20.11.20

Tại sao ý tưởng về ‘một xã hội không dùng tiền mặt’ là nguy hiểm

 TẠI SAO Ý TƯỞNG VỀ MỘT ‘XÃ HỘI KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT’ LÀ NGUY HIỂM

... và một số người còn nói rằng đó là phân biệt chủng tộc.

Casey Bond

Ngày 08/03/2020

Trong thời Covid-19, người ta chuộng phương thức thanh toán không qua tiếp xúc. (Ảnh: NurPhoto via Getty Images)

Ý tưởng về một xã hội không dùng tiền mặt không phải là một ý tưởng mới. Việc sử dụng rộng rãi thẻ tín dụng và sự bùng nổ gần đây của các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số đã khiến người dân có ít lý do để tiếp xúc với tiền mặt. Và sự ra đời của các cửa hàng đổi mới không dùng tiền mặt (và không nhân viên thu ngân) như Amazon Go, khiến chúng ta có vẻ như sẽ sớm hướng tới một môi trường thực sự không dùng tiền mặt.

Đại dịch chỉ làm tăng nhu cầu về các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt. “Trong thời COVID-19, việc không dùng tiền mặt là an toàn và vệ sinh hơn, do nhân viên thu ngân và khách hàng ít có tiếp xúc với nhau,” theo lời của Bobbi Rebell, một nhà hoạch định tài chính có chứng nhận và chuyên gia cho Tally [một công ty phần mềm kế toán đáng tin trên thế giới - ND].

Về lý thuyết, một xã hội không dùng tiền mặt sẽ dẫn đến những giao dịch nhanh hơn, thuận tiện hơn và có ít nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh hơn. Nhưng đối với người nghèo, thì điều này có thể cắt đứt một phương tiện kiếm sống quan trọng mà tiền mặt mang lại.

Có rất nhiều lợi ích từ một xã hội không dùng tiền mặt…

Không thể phủ nhận rằng việc chuyển đổi sang giao dịch không dùng tiền mặt có thể giúp cải thiện nhiều lĩnh vực của xã hội, từ vấn đề tội phạm đến sự tiện lợi.

Trước hết, phương thức thanh toán kỹ thuật số có tính bảo mật cao. Nó tạo cơ hội cho các hacker [đánh cắp dữ liệu người dùng] và vi phạm điều khoản về dữ liệu, nhưng nó cũng loại bỏ những rủi ro khi mang tiền mặt, được cho là khó giảm.

Vinay Prabhakar

“Mặc dù có nhiều mối quan ngại chính đáng về tính bảo mật của phương thức thanh toán kỹ thuật số, nhưng thực chất nó an toàn hơn tiền mặt,” theo lời của Vinay Prabhakar, phó chủ tịch phụ trách marketing tại Volante Technologies, một công ty công nghệ tài chính toàn cầu. Sau cùng, tiền mặt có thể dễ bị đánh cắp, thất lạc hoặc làm giả. Và khi điều đó xảy ra, việc thu hồi tiền [mất] có thể là điều cực kỳ khó khăn. “Hầu hết các giao dịch kỹ thuật số đều cung cấp nhiều cấp độ bảo mật và khả năng không thể nhầm lẫn, chẳng hạn như khả năng tranh tụng một khoản chi trên thẻ tín dụng, điều mà tiền mặt không thể cạnh tranh được,” ông nói.

Các giao dịch chính thống không dùng tiền mặt cũng chứa một số thông tin về người tham gia thanh toán, bao gồm những gì đã được mua và thời điểm được mua, Prabhakar nói thêm. “Điều này làm cho nạn rửa tiền và trốn thuế trở nên khó khăn hơn khi giao dịch không dùng tiền mặt.”

Ông lưu ý đến ngoại lệ là một số hình thức giao dịch tiền kỹ thuật số (như Bitcoin hoặc Ethereum), được thiết kế để cung cấp tính ẩn danh của tiền mặt nhưng với lợi ích của các thanh toán không dùng tiền mặt. “Nhưng ngày nay, các loại tiền đó chủ yếu nhắm đến đối tượng các hoạt động đầu tư có tính đầu cơ, chứ không phải là cột trụ của các giao dịch thường nhật,” ông nói.

