18.9.17

Con đường tơ lụa: quay trở lại một trục huyền thoại


CON ĐƯỜNG TƠ LỤA: QUAY TRỞ LẠI MỘT TRỤC HUYỀN THOẠI

Alexandre Gandil & Antoine Richard
Đàn lạc đà và người chăn nó tại trại lều (của người Mông Cổ) Adjar, trên bản vẽ lịch sử của con đường tơ lụa (Ảnh: LEMAIRE STEPHANE / HEMIS. FR / AFP)
Trong gần 2.000 năm, con đường tơ lụa là câu nói cửa miệng của mọi người, trong tất cả các túi tiền và tất cả các sàn giao dịch. Và tình hình dường như lặp lại ngày nay. Không một tuần nào trôi qua mà chính phủ Trung Quốc không công khai đề cập đến con đường tơ lụa, được hồi sinh thông qua dự án hàng đầu của họ Một vành đai Một con đường – nhất đới, nhất lộ.
Ren Xianliang
F. von Richthofen (1833-1905)
Ví dụ mới nhất: vào ngày 18 tháng 7, nhân diễn đàn lần thứ 15 của các kênh truyền thông đại chúng Internet của Trung Quốc ở Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông), Thứ trưởng Bộ quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC), Ren Xianliang, đã kêu gọi các doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông quốc gia hiện nay phát triển một con đường tơ lụa kỹ thuật số, bổ sung thêm một phiên bản mới (kỹ thuật số) vào khái niệm đã được huy động cho nền kinh tế, năng lượng, giao thông, văn hóa và ngoại giao.
Lịch sử của con đường tơ lụa, một trục huyền thoại và lâu đời hàng nhiều ngàn năm, một cầu lữ hành giữa Đông và Tây giải thích cho sự hâm mộ nhiệt thành hiện nay của Tập Cận Bình và của chính phủ Trung Quốc.
Xuất hiện vào thế kỷ XIX, thành ngữ con đường tơ lụa được nam tước và nhà địa lý học người Đức Ferdinand von Richthofen (1833-1905) sử dụng lần đầu tiên để chỉ cụm lịch sử các tuyến đường biển và đường bộ nối liền, qua Trung Á và Ba Tư, Trung Quốc với Địa Trung Hải. Do đó nếu quan tâm đến tính chính xác, thì phải viết thành số nhiều khi đề cập đến con đường tơ lụa”, để nhắc nhở rằng đó là một mạng lưới toả rộng tứ phía. Dù sao đi nữa, những cái tên gọi này có tính hậu nghiệm, bởi vì người ta ghi niên đại của việc sử dụng con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ thứ XVI sau Công nguyên.
Bản đồ: các cụm đường bộ và đường biển của con đường tơ lụa lịch sử. (Ảnh: Team Directory)
Đường màu đỏ: Tuyến đường bộ, Đường màu xanh: Tuyến đường biển
Hình thành và suy tàn
Việc mở cửa các cụm đường này bắt nguồn từ quyết định của Hoàng đế Trung Quốc Hán Vũ Đế (156-87 TCN) gửi một phái bộ ngoại giao đến phía tây của Vương quốc, được dẫn đầu bởi sứ giả Trương Khiên [Zhang Qian]. Mục tiêu là thiết lập một liên minh chống Hung Nô, một dân tộc những kẻ du cư xâm lược, đe dọa biên giới phía bắc của Trung Quốc. Nhưng, Trương Khiên đã nhanh chóng bị bắt làm tù binh và cuối cùng đã trốn thoát và tìm lại được tự do sau mười ba năm. Trong khoảng thời gian đó, nhiều cuộc vượt ngục của ông đã cho phép ông thu thập thông tin về vùng Trung Á mà ông đã rong ruổi một phần và về những vùng sâu vùng xa mà ông không thể vượt qua. Lóa mắt bởi sự giàu có và những của cải vô tận chưa được biết đến mà Trương Khiên đã mô tả, Hán Vũ Đế quyết định gửi Trương Khiên trở lại Trung Á, lần này với mục đích rõ ràng là mở ra các tuyến đường thương mại. Chính vì lý do đó mà dần dần phát triển các tuyến đường bộ của con đường tơ lụa, cùng với các tuyến đường biển vào những năm đầu của kỷ nguyên Kitô giáo.
Con đường tơ lụa đã chứng kiến những thời kỳ ít nhiều sầm uất trước khi lụi tàn dần vào thế kỷ XVI. Vì vậy, nó đã được các thương gia của tất cả vùng Âu-Á sử dụng trong gần 2.000 năm. Có rất nhiều lý do để giải thích sự suy giảm này, như việc mở ra các tuyến đường biển mới dưới sự kiểm soát hoàn toàn của người châu Âu và việc áp dụng một chính sách biệt lập của triều đại nhà Minh (1368-1644).
Do đó, trong gần 2.000 năm, con đường tơ lụa đã hình thành nên công cụ của một sự xích lại gần nhau sâu sắc giữa Đông và Tây. Thực vậy, sự lưu thông hàng hóa đã kéo theo một sự trao đổi về tri thức và kỹ thuật (các hệ thống thủy lợi, kỹ thuật làm giấy, kỹ thuật in ấn), về tôn giáo (đạo Phật từ Ấn Độ, đạo Dô-rô-át [Zoroastrianism] từ Ba Tư, đạo Kitô theo phái Nestorius từ Syria) và đặc biệt, về con người (hôn phối giữa người lữ hành và người địa phương). Mặc dù con đường tơ lụa không phải lúc nào cũng hoạt động một cách ôn hòa, nhưng việc tiếp xúc giữa nhiều dân tộc Âu-Á khác nhau đã ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử và văn hóa của họ.
Và do khó có thể diễn tả hết tính hàm súc của di sản con đường tơ lụa, chúng tôi đề nghị các bạn ngược lên con đường tơ lụa từ điểm khởi đầu của nó, thành phố Tây An, cho đến điểm cuối là thành phố-trạm về tầm quan trọng, Constantinople (nay là Istanbul). Chúng ta cần phải nhớ rằng các nhà buôn không đi hết con đường từ đầu đến cuối, mà chỉ đi một phần đường và trung chuyển hàng hóa ở một số thành phố quá cảnh nào đó.

