24.9.17

Bất bình đẳng và tăng trưởng: sự nổi lên của một hệ tư tưởng toàn cầu từ năm 1990 đến năm 2010

BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ TĂNG TRƯỞNG: SỰ NỔI LÊN CỦA MỘT HỆ TƯ TƯỞNG TOÀN CẦU TỪ NĂM 1990 ĐẾN NĂM 2010

Franois Bourguigon[*]
Kể từ những năm 1950 cho đến nay, quan hệ bất bình đẳng-tăng trưởng-nghèo đói đã nuôi dưỡng nhiều cuộc tranh luận hàn lâm sôi nổi, các cuộc tranh luận này đã định hình chính sách của các Nhà nước và định chế quốc tế. Lịch sử tư tưởng của các khoa học kinh tế cho thấy là có những chuyển đổi của hệ ý tăng trưởng và việc ưu tiên dần dần cho sự tích luỹ các tài sản sản xuất của những nhóm chịu thiệt thòi nhất. Điều này được cụ thể hoá trong các công cụ đo lường, các chương trình xã hội và những phương thức điều hành chính sách công.
Bình đẳng về cơ hội, mở rộng hệ ý về phát triển
Trước khi Ngân hàng thế giới, vào đầu những năm 2000, nắm lấy các ý niệm bất bình đẳng và bình đẳng, một cuộc tranh luận náo nhiệt diễn ra trong cộng đồng hàn lâm về tính đa chiều của nghèo đói lẫn mối liên hệ giữa nghèo đói và tăng trưởng, hay giữa nghèo đói và hiệu quả kinh tế. Phác hoạ lại lịch sử các ý tưởng cho phép đặt các cuộc tranh luận này trên những nền tảng lí thuyết trước khi tìm hiểu bằng cách nào các ý tưởng trên được phổ biến trong các giới thực hành.
Do phần lớn việc giảm nghèo đói dựa vào sự tăng trưởng của một nền kinh tế, trong một thời gian dài cuộc tranh luận về nghèo đói trong kinh tế học phát triển trước hết là một cuộc tranh luận về sự tăng trưởng. Trong thực tế, người ta chứng kiến trong những năm 1990 một sự trở chiều kép: tăng trưởng đã quay trở lại trong các nền kinh tế phát triển và trong kinh văn là sự trở lại của chủ đề tăng trưởng, do đó của chủ đề phát triển. Dấu ấn của những năm 1980 là một sự điều chỉnh kinh tế vĩ mô chính: sự thay đổi chính sách tiền tệ của Hoa Kì đã khắc phục được lạm phát nảy sinh từ các cuộc khủng hoảng dầu lửa trong thập niên trước, nhưng với hậu quả sau đó là sự khan hiếm cung tiền và gia tăng của lãi suất cũng đã làm cho tăng trưởng chậm lại trên toàn thế giới. Bước vào những năm 1980, có vẻ như thế giới bắt đầu lại có tăng trưởng bền vững. Như thế chủ đề tăng trưởng xuất hiện trở lại trong kinh văn: trước tiên là những bài viết tạo lập lí thuyết “tăng trưởng nội sinh” [Romer, 1986; Lucas, 1988], rồi bài viết thực nghiệm nổi tiếng của Robert J. Barro [1983] thử xác định những nhân tố giải thích sự tăng trưởng từ một phân tích kinh trắc trên các dữ liệu quốc tế. Từ đó, cả một kinh văn được phát triển, với dự án là nhận diện những nhân tố của tăng trưởng.
Paul Romer (1955-)
Robert Lucas (1937-)
Lí thuyết tăng trưởng nội sinh có một tầm quan trọng đáng kể. Nó đối lập với tầm nhìn về tăng trưởng kinh tế trong những năm 1950 [Solow, 1956], theo đó, trong dài hạn, tăng trưởng là ngoại sinh, chủ yếu được giải thích bằng sự tiến bộ kĩ thuật hay cải tiến năng suất nhờ những đổi mới quản lí hay tổ chức. Robert E. Lucas và Paul Romer có đóng góp chính khi chỉ ra rằng thật ra các tỉ suất tăng trưởng trong dài hạn là kết quả của những sở thích của các tác nhân và của những đặc điểm riêng cho một nền kinh tế nhất định. Như thế, họ mở đường cho việc nghiên cứu sau này về những nhân tố quyết định sự tăng trưởng đặc thù của các nước khác nhau.
