9.11.20

Vì sao Joe Biden sẽ duy trì một chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc

 VÌ SAO JOE BIDEN SẼ DUY TRÌ MỘT CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

Pierre-Antoine Donnet

Ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden, trong một cuộc họp báo ở Wilmington, Delaware, ngày 14 tháng 7 năm 2020 (Nguồn: NBC)

Năm ngày dài sau cuộc bỏ phiếu, vào hôm thứ Bảy tuần này, ngày 7 tháng 11, Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Một khi bắt đầu làm việc ở Phòng Bầu dục, thì một trong những hồ sơ đầu tiên về chính sách đối ngoại của ông tất nhiên sẽ là Trung Quốc. Sẽ không có chuyện quay ngoắt 180 độ, Joe Biden đã có ý định duy trì một chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Giống như đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ tin rằng mệnh lệnh là phải “kiềm chế” sự vươn lên nhanh như chớp trên sân khấu thế giới của một nước, mà trong mắt họ, là mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia của Mỹ.

Có thay đổi chăng là một sự thay đổi về mặt tu từ. Joe Biden sẽ tránh không nói về “virus Trung Quốc” và sẽ nỗ lực khôi phục lại một ngôn ngữ văn minh hơn đối với Trung Quốc và giới lãnh đạo của họ. Ngoại trưởng tương lai của Mỹ, dù là ai, hẳn sẽ không đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tầm ngắm, như Mike Pompeo đã từng làm, theo đó ĐCSTQ tượng trưng cho “mối đe dọa đối với thế giới tự do.”

Mặt khác, Joe Biden đã hứa sẽ tham khảo kỹ hơn ý kiến ​​ca các đồng minh châu Âu v cách ng x liên quan đến vic có nên tiếp tc hay không các lnh trng pht thương mi và công ngh mà Donald Trump đã áp dng đối vi Bc Kinh.

Shi Yinhong (1951-)

Người thuộc đảng Dân chủ có vẻ ít mang tính chiến đấu hơn. Vì vậy, họ càng cẩn thận hơn để tránh bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào, cho dù là hạn chế, và quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý khủng hoảng và giao tiếp với Trung Quốc”, theo lời của Shi Yinhong, nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, một trong những học giả hàng đầu ở Trung Quốc trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, được hãng AP dẫn lại.

Vì vậy, có thể trông chờ một sự thận trọng lớn hơn từ Joe Biden đối với những vấn đề nóng như sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông và đặc biệt là vấn đề Đài Loan, từ lâu là nguồn gốc chính gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. “Ít nhất, chính sách của Biden sẽ không cảm tính và lố bịch như chính sách của Trump”, theo lời khẳng định của Yu Wanli, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh.

CÔNG BỐ CUỘC GẶP VỚI ĐẠT-LAI LẠT-MA

Tuy nhiên, về cơ bản, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn sẽ được giữ nguyên trong nhiều năm tới. Bởi vì không lúc nào người Mỹ có thể tưởng tượng nổi việc để mất vị thế bá chủ toàn cầu của họ vào tay người Trung Quốc. Vì vậy, sẽ không có chuyện để cho học trò có khả năng vượt mặt người thầy.

Mike Pompeo (1963-)

Trong nỗ lực này, một tổng thống thuộc đảng Dân chủ hẳn sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn để thuyết phục các đối tác châu Âu thông qua một đường lối chung chống lại đối thủ Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cơ hội để nắm bắt nỗ lực đó. Người châu Âu quan sát một cách rất thận trọng sự khoa tay múa chân của Mike Pompeo, ngay cả khi trong những tháng gần đây, EU rõ ràng đã có một lập trường cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh.

Mặt khác, nếu Donald Trump chỉ nghĩ đến các mối quan hệ với Bắc Kinh về mặt kinh tế mà thôi, thì Joe Biden rõ ràng sẽ cứng rắn hơn nhiều về những vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Trung Quốc, như vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như các giá trị phổ quát được thế giới phương Tây bảo vệ. Chính vì vậy mà Joe Biden công khai tuyên bố là nếu thắng cử, ông sẽ gặp Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng và là người mà Bắc Kinh căm ghét, người bị coi là “kẻ ly khai nguy hiểm”.

SỢ ĐIỀU KHÔNG DỰ KIẾN

June Teufel Dreyer (1939-)

Mặc dù chưa bao giờ công khai điều này, nhưng sự lựa chọn của chế độ Trung Quốc rõ ràng nghiêng về phía Joe Biden. Nếu Trung Quốc rõ ràng đã hưởng lợi từ sự thu mình về nước Mỹ dưới thời Donald Trump, vốn đã để cho họ được tự do theo đuổi chính sách thâm nhập các định chế quốc tế lớn, thì Bắc Kinh lại rất sợ điều không dự kiến và rất thích một mối quan hệ không sóng gió. “Ngược lại với công thức rập khuôn, họ thích một con quỷ mà họ không biết hơn là một con quỷ mà họ biết”, theo lời nhấn mạnh của June Teufel Dreyer, chuyên gia về chính sách Trung Quốc của Đại học Miami.

Bắc Kinh đã không nhầm. Trong báo cáo tại Hội nghị toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ĐCSTQ đã nhấn mạnh, tuy không nói rõ, rằng Trung Quốc không ảo tưởng về việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ trong thời gian tới. “Môi trường quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, trong khi tình hình bất ổn và bất an đang gia tăng đáng kể”, theo lời trong thông cáo chính thức ngày 29/10, nhưng không đề cập đến cuộc bầu cử ở Mỹ. Điều bất thường là tài liệu với 6.000 ký tự này dẫn thuật ngữ “an ninh” đến 22 lần.

Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở Mỹ đã làm rõ một sinh hoạt dân chủ mẫu mực, so với môi trường chính trị bị đóng băng của Trung Quốc dưới ảnh hưởng của vị chủ tịch chuyên quyền Tập Cận Bình. Hôm qua [Thứ Ba ngày 3 tháng 11], chúng ta một lần nữa đã chứng minh rằng dân chủ là trái tim của quốc gia chúng ta, giống như trường hợp đã tồn tại trong hơn hai thế kỷ qua, theo lời tự ca ngợi của Joe Biden vào hôm thứ Tư này ngày 4 tháng 11. Ngay trong đại dịch, nhiều người Mỹ đã đi bỏ phiếu, nhiều hơn bao giờ hết, trong cuộc bầu cử này. Đã có hơn 150 triệu phiếu bầu, đó đơn giản là điều phi thường. Chính quyền của dân, do dân và vì dân, vẫn và đang tồn tại ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ở đây, người dân chính là người quyết định.” Một bài học tuyệt vời về dân chủ và là một lời chế nhạo đầy thách thức cho nước Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Pierre-Antoine Donnet (1953-)


Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của hãng AFP, là tác giả của khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn ở châu Á. Vào năm 2020, người cựu phóng viên này đã xuất bản ở Bắc Kinh cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Lãnh đạo thế giới, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l'Aube.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Pourquoi Joe Biden maintiendra une politique dure face à la Chine, Asialyst, ngày 07/11/2020.

Print Friendly and PDF