TẠI SAO TRUNG QUỐC MUỐN HIỆN DIỆN NHIỀU HƠN Ở CHÂU
PHI – CHIẾN LƯỢC ĐẰNG SAU CÁC THỎA THUẬN TÀI CHÍNH CỦA NƯỚC NÀY
![]() |
Tập Cận Bình phát biểu khai mạc tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm 2024. Andres Martinez Casares/EPA |
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh vào đầu tháng 9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp 51 tỷ đô la Mỹ (khoảng 1,25 triệu tỷ VND) tiền vay, đầu tư và viện trợ cho châu lục này trong ba năm tới, cũng như nâng cấp quan hệ ngoại giao.
Sự gắn kết chặt chẽ của Bắc Kinh với châu Phi không mới. Kể từ năm 1950, đích đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc hầu như luôn là một hoặc nhiều quốc gia châu Phi. Nhưng các cam kết của Tập Cận Bình chắc chắn vẫn gây lo ngại ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, những quốc gia đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng toàn cầu.
Các cam kết này cũng có thể khơi lại nỗi sợ Trung Quốc sẽ dùng “ngoại giao bẫy nợ” để đẩy các nước châu Phi vào tình trạng vỡ nợ và do đó giành được quyền chi phối các quốc gia này. Sức mạnh của lời đồn đãi này lớn đến mức tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, cảm thấy buộc phải phủ nhận nó tại hội nghị thượng đỉnh.
Khái niệm về bẫy nợ của Trung Quốc, đặc biệt là trường hợp khét tiếng về cảng Hambantota của Sri Lanka, nơi được
chính phủ Sri Lanka cho một công ty
Trung Quốc thuê vào năm 2017 để tăng thanh khoản, đã bị vạch trần nhiều lần.
Nhưng với sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế của châu Phi, cũng như việc mối quan hệ giữa Trung Quốc với châu lục này ngày
càng trở nên sâu sắc hơn, thì điều quan trọng là phải hiểu Trung Quốc hy vọng đạt được gì thông qua hoạt
động ngoại giao của mình.
Sự can dự của Trung Quốc vào châu Phi vừa mang tính chiến lược vừa mang tính kinh tế. Dù là để giành được phiếu bầu tại Liên Hợp Quốc, dễ tiếp cận các nguồn tài nguyên hay tăng cường sử dụng đồng tiền của mình trên trường quốc tế, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với châu Phi đều phục vụ tham vọng trở thành cường quốc trong thế giới đa cực.
![]() |
Trẻ em Trung Quốc cầm cờ của hai nước khi chuẩn bị đón tổng thống Togo, Faure Gnassingbe, tại Sân bay quốc tế Bắc Kinh trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Ken Ishii/Pool/EPA |
Trò chơi dài hạn
Xét về góc độ kinh tế thuần túy, châu Phi là thị trường có tiềm năng sinh lợi cho
Trung Quốc. Với thị trường còn thiếu hụt (nguồn cung) và dân số đang bùng nổ, phần mở rộng sang châu Phi mang lại tiềm năng to lớn cho các công ty
Trung Quốc.
Điều này đặc biệt đúng khi Khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa Châu Phi (được thành lập năm 2018) mở ra khả năng
phát triển chuỗi giá trị xuyên biên giới ở châu Phi.
Hầu hết hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi là tài nguyên thiên nhiên. Nhiều trong số đó là nguồn tài nguyên chiến
lược, ví dụ, để sản xuất pin. Đổi lại, các công ty Trung Quốc xuất khẩu nhiều loại hàng
hóa sang châu
Phi, bao gồm các sản phẩm chế tạo, máy móc công nông nghiệp, và xe cộ.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, các công ty Trung Quốc vẫn chỉ là nhà đầu tư lớn thứ năm ở châu Phi sau các đối tác Hà Lan, Pháp, Hoa Kỳ và
Anh. Nhưng các công ty này trỗi dậy tương đối nhanh chóng, và trong khi các công ty phương Tây tập trung vào tài nguyên và lĩnh vực tài
chính, các công ty Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào xây dựng và sản xuất.
Các công ty Trung Quốc là những công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng của châu Phi, thường thực hiện
các dự án được tài trợ bằng các khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc cho các
chính phủ châu
Phi. Ví dụ, vào năm 2019, các nhà thầu Trung Quốc chiếm khoảng 60% tổng giá trị công trình xây dựng ở châu Phi.
