6.11.20

“Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch của hệ thống tư bản chủ nghĩa”

 “CHÚNG TA ĐANG CHỨNG KIẾN ​​MỘT SỰ CHUYỂN DỊCH CỦA HỆ THỐNG TƯ BẢN CHỦ NGHĨA”

PHỎNG VẤN. Nhà kinh tế Christian de Perthuis xuất bản cuốn “Covid-19 et réchauffement climatique [Covid-19 và thời tiết nóng lên toàn cầu]”, phân tích tác động của virus đối với các nền kinh tế và hành tinh chúng ta.

Cuộc phỏng vấn được Michel Revol ghi lại

Đăng ngày 16/10/2020

Theo nhà kinh tế, cuộc khủng hoảng y tế sẽ làm thay đổi lâu dài các phương thức sản xuất và vận tải, theo hướng có lợi cho khí hậu. © Manuel Cohen/Manuel Cohen



Đúng một năm trước, ông đã xuất bản cuốn Le Tic-Tac de l'horloge climatique [Tiếng kêu tic-tac của đồng hồ khí hậu], một tựa đề nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bởi vì vấn đề khí hậu không thể chờ đợi quá lâu hơn nữa. Một năm và cuộc khủng hoảng coronavirus sau đó, Christian de Perthuis nhắc lại điều đó trong một cuốn sách mới. Người đàn ông này có thể gần như được yên tâm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhờ đại dịch, nếu có thể nói vậy, lượng khí thải nhà kính đã giảm 8% vào năm 2020, gấp 5 lần so với sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Perthuis, một trong những nhà thiết kế thuế carbon, không tin vào “hiệu ứng đuổi kịp”, có nghĩa là một sự theo kịp trở lại mức phát thải trước đây một khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, như sau năm 2008. Có hai lý do để giải thích cho niềm tin của ông: sự sụt giảm là quá lớn để lấp lại, và tâm tính con người đang thay đổi. Con virus bé tí này đang làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu và đẩy nhanh những thay đổi cơ bản, vốn đã diễn ra từ trước khi nó lây lan. Christian de Perthuis, giáo sư kinh tế học tại Đại học Paris-Dauphine và là người sáng lập bộ môn Kinh tế học khí hậu, hy vọng cần phải giảm tốc việc phát thải khí nhà kính, và đường cong nhiệt độ khí hậu cuối cùng sẽ đảo ngược. Liệu “tiếng kêu tic-tac của đồng hồ khí hậu” có thể bị chậm lại?

Christian de Perthuis (năm 2015). Ảnh: © leemage via AFP
Le Point: Thoạt nhìn, Covid và CO2 không liên quan gì nhiều với nhau. Nhưng tại sao ông lại liên kết chúng trong cuốn sách của mình?

Christian de Perthuis: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng hai cuộc khủng hoảng này, khủng hoảng y tế và khủng hoảng khí hậu, có tính thời gian rất khác nhau. Một số người muốn giải quyết cả hai vấn đề theo cùng một tốc độ, đó là điều không thể! Nhưng, trong cả hai trường hợp, chúng ta phải đối mặt với những thách thức mà thị trường không thể giải quyết được. Y tế và khí hậu là những khái niệm mà, trong ngôn ngữ kinh tế, chúng ta gọi là các nguồn lực chung. Sự phản ứng lại với Covid làm tăng trọng lượng của hành động công cộng so với tầm quan trọng của thị trường. Trong các đại dịch trước đây, không có các phản ứng công cộng tương tự. Dịch cúm Hồng Kông năm 1968, giết chết một triệu người, và dịch năm 1958, với hai triệu người chết, hầu như không được chú ý.

Vậy ảnh hưởng của virus đối với nền kinh tế là gì?

Sự phản ứng lại với Covid đang đẩy nhanh sự chuyển đổi của nền kinh tế. Làm việc trực tuyến là một ví dụ rõ ràng. Nhưng cần nhìn xa hơn. Từ nay, việc chuyển giao thông tin thay thế cho việc chuyển giao các thể nhân. Chúng ta đang thử nghiệm các phương thức tổ chức hiệu quả hơn. Ngày mai, các giáo sư sẽ không còn tổ chức các hội nghị học thuật với nhịp độ như trước, và các doanh nhân sẽ không còn thực hiện các chuyên đi công tác như trước. Thực vậy, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Hệ thống đó đang hướng tới chủ nghĩa tư bản lây lan như virus, sử dụng lại lời của Yves Citton, giáo sư về văn chương so sánh. Nguyên liệu thô của chủ nghĩa tư bản mới này là thông tin, và năng lượng của nó là electron. Ví dụ, chúng ta thấy gã khổng lồ phần mềm Salesforce đã loại khỏi Dow Jones công ty dầu mỏ hàng đầu ExxonMobil, bản thân Exxon đã vượt qua giá trị vốn hóa thị trường của NextEra, một công ty chuyên về năng lượng tái tạo. Công ty khởi nghiệp Zoom, về ứng dụng hội nghị truyền hình, cũng có lượng vốn hóa lớn hơn các công ty lữ hành du lịch!

Làm thế nào mà chủ nghĩa tư bản này lây lan như virus?

Nó lây lan như virus bởi vì, giống như một loại virus sinh học, nó tìm cách lây lan càng nhiều càng tốt, giống như một video được đăng trên Web. Chủ nghĩa tư bản lây lan như virus kiếm tiền từ việc tái sản xuất thông tin. Nó tích lũy dữ liệu, rồi truyền bá chúng mà không tốn bất cứ chi phí gì, bởi chi phí cận biên của Google hoặc Facebook là rất thấp.