Nicholas Kaldor (1908-1986)
Robert Solow (1924-)
Nhưng giảm nghèo đói không chỉ quy về việc tăng trưởng; nó còn đòi hỏi phải là một sự tăng trưởng “cho mọi người”. Do đó có một mảng thứ hai trong cuộc tranh luận về việc giảm thiểu nghèo đói là mảng về quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng. Vượt lên những hiệu ứng của tăng trưởng trên sự bất bình đẳng và khái niệm “tăng trưởng vì người nghèo”, nhiều nhà kinh tế đã quan tâm đến những kênh thông qua đó sự bất bình đẳng có thể xác định chế độ tăng trưởng trong dài hạn của một nền kinh tế. Trong số họ, có người đã chỉ ra bằng những mô hình lí thuyết cách mà sự bất bình đẳng về của cải, việc tiếp cận tín dụng hay giáo dục có thể ràng buộc tăng trưởng, một điều đối lập với quan hệ tích cực được một số nhà kinh tế trước đây gợi ý, đặc biệt là nhà kinh tế keynesian Nicholas Kaldor[1]. Mệnh đề cuối này bị kinh văn gần đây lật nhào hoàn toàn. Trong một tình thế bất bình đẳng cao, những dự án kinh tế, có lợi cho cả khu vực tư nhân lẫn công cộng, không được tiến hành do thiếu vắng sự bảo đảm cho những người khởi xướng và do đó không tiếp cận được tín dụng.
Ngược lại, doanh nghiệp nào có được tài sản thế chấp hay tiếp cận được quỹ đầu tư sẽ tiến hành dự án của họ, cho dù có thể đó là những dự án xoàng. Cuối cùng, một xã hội bất bình đẳng tăng trưởng chậm hơn và do đó làm giảm chậm hơn sự nghèo đói, vì nó có rủi ro bỏ qua những đầu tư có lời.
Kiểu phân tích này là điểm xuất phát của một suy tư và kinh văn dồi dào về mối quan hệ “nghèo đói-bất bình đẳng-tăng trưởng”. Một loại phong trào hồ hởi ra đời khi người ta tưởng đã có bằng chứng thực nghiệm của một quan hệ bổ sung nhau giữa bình đẳng và tăng trưởng. Hai bài viết rất thường được trích dẫn [Persson và Tabellini, 1994; Alesina và Rodrik, 1994] cho thấy dường như là có một tương quan âm giữa tỉ suất tăng trưởng của một mẫu những nước và mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của những nước này. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để một cộng đồng nhất định tự thuyết phục rằng nuôi dưỡng các bất bình đẳng đi ngược lại với tăng trưởng và việc giảm nghèo khó và, trái lại, giảm thiểu các bất bình đẳng sẽ tạo điều kiện cho phát triển. Tuy nhiên sau đó người ta đành phải nhận thức là sự việc phức tạp hơn nhiều và các yếu tố thực nghiệm đầu tiên này không vững chắc và thực ra được thiết kế không tốt.
Amartya Sen (1933-)
Còn chính xác hơn vấn đề nghèo đói, phân tích truyền thống bằng khái niệm thu nhập, và do đó mối quan hệ với những vấn đề bất bình đẳng và tăng trưởng, cũng là đối tượng của cuộc tranh luận. Một quan niệm nhiều chiều kích về sự bất bình đẳng và niềm tin rằng tăng trưởng kinh tế, cho dù là bình đẳng, không tất yếu cho phép triệt tiêu tất cả mọi chiều kích của sự nghèo đói, dần dần được khẳng định. Diễn tiến này là nhờ công sức của Amartya Sen và khái niệm “capability” (năng lực) của ông, theo đó điều quan trọng không chỉ là tiềm năng tiêu dùng của một cá nhân mà còn có cả tiềm năng phát triển của cá nhân ấy. Như thế nghèo đói được xem như sự thiếu vắng những cơ hội tiếp cận các lĩnh vực giáo dục, y tế, pháp lý chẳng kém gì việc thiếu thốn về mặt vật chất. Một cách khá nhanh chóng, người ta nhận ra là những tương quan giữa những khía cạnh khác nhau của sự nghèo đói, được định nghĩa như trên, và thu nhập còn xa mới là hoàn hảo.
Hai trục suy tưởng này, quan hệ bất bình đẳng-tăng trưởng và tính đa chiều của nghèo đói dẫn đến một sự mở rộng nhất định của hệ ý phát triển khi nêu bật vai trò sự bất bình đẳng về cơ hội và của việc tiếp cận giáo dục, tín dụng, nền tư pháp hay quyết định công. Một minh hoạ tốt cho diễn tiến này là báo cáo phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2006, có tựa là Bình đẳng và Phát triển, một văn bản mà trong nội bộ của định chế này tượng trưng cho một bước tiến lớn trong việc thiết kế những chính sách và chiến lược phát triển[2].
Tăng trưởng và bất bình đẳng: mô hình nào cho an sinh xã hội?
Ronald Reagan (1911-2004)
Margaret Thatcher (1925-2013)
Đối với các bất bình đẳng hay đối với an sinh xã hội, các chính phủ có những thái độ đa dạng và diễn tiến theo các thời kì khác nhau. Trong các nước phát triển thập niên 1980 là thời kì của cuộc cách mạng tân tự do do Ronald Reagan và Margaret Thatcher khởi xướng. Tại Vương quốc Anh, hệ thống an sinh xã hội bị cắt giảm mạnh vì bị đánh giá là quá hào phóng và do đó là không hiệu quả về mặt kinh tế.
Tại lục địa châu Âu, các khoản trích thu bắt buộc (thuế và phí bắt buộc – ND) trong GDP tăng liên tục và bước chuyển hướng diễn ra trễ hơn. Mô hình Anh được bắt chước chủ yếu bằng cách tách rời hệ thống an sinh xã hội và thị trường lao động. Tại Đức, Hà Lan, Đan Mạch hay Pháp, hệ thống an sinh xã hội hoàn toàn gắn chặt vào cương vị người có hoạt động kinh tế, dù là có làm công ăn lương hay không, vốn ban đầu là cương vị duy nhất cho phép được quyền hưởng bảo hiểm bệnh tật, bảo hiểm hưu trí và một số chi tiêu xã hội khác. Nhiều cuộc cải cách quan trọng đã được tiến hành. Ví dụ, tại Pháp thu nhập đoàn kết tích cực hay RSA (mà tiền thân là thu nhập hội nhập tối thiểu hay RMI) được trợ cấp độc lập với cương vị của người thụ hưởng đối với thị trường lao động và một phần ngày càng tăng của bảo hiểm bệnh tật được tài trợ bằng thuế hơn là bằng đóng góp của người lao động hay của giới chủ. Như vậy, trong nhiều nước trên lục địa châu Âu, người ta tách xa dần khỏi mô hình của Bismack đặt cơ sở trên cương vị người làm thuê hay người hoạt động kinh tế và ưu tiên cho mô hình của Beveridge cung cấp mạng lưới an toàn cho toàn thể dân số, độc lập với cương vị việc làm (thất nghiệp hay không - ND) của người thụ hưởng. Tất nhiên, diễn tiến này không diễn ra trong tất cả các nước, và sẽ là ảo tưởng khi muốn nhận diện một mô hình chung. Tuy nhiên, mô hình “linh hoạt-an toàn” (“flexisecurité”), như ở Đan Mạch và phù hợp với mô hình tự do, giải phóng các cơ chế thị trường vừa song song bảo vệ các cá nhân khỏi khỏi nguy cơ rơi vào các bẫy của nghèo đói, trở nên hấp dẫn ở mọi nước.
Trong các nước đang phát triển, người ta ghi nhận một sự đa dạng trong các hệ thống an sinh xã hội. Các nước châu Mĩ la tinh chọn các hệ thống châu Âu (của Bismarck) nhưng không thể biến chúng có tính phổ cập. Sau thế chiến, ở châu Âu hệ thống an sinh xã hội gắn với quan hệ làm thuê đã bao phủ 80 đến 90% nhân công. Những người hành nghề tự do, độc lập và một số ít người khai thác nông nghiệp cũng nhanh chóng có cương vị rất gần với cương vị của người làm công ăn lương. Điều này đã không diễn ra ở châu Mĩ la tinh do thiếu một tăng trưởng nhanh trên một thời kì đủ dài. Kết quả là một hệ thống lưỡng phân với một khu vực chính thức mà nhân công được bảo vệ và một khu vực phi chính thức mà cho đến gần đây không tiếp cận được hệ thống an sinh xã hội.
Trong các nước châu Á ít có hệ thống an sinh xã hội. Có lẽ có thể tìm lí do trong sự tăng trưởng rất nhanh của các nước này. Trong những nền kinh tế luôn tạo ra những việc làm mới, đáp ứng những bất ngờ trong nội bộ một hộ gia đình bằng việc gia tăng sự tham gia vào lực lượng lao động là một kiểu bảo hiểm. Điều kì lạ là phải cần đến cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 để một nước như Hàn Quốc mới thừa nhận sự cần thiết của mạng lưới xã hội để tránh những thảm cảnh kinh tế cá nhân. Hiện nay, Trung Quốc đi tới cùng kết luận đó vì những lí do khác. Chính phủ cố gắng khuyến khích các hộ gia đình tiêu dùng để khởi động động cơ của thị trường nội địa thay thế cho các thị trường nước ngoài. Thế mà tiết kiệm quá cao của các hộ gia đình Trung Quốc là do phạm vi bảo hiểm rủi ro bệnh tật và hưu trí là không chắc chắn hay vô cùng giới hạn.
Châu Phi là một trường hợp rất đặc biệt trong chừng mực là đại đa số dân chúng hoạt động trong khu vực phi chính thức vốn nằm ngoài mọi hình thức an sinh xã hội, việc bảo hiểm các rủi ro thiết yếu do gia đình mở rộng đảm nhận. 
Từ tăng trưởng “bằng mọi giá” đến việc tính đến các bất bình đẳng
Trong một thời gian dài, đối với các định chế tài chính quốc tế vấn đề bất bình đẳng và an sinh xã hội là thứ yếu. Trong những năm 1990, các tổ chức này rất ấn tượng với mô hình châu Á, như được minh chứng bằng việc công bố năm 1996 báo cáo Phép lạ châu Á của Ngân hàng thế giới, trong đó kinh nghiệm của khu vực này hiện ra như là mô hình nên theo. Với một tăng trưởng rất nhanh, vấn đề tái phân phối cũng như vấn đề an sinh xã hội không được đặt ra một cách gay gắt như trong các khu vực khác. Nếu Ngân hàng thế giới treo khẩu hiệu “Giấc mơ của chúng tôi là một thế giới không nghèo đói” trong đại sảnh thì chỉ có thể giảm nghèo đói duy nhất bằng sự tăng trưởng. Kinh nghiệm châu Á dường như cho thấy Ngân hàng thế giới có lí.
Vào cuối những năm 1990, kinh nghiệm ở châu Mĩ la tinh nêu lên vấn đề những bất bình đẳng nhưng không vì thế mà vấn đề được đặt vào trung tâm của các cuộc tranh luận. Khu vực này của thế giới không có một sự tăng trưởng bền vững và dần dần bất bình đẳng hiện lên như một cản trở của tăng trưởng. Chính vì thế mà giả thiết cho rằng sự bất bình đẳng ban đầu có thể kìm hãm tăng trưởng thắng thế. Bất bình đẳng đặc biệt thấp ở Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam – những nước trở thành quán quân thế giới về tăng trưởng trên thế giới. So sánh này, cộng với việc phân tích thất bại của tăng trưởng trong một số nước châu Phi chịu phải sự cướp đoạt của giới tinh hoa chính trị, đỉnh điểm của bất bình đẳng đã làm cho ý tưởng cho rằng các bất bình đẳng có thể có một vai trò trong quá trình phát triển có thực chất.
Ngày nay, ý tưởng theo đó sự nghèo đói không tự động và tất yếu giảm khi có tăng trưởng và rằng tăng trường phụ thuộc vào mức độ bất bình đẳng được chấp nhận. Tại châu Phi, mới đây một số nước đã tăng trưởng nhanh nhưng không vì thế mà nghèo đói giảm. Tăng trưởng nhanh được thúc đẩy bởi gia tăng mạnh của giá nguyên liệu, cho phép có được đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng. Nhưng chỉ một phần nhỏ dân số được hưởng lợi từ đó. Tất nhiên, trong những nền kinh tế với tỉ suất tăng trưởng ở mức hai con số như Trung Quốc, khó mà hình dung là có người hoàn toàn thoát khỏi quá trình tăng trưởng. Nhưng với những tỉ suất tăng trưởng khiêm tốn hơn, thì có thể tác động của nghèo đói là thấp, thậm chí là không có. Trong những năm 1990, ý tưởng như thế khó được chấp nhận.
Joseph Stiglitz (1943-)
Khá trễ hơn, trong những năm 2000, những tổ chức như Ngân hàng thế giới mới bắt đầu xem các bất bình đẳng như những chủ đề quan trọng. Stiglitz và Stern, những người tiền nhiệm của tôi ở cương vị nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tin tưởng rằng bất bình đẳng là một chiều kích cơ bản của sự phát triển. Năm 1996, James Wolfensohn, Chủ tịch Ngân hàng thế giới và bạn của Armatya Sen, tuyển chọn Joseph Stiglitz làm nhà kinh tế trưởng. Cả hai đều có một tầm nhìn về phát triển vượt xa rất nhiều sự tăng trưởng duy nhất của tổng sản phẩm trên đầu người, nhưng chỉ một thiểu số nhân viên của Ngân hàng chia sẻ tầm nhìn này. Khi tôi về Ngân hàng năm 2003, những vấn đề bất bình đẳng chỉ được thừa nhận một cách giới hạn, nhưng các tiến bộ đã là hiển nhiên. Năm 2006, vào lúc công bố báo cáo Công bằng và phát triển, người ta có thể nói rằng cuối cùng vai trò then chốt của cơ chế phân phối và tái phân phối trong sự tăng trưởng và trong việc loại trừ nghèo đói đã thắng thế trong lối tư duy của Ngân hàng thế giới.
Trong những tổ chức quốc tế khác, đã không cần thiết có một diễn tiến như thế. Thật vậy, trong tầm nhìn về phát triển của mình, Liên hiệp quốc đã luôn quan tâm đến những vấn đề bất bình đẳng và diễn ngôn về tăng trưởng bằng mọi giá từng thống trị lâu dài ở Ngân hàng thế giới hay ở Quỹ tiền tệ quốc tế chưa bao giờ thắng thế trong tổ chức này. Tuy nhiên quả thật là hai định chế sau có những vai trò rất khác nhau trong các nền kinh tế đang phát triển. Đặc biệt, Liên hiệp quốc chỉ có một ảnh hưởng rất giới hạn trên các chính sách được triển khai ở cấp độ quốc gia so với những phương tiện quan trọng hơn nhiều mà các định chế tài chính quốc tế có được.
Tuy nhiên vấn đề là cách mà những phương tiện này có thể, đã từng hay hiện nay có thật sự phục vụ cho một tầm nhìn nhất định về phát triển không. Trước tiên cần thấy là một phần hoạt động của Ngân hàng thế giới và các ngân hàng phát triển khác là hoạt động của một ngân hàng thương mại. Những nước đối mặt với những vấn đề thanh khoản cầu viện đến Ngân hàng để Ngân hàng gia tăng các khoản cho vay dưới hình thức chương trình hành động này hay hành động khác vì phát triển mà trên đó ảnh hưởng của Ngân hàng là rất giới hạn. Như thế quan niệm của các công chức của Ngân hàng về sự phát triển là không mấy quan trọng. Trong những nước mới nổi hay có thu nhập trung bình, mối liên hệ giữa các khoản vay và các “chương trình” phát triển ngày càng lỏng lẻo. Theo cách nhìn này, sự khác biệt với những năm 1990 là rõ nét. Điều này được giải thích bởi sự phát triển của thị trường vốn quốc tế, trên đó các nước mới nổi có thể dễ dàng đi vay và sức hấp dẫn tương đối yếu hơn của các định chế tài chính quốc tế làm giảm đòn bẫy có thể của ảnh hưởng các định chế này trên chính sách phát triển của các nước mà họ tài trợ.
Nói như thế rồi song các chương trình không hoàn toàn biến mất và Ngân hàng thế giới vẫn còn có mặt trong việc triển khai các chương trình này, nhưng theo một cách khác. Ngân hàng có vai trò nhà tư vấn hơn là nhà thực hiện hay nhà tài trợ, như từng xảy ra trong quá khứ. Tại Brazil, Ngân hàng thế giới hiện diện khi khởi động các chương trình chuyển nhượng có điều kiện cho người nghèo, chương trình “Bolsa Escola” sau đổi thành “Bolsa Familia”. Ngân hàng cũng có mặt ở Mehico lúc khởi động chương trình “Progressa”. Ngân hàng có khả năng cung cấp cho các đối tác kinh nghiệm phong phú của mình trên toàn thế giới đang phát triển.
Trong các nước có thu nhập thấp, tình hình hơi khác vì Ngân hàng thế giới, thông qua Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA), là một cơ quan phát triển thật sự như Cơ quan phát triển Pháp (AFD) hay Bộ phát triển Vương quốc Anh (DFID), với một nguồn lực lớn hơn nhiều nguồn lực của hai tổ chức này. Trong các nước có thu nhập thấp này, các ý niệm dự án và chương trình vẫn còn giữ ý nghĩa của chúng và diễn tiến của tầm nhìn về phát triển bàn luận ở trên là hoàn toàn chính xác.
Hiện nay, một phần quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng thế giới và của các ngân hàng phát triển tại các khu vực liên quan đến “năng lực” của các cá nhân. Trong một thời gian dài, khía cạnh này của sự phát triển đã bị xem nhẹ. Sau thời kì “Hãy tăng trưởng rồi nghèo đói sẽ giảm” và tiếp đến là “Hãy tăng trưởng và tái phân phối”, chúng ta bước vào một giai đoạn mới khuyến khích việc tích luỹ những tài sản sản xuất trong các nhóm bị thiệt thòi nhất và như thế tìm cách khuyến khích tăng trưởng và giảm nghèo đói. Các chương trình chuyển nhượng có điều kiện, lấy cảm hứng từ Bolsa Familia và Progressa, trong các nước thu nhập thấp hỗ trợ các gia đình nghèo nhất nếu hộ gởi con đến trường tới một tuổi nhất định và đưa con đi khám sức khoẻ hai lần mỗi năm. Do đó đây là những chương trình tái phân phối làm giảm nghèo đói nhưng cũng giúp tích luỹ tài sản phi vật chất và giảm bất bình đẳng cho những thế hệ tương lai.    
Mặt khác, nếu Ngân hàng thế giới ngày càng ít vai trò trong các nước mới nổi về mặt chương trình và các khoản cho vay thì Ngân hàng vẫn còn giữ vai trò chủ yếu trong sự hình thành các ý tưởng. Ngân hàng thường giữ vai trò “vườn ươm ý tưởng” khi cung cấp những nghiên cứu độc đáo ở trình độ cao trong những lĩnh vực như các thước đo bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng cơ hội hay đánh giá những sự can thiệp đặc biệt. Những báo cáo được Ngân hàng công bố ở Mehico, Ấn Độ hay Trung Quốc, những nơi bàn thảo về những chiến lược phát triển khác và chủ trương một số chính sách công thường có ảnh hưởng quan trọng, một mặt vì là công trình nghiêm túc và mặt khác vì có những sáng kiến mới về mặt ý tưởng và quan niệm phát triển. Trên quan điểm này, mới đây Ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc đặt các bất bình đẳng trở lại vào trung tâm những mối quan tâm của các chính phủ.
Một sự nhạy cảm ngày càng tăng của các chính phủ đối với các bất bình đẳng
Sự thay đổi thái độ của các chính phủ đã được ghi nhận rõ ràng. Trong khi trước đây người ta đánh giá quá trình tăng trưởng của một nước nhất định thông qua tỉ suất tăng trưởng của GDP thì nay người ta chọn kết hợp phân tích tỉ suất tăng trưởng với phân tích cách mà tăng trưởng được phân phối trong dân chúng. Như thế người ta xem xét những “đường tác động của tăng trưởng” biểu trưng cách mà thu nhập của các cá nhân lúc đầu ở những mức thu nhập khác nhau đã gia tăng qua thời gian. Các đường này đã trở thành những công cụ thông dụng, không chỉ vì các ý tưởng đã tiến hoá nhưng cũng vì đã sẵn có số liệu thống kê mà trước đây mươi mười lăm năm chưa có được. Đằng sau diễn tiến của các ý tưởng, cũng có một cuộc cách mạng thống kê. Trong một số nước ngày càng nhiều, ngày nay ta có thể vẽ các biểu đồ này và chúng trở thành những công cụ không thể thiếu cho những người ra quyết định để truyền bá kết quả hoạt động của mình hoặc để định hướng các chính sách.
