỏ. Việc này căn bản cũng giống như điều Sam Altman đã đề xuất và những gì tôi đề xuất trong thời kỳ đại dịch, ngoại trừ việc dùng các doanh nghiệp nhà nước thay vì các tập đoàn giao dịch đại chúng để phát triển quỹ tài sản.

Chiến lược chung của UBI dạng này là vận hành mà không sử dụng thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế tiêu thụ, và người dân được hưởng lợi từ sự tăng trưởng năng suất chung. Nếu có một cơ chế nào đó cho phép người dân được hưởng lợi khi các công ty làm ăn tốt hơn, thì hiển nhiên là họ sẽ muốn các công ty làm ăn tốt hơn. Nếu các công ty tự động hóa quy trình lao động và nhờ đó thu được nhiều lợi nhuận hơn thì người dân sẽ được nhận khoản UBI lớn hơn. Cổ tức gắn liền với lợi nhuận của công ty sẽ hiện thực hóa điều này.

Triển vọng về một Trung Quốc được trang bị UBI cũng có thể khiến Mỹ cân nhắc sử dụng UBI và cũng có thể Mỹ sẽ sớm nhận ra rằng mình cần UBI để vượt qua Trung Quốc về AI. Nỗi lo sợ AI giành việc làm cản trở việc nắm bắt AI. UBI loại bỏ trở ngại đó, đặc biệt là trở ngại gắn liền với tăng trưởng năng suất quốc gia.

Thực tế, đơn giản là Trung Quốc cần người tiêu dùng và UBI tạo ra người tiêu dùng. Trở ngại thực sự duy nhất là UBI còn có nghĩa là niềm tin vào cá nhân. Việc không có điều kiện ràng buộc đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần quyền kiểm soát. Câu hỏi lớn là liệu Trung Quốc tin tưởng người dân của mình với sự tự do mà UBI mang lại hay không. Với sự trỗi dậy của AI và tác động của nó đến thị trường lao động cũng như chi tiêu của người tiêu dùng, Trung Quốc có thể không còn chọn lựa khác, các quốc gia khác cũng vậy. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, vấn đề chỉ là thuyết phục một người duy nhất rằng UBI là con đường đúng đắn.

Tác giả

Scott Santens
Scott Santens

Người ủng hộ Thu nhập cơ bản phổ quát/vô điều kiện (UBI) với thu nhập cơ bản được huy động vốn từ cộng đồng; Nhà sáng lập và Chủ tịch ITSA Foundation, Tác giả Let There Be Money; Biên tập viên của BasicIncomeToday.com.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Why China Could Surprise the World by Being the First Country to Adopt Universal Basic Income, scottsantens.com, Jan 23, 2024.

Print Friendly and PDF