11.9.17

Các lý thuyết tiền tệ: mặt phải mặt trái


Những bí ẩn của tiền tệ

CÁC LÝ THUYẾT TIỀN TỆ: MẶT PHẢI MẶT TRÁI

Patrick CASTEX
Patrick Castex
Một số phân tích khẳng định rằng tiền tệ không gây ảnh hưởng đến sự vận hành thực của nền kinh tế, một số phân tích khác thì nói ngược lại. Nếu có khả năng gây ảnh hưởng nhiều, thì các chính sách tiền tệ cũng có những hạn chế.
Trước tiên chúng ta chỉ thấy có tiền tệ. Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, với trường phái trọng thương, tiền tệ là thực tế của sự giàu có: tiền tệ, đó là vàng hay bạc. Khi cô nàng (tiền tệ) khỏe mạnh, thì giá cả tăng lên. Khi thiết lập một quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng tiền tệ trong lưu thông và tình trạng lạm phát, Jean Bodin đã phát triển lý thuyết định lượng tiền tệ đầu tiên, vào giữa thế kỷ XVI. Trước đây, lạm phát ("giá cả đắt đỏ mọi thứ" được lý giải bởi việc các quân vương "cắt xén" trọng lượng các kim loại quý trong các đồng tiền: cũng một đồng tiền đó nhưng có trọng lượng kim loại ít hơn sẽ cho phép mua ít hàng hơn. Nhưng chúng ta thấy lợi nhiều hơn hại ở sự việc trên: sự kích hoạt các giao dịch trao đổi thương mại và sự cắt giảm lãi suất thực tế (một khi tình trạng lạm phát đã hạ) đã được các nhà buôn và các quân vương, những người vay tiền quy mô lớn, đánh giá cao, do đã thấy một phần nợ của họ bị tình trạng lạm phát ăn bớt. Tiền tệ không mang tính trung lập trong sự vận hành thực của nền kinh tế.
Do tiền tệ là sự giàu có, nên một trong những mục tiêu của chính sách kinh tế là thu hút càng nhiều càng tốt các nguồn tiền thặng dư từ hải ngoại, được các nhà buôn ưa chuộng và các quân vương dùng làm cơ sở tính các loại thuế. Tiền tệ, năng động và sống động, được làm bằng thứ thịt ngon miệng, tự bản thân nó là một mục tiêu; do đó, việc gia tăng khối tiền tệ là điều đặc biệt có lợi.
Tuy nhiên, lý luận của trường phái trọng thương chứa đựng một khía cạnh nguy hại: sự phát triển các thặng dư thương mại, khi lượng tiền tăng lên sẽ làm cho giá cả tăng theo. Điều này làm cho việc cạnh tranh với bên ngoài thêm nặng gánh, góp phần làm giảm thặng dư từng mong muốn. Lý thuyết ngoại thương của trường phái trọng thương, trước khi bị trường phái tự do trao đổi thương mại phá bỏ, đã bị bào mòn bởi con sâu của lý thuyết định lượng.
Một cô gái đẹp mà chúng ta cởi bỏ quần áo
Từ cuối thế kỷ XVIII đến cuộc khủng hoảng năm 1930, chúng ta khẳng định rằng tiền tệ chỉ là một cô gái đẹp, một vỏ bọc thời trang – hơn nữa, tiền tệ được làm bằng giấy ngày càng nhiều, chứ không phải bằng kim loại quý – mà đằng sau đó che giấu những tài sản thực, Của cải thực của các quốc gia, như Adam Smith đã mô tả vào năm 1776 trong cuộc cách mạng công nghiệp của nước Anh.
Adam Smith (1723-1790)
Karl Marx (1818-1883)
Với trường phái cổ điển rồi đến trường phái tân cổ điển, chúng ta cởi bỏ quần áo của cô gái đẹp, vén lên màn che mặt để tìm ra những giao dịch tài sản thực được trao đổi với nhau. Cuộc phân tích trở thành lưỡng phân: một bên là thế giới của những của cải thực, và bên kia là vỏ bọc thời trang, tiền tệ. Tiền tệ trở thành trung lập, theo nghĩa sự gia tăng hay sự giảm thiểu lượng tiền không làm thay đổi dòng chảy thực của tiền, mà chỉ điều chỉnh mức giá cả chung.
Vậy thì sự giàu có thực ở đâu? Điều này phụ thuộc vào những gì tạo nên giá trị của tài sản. Đầu tiên, tư tưởng kinh tế cổ điển, được Karl Marx lấy lại và biến đổi, đã phát minh ra lý thuyết "khách quan" về giá trị lao động: giá trị được lý giải bởi các chi phí sản xuất, bởi mức cung. Sau đó, các nhà lý thuyết tân cổ điển phá bỏ lý thuyết giá trị lao động để cho ra đời lý thuyết "chủ quan" về lợi ích cận biên: giá trị được lý giải bởi mức cầu của người sử dụng của cải, là người tiêu dùng hàng hóa hay người sản xuất đi mua các tư liệu sản xuất.
Cô gái đẹp bị cởi bỏ quần áo một lần nữa
Irving Fisher (1867-1947)
Các nhà lý thuyết tân cổ điển xem lý thuyết định lượng như một thành tựu dứt khoát. Nhất là khi, cho đến đầu thế kỷ XX, nền kinh tế rơi vào một thời kỳ gần như trì trệ và gần như giảm phát, có lẽ chính là vì lý do thiếu tiền: chiếc ô có ích gì khi trời không mưa nữa? Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra những mỏ vàng mới, nền kinh tế đã khởi động trở lại và đi cùng với nó là tình trạng lạm phát: vấn đề lý thuyết định lượng lại được đặt ra.
Lý thuyết định lượng lại nổi lên dưới hình thức một phương trình nổi tiếng MV=PT, được nhà kinh tế học người Mỹ Irving Fisher đề xuất vào năm 1911. Với M là cung tiền, V là vận tốc lưu thông của tiền tệ, P là mức giá cả chung và T là khối lượng các giao dịch. Từ đó ông suy ra rằng mọi biến động về lượng tiền tệ đang lưu thông trong nền kinh tế sẽ kéo theo một sự biến động tỷ lệ thuận với mức giá cả chung. Người ta thường quên là Fisher, thừa nhận hẳn là có những giai đoạn chuyển đổi mà trong đó tiền tệ có thể có những hiệu ứng thực có lợi, nhưng về lâu dài, giá cả nhất thiết sẽ tăng khi khối lượng tiền tệ tăng.
Nàng tiên đẹp của học thuyết Keynes
John M. Keynes (1883-1946)
"Về lâu dài, tất cả chúng ta đều chết”, John Maynard Keynes đã đáp trả Fisher. Từ cuối những năm 1930 cho đến giữa những năm 1970, cô gái đẹp trở lại thành một nàng tiên đẹp với học thuyết Keynes. Vả lại, Keynes gọi các "nhà cổ điển" tất cả những người đi trước ông, các nhà lý thuyết cổ điển và các nhà lý thuyết tân cổ điển, tất cả những tín đồ của lý thuyết định lượng và của tính trung lập của tiền tệ. Đối với ông, việc chủ động phát hành tiền tệ – bằng tín dụng ngân hàng – có thể làm cho nền kinh tế khởi động lại và chống lại tình trạng thất nghiệp. Bằng cách nào? Bằng việc giảm lãi suất thực được tạo ra bởi sự gia tăng lượng tiền tệ trong lưu thông. Mặc kệ các chủ nợ, những người sẽ thấy các khoản nợ của mình bị lạm phát ăn bớt: Keynes ủng hộ cái chết nhẹ nhàng của những người thực lợi.
Như vậy, Keynes dường như đã đoạn tuyệt với nguyên lí tính trung lập của tiền tệ. Ông đặc biệt đoạn tuyệt với lý thuyết truyền thống đang thống trị về lãi suất. Đối với những nhà lý thuyết tân cổ điển, lãi suất quả nhiên chỉ được lý giải bởi các hiện tượng thực gắn với mức cung và mức cầu về vốn, quỹ vốn cho vay. Mức cung về vốn là mức cung về tiết kiệm, tăng với lãi suất, và đó chính là dòng tiền thực, bởi vì tiết kiệm là một khoản phi tiêu dùng. Tương tự, mức cầu về vốn là mức cầu được thể hiện để cung cấp tài chính cho đầu tư – vì vậy là một dòng tiền thực khác –, nhưng lại giảm với lãi suất (đầu tư tốn nhiều tiền hơn về mặt tài chính khi lãi suất tăng cao).
Theo Keynes, lãi suất nội bộ không được xác định bởi các hiện tượng thực này, mà bởi các hiện tượng tiền tệ: có một cung tiền tệ (cung tín dụng của ngân hàng, tăng với lãi suất) và một cầu tiền tệ (mà một phần vì lý do đầu cơ, được cho là giảm dần với lãi suất, ở cấp độ kinh tế vĩ mô) mà chúng ta không nên nhầm lẫn với cung và cầu của quỹ vốn cho vay. Thị trường tiền tệ đã được sinh ra.
Tuy nhiên, Keynes giải thích sự hỗ trợ của một chính sách tiền tệ bành trướng cho việc khởi động lại nền kinh tế bằng những hiện tượng thuần túy mang tính... tiền tệ. Vì vậy, cách tiếp cận của ông vẫn còn mang tính lưỡng phân, bởi vì ông không nhấn mạnh đến thực tế là việc tạo sinh tiền tệ (cung tiền), chủ yếu là tín dụng ngân hàng. Thế mà, khoản tín dụng này lại can dự trực tiếp và hoàn toàn đơn giản vào thị trường các tài sản thực. Khi khẳng định điều tầm thường này, chúng ta đoạn tuyệt hẳn với sự lưỡng phân giữa tài sản thực và tiền tệ; chúng ta đưa lên hàng đầu thực tế về chu trình kinh tế. Chúng ta không cần giải thích việc thúc đẩy tiền tệ chỉ bởi việc hạ lãi suất, hệ quả của thị trường tiền tệ – dù, nếu áp dụng cả hai cùng một lúc, thì thậm chí còn hiệu quả hơn. Nhưng khẳng định này không khác gì một điều phi chính thống, ngay cả đối với Keynes!
William Phillips (1914-1975)
Nói chung, thuyết can thiệp đã hồi sinh: cùng với các chính sách tiền tệ bành trướng để giảm lãi suất và khởi động lại cầu, là các chính sách tài khoá để thúc đẩy lại nền kinh tế. Trong thời kỳ ba mươi năm vinh quang (Trente Glorieuses), các chính phủ nghiện học thuyết Keynes giả vờ quên rằng khi lạm dụng phương thuốc tạo sinh tiền tệ, chúng ta đẩy tình trạng lạm phát lên cao lại một chút hoặc rất cao. Nhưng mọi người – hay gần như vậy – thừa nhận sự cần thiết phải lựa chọn giữa tình trạng lạm phát một chút và tình trạng thất nghiệp một chút hay không có lạm phát và thất nghiệp cao. Đây là nan đề của lạm phát và thất nghiệp, được suy ra từ những quan sát mang tính thống kê của nhà kinh tế học người New Zealand William Phillips về nước Anh. Hơn nữa, chúng ta đã quên những ràng buộc bên ngoài; chính xác hơn, chúng ta đã lẩn tránh nó: khi giá cả tăng, chúng ta thực hiện việc phá giá cạnh tranh tiền tệ.
Mụ phù thủy và cây chổi tự do cực đoan
Với sự trở lại mạnh mẽ của những nhà kinh tế theo thuyết tự do và tự do cực đoan, người đẹp trở thành mụ phù thủy. Sau cuộc khủng hoảng của hệ thống tiền tệ quốc tế và sự cáo chung của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định dựa trên bản vị đồng đô la, vào đầu những năm 1970, hai cú sốc dầu mỏ (1973-1974 và 1979-1980) đã thắng được học thuyết can thiệp của Keynes. Thuyết can thiệp bị cuốn đi cả về mặt lý thuyết lẫn chính trị trong một vài năm.
Milton Friedman (1912-2006)
Học thuyết trọng tiền của Milton Friedman và của trường phái Chicago đưa vào trọng tâm phân tích nguy cơ lạm phát trong trường hợp áp dụng chính sách tiền tệ bành trướng. Chúng ta không nên tạo ra, qua các khoản tín dụng, nhiều tiền tệ hơn nhu cầu của tăng trưởng thực tế. Friedman diễn giải lại đường cong Phillips và cho thấy rằng bất cứ sự thúc đẩy nào, cho dù có thể hiệu quả trong ngắn hạn, cũng sẽ kích hoạt tình trạng lạm phát.
