14.11.20

Phỏng vấn Bernard Lahire

PHỎNG VẤN BERNARD LAHIRE

Paul COSTEY[1] Anton PERDONCIN[2]


Bernard Lahire là giáo sư xã hội học tại Trường Sư Phạm Cao Cấp về văn học và khoa học nhân văn/École Normale supérieure Lettres et sciences sociales (Lyon). Ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình trong lĩnh vực xã hội học giáo dục, với các nghiên cứu về sự thực hành đọc và viết trong các tầng lớp lao động (Lý do của những kẻ yếu thế nhất/La raison des plus faibles) và các chính sách công để chống nạn mù chữ (Sự sáng tạo nạn mù chữ[3]/L’invention de l’illettrisme). Tiếp nối truyền thống của Jean-Claude Passeron, ông đã đề xuất một cách đọc phê phán về sự nghiệp của Bourdieu (Công trình nghiên cứu xã hội học của Pierre Bourdieu/Le travail sociologique de Pierre Bourdieu) và lấy cảm hứng từ đó để xây dựng một chương trình dựa trên khuynh hướng (dispositionnaliste) trong xã hội học (Con người đa dạng/L’Homme Pluriel, Chân dung xã hội học/Portraits sociologiques)[4].



Đã từ nhiều năm nay, Bernard Lahire chuyên tâm vào sự phát triển một xã hội học văn hóa dựa trên các đề xuất phương pháp luận và lý thuyết được xây dựng trong các công trình đầu tiên của ông. Chúng kết hợp mối quan tâm về sự cụ thể hóa các thực tiễn và sự kết nối các cấp độ phân tích khác nhau. Các tác phẩm mới nhất của ông đề cập đến sự tiêu dùng và sự tiếp nhận (Văn hóa của cá nhân/La culture des individus) cũng như sự sản xuất văn hóa (Thân phận nhà văn/La condition littéraire).

Tracés: Chúng tôi muốn bắt đầu cuộc phỏng vấn này với sự trở lại truyền thống xã hội học đương đại. Xã hội học của Pierre Bourdieu đã có (và chắc chắn là vẫn có) một ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực xã hội học, cả về mặt lý thuyết và về tư thế trí tuệ. Theo ông, sự lan tỏa sau này và sự nhạy bén của truyền thống phê phán do Bourdieu khởi xướng trong xã hội học là gì?

Marcel Mauss (1872-1950)

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Bernard Lahire: Trước hết, tôi có một nhận xét nhỏ về “ảnh hưởng lớn” mà người ta nghĩ “xã hội học của Pierre Bourdieu” có. Nếu ta hiểu “ảnh hưởng” này như là các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp mà sự nghiệp ông đã có, thì “ảnh hưởng” này là hoàn toàn không thể chối cãi, vì nhiều nhà xã hội học ngày nay liên tục tuyên bố hoặc thực hiện trong nghiên cứu sự đoạn tuyệt triệt để với truyền thống xã hội học này. Đại đa số các nhà xã hội học Pháp ngày nay đều nhắm mục đích chôn vùi sự nghiệp của Bourdieu và coi tất cả những người còn quan tâm đến nó là “lỗi thời” (“người của quá khứ”). Chẳng may, đây là một nguyên tắc để loại bỏ khá cổ điển trong khoa học xã hội. “Chẳng may”, bởi vì điều đó chứng minh cho thực tế rằng logic của thời trang - của “cái mới”, và “cái cũ”, của “cái hiện tại”, và “cái đã lỗi thời (ringard)” - nằm ở trung tâm của những vũ trụ này, trong khi đáng lẽ chỉ các luận chứng và các bằng chứng thực nghiệm nên được thảo luận. Nhưng ngoài sự đoạn tuyệt với “xã hội học của Pierre Bourdieu”, chúng ta phải hiểu theo một cách khác, đó là ý muốn đoạn tuyệt với xã hội học, một xã hội học không có ý định từ bỏ các nhiệm vụ của sự cụ thể hóa và từ chối quay trở lại một cách tiếp cận chủ quan thuần túy (đôi khi chỉ là việc diễn giải diễn ngôn của các tác nhân trong các cuộc phỏng vấn ít nhiều cẩu thả...), một xã hội học nghiên cứu các hiện tượng của sự thống trị và bất bình đẳng, một xã hội học “vẫn” nói về “các giai cấp xã hội” hoặc đơn giản là các hiệu ứng - có thể được ghi nhận về mặt thống kê - của nguồn gốc xã hội và các vị trí xã hội-nghề nghiệp trên các hành vi xã hội, một xã hội học có ý định làm nổi bật các yếu tố quyết định xã hội, v.v.. Khi chúng ta nói về “Bourdieu”, trên thực tế chúng ta cũng đang nói về Durkheim, Weber, Marx, Mauss, v.v.. Ngược lại, chắc anh đã hiểu, nếu chúng ta hiểu “ảnh hưởng” như là việc sử dụng các khái niệm hoặc cách suy nghĩ gắn liền với cái xã hội học đó, thì, đối với tôi, ảnh hưởng này dường như càng ngày càng yếu đi.

Cuối cùng, rất khó để khẳng định về tính “hậu thế” của xã hội học này - không thể bị lược giản trong chiều kích “phê phán” của nó - chỉ vài năm sau cái chết của Pierre Bourdieu. (Trong các tác phẩm triết học đương đại thì còn lại điều gì của triết học của Sartre một phần tư thế kỷ sau cái chết của Sartre?) Nhưng Pierre Bourdieu hoàn toàn không phải là người “khởi xướng” truyền thống phê phán vốn đã có từ nhiều thế kỷ và không có lý do để biến mất.


Tracés: Trong một bài mà ông đã đăng trên tờ báo Le Monde ngay sau cái chết của Bourdieu (2002b), ông đã phân biệt hai loại thái độ liên quan đến nhân vật bảo hộ (tutélaire) của “người Thầy”: một tư thế lặp đi lặp lại - tôn kính và một tư thế tái chiếm một cách phê phán và phản tư các công cụ trí tuệ được một nhà xã hội học lớn để lại, tư thế thứ hai mà ông đã phát triển trong Sự nghiệp xã hội học của Pierre Bourdieu/Le travail sociologique de Pierre Bourdieu (1999a). Ông có thể xác định vị trí của các công trình của ông đối với mối liên hệ với Bourdieu không? Ngày nay, Ông có còn giữ một lập trường vững chắc như vậy liên quan đến hai cách sử dụng sự nghiệp của Bourdieu không?