Bobbi Rebell

Rebell nói thêm rằng khả năng theo dõi được các khoản chi sẽ giúp bạn biết được một cách chính xác tiền của mình đã đi đâu, và giúp bạn xây dựng ngân sách tốt hơn: “Bạn có quyền đòi hỏi xuất một biên lai điện tử, nếu cần có một bằng chứng mua hàng hoặc để thực hiện đổi lại hàng.”

Cuối cùng, trong khi các giao dịch kỹ thuật số luôn chính xác đến từng xu, thì ai cũng biết là các giao dịch tiền mặt có kẽ hở: mỗi năm, nền kinh tế bị trừ 62 triệu US$ chỉ vì một lý do đơn giản là các tiền xu bị mất hoặc bị vứt đi. Ngoài ra, Prabhakar cũng cho biết thêm là, việc in tiền mặt và sản xuất tiền kim loại sử dụng các tài nguyên thiên nhiên quý, chẳng hạn như giấy, đồng, kẽm và niken, mà một số trong số đó không thể tái sinh và chỉ có thể tái chế ở một mức độ nào đó mà thôi. Chưa kể, ở Hoa Kì chi phí sản xuất tiền xu với hai mệnh giá - 1 cent và 5 cent - vượt quá mệnh giá của chúng.

Mặt khác, các giao dịch kỹ thuật số gần như không có tác động đến môi trường, Prabhakar nói. “Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các máy ATM [máy rút tiền tự động], và những biện pháp cần thiết để đảm bảo lưu trữ an toàn một lượng lớn tiền mặt ở các máy đó, là một lập luận mạnh mẽ khác ủng hộ việc loại bỏ tiền mặt.”

... Nhưng nhược điểm nhiều hơn lợi ích

Mặc dù việc không dùng tiền mặt có vẻ như có lợi cho đôi bên, nhưng điều đó chỉ đúng nếu bạn được an toàn về mặt tài chính. Trên thực tế, có rất nhiều nhược điểm, đặc biệt đối với một số tầng lớp người dân. Prabhakar chỉ ra rằng có rất nhiều nhược điểm hoặc nguy cơ trong thanh toán không dùng tiền mặt xuất phát từ cùng một nguồn giống như những lợi ích của nó. “Điều có lợi cho một tập thể này là một bất lợi cho một tập thể khác,” ông nói.

Đánh mất quyền riêng tư

Ngay cả khi không có ý định biển thủ tiền của chủ hoặc gian lận tiền thuế, thì bạn cũng có nhiều lý do để muốn giữ kín các giao dịch tài chính của mình.

Ray Walsh

“Mặc dù những lợi ích tiềm tàng về mặt pháp luật của một môi trường không dùng tiền mặt là có thật, nhưng cần hiểu rõ một điều quan trọng không kém khác là việc thường xuyên theo dõi các giao dịch cho phép các định chế tài chính và các ngân hàng có nhiều khả năng giám sát rất rộng và còn lâu mới vô hại,” theo lời của Ray Walsh, một chuyên gia về quyền riêng tư đối với dữ liệu ở công ty ProPrivacy.

Ông lý giải rằng dòng chảy và tính thanh khoản của vốn, cũng như các quyết định mua hàng của người dân, là những thông tin mà các định chế có thể sử dụng để phán đoán con người. “Cuối cùng, điều này sẽ giúp các định chế có được những quyền lực xâm lấn khổng lồ, có thể dẫn đến thành kiến và phân biệt đối xử,” ông nói.

Còn có những hậu quả sâu sắc hơn đối với hình thái giám sát tài chính này. Ở các nước như Trung Quốc, Walsh cho biết, khả năng giám sát tiềm tàng về mặt tài chính được sử dụng để kiểm duyệt và hạn chế quyền tự do của những người bất đồng chính kiến chống lại nhà nước, làm dấy lên những lo ngại rất nghiêm trọng. “Đây là lời cảnh báo cho các nước khác, trong đó có phương Tây, nơi nhiều khả năng có những hành động tương tự để trấn áp bất kỳ giao dịch nào được coi là không tương hợp với uy quyền của nhà nước.”

FDIC, công ty bảo hiểm tiền gửi ngân hàng của Mỹ, ước tính có 8,4 triệu hộ gia đình không có tiền gửi ngân hàng ở Hoa Kỳ vào năm 2017 (Ảnh: NurPhoto via Getty Images)

Thiếu tiếp cận người không có tiền gửi ngân hàng

“Chúng ta có thể là một xã hội không dùng tiền mặt trong tương lai, nhưng ngày nay, vẫn còn rất nhiều người không thể thanh toán theo phương thức kỹ thuật số bởi vì họ không có tài khoản ngân hàng, không có thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc điện thoại thông minh,” Rebell nói. Những người này được gọi là “người không có tài khoản ngân hàng,” có nghĩa là họ không tiếp cận được các sản phẩm ngân hàng với giá cả phải chăng và thay vào đó phải dựa vào các dịch vụ phụ, như thanh toán bằng séc và vay ngày với lãi suất cao.

FDIC ước tính có 8,4 triệu hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng ở Hoa Kỳ vào năm 2017. Có 24,2 triệu hộ gia đình ít giao dịch với ngân hàng, có nghĩa là họ có ít nhất một tài khoản ngân hàng, nhưng lại sử dụng các dịch vụ tài chính bên ngoài ngành hoạt động ngân hàng truyền thống.

Tâm lý không tin vào ngân hàng là một trong những lý do tại sao một số hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng. Nhưng điều thường xảy ra hơn, đó là do họ thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ giá cả phải chăng. Một số người không có thu nhập và tài sản cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về tài khoản ngân hàng miễn phí, trong khi một số người khác thì sống ở những nơi không có ngân hàng, khi mà ngân hàng đã đóng cửa các chi nhánh ngân hàng do khả năng sinh lời thấp. Các hộ gia đình người da đen và gốc Tây Ban Nha chiếm một số lượng không cân xứng trong số những hộ gia đình không có tài khoản ngân hàng và ít giao dịch với ngân hàng.

Và mặc dù ngành ngân hàng đã có lịch sử phân biệt đối xử lâu đời, việc chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt cũng có thể làm gia tăng vấn đề nói trên giữa các ngành kinh doanh khác. Rebell nói, việc không dùng tiền mặt, về cơ bản, sẽ cho phép các nhà bán lẻ và các nhà hàng phân biệt đối xử với các bộ phận dân cư, bằng cách tăng phí dịch vụ hoặc từ chối phục vụ, trong đó có các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và người da màu.

Tăng cường bất bình đẳng thu nhập nói chung

Ngoài những người không có tài khoản ngân hàng, có rất nhiều người Mỹ sử dụng tiền mặt - chẳng hạn như người lao động trong các ngành dịch vụ thường được trả lương bằng tiền mặt. Người nhập cư không có giấy tờ tùy thân, người vô gia cư và nạn nhân của sự lạm dụng tài chính cũng thiếu khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng hoặc các công cụ công nghệ cần thiết để tham gia đầy đủ vào nền kinh tế không sử dụng tiền mặt. “Nếu không có tiến bộ xã hội và văn hóa ở các lãnh vực nói trên, thì việc chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt sẽ làm tồi tệ hơn, chứ không cải thiện, tình hình của nhiều nhóm người nói trên,” Prabhakar cho biết. “Những cân nhắc này là điều đặc biệt quan trọng trong thời coronavirus.”

Đáng chú ý là rất nhiều nước có tỷ lệ tham gia giao dịch kỹ thuật số cao nhất và sử dụng tiền mặt ít nhất đều có các hệ thống phúc lợi xã hội được tài trợ tốt, mức độ tin cậy cao và bất bình đẳng thu nhập thấp. Prabhakar đã chỉ ra Thụy Điển như một ví dụ điển hình.

Chi phí

Khi thanh toán không dùng tiền mặt, thì luôn có ít nhất một bên hưởng lợi tài chính từ việc thanh toán đó. “Trong khi hầu như bên gửi tiền thông qua giao dịch kỹ thuật số không bao giờ bị tính phí trực tiếp, thì chi phí đó thường được áp đặt cho bên nhận”, Prabhakar nói. Những chi phí đó bao gồm phí liên ngân hàng đối với thẻ tín dụng và phí kinh doanh trả cho các công ty thanh toán kỹ thuật số, như PayPal và Square3, để có được đặc quyền nhận tiền, theo phương thức điện tử.

“Khoản phí 2-3% mà các doanh nghiệp nhỏ trong các ngành có tỷ suất lợi nhuận rất thấp và doanh số giao dịch thấp - ví dụ, các cửa hàng ở góc phố hoặc nhà bán lẻ độc lập trên phố chính - có thể trả cho các dịch vụ giao dịch qua thẻ, có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc liệu có nên trả tiền thuê nhà hàng tháng hay không,” Prabhakar nói. Nhưng không chỉ có các chủ doanh nghiệp phải gánh những khoản phí đó. Cuối cùng, thì chi phí cao hơn trong giao dịch kinh doanh được chuyển cho khách hàng.

