3.9.17

Tri thức bợm




TRI THỨC BỢM

(đọc Impostures Intellectuelles)
Hàn Thuỷ
Lại Sokal, anh chàng khó chơi và khó nói. Lần trước là một sự diễu cợt độc điạ, lần này là một bản cáo trạng nghiêm ngặt. Sau khi đăng bài báo dỏm trên nguyệt san Khoa học xã hội có tiếng Social text (xem Sokal cá tháng tư, DĐ số 64), Alan Sokal đã cùng bạn đồng nghiệp Jean Bricmont (sau đây sẽ viết tắt là S&B) viết cuốn “Impostures intellectuelles”, do NXB Odile Jacob vừa phát hành, nguyên bản tiếng Pháp. Cả hai lần đều gây sóng gió trong môi trường trí thức Pháp.
Nhưng nếu lần trước khó nói vì phải giới thiệu một tài liệu không cần (thậm chí không thể) đọc, sự kiện nằm chính ở chỗ nó hoàn toàn vô nghĩa; thì lần này làm sao nói về một quyển sách mà nếu bạn chưa đọc thì thực không thể tin. Vì một phần lớn nội dung cuốn sách "tri thức bợm” này (dịch sát là “những sự bịp bợm tri thức”) chủ yếu chứng minh rằng: có những người khác cũng dỏm, nhưng họ không nói ra. Khổ nỗi, những người này gồm một số trí thức Pháp đương đại đang có ảnh hưởng mạnh trong giới trí thức phái tả tạm gọi là “hậu hiện đại” tại Mỹ: nhà phân tâm học Lacan, nhà lý luận văn học Julia Kristeva, nữ triết gia Luce Irigaray, nhà xã hội học Bruno Latour, các triết gia Jean Baudrillard, Gilles Deleuze và Felix Guattari, kiến trúc sư chuyển sang lý luận về xã hội hiện đại Paul Virilio.
Alan Sokal (1955-)
Jean Bricmont (1952-)
S&B là một cáo trạng không nhân nhượng. Văn phong nghiêm chỉnh, chính xác như một báo cáo khoa học, thường khá khô khan tuy không khỏi có lúc diễu cợt, và chủ đề là: những đại trí thức nói trên khi bàn về khoa học thì một số rõ ràng là bịp đời, còn một số tội nhẹ hơn thì không hiểu gì về vấn đề khoa học mà họ đang sử dụng để rút ra những kết luận xã hội học hoặc nhân văn. Thế thôi, các tác giả rất cẩn thận nhắc đi nhắc lại rằng họ không có ý bàn về những chủ đề khác, có thể chính yếu hơn, của các tác giả trên. Thế nhưng dư luận xôn xao, và người điểm sách này cũng thú thật rất xôn xao. Một tác gia lớn (ít nhất là danh tiếng lớn, họ đều được liệt kê bởi nhiều nguồn khác nhau vào trong số vài chục nhà tư tưởng đáng kể của Âu Tây, xem chú thích trang 13) có thể nào ẩu vậy sao, dù là trong những chủ đề phụ? Vì thế có nhiều phản ứng, trực tiếp hoặc gián tiếp, về phe bên này hoặc bên kia. Và kẻ viết bài này chỉ xin bạn đọc tìm đọc S&B để có nhận định riêng cuả mình trước khi phê phán ý riêng của hắn, vì đã chót cưỡi lưng cọp cho nên... phải thưa rằng: S&B hoàn toàn có lý, đọc đi đọc lại không thấy sai chỗ nào. Và khi đọc những bài trong báo chí tấn công S&B lại càng thấy thảm thương, có cái gì đang ruỗng nát trong vương quốc của học thuật phương Tây. Còn thì, về những chủ đề chính của các tác gia trên, tệ hơn cả S&B, người viết bài này hoàn toàn dốt đặc.
