30.11.20

Tranh luận: Thách thức “sản xuất cái chính trị” cho các khoa học nhân văn và xã hội trong thời điểm khủng hoảng y tế

TRANH LUẬN: THÁCH THỨC “SẢN XUẤT CÁI CHÍNH TRỊ” CHO KHOA HỌC NHÂN VĂN VÀ XÃ HỘI TRONG THỜI ĐIỂM KHỦNG HOẢNG Y TẾ

Pierre Guibentif[1] Maryse Bresson[2]

Kiểm tra các biện pháp an toàn ở Paris. Thomas Coex/AFP

Gần đây, một câu hỏi ám ảnh nghiên cứu trong khoa học nhân văn và xã hội (KHNVXH): KHNVXH phục vụ cho cái gì? Điều này đặc biệt đã dẫn đến cuốn sách Covid-19, cái nhìn của các khoa học xã hội. Cuốn sách này khai trin câu trả lời sau: KHNVXH “tạo ra sự định hướng.

Trong thời kỳ khủng hoảng y tế, câu trả lời này đáng được quan tâm, kể cả việc tránh xa nó. Dĩ nhiên, điều quan trọng trước hết là phải tái xác định vị trí của đại dịch và các ứng phó đối với nó trong bối cảnh xã hội của chúng, đặt chúng trong mối quan hệ với các bất bình đẳng xã hội, với những thay đổi gần đây của các Nhà nước, hoặc cả với các tương quan lực lượng địa chính trị. Một cái nhìn tổng thể về thực tế xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch chỉ có thể mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể xã hội.

Tiếp theo, điều quan trọng là phải xây dựng một ý tưởng rõ ràng về vị trí của hoạt động khoa học trong bối cảnh này. Hoạt động khoa học, và đặc biệt là khoa học y tế, là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển các liệu pháp điều trị. Tuy nhiên, nó hoạt động cùng với các chính phủ, hoặc cả với những tác nhân kinh tế. Hiểu rõ hơn về các trò chơi tổ chức trong đó hoạt động khoa học diễn ra chỉ có thể mang lại lợi ích cho nghiên cứu, vượt quá lĩnh vực của KHNVXH.

“Sản xuất ra cái chính trị


Bernard Lahire (1963-)

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, nếu ta theo dõi các cuộc tranh luận gần đây về khoa học (đặc biệt là các cuộc tranh luận mà sự xuất bản của cuốn À quoi sert la sociologie? (Xã hội học phục vụ cho cái gì?) do Bernard Lahire chủ biên, đã khơi dậy), ta buộc phải cảm thấy ngại ngùng trước ý tưởng (KHNVXH) nhận lãnh vai trò định hướng.

Có phải ta đang chấp nhận đứng trên vị trí “nhô cao lên trên” nổi tiếng này mà người ta đã trách đối với một số tên tuổi lớn trong khoa học xã hội? Phải chăng một tư thế như vậy có thể được xem như là một ý muốn áp đặt một số quan điểm nhất định về thực tế xã hội lên các tác nhân xã hội, và một số khái niệm về khoa học là gì trong xã hội lên các đồng nghiệp của ta thuộc các chuyên ngành khác?

Sự đắn đo này khiến chúng ta phải bảo vệ câu trả lời sau: đây không phải là để định hướng, mà để sản xuất cái chính trị. Có nghĩa là sản xuất ra tranh luận về các vấn đề tập thể, về các đề xuất kiến ​​thức và hệ quả của chúng về mặt hành động; và điều này trong lĩnh vực khoa học cũng như trong lĩnh vực công cộng.

