23.11.20

Thuế có thể giải cứu thế giới


THUẾ CÓ THỂ GIẢI CỨU THẾ GIỚI

Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý về cách đối phó với biến đổi khí hậu. Liệu các nhà chính trị có thể áp dụng nó vào thực tế?

Michael Maiello & Natasha Gural

Kelsey Dake minh họa

Có lẽ đó là phương án gần đây nhất mà những chuyên gia kinh tế cùng đi đến đồng thuận. Vào tháng Giêng [năm 2018], 43 trong số các nhà kinh tế nổi tiếng nhất thế giới đã ký một tuyên bố được công bố trên Tạp chí Phố Wall (the Wall Street Journal) kêu gọi một sắc thuế carbon ở Hoa Kỳ. Danh sách này bao gồm 27 nhà kinh tế được giải Nobel, 4 cựu chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và gần như mọi cựu chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế kể từ những năm 1970, thuộc Đảng Cộng hòa lẫn thuộc Đảng Dân chủ.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng, “Bằng cách sửa chữa một thất bại thị trường nổi tiếng, thuế carbon sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ về giá cả, việc này sẽ kiểm soát và tận dụng bàn tay vô hình của thị trường để lèo lái các chủ thể kinh tế hướng tới một tương lai (thải ra) ít carbon hơn.” Tất cả doanh thu từ thuế phải được thanh toán thành các khoản hoàn trả một lần bằng nhau trực tiếp cho người dân Hoa Kỳ, họ cho hay.

Không phải tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý rằng thuế nên có tính trung lập đối với thu nhập theo cách này, nhưng giới này đã thống nhất trong những năm gần đây xung quanh ý tưởng về thuế carbon. Theo một cuộc thăm dò gần đây của các chuyên gia kinh tế, hầu hết đều thích một loại thuế như vậy so với chính sách thay thế nổi bật nhất để đối phó với lượng khí thải carbon, chính sách cho phép mua bán giấy phép phát thải (cap and trade).

William Nordhaus (1941-)
Nhưng thuế carbon dường như là một phương án không có triển vọng thành công về mặt chính trị ở Hoa Kì. Lời kêu gọi hành động nhắm đến hai đảng của những nhà kinh tế trong những năm qua đã được đáp lại bằng thất bại trong hành động của các tổng thống thuộc cả hai đảng. Tổng thống Donald Trump phủ nhận sự cần thiết của việc đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhưng dù người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, vào năm 2015, đã gọi thuế carbon là “cách gọn gàng nhất” để chống lại sự nóng lên toàn cầu, cũng không thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa ra loại thuế này. “Một trong số những thất vọng rất hiếm hoi của tôi về Obama khi ông còn làm tổng thống là ông đã không lên tiếng ủng hộ thuế carbon.” William D. Nordhaus của đại học Yale nói với Thời báo New York tháng 10 vừa rồi, vài ngày sau khi được trao giải Nobel Khoa học Kinh tế 2018 cho công trình của ông về mô hình hoá kinh tế và biến đổi khí hậu.

Paul Krugman (1953-)
Các bang của Hoa Kỳ đã cho thấy rằng họ cũng có thể từ chối thuế carbon. Ngay cả ở bang đa số theo dân chủ như Washington, các cử tri vào năm ngoái [năm 2017] đã từ chối (lần thứ hai) một đề xuất đánh thuế khí thải carbon dioxide (CO2). Thời báo New York đã đăng tải một bài viết trong chuyên mục ý kiến ​​vào tháng 12 của một trong những phóng viên môi trường trước đây của họ có tựa đề là “Forget the Carbon Tax for Now” [Hãy quên thuế carbon ngay đi], và gọi đó là sự độc hại chính trị. Vài ngày sau, Paul Krugman, một cây viết của tờ Times và nhà kinh tế được giải Nobel năm 2008, đã viết rằng ông cũng kết luận là trong thời gian gần một loại thuế như vậy sẽ không được ủng hộ về mặt chính trị.

Về mặt đối phó với biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ là một nước lạc hậu. Hai mươi sáu quốc gia và bang đã bắt đầu thực hiện một số hình thức đánh thuế carbon, theo Ngân hàng Thế giới, và có 25 hệ thống giao dịch quyền phát thải khác nhau. Tại Canada, nơi một số bang đã đưa ra giá carbon, Thủ tướng Justin Trudeau đang đi đầu trong việc đưa ra thuế carbon liên bang, với 90% doanh thu được hoàn lại trực tiếp cho công dân.

Đối với những người đề xuất, thuế carbon đơn giản (để thực hiện) và đem lại lợi ích rõ ràng. Lí do tồn tại của nó là để biện minh cho các chi phí ô nhiễm chưa được tính vào giá cả của những sản phẩm mà mọi người phải trả tại cây xăng để cung cấp nhiên liệu cho ô tô, trả cho công ty điện để cung cấp năng lượng cho ngôi nhà hoặc đóng tiền hàng ngày cho Amazon để vận chuyển hàng hóa. Giải phóng carbon dioxide vào khí quyển tức là khiến hành tinh nóng lên, làm tan chảy sông băng và thay đổi chu kì thời tiết của Trái Đất. Những sự phát thải này gây ra thiệt hại lâu dài có thể phá hủy môi trường như chúng ta biết, và, lập luận được đưa ra là, thuế sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình một động lực để giảm thiểu và cuối cùng xóa bỏ chúng.

Nhiều người tin rằng cần phải cấp bách hành động. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, carbon hiện được lưu trữ trong bầu khí quyển Trái Đất ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua. Người ta sẽ cảm nhận được tác động của bầu không khí nóng lên nhanh hơn dự đoán, một hội đồng khoa học của Liên Hợp Quốc đã kết luận vào tháng 10 năm ngoái (tức 2017) rằng, nếu không có thuế carbon toàn cầu, thì việc đạt được bất kì nhiệt độ mục tiêu nào cũng sẽ khó lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên, liệu một loại thuế, được cho là công cụ kinh tế tốt nhất từng tồn tại để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, có bất kì khả năng nào sẽ được thực thi rộng rãi không? Và nếu không thông qua thuế carbon, chúng ta nên định giá carbon như thế nào?

CHI PHÍ CARBON

Các nhà kinh tế thường tin rằng chúng ta, với tư cách những người sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện tại (để sưởi ấm và điều hòa không khí trong nhà, lái xe đi làm), đã nhận được một chuyến đi miễn phí trong thời gian quá dài vì mức giá chúng ta trả cho những gì mình dùng, có thể trông cao thế nào chăng nữa, cũng chỉ trang trải cho chi phí chiết xuất và lọc dầu, cộng với lợi nhuận và chi phí vận hành công ty bán nó. Chúng ta hiện không thanh toán những chi phí phát sinh sau này, dưới hình thức những tác hại cho các thế hệ tương lai mực nước biển dâng, sức nóng hủy diệt và chu kì thời tiết thất thường, và bất ổn chính trị xã hội. Thị trường đã không ghi nhận các chi phí “bên ngoài” này bởi vì chúng không được tính vào giá của hàng hóa thâm dụng carbon mà chúng ta sản xuất và tiêu thụ ngày nay. Kết quả là, chúng ta phớt lờ những chi phí đó, lượng khí thải carbon tăng cao còn gánh nặng đổ lên những người khác gánh chịu trong tương lai.

Điều này đặt các nền dân chủ vào một hoàn cảnh chính trị đặc biệt khó xử. Khi một người đi làm xa nhà tiêu thụ một thùng xăng và xả ra khí thải, gánh nặng của hóa đơn được chuyển tới cho thế hệ tương lai. Điều này tương tự với những người đi máy bay, hoặc bật đèn và đồ gia dụng trong nhà, sử dụng nguồn điện thường được cung cấp bằng cách đốt than. Chuyến đi miễn phí đã kéo dài quá lâu, làm sao ai đó có thể thuyết phục thế hệ người tiêu dùng ngày nay, với nhiều người trong số họ nghi ngờ việc phải mở rộng vai trò của chính phủ, rằng hóa đơn nên đáp xuống đầu họ?

Khí thải carbon tạo ra một ngoại ứng kinh tế, khi cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều không chịu trách nhiệm cho chi phí của một hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế sẽ để chúng ta xác định giá của ngoại ứng và thêm nó vào giá thành sản phẩm. Ví dụ, nếu hoạt động sản xuất những gói cà phê túi lọc bằng nhựa giải phóng carbon dioxide vào bầu khí quyển, giá cả của gói cà phê tại cửa hàng tạp hóa sẽ phản ánh điều đó. Ý đồ của việc này là thêm vào chi phí do ô nhiễm tạo ra sẽ cuối cùng làm giảm ô nhiễm, khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm ra những biện pháp thay thế tiết kiệm được tiền bạc.

Tuy nhiên, số tiền người tiêu dùng ngày nay nên trả cho vấn đề của tương lai còn lâu mới được khoa học xác nhận. Nordhaus, một trong những nhà kinh tế đầu tiên xem xét vai trò của biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế là người đầu tiên đưa ra mô hình biến đổi khí hậu giúp ước tính chi phí xã hội của khí thải carbon, mô hình này ở mức độ nào đó đã trở thành một tiêu chuẩn của ngành công nghiệp. Nhưng các mô hình bao gồm những tỉ lệ chiết khấu khác nhau và những giả định quan trọng, đưa ra các ước tính khác nhau rất xa, và có sự bất đồng về việc liệu có (cần) nỗ lực đưa vào chi phí liên quan tới các sự kiện chưa biết được nhưng có khả năng trở thành thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, ví dụ như suy giảm sự đa dạng sinh học, thậm chí nổ ra chiến tranh. Carbon nên có giá 3 đô-la một tấn, hay 300 đô-la?

Con số quan trọng nhất mà bạn chưa bao giờ nghe nói đến


Mục đích của thuế carbon là áp đặt chi phí cho việc sử dụng carbon mà giá cả thị trường không bao hàm, thực sự làm tăng giá một thùng dầu hoặc thùng xăng để giải quyết các thiệt hại về môi trường và sức khỏe trong tương lai. Nhưng giá carbon là bao nhiêu? Điều đó, theo Michael Greenstone, Đại học Chicago, là “con số quan trọng nhất mà bạn chưa từng nghe nói đến.” Và nó vẫn đang được tranh luận.

Quan điểm cho rằng người gây ra ô nhiễm nên chịu trách nhiệm cho chi phí sức khỏe cộng đồng và môi trường phát sinh từ hoạt động của họ đầu tiên được William D. Nordhaus của đại học Yale, người đã nhận giải Nobel Kinh tế năm 2018, đề xuất. Nordhaus phát triển một mô hình ước lượng chi phí xã hội của carbon, tức giá trị hiện tại của tác hại ròng mà mỗi tấn carbon dioxide giải phóng vào bầu khí quyển gây ra.

Chi phí này có thể được sử dụng để thiết lập các chính sách, như mức tiền thu cho một khoản thuế carbon chẳng hạn. Nhưng nó cũng có thể được sử dụng để thiết lập các mức giá điện, các giới hạn khí thải, các hoạt động cho thuê đất liên bang, trợ cấp năng lượng, v.v.. Tại Hoa Kỳ, chính phủ bắt đầu sử dụng chi phí xã hội của carbon dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama.

Michael Greenstone (1968-)
Tuy nhiên, việc xác định giá trị này liên quan rất lớn đến sự bất định; nó phụ thuộc vào các chi tiết trong cách tính toán con số. Nhiều cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng các chi phí khác nhau cho đến khi Greenstone và các nhà nghiên cứu khác thành lập một nhóm làm việc liên bộ để thiết lập một giá trị liên bang duy nhất. Sau khi cập nhật, nhóm đã đưa ra mức gần 50 đô cho năm 2020 theo giá đô-la hiện tại. Chính quyền Trump đã giải tán nhóm làm việc này và việc đó đã thay đổi các giả định trong các mô hình, vì vậy phí xã hội của carbon mà nó [chính quyền Trump] công nhận giảm xuống gần như bằng không.

Một chi tiết trong tính toán là tỷ lệ chiết khấu. Dù là con số nào, bất kỳ đồng đô la nào được sử dụng ngày hôm nay để giảm thiểu thiệt hại về môi trường có lẽ sẽ có giá trị hơn trong 100 năm sau, khi con người nhận ra lợi ích đối với môi trường của việc sử dụng ít carbon hơn. Đó là lý do tại sao, khi cố gắng xác định chi phí xã hội của carbon bằng (giá trị) đô la ngày nay, các nhà kinh tế cần áp dụng tỷ lệ chiết khấu, như các doanh nghiệp làm khi họ đánh giá các dự án dựa trên phân tích dòng tiền chiết khấu. Tỷ lệ chiết khấu được áp dụng càng thấp bao nhiêu, tổng chi phí xã hội của carbon càng cao bấy nhiêu. Dưới thời Obama, chính phủ đã sử dụng một mức tỷ lệ chiết khấu, từ 2,5 đến 5%, có xu hướng về phía thấp của phổ. Chính quyền Trump sử dụng một biên độ cao hơn, 3-7%.

Matteo Maggiori
Stefano Giglio
Stefano Giglio của đại học Yale, Matteo Maggiori của đại học Harvard và Jonathan Stroebel của Đại học New York đã nghiên cứu tỷ lệ chiết khấu độc lập với biến đổi khí hậu bằng cách nghiên cứu thị trường nhà ở tại Vương quốc Anh và Singapore, nơi các ngôi nhà có thể được mua trọn hoặc cho thuê theo hợp đồng kéo dài từ 50 đến 999 năm và kết luận rằng trong khoảng thời gian rất dài (một thế kỷ trở lên), tỷ lệ chiết khấu cực kỳ thấp, thấp hơn so với hầu hết suy đoán của các lý thuyết kinh tế. (Xem bài viết “Chúng ta phải trả bao nhiêu để giảm thiểu biến đổi khí hậu?”, ấn phẩm Mùa thu 2014.) Có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nhà kinh tế rằng tỷ lệ chiết khấu nên nằm trong khoảng từ 2 đến 3%, Peter Howard của Đại học New York cho hay.

Theo ông, một vấn đề lớn hơn trong tính toán là các mô hình còn thiếu nhiều sự kiện và tác động khó đo lường được, như một số thiệt hại phi thị trường, thiệt hại ngẫu nhiên về mặt xã hội và những biến đổi có hệ thống của khí hậu. Nhìn chung có đồng thuận khoa học về sự thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa trong tương lai, nhưng sẽ khó hơn trong việc dự đoán cách nó sẽ thay đổi những thứ như bão, gió mùa, các hình thể đại dương (ocean pattern), đa dạng sinh học và mất môi trường sống, an ninh quốc gia, hàng hóa và dịch vụ giải trí, v.v..

Càng khó mô hình hóa các khía cạnh như vậy, càng có nhiều khả năng chúng sẽ bị loại khỏi các mô hình kinh tế về biến đổi khí hậu. Chính vì thế, ông cho hay, các tác động thảm họa tiềm tàng và các điểm tới hạn phần lớn đã bị bỏ qua trong các mô hình tiêu chuẩn dùng để xác định chi phí xã hội của carbon.