Một số cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ không giúp gì mấy vào việc cải thiện thương mại hoặc phát triển kinh tế ở châu Phi. Và phải thừa nhận
rằng, chúng còn góp phần làm tăng gánh nặng nợ của một số quốc gia châu Phi.
Ví dụ, các tuyến đường cao tốc đắt đỏ nối Nairobi ở Kenya và Kampala ở Uganda với các
sân bay quốc tế tương ứng tiện lợi cho giới thượng lưu thành phố và du khách quốc tế.
Nhưng chúng chưa giúp tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, Trung Quốc đã có động thái hiệu chỉnh lại tài chính cơ sở hạ tầng
trong những năm gần đây. Năm 2021, Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm về các dự
án “nhỏ và đẹp” nhắm đúng hơn vào nhu cầu của quốc gia đối tác – một khái niệm mà ông đã nhắc lại tại hội nghị thượng đỉnh gần đây.
Chính sự phù hợp với những yêu cầu của các nhà lãnh đạo châu Phi này đã tạo nên sự khác biệt
trong mối quan hệ của Trung Quốc với châu Phi so với phương Tây. Một yêu cầu
chính của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi là đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất
và nhập khẩu hàng hóa chế biến của châu Phi thay vì chỉ nhập khẩu tài nguyên thô.
Bài phát biểu quan trọng của Tập Cận Bình đã đề cập đến hai mối quan tâm
này. Ông hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực trọng điểm và cho phép thêm nhiều hàng hóa châu Phi được
nhập khẩu vào Trung Quốc mà không phải
chịu thuế.
![]() |
Việc xây dựng Đường cao tốc Nairobi được cho là sẽ giúp giảm ùn tắc cho thủ đô Nairobi của Kenya. Daniel Irungu/EPA |
Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các quốc gia châu Phi vừa mang tính chính trị vừa mang tính kinh tế. Chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của châu Phi của nước này đã được các nhà lãnh đạo châu Phi đón nhận nồng nhiệt – một sự tương phản rõ rệt với các quốc gia phương Tây vốn thường gắn sự hỗ trợ của họ với việc tôn trọng một số điều kiện xã hội hoặc kinh tế nhất định.
Điều này, đến lượt nó, đã củng cố ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc trên lục địa này. Một chỉ báo tốt về ảnh hưởng này là xem có bao nhiêu quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nơi mà chính phủ Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình. Ở châu Phi, chỉ có Eswatini có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan và chỉ một số ít quốc gia khác có văn phòng đại diện.
Một mục tiêu khác của Trung Quốc là mở rộng tầm ảnh
hưởng toàn cầu của đồng tiền quốc gia mình, đồng nhân
dân tệ. Động cơ của Trung Quốc ở đây là thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ,
đồng tiền cho phép Mỹ kiểm soát các giao dịch ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Từ cuối những năm 2000, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi song phương với Morocco, Ai Cập, Nigeria và Nam Phi để
thực hiện các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Và Trung Quốc đang hướng tới mục
tiêu tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động cho vay chính thức,
thông qua cả các ngân hàng trong nước như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc lẫn các tổ chức khu vực
như Ngân hàng Phát triển Mới.
Giống như các đối tác phương Tây của châu Phi, Trung Quốc theo đuổi cả lợi ích chính trị
lẫn kinh tế
trong các giao dịch với lục địa này. Nhưng, nhờ các nhà lãnh đạo phương Tây ít quan tâm đến châu Phi, Trung Quốc không
cần theo đuổi chính sách ngoại giao bẫy nợ để tăng cường sức ảnh hưởng của mình ở
đó. Họ chỉ cần đưa ra một đề nghị hợp tác tốt hơn để giành được lợi thế.
Tác giả
![]() |
Linda Calabrese |
Nghiên cứu viên cao cấp tại Nhóm phát triển kinh tế quốc tế, ODI
Tuyên bố công
khai
Linda Calabrese không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận
tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được hưởng lợi từ bài viết này và
không tiết lộ bất kỳ mối liên kết có liên quan nào ngoài việc bổ nhiệm làm giáo
sư.
Huỳnh
Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: Why China is seeking greater presence in Africa – the strategy behind its financial deals, The Conversation, Sep 17, 2024.