B. Lahire: Sự đối lập giữa sự tôn kính/lặp đi lặp lại và sự tái chiếm mang tính phê phán đối với tôi mô tả rất chính xác những gì được quan sát ngày nay trong những người không ở về phía những người muốn đào mồ chôn xã hội học này. Một mặt, có những “người bảo vệ đền thờ” có mối quan hệ giáo điều và chính thống với sự nghiệp này (và đây không phải là những lời thóa mạ mà tôi sử dụng ở đây: ta chỉ cần đọc hoặc nghe một số tác giả để xác minh tính thực tế của điều tôi nói) và mặt khác, một loạt người dùng có thể có ấn tượng tích cực đối với sự nghiệp này và có sự tương hợp với nhiều khía cạnh của nó, nhưng là những người rất thận trọng, phê phán và thực dụng hơn trong nghiên cứu của họ, nhất là khi họ cho rằng khi thực tế chống lại các khái niệm, không có lý do gì để bám vào các khái niệm. Max Weber đã có sự phê phán rất mạnh những người xem lý thuyết như một cái gì đó khác với điều mà nó là: một hướng dẫn, luôn luôn tạm thời, để nghiên cứu thực tế lịch sử. Ông viết: “Có lẽ không có gì nguy hiểm hơn sự nhầm lẫn giữa lý thuyết và lịch sử, mà nguồn gốc được tìm thấy trong những định kiến mang tính ​​tự nhiên. Nó hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau: đôi khi ta nghĩ rằng là đã ghi lại nội dung “thực sự” hay “bản chất” của hiện thực lịch sử trong các bức tranh lý thuyết và khái niệm này, đôi khi ta sử dụng chúng như một loại giường của Procuste[5] để nhồi nhét lịch sử vào đó, đôi khi ta lại biến ngay cả những “ý tưởng” thành hiện thực “thực sự” in hình đằng sau dòng chảy của các sự kiện hay những “thế lực” thực sự đã xảy ra trong lịch sử” (Weber, 1992, trang 178). Với tôi, rõ ràng là ông nhm tới một số người theo chủ nghĩa Marx vào thời ấy, những người mà ông không chỉ trích vì có mô hình lý thuyết của họ, nhưng vì họ cứ xem rằng mô hình này thể hiện “chính cái thực tế”. Thái độ thực tế là đối trọng của thái độ giáo điều hoặc tôn sùng đối với các khái niệm. Điều kịch tính nhất - và thảm hại - trong trường hợp này là lịch sử của truyền thống này gần như đã được viết hết, và đặc biệt bởi Pierre Bourdieu... Khi ta đọc chương mà Bourdieu dành cho những người đọc Marx có ủy quyền trong Nói lên có nghĩa là gì/Ce que parler veut dire (1982, trang 207-226), ta tưởng như đang đọc một phân tích về những người sử dụng Bourdieu một cách chính thống. Khi ta đọc những gì Bourdieu nói về sự hao mòn hoặc lão hóa của các tác phẩm, là kết quả “trước hết của quá trình biến sản xuất thành nếp cũ (routinisation), dưới tác động của những người sao chép (épigones) và chủ nghĩa hàn lâm, mà chính các phong trào tiên phong cũng không thoát khỏi” (Bourdieu, 1992, trang 352), ta đứng trước sự mô tả chính xác về quá trình đang diễn ra trước mắt chúng ta từ nhiều năm nay, rất lâu trước khi Pierre Bourdieu mất. Khi các nhà xã hội học nói, để chính đáng hóa lợi ích xã hội của họ, xã hội học cho phép nhận thức được các yếu tố quyết định và giải thoát khỏi xiềng xích của chúng, thật là mỉa mai khi thấy các nhà xã hội học rất “sành si, lão luyện” lao thẳng vào những gì đã được dự đoán.

Tôi đã bày tỏ rất nhiều lần quan điểm của tôi về sự nghiệp xã hội học của Pierre Bourdieu (chứ không phải con người) và nó đã không thay đổi từ đấy. Tôi thường bắt đầu rất cụ thể từ những vấn đề ông ấy đặt ra để làm rõ, trình bày lại chúng, đối chiếu chúng với sự kiện và cố gắng, về phía của tôi, đặt ra những vấn đề mới. Với tính chất công việc của tôi, “việc xem xét chéo” là không thể tránh khỏi, nhưng tôi không hối hận vì đã có cơ hội “chọn” một “tự do” nhất định đối với các “phe phái” (ủng hộ và chống Bourdieu).

Tracés: Ông có nghĩ rằng xã hội học về văn hóa (và giáo dục) vẫn có thể đóng vai trò là ma trận cho một lý thuyết phê phán về thế giới xã hội?

Jean-Claude Passeron (1930-)

B. Lahire: Tôi nghĩ rằng trước đó chúng ta phải tự hỏi ta hiểu “lý thuyết phê phán thế giới xã hội” như thế nào. Trong suy nghĩ của tôi, mọi xã hội học, khi nó nhằm mục đích giúp chúng ta hiểu biết về sự vận hành của thế giới xã hội, đều có tiềm năng phê phán theo nghĩa nó tiết lộ những điều mà chúng ta không biết, mà chúng ta không thể thấy (và đôi khi không muốn thấy) và đôi khi chúng ta gặp khó khăn trong việc “chấp nhận” chúng. Nhưng cũng giống như mọi người đã phải thừa nhận rằng trái đất không bằng phẳng, họ cũng đã phải chấp nhận sự hiển nhiên của bất bình đẳng xã hội trong trường học và văn hóa mà các cuộc điều tra thống kê đã (và thường xuyên tiếp tục) làm nổi bật. Đoạn tuyệt với lý lẽ thông thường, cảnh giác với những ảo tưởng, những ý thức hệ bóp méo, những biểu hiện tự phát (và vụ lợi), đó là điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm, đối với tôi, khi chúng ta có tham vọng làm khoa học. Đối với tôi, xã hội học giáo dục và văn hóa cũng không mang tính phê phán hơn một ngành xã hội học khác. Chỉ có điều, trên phương diện lịch sử, những người mà anh có trong tâm trí (Bourdieu, Passeron, Chamboredon, v.v.) đã bắt đầu sự nghiệp của họ như là nhà xã hội học về giáo dục và văn hóa.