Felix Guattari (1930-1992)
Gilles Deleuze (1925-1995)
Chỉ tiếc rằng S&B tự nó cũng là một minh chứng cho hiện tượng “hai văn hoá”, như bài hát của Julliette Greco: (H.T. phỏng dịch) “chim nho nhỏ trên cành, cá xinh xinh dưới nước, đó tình yêu dịu dàng, nhưng biết làm sao được...”. Viết bộc trực như S&B, A là A và B là B, thì thực quả là “mất đoàn kết” với những người đã quen một cách viết (lý luận?) khác, trong đó các bút pháp gián tiếp như tỷ giảo (comparative), ngụ ý (parabole), ẩn dụ (métaphore) được dùng thường xuyên. Những người ấy khi đọc S&B, nhất là khi bị chạm nọc, tất nhiên tìm cách đọc giữa những hàng chữ “nó có dụng ý gì đây?”. Không, trong một bản báo cáo khoa học thì giữa những hàng chữ chỉ là... giấy trắng. Nhưng có thể có chăng một sự phê bình rất anh em, “có lý có tình”? phải chăng truyền thống học thuật Tây Dương quá ư cứng rắn, luôn luôn là một sự đấu tranh tư tưởng không nhân nhượng, cả về hình thức?
Julia Kristeva (1941-)
Luce Irigaray (1930-)
S&B đem từng người một ra đánh, đánh kỹ càng, đánh cẩn thận (xin hiểu cẩn thận trong nghĩa đen). Nhưng thôi không cần nhắc lại những gì đã viết trên giấy trắng mực đen, vả lại tóm tắt tội danh của mỗi vị cũng khó và chẳng bổ ích gì. Theo thiển ý trong vụ việc này có ba loại vấn đề đáng chú ý hơn: 1) những hiện tượng xã hội (hay nhân chủng học? của cái bộ lạc “trí thức parisien?”) do sự kiện Sokal gây ra; 2) do tầm quan trọng xã hội của nó, cần có sự giải thích khách quan cho hiện tượng mà S&B đánh giá rất nặng nề là “tri thức bợm”, vượt qua chủ quan của từng người trong cuộc; và quan trọng nhất là 3) những vấn đề thực sự cơ bản liên quan tới khoa học luận và triết học đã làm đầu mối cho cuộc tranh cãi này. Những sợi chỉ đỏ xuyên qua cả ba loại vấn đề này là các khái niệm và ngôn từ rất thời thượng như: thuyết bất định (trong cơ học lượng tử), thuyết tương đối, thuyết hỗn loạn, định lý Godel...
1. Giương cao ngọn cờ xanh trắng đỏ
Dễ đề cập và ít quan trọng hơn cả nhưng lại chiếm nhiều chỗ nhất trên báo chí là những phản ứng ngoài da của trí thức Pháp (S&B chỉ mới xuất bản ở Pháp). Lá cờ xanh trắng đỏ, như những lá cờ lâu đời khác, đã bay trên nhiều trận địa vinh quang, và cũng nhiều khi không mấy vinh quang. Phất lên làm gì trên trận địa học thuật tư tưởng mà màu cờ đã trở thành rất phụ trong thời đại văn hoá toàn cầu hiện nay, đấu tranh tư tưởng chứ có phải giải bóng đá đâu! Thế mà cơ khổ, hãy nghe Kristeva: “... thông qua cá nhân tôi cả nước Pháp... chúng ta đang chứng kiến một sự bài Pháp (francophobie)” (tuần san Le Nouvel Observateur, 25/9/97), còn về nội dung của sự vụ, không thấy nói gì ngoài “... lúc (viết) ấy tôi mới 25 tuổi, lại đang bị cảm”. Miễn bàn thêm.
Bruno Latour (1947-)
Roger Pol Droit (1949-)
Cũng như xin miễn bàn phản ứng tự vệ rất thừa và đáng ngạc nhiên của một người như Derrida (đại khái: nó không nghiêm chỉnh... nó có dám chửi tôi đâu, Le Monde 20/11/97). Đáng để ý hơn là những bào chữa cho việc dùng ngôn từ của khoa học như là những ẩn dụ, và những lời lên án S&B là theo chủ nghĩa duy khoa học. Hy vọng đó cũng chỉ là những phản ứng nhất thời (có quyền nói thêm chăng là, do một tiềm thức bảo vệ đội bóng nhà xanh trắng đỏ nào đó? Vì người đọc có quyền đọc giữa những hàng chữ khi mà luận cứ bỗng nhiên quá yếu ớt từ những ngòi bút thành danh như Roger Pol Droit, Bruno Latour, Jean-Marc Lévy-Leblond, v.v.. Xin đóng ngoặc).
Trở lại chữ “métaphore”, ẩn dụ (theo nhiều từ điển Việt Nam) cả hai chữ đều rất đẹp, rất nhạc. Nhưng có lẽ chữ ẩn dụ (dẫn tới một cái gì không nói) không lột được hết nghĩa của chữ métaphore, theo từ điển Littré chữ này có hai gốc Hy lạp: méta là vượt ra ngoài và phore là mang, sau thành động từ porter của Pháp, métaphore mở và ẩn dụ kín. Métaphore là bút pháp quen thuộc của thơ, mà thơ thì vừa kín vừa mở nên dịch thế cũng không sao (nếu bạn đã xem phim “người phát thư” về một mẩu đời Neruda thì chắc nhớ đoạn đối thoại về métaphore, rất hay). Nhớ lại câu ca dao “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ xinh xinh, nay anh học gần, mai anh học xa...” Hay quá, vỏ quả cau xanh bóng gợi nhớ trầu cau của đám cưới Việt Nam, nhưng anh còn đi học, và mai anh đi học xa, chưa cưới nhau được, nỗi buồn man mác và hy vọng dịu dàng của người thiếu nữ. Tôi cảm thấy thế, bạn có thể cảm khác, đó là thơ, là métaphore, là ẩn dụ.
Giordano Bruno (1548-1600)
Jacques Lacan (1901-1981)
Người làm khoa học xã hội như Lacan, Baudrillard, vân vân, có quyền dùng ngôn ngữ của khoa học tự nhiên như là những métaphore để giúp độc giả của họ cảm nhận được những điều ngoài ngôn từ hay không? Khoa học, tự nhiên hay xã hội, có những tiêu chuẩn trong sáng tối thiểu mà thơ không cần, tuy thế métaphore vẫn có đặc tính là bắt đầu từ một cái gì rất quen thuộc cụ thể, điều hoàn toàn xa lạ với những thuật ngữ khoa học mới. Xin nhấn mạnh chữ mới, khi những khái niệm khoa học đã trở thành rất quen thuộc thì tại sao không, nếu trực giác chấp nhận được ngay để cho tưởng tượng cất cánh, ai đã nói gì nhỉ? về trái đất xanh như một quả cam. Tiếc cho Giordano Bruno, đã không bị thiêu nếu toà án của giáo hội chấp nhận được rằng hình ảnh quả đất tròn là một métaphore.
Jean Baudrillard (1929-2007)
Steven Weinberg (1933-)
Thật ra bảo rằng Lacan hay Baudrillard dùng metaphore chỉ là những bào chữa lấp liếm kiểu bào chữa của một bà mệnh phụ giàu có nhưng bị bắt quả tang đang ăn cắp vặt. Anh dùng chữ ấy tại sao tôi lại không có quyền dùng chữ ấy? vấn đề là dùng chữ trong khung cảnh nào, người làm khoa học dĩ nhiên khi thiếu chữ vẫn phải dùng ngôn ngữ thường ngày, nhưng luôn luôn định nghiã rõ ràng, còn người lạm dụng ngôn từ thì ngược lại, luôn luôn tỏ ra rằng những chữ mình dùng xuất phát từ những khái niệm khoa học, mới. Métaphore là sự lấp liếm a posteriori (hậu nghiệm), không thể đứng vững, vì nếu bảo “tôi dùng cụm từ” ‘định lý Godel’ như một métaphore", thì có thể xin hỏi lại “nếu tôi dùng một cụm từ khác làm métaphore chẳng hạn ‘lạch cạch lạch cạch’ thì hai trường hợp khác nhau chỗ nào?” Những trích dẫn về luận cứ loại này có thể đọc trong báo Le Monde, ngày 30/9/97, bài của Marion van Renterghen.
Của đáng tội người đồng minh nặng ký của S&B là Weinberg (giải Nobel vật lý) cũng có câu tuyên bố khá kỳ lạ, không giúp ích gì cho sự hòa đồng cần thiết giữa hai nền văn hoá (cũng vẫn dẫn trong bài báo trên) “Tôi có thể đành lòng chấp nhận người ta dùng lý thuyết tương đối của Einstein như là métaphore, như những áng mây trong thơ của Keats, nhưng tuyệt đối không có gì cho phép dùng nó để ảnh hưởng trên triết học”. Lạ thật, triết học trước và sau những Gallilé, Newton, Darwin... là một thứ triết học muôn thủa??? nếu thế thì để kiếp sau tôi sẽ đi học triết cũng vừa.
Lévy-Leblond (1940-)

Trong bài này cũng trích dẫn một phản ứng của Jean-Marc Lévy-Leblond “... Nếu bảo là sai lầm thì phải nhận rằng những câu ấy thuộc vào loại những diễn từ để chứng minh (một cái gì). Đây không thuộc trường hợp ấy. Những “sai lầm” này thiên nhiều hơn về loại diễn tả quá đà không có gì quan trọng lắm”. Đây là loại phản ứng khó hiểu nửa nạc nửa mỡ cần đọc giữa hai hàng chữ, nửa có vẻ khinh thị, vì có ý nghĩa gì thứ diễn từ chẳng đúng chẳng sai; nửa lại có vẻ bênh vực, có lẽ vỗ vai nhiều hơn, những bậc đại trí thức này. Nhân tiện xin giới thiệu cuốn sách mới ra (dạng bỏ túi) của Lévy-Leblond “La pierre de touche” (coll. folio, Gallimard 1996), có lẽ ông là nhà khoa học (cũng giáo sư vật lý học lý thuyết như S&B) có khả năng thấu tình đạt lý hơn S&B. Sách đọc rất dễ chịu, văn phong nhẹ nhàng mà sâu sắc. Xin đọc các chương “Sự hiểu biết hay quên (un savoir sans mémoire)”, “Dơi và cú (la chauve souris et la chouette)” để so sánh với S&B. Theo người viết bài này thì mặc dù phong cách khác nhau nhận định của họ về sự tương đồng/khác biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội căn bản như nhau. Nhất là chương “Ngôn ngữ kéo khoa học đi (la langue tire la science)” cho thấy quan điểm rất thận trọng và nhiều màu sắc của Leblond về ngôn ngữ; không như câu tuyên bố có vẻ dễ dãi trích dẫn ở trên.
Alain Finkielkraut (1949-)
Đến vấn đề thứ ba, S&B có phải là những người bênh vực một thứ chủ nghĩa duy khoa học đã lỗi thời? Nhiều người phê phán S&B ở điểm này, trong cùng số báo Le monde ngày 30/9/97 người ta được đọc Roger Pol Droit đã sáng tạo cụm từ “sự phải đạo khoa học (scientifiquement correct)”, hàm ý một thái độ duy khoa học nghèo nàn áp đặt trên mọi vấn đề xã hội. Triết gia Alain Finkielkraut “gia sản của thế kỷ 20 bắt buộc chúng ta phải phê phán một số ảo tưởng của thế kỷ ánh sáng cũng như một niềm tin quá ngây thơ về sự tiến bộ”. Latour: ... một quan niệm ngày càng sai lệch về khoa học. Gần đây hơn giáo sư Y khoa Max Dorra (cùng với luận điểm về métaphore) đã chỉ trích: ... sự bái vật hoá trong tính khoa học(la fétichisation de la scientificité).