Sẽ là cường điệu khi nói rằng diễn tiến trên của các ý tưởng có tính phổ cập. Nhưng buộc phải ghi nhận là sự nhạy cảm đối với các vấn đề bất bình đẳng đã tăng lên trong nhiều nước. Ví dụ, ở Trung Quốc, nước quán quân của tăng trưởng trong ba mươi năm qua, từ lâu sự gia tăng các bất bình đẳng đã khiến các nhà lãnh đạo quan ngại. Kế hoạch phát triển năm năm lần thứ 11 kết thúc năm nay (2013) có tựa là “Tiến đến một xã hội hài hoà”, trong nghĩa một xã hội công bằng và bình đẳng hơn. Mối quan ngại này cũng được nhiều nước châu Mĩ la tinh chia sẻ, bắt đầu với Brazil dưới thời tổng thống Lula và Dilma Roussef, khi đã có những sáng kiến chủ động lớn lao. Brazil vẫn còn là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới nhưng sự bất bình đẳng đã giảm một cách ngoạn mục trong vòng 10 hay 12 năm qua. Trong thế giới phát triển, các bất bình đẳng là chủ đề quan ngại công cộng thường xuyên trong nhiều nước châu Âu, kể cả ở Pháp. Một cách nghịch lí, đó không phải là trường hợp tại Hoa Kì, nơi mà những bất bình đẳng là lớn hơn nhiều và đã tăng một cách đáng kể.
Sự nhạy cảm của các tầng lớp lãnh đạo không chỉ mang tính đạo đức mà còn có tính chính trị. Họ biết là sự gia tăng những bất bình đẳng có nguy cơ dẫn đến những xung đột và căng thẳng xã hội. Mặt khác, việc thiết lập những hệ thống an sinh xã hội đáp ứng một cầu do chính quá trình phát triển kinh tế tạo ra. Khi nền kinh tế ngày càng tăng trưởng, dân chúng đòi hỏi nhiều sản phẩm tiêu dùng hơn nhưng cũng đòi hỏi nhiều sự an toàn hơn. An sinh xã hội trước hết là một sự tái phân phối tức thì thuộc về phạm trù bảo hiểm. Khi cảm nhận là mình được bảo vệ chống lại những rủi ro y tế, lão hoá hay sụt giảm không dự kiến của thu nhập thì các tác nhân kinh tế có khả năng hơn để tiến hành những dự án rủi ro hơn nhưng cũng có lợi hơn theo quan điểm tư nhân hay công cộng.
Một kiểu bất bình đẳng đặc biệt nhạy cảm liên quan đến việc tiếp cận những công việc thoả đáng. Bắc Phi và mùa xuân A rập là một ví dụ nhưng tình hình cũng đáng quan ngại trong nhiều nước Trung Đông khác, khi nhiều người trẻ có học không sẵn sàng chấp nhận những việc làm không tương ứng với kì vọng của họ. Việc thị trường lao động không điều chỉnh được có thể gây những hậu quả nghiêm trọng. “Công việc thoả đáng”, như được Tổ chức lao động quốc tế khuyến cáo, chắc chắn là một nhu cầu và có thể là một “quyền”, nhưng trong những nước nghèo nhất ở châu Á và châu Phi, ít người được tiếp cận với công việc ấy.
Thư mục
Nguyễn Đôn Phước dịch




[*] Giám đốc nghiên cứu tại EHESS. Từ năm 2003 đến năm 2007, ông là kinh tế gia trưởng và Phó chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng thế giới. Từ năm 2007 đến cuối năm 2013, ông là Hiệu trưởng Trường kinh tế Paris.

[1] Kaldor lập luận rằng người giàu tiết kiệm nhiều hơn người nghèo, và do đó nếu sự phân phối là bất bình đẳng hơn thì sẽ có nhiều tiết kiệm hơn và do đó có tăng trưởng cao hơn.

[2] Có thể tham khảo lịch sử của khái niệm và các chính sách phát triển tại đây, đâyđây (ND).

Print Friendly and PDF