Làm thế nào? Khi nhà nước – vẫn còn kiểm soát các Ngân hàng Trung ương – tìm cách vực dậy sự tăng trưởng với một chính sách tiền tệ bành trướng, thì giá cả tăng vọt và tiền lương cũng tăng theo, khiến một số người thất nghiệp (lặp lại là "những người thất nghiệp tự nguyện") muốn có việc làm. Nếu tình trạng thất nghiệp giảm trong trường hợp tiền lương tăng, điều ấy đơn giản được lý giải là bởi vì người làm công ăn lương đang chịu cảnh ảo giác tiền tệ: họ không thấy việc tăng lương bị lạm phát ăn mòn. Những người không muốn làm việc với mức lương hiện tại bây giờ chịu đi làm, và tình trạng thất nghiệp tự nguyện giảm xuống.
Tuy nhiên, là người cận thị nhưng không mù, họ sẽ hiểu ra sai lầm của họ sau một thời gian ngắn. Khi thấy tình trạng lạm phát, họ sẽ quay trở lại tình trạng thất nghiệp tự nguyện: những dự kiến của họ mang tính thích nghi. Như vậy Nhà nước đã thành công, trong một thời gian, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng một chính sách tiền tệ; trong ngắn hạn, tiền tệ không còn mang tính trung lập. Tuy nhiên, trong trung hạn, khi người làm công ăn lương nhận ra sai lầm của họ, tiền tệ trở lại có tính trung lập, ngoại trừ việc nó rất có hại, bởi vì nó đã khởi động tình trạng lạm phát.
Thuyết trọng tiền suy ra từ đó một chính sách tiền tệ hoàn toàn mới. Vấn đề rõ ràng không còn là việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc tạo sinh tiền tệ, mà là việc công bố và duy trì một khối lượng tiền tệ tăng trưởng đều đặn hàng năm – nói chung, tỉ suất tăng trưởng thực tế ước tính – và sẽ tránh được mọi tình trạng lạm phát. Ở cấp độ thể chế, điều tốt nhất là các Ngân hàng Trung ương phải độc lập với quyền lực chính trị, vai trò của họ chuyển từ chính sách kích cầu tiền tệ sang cuộc chiến chống lạm phát và bảo vệ tỷ giá hối đoái.
Robert Lucas (1937-)
Trường phái cổ điển mới, mà người đại diện nổi tiếng nhất là Robert Lucas, người được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, sau đó triệt để hoá quan điểm của Friedman. Những dự kiến sẽ không mang tính thích nghi nữa mà là mang tính duy lý: mọi người đều tin vào mô hình tự do và có khả năng sử dụng mô hình đó bằng cách huy động tất cả các thông tin có sẵn. Trong trường hợp chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo, các giai đoạn quá độ của Friedman không tồn tại nữa: tai họa lạm phát sẽ xuất hiện tức thì. Tiền tệ trở lại "siêu trung tính". Friedman bình luận đó là "rượu cũ bình mới”...
Nỗi lo xanh mặt của việc tạo sinh tiền tệ quá mức, đã từng thúc đẩy hoạt động của nhiều Ngân hàng Trung ương từ cuối những năm 1980, là nguyên nhân của cuộc suy thoái nghiêm trọng ở châu Âu vào năm 1993. Bị ám ảnh bởi nguy cơ lạm phát sau khi nước Đức thống nhất, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã tiến hành thắt chặt tiền tệ một cách cực đoan, mà các nước khác ở châu Âu, trong đó có Pháp, đã làm theo. Kết quả là gây ra một sự tăng mạnh về lãi suất, phá vỡ hoạt động kinh tế. May thay, chính sách tự sát này đã ngưng lại: lãi suất tiếp theo đó đã lao dốc, đồng thời với lạm phát.
Sự trở lại của một học thuyết Keynes khập khiễng
Cuộc khủng hoảng hiện nay (diễn ra trong thực tế vào đầu những năm của thiên niên kỷ) được coi là phát sinh từ nguyên nhân tài chính và ngân hàng: tiền tệ quay trở lại như một nhân tố giải thích động thái kinh tế. Tuy nhiên, tiền tệ cũng có thể phát sinh từ nguyên nhân thực, không chỉ vì các chính sách tiền tệ chặt chẽ được tiến hành từ những năm 1980 đã gây ra sự sụt giảm của cầu. Hẳn là các ngân hàng đã thấy lãi suất giảm và thị trường tín dụng ngân hàng truyền thống của họ hoạt động ít sôi nổi do sự phát triển của các thị trường tài chính. Nền kinh tế vay nợ tạo sinh tiền tệ, bị những nhà kinh tế theo phái tự do phê phán bởi tính chất lạm phát của nó, đã nhường chỗ cho nền kinh tế của các thị trường vốn tài chính, nơi mà các ngân hàng đã đâm đầu vào. Do đó, họ chấp nhận mọi rủi ro để duy trì lợi nhuận. Và sụp đổ! Có tội nhưng không chịu trách nhiệm!