Do đó, “sản xuất cái chính trị” có nghĩa là tham gia vào các cuộc tranh luận mà từ đó, từ nhiều đóng góp của cá nhân và theo giả định các đóng góp này thường mâu thuẫn nhau, các dự án kiến ​​thức và hành động tập thể có thể nảy sinh. Do đó, đúng là định hướng, nhưng không phải bởi chính diễn ngôn khoa học, mà bởi chính các nhà khoa học thôi thúc cuộc tranh luận, trong khi chính họ cũng tham gia việc tiếp liệu cho các cuộc tranh luận này. Các tranh luận này có thể diễn ra trong chính lĩnh vực khoa học, nhưng cũng có thể trong cái mà người ta có thể gọi là không gian công cộng, hoặc trong khuôn khổ của hệ thống chính trị, và cuối cùng là trong nhiều lĩnh vực lồng vào nhau ở bên lề của không gian công cộng và hệ thống chính trị này.

Hoạt động tranh luận trong khoa học

Chúng ta còn phải nhớ lại điều này: hoạt động khoa học phần lớn là hoạt động tranh luận. Đặc biệt là các cuộc tranh luận về tính xác đáng của các quan sát hoặc diễn giải. Nhưng cũng là, và đây chủ yếu là điều chúng tôi muốn thu hút sự chú ý ở đây, các cuộc tranh luận về cách hành động cùng nhau với tư cách là nhà khoa học: vừa để thu thập những quan sát này, vừa thảo luận về những diễn giải này, nhưng cũng làm cho chúng lưu hành vượt ra ngoài giới hạn của lĩnh vực khoa học, hoặc thậm chí cuối cùng, để tính đến các phản ứng đến với chúng ta từ những người không chuyên.

Các cuộc tranh luận như vậy phải liên quan đến tất cả các ngành, song dù sao thì KHNVXH cũng được đặt ở vị trí tốt để làm nổi bật chiều kích vừa phản tư vừa chính trị của chúng; để giúp tổ chức chúng, dựa trên phân tích của KHNVXH về tình trạng chính trị hiện tại, bằng cách kết hợp nhiều lĩnh vực khoa học rất khác nhau.

Do đó, sự đặt cược là nghiên cứu của KHNVXH có vai trò trong việc giúp khôi phục hoặc tái tạo các cuộc tranh luận kiểu này, tức là cái chính trị, trong bối cảnh hiện tại.

Phân tích, suy nghĩ, quay trở về

Ba nhận xét khiến chúng tôi bảo vệ vai trò này của KHNVXH.

1. Phân tích trạng huống hiện tại, nơi chúng ta có thể thấy sự trùng hợp giữa đại dịch và các dấu hiệu về sự xói mòn của mô hình dân chủ.

Một mặt, sự xói mòn được nuôi dưỡng bởi việc giữ khoảng cách ngày càng quá mức giữa thế giới khoa học và thế giới xã hội; nhưng mặt khác, cũng là việc đặt lại vấn đề về kiến ​​thức của các chuyên gia, gắn liền với hiện tượng chính trị được gọi là chủ nghĩa dân túy.

Những động thái dường như trái ngược nhau này cũng cùng được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng y tế, các ứng phó của một số chính phủ và các ý kiến ​​của các chuyên gia đã truyền cảm hứng cho họ được trình bày như những giải pháp được mong đợi hoặc như những ví dụ về các biện pháp kỹ trị đáng bị “nhân dân” từ chối.

Trong những điều kiện này, thật khó để đặt câu hỏi về vai trò của nghiên cứu khoa học đối đầu với đại dịch mà không tính đến các vấn đề về khả năng được chấp nhận mà khoa học từng phải đối mặt cả trước khi có đại dịch. Thế mà, một trong những lập luận được phát triển khi đối mặt với những vấn đề này không phải là xóa bỏ sự phân biệt, mà là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai thế giới này.

Điều này không chỉ đòi hỏi phải phổ biến và phát tán các kết quả của lao động khoa học, mà trên hết là tạo điều kiện cho những người không phải là nhà khoa học chiếm dụng lại khoa học một cách tích cực (do đó, khuyến khích một khoa học mở, một khoa học công dