15.9.17

Ngăn chặn sự bất bình đẳng



NGĂN CHẶN SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG

Phân tích | Ngăn chặn sự bất bình đẳng

Ngày: 24/10/2016
Các khu vực: Mỹ La tinh, Thế giới, Chile
Thế giới đã trở nên giàu có hơn bao giờ hết, nhưng sự bất bình đẳng cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết ở rất nhiều quốc gia tại phương Nam cũng như phương Bắc. Làm thế nào để lí giải xu hướng này? Những phương hướng hành động sắp tới là gì?
Nếu ta đo lường sự giàu có bằng hàng hoá và dịch vụ được tiêu thụ và sản xuất[1], thì thế giới đạt đỉnh điểm của sự giàu có vào năm 2015. Mặt khác, chưa bao giờ sự giàu có này lại được phân phối bất bình đẳng đến thế. Ở những quốc gia có đầy đủ dữ liệu về thuế, tỉ lệ tài sản được thành phần 1% hoặc 10% giàu nhất nắm giữ đã một lần nữa quay lại mức kỉ lục của hồi đầu thế kỉ trước [thế kỉ XX]. Cứ 10 người thì có 7 người đang sống trong một quốc gia có khoảng cách giàu nghèo đã nới rộng hơn so với 30 năm trước (Oxfam, 2014 theo Milanovic, 2013). Ở các quốc gia OECD [Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế], khoảng cách giàu nghèo chưa bao giờ rộng như vậy: thu nhập của nhóm 10% giàu nhất gấp 9,5 lần nhóm 10% nghèo nhất (OECD 2015); vào thập niên 80 của thế kỉ XX, tỉ lệ này là 7 trên 1. Tại các quốc gia hiếm hoi ở Mỹ La tinh đã giảm bất bình đẳng thì hệ số Gini, đo lường sự bất bình đẳng về thu nhập, vẫn cao. Ở Nam Phi, hệ số Gini vào năm 1995 (0,56) tức cuối thời kì phân biệt chủng tộc arpartheid còn thấp hơn năm 2009 (0,63) (Oxfam, 2014). Những bất bình đẳng về thu nhập này nuôi dưỡng và củng cố sự bất bình đẳng về sức khoẻ, giáo dục và giới tính (70% người nghèo là nữ giới – Cortinovis và Rivière, 2015), về khu vực (giữa cộng đồng thành thị và nông thôn) và trong một số trường hợp là về sắc tộc (ở New Caledonia, cơ hội hoàn thành chương trình giáo dục bậc cao [đại học, cao đẳng] của người Kanak thấp hơn 7 lần so với những người thuộc sắc tộc khác, theo Ris, 2013). Sự gia tăng bất bình đẳng mà ta có thể quan sát được ở các quốc gia cũng có thể thấy trên quy mô toàn cầu. Vào năm 2016, một nửa của cải trên thế giới sẽ thuộc sở hữu của nhóm 1% dân số (Global Wealth Report 2015). Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên việc giảm bất bình đẳng về thu nhập quốc nội được lên chương trình nghị sự quốc tế. Điều này được thể hiện một cách rõ ràng trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ (SDGs) được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015. Hãy nhớ rằng [trước đó] các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ định hướng hợp tác quốc tế bắt đầu từ năm 2001 không đề cập đến bất bình đẳng về thu nhập mà tập trung vào đói nghèo và tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Hơn nữa, các mục tiêu lúc đó chỉ dành cho các quốc gia đang phát triển, khác với các SDG áp dụng cho tất cả quốc gia.
Sự bất bình đẳng kinh tế đã trở thành một vấn đề phổ biến (universal problem) đòi hỏi một giải pháp chính trị phối hợp như thế nào? Tại sao việc bất bình đẳng gia tăng là không bền vững? Tại sao sự bất bình đẳng ngày càng mở rộng và làm thế nào để giảm bất bình đẳng theo quan điểm thực chứng? Hợp tác quốc tế có khả năng sẽ đóng vai trò cụ thể nào cho sự phát triển?
Sự nổi lên của vấn đề bất bình đẳng như một vấn đề chính trị toàn cầu
Thomas Piketty (1971-)

Trong 10 năm qua, sự gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập đã đạt được tầm quan trọng chưa từng có trong cuộc tranh luận công khai. Ngay cả khi có ít người nhớ đến công trình của Piketty và Saez được trích dẫn trong bài phát biểu nhậm chức của ông Barack Obama năm 2009 – trước khi Piketty xuất bản cuốn Capital (Tư bản), gần như không ai có thể làm ngơ sự thật rằng chủ nghĩa tư bản về cơ bản là không công bằng, và Thomas Piketty[2] là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất được biết đến trong lĩnh vực khoa học nhân văn (human science). Chủ đề đầu tiên khiến kinh tế học trở nên phổ biến trong thế kỉ XXI chính là vấn đề bất bình đẳng.
Các tổ chức kinh tế quốc tế cũng đã nắm bắt cơ hội này để nhấn mạnh rằng bất bình đẳng đang tăng lên chưa từng thấy, mặc dù những tổ chức này được coi là "tự do" và các khuyến nghị của họ thường tập trung vào việc tạo ra của cải thông qua cạnh tranh hơn là vào những tác động có thể có của việc phân phối mà việc tạo ra của cải thông qua cạnh tranh chính là ngòi nổ [đối với việc phân phối của cải]. Các tổ chức của Bretton Woods [gồm World Bank và IMF] đã cảnh báo về tác động của sự bất bình đẳng đang gia tăng đối với sự phát triển thông qua báo cáo thường niên đầu tiên của Ngân hàng Thế giới (WB) về chủ đề này trong năm 2006 (World Bank, 2006); tại những nước giàu, hồi chuông cảnh báo cũng được gióng lên qua các tài liệu của OECD vài năm sau đó (OECD 2011, 2012). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức mà người bình thường cũng biết là không theo cánh tả, cũng không chậm chân lắm khi xuất bản một tài liệu vào năm 2015 nhấn mạnh một số tác hại nhất định của trường phái tự do chính thống (liberal orthodoxy) (IMF, 2015) trước khi xuất bản một báo cáo vào tháng 6 năm 2016 với tiêu đề hùng hồn – ngay cả khi có dấu chấm hỏi: Chủ nghĩa tân tự do: liệu có bị đề cao quá mức? Thông điệp được đưa ra là giống nhau: "thay vì tạo ra sự tăng trưởng, một số chính sách tân tự do nhất định đã làm gia tăng sự bất bình đẳng và đe dọa sự phát triển kinh tế bền vững" (IMF, 2016).
Tất cả cuốn sách và báo cáo này thống nhất rằng bất bình đẳng thu nhập gia tăng là một sự thật không thể chối cãi. Dù sử dụng chỉ số nào (hệ số Gini, tỉ lệ phần trăm thu nhập quốc nội của nhóm 1% dân số, hay tỉ lệ Palma)[3] thì lịch sử 30 năm qua là sự bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia tăng lên trong khi sự bất bình đẳng giữa các quốc gia với nhau lại giảm xuống: nếu coi Trái Đất như một quốc gia thì đất nước “Trái Đất” và hàng tỉ công dân của nó càng ngày càng bất bình đẳng. Mặt khác, nếu ta giả sử rằng Trái Đất là nơi sinh sống của những cá nhân “trung bình” của mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc – nghĩa là khoảng gần 200 người – thì nó càng ngày càng bình đẳng. Sự bất bình đẳng toàn cầu đang gia tăng, nhưng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia lại có xu hướng giảm. Về mặt lô-gích, để 2 hiện tượng này tương thích với nhau thì sự bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia phải gia tăng theo thời gian (Hình 1 | Đo lường bất bình đẳng toàn cầu).
Đo lường sự bất bình đẳng toàn cầu
Có nhiều cách khác nhau để đo lường sự bất bình đẳng và quá trình tiến triển của nó. Trong 15 năm những sự bất bình đẳng giữa các quốc gia đã giảm xuống (đường cong màu xanh lá) trong khi tính chung toàn thế giới thì sự bất bình đẳng giữa các cá nhân lại đang tăng lên (các chấm màu đỏ).
Sự gia tăng của cải của nhóm trung lưu thấp hơn sự gia tăng của cải của nhóm giàu nhất: phần lớn những thay đối trong phân bố thu nhập thế giới có thể được giải thích bởi sự gia tăng của tỉ lệ phần trăm thu nhập quốc gia mà nhóm 1% giàu nhất nắm giữ (hình 2 | Nhóm giàu nhất ngày càng giàu hơn). Cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã làm khựng lại đà thăng tiến xã hội và tích luỹ của cải ở một số nước mới nổi và đang phát triển. Thật là bất công khi một số ít giàu lên nhanh chóng trong khi đa số vẫn mòn mỏi chờ đợi cuộc sống tốt hơn, điều này khiến cho sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được về mặt xã hội.
Nhóm giàu nhất ngày càng giàu hơn
Tỉ lệ phần trăm thu nhập của nhóm 1% giàu nhất trong tổng thu nhập quốc gia đã tăng trên toàn cầu từ thập niên 80 của thế kỉ XX, thập niên “tự do” với việc tự do hoá tài chính và cải cách phúc lợi xã hội ở hầu hết các nước OECD.
Nhận thức về sự gia tăng bất bình đẳng phù hợp với những thông tin thực tế ít ỏi này. Sự bất bình đẳng không còn được coi là cần thiết và tạm thời, như gợi ý của đường cong Kuznets, mà đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng về mặt cơ cấu ở hầu hết các quốc gia và khu vực có sẵn các dữ liệu khảo sát – ví dụ, ta có thể trích dẫn những cuộc điều tra được thực hiện ở 44 quốc gia bởi trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Global Attitudes Survey) vào năm 2014 (Hình 3 | Bất bình đẳng: một mối quan ngại toàn cầu đang gia tăng).
Bất bình đẳng: một mối quan ngại toàn cầu đang gia tăng
Nhìn chung, sự bất bình đẳng này được hầu hết người dân ở các quốc gia giàu lẫn nghèo đã được khảo sát xem là một vấn đề nghiêm trọng/chính yếu. Có những [trường hợp] cá biệt/ngoại lệ trong các nhóm này, chẳng hạn các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Việt Nam hoặc Bangladesh vốn khác biệt do mối quan tâm rất hạn chế của họ đối với chủ đề này.
Tuy nhiên, ta cũng có thể lưu ý rằng nhận thức về vấn đề này trong một số trường hợp có thể tách biệt với độ nghiêm trọng của số liệu thống kê (statistical severity) ở chừng mực nào đó, và đây là một nhân tố quan trọng nếu ta muốn hiểu được tầm quan trọng vô cùng khác nhau mà việc giảm thiểu sự bất bình đẳng có thể có được trong các chương trình nghị sự quốc gia.
Thêm vào đó, cho dù những sự kiện cách điệu hoá về sự gia tăng bất bình đẳng là không thể phản bác, thì sự đồng thuận chính trị về mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này lại mong manh hơn, cũng giống như sự đồng thuận về các phương tiện [cần] được huy động nhằm kiểm soát nó.
Gia tăng của bất bình đẳng và sự phát triển không bền vững
Các nghiên cứu và thông cáo báo chí của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh vào thực tế là, nhìn từ góc độ thuần tuý kinh tế, sự gia tăng của bất bình đẳng là không bền vững, trong chừng mực là nó ngăn cản sự tăng trưởng. Các quốc gia OECD thường được xem đã mất trung bình 4,7 điểm tăng trưởng cộng dồn do sự bất bình đẳng từ năm 1985 đến năm 2005 (OECD, 2011). Tại sao? Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), gia tăng tỉ phần trong tổng thu nhập của nhóm 20% giàu nhất ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng trung hạn, ngược lại việc gia tăng tỉ phần trong tổng thu nhập của nhóm 20% nghèo nhất lại có ảnh hưởng tích cực (IMF, 2015). Sự gia tăng [tình trạng] bất bình đẳng (so với một tình trạng bình đẳng hơn) dẫn đến việc các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất ít đầu tư vào giáo dục, và trong dài hạn, làm suy giảm năng suất lao động (Stiglitz, 2012); nó hạn chế sự cơ động xã hội (social mobility) giữa các thế hệ; có thể làm giảm tổng cầu, khuynh hướng tiêu dùng của những hộ gia đình giàu nhất trở nên thấp hơn khuynh hướng tiêu dùng các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất (IMF, 2015). Sự gia tăng bất bình đẳng cũng góp phần tái diễn những cuộc suy thoái tài chính bằng cách kích thích vay nợ, bong bóng đầu cơ và bãi bỏ các quy định tài chính thông qua các cuộc vận động hành lang (Rajan, 2011; Acemoglu, 2011).
Mặc dù vậy, sự tăng trưởng kinh tế trong trung hạn không phải là biến số hay chiều kích duy nhất của sự phát triển bền vững chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng bất bình đẳng.
Bằng cách làm lợi cho những người giàu nhất, cũng là những người cơ động nhất và có khả năng nhất trong việc giảm trừ thuế từ thu nhập của họ , liệu sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập có đặt [tình trạng] tài chính công vào một sự cân đối ngân sách bất khả thi? Việc tài trợ các hàng hóa và dịch vụ công cộng thiết yếu, vốn là một phần của khế ước xã hội hậu chiến (post-war social contract) và trong những chuyển đổi liên tiếp của khế ước này, từ nay được xem xét dưới sức ép của một cơ sở tính thuế có vẻ đang bị thu hẹp một cách không thể tránh được của những nền kinh tế phát triển. Các giải pháp được đưa ra như vay nợ nước ngoài và tăng thuế đánh lên những đối tượng bắt buộc (captive factors) – nói ngắn gọn là những tầng lớp trung lưu – không còn bền vững khi vượt quá một ngưỡng nhất định; nguy cơ theo sau đó là sự bất ổn của nền dân chủ (Piketty, RST 2013). Vì vậy, giảm sự bất bình đẳng (SDG 10) và quản trị tốt (SDG 16) là hai mục tiêu liên kết chặt chẽ.
Nỗi bất an về kinh tế của các tầng lớp trung lưu trong các nền kinh tế phát triển được thể hiện trong biểu đồ rõ ràng hiển lộ dữ liệu của ông Milanovic (năm 2013), độc lập với gánh nặng thuế mà những người trốn thuế và những người không đứng đắn khác tạo ra. Sự từ chối toàn cầu hoá của các tầng lớp bình dân, ở các quốc gia tuy là những nước ủng hộ tự do thương mại như Vương quốc Anh, như có thể thấy từ các động cơ của cuộc bỏ phiếu Brexit, là hậu quả của ý tưởng cho rằng các tầng lớp trung lưu của "các nước phương Nam ("Global South")” và tầng lớp giàu nhất trên thế giới là những người chiến thắng trong quá trình toàn cầu hóa (hình 4 | sự nổi lên của một “tầng lớp trung lưu toàn cầu" và 5 | một tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở phía Nam.
Sự nổi lên của một "tầng lớp trung lưu toàn cầu"
Sự nổi lên của một "tầng lớp trung lưu toàn cầu" dưới ảnh hưởng của sự tăng trưởng thu nhập của các quốc gia đông dân cư mới nổi (điểm bách phân vị 35-65%) xảy ra đồng thời với sự suy giảm thu nhập trung bình ở một số quốc gia OECD (80-90%).
Tầng lớp trung lưu đang phát triển ở phương Nam
Tính chung trên toàn cầu, nhóm “trung lưu” (điểm thập phân vị 6 và 7) chủ yếu bao gồm người dân ở các quốc gia và vùng lãnh thổ mới nổi – Trung Quốc, Mỹ La tinh, và Ấn Độ.
Những hiểm họa về bạo lực, mất an ninh và bất ổn chính trị theo nghĩa rộng nhất mà sự bất bình đẳng đã tạo ra càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự thật là những hiểm hoạ này có thể nói là đang bị phơi bày. Chúng được đo lường và hiểu rõ hơn bao giờ hết; dữ liệu có thể được truy cập tự do, và các phương tiện viễn thông nhấn mạnh những biểu hiện lộ liễu và bất công nhất. Sự bất bình đẳng tạo ra những ức chế dẫn đến xung đột và bạo lực chính trị (Badie và Vidal, 2016). Quan sát đương thời này thống nhất với những quan sát kinh tế trước đây của Alesina và Perotti (1996) ở chỗ chúng đều nhận định rằng sự bất bình đẳng có thể làm suy giảm sự ổn định chính trị, khiến cho đầu tư giảm xuống dưới mức tối ưu.
Dữ liệu thực nghiệm thu thập vào năm 2006 khi mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản báo cáo về sự phát triển có chủ đề là bất bình đẳng cho thấy sự gia tăng thu nhập là thiết yếu để giảm nghèo đói, với điều kiện là sự phân phối thu nhập phải được ít nhiều giữ nguyên (Deininger và Squire, 1996; Dollar và Kraay, 2001; Ravallion, 2001 và 2003; Bourguignon 2003). Tương tự, dữ liệu cũng cho thấy việc bất bình đẳng gia tăng thường làm tăng nghèo đói (World Bank, 2006). Sự bất bình đẳng cũng ảnh hưởng đến việc phân bổ các nguồn đầu tư: chỉ có những doanh nhân được bảo đảm mới có thể vay tiền để phát triển các dự án của họ, dù những dự án này có lợi nhuận thấp. Ngược lại, những dự án đầu tư có lợi nhuận cao hơn sẽ bị xem là rủi ro hơn vì thiếu thế chấp và do đó sẽ bị từ chối. Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tín dụng là nét cuối cùng của vòng tròn kết nối sự bất bình đẳng, sự phát triển, và sự đói nghèo (Bourguignon, APLF 2013).
Cuối cùng, vai trò của việc bất bình đẳng đang gia tăng đối với sự suy thoái của môi trường có thể thấy trong những trường hợp bắt chước hình mẫu tiêu thụ (consumption imitation), khi mà tầng lớp bình dân và trung lưu xem những tầng lớp giàu có hơn là hình mẫu – giả thuyết đưa ra ở đây là những tầng lớp giàu có này gây tác hại đến môi trường nhiều nhất. Việc kiểm tra một cách có hệ thống giả thuyết này không thể thực hiện được bởi rất khó để quy giản (reduce) những điều quyết định các hành vi vô trách nhiệm về mặt sinh thái về thu nhập quốc nội (Chancel, 2015). Liệu một người siêu giàu có gây ô nhiễm nhiều hơn với mỗi đồng euro, đô-la [USD] – hay đồng tiền nào khác – tăng thêm trong thu nhập của họ so với một người nghèo hay trung lưu hay không? Câu trả lời cần được chứng thực, và hiện giờ thì có rất ít thông tin. Mặt khác, việc giải thích sức ì chính trị (political inertia) đối với việc bảo vệ môi trường – và vì thế dẫn đến việc môi trường xuống cấp – như là sự báo trước cho việc bất bình đẳng mở rộng đã được minh hoạ một cách thuyết phục trong những sự kiện gần đây, như việc duy trì trợ giá điện và than ở Ba Lan hay việc miễn thuế carbon dưới thời Tổng Thống Sarkozy [Pháp] (Hourcade, APLF 2013).
Liệu ta có đang tiến tới đồng thuận về những nguyên nhân của sự bất bình đẳng?
Để giải thích sự gia tăng của bất bình đẳng thu nhập, một đặc trưng của 30 năm qua, những nguyên nhân được đồng thuận cao nhất trong giới nghiên cứu là: i) toàn cầu hoá và đặc biệt là việc phổ biến tiến bộ kỹ thuật có lợi cho những lao động có trình độ, và việc tái cấu trúc sản xuất có lợi cho chủ tư bản và giới quản lí; ii) cải cách chính sách công, với việc bãi bỏ những quy định về thị trường lao động và tăng cường sự tự do hoá tài chính, giới siêu giàu “nắm bắt” diễn ngôn chính trị, và giảm chi tiêu công – bao gồm cả việc đánh mất tính luỹ tiến của thuế khoá (fiscal progressiveness). Các nguyên nhân gây nhiều tranh cãi nhất là thương mại quốc tế và sự cạnh tranh giữa các lao động làm công ăn lương, tình trạng thất nghiệp cơ cấu (structural unemployment), và hôn nhân cận huyết giữa tầng lớp thực lợi mới (“marry your like”). Không xem nhẹ những nguyên nhân vừa nêu đó, ta sẽ bắt đầu khảo sát một vài nguyên nhân thúc đẩy sự bất bình đẳng được ghi nhận nhiều nhất (IMF 2015, OECD 2014).
Hãy trở lại 30 năm trước. Từ những năm 1980 của thế kỉ XX, các chính sách điều chỉnh cơ cấu được ban hành nhằm khôi phục lại sự cân bằng kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế đang phát triển đang phải chịu tác động bởi giá nguyên liệu thô giảm và các khoản nợ không bền vững. Những điều này đặc biệt dẫn đến việc giảm đáng kể chi tiêu công trong [các lĩnh vực] y tế, giáo dục (Nassar, 1993, trong trường hợp Ai Cập), cũng như việc làm trong khối hành chính công, và thuộc về hiệp ước xã hội (social pact) ở một số quốc gia mà đi kèm theo đó là phạm vi bảo hiểm xã hội phổ biến nhất. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng như tư nhân hoá các dịch vụ công và các công ty trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ đã dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong thị trường lao động. Sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp (Jarret và Mahieu, 2002 đối với Bờ Biển Ngà), đặc biệt với người trẻ, và của tính phi chính thức (informality), (Bensidoun, Sztulman, 2015, đối với Ai Cập, Koujianou-Goldberg và Pavnick, 2007, đối với Mỹ La tinh) đã làm gia tăng nhanh chóng bất bình đẳng về thu nhập và bao quát hơn là điều kiện sống và làm việc trong xã hội. Việc phân ra hai nhóm dịch vụ [công và tư] đã làm cho việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng thậm chí còn bất bình đẳng hơn, mặc dù chúng là điều không thể thiếu đối với việc hình thành vốn con người để có thể phá vỡ vòng tròn nghèo đói lẩn quẩn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sự biến đổi công nghệ mà ta đã thấy từ những năm 1980 thế kỉ XX, cùng với sự tự do hoá thương mại quốc tế và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến việc dịch chuyển cầu về nguồn nhân lực có tay nghề thấp sang các quốc gia mới nổi và sau đó sang các quốc gia đang phát triển, sự sụt giảm giá trị tương đối của các công việc yêu cầu tay nghề thấp và việc xác định giá trị của cầu công việc có trình độ cao (Bourguignon, 2012). Sự khác biệt về thu nhập giữa những nghề cần tay nghề và không cần tay nghề đã tăng lên đáng kể. Những chuỗi giá trị toàn cầu mới đã tạo ra các đường phân thủy mới giữa tài chính và nền kinh tế thực, giữa các bên đặt hàng và các nhà thầu phụ, giữa những công nhân làm công ăn lương ở đầu chuỗi và những người ở cuối chuỗi. Sức mạnh thương lượng/quyền mặc cả (bargaining power) của những những người ở cuối chuỗi này cuối cùng đã bị suy yếu đáng kể.
Việc nền kinh tế không còn được điều tiết đã dẫn đến đẩy mạnh quá trình tài chính hóa nền kinh tế, với hai hậu quả quan trọng đối với sự phân phối của cải: (i) thu nhập của những người kiếm sống từ việc sản xuất nguyên liệu thô phụ thuộc vào biến động lớn thất thường của giá các nguyên liệu này; (ii) tư bản thu hút ngày càng nhiều lợi nhuận từ của cải được tạo ra, gây tổn hại cho lao động. Các chính sách thuế, đánh vào thu nhập từ lao động nhiều hơn là từ việc chuyển nhượng tài sản, làm nổi bật sự bất bình đẳng về di sản (patrimonial inequality) (Piketty, 2013), đây là một nhân tố giải thích thiết yếu củng cố thêm các bất bình đẳng xã hội hơn là chống lại chúng. Ở Hoa Kì, các chính sách này đang ngày càng ít có tính luỹ tiến và tính tái phân phối: các hộ gia đình và giàu có công ty được hưởng lợi từ mức thuế suất thật sự thấp hơn mức thuế mà họ đã hưởng trước khi chính quyền Bush cắt giảm thuế vào những năm 2001 và 2006 (Hungerford, 2013).
Sự kết hợp các hiện tượng này (tình trạng việc làm bấp bênh và sự giảm thu nhập, sự tích tụ tài sản, sự điều chỉnh các khoản trợ cấp và các dịch vụ công) có hiệu ứng nhân bội sự bất bình đẳng trong thu nhập có sẵn số liệu và đã được điều chỉnh. Sự bất bình đẳng về cơ hội việc làm cũng như sự tiếp cận không đầy đủ với các nguồn lực và các hình thức vốn khác nhau (con người, tài chính, xã hội) chính là những nguyên nhân lớn đằng sau sự tái sản sinh ra bất bình đẳng và nghèo đói giữa các thế hệ. Trong số những bất bình đẳng này, chính những bất bình đẳng liên quan đến sự phân biệt đối xử trong việc tiếp cận giáo dục rõ ràng là mang tính quyết định nhất (Arestof and Sgard, 2012). Theo cách suy nghĩ này, sự bất bình đẳng về thu nhập quan sát được (hay hậu kiến - «ex-post») có liên quan một cách cơ bản đến sự bất bình đẳng về cơ hội (hay tiên kiến - «ex-ante»): [cơ hội] tiếp cận tri ​​thức, sự chăm sóc, tiếp cận được một mái nhà và mọi thứ liên quan đến mạng lưới mối quan hệ này mà không có chúng bạn sẽ không thể tiếp cận được với xã hội và việc làm.
Khám phá các lựa chọn chính trị
Anthony B. Atkinson (1944-2017)
Nếu ta giả định rằng các sở thích tập thể (collective preferences) sẽ xuất hiện nhằm làm giảm sự bất bình đẳng, và chúng phải đối mặt với tất cả nguyên nhân có thể có, thì các lựa chọn chính trị là gì? Thật là tham vọng khi cố gắng đưa ra một danh sách bao quát – từ việc thiết lập các chính sách thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội và đặc biệt là việc tiếp cận với giáo dục, tới những cuộc cải cách có tính cơ cấu kiểu Mác-xít vốn dùng đến [công cụ] đánh thuế tài sản trên phạm vi toàn cầu và lũy tiến (global and progressive taxation of assets) – phổ chính trị (political spectrum) này có một phạm vi rộng lớn. Tuy sự bất bình đẳng tùy thuộc vào lịch sử của mỗi quốc gia và những thứ tương tự như thế, nhưng việc điều chỉnh nó cũng không thể được quy giản thành việc sử dụng một công cụ chính sách công cụ thể. Cho dù các tác giả và tổ chức là những người có khả năng hiểu rõ nhất về chủ đề thì mỗi người đều có một giải pháp ưa thích hoặc một giải pháp ưu tiên trong số các giải pháp được đưa ra, tất cả họ đều nhận thấy rằng bằng cách điều chỉnh sự bất bình đẳng vừa về cơ hội (tiếp cận giáo dục, y tế và thị trường lao động) và vừa về kết quả (bất bình đẳng về thu nhập về thực chất (per se) thì việc giảm sự bất bình đẳng có thể được kềm hãm một cách bền vững. Đây là những điều được Anthony B. Atkinson, một trong những chuyên gia giỏi nhất về bất bình đẳng, đề xuất trong một công trình của mình. Đối với nhà kinh tế học người Anh này, việc giảm bất bình đẳng đòi hỏi phải có một nguồn thu nhập từ thuế lũy tiến cao hơn, đồng thời đòi hỏi tăng cường về bảo trợ xã hội và sự phân phối tiên kiến (‘ex ante’) [sự bất bình đẳng về cơ hội] và hậu kiến (‘ex post’) [sự bất bình đẳng về thu nhập] rộng hơn bao gồm cả thu nhập và việc làm được bảo đảm (Hình 6 | Thuế với vai trò là một cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng).
Thuế với vai trò là một cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng
Các nước Mỹ La tinh có hệ số Gini giảm mạnh nhất là những nước có nguồn thu nhập từ thuế cao nhất. Nói cách khác, điều quan trọng là càng có nhiều người có thu nhập cao bị đánh thuế thì càng làm giảm sự chênh lệch [giàu nghèo].
A | Giảm bất bình đẳng về cơ hội – ví dụ của Chile
Các ví dụ thực tế về việc giảm bất bình đẳng – rất hiếm trong bối cảnh hiện tại khi bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng – xác nhận phạm vi của các công cụ được huy động và nhắm vào một vài nguyên nhân trong phạm vi đã liệt kê làm mục tiêu (hình 6). Đó là trường hợp những cải cách được thiết lập ở Chile của Tổng thống Michelle Bachelet trong nhiệm kì thứ hai của mình, bắt đầu vào năm 2014, kết hợp sự cải cách thuế và giảm bất bình đẳng về cơ hội, đặc biệt trong việc tiếp cận với giáo dục (phần bổ trợ 1 | Giảm bất bình đẳng về cơ hội – ví dụ của Chile và hình 7 | Ta cần công cụ nào để chống lại sự bất bình đẳng ở Mỹ La-tinh).
Khung 1 | Giảm bất bình đẳng về cơ hội – ví dụ của Chile
Mục tiêu của Tổng thống Bachelet là đáp ứng một đòi hỏi xã hội – những sinh viên đã xuống đường trong mười năm hay hơn thế: một thế hệ không e sợ chế độ độc tài bởi họ được sinh ra sau thời Pinochet. Họ đã xuống đường để lên tiếng, trong một phong trào sinh viên thống nhất không phân biệt tầng lớp, rằng đất nước chỉ tuyển chọn nhân tài từ tầng lớp thống trị và vì thế là tầng lớp giàu có nhất. Tất cả chương trình đào tạo và các trường đại học tốt nhất đều thuộc [hệ thống] tư và chỉ tuyển các sinh viên xuất thân từ tầng lớp cầm quyền. Những tầng lớp khác nhận sự "trừng phạt" về mặt xã hội hoặc sự loại trừ về mặt xã hội vì không thể theo học ở hệ thống [giáo dục] tư. Và ngay cả khi bạn có thể vào hệ thống [giáo dục] tư, thì vẫn còn có những bộ lọc khác bởi người ta không bao giờ trộn lẫn sinh viên một cách ồ ạt theo nơi xuất xứ, màu da, họ [tên], nơi cư trú, v.v… Các sinh viên được huy động đã yêu cầu lĩnh vưc giáo dục này phải quay về lại thành một khu vực hỗn hợp trong đó mọi người có thể thăng tiến về mặt xã hội. Các sinh viên tuyên bố: "chúng tôi muốn phá vỡ hệ thống này".
Tổng thống Bachelet bắt đầu bằng cách tuyên bố sự bất hợp pháp của việc tạo ra lợi nhuận trong hệ thống giáo dục tư được nhà nước trợ cấp. Điều này tạo ra sự tách biệt giữa những gì hoàn toàn là tư thuần túy hay công thuần túy ở mọi bậc học. Sau đó, bà tính toán rằng để tài trợ nền giáo dục công miễn phí có chất lượng, Chile cần tăng trưởng thêm 3,2% GDP. Cải cách tài chính sẽ cho bà số tiền này như thế nào? Bà sẽ bắt tay vào thi hành những mối quan tâm nào? Bà Bachelet đã sử dụng quỹ FUT, một quỹ cho phép các bên tư nhân liên quan có thể thu lợi nhuận mà không bị đánh thuế miễn là họ không rút khỏi quỹ FUT. Bây giờ tất cả lợi nhuận đều bị đánh thuế. Bà cũng chấm dứt đặc quyền của ngành xây dựng mà lâu nay được miễn thuế giá trị gia tăng. Bà quản lí như vậy để có được thêm 3.2% [GDP] nhưng thực sự [Chile] còn đạt được mức cao hơn con số đó. Bằng cách làm cho quỹ FUT trở nên bất hợp pháp, bà đã lấy đi mọi lợi nhuận mà Giáo Hội đã có được từ trường học của mình. Họ không còn sở hữu một doanh nghiệp được chính phủ tài trợ nữa. Nếu họ muốn có được lợi nhuận trong các trường Công giáo của mình, họ sẽ phải tự trang trải cho khoản tiền đó. Bà đã thắng vì có sự đồng thuận lớn lao rằng chức năng của quỹ FUT và lợi nhuận được tạo ra từ các trường tư bằng tiền công là bất hợp pháp. Việc phân bổ ngân sách hỗn hợp của cả hai loại trường công và tư đã được thảo luận với các hội đồng nhà trường và các trưởng khoa của các trường đại học. Có rất nhiều trở ngại. Bà là mục tiêu của các chiến dịch lớn của phe đối lập và bị truyền thông đối xử một cách khắc nghiệt nhưng bà đã quản lí dựa trên lí thuyết không phải chủ lưu (non-mainstream theory).
Nhiều trường đại học chấp nhận mục tiêu chung của giáo dục miễn phí và đạt tỉ lệ thế hệ sinh viên vào đại học đáng kể. Lần đầu tiên khả năng tiếp cận giáo dục miễn phí trở thành một tiêu chí để sinh viên lựa chọn trường đại học. Hiện nay, đang có một sự chuyển đổi to lớn trên phương diện ai đào tạo đối tượng nào. Không những các trường đại học đã trở nên tự do và tỉ lệ sinh viên được học miễn phí là cao mà sự đầu tư vào các trường đại học công đang gia tăng. Chất lượng cũng tăng lên và đây là một phần của cuộc tranh luận chính trị.
Bà đã chọn hành động ở bậc đại học. Bà đã có thể bắt đầu ở bậc tiểu học và mở rộng quyền nhập học vào tất cả bậc học. Bậc tiểu học này không được Giáo hội kiểm soát chặt chẽ như ở bậc đại học. Vì thế, sự lựa chọn là rõ ràng và nhằm cho thấy mục đích mở rộng các tầng lớp tinh hoa tương lai (future elite) của đất nước. Thông điệp của bà như sau: bạn có thể làm chủ cả xã hội nếu bạn có các dịch vụ công có chất lượng cao... và điều đó có thể thực hiện được. Bà cũng bổ sung 2 biện pháp thuế môi trường đầu tiên. Và tất cả điều này đã không thực sự giết chết sự tăng trưởng – đó là một luận chứng được một trong những đối thủ của bà nêu lên. Chile đang tăng trưởng ở mức 2%. Đất nước này đáng lẽ sẽ đạt mức 4% nếu không có cuộc khủng hoảng toàn cầu [năm 2008] nhưng hiện Chile vẫn đang tăng trưởng đều.

Ta cần những công cụ nào để chống lại sự bất bình đẳng ở Mỹ La-tinh?
Các quốc gia Mỹ Latinh trong đó việc giảm sự bất bình đẳng là quan trọng nhất (phía bên tay trái của biểu đồ), là những nước mà nhiều công cụ tái phân phối – thuế, an sinh xã hội, giáo dục – đã được huy động. Có thể giải thích khoảng một nửa việc giảm sự bất bình đẳng quan sát được bằng các chính sách chuyển tiền, và một nửa khác bằng chi tiêu công cho y tế và giáo dục.
B | Đánh thuế vốn để phá vỡ động thái nội sinh của sự bất bình đẳng ngày càng tăng
Trong quyển Capital in the Twenty-First Century [tạm dịch: Tư bản thế kỉ XXI] (năm 2013), Thomas Piketty đã cố gắng dự báo tỉ lệ vốn/thu nhập trong dài hạn để xác định xu hướng bất bình đẳng có thể xảy ra. Theo Piketty, về lâu dài, tỉ lệ lợi nhuận của vốn (r) vẫn còn cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (g). "Quy luật" này giải thích xu hướng cấu trúc của chủ nghĩa tư bản tạo ra sự bất bình đẳng; những người có tài sản làm giàu nhanh hơn các cơ quan kinh tế khác bất kể "tài trí" (merit) hay "tài năng" (talent) của họ. Đối với quy luật cần được xác nhận này, tỉ lệ vốn/thu nhập (β) cũng sẽ tăng trong dài hạn, bởi sự tích lũy lợi nhuận trên vốn nhanh hơn thu nhập toàn cầu do nền kinh tế tạo ra. Ước tính của Piketty cho năm 2100, dựa trên tỉ lệ tiết kiệm 10% và tỉ lệ tăng trưởng "bị nén" 1,5% mỗi năm từ nửa sau của thế kỉ XXI, dẫn đến tỉ lệ vốn/thu nhập là 500% vào năm 2030 (tương đương với thời Belle Époque, vào năm 1910), và sau đó là khoảng 680% vào năm 2100. Kịch bản này, theo ông là hợp lí, sẽ là kết quả của một môi trường tăng trưởng "chuẩn tắc", thấp hơn các tỉ lệ ngoại lệ được quan sát thấy trong phần lớn thế kỉ XX do tác động của các cuộc thế chiến và các nỗ lực tái thiết.
Đối mặt với xu hướng có tính cơ cấu này, Piketty ủng hộ việc thiết lập một chính sách toàn cầu để đánh thuế tài sản cao cùng và có thiên hướng có tính tái phân phối cao. Điều này sẽ giúp chống lại các xu hướng có tính cấu trúc của chủ nghĩa tư bản để tạo ra sự bất bình đẳng và đồng thời duy trì một nền kinh tế thị trường.
C | Vai trò của hợp tác quốc tế
Elinor Ostrom (1933-2012)
Sự quan tâm đến các vấn đề này hiện nay đã vượt ra ngoài lĩnh vực nghiên cứu, và đặc biệt các cơ quan phát triển đang được huy động nhập cuộc. Vì sự bất bình đẳng đã trở thành một vấn đề chính trị toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng phát triển bền vững của các quốc gia, nó không còn được xem như là một vấn đề về chủ quyền quốc gia nữa mà là một thách thức phát triển mà các cơ quan cần giải quyết khẩn cấp. Ví dụ như đối với một cơ quan như Cơ quan Phát triển Pháp (French Agency for Development - AFD), điều này đòi hỏi phải xác định và mô tả tốt hơn các đối tượng hưởng lợi cuối cùng của các dự án được tài trợ, không phải để nhấn mạnh những bất bình đẳng mà trái lại, để giảm bớt chúng và tập trung vào việc tiếp cận bình đẳng các dịch vụ thiết yếu, phát triển năng lực, điều kiện làm việc tốt, cải thiện kế sinh nhai và điều kiện sống của những cộng đồng dân cư bị đẩy ra bên lề (excluded populations); bảo đảm an sinh xã hội và các liên kết xã hội. AFD cũng đã phát triển một chiến lược đầy tham vọng cho phép nó tác động vào các đạo luật về bất bình đẳng giới. Bây giờ [AFD] đã được các cơ quan giám sát ủy quyền để can thiệp vào sự quản lí, tổ chức này cũng sẽ có thể giải quyết vấn đề về thuế. Đối với Gaël Giraud, nhà kinh tế học hàng đầu của AFD, cơ quan này hoàn toàn hợp pháp để làm việc này và hy vọng có thể đi xa hơn những đòn bẩy truyền thống trên đây: chính việc cấu trúc xã hội và các mối quan hệ xã hội tạo đã tạo ra sự bất bình đẳng bất công và chỉ bằng cách thông qua các thể chế của xã hội, ta mới có thể hành động để có thể tạo ra những thay đổi căn bản hơn. Bằng cách nào? Bằng cách hỗ trợ việc tạo ra hoặc công nhận những nguồn lực chung (Commons). Khái niệm này đã chiếm lĩnh giới truyền thông khi giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2009 được trao cho Elinor Ostrom. Hầu hết nghiên cứu của nhà kinh tế này bao gồm các chứng minh trên cơ sở thực nghiệm rằng một số nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được tạo ra ở cấp địa phương nhờ các cộng đồng xác định và thiết lập các tiêu chuẩn và thể chế đặc biệt (ad hoc) với mục tiêu cụ thể để tránh việc các nguồn lực này sụp đổ. Những nguồn lực chung được xác định từ ba yếu tố: nguồn lực, cộng đồng và một bộ quy tắc, nghĩa là những quyền và nghĩa vụ. Tài nguyên này có thể là vật chất – chẳng hạn như đất chăn thả được một cộng đồng quản lí – hoặc phi vật chất – như phần mềm miễn phí (freeware). Nó cũng có thể có phạm vi toàn cầu hơn (sức khoẻ tốt, chất lượng giáo dục, khí hậu lành mạnh). Đối mặt với những kết quả hỗn hợp của hiệu quả của quản trị công và sự kém hiệu quả của thị trường trong một số tình huống, các nguồn lực chung đưa ra một giải pháp thay thế cho quản trị tập thể. Khái niệm này từ đó đã lan rộng theo một số hướng và một số tác giả đã biến nó thành một dự án xã hội đích thực. Trong cách tiếp cận có tính tổng thể hơn này, những nguồn lực chung là một đối chọn chính trị cho việc tư nhân hoá các nguồn lực, hàng hoá và dịch vụ đã gây ra sự chiếm dụng lợi thế và gia tăng bất bình đẳng. Đối với Gaël Giraud, các cơ quan phát triển có thể và phải đồng hành cùng các quốc gia trong việc tạo điều kiện để các nguồn lực chung tồn tại, và các cộng đồng trong việc tổ chức và quản lí các nguồn lực của họ. Trong trích đoạn từ cuộc phỏng vấn được trao cho A Planet for Life dưới đây. (Đọc Khung 2 | Hợp tác hỗ trợ sáng tạo), ông làm rõ niềm tin này bằng các ví dụ lấy từ kinh nghiệm của AFD.


Khung 2 | Một sự hợp tác hỗ trợ cho việc tạo ra những nguồn lực chung
"Thuế luôn luôn là vấn đề tái phân phối hậu kiến (ex-post). Nó đến quá muộn, vì vậy phải nói rằng, vì nó luôn phải biện minh cho sự can thiệp của mình vào một trật tự những thứ ban đầu được những người có đặc quyền nhiều nhất (mà nói chung, cũng là những người đóng nhiều thuế nhất) thường có xu hướng xem là “tự nhiên”.. Còn phân phối lại thu nhập ban đầu có liên quan đến hiệp ước xã hội, việc quản lí các công ty ... Điều quan trọng là phải can thiệp vào phân phối thu nhập ban đầu cho dù việc thay đổi bộ luật về thuế (tax code) là đơn giản hơn. Điều này có nghĩa là thâm nhập vào cách mà các công ty phân phối tiền lương của họ, việc quản lí của tù trưởng một bộ lạc ... Nhưng, về cơ bản, nó quan trọng hơn nhiều, và đó là chỗ mà các nguồn lực chung xuất hiện. Một loạt những nguồn lực sẽ được trù định trước, nếu được quyết định như vậy, để được quản lí như những nguồn lực chung: tài nguyên thiên nhiên, hẳn là vậy, và áp dụng được cho cả lao động và tiền bạc nữa. Bất bình đẳng chỉ tăng lên từ thời điểm việc tư nhân hoá một số tài sản nhất định tạo ra thu nhập. Và đó chính là chỗ ta tìm ra nguồn gốc chính của các hình thức bất bình đẳng trái với công bằng xã hội. Kinh nghiệm cho thấy rằng chỉ cạnh tranh trên thị trường không thể làm xói mòn thu nhập này, mà ngược lại.
Những nguồn lực chung rõ ràng là một trong số những thể chế có khả năng chịu đựng những cú sốc sinh thái đang chờ đón ta trong những năm tới. Các cộng đồng được tổ chức thành các nguồn lực chung được xem là có khả năng phục hồi tốt hơn các bộ máy hành chính công hoặc tư nhân lớn, những tổ chức thiếu tính linh hoạt. Đối với các nhà sinh vật học và nhà sinh thái học, từ khóa không phải là "tăng trưởng xanh" mà là sự chịu đựng (resilience). Vì vậy, câu hỏi đặt ra bây giờ là: trong tương lai các thể chế có khả năng chịu đựng là gì? Theo tôi, một số lượng lớn các thí nghiệm nông nghiệp sinh thái đô thị (urban agro-ecological experiments) ở Mỹ La tinh đang đi theo hướng này. Ta cũng có thể đưa ra ví dụ rất thực tế về nuôi cá trong vùng rừng Guinea. AFD hỗ trợ nông dân phát triển và quản lí các trang trại cá cho cá rô phi và các loài cá khác trong ao ở giữa rừng nhiệt đới gần Nzérékoré. Chẳng hạn, những nông dân nghèo ở Toma bị thiếu đạm mãn tính vì biển quá xa, và họ không thể chăn nuôi gia súc vì đang ở trong rừng. Do đó, nuôi cá là một giải pháp tuyệt vời; đặc biệt là ở một quốc gia mà vẫn không tự cung tự cấp đủ nguồn thực phẩm. Nhưng nếu không có điện và do đó không có tủ lạnh, cá phải được ăn ngay trong ngày sau khi đánh bắt, do đó có sự phối hợp rất hiệu quả giữa những phụ nữ bán cá trong chợ thị trấn và ngư dân bắt cá của mình trong ao trong rừng – và trên tất cả, họ phải thỏa thuận về giá bán. Khi họ giải thích cách họ quản lí, mà trên thực tế họ không hề biết quản lí là gì, những nhóm quản lí tất cả những việc trên đã cho ta biết thế nào là những nguồn lực chung, khi nguồn lực chung không gì khác hơn là cá.
Một ví dụ khác, trong khu vực của Prey Nup ở Campuchia, có một khu vực trồng lúa bị ngập mặn. Lũ lụt cực kỳ tàn phá, như ở nước láng giềng Việt Nam hiện nay, bởi vì ngay cả khi biển rút đi, muối chứa trong nước biển vẫn phá huỷ đất. Do đó, đất nước này buộc phải xây dựng những con đê đã khơi nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của Marguerite Duras, Đập ngăn Thái Bình Dương (Barrage contre le Pacifique – 1950). Vấn đề chính yếu là tái tổ chức những nông dân nghèo này sau những bờ đê để họ lại có thể trồng lúa. Trên thực tế, họ tự tổ chức [cộng đồng của mình] lại thành một nguồn lực chung, mặc dù, hiển nhiên là họ không đọc Elinor Ostrom, nên họ không có từ vựng cho loại hình thể chế này.
Ta cũng có thể nêu trường hợp của DNDI – Các loại thuốc cho những bệnh bị lãng quên (Drugs for Neglected Diseases Initiative) – một mạng lưới các sáng kiến có trụ sở tại Geneva, đã phối hợp để xây dựng một chuỗi cung ứng thuốc, từ nghiên cứu ở cấp độ phân tử đến phân phối thuốc ở Nam bán cầu. Điều này cho phép bán thuốc giá rẻ để chống lại các bệnh không hấp dẫn ngành công nghiệp dược phẩm thông thường do Nam bán cầu không có một thị trường có thể sinh lợi. DNDI hoạt động chính xác theo cùng một cách như một nguồn lực chung trên quy mô quốc tế. Nó không phải là một công ty tư nhân, cũng không phải là một quốc gia, hay một tổ chức phi chính phủ, nó là một thứ khác, một tổ chức lai/kết hợp, và nó hoạt động rất tốt! Để làm cho nó hoạt động, cần phải có thuật giả kim chưa từng được biết đến giữa những sáng kiến tư nhân, khuôn khổ pháp lí công cộng, sự năng động của các tổ chức phi chính phủ, v.v…
Bạn cần hiểu rằng Nhà nước có vai trò mang tính nền tảng trong thế giới của những nguồn lực chung. Điều không đúng sự thật, như Proudhon đã tin, là một cộng đồng có khả năng, mọi lúc và mọi nơi, tự hành động theo sáng kiến của mình để tạo ra một nguồn lực chung ngay từ đầu. Nếu không có môi trường, đặc biệt là môi trường pháp lí, để khuyến khích thời điểm thành lập nguồn lực chung này, có thể sẽ rất khó khăn. Đây chính là nhiệm vụ của Nhà nước để tạo ra và điều tiết môi trường này. AFD, trong cuộc đối thoại chính sách công với các nước phương Nam, trong khuôn khổ năng lực vừa nhận được về quản trị, một phần nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ các nhà nước trong việc hoạch định các điều kiện cho các khả thể này và cũng trực tiếp giúp đỡ các xã hội dân sự (Cộng đồng làng xã, tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng kỹ thuật số...) để xây dựng và quản lí các nguồn lực chumg mà họ sẽ chọn. Về bản chất, các nguồn lực chung chưa có trước quyết định chính trị của một nhóm để làm cho nguồn lực này hay nguồn lực khác trở thành hàng hóa tư nhân, công cộng hay chung (private, public or common goods). Vả lại, cộng đồng đôi khi cũng tự thiết lập khi tạo ra trong cùng một chuyển động những nguồn lực chung: ví dụ các hiệp hội của một số phụ nữ ở Ấn Độ, đã tự hình thành để quản lí một kho hạt giống ...
Phương pháp tiếp cận về nguồn lực chung (commons approach) biểu trưng cho một sự thay đổi cơ bản. Nó cuối cùng đã thách thức chương trình ngầm ẩn vĩ đại (great implicit programme) của thời kì Khai sáng của các tác giả Scotland (Scottish Enlightenment) trong thế kỉ 18. Chương trình này lan truyền ý tưởng rằng nếu mọi người đều có các quyền như nhau thì sự bất bình đẳng sẽ trở nên tự nhiên do tính nội sinh của bất bình đẳng trong hoạt động tự do của thị trường. Mọi người đều có quyền đối với tài nguyên như nhau, nhưng trên thực tế không thực thi được quyền tiếp cận vì  nó được đưa giao cho "bàn tay vô hình". Do đó có một phân phối sự giàu có ban đầu (primary wealth) ngày càng bất bình đẳng, chỉ bị thuế điều chỉnh lại sau và khi đã quá muộn. Trong một thế giới của những nguồn lực chung, điều ngược lại xảy ra. Điều có ý nghĩa là mọi người đều có cùng quyền truy cập vào tài nguồn lực chung. Thay cho sự bình đẳng cơ hội được Antony Giddens coi trọng, ta phải có cảm tình với sự bình đẳng đích thực (genuine equality), một sự bình đẳng tương thích với các quyền khác nhau. Câu hỏi lớn vẫn là khi ta muốn tạo ra các tổ chức để quản lí một nguồn lực chung, ai sẽ có quyền sửa đổi việc tiếp cận nguồn lực, quyền đàm phán những sửa đổi này, quyền không tham gia, v.v…? Về cơ bản, sự khác biệt xảy ra ở cấp độ pháp lí và không ở bản thân mức độ tiếp cận. Và sự đảo ngược này có thể chấm dứt bất bình đẳng. Theo quan điểm xây dựng một xã hội công bằng hơn.
Thay lời kết
Mức độ mở rộng tuyệt đối của sự bất bình đẳng kinh tế trên toàn thế giới trong 20 năm qua hiện đang được ghi nhận và bình luận cẩn thận. Đối với các nền dân chủ, một trong những vấn đề là phản ứng với tín hiệu mà khoa học và xã hội dân sự truyền đến – dưới dạng các báo cáo, sách và bài viết về thách thức này – và để đưa ra một giải pháp cho vấn đề phổ quát này. Có ít nhất 2 kịch bản hợp lí.
Trong kịch bản "phi chính trị hóa" (depoliticization) đầu tiên, phản ứng chính trị được xây dựng dựa trên sự đồng thuận về chi phí hành động. Bởi vì nó được coi là cao hơn chi phí của hành động (chống lại sự bất bình đẳng làm lợi cho xã hội nhiều nhiều so với khi cho phép bất bình đẳng gia tăng), chi phí cho việc không hành động tạo ra các chính sách vượt lên trên sự phân chia tả-hữu trên bàn cờ chính trị, tương tự như những gì mà ta có thể quan sát được về khí hậu trước khi có Thỏa thuận chung Paris, một thoả thuận có tính phổ quát và xuyên đảng phái vào tháng 12 năm 2015. Những quan điểm của những chính khách thuộc Đảng Cộng hòa ở Hoa Kì hay thuộc Đảng Bảo thủ ở Anh về sự cần thiết xem xét bất bình đẳng về kinh tế như là một vấn đề nghiêm trọng chứng tỏ rằng kịch bản này, tuy không chắc chắn, không phải là hoàn toàn vô lí.
Trong một kịch bản thay thế mà ta có thể gọi là "kịch bản học tập" – không có hành động toàn cầu nào được thực hiện, ngoại trừ sự kết hợp của những thành công và thất bại của các chính sách quốc gia khác nhau được thực hiện bằng nhiều phương pháp thử và sai. Ở đây, các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals hay viết tắt là SDG – ND) cung cấp cơ hội thúc đẩy và khuyến khích việc học tập này xung quanh một mục tiêu đơn giản và đưa ra các lập luận cho xã hội dân sự và các tổ chức chính trị (civil society and political stakeholders) để thuyết phục nhau về độ khả thi của việc giảm sự bất bình đẳng mặc dù đang thiếu một thỏa thuận giữa hai bên.
Trong trường hợp không có sự đáp lại hoặc phản ứng từ công dân của các quốc gia khác nhau thì sự bất bình đẳng mở rộng không thể tránh khỏi sẽ là một kịch bản "mọi việc sẽ đâu vào đấy" (business as usual) thứ ba mà ta sẽ muốn vứt bỏ, vì lợi ích của tất cả mọi người.
Thư mục tham khảo
Acemoglu, D (2011). “Thoughts on Inequality and the Financial Crisis.” Presentation at the American Economic Association Annual Meeting, January 7.
Alesina, A., Perotti, R. (1996). Income distribution, political instability, and investment. European Economic Review 40(6): 1203-1228.
Arestoff, F., Sgard, J. (2012). “Education, pauvreté, inégalités: quelles relations économiques?”, CERISCOPE Pauvreté, 2012, [en ligne], consulté le 21/07/2016, URL: http://ceriscope.sciences-po.fr/pauvrete/content/part4/education-pauvrete-inegalites-quelles-relations-economiques
Atkinson Anthony B., 2015, Inequality. What can be done ? Harvard University Press, mai 2015, 400p.
Badie, B., Vidal, D. (2016). Un monde d’inégalités. L’état du monde 2016. La Découverte, Paris.
Banque Mondiale (2006). Equity and Development. World Development Report. The World Bank, Washington, DC.
Bensidoun, I., Sztulman, A, 2015. Égypte 1998-2012: de l’emploi public protégé à l’emploi informel précaire, un marché du travail en déshérence, Document de travail n°182, Centre d’études de l’emploi, avril 2015.
Bourguignon, F. (2001). The Pace of Economic Growth and Poverty Reduction. Paper presented at LACEA 2001 Conference.
Bourguignon, François (2015a). The Globalization of Inequality. Princeton University Press, United States of America.
Chancel, L. (2017). Liberté, égalité, soutenabilité. Les petits matins. Paris.
Cingano, F. (2014), “Trends in Income Inequality and its Impact on Economic Growth”, OECD Social, Employment and Migration Working Papers, No. 163, OECD Publishing. http://dx.doi.org/10.1787/5jxrjncwxv6j-en
Cortinovis, M., Rivière, Fr. (2015), Panorama des inégalités hommes-femmes dans le monde, Notes techniques n°1, AFD, juin 2015.
Dabla-Norris, E.; Kochhar, K.; Ricka, F.; Suphaphiphat, N.; Tsounta, E (2015). Causes and consequences of income inequality: A global perspective, IMF Staff Discussion Note 15/13
Deiniger, K., Squire, L. (1996). “A New Data Set Measuring Income Inequality”, World Bank Economic Review, Vol. 10 (September), pp. 565–91.
Deiniger, K., Squire, L. (1996). “New Ways of Looking at Old Issues: Inequality and Growth” (unpublished; Washington: World Bank).
Dollar, D., Kray, A. (2001). Trade, Growth, and Poverty. Finance & Development, September, vol. 38(3).
Hough, A., Chancel, L., Voituriez (2016). Reducing inequalities within countries: Converting the global debate into action. Iddri working paper. Forthcoming.
Hourcade, J.-C. (2013). Comment tuer la taxe carbone avec l’argument d’équité, ou l’échec de la taxe Sarkozy. In Genevey, Pachauri, Tubiana (dir.) Regards sur la Terre. Réduire les inégalités, en enjeu de développement durable. Armand Colin, pp.: 261-270.
Hungerford, T.L. (2013). Changes in income inequality among U.S. tax filers between 1991 and 2006: the role of wages, capital income and taxes, Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=2207372 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2207372
Jarret, M.-Fr., Mahieu, Fr.-R. (2002). La Côte d'Ivoire, de la déstabilisation à la refondation, L'Harmattan, Paris, 2002
Koujianou-Goldberg Pinelopi et Pavcnik, Distributional effects of globalization in developing countries, working paper 12885, National bureau of Economic research, Cambridge, février 2007
Lakner, C., Milanovic, B. (2013) Global Income Distribution: From the Fall of the Berlin Wall to the Great Recession. Policy Research Working Paper;No. 6719. World Bank OCDE. 2011. Divided We Stand: Why Inequality Keeps Rising. Paris: OECD Publishing.
Nassar Heba Ahmed, 1993. “Quelques conséquences sociales des programmes d'ajustement structurel”, Égypte/Monde arabePremière série, 12-13 | 1993, mis en ligne le 08 juillet 2008, consulté le 21 juillet 2016. URL: http://ema.revues.org/1262
OCDE (2011). Divided we Stand. Why Inequality Keeps Rising. OCDE, Paris.
OECD Economics Department Policy Note 8Paris.
OCDE 2015. In It Together: Why Less inequality Benefits All. OCDE Paris.
Ostry, J.D., Lougani, P., Furceri, D. (2016). Neoliberalism: Oversold? Finance & Development, June, vol. 53(2).
Oxfam (2014). Even it up. Time to end extreme inequality. Oxfam International Report.
Oxfam (2016). An Economy for the 1%. Oxfam Briefing Paper 210. Oxfam International.
Palma, J.G (2011). Homogeneous Middles vs. Heterogeneous TailsDevelopment and Change 42(1): 87–153
Piketty, T. (2013). Le capital au XXIe siècle. Le Seuil, Paris.
Rajan, R.G. (2010). Fault Lines. Princeton, New Jersey: Princeton University Press.
Ravallion, M. (2001). (2001), “Growth, Inequality and Poverty: Looking Beyond Averages”, World Development, 29(11), 1803-1815.
Ris, C., 2013. “Les inégalités ethniques dans l’accès à l’emploi en Nouvelle‑CalédonieÉconomie et Statistique n° 464-465-466, 2013
Stiglitz, J. (2012). The price of inequality: how today’s divided society endangers our future. W.W. Norton & Company.
Võ Đình Thi, Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: Analysis| Putting an end to inequalities, Regardssurlaterre.Com, 24 Oct 2016




[1] Các hồ sơ khác về Một hành tinh cho Sự sống (A Planet for Life) giải quyết các điều kiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; và đo lường sự giàu có và hạnh phúc.

[2] Thomas Piketty, Sự thịnh vượng mới của những người sống bằng lợi tức (The new prosperity of rentiers), APFL 2013.

[3] Hệ số Gini là một hệ số tổng hợp về bất bình đẳng thu nhập (tiền lương, mức sống, v.v.). Giá trị của hệ số này dao động từ 0 đến 1. Hệ số này bằng 0 trong trong điều kiện bình đẳng tuyệt đối, khi tất cả tiền lương, thu nhập, v.v. của mọi người đều bình đẳng. Ở đầu mút còn lại, hệ số này bằng 1 trong điều kiện bất bình đẳng tuyệt đối, khi tất cả thu nhập (tiền lương, mức sống...) thuộc về một người còn những người khác đều không có. Trong khoảng từ 0 đến 1, hệ số Gini càng cao thì sự bất bình đẳng càng cao. Đối với tỷ lệ "Palma", đây là tỷ lệ giữa phần thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất và nhóm 40% có thu nhập thấp nhất trong một quốc gia.

Print Friendly and PDF