Và ít nhất các mô hình có nên phản ánh mức độ rủi ro của việc xảy ra những kịch bản như vậy, cũng như phản ánh mức độ rủi ro mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận cho những thay đổi xã hội và môi trường không thể đảo ngược có thể xảy ra hay không?

Ngoài ra, như các chính phủ khác vốn chủ yếu tập trung vào việc tính toán chi phí xã hội trong nước của carbon, Hoa Kỳ chỉ xem xét chi phí cho Hoa Kỳ. Nhưng các tác động của biến đổi khí hậu không gói gọn bên trong biên giới của quốc gia nào.

Đại học Chicago chủ trì và đồng lãnh đạo Phòng thí nghiệm Tác động Khí hậu, nơi Greenstone và các học giả từ một số tổ chức đang nghiên cứu tính toán chi phí xã hội của carbon trên toàn cầu. Con số toàn diện đó sẽ dựa trên dữ liệu chi tiết từ mỗi địa phương về mực nước biển dâng, nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm; hàng triệu quan trắc liên quan đến khí hậu và phúc lợi xã hội; và những dự phóng thường nghiệm. Khi đã được xác định, giá trị toàn cầu có thể được đưa vào các chính sách năng lượng và khí hậu trên toàn thế giới. Nó cũng sẽ được sử dụng để tạo ra một bản đồ đột phá sẽ cho thấy các tác động lên từng địa phương của biến đổi khí hậu.

“Có rất nhiều lý do để tin rằng các ước tính hiện tại là bước tiến chưa lớn lắm,” Howard nói về các ước tính chi phí carbon ngày nay. “Khi chúng ta có được nhiều thông tin hơn, và các nghiên cứu mới được tích hợp vào các mô hình tốt nhất, tôi mong rằng chi phí xã hội của carbon sẽ tăng lên.”

Stefano Giglio, Matteo Maggiori, và Julian Stroebel, Very Long-Run Discount Rates” [Tỉ lệ chiết khấu trong dài hạn], Quarterly Journal of Economics [Tạp chí Kinh tế học theo Quý], tháng 2/2015.

Peter Howard và Derek Sylvan, Expert Consensus on the Economics of Climate Change” [Chuyên gia đồng thuận về kinh tế của biến đổi khí hậu], Báo cáo từ the Institute for Policy Integrity [Viện Tích hợp Chính sách], tháng 12/2015.

William D. Nordhaus, Estimates of the Social Cost of Carbon: Background and Results from the Rice-2011 Selection Model” [Ước tính chi phí xã hội của carbon: Bối cảnh và kết quả từ mô hình lựa chọn gạo-2011], Tài liệu làm việc, tháng 10 năm 2011.

Thomas Sterner (1952-)
Bất kể được xác định là bao nhiêu, nó có thể được cộng vào chi phí của dầu mỏ khi dầu được mua trong thùng (159 l), của khí tự nhiên khi nó được đưa vào đường ống, hoặc của than khi khai thác.Những cái nhìn sâu sắc của các nhà kinh tế cho thấy rằng cách xác định hiệu quả nhất là thông qua việc định giá cho khí thải carbon hoặc định giá tất cả những sự phát thải ảnh hưởng đến khí hậu, Thomas Sterner của Đại học Gothenburg nói. “Và một trong những lý do là việc định giá như vậy sẽ nắm bắt được các nguồn phát thải mới. Mặt khác, chúng ta có xu hướng tập trung nhiều vào những nguồn chúng ta biết, chẳng hạn như từ những hãng hàng không, thịt, xe hơi, v.v.. Nếu bạn chỉ xử lí từng cái một, một số ngành khác sẽ tìm ra cách mới để sử dụng dầu và than ví dụ như thông qua việc làm ấm các hồ bơi ngoài trời, vì thật đáng yêu khi có một hồ nước nóng ngoài trời ở vùng Bắc Cực, nơi tôi sống. Vì vậy, phương pháp duy nhất kiểm soát được tất cả những điều này, và theo lối hành xử hiệu quả một cách hợp lí, là thông qua việc định giá carbon.”

Robert H. Topel
Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng sự không chắc chắn về chi phí thực sự của carbon là một rào cản. Robert H. Topel của Chicago Booth cảnh báo, nếu sử dụng một ước tính quá cao, sắc thuế này có thể trở nên lợi bất cập hại. Hơn nữa, thông qua mức phí theo cách này, bất kể chính phủ chọn cách áp dụng hay xây dựng cấu trúc nó như thế nào, về cơ bản đó là một loại thuế đánh vào hoạt động tiêu dùng. Việc đó có thể dẫn đến một bước lùi, bởi vì trừ khi được bù đắp bằng các khoản tín dụng khác, thuế carbon có thể trở thành loại thuế lũy thoái nếu người tiêu dùng nghèo hơn phải dành một tỉ lệ lớn hơn trong thu nhập của họ cho những thứ như nhiên liệu và điện.

Cải cách thuế vốn khó khăn. Cuối năm ngoái [năm 2017], tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng thực thi mức thuế cao đối với nhiên liệu ở Pháp, đặc biệt để nhắm tới khí thải carbon tăng đột biến thuế khí tự nhiên trong khi giảm bớt những khoản thuế tài sản cho người giàu. Điều này dẫn đến các cuộc bạo loạn dữ dội khắp Paris. Người biểu tình đã vẽ tranh sơn tường nguệch ngoạc trên Khải Hoàn Môn, gọi Macron là “Tổng thống của người giàu” và cảnh báo rằng “ngày xưa chỉ cần ít hơn mà chúng tôi đã chặt những cái đầu xuống”. Vào ngày 4/12/2018, Thủ tướng Pháp, Édouard Philippe, thông báo rằng chính phủ sẽ chấp thuận yêu cầu của người biểu tình và việc tăng thuế nhiên liệu diesel theo kế hoạch sẽ bị đình chỉ. “Không loại thuế nào đáng để gây nguy hiểm cho sự thống nhất của quốc gia,” ông nói trong một thông điệp gửi tới người dân trong nước trên truyền hình.

MỘT SỰ ỦY QUYỀN CHUNG CHO CHÍNH TRỊ

Lawrence Goulder (1951-)

Trong khi chính sách định giá carbon gặp khó khăn tại địa phương, sự phân ly chính trị trên toàn cầu là một trở ngại khác để thực hiện bất kỳ kế hoạch nào nhằm giảm lượng khí thải carbon. Hành tinh này có cả thảy 195 quốc gia cùng hưởng chung một bầu khí quyển và bầu khí quyển không quan tâm lắm việc phát thải đến từ nơi nào, vì mức độ tác động lên khí hậu là như nhau. Trong khi đó, không một đất nước hay nhà nước nào muốn làm tổn thương khả năng cạnh tranh kinh tế của mình. “Một khu vực hoặc quốc gia đi trước các nước láng giềng về chính sách khí hậu có thể khiến các công ty thâm dụng carbon của họ gặp bất lợi. Đây là một mối quan tâm lớn về chính sách”, Lawrence H. Goulder và Andrew R. Schein từ Stanford viết trong một bài báo khoa học năm 2013. Trong khi Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc có khả năng dẫn dắt thế giới theo hướng xanh hơn, tất cả phải đối mặt với yêu cầu từ chính sách địa phương của họ.

Tuy nhiên, sự phản đối thuế carbon chỉ được giới hạn với những vấn đề ví tiền như giá ở cây xăng, các chính phủ có thể tác động dư luận bằng các biện pháp động viên bù đắp, bao gồm việc giảm thuế thực phẩm, may mặc hay y tế. Nhưng có thể còn có những tác lực sâu hơn trong cục diện, nhất là tại Hoa Kì, theo Topel. Trong “một số vấn đề kinh tế bất ổn về chính sách khí hậu”, một buổi nói chuyện vào 5/2018 tại trường đại học của Viện Becker Friedman, Chicago, ông đưa ra một giải thích khác cho lý do tại sao thuế carbon chưa được thi hành được tóm tắt trong vai trò của chính phủ.

Tạm gác lại những độc hại chính trị ở Hoa Kỳ về những khoản thuế nói chung và vấn đề liệu mọi người tin vào hay phủ nhận sự đồng thuận trong khoa học về việc nóng lên toàn cầu hay không, Topel tập trung vào điều ông xem là một sự phân ly cơ bản hơn giữa phe cánh tả và phe cánh hữu trong chính trường. Ông nói, phe cánh tả rất vui khi mở rộng quy mô của chính phủ, trong khi phe cánh hữu không muốn. Thuế carbon có thể khiến thu nhập chính phủ tăng (rất) mạnh.

Topel giả định mức giá 41 đô mỗi tấn carbon đã qua sử dụng. Người tiêu dùng hiện tại trả cước vận chuyển cho phí carbon sẽ đóng thuế 41 đô mỗi tấn, được điều chỉnh theo lạm phát hoặc chi phí (sử dụng) vốn (một quan điểm khác được tranh luận gay gắt) theo thời gian. “Các giải pháp trong sách giáo khoa là đặt ra một khoản thuế đối với carbon bằng với chi phí xã hội của carbon và thế là xong,” theo ông Topel.

Bằng cách làm cho carbon trở nên đắt đỏ hơn, về mặt lý thuyết biện pháp này không những sẽ thuyết phục mọi người không sử dụng nó [carbon] mà còn phát triển chính phủ. Topel ước tính thu nhập từ thuế carbon sẽ tăng từ 280 tỷ đô lên 300 tỷ đô la, tương đương với khoảng 10% chi tiêu liên bang hàng năm hiện tại. Phe cánh tả sẽ ủng hộ điều này, nhưng cánh hữu sẽ không và vì thế, những người phản đối thuế carbon thân-cánh hữu có cơ sở hợp lý cho lập trường của họ.

Hơn nữa, có đáng bõ công để có sự tăng trưởng của chính phủ này không? Mục đích của thuế carbon là gây áp lực lên các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, điện, hay bất cứ thứ gì tạo ra sự phát thải độc hại. Nhưng khoản thuế 41 đô mỗi tấn tương đương khoảng 35 xen mỗi gallon xăng, điều này có thể không đủ sức khích lệ cho sự thay đổi to lớn với thói quen lái xe ít nhất là trong ngắn hạn theo bất kỳ cách hợp lẽ nào, ông cho hay. Nếu như nhu cầu hoặc nguồn cung dầu mỏ, hoặc bất kỳ hàng hóa dựa trên carbon nào khác, là đặc biệt không co dãn, chính phủ có thể thu về hàng tỷ đô-la thuế cho một lợi thế về môi trường khá nhỏ.

Topel tính toán rằng khi nói đến dầu mỏ, thuế carbon tạo ra 100 - 400 đô thu nhập cho chính phủ với mỗi 1 đô la tác hại khí hậu tránh được. “Lượng khí thải tránh được thấp hơn 1% thuế thu được,” ông cho hay. Nếu một người có quan điểm rằng hơn 1% chi tiêu của chính phủ bị lãng phí, thì ông cho rằng, loại thuế này cuối cùng lại làm tăng lãng phí và giảm phúc lợi và dù thích hay không, ý kiến ​​cho rằng chính phủ đang lãng phí ngày càng lan rộng.

Điều này mang lại cho những người phản đối thuế carbon nhiều lí lẽ hơn. Bất cứ ai nghĩ rằng ít nhất chính phủ lãng phí hơn một chút so với khu vực tư nhân có thể chứng minh rằng loại thuế này sẽ làm cho thế giới tồi tệ thêm, thay vì tốt hơn.

CÒN THUẾ TRUNG LẬP đối với thu nhập THÌ SAO?

Nhưng nếu có thể thiết kế để thuế có tính trung lập đối với thu nhập sao cho bất cứ khoản tiền nào chảy vào chính phủ từ loại thuế này sẽ được đưa lại vào nền kinh tế, giữ nguyên quy mô của chính phủ (cũng như lãng phí của chính phủ) thì sao? Nhìn bề ngoài, cách này có vẻ trấn an được các phê bình.

Cựu Ngoại trưởng George P. Shultz (cựu trưởng khoa của Chicago Booth) và James A. Baker III, cùng với cựu lãnh đạo đa số của Thượng viện, ông Oliver Lott (Đảng Cộng hòa ở bang Mississippi) và cựu Thượng nghị sĩ John Breaux (Đảng Dân chủ ở bang Louisiana), đã thành lập một ủy ban hành động chính trị vào năm 2018, với tên gọi là Americans for Carbon Dividends [Những người Mỹ vì tiền thưởng carbon]. Với sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp năng lượng, họ đã thúc đẩy một kế hoạch thuế carbon trung lập đối với thu nhập do họ vẽ ra, một kế hoạch có thể chấp nhận được đối với những người bảo thủ và những người hoài nghi vào chính phủ. Họ thúc đẩy phương án hướng tới sự trung lập lợi tức liên quan đến cái mà họ gọi là tiền thưởng carbon và Topel mô tả nó như một “vụ thả dù”: bất kỳ khoản tiền nào chính phủ thu được thông qua thuế carbon sẽ được chuyển trở lại cho công chúng dưới dạng một khoản thanh toán một lần. Các quy định khác về khí thải sẽ được cởi bỏ, bởi vì các mức giá sẽ được tối ưu.

Về chính trị, đây có thể là lựa chọn tốt nhất. Trong Tạp chí Phố Wall, phát biểu của các nhà kinh tế nổi tiếng cho rằng một khoản thuế carbon nên “trung lập đối với thu nhập để tránh các cuộc tranh luận về quy mô của chính phủ.” Kế hoạch thả dù “dường như xoay chuyển họ một chút”, Topel nói về những người hoài nghi thuế carbon, bắt chước họ khi nói, “‘Oh, bạn sẽ trả lại tiền, và chính phủ sẽ không mở rộng, có lẽ tôi sẽ nhận lại được một phần số tiền đó.’” Phương án thả dù có thể bao gồm những sự đánh đổi đáng kể. Ví dụ, Exxon đã trao 1 triệu đô cho “Những người Mỹ vì tiền thưởng carbon” và ủng hộ thuế carbon trung lập đối với thu nhập nhưng để đổi lấy sự bảo vệ trách nhiệm hữu hạn trước các vụ kiện phát sinh từ các yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến carbon. Phân tích của Topel không tính đến yếu tố này. Tháng 10 vừa qua [năm 2017], tại Canada, chính phủ của Trudeau đã công bố loại thuế carbon sẽ hoàn lại phần lớn doanh thu, dưới hình thức “thanh toán khuyến khích Hành động vì Khí hậu”, đối với cư dân của một số tỉnh.

Dù sao đi nữa, cách tiếp cận này “không thực sự có hiệu quả”, theo lời của Topel, người cho rằng cách tiếp cận thả dù bỏ qua sự tương tác giữa thuế carbon và các thuế hiện có. Chính phủ Hoa Kỳ nay đã đánh thuế carbon theo những cách trực tiếp và gián tiếp, vượt quá cả chi phí xã hội của carbon, ông nói. Chúng bao gồm thuế thu nhập liên bang, vì người tiêu dùng mua các sản phẩm dựa trên carbon bằng tiền sau thuế, cũng như thuế thương vụ, bao gồm cả xăng dầu. Trừ khi chi phí xã hội của carbon lớn hơn những hàng rào thuế quan hiện tại và ở mức 40 đô/tấn, thì không có chuyện như vậy chiến lược “đánh thuế rồi hoàn lại” có khả năng làm giảm phúc lợi. Hoàn lại doanh thu thu được từ một loại thuế “nghe như một cách giải quyết dễ dàng, nhưng nó sẽ không có hiệu quả nếu anh không giảm được sự méo mó ở chỗ khác” trong hệ thống thuế, Topel cho hay. “Họ đang nói rằng ‘chỉ là nhét tiền vào một phong bì và gửi trả lại thôi,’ nhưng điều đó khó có thể làm giảm sự biến dạng hoặc cải thiện phúc lợi trong một thế giới mà thuế vốn đã cao.”

Giá nhà ven biển không tính đến những rủi ro khí hậu

Lũ lụt ở các khu vực ven biển là một trong những yếu tố gây ấn tượng mạnh hơn và thường được thảo luận nhiều hơn của biến đổi khí hậu, nhưng người ta vẫn mua và bán các căn hộ ở Miami và tìm đến/nghỉ hưu tại các thị trấn nhỏ ven biển ở miền Nam Hoa Kỳ. Nếu khoa học đáng tin và thị trường vận hành hiệu quả, rủi ro lũ lụt nên được tính vào giá trị của các tài sản này. Một nghiên cứu gần đây cho thấy thị trường không mấy hiệu quả.

Để thấy niềm tin vào biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến giá cả như thế nào, Markus Baldauf và Lorenzo Garlappi của Đại học British Columbia, và Constantine Yannelis của trường Chicago Booth tập trung vào bất động sản ở Hoa Kỳ, dẫn chứng tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế của đất nước và thực rế rằng người dân nắm giữ tài sản trong thời gian dài. “Bản chất lâu dài của nó đặt nó vào loại rủi ro dài hạn bắt nguồn từ biến đổi khí hậu,” họ viết, nói thêm rằng đó là tài sản quan trọng nhất đối với hầu hết các hộ gia đình của Hoa Kỳ.

Theo các nhà nghiên cứu, những rủi ro hiện tại như thiên tai và lũ lụt được tính vào giá bất động sản và phí bảo hiểm. Nhưng còn những rủi ro trong tương lai, chẳng hạn như biến đổi chu kì thời tiết thì sao?

Để trả lời điều đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét các khu vực có thể bị ngập lụt trong tương lai do mực nước biển dâng cao. Họ đã sử dụng một cơ sở dữ liệu về doanh số bán nhà mà họ tham khảo chéo với các bản đồ những đợt lũ được dự đoán ​​và các cuộc khảo sát về niềm tin của người dân về biến đổi khí hậu.

Phân tích cho thấy rằng bất chấp sự đồng thuận của khoa học, “sự khác biệt trong niềm tin về biến đổi khí hậu có tác động đáng kể đến giá nhà.” Tại các cộng đồng mà những người phủ nhận biến đổi khí hậu chiếm đa số, những ngôi nhà được dự đoán rồi sẽ chìm trong nước được bán với giá cao hơn khoảng 7% so với những ngôi nhà có tình trạng tương tự trong các cộng đồng gồm những người tin rằng biến đổi khí hậu là có thật và sắp xảy ra. Mặc dù, các nhà nghiên cứu nói rằng, phân tích của họ hoài nghi về việc liệu những người phủ nhận đang phản ứng hời hợt hay những người tin vào biến đổi khí hậu đang phản ứng thái quá với những rủi ro lâu dài của biến đổi khí hậu, họ kết luận rằng niềm tin khác nhau về những rủi ro này “có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bất động sản của Hoa Kỳ.”

Markus Baldauf, Lorenzo Garlappi và Constantine Yannelis, “Does Climate Change Affect Real Estate Prices? Only If You Believe in It [Liệu biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến giá bất động sản? Chỉ khi bạn tin vào điều đó], Tài liệu làm việc, tháng 8 năm 2018.

Nhưng các nhà kinh tế có thể thiết kế một chính sách phù hợp cho việc đưa ra một mức thuế tối ưu không? Topel nói rằng có một cách khác để thực hiện tính trung lập đối với thu nhập mà vẫn cải tiến phúc lợi: bù đắp doanh thu thuế carbon bằng cách giảm thuế thu nhập hoặc các loại thuế khác bằng một khoản tương đương, theo ông việc này sẽ ngăn chính phủ tăng trưởng trong khi giảm đi những sự méo mó trong khuyến khích kinh tế. Các phiên bản khác của ý tưởng này có thể đưa doanh thu về dạng thuế quỹ lương, hoặc bằng cách xóa bỏ các quy định và thuế đối với các ngành công nghiệp ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và có lượng khí thải carbon nhỏ hơn. Thuế carbon của tỉnh British Columbia đi kèm với cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và tín dụng thuế thu nhập thấp.

Vấn đề duy nhất? Topel không không nghĩ rằng cử tri của Hoa Kỳ sẽ tin tưởng các giới chức được bầu trong việc thực hiện theo đề xuất đó vì nhiều người có những ý tưởng khác nhau về việc làm gì với doanh thu thu được từ thuế và chính phủ không thể cam kết duy trì mức thuế thấp hơn. Hãy xem xét quan điểm của Hội đồng Bảo vệ các Nguồn Tài nguyên Quốc gia về một sắc thuế carbon. “Trong khi thuế carbon có thể là một phần quan trọng trong chương trình toàn diện nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon tương đương của chúng ta và để người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm, thì nó phải được kết hợp với các giới hạn mạnh mẽ đối với khí thải carbon, bao gồm cả những cơ quan có thẩm quyền hiện hành được ban hành bởi Đạo luật Không khí Sạch và những công cụ pháp lý hiện có”, một người phát ngôn trong một tuyên bố. Topel coi đây như bằng chứng cho các nhóm không tin tưởng rằng thị trường, ngay cả khi được trang bị các biện pháp động viên cân đối hơn, sẽ giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Họ vẫn sẽ thúc đẩy sự tham gia của chính phủ nhiều hơn vào thị trường dưới hình thức điều tiết, và có lẽ cả trợ cấp và đầu tư cho nghiên cứu năng lượng xanh.

Charles Komanoff

“Gần như tất cả chúng ta đều đồng ý rằng thuế carbon không thể tồn tại độc lập; mà nó phải là một phần của bộ chính sách,” Charles Komanoff của Trung tâm Thuế Carbon giải thích, một nhà hoạt động môi trường nói rằng những người ủng hộ thuế carbon của Mỹ kể cả ông đang tập trung thuyết phục các thành viên của Quốc hội đưa thuế carbon vào bất kỳ Thỏa thuận Tăng trưởng xanh Mới nào họ đề xuất trong năm 2019. “Một loại thuế carbon sẽ chỉ được thông qua khi đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội và một tổng thống đến từ đảng Dân chủ cầm quyền. Và đảng Dân chủ chiếm đa số sẽ kiên quyết đầu tư một phần khoản thu từ thuế carbon vào chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon hơn. Khoảng thời gian vàng mà chúng ta đã có thể thông qua một loại thuế carbon thuần túy đã trôi qua. Tôi thấy còn lâu khe cửa hẹp đó mới mở trở lại.”

David A. Weisbach

Hy vọng duy nhất để đảm bảo sự ủng hộ của cử tri đối với thuế carbon có thể là tập trung vào đồng đô la toàn năng, David A. Weisbach của Đại học Chicago nói. Mọi người nên bị thu hút bởi số tiền mà thuế carbon có thể thu về trong suốt một thập kỷ, không chỉ những lợi ích liên quan đến biến đổi khí hậu. Nếu khoản thuế này thu được một nghìn tỷ đô, nó sẽ vừa đẩy nền kinh tế đi theo hướng có trách nhiệm với môi trường hơn và vừa tài trợ cho bất kỳ dự án cải-thiện-giá-trị nào.