Theo ý chúng tôi thì việc S&B chỉ trích người khác thiếu khoa học không có nghĩa đối với họ khoa học là tất cả; việc họ kêu gọi trở lại sự trong sáng của thế kỷ ánh sáng (Pháp) không có nghĩa họ giữ nguyên những ảo tưởng tất định tuyệt đối của thế kỷ này. Những chỉ trích hàm ý mở rộng quan điểm của S&B về phía những sai lầm ấu trĩ quá hiển nhiên và ai cũng biết này hoàn toàn thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục. Có thể nói mục đích tối thiểu của S&B đã đạt, nghĩa là từ nay người ta sẽ không thể “múa gậy vườn hoang” như trước. Thế đã là một đóng góp không nhỏ cho nền học thuật thế giới, mặc dù rằng để làm việc đó S&B đã không theo các thủ tục mô phạm cổ điển, vì vậy nếu vài trưởng lão của cái bộ lạc trí thức Paris có nổi đoá một chút cũng không sao.
2. Chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa tương đối trong tri thức luận
Điểu quan trọng hơn là S&B đã đặt ra những vấn đề cơ bản. Thế nào là một thái độ khoa học đúng đắn trong khoa học tự nhiên và xã hội, cũng như trong xã hội nói chung. Tại sao có cuộc tranh luận hiện nay?
Do đó điều đáng đọc và bàn trong S&B, đáng hơn là những chương trong đó S&B chỉ trích từng tác giả một, lại là chương 3, mà S&B gọi là “chuyển cảnh” (intermède) và chương chót, “chung cục” (épilogue), trong đó những thái độ khác nhau đối với khoa học được phân tích, phê bình, và giải thích tại sao có những thái độ sai lầm. Phải mở ngoặc nói ngay về vế cuối này, một điểm quan trọng hiếm hoi trong S&B mà người điểm sách này thấy không thoả mãn. Giải thích tại sao lại hiện diện phổ biến một thái độ tri thức sai lầm rõ ràng là một công tác cần thiết của khoa học xã hội, không thuộc phạm vi chuyên môn của S&B. Nói vậy không có nghĩa S&B không có quyền có ý kiến, nhưng cũng để... giải thích tại sao về phần ấy kém. Theo thiển ý, trên một chủ đề loại này cần nghiên cứu công phu về những hoàn cảnh lịch sử, tâm lý, xã hội, truyền thống văn học, triết học, vân vân, mới có tính thuyết phục. Trong ba trang 200-203 của chương épilogue S&B chỉ đưa giả thuyết về những lý do xã hội đưa đến những sai lầm của phái tả “hậu hiện đại” Mỹ, mà không đề cập gì tới nước Pháp, trong khi đó lại nhấn mạnh đến ảnh hưởng của triết học hiện đại Pháp, thì thực không ổn chút nào. Vấn đề còn nằm đó chờ người nghiên cứu.
Trở lại những thái độ khác nhau trước khoa học, có thể ví như những nan quạt đi từ chủ nghĩa duy khoa học tuyệt đối tới chủ nghĩa tương đối tri thức (relativisme cognitif), cực điểm của nó là thuyết duy tiểu ngã (solipsisme, tự điển Anh Việt và Pháp Việt của Nxb Khoa học Xã hội đều dịch là thuyết duy ngã, lấy từ thuật ngữ Phật giáo có sẵn, sợ rằng không chỉnh. Theo Dictionnaire de la philosophie do Jacqueline Russ chủ biên, gốc Latin của nó là solus, đơn độc, và ipse, bản thân. Solipsisme là thuyết cho rằng chỉ có chủ thể tư duy là thực sự hiện hữu). Bỏ qua cái thái cực bây giờ không còn ai theo ấy, có thể nói hiện nay mọi người đều đồng ý đối tượng mà khoa học tìm hiểu là cái thế giới trần tục, thế giới núi đồi, cây cỏ, cột đèn chung quanh chúng ta. Như thế mặc nhiên chấp nhận (ít ra là tạm chấp nhận như một giả thiết tiên thiên) sự hiện hữu của thế giới “cột đèn” ấy, vì nếu thiếu điều kiện tiên quyết này thì không còn đối tượng để thảo luận. Từ đó vài câu hỏi cơ bản có thể đặt ra, và có thể xếp những lập trường khác nhau tuỳ theo trả lời chúng thế nào.
Trần thế này có phải là sự hiện hữu duy nhất hay không?
Thế nào là khoa học, không khoa học và phản khoa học?
Tại sao khoa học lại hữu hiệu?
Khoa học có thể tìm hiểu đến cùng và rộng khắp trần thế này không?
Khoa học có phải là hoạt động tư duy độc nhất cần thiết để tìm hiểu thế giới không?
Sự khác biệt giữa khoa học và triết học nằm ở đâu?
Lịch sử xã hội có ảnh hưởng tới phương pháp và lý thuyết khoa học không?
Phương pháp và lý thuyết khoa học có ảnh hưởng trở lại trên sự hiện hữu của trần thế không?
Có chăng cái gọi là phương pháp khoa học phổ biến?
Các đối tượng đặc thù ảnh hưởng tới phương pháp khoa học như thế nào?
Đây chỉ là những câu hỏi viết ra một cách không hệ thống và chắc không đầy đủ, xin để bạn đọc tự suy ngẫm và tìm cách bổ sung hay trả lời, nếu thấy hứng thú. Mục đích ở đây chỉ là nêu ra sự phức tạp của khoa học luận để chấp nhận rằng các tác giả khác nhau có những thái độ khác nhau là tự nhiên, trong khi tạm sới lên vài vấn đề. (Xin mở ngoặc để đối thoại với các bạn đọc dị ứng với loại vấn đề này: như thế thì cãi vã làm gì? có phải là sự bẻ sợi tóc làm tư trong các tháp ngà không? Có lẽ chúng ta không nên quên sự hữu hiệu tuyệt vời, ghê gớm, khủng khiếp của khoa học hiện đại, có khả năng đưa nhân loại lên thiên đường hay xuống địa ngục. Người có văn hóa ngày nay không thể không có thái độ trước khoa học, nhất là chúng ta xuất thân từ một nước, chủ yếu vì trình độ khoa học kỹ thuật thấp kém, đã phải trải qua một quá trình trở thành thuộc địa rồi giành độc lập đẫm máu và nước mắt. Ngày nay trong xã hội VN có khuynh hướng trọng kinh tế, nhất là kinh tế vi mô để buôn bán làm giàu; như thế thật là què quặt vì nếu không có một trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ nhất định thì khó có thể có một nền kinh tế vững chắc).
Theo S&B, ít nhất có bốn ý nghĩa khác nhau trong chữ “khoa học”: 1) một hành xử của tri thức nhằm đạt đến sự hiểu biết trần thế một cách duy lý; 2) một tập hợp có hệ thống các hiểu biết; 3) cơ sở lý thuyết của kỹ thuật và công nghệ; và 4) một môi trường và định chế trong xã hội, thường được đánh đồng với các thể chế khoa-học-kỹ-thuật (techno science). Rõ ràng kỹ thuật và công nghệ nhiều khi đã đưa đến những tai hoạ không lường được. Rõ ràng hiện nay các thể chế KHKT đã liên hệ chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế và quân sự để tiến hành các công trình nghiên cứu đáng phỉ nhổ. Và cũng rõ ràng khoa học, hiểu trong nghĩa hệ thống hiểu biết, đã thường xuyên phạm sai lầm, và nguồn gốc của các sai lầm khoa học nhiều khi nằm trong các di sản văn hóa xã hội. Với chủ nghĩa duy khoa học của các thế kỷ 18, 19 thì rất đơn giản và tuyệt đối tốt, từ 1) tới 2), tới 3) và do đó tới 4) thì phải tôn vinh các nhà khoa học. Với những người như S&B, tự nhận theo lý tưởng khoa học, và nhân bản, của thế kỷ ánh sáng, thì vì cái vế nhân bản đã phải tương đối hoá cái vế khoa học rất nhiều rồi, nhưng còn một điểm (nói theo Kiều: chữ trinh còn một chút này) về những hành xử duy lý của tri thức thì không thể nhân nhượng. Vì thế những luận điệu nhập nhằng, nhân những chỉ trích đúng trên khía cạnh này để bỏ qua khía cạnh kia, là không chấp nhận được.
Karl Popper (1902-1994)
Thomas Kuhn (1922-1996)
Chủ nghĩa tương đối trong tri thức, theo S&B, bắt nguồn chủ yếu từ những phản ứng của Kuhn (The structure of Scientifique Revolution, 1970), và nhất là của Feyerabend (Against method, 1975), trước khoa học luận của Popper (The logic of scientific discovery, 1959). Nói ra thì quá dài dòng, đại khái Popper tìm hiểu sự tiến hoá cuả các lý thuyết khoa học chỉ trong bản thân khoa học mà thôi, qua một hành xử nổi tiếng là sự phản nghiệm (falsification, réfutation), vì thế Popper dùng đặc tính có thể hay không có thể bị phản nghiệm làm đường ranh giới cho khoa học và không khoa học. Kuhn nổi tiếng với khái niệm “hệ ý niệm (tạm dịch chữ paradigme - từ hệ - có trong ngôn ngữ học được Kuhn dùng trong nghĩa mở rộng) như là một tập hợp các vấn đề, lý thuyết, phương pháp giải quyết... trong một hoàn cảnh lịch sử nào đó được các nhà khoa học chấp nhận như là những khuôn mẫu chung, thế giới quan chung của họ. Và như vậy nếu đi đến cùng thì các vật thể trong đời thường cũng không thể nhận diện ngoài một hệ ý niệm nhất định nào đó. Vấn đề lý thú Kuhn đặt ra là khi nào một hệ ý niệm bị bỏ và một hệ khác thay thế. Sự chuyển hệ ý niệm (changement de paradigme) theo Kuhn tuỳ thuộc nhiều yếu tố xã hội nhiều khi không hoàn toàn thuần lý. Còn theo Feyerabend thì thật ra khoa học chẳng có phương pháp gì cả; tìm hiểu thực sự ông muốn nói gì rất khó vì Feyerabend đã tuyên bố rõ ràng ý đồ khiêu khích tri thức của mình. Những phân tích của S&B về ba tác gia trên rất đáng đọc kỹ.
P. K. Feyerabend (1924-1994)

Nhưng dù sao họ vẫn giữ cái nhìn khoa học về trần thế, nghiã là mặc dù nhận định khác nhau về quá trình xây dựng các lý thuyết khoa học (mà theo tính ba phải của người viết bài này thì ông nào cũng có lý một phần), không ai phủ nhận thế giới khách quan và tiêu chuẩn phù hợp với thế giới khách quan của khoa học. Sự gay go xảy ra bắt đầu từ những năm 70, khi một trường phái xã hội học ra đời, chuyên nghiên cứu về giới khoa học và công tác nghiên cứu của họ như một hiện tuợng xã hội. Sai lầm lớn và ấu trĩ là muốn giải thích nội dung của các thuyết khoa học tự nhiên như kết quả của những vận động trong xã hội, nói về khoa học tự nhiên mà lại bỏ quên yếu tố tự nhiên! hùa theo khía cạnh đáng chỉ trích nhất của thuyết Kuhn. Điều đáng buồn cười là những người nghiên cứu nội dung khoa học như một hiện tượng tương đối với một xã hội lại không phủ nhận tất định thuyết trong công trình của họ, nghĩa là tin rằng mỗi lý thuyết khoa học đúng hay sai đều có nguyên nhân của nó, và nguyên nhân ấy (để bảo đảm khách quan!) phải được tìm hiểu và so sánh một cách độc lập với mỗi lý thuyết! Nghĩa là các lý thuyết khoa học không có tính khách quan nội tại, trừ lý thuyết tương đối trong tri thức luận! Những người chủ trương thuyết này khi nói về các thuyết khoa học khác nhau hay dùng chữ “niềm tin “(croyance) thay cho chữ lý thuyết. Tiêu biểu cho trường phái này là Barry Barnes và David Bloor, và theo S&B có Bruno Latour ở Pháp. Thật ra, như đã có dịp trình bày, lập trường của Latour mềm dẻo hơn.
Barry Barnes (1943-)
David Bloor (1942-)
Dù sao không thể phủ nhận một khía cạnh tương đối nào đó trong các lý thuyết khoa học, ít nhất là trong hình thức biểu diễn. Đã có những lý thuyết rất khác nhau trong hình thức biểu diễn nhưng đều hữu hiệu trong thực nghiệm. Tuyệt diệu hơn nữa là về sau người ta chứng minh được rằng chúng hoàn toàn tương đương, một thí dụ không phải duy nhất là sự tương đương giữa ma trận của Heisenberg và phương trình sóng của Schrodinger trong cơ học lượng tử. Nhầm lẫn trong phương pháp của thuyết tương đối trong tri thức luận là không phân biệt hiện tượng khách quan và sự hiểu biết của con người về chúng. Sự hiểu biết thường không hoàn hảo và được diễn tả bằng ngôn từ, ngôn từ khoa học cũng là công cụ có tính lịch sử, tương đối. Còn thế giới khách quan, với niềm tin khoa học thì chỉ có một. Đây là niềm tin, vì không ai chứng minh được, nhưng là niềm tin tối thiểu nếu không có nó thì miễn bàn về khoa học nếu không muốn tự mâu thuẫn.
3. Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
Erwin Schrodinger (1887-1961)
Werner Heisenberg (1901-1976)
Vấn đề trở nên vô cùng phức tạp trong khoa học xã hội. Có những quy luật tự nhiên khách quan không trong xã hội con người? hay toàn bộ xã hội là do ý chí con người tạo ra? Có lẽ đa số chúng ta chấp nhận được có cả hai yếu tố tự nhiên và ý chí. Nhưng nhận như vậy là đã bước qua ngưỡng cửa của một mê trận triết học đã đặt ra từ muôn đời, giữa tất yếu và tự do. Trong mê trận ấy, theo thiển ý thì những công cụ phương pháp luận của khoa học chính xác không đủ để dùng làm la bàn, còn biện chứng pháp, công cụ triết học phong phú, thì đã chứng tỏ hoàn toàn bất lực trong khoa học tự nhiên. Có thể có một sáng tạo phương pháp luận mới trong khoa học xã hội không? mạo muội đặt câu hỏi rồi xin kính nhi viễn chi mà khép lại ở đây.
Chỉ xin tóm tắt hầu bạn đọc vài điểm đáng chú ý mà cuộc tranh luận chung quanh S&B gợi ra:
- Thứ nhất, ai cũng công nhận là KHXH phức tạp hơn KHTN rất nhiều, từ đó có mâu thuẫn sau: trước một vấn đề càng phức tạp thì vừa càng nên cẩn trọng để bước những bước vững chắc, vừa càng nên táo bạo để có thể có những gợi ý, sáng tạo độc đáo rồi hoàn chỉnh sau. Nếu cùng nhau sống trong mâu thuẫn đó thì sự tin tưởng lẫn nhau về thiện ý là điều rất cần thiết, vì bợm tri thức trong hoàn cảnh đó có hơi dễ, như Sokal đã chứng minh.
Georg Hegel (1770-1831)
- Nhưng, như S&B đòi hỏi, yêu cầu KHXH phải đạt đến sự trong sáng và tính nhất quán trong logic như trong KHTN thì quả là không thực tế, nhất là yêu cầu phải có tính thực nghiệm nữa. Nhất quán theo logic hình thức làm sao có được trong xã hội? Và ai vừa thấy Hegel dễ hiểu vừa thấy Bourbaki trong sáng xin dơ tay! Còn sự thực nghiệm trong xã hội, vừa nghe nói đã đủ ghê rợn rồi.
- Cuối cùng, cuộc đối thoại giữa hai loại văn hoá (nhân văn và khoa học) quả thực cần thiết và cấp bách, nhưng một trong những điều kiện tối thiểu của đối thoại là tôn trọng ý nghĩa trong ngôn từ của người khác. Trong tinh thần đó, mặc dù đáng tiếc là đã gây ra một cuộc cãi lộn thấp giá trong học thuật, việc làm của S&B vẫn phải được đánh giá cao hơn những sự kiện bợm tri thức mà hai ông tố cáo.
Hàn Thuỷ
(Diễn Đàn, số 69, 12.01.97 và số 70, 01.01.98)
sửa lại vài chi tiết tháng 9.2003.
Print Friendly and PDF