Di sản và giới hạn
Việc kết nối Âu-Á với nhau qua con đường tơ lụa, vì vậy, liên quan đến các vấn đề thương mại và kinh tế cũng như văn hóa và ngoại giao. Nếu chúng ta thêm vào đó hình ảnh tốt đẹp của một tuyến đường huyền thoại, ngoại lai và phi thường của hầu hết các tuyến đường mà hấu hết người phương Tây gán cho nó, thì có thể giải thích một cách dễ dàng quyết định khôi phục lại con đường tơ lụa của Chủ tịch Trung Quốc. Mục đích là vận động sự chấp nhận một chiến lược bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc thông qua việc huy động một khái niệm lịch sử và có tính hợp nhất, tốt nhất là mang tính hấp dẫn, và tệ nhất là mang tính vô hại, ở cấp độ Âu-Á. Thông qua sự hồi sinh này, Tập Cận Bình tìm cách duy trì tốc độ tăng trưởng cao qua việc đảm bảo các dòng chảy nhập khẩu năng lượng và dòng chảy xuất khẩu thương mại.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế của một công trình như thế đã xuất hiện một cách nhanh chóng. Chỉ kể qua một vài ví dụ, hãy thử nghĩ đến các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho việc phát triển các cơ sở hạ tầng nền tảng (đường xá, cầu cống, sân bay, các cơ sở vật chất cung cấp nước sinh hoạt và điện...); đến tình hình bất ổn của một vùng Trung Á (các tra vấn về bản sắc, bệnh dịch tham nhũng, tình trạng chậm trễ về kinh tế) đã ở trung tâm sự thèm muốn của Nga (Liên minh Âu-Á), của châu Âu (TRACECA) và của Mỹ (Dự án Con đường tơ lụa mới); với những rủi ro gắn liền với sự an toàn của các công dân Trung Quốc ở nước ngoài và của các cơ sở hạ tầng đã được phát triển trong một số khu vực được coi là nhạy cảm (phá hoại, khủng bố... ); với cách ứng xử của Trung Quốc đối với các Nhà nước trong đó có cộng đồng Uighur (Kazakhstan, Kyrgyzstan) hoặc đối với một dư luận xã hội tỏ tình đoàn kết với dân tộc thiểu số này (Thổ Nhĩ Kỳ); và một cách tổng quát hơn, với các phương thức triển khai một dự án đầy tham vọng và duy ý chí nhưng còn chưa rõ ràng.
Lịch sử con đường tơ lụa cho chúng ta thấy rằng một dự án như thế chỉ có thể hình thành từng bước nhưng gần như tự nhiên ở cấp độ lục địa. Song, đây là một phương pháp hoàn toàn đối lập với điều mà chính phủ Bắc Kinh dường như muốn áp dụng, một cách nhanh hơn và mang tính chỉ đạo nhiều hơn. Sự phát triển của các con đường tơ lụa mớinày phải được hoàn thành vào dịp 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049.
Giới thiệu tác giả
Antoine Richard
Alexandre Gandil
nghiên cứu sinh về khoa học chính trị, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học chính trị (CERI), Alexandre Gandil là thành viên ban biên tập của Asialyst. Các công trình nghiên cứu của ông viết về quỹ đạo chính trị của Đài Loan kể từ khi chia tách với đại lục Trung Quốc vào năm 1949 và về sự tiến triển mang tính hệ quả của các quan hệ Trung-Đài. nhà báo và người vẽ bản đồ, ông đã từng làm việc cho đài Le Dessous des cartes, phát sóng trên Arte. Alexandre Gandil đã học tiếng Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại INALCO, sau đó học địa chính trị tại IFG (Đại học Paris 8).
Antoine Richard là tổng biên tập của Asialyst, phụ trách các mục của cộng tác viên. Cộng tác viên của Petit Futé, cựu Tổng thư ký của các ngành khoa học xã hội và hội thảo tiến sĩ ở Bắc Kinh, ông đã đi nhiều nước và viết về Trung Quốc và châu Á từ 10 năm qua.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Route de la soie: retour sur un axe mythique, Asialyst, 28/7/2015.
Print Friendly and PDF