Kể từ đầu những năm 2000, một chính sách tiền tệ theo thuyết Keynes đã quay trở lại mà không nêu tên mình. Cuộc khủng hoảng những năm 2001-2002, gây ra bởi sự bùng nổ của bong bóng Internet, đã nhanh chóng được khắc phục nhờ chủ nghĩa thực dụng của Fed, Ngân hàng Trung ương Mỹ: Fed đã không ngần ngại giảm lãi suất chủ đạo đến một mức đặc biệt thấp[*] để kích thích hoạt động kinh tế. Dù cam kết gắn chặt với nhiệm vụ đấu tranh chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối cùng cũng đã chấp nhận làm theo chính sách này.
Đối mặt với những hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng và tài chính về các khoản nợ dưới chuẩn bắt đầu tại Hoa Kỳ vào năm 2007 và cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, các Ngân hàng Trung ương đã đi một bước xa hơn, tiến hành hàng loạt các giải pháp nới lỏng định lượng (quantitative easing) để hỗ trợ sự tăng trưởng và tránh tình trạng giảm phát: Ngân hàng Trung ương Anh, Cục dự trữ liên ban Fed (Ngân hàng Trung ương của Hoa Kỳ) và từ đầu năm 2015 là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lao vào hàng loạt những chương trình mua lại các chứng khoán nợ công và nợ tư nhân với số lượng lớn. Vào những năm 1930, khi Keynes đề xuất sự can thiệp trực tiếp của các Ngân hàng Trung ương (lúc đó nằm trong tay quyền lực chính trị) vào các thị trường tài chính thứ cấp về các trái phiếu chính phủ, thì đề xuất của ông đã được cho là tà thuyết. Như vậy, với giải pháp nới lỏng định lượng (quantitative easing), chính sách tiền tệ từ nay hoàn toàn theo thuyết Keynes, nhưng trong một thế giới tự do. Trong thực tế, các chính sách tài khóa ở Châu Âu vẫn mang tính hết sức khắc khổ: một hướng đi mang tính tự sát. Chính sách tiền tệ không thể làm được mọi thứ và học thuyết Keynes ngày nay đang đi trên một chân.
Tìm đọc trên trang Alternatives Economiques nguyên bản của bài viết này ("Pile ou face, une histoire des théories de la monnaie jusqu’à la crise Mặt phải mặt trái, lịch sử các lý thuyết tiền tệ cho đến cuộc khủng hoảng"), trong đó Patrick Castex phê phán quan niệm theo học thuyết Keynes về thị trường tiền tệ và tiến hành phân tích lại lý thuyết về lãi suất của Adam Smith dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng hiện nay, khi gợi ý rằng sự sụt giảm lãi suất là hệ quả của sự suy giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp từ hai mươi năm qua ở các nước phát triển, như Karl Marx đã dự đoán.


Để tìm hiểu thêm
Histoire critique des théories monétaires des économistes. L’argent contre la monnaie [Lịch sử phê phán các lý thuyết tiền tệ của các nhà kinh tế. Tiền bạc chống lại tiền tệ], Patrick Castex, coll. Ecrit-Tic, L'Harmattan (2007). Đây là bản tóm tắt của một cuốn sách bốn tập đầy đủ hơn: Théorie générale de la monnaie et du capital [Lý thuyết chung về tiền tệ và tư bản], coll. Innovation, L'Harmattan, 2003.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les théories de la monnaie: côté pile côté face, trong La monnaie et ses mystères, Alternatives Economiques HORS–SÉRIES no105, page 5–34.




[*] Lãi suất chủ đạo: mức lãi suất được định hàng ngày, bởi Ngân hàng Trung ương của một nước hay của một quốc gia tiền tệ.

Print Friendly and PDF