Một công ty như Tesla có thể được coi là một phần của nền kinh tế mới này, thế nhưng công ty đó không dựa trên sự lưu thông thông tin ... 

Ở công ty Tesla, rõ ràng là có một bộ phận sản xuất chế tạo, bởi vì cần phải chế tạo ô tô chứ. Nhưng công ty cũng đang đầu tư hàng loạt vào ô tô tự hành, vào tự động hóa, pin và các công cụ điều tiết. Pin được sử dụng để làm cho chiếc ô tô di chuyển được, nhưng pin cũng được dùng để tiếp liệu cho mạng lưới các thiết bị gia dụng ở nhà, ví dụ. Đó là chủ nghĩa tư bản mạng.

Theo ông, thì chủ nghĩa tư bản này sẽ dẫn đến việc giảm phát thải khí nhà kính?

Nó không đơn giản như vậy, bởi vì nó không biết cách khuyến khích sự tiết độ năng lượng. Ví dụ như ô tô nên chạy chậm hơn, nên nhẹ hơn. Thế nhưng không phải vậy. Có lợi gì khi lái một chiếc Tesla và phóng đi với tốc độ 200 km/h? Vấn đề là chủ nghĩa tư bản lây lan như virus vẫn là chủ nghĩa tư bản, nó tìm cách đầu tư vào các thị trường mới như thị trường mã lực, vốn là thị trường của những chiếc xe hơi đắt tiền ... Nhưng một số thay đổi do virus gây ra, chẳng hạn như sự gia tăng số hóa hoặc sự suy giảm mức độ di chuyển, sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo yêu cầu của một số người, liệu có nên tiến tới một sự giải toàn cầu hóa nền kinh tế, để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường xa xôi và hạn chế nạn ô nhiễm hay không?

Cần phải làm thôi, nhưng không phải đối với tất cả các sản phẩm. Thử tưởng tượng chúng ta muốn chế tạo điện thoại di động ở Pháp, nhưng giá của chúng sẽ quá đắt đến mức khó ai có thể mua được! Ngược lại, cuộc khủng hoảng y tế đã cho thấy việc siêu chuyên môn hóa các chuỗi giá trị đã tạo ra sự phụ thuộc. Thay vì giải toàn cầu hóa, chúng ta nên tái toàn cầu hóa, có nghĩa là củng cố lại các nền kinh tế khu vực. Ví dụ, tôi hy vọng Liên minh Châu Âu sẽ biết cách triển khai ngành công nghiệp pin và hydro từ nay, để tránh những thất vọng mà chúng ta đã trải nghiệm với các tấm pin mặt trời, vốn được chế tạo tất cả ở Trung Quốc. Tái toàn cầu hóa cũng phải quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm. Cần phải rút ngắn chu trình cung ứng, ngừng nhập khẩu đậu nành từ châu Á để nuôi lợn ở Pháp, chẳng hạn. Nỗ lực này sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc làm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính.

Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế, phải chăng các công ty, trên hết, đều muốn kiếm lại tiền, mà không cần lo quá nhiều đến lượng khí thải gây ô nhiễm của họ?

Tất nhiên là không thể chuyển một thế giới xám sang một thế giới xanh, trong một sớm một chiều. Nhưng rõ ràng là các công ty đánh giá lại rủi ro. Họ tích hợp ngày càng nhiều rủi ro của các tài sản dựa trên carbon, khiến họ có thể phải trả giá đắt trong tương lai. Châu Âu cũng đã tính đến sự thay đổi do cuộc khủng hoảng y tế gây ra. Họ đã nâng mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính từ 40% vào năm 2030 lên mức từ 55 đến 60% so với năm 1999. Nếu không nâng mục tiêu đó lên, thì các nước trong Liên minh sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu đó mà không cần nỗ lực gì, vì cuộc khủng hoảng y tế đã làm giảm nghiêm trọng lượng khí thải CO2!

Vậy là phải cảm ơn Covid?

Không. Để dẫn lại một câu tục ngữ, Covid là cái may trong cái rủi. Hẳn là cuộc khủng hoảng y tế đang gây ra những thay đổi tích cực, nhưng cũng có những hiệu ứng có hại, trong đó có sự gia tăng bất bình đẳng xã hội. Các chính sách công chắc chắn sẽ chống lại tình trạng bất bình đẳng xã hội, nhưng xin đặc biệt lưu ý rằng sự bất bình đẳng về di sản sẽ tăng lên, bởi vì những người giàu nhất sẽ muốn cải thiện nhà cửa của họ nhờ vào thanh khoản trên thị trường. Vả lại, nhìn chung, trong thời kỳ khủng hoảng, giá bất động sản giảm; nhưng đây không phải là trường hợp của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua!


Michel Revol

Michel Revol là nhà báo làm việc cho tạp chí Le Point từ năm 2003. Ông đã lần lượt cộng tác cho các tạp chí “Management [Quản trị]”, “Villes [Thành phố]”, “Politique [Chính trị]” và “Economie [Kinh tế]”. Ông là đồng tổng biên tập với Fabien Roland-Lévy trang “Le Point de la Semaine [Tâm điểm trong tuần]”. Ông là đồng tác giả, với Franz-Olivier Giesbert, cuốn “Mitterrand à la Une [Mitterrand lên trang một]”. Ông thỉnh thoảng giảng dạy tại ESJ Pro [Trung tâm đào tạo báo chí chuyên nghiệp].

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: “On assiste à une bascule du système capitaliste”, Le Point, ngày 16-10-2020.

Print Friendly and PDF