Tracés: Theo ông, những văn bản nào tạo nên nền móng cho thái độ phê phán xã hội học này?

Eric A. Havelock (1903-1988)

B. Lahire: Tôi nghĩ rằng sự phê phán các ảo tưởng và sự tìm kiếm một sự thật nào đó đằng sau cái bề ngoài hoặc những đám khói của những biểu tượng tức thời là một chủ đề triết học từ hàng thế kỷ nay. Vì vậy, tôi muốn trả lời bạn rằng đó là Platon (để nêu lên một cái tên tượng trưng cho cả một thời đại) đã khởi xướng nó! Trong một tác phẩm đáng chú ý về nhân học lịch sử, Eric A. Havelock đã nghiên cứu kỹ lưỡng các lập trường triết học của Platon chống lại thơ ca truyền khẩu vào thời đại đó. Platon chỉ trích các nhà thơ bởi vì, theo ông, sự trải nghiệm thi ca cũng thuộc về cái dư luận thống trị (doxa), sự cảm nhận (aisthesis) và sự sao chép (mimesis) (Havelock, 1963). Nhà thơ đồng cảm với anh hùng của huyền thoại trong một hành động “dấn thân tổng thể và đồng nhất về mặt cảm xúc” khi đáng lẽ anh ta nên đứng ngoài truyền thống, khảo sát nó, để tiết lộ sự không mạch lạc và mâu thuẫn của nó và chỉ trích nó.


Tôi cũng có thể trích dẫn Thucydide, người rõ ràng đã đoạn tuyệt với huyền thoại (“những câu chuyện xưa”). Nhưng ông không thỏa mãn với sự chỉ trích những điều huyền hoặc, sự không nhất quán hoặc các bề ngoài giả tạo: ông phân tích những lý do của sự đoạn tuyệt. Nếu “truyền thống” không đáng tin theo quan điểm của một nhà sử học, thì đó là bởi vì nó có những khoảng trống, vì kí ức đánh lừa khi lựa chọn, giải thích, tái cấu trúc theo tình huống hiện tại. Trong Cuộc chiến Peloponnese, ông viết một cách hoàn toàn sáng suốt rằng “các nhân chứng của mỗi sự kiện đều có phiên bản thay đổi tùy theo sự thiện cảm của họ đối với người này hay người khác và theo trí nhớ của họ” (Thucydides, I, 22, 3). Ông tố cáo những thực tiễn mà đối với ông, một người sưu tầm các câu chuyện, các phiên bản khác nhau của một sự kiện, thật không thể tin được. Những gì ông tìm kiếm là thiết lập các sự kiện lịch sử trong tính khách quan của chúng, như chúng đã diễn ra chứ không phải những gì chúng đã trở thành khi không ngừng bị tái thiết chỉ một phần hay một cách thiên vị. Đối với ông, các câu chuyện của người dân của một quốc gia không thể đáng tin cậy và ông tự hỏi làm thế nào mọi người có thể chấp nhận “mà không kiểm tra các truyền thống được truyền lại từ quá khứ” (Thucydides, I, 73, 2).

Nhưng tất nhiên, tôi cũng có thể bắt đầu trực tiếp trích dẫn Marx, Weber hoặc Durkheim, mỗi người theo cách riêng của mình, đã cảnh báo chống lại các điều hiển nhiên sai lệch, các hình tượng bóp méo, v.v..

Tracés: Trong Tinh thần xã hội học/L’esprit sociologique (2005), ông đối lập rõ ràng hai loại xã hội học: xã hội học “thực nghiệm” và xã hội học “xã hội”. Thậm chí ông còn làm cho sự đối lập này gay gắt rất nhiều bằng cách chỉ ra ít nhiều rõ ràng rằng sự chặt chẽ về phương pháp, tính sáng tạo về mặt khái niệm và sự vững chắc về mặt lập luận đứng về phía xã hội học thực nghiệm, trong khi đặc tính của tất cả xã hội học xã hội ngay từ lúc đầu là có một mức độ khoa học thấp hơn. Ông có thể giải thích về sự đối lập này và chỉ ra các ví dụ về các công trình mà ông cảm thấy là thuộc về một trong hai loại này không?



B. Lahire: Tôi chưa bao giờ viết rằng cái mà tôi gọi là xã hội học xã hội, (để nói một cách tương tự như đối với nghệ thuật xã hội) ít chặt chẽ hơn và ít vững bền hơn “xã hội học thực nghiệm” (để nói một cách tương tự như đối với nghệ thuật vị nghệ thuật) về mặt luận chứng. Thậm chí còn không bao giờ viết rằng ít “khoa học” hơn! Điều phân biệt chúng chỉ đơn giản là mức độ sáng tạo và tính phản tư cao hơn của “xã hội học thực nghiệm”, vốn là loại xã hội học ít đáp ứng những kỳ vọng bình thường và thực tế của độc giả. Ta có thể nói rằng một “xã hội học xã hội” tốt (được xây dựng trên thực nghiệm và chặt chẽ trong việc sử dụng các khái niệm) chỉ được phân biệt bởi việc nó thỏa mãn (nếu có thể nói như vậy) với việc sử dụng các công cụ và phương pháp đã được chứng thực. Để sáng tạo, ta phải chấp nhận trở nên bí hiểm hơn một chút, kỳ lạ hơn hoặc khó hiểu hơn (ít nhất là ban đầu) và do đó mất đi độc giả để hướng tới trước hết các đồng nghiệp (thay vì một công chúng rộng lớn hơn quan tâm đến các ngành khoa học xã hội: nhà hoạt động, nhà giáo dục, giáo viên, nhân viên xã hội, các ngành nghề văn hóa, v.v.). Để chỉ đưa ra các ví dụ mang tính cá nhân, khi tôi nói về các biến thể trong hành vi giữa các cá nhân và khi tôi kiểm tra một mô hình dựa trên thuyết khuynh hướng (dispositionnaliste) trong một cuốn sách như Chân dung xã hội học/Portraits sociologiques (2002), vốn không bao gồm bất kỳ “đối tượng” nào theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này, rõ ràng là tôi đứng về phía xã hội học thực nghiệm. Ngược lại, một tác phẩm như Bức tranh gia đình/Tableaux de Familles (1995), vốn đề cập đến vấn đề của sự thành công ở trường học trong các tầng lớp lao động, tôi rõ ràng đứng ở giữa xã hội học thực nghiệm (thông qua sự trở lại việc phê phán ẩn dụ về “di sản văn hóa” và “sự truyền tải vốn văn hóa”) và xã hội học xã hội (trong chừng mực nó liên quan đến một vấn đề giáo dục xã hội có tính rất thời sự). Trong phần lớn các trường hợp, tôi cảm thấy mình ở điểm cân bằng giữa hai cực này, cố gắng đáp ứng cả hai loại yêu cầu. Tôi sẽ không nói như vậy nếu tôi có một quan điểm xấu đến thế về “xã hội học xã hội”...

Émile Durkheim (1858-1917)

Tracés: Thế thì quan điểm của ông liên quan đến các vấn đề chính trị và xã hội mà xã hội học đề cập là gì? Nói cho cùng, ngành xã hội học há chẳng đã được xây dựng xung quanh các vấn đề chính trị và đạo đức? Ông nghĩ gì về câu nói nổi tiếng của Durkheim: “Xã hội học không đáng cho ta phải vất vả chỉ một giờ nếu nó không có mục đích thay đổi xã hội”?

B. Lahire: Tôi nghĩ nó vừa xác đáng vừa mơ hồ. Bản thân tôi tin rằng xã hội học, cái xã hội học mà tôi thực hành và đánh giá cao ở người khác, là con gái của nền dân chủ và nó phải trả lại một cái gì đó cho nền dân chủ bằng cách làm cho xã hội tiến bộ theo hướng một xã hội ít bất bình đẳng, ít bất công và khoan dung hơn. Nhưng công thức này là mơ hồ bởi vì nó để cửa mở cho các thực tiễn chính trị và ý thức hệ thuần túy của xã hội học. Ngay cả khi xã hội học không bao giờ không có tác động chính trị và xã hội, nó không thể là một cách làm chính trị bằng các phương tiện khác. Nhà xã hội học phải cảm thấy tự do đối với mọi sự lệ thuộc, và phải nhận thức được rằng đôi khi anh ta có nguy cơ làm thất vọng xu hướng ý thức hệ của chính mình (với tư cách là một công dân) bằng cách công bố kết quả công việc của mình. “Đường lối của đảng” duy nhất anh phải tuân theo là “đảng của chân lý” (tạm thời, một phần) về thế giới xã hội. Durkheim, người mà anh trích dẫn, cũng nói rằng “khoa học bắt đầu ngay khi kiến ​​thức, bất kể nó là gì, được tìm kiếm vì chính nó. Tất nhiên, nhà khoa học nhận thức rõ rằng những phát hiện của mình có khả năng sẽ được sử dụng. Thậm chí có thể là anh ta hướng nghiên cứu của mình về một điểm này hay điểm khác bởi vì anh ta cảm thấy rằng như vậy nó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, rằng nó sẽ cho phép đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp. Nhưng khi anh tham gia vào cuộc điều tra khoa học, anh không quan tâm đến những hệ quả thực tế. Anh ta nêu lên những gì đang có; anh ta ghi nhận những gì đang có, và anh ta dừng lại ở đó. Anh ta không quan tâm liệu những sự thật mà anh ta khám phá sẽ dễ chịu hay gây ra sự bối rối, liệu có tốt không khi các mối quan hệ mà anh ta xác định được giữ nguyên, hoặc liệu tốt hơn là chúng nên thay đổi. Vai trò của anh ta là thể hiện thực tế, không phán xét nó” (Durkheim, 1977, trang 71).

Tracés: Cũng trong cuốn Tinh thần xã hội học/L’esprit sociologique, ông cho biết rằng “những sự bực tức hay “phẫn nộ” mà nhà xã hội học rút từ trải nghiệm xã hội của anh ta góp phần vào sự nhạy bén xã hội học và sự lựa chọn đối tượng của anh ta, nhưng không khai triển vấn đề này. Vậy chúng ta có thể nói gì (và chúng ta quay trở lại câu hỏi về hậu thế của xã hội học phê phán của Bourdieu hay của xã hội học phê phán Mác xít) về thực tế rằng có vài sự bực tức đã biến mất ở các nhà xã hội học chuyên nghiệp và nhà xã hội học tập sự? Chúng ta nên lấy làm tiếc về điều này không, và như vậy thì dựa trên tiêu chí nào? Chúng ta có nên vui mừng về điều này như dấu ấn của sự tự chủ lớn hơn của trường xã hội học?

Max Weber (1864-1920)

B. Lahire: Tự chủ khoa học không thể được đo lường bằng mức độ bàng quan và lãnh đạm của các nhà xã hội học! Điều mà tôi thực sự muốn nói là một xã hội học lành mạnh cần các nhà xã hội học với nhiều bực tức, phẫn nộ, ám ảnh đa dạng v.v.. Tôi lấy ví dụ về việc Max Weber đã bảo vệ sự đề cử của một người vô chính phủ cho một chức giáo sư trong một trường luật. Thật vậy, trái ngược với đa số các đồng nghiệp của ông nghĩ rằng những người phê phán triệt để Nhà nước không thể giữ một chức như vậy, Weber nghĩ rằng rằng việc là một người vô chính phủ có thể khiến ông ấy nhạy cảm với các khía cạnh của pháp luật mà thường không ai chú ý đến. Tôi không biết phải làm thế nào để đảm bảo có được tính đa nguyên của các mối quan hệ với các giá trị, nhưng một sự đa dạng như vậy đối với tôi rất đáng được mong đợi.

Tracés: Trong kết luận của cuốn Sự sáng tạo nạn mù chữ (1999b), ông nói về một sự thay đổi trong “các quy tắc chung của trò chơi phê phán”, đặc biệt gắn với thực tế là các tổ chức công cộng và các tác nhân tư nhân đã chiếm lấy diễn ngôn phê phán để đưa ra những đánh giá của riêng họ về thế giới xã hội. Do đó, có một cuộc đấu tranh giành tính chính đáng giữa các nhà xã hội học và các chuyên gia khác về diễn ngôn công cộng (chính trị gia, nhà báo, luật sư, triết gia, v.v.) ngăn các nhà xã hội học nhìn thấy những gì họ có chung với nhau. Những yếu tố chung đó là gì? Và điều này đã biến đổi các điều kiện về khả năng của xã hội học phê phán như thế nào?

B. Lahire: Khi nhà nước chiếm đoạt các lý lẽ của sự phê bình xã hội và một phần của xã hội học phê phán, như trường hợp vấn đề mù chữ (Nhà nước bắt đầu nói rằng, trái với các các hiện tượng bề ngoài và diễn ngôn chính thức được duy trì trong một thời gian dài, vẫn còn những người mù chữ trong xã hội của chúng ta, chỉ trích một tình trạng bất bình đẳng cũng như sự không chấp nhận được sự hiện hữu của nạn mù chữ trong một nền dân chủ), điều này có thể làm cho nhiệm vụ của nhà xã hội học trở thành phức tạp. Tôi đã phải đặt câu hỏi về cách mà chúng ta nói về nạn mù chữ để cho thấy rằng, đằng sau một mặt tiền “rộng lượng” và phê phán, nhiều sự kỳ thị bị che giấu. Ví dụ, khi chúng ta nói rằng chúng ta phải đấu tranh chống lại sự bất công của nạn mù chữ này để mọi người có thể là một công dân thực sự, một phụ huynh tốt, một công nhân hiệu quả, một con người phát triển trọn vẹn, v.v., thì chúng ta cũng ngầm khẳng định rằng những người có khó khăn với chữ viết không phải là công dân thực sự, “cha mẹ tốt”, người làm việc hiệu quả hoặc con người hoàn thành. Đồng thời, nếu một người chỉ trở thành (và tôi dám nói “một cách ngu ngốc”) phê phán đối với diễn ngôn phê phán của Nhà nước (bằng cách giới hạn sự phân tích trong việc giải cấu trúc diễn ngôn công khai), người ta có thể sẽ quên mất rằng thực sự có sự bất bình đẳng xã hội đối với văn hóa viết. Lập luận của nhà xã hội học phải trở nên phức tạp hơn so với tình huống trước đây khi Nhà nước chấp nhận một quan điểm đồng thuận rất rõ ràng mà nhà xã hội học có thể tranh cãi. Điều làm nên sự khác biệt của nhà xã hội học, khi anh ta nghiêm túc trong nghề nghiệp của mình, so với một loạt các chuyên gia khác về diễn ngôn về thế giới xã hội mà anh đề cập ở trên, là thực tế rằng anh ta tiến hành các cuộc khảo sát thực nghiệm và ngoài ra anh ta còn có văn hóa khoa học (lý thuyết và phương pháp luận) cho phép anh vượt qua những cái bẫy của lý lẽ thông thường. Anh ta không chỉ đưa ra ý kiến ​​của mình hoặc niềm tin của anh ta về tình trạng của thế giới.

Tracés: Như vậy phải chăng vai trò của nhà xã hội học cũng gần với vai trò của chuyên gia, mà mục tiêu là cung cấp các công cụ để hiểu và đánh giá thực tiễn các chính sách công? Phải chăng câu hỏi này lại càng trở nên rắc rối hơn khi nghiên cứu xã hội học dường như phụ thuộc ngày càng nhiều (đặc biệt là để có được dữ liệu thống kê chung) vào các đơn đặt hàng công cộng?


Alain Desrosières (1940-2013)

B. Lahire: Từ ngày các nhà xã hội học nghiên cứu các dữ liệu thống kê do các cơ quan nhà nước sản xuất, họ đã buộc phải phê phán dữ liệu (như nhà sử học phê phán các nguồn) và đặt câu hỏi về các điều kiện xã hội của sự sản xuất thông tin mà họ nghiên cứu. Nhà xã hội học chỉ thoái lui thành chuyên gia khi anh ta chấp nhận những dữ liệu này mà không phê phán nó và không tự cho mình phương tiện để đoạn tuyệt với những biểu tượng thông thường về những vấn đề anh ta nghiên cứu. Đồng thời, cũng nên biết rằng nhiều cuộc khảo sát này được thiết kế bởi các nhà xã hội học và chúng ta không phải đứng trước một sự đối lập méo mó giữa Nhà nước và Khoa học. Theo tôi, cuốn xã hội học lịch sử về thống kê thông thái nhất là cuốn do một chuyên gia của INSEE, Alain Desrosières (1993), viết.

Tracés: Những tiến hóa trong trường xã hội học (tuyển dụng, phương pháp đào tạo) và trong trường hàn lâm (thay đổi trong sự vận hành của các tổ chức nghiên cứu, các cải cách hiện nay và trong tương lai của trường đại học, v.v..) thay đổi các khả năng về một xã hội học phê phán như thế nào?

Basil Bernstein (1924-2000)

B. Lahire: Tôi không thể đề cập tất cả các khía cạnh của câu hỏi của anh chỉ trong vài từ, nhưng tôi muốn nói một điều về các điều kiện hiện tại để làm luận án tiến sĩ. Khi tôi làm nghiên cứu tiến sĩ, tổ chức nghiên cứu tập thể trong giai đoạn này - cuối những năm 1980 - vẫn mang đến cho các nhà nghiên cứu trẻ hy vọng rằng luận án tiến sĩ có thể là cơ hội cho một cuộc chinh phục khoa học thực sự. Từ đó đến nay, tình trạng của các viện đại học và khoa học đã thay đổi nhiều - đặc biệt là quan điểm về áp lực phải hoàn thành một luận án trong một thời gian rất hạn chế, cùng với mệnh lệnh phải xuất bản trước khi kết thúc luận án - đến mức mà chúng ta có thể đặt câu hỏi một cách chính đáng liệu luận án trong tương lai sẽ là cái gì chẳng khác hơn một “bằng lái xe” thay vì một “giấy phép để khám phá”, để lấy lại những từ ngữ rất chí lý của Basil Bernstein. Nhà xã hội học người Anh nói rằng việc “xác định lại luận án tiến sĩ [...] có những hậu quả khôn lường đối với các phương pháp khi sinh viên và giảng viên dành toàn bộ nỗ lực để hoàn thành nghiên cứu trong thời gian quy định. Đó không phải là một nền văn hóa khuyến khích sự sáng tạo lý thuyết hoặc những biến động về mặt phương pháp. Lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm ít có khả năng trở thành bàn đạp để phát triển lý thuyết, ngôn ngữ mô tả và có nhiều khả năng là một lĩnh vực ứng dụng các thủ tục thông thường và xác định một cách quá vội vàng các quan điểm”. (Bernstein, 2007, trang 196). Tôi không thể diễn tả tốt hơn.

Tracés: Vậy một xã hội học phê phán vẫn còn khả thi không ngày nay? Có phải thế giới đã thay đổi đến mức không còn là đối tượng của một phân tích theo các mô hình của xã hội học phê phán? Ở đây chúng ta nhận ra sự “phê bình” hậu hiện đại các lý thuyết phê phán. Ông tự định vị mình như thế nào đối với diễn ngôn này?

B. Lahire: Như tôi đã giải thích, xã hội học, với tư cách là một dự án khoa học, nhất thiết phải mang tính phê phán. Và ngay cả những người tuyên bố đã rời bỏ mô hình kiến ​​thức này đôi khi cũng tạo ra những hệ quả phê phán trong các nghiên cứu của họ. Các quan điểm hiện đang nở rộ về chủ đề: “xã hội học phê phán coi thường các tác nhân khi nó có tham vọng nói lên sự thật cho họ, trong khi họ cũng thông thái như nó, thậm chí còn hơn nữa “thật sự là sự mị dân không thể tưởng tượng được. Nếu nhiệm vụ của chúng tôi (những nhà xã hội học) không phải là tạo ra thêm một vài sự thật về thế giới (tất nhiên không phải là “Sự Thật”), những sự thật được chinh phục sau một hành trình dài về mặt lý thuyết và thực nghiệm và không thể được tạo ra bởi các tác nhân bình thường, tôi không còn biết cái gì có thể biện minh cho sự tồn tại chuyên nghiệp của chúng tôi nữa.



Tracés: Trong Sự sáng tạo nạn mù chữ, ông định nghĩa “dịch vụ phê bình”, một thứ công thức tái lập mang tính “dân chủ” của công thức của Spinoza, “không cười, cũng không khóc, chỉ hiểu”, như sau: “Sự lao động để làm sáng tỏ hoặc làm rõ nhưng không phán xét, không lời khuyên, không cung cấp bài học, công thức (Lahire, 1999b, trang 22). Sau đó, ông chỉ ra rằng xã hội học phê phán này không nhất thiết nằm trong cái logic vạch trần duy nhất, nhưng đôi khi nó cũng là việc để “chiếm lại bản thân, phục hồi ý thức và kiểm soát những gì dường như là đối tượng được kiểm soát một cách mật thiết ở mức cao nhất, cụ thể là diễn ngôn, ngôn ngữ của nó”. Trong Con người đa dạng/L’Homme Pluriel (1998) cũng vậy, ông dành một vị trí thiết yếu cho vấn đề về nhận thức, tính phản tư và sự sáng suốt, như là điều kiện cho khả năng về sự tự do đích thực. Các phương thức của sự “chiếm lại bản thân” này là gì?

B. Lahire: Khi tôi làm việc về cách mà sự bất bình đẳng xã hội đối với văn hóa viết đã được dàn cảnh, từ cuối những năm bảy mươi đến cuối những năm chín mươi, trong các diễn ngôn về nạn “mù chữ”, tôi nhận ra rằng công việc tôi đang làm đúng là đã tạo ra những hệ quả phê phán nhưng chúng không thuộc phạm vi của việc “đưa ra ánh sáng” hoặc “vạch trần” những thực tế bị giấu giếm. Xã hội học phê phán thường nhấn mạnh tác dụng (hiệu ứng) vạch trần mà nó gây ra (chẳng hạn, Pierre Bourdieu, gợi lên loại hiệu ứng này trong trang bìa thứ tư của Thành phần quý tộc Nhà nước/La Noblesse d'État khi ông viết: “Xé màn hình của các sự hiển nhiên bảo vệ thế giới quen thuộc chống lại kiến ​​thức, nó (Xã hội học phê phán) vạch trần những bí mật của ma thuật xã hội ẩn giấu trong những hoạt động bình thường nhất của cuộc sống hàng ngày [..]”. Làm việc trên các bài phát biểu (bằng lời nói hoặc bằng văn bản), các ẩn ý, ​​các thuật hùng biện, trình tự chúng diễn ra về mặt lịch sử, tôi có cảm tưởng là thu hút sự chú ý vào những điều rõ ràng, có thể nhìn thấy, nhưng quá hiển nhiên và quá dễ nhìn thấy đến nổi không còn ai nhìn thấy chúng nữa. Tôi đã cho thấy rằng những thói quen phát biểu đã được tiếp thu và không ai thắc mắc tại sao mọi người lại nói như thế này (chứ không phải cách khác) về thực tế xã hội. “Thói quen”, về mặt cơ thể hay phát biểu, là những gì cho phép bạn không đặt quá nhiều câu hỏi. Điều này có vẻ nghịch lý bởi vì đó là về “cách nói” và thường thì ta liên kết khá tự nhiên (và thường là một cách sai lầm) “ngôn ngữ” và “ý thức”. Hình ảnh đã gây ấn tượng với tôi là hình ảnh của những người nói hoặc viết theo thói quen, bởi vì họ biết (thực tế) rằng những gì họ nói hoặc viết là có thể nghe được hoặc có thể đọc được và họ cảm thấy rằng họ có rất nhiều khả năng được công chúng nghe hay hiểu khi họ tiến hành theo cách này. Và tôi cảm thấy như mình lắc hay đánh thức những người đang ngủ say bằng cách nói: “Nhưng hãy nhìn những gì bạn viết!”, “Hãy lắng nghe những gì bạn đang nói!

Antoine Hennion (1952-)

Luc Boltanski (1940-)

Tracés: Quan điểm này khác biệt như thế nào với quan điểm xã hội học được gọi là “thực dụng” bảo vệ và tự gắn cho mình nhiệm vụ đặt câu hỏi và nêu bt các điều kiện về khả năng của nền dân chủ (đặc biệt là sự xuất hiện của một “không gian công cộng” để tranh luận), nhằm tạo điều kiện cho sự thực thi nền dân chủ? Nếu đôi khi ông rất phê phán các đại diện Pháp của phong trào này (Antoine Hennion trong xã hội học văn hóa, nói chung công trình của Luc Boltanski và Laurent Thévenot...), chúng ta nên giữ lại những điều gì của cách tiếp cận này?

B. Lahire: Vấn đề mà câu hỏi của anh đặt ra là tôi không chắc rằng mọi người đều đồng ý về những gì xác định một “xã hội học thực dụng” và thậm chí còn ít hơn nữa những gì xác định loại chức năng xã hội hoặc chính trị mà một xã hội học như vậy có thể đảm nhận. Tôi chưa bao giờ phê phán “chủ nghĩa thực dụng” nói chung, mà chỉ là các lập luận đặc biệt của các nhà nghiên cứu đôi khi khẳng định sự gắn bó lý thuyết đối với “chủ nghĩa thực dụng”.

Laurent Thévenot (1949-)

Dưới chiêu bài “chủ nghĩa thực dụng”, chúng ta thường bắt đầu từ bỏ mọi nỗ lực để khách quan hóa hành vi hoặc thực tiễn xã hội hoặc bất kỳ cố gắng nào để liên kết lời nói của người được phỏng vấn (trong các cuộc phỏng vấn hoặc trong các tình huống cuộc sống thông thường) với bối cảnh của lời phát biểu hoặc các thuộc tính xã hội của người nói. Chúng ta cũng bắt đầu chỉ trích các quan niệm được cho là “đứng trên” xã hội học vốn không chấp nhận lời nói của các tác nhân như là điều tuyệt đối và không muốn quy giản đối tượng của xã hội học thành sự nghiên cứu các biểu hiện thông thường. Điều này ngay lập tức được thể hiện thành sự “khinh miệt tác nhân” (tác nhân là một “thằng ngốc văn hóa”, v.v.). Người ta gắn cho các tác nhân những khả năng phản tư đáng kinh ngạc, kiến ​​thức học thuật không thua kém các nhà nghiên cứu, mà không bao giờ đặt câu hỏi về sự phân phối kiến ​​thức xã hội không đồng đều trong thế giới xã hội, về xác suất không đồng đều của việc triển khai các hình thức phản tư có được chủ yếu thông qua sự tiếp xúc kéo dài với kinh nghiệm học đường, v.v.. Cá nhân tôi tin rằng đây không phải là vấn đề của sự siêu sáng suốt phê phán sẽ được ban cho một lần và mãi mãi cho một số người và dứt khoát không có nơi những người khác. Thật vậy nhà xã hội học cũng bắt đầu đấu tranh chống lại các hình tượng thông thường của chính mình và cũng không tiến bộ hơn bất kỳ tác nhân nào khác khi anh ta bắt đầu một nghiên cứu. Anh ta chinh phục sự sáng suốt tương đối của mình một cách khó nhọc nhờ vào sự suy nghĩ, cuộc điều tra, sự thành lập các hạng với các hành vi thường được xem là riêng biệt, v.v.. Nhưng chúng ta không thể làm như, vào cuối quá trình dài này, nhà xã hội học và người không phải là xã hội học ở trong tình trạng thông tin và hiểu biết tương tự về thực tế xã hội. Hơn nữa, khi một số đại diện nhất định của “xã hội học phê phán tin rằng họ đã vượt lên trên “xã hội học phê phán” sau khi đã nêu bật loại luận chứng hoặc động lực phê phán được sử dụng trong xã hội học này, đối với tôi, họ tỏ ra ngây thơ một cách đáng kinh ngạc. Biết rõ hơn những gì ta đang làm (nhận thức được loại nguồn lực luận chứng mà ta huy động) không phải là một lời mời để ngừng làm điều đó mà trái lại để làm điều đó tốt hơn là ta đã làm trước đây.

Tracés: Khi chúng ta nói về chủ nghĩa thực dụng, chúng ta không thể không nghĩ đến Dewey và vấn đề sư phạm. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống, ông đã đưa ra trong một cuốn sách tập thể những đề xuất nhằm mục đích khái quát hóa việc giảng dạy khoa học xã hội cho người trẻ nhất (Debrégeas, Lacoste, 2007). Ông có thể lặp lại nội dung của chúng không? Một nền giáo dục như vậy có thể được thực hiện theo những thể thức nào? Ông đã can thiệp vào vấn đề này dựa trên tư thế nào?

John Dewey (1859-1952)

B. Lahire: Đây rõ ràng là một quan điểm giáo dục và chính trị mà tôi hoàn toàn đảm nhận. Nó bắt đầu từ một ghi nhận: trong khi định chế giáo dục hiện có thể dạy thái độ khoa học đối với thế giới tự nhiên từ rất sớm, nó vẫn cho phép kiến ​​thức tiền duy lý về thế giới xã hội phát triển. Do đó, các học sinh hoàn toàn bất lực trước tất cả các nhà cung ứng ý thức hệ và tất cả những người thao túng dư luận, những người đã nhân bội lên trong những thập kỷ gần đây trong xã hội của chúng ta (chuyên gia về “truyền thông chính trị” hoặc tiếp thị, nhà quảng cáo, nhà văn tiểu luận học giả na vời, người thăm dò dư luận và bình luận viên về các cuộc thăm dò, v.v.). Đương nhiên là không cần nói rằng mục tiêu của việc dạy học như vậy ở trường tiểu học không phải là phổ biến kiến ​​thức bách khoa, khắc sâu “lý thuyết”, “phương pháp” hay “tác giả”, mà là truyền lại các thói quen trí tuệ về cơ bản liên kết với các ngành như xã hội học hoặc nhân học. Giống như học sinh có thói quen lấy các bản ghi nhận nhiệt độ hàng ngày để khách quan hóa được các hiện tượng thời tiết, chúng có thể được đào tạo để quan sát và khách quan hóa thế giới xã hội. Nếu thử nghiệm là nền tảng của khoa học về vật chất và tự nhiên, thì tinh thần điều tra là nền tảng của tất cả khoa học về thế giới xã hội. Do đó, đào tào một tinh thần như vậy cho các học sinh ở cấp tiểu học đối với tôi thật sự là cấp bách.

THƯ MỤC



Bernstein Basil, 2007, Pédagogie, contrôle symbolique et identité. Théorie, recherche, critique, Québec, Presses universitaires de Laval.

Bourdieu Pierre, 1982, Ce que parler veut dire. L’économie des échanges linguistiques, Paris, Fayard.

— 1992, Les règles de l’art. Genèse et structure du champ littéraire, Paris, Le Seuil (Libre examen).

Desrosières Alain, 1993, La politique des grands nombres. Histoire de la raison statistique, Paris, La Découverte (Textes à l’appui/Anthropologie des sciences et des techniques).



Debrégeas Georges, Lacoste Thomas éd., 2007, L’autre campagne. 80 propositions à débattre d’urgence, Paris, La Découverte.

Durkheim Émile, 1977 [1938], Éducation et sociologie, Paris, PUF.

Havelock Eric A., 1963, Preface to Plato, Harvard, Harvard University Press.

Lahire Bernard, 1993a, Culture écrite et inégalités scolaires. Sociologie de l’ échec scolaire” à l’école primaire, Lyon, Presses universitaires de Lyon.

— 1993b, La Raison des plus faibles. Rapport au travail, écritures domestiques et lectures en milieux populaires, Lille, Presses universitaires de Lille.



— 1995, Tableaux de familles. Heurs et malheurs scolaires en milieux populaires, Paris, Gallimard/Le Seuil (Hautes Études).

— 1998, L’homme pluriel. Les ressorts de l’action, Paris, Nathan (Essais & Recherches).

Lahire Bernard éd., 1999a, Le travail sociologique de Pierre Bourdieu. Dettes et critiques, La Découverte (Textes à l’appui).

Lahire Bernard, 1999b, L’invention de l’illettrisme”. Rhétorique publique, éthique et stigmate, Paris, La Découverte (Textes à l’appui).

— 2002a, Portraits sociologiques. Dispositions et variations individuelles, Paris, Nathan (Essais & Recherches).

— 2002b, “Répéter ou inventer, Le Monde, 25 janvier 2002.

— 2004, La culture des individus. Dissonances culturelles et distinction de soi, Paris, La Découverte (Textes à l’appui/Laboratoire des sciences sociales).

— 2005, L’esprit sociologique, Paris, La Découverte (Textes à l’appui/Laboratoire des sciences sociales).

— 2006, La condition littéraire. La double vie des écrivains, Paris, La Découverte (Textes à l’appui/Laboratoire des sciences sociales).

Passeron Jean-Claude, 1991, Le raisonnement sociologique. L’espace non-poppérien du raisonnement naturel, Paris, Nathan (Essais & Recherches).

Thucydide, 2000 [vers 413 av. J.-C.], La guerre du Péloponnèse, Paris, Gallimard (Folio).

Weber Max, 1992, Essais sur la théorie de la science, Paris, Presses Pocket (Agora).

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: Paul COSTEY và Anton PERDONCIN, “Entretien avec Bernard Lahire, Tracés. Eevue de Sciences humaines (en ligne), 13, 2007, đưa lên mạng ngày 23 tháng giêng năm 2009

----

Bài có liên quan: Nhà bác học và các chính sách. Khoa học xã hội mang lại lợi ích gì?



[1] Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội, Trung Tâm Maurice Halbwachs

[2] Thạc sĩ xã hội học, Trường Sư Phạm Cao Cấp về Văn Học và Khoa Học Nhân Văn

[3] Khái niệm “illettrisme” được tổ chức ATD Quart Monde sáng tạo năm 1981 để chỉ những người tuy đã được học, và từng biết đọc biết viết, nhưng không có đủ khả năng làm chủ (có thể do nhiều lý do khác nhau) trong lĩnh vực đọc, viết, tính toán để có thể tự chủ trong những tính huống đơn giản của cuộc sống đời thường. Vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp xúc với văn hóa viết, bắt đầu bằng mặc cảm tự ti và xu hướng giấu tình trạng của họ, ngoài việc đây là một trở ngại lớn trong sự nghiệp xã hội của họ. Do đó nhiệm vụ đối với những người này là học lại, kết nối lại với văn hóa viết, với những khóa đào tạo cơ bản. Qua định nghĩa ta thấy là illettrisme khác với analphabétisme mà nghĩa chính xác là không biết đọc không biết viết. Tuy có sự khác biệt này, dịch giả vẫn sử dụng thuật ngữ “nạn mù chữ” để chỉ hiện tượng “illettrisme” vì không tìm thấy thuật ngữ nào phù hợp. Mong độc giả thông cảm (ND).

[4] Vì lý do lịch trình, cuộc phỏng vấn này đã không được thực hiện một cách trực tiếp. Bernard Lahire đã trả lời cho các câu hỏi bằng văn bản.

[5] Giường của Procuste là một huyền thoại Hy Lạp: Procuste đặt các khách vào một cái giường và cắt các chi của họ nếu quá dài so với cái giường hoặc kéo giản chúng ra khi chúng quá ngắn. Ý tưởng trong bài này đề cập đến xu hướng một số nhà xã hội học bóp méo các sự kiện để ép chúng phải vào trong khuôn mẫu lý thuyết của mình (ND).

Print Friendly and PDF