“Bạn có thể làm những việc có ích với số tiền đó,” ông nói. Topel đáp lại: “Đối với nhiều người, đó lại là vấn đề.”

PHƯƠNG ÁN THAY THẾ 1: TRAO ĐỔI KHÍ THẢI

Cử tri, ngay cả ở Hoa Kỳ, có thể vẫn chưa thay đổi ý định về việc ủng hộ thuế carbon. Trong số các cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ có hứng thú đối phó với biến đổi khí hậu, một cuộc khảo sát tiến hành vào tháng 11 năm 2018 cho thấy 70% người Mỹ tin rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Hơn nữa, 49% số người được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ thuế carbon nếu tiền thuế thu được hoàn lại cho các hộ gia đình và 67% cho biết họ sẽ hỗ trợ thuế carbon nếu tiền thu về được sử dụng cho việc phục hồi môi trường. “Những phát hiện này dường như đi ngược lại với niềm tin phổ biến về phiên bản hấp dẫn nhất của thuế carbon và những nỗ lực gần đây của chính phủ liên bang để lùi một bước trong hoạt động bảo vệ môi trường,” Michael Greenstone, giám đốc Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago nói, khi kết quả được công bố vào tháng Giêng này [năm 2018]. Cuộc khảo sát được Trung tâm NORC về Các vấn đề Công chúng-Báo chí Liên kết [Associated Press-NORC Center for Public Affairs], với sự tài trợ của Viện Chính sách năng lượng thực hiện.

Nhưng sự phân cực chính trị vẫn khiến thuế carbon trở thành một triển vọng khó có thể xảy ra ở Hoa Kỳ, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. “Có rất ít cơ hội thuế carbon sẽ được chính phủ liên bang thực thi trong tương lai gần,” ông Weisbach cho hay.

Vậy đâu là những lựa chọn thay thế? Trao đổi khí thải, còn được gọi là mua bán phát thải (cap and trade), là phương án nổi bật nhất. Cả thuế và hệ thống mua-bán-phát-thải có thể mang về thu nhập, thông qua thuế hoặc giấy phép phát thải. Trong khi thuế thiết lập một mức giá cho carbon và để thị trường thiết lập lượng phát thải, một hệ thống trao đổi sự phát thải hoạt động ngược lại, thiết lập một mức trần cho lượng khí thải và để thị trường định giá cho carbon. Thông thường, chính phủ sản xuất và phân phối hoặc đấu giá một lượng giấy phép phát thải hạn chế, tạo ra một thị trường giấy phép và thiết lập mức giá dựa trên thị trường. Hoa Kỳ đã sử dụng một hệ thống như vậy để giảm các chất ô nhiễm đã gây ra mưa axit. Một nỗ lực để thiết lập một hệ thống trao đổi khí thải toàn quốc đã được đề xuất nhưng không được thông qua để thành luật trong thời tổng thống Obama.

Định một mức giá cho carbon từ trước

Chúng tôi đã hỏi các chuyên gia: Đâu là bước đi hiệu quả nhất chính phủ có thể thực hiện để chống lại biến đổi khí hậu?

“Yêu cầu quan trọng nhất của bất kỳ biện pháp nào là phải có mức giá cho việc thải ra khí carbon, mức giá carbon cao ở mức chấp nhận được. Việc này, rốt cuộc, là điều dễ đạt được nhất thông qua thuế carbon; nhưng nếu chúng bị phản đối, sẽ có những lựa chọn thay thế, bao gồm những hệ thống phí và tiền thưởng, hoặc mua bán giấy phép phát thải. Các công cụ bổ sung có thể là trợ cấp cho các công nghệ xanh mới.

Đây là một vấn đề khó khăn, một trong những vấn đề khó khăn của thế kỷ này. Điều thực sự quan trọng là chúng ta phải có được thứ gì đó hoạt động hiệu quả và sớm định giá cao cho carbon. Vấn đề quan trọng thứ hai là, sẽ sử dụng phương pháp nào; tôi sẽ làm bất cứ cách nào miễn đem lại hiệu quả. Thuế carbon là hiệu quả nhất, nhưng điều đó không quan trọng lắm.

- Thomas Sterner

 Đại học Gothenburg

“Định giá carbon. Nếu ở trong một thế giới mà mọi người đều đồng ý rằng nên làm vậy, thì chúng ta tranh luận về việc thực hiện như thế nào là điều hợp lý. Nhưng vì tranh cãi về phương diện đó đã đủ nhiều, nên những người muốn thấy có sự chuyển biến [trong chính sách về biến đổi khí hậu] sẽ rất vui khi thấy bất cứ thay đổi nào hơn là chẳng có thay đổi gì cả. Tôi đang ít nhiều thuộc về phe ủng hộ thuế. Tôi nghĩ rằng sự chắc chắn mà thuế đem lại, trong mối tương quan với chương trình mua bán giấy phép phát thải hoặc các chính sách môi trường có tính chỉ huy và kiểm soát, cung cấp một tín hiệu hữu ích nhắm đến các nhà đầu tư.

-Thomas Covert

Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago

“Đó là thuế carbon. Bất kỳ nhà kinh tế nào cũng sẽ nói rằng chúng ta thực sự cần một tín hiệu về mức giá đối với ô nhiễm do carbon gây ra. Tôi cùng các đồng nghiệp đã khảo sát các nhà kinh tế học về vấn đề này, và câu trả lời luôn là định giá cho carbon. Với thuế carbon, chúng ta không phải nghĩ về phương pháp rẻ nhất để làm giảm lượng khí thải — thị trường sẽ tìm ra cách. Một ưu điểm khác của thuế là có thể dễ dàng điều chỉnh. Nếu từ nghiên cứu mới chúng ta biết rằng chi phí carbon nên ở mức cao hơn, chúng ta có thể tăng thuế carbon để giải quyết điều đó.

-Peter Howard

 Đại học New York

“Họ [các nhà hoạch định chính sách] lúc nào cũng nên luôn sẵn sàng ứng phó. Các Hiệp định Kyoto, Paris và Copenhagen đều không có sức nặng. Chẳng có cam kết ràng buộc từ bất kỳ quốc gia nào được đưa ra sau các cuộc họp và những thỏa thuận đáng ngờ. Và ai cũng có động cơ để không hành động. Họ phải chịu mọi chi phí và không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ hành động của chính họ. Chúng ta đã làm như vậy trong 25 năm qua và chẳng thực sự đi đến đâu cả; chúng ta chỉ chúc mừng lẫn nhau sau mỗi cuộc họp. Quan điểm bi quan của tôi là hãy sẵn sàng vì một phần phản ứng của chúng ta đối với vấn đề này nên là thích nghi hoặc thoả hiệp. Tôi không muốn điều này khiến tôi nghe có vẻ như đang lạc quan, nhưng một trong những điều bạn học được với tư cách là một nhà kinh tế học là chúng ta có xu hướng đánh giá thấp khả năng điều chỉnh, thay thế và đổi mới của mọi người khi đối mặt với sự thay đổi của hoàn cảnh. Chúng ta cần một danh mục đa dạng các phương pháp tiếp cận. Chúng ta nên chuẩn bị cho những hoàn cảnh có thể không được tuyệt vời lắm, nhưng đó là những quân bài mà thế giới sẽ được chia cho.

-Robert H. Topel

Chicago Booth

“Phản ứng nhất trí của các nhà kinh tế trong việc chống lại biến đổi khí hậu: đưa ra một mức giá thống nhất cho carbon. Ưu điểm của định giá carbon: nó phi tập trung và tiết kiệm chi phí. (Việc tự động lọc ra các công nghệ chi phí cao và chừa lại các công nghệ chi phí thấp kích thích sự đầu tư vào các công nghệ ít cacbon, không khuyến khích đầu tư vào các công nghệ nặng cacbon và tạo ra tổng lượng khí thải với chi phí thấp nhất.) Một mức giá carbon thống nhất có thể thay thế hàng loạt quy định theo kiểu chỉ huy và kiểm soát được ban hành bừa bãi, kém hiệu quả, không chồng chéo thì sơ hở và chắp vá điên cuồng. Giá carbon làm tăng nguồn thu đáng kể của chính phủ để hoàn lại phần thưởng trực tiếp cho người dân, hoặc để giảm bớt những gánh nặng về thuế khác, hoặc để giảm thâm hụt, hoặc bất kỳ điều gì khác được cho là xứng đáng.

-Martin Weitzman

 Đại học Harvard

Gregory Mankiw (1958-)
“Vấn đề với các chương trình trao đổi khí thải như vậy là, về bản chất, chuyển tiền thu từ một khoản thuế Pigou (Pigovian tax)[*] nộp một lần cho một thực thể điều tiết. Ví dụ, tại sao dịch vụ cung cấp điện, nên được cung cấp một nguồn lực có giá trị đơn giản vì nó đã gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm? Điều đó khiến tôi có ấn tượng không công bằng,” Giáo sư N. Gregory Mankiw của Harvard viết vào năm 2009. Ông nói rằng ông vẫn ủng hộ quan điểm trên, cho rằng trao đổi khí thải là phương án nên ít hướng tới hơn. “Tất nhiên, các hệ thống trao đổi khí thải tốt hơn các hệ thống điều tiết mạnh tay. Nhưng theo quan điểm của tôi, chúng không (đem lại kết quả) được như mong muốn, như cách kết hợp thuế Pigou với việc giảm các loại thuế khác.”

Nhưng, nếu được thiết kế hợp lý, cả trao đổi khí thải và thuế carbon đều có thể hoạt động tốt, mặc dù kết quả phụ thuộc rất lớn vào các chi tiết, Goulder và Schein viết. “Hiệu suất của hai cách tiếp cận phụ thuộc sâu sắc vào chi tiết cụ thể của thiết kế. Thật vậy, thiết kế của công cụ có thể cũng quan trọng như việc lựa chọn giữa hai công cụ.” Họ cũng đề nghị các quốc gia có thể theo đuổi chính sách kết hợp giữa cách tiếp cận trao đổi khí thải và một mức giá sàn, giá trần, hoặc cả hai, để giảm độ biến động.

Richard L. Sandor (1941-)
Richard L. Sandor, Giám đốc điều hành Sản phẩm Tài chính Môi trường, công ty giúp thiết lập các hệ thống giao dịch khí thải khắp thế giới, nói rằng trong khi các nhà kinh tế hàn lâm có thể chứng minh tính ưu việt của cả hai phương pháp, ông thấy rằng giao dịch phát thải là cách được ưu tiên thực hiện. “Tôi chỉ không hiểu, vì trường hợp của lưu huỳnh dioxide đã cho thấy hiệu quả,” ông nói thêm rằng chương trình giảm S02 tốn tối đa 2 tỷ đô la để thực hiện và đã mang lại lợi ích trị giá 120 tỷ đô la, bao gồm cắt giảm chi phí y tế liên quan đến bệnh phổi. “Chương trình này đã giảm 90% lượng khí thải xuống dưới mức của năm 1990. Theo kinh nghiệm của tôi, với tư cách một nhà thực hành, đó là một kết quả vượt trội hơn nhiều so với áp thuế. Tôi tin rằng trao đổi khí thải cho phép đạt được mức cắt giảm với chi phí thấp nhất có thể.”

Các chương trình trao đổi khí thải đang hoạt động ở California, các bang đông bắc và các bang Trung - Đại Tây Dương của Hoa Kì, EU và gần đây nhất là Trung Quốc. Chương trình trao đổi khí thải carbon của EU đã chứng kiến ​​sự thay đổi đáng kể về giá giấy phép, và việc triển khai giai đoạn giao dịch thứ hai trùng với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, đã giúp giảm sự phát thải và kiềm hãm giá cả. Nếu như giá cả của giấy phép thấp, thì một số người coi đó là một dấu hiệu cho thấy hạn mức phát thải quá lỏng lẻo, ít nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các phân tích lợi ích-chi phí phải khuyến nghị. Tuy nhiên, theo Goulder, giá thấp cho thấy cả điểm yếu và điểm mạnh của hệ thống ở EU, điểm mạnh ở chỗ “nó cho thấy có thể đạt tới mức trần [sự phát thải] với chi phí khá thấp.” Bên cạnh đó, một sắc thuế thiết lập một tín hiệu giá vững chắc hơn giúp các hộ gia đình hoặc công ty đưa ra quyết định dài hạn - nhưng trao đổi khí thải tạo ra mức giảm sự phát thải dễ dự đoán hơn.

Trung Quốc năm 2017 đưa vào hoạt động một thị trường carbon được dự kiến ​​sẽ trở thành chương trình giao dịch carbon lớn nhất thế giới. Không giống như hệ thống trao đổi khí thải của EU, bắt đầu với tiền đề là đặt hạn mức phát thải trên cơ sở những mức phát thải trong lịch sử, hệ thống của Trung Quốc là công cụ “dựa trên tỷ lệ” và do đó sẽ phân bổ phụ cấp phát thải theo nhiều mức phát thải chuẩn. Trong một bài viết vào năm 2018, Goulder và Richard D. Morgenstern, thuộc tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Tài nguyên cho tương lai, đã gọi việc Trung Quốc áp dụng hệ thống giao dịch carbon là “một bước tiến quan trọng đối với chính sách biến đổi khí hậu” đến mức “có thể khuyến khích chính sách định giá cho carbon ở nhiều nơi khác”. Tuy nhiên, họ viết rằng sự thành công của chương trình trong việc giảm sự phát thải sẽ phụ thuộc sâu sắc vào các chi tiết trong cách chính phủ Trung Quốc tính toán lượng phát thải cho phép. “Về mặt quốc tế, phần lớn đang đi theo chương trình này,” họ viết. “Nếu thành công, nó có thể đóng vai trò là một hình mẫu tích cực và khuyến khích các quốc gia khác nỗ lực ban hành các chính sách khí hậu. Thất bại có thể cản trở việc áp dụng các chương trình giao dịch khí thải ở nhiều nơi trên thế giới.”

PHƯƠNG ÁN THAY THẾ 2: CÔNG NGHỆ XANH

Nếu cả thuế lẫn hệ thống giao dịch không thành công, điều đó có thể có nghĩa là tương lai khí hậu phụ thuộc phần lớn vào việc thay thế nhiên liệu hóa thạch và các công nghệ mới trở nên rẻ hơn để sử dụng và cạnh tranh hơn. Điều này đang diễn ra - ở mức độ nào đó.

Chi phí của các tấm pin mặt trời đã giảm 85% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2018, khi các nhà sản xuất của Trung Quốc thâm nhập (và tràn ngập) thị trường, theo báo cáo của công ty nghiên cứu quang điện mặt trời PVInsights, trong khi chi phí lưu trữ pin đã giảm 82%, theo Bloomberg New Energy Finance.

Nhờ giá pin giảm, việc áp dụng xe điện trên toàn thế giới sẽ tăng đáng kể từ năm 2025 đến 2030, Jeffrey Osborne, nhà phân tích tại Cowen Inc., dự đoán. Một báo cáo vào năm 2017 từ Cowen cho biết việc chi phí pin giảm và carbon dioxide bị hạn chế sẽ khiến động cơ đốt trong trở nên đắt hơn. “Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho R & D (nghiên cứu và phát triển) tiên tiến trong quan hệ đối tác với khu vực tư nhân cũng như tạo ra khung pháp lý và các thông số để khuyến khích cạnh tranh, cho phép thị trường tách biệt người thắng và kẻ thua thay vì chỉ định một công nghệ nhất định,” Ostern viết trong báo cáo. Thêm vào danh sách này những tiến bộ trong nông nghiệp, quy hoạch đô thị với các công nghệ thiết lập mạng lưới “thông minh” và những người máy hiệu quả hơn.

Một chặng đường dài

Hơn 50 chương trình quốc gia và khu vực trên toàn thế giới chỉ giải quyết một phần nhỏ lượng khí thải carbon toàn cầu.

Trợ cấp, về bản chất là mặt trái của thuế, có thể được sử dụng để tạo ra sự thúc đẩy và giúp làm năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với khí đốt và than. “Bắt đầu từ việc trợ cấp cho công nghệ mới là một bước đi thông minh”, theo ông Sterner, người cho rằng trợ cấp có thể giúp mở đường cho thuế, vì điều đó khiến những người phản đối khó khăn hơn trong việc khẳng định rằng không có phương án thay thế nào cho nhiên liệu hóa thạch. Đức là quốc gia đầu tiên trợ cấp công nghệ xanh trên quy mô lớn và tiếp theo là Trung Quốc, nước trợ cấp cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đã làm giá năng lượng mặt trời của thế giới giảm 80% trong giai đoạn 2008-2013 - và gây ra sự sụp đổ của hoạt động dự trữ năng lượng mặt trời ở Hoa Kỳ và châu Âu. Sterner thừa nhận trợ cấp có thể gây rối nhưng cũng có thể nói rằng chúng đẩy mạnh tốc độ quá trình chuyển đổi công nghệ có lẽ không thể tránh khỏi. “Mấu chốt ở đây là thời gian. Chúng tôi đang gấp rút loại bỏ khí thải carbon.”

Nhưng cuối cùng, phần lớn phụ thuộc vào giá nhiên liệu hóa thạch, rẻ và đa dạng. Trong một dấu hiệu thể hiện cam kết với nhiên liệu hóa thạch, chính quyền Trump đã thúc đẩy việc thông qua hoạt động thăm dò dầu mỏ ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Bắc Cực quốc gia ở Alaska, nơi trước đây nằm ngoài giới hạn nhưng có thể bắt đầu sản xuất dầu trong vòng một thập kỷ.

“Nếu như 35 năm qua cho chúng ta bất kì chỉ dẫn nào, thì (đó là) không chỉ chúng ta không nên mong đợi nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt bất cứ lúc nào, chúng ta còn không nên hy vọng sẽ có ít nhiên liệu hóa thạch trong tương lai hơn bây giờ. Ngắn gọn là, thế giới có khả năng tràn ngập nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ và thậm chí có thể là hàng thế kỷ sắp tới”, Thomas Covert của Chicago Booth, Greenstone của Đại học Chicago và Christopher R. Knittel của MIT viết trong một nghiên cứu năm 2016. Cùng với nhiều thứ khác, họ nhận thấy rằng, với chi phí pin là 325 đô mỗi kWh vào lúc đó, “giá dầu sẽ cần phải vượt quá 350 đô mỗi thùng trước khi xe điện rẻ hơn để vận hành.”

Covert cảnh báo rằng công nghệ chiết xuất nhiên liệu hóa thạch cũng đang được cải thiện, có lẽ nhanh như công nghệ pin và năng lượng mặt trời. Nhiên liệu hóa thạch thậm chí còn rẻ hơn với sự phát triển của công nghệ thủy lực cắt phá. Nếu các kỹ sư có thể chiết xuất mêtan hydrat (nước đá/băng cháy) dưới đáy đại dương theo hướng thương mại, nhiên liệu hóa thạch có thể vẫn rẻ hơn.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thị trường, vắng mặt trong chính sách, sẽ không có tác động đủ lớn để làm chậm sự thay đổi khí hậu. Trong trường hợp đó, cách tốt nhất để tiếp tục xử lý vấn đề là gì? Theo đuổi một loại thuế không được ủng hộ trên chính trường? Bám vào trao đổi khí thải? Dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để tạo ra những khuyến khích cho hoạt động nghiên cứu cơ bản và thương mại hóa công nghệ sạch?

Đây là vấn đề khẩn cấp, nhưng sự tính toán thời gian là kinh hoàng. Mỗi nghiên cứu mới đều khẳng định sự cần thiết của các cường quốc kinh tế thế giới, hành động kịp thời và dứt khoát. Đồng thời, sự phân cực chính trị và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã làm dấy lên làn sóng chống lại hợp tác quốc tế và tư duy toàn cầu.

Kinh tế học có thể đưa ra một số chỉ dẫn thực tiễn thông qua vũng bùn này. Mặc dù các nhà kinh tế có thể không đồng ý về vấn đề này, như về mọi vấn đề khác, cũng có một sự đồng thuận mới nổi giữa các học giả về sự cần thiết phải hành động theo một kiểu nào đó. Như Covert lưu ý, “Hầu hết mỗi người trong cộng đồng kinh tế học môi trường sẽ ưa thích một chính sách thuế hoặc một chính sách trao đổi khí thải hơn là không thích chính sách nào cả.”

CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRÍCH DẪN

Thomas Covert, Michael Greenstone và Christopher R. Knittel, “Will We Ever Stop Using Fossil Fuels?” [Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch?] Journal of Economic Perspectives [Tạp chí về các Quan điểm Kinh tế], tháng 2/2016.

Lawrence H. Goulder và Richard D. Morgenstern, “China’s Rate-based Approach to Reducing C02 Emissions: Strengths, Limitations, and Alternatives” [Cách tiếp cận dựa trên tỷ lệ của Trung Quốc để giảm sự phát thải C02: Điểm mạnh, hạn chế và giải pháp thay thế], Các bài nghiên cứu và kỷ yếu của AEA, tháng 5 năm 2018.

Lawrence H. Goulder và Andrew R. Schein, “Carbon Taxes versus Cap and Trade: A Critical Review [Thuế Carbon đối với giao dịch khí thải: Một đánh giá quan trọng] Climate Change Economics [Kinh tế học Biến đổi Khí hậu], tháng 11 năm 2013.

Pietro Morabito, “Is There Hope for Carbon Pricing Legislation in the United States?” [Hợp pháp hóa định giá cho carbon có hy vọng diễn ra ở Hoa Kì không?] Báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường [Environmental and Energy Study Institute], ngày 27 tháng 3 năm 2018

Tạ Minh Thu Hà dịch

Nguồn: The tax that could save the world, Chicago Booth Review, Spring 2019.



Chú thích:

 

[*] Thuế Pigou là một loại thuế đánh vào người sản xuất do tạo ra một ngoại ứng theo một cách mà sau khi thuế này được áp dụng thì các chi phí cá nhân do bên tạo ra ngoại ứng cảm nhận được bằng với chi phí xã hội của hoạt động này. Pigou là người đầu tiên có sáng kiến áp dụng cách tiếp cận kinh tế và việc giải quyết ngoại ứng do ô nhiễm môi trường, ông đã đưa ra ý tưởng về việc đánh thuế với những người gây ô nhiễm. Đây là loại thuế thay vì đánh vào đầu ra sản phẩm, người ta đánh cho mỗi đơn vị phát thải ô nhiễm đầu vào (ND).

Print Friendly and PDF