Ngoài ra còn có chi phí cá nhân tiềm tàng. Các nghiên cứu cho thấy việc thanh toán bằng thẻ khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. “Tiền mặt có thể ngăn bạn chi tiêu nhiều hơn hơn mức dự định, trong khi thẻ tín dụng thường khuyến khích bạn chi vượt mức,” Rebell nói. Tiền mặt có thể đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ quan trọng giúp bạn không mắc nợ.

Liệu việc không dùng tiền mặt có là một khả năng thực sự?

Ted Rossman

Ted Rossman, một nhà phân tích công nghiệp cho creditcards.com, cho biết ông chưa sẵn sàng để viết cáo phó cho tiền mặt. Lý do đầu tiên, tiền mặt chiếm một nửa số giao dịch dưới 10 US$ trong năm vừa qua, và khoảng một phần tư tổng số các giao dịch, theo Cục Dự trữ Liên bang.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, một số nỗ lực không dùng tiền mặt đã thất bại. Một số chủ doanh nghiệp nhỏ muốn chuyển sang không dùng tiền mặt để tăng tốc dòng sản xuất-kinh doanh và tránh giao dịch tiền mặt, nhưng những thành phố và tiểu bang lớn, như Thành phố New York, San Francisco, PhiladelphiaNew Jersey, đã cấm các cửa hàng không dùng tiền mặt, trong những năm gần đây, để bảo vệ quyền sử dụng tiền mặt. Massachusetts đã có một luật tương tự từ năm 1978.

Rossman cho biết tiền boa là một tập quán khác của người Mỹ giúp bảo vệ việc sử dụng tiền mặt. “Khi giới thiệu các phương thức thanh toán mới - như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thanh toán qua điện thoại di động - chúng có xu hướng được sử dụng song song với tiền mặt, chứ không phải thay thế tiền mặt.” Ông lưu ý, ngay cả những dự án giao thông quá cảnh công cộng lớn như Thành phố New York, chấp nhận thanh toán qua thẻ và qua điện thoại di động, cũng duy trì một hình thức để mọi người tiếp tục sử dụng tiền mặt nếu họ không thể hoặc không chuyển sang thanh toán bằng thẻ hoặc điện thoại.

“Hoa Kỳ thường tụt hậu so với phần còn lại của thế giới khi nói đến các phương thức thanh toán,” Rossman nói. “Chúng tôi là một thị trường phức tạp, được điều tiết chặt chẽ. Chúng tôi cũng khó thay đổi thói quen của mình.”

Rõ ràng, việc không dùng tiền mặt sẽ đưa đất nước chúng ta tiến tới một xã hội hiệu quả hơn, thuận tiện hơn và thậm chí hợp vệ sinh hơn. Nhưng đó cũng là điều không có lợi đối với rất nhiều người. Từ việc trả 20 US$ để cậu bé 12 tuổi ở hàng xóm cắt cỏ cho mình, đến việc cho tiền thừa trong một buổi lễ nhà thờ hoặc cho một người nghèo đói trên đường, đến việc duy trì một sợi dây tự chủ trong một thế giới ngày càng mang nặng tính Trùm đại gia [Big Brother-esque], thì có rất nhiều việc thường nhật, có thể được coi là điều đương nhiên, sẽ không còn xảy ra nữa trong một xã hội không sử dụng tiền mặt.

Casey Bond
Casey Bond

Phóng viên về Tiền tệ, Nhà ở và Cuộc sống, HuffPost

Casey Bond là một phóng viên đời thường của HuffPost chuyên về tiền tệ, nhà ở và cuộc sống. Các bài viết của bà cũng được đăng trên Business Insider, Yahoo! Finance, MSN, The Motley Fool, US News & World Report, Forbes, TheStreet và khác. Xuất thân từ Los Angeles, Casey tốt nghiệp ngữ văn tiếng Anh tại Đại học Loyola Marymount và sau đó có chứng chỉ về xuất bản nghệ thuật của Đại học Antioch Los Angeles. Bà cũng là Cố vấn Tài chính Cá nhân được Chứng nhận.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Why the Idea of A ‘Cashless Society’ Is So Dangerous, Huffpost, ngày 08/03/2020.

Print Friendly and PDF