29.9.17

Bằng kiểm duyệt, Trung Quốc muốn khuất phục trường Cambridge và các tạp chí nghiên cứu của trường


BẰNG KIỂM DUYỆT, TRUNG QUỐC MUỐN KHUẤT PHỤC TRƯỜNG CAMBRIDGE VÀ CÁC TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU CỦA TRƯỜNG
Liệu Trung Quốc có kiểm duyệt toàn bộ các tạp chí học thuật của phương Tây trên Internet cũng như trong các thư viện không? (Ảnh bản quyền: Pan Zhiwang / Imaginechina / via AFP)
Đối mặt với sự kiểm duyệt của Trung Quốc, liệu trường Cambridge có còn là một thành trì bất khả xâm phạm không? Hai tạp chí nghiên cứu do trường đại học danh tiếng của Anh xuất bản đã quyết định không khuất phục trước các yêu cầu của Bắc Kinh, đòi hỏi họ phải chặn một số bài viết. Tuy nhiên, một vài ngày trước đó, NXB Cambridge University Press đã bước đầu đồng ý cấm khoảng 300 bài viết của tạp chí China Quarterly, được cho là làm tổn hại đến chính quyền Trung Quốc, làm dấy lên một cao trào phản đối phẫn nộ trong giới nghiên cứu.
Liệu các nhà nghiên cứu nước ngoài có sớm bị kiểm duyệt ở Trung Quốc không? Các tạp chí China Quarterly,Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên cứu châu Á] đã trải qua một tình trạng choáng váng trong thời gian gần đây. Hôm qua Thứ hai, 21/8/2017, nhà xuất bản chung của họ, NXB Cambridge University Press, đã quyết định không khuất phục trước yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc và đã khôi phục quyền truy cập khoảng 315 bài viết của tạp chí China Quarterly. Trong thực tế, vào hôm thứ Sáu, 18/8/2017, NXB Cambridge University Press [CUP] đã chấp nhận sự ngăn chặn này. Các bài viết này chủ yếu viết về những vấn đề được coi là nhạy cảm đối với nhà chức trách Trung Quốc: phong trào Thiên An Môn năm 1989, cuộc Cách mạng Văn hóa, vấn đề Tây Tạng, Đài Loan hoặc Tân Cương. Quyết định này mang tính “tạm thời” để có thời gian đàm phán với nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Andrew Nathan (1943-)
Nhưng chẳng bao lâu, nhà xuất bản Anh đã bị cáo buộc bán linh hồn của mình vì hàng triệu US$ của chính phủ Trung Quốc, theo lời của Renee Xia, giám đốc quốc tế của mạng Chinese Human Rights Defenders [Người bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc], theo lời thuật của báo The Guardian. Những người khác thì cáo buộc động thái của trường Cambridge như là một đóng góp cho “Dự án viết lại lịch sử Trung Quốc,” theo trang web Inside Higher Ed. Nếu phương Tây không đấu tranh vì các giá trị của mình, thì nhà chức trách Trung Quốc sẽ áp đặt các giá trị của họ lên chúng ta, theo lời cảnh báo của chuyên gia Trung Quốc Andrew Nathan, có các bài viết vừa bị chặn. Trước những chỉ trích, đại học Cambridge đã chọn xem xét lại quyết định trên, khẳng định trong một thông báo trên trang web chính thức của mình, về tầm quan trọng của “tự do học thuật” như là một nguyên tắc học thuật nền tảng.
Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Hôm nay, thứ Ba, 22/8/2017, đến lượt Tạp chí Nghiên cứu Châu Á bắt đầu sự phản kháng. Theo báo South China Morning Post, tạp chí từ chối chặn khoảng một trăm bài viết theo yêu cầu của Bắc Kinh. Chúng tôi phản đối sự kiểm duyệt dưới mọi hình thức và tiếp tục thúc đẩy quyền tự do trao đổi nghiên cứu đại học giữa các sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, theo một tuyên bố của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á tại Đại học Cambridge, và được nhật báo Hồng Kông tường thuật lại.
Có một thời Bắc Kinh không bao giờ can thiệp một cách chính thức vào cuộc tranh luận quốc tế về chính sách kiểm duyệt của họ. Thời đó đã qua. Hôm Chủ Nhật, 20/8/2017, tờ Global Times [Thời báo Hoàn cầu], một trong các cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản [Trung Quốc], đã giữ vững lập trường trong việc biện minh cho một quan điểm theo nguyên tắc. Ở Trung Quốc, theo luật an ninh mạng (có hiệu lực từ tháng 6 vừa qua), kiểm duyệt là hợp pháp. Trung Quốc đã chặn thông tin của các trang web nước ngoài được cho là có hại cho xã hội Trung Quốc, người viết xã luận của tờ báo đã viết. Các định chế phương Tây được quyền tự do lựa chọn. Nếu không thích cách làm của Trung Quốc, thì họ có thể ngừng hợp tác với chúng tôi.
Nhà nghiên cứu Tim Pringle cũng bị ảnh hưởng bởi sự kiểm duyệt “tạm thời” của tạp chí China Quarterly. Được tờ The Guardian phỏng vấn, ông nói lấy làm tiếc về sự mở cửa tương đối của Trung Quốc với giới nghiên cứu đại học, không tồn tại được khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Các chủ đề mà chúng tôi công bố không nhắm đến những sự nhạy cảm chính trị của bất cứ chính phủ nào, theo khẳng định của vị giáo sư đại học. Tuy nhiên, đây là một thiệt hại không thể đảo ngược đối với danh tiếng của trường Cambridge, theo lời than vãn của Andrew Nathan trên trang web China File. Đối với người đã công bố Tianamen Papers (Hồ sơ Thiên An Môn), thì NXB Cambridge University Press đã phá vỡ mối quan hệ niềm tin với các nhà nghiên cứu: Ai còn có thể dám nộp một bài viết cho một tờ báo bất kỳ của trường Cambridge với sự đảm bảo rằng nhà xuất bản luôn bảo lưu tính toàn vẹn của bài viết này? Một giải pháp trước mắt: thay đổi nhà xuất bản. Nhưng liệu đó có là sự kết thúc vấn đề với Bắc Kinh chưa? Với thời gian chỉ còn một vài tháng nữa là diễn ra Đại Hội Đảng lần thứ 19, thì không có điều gì là chắc chắn cả.
Juliette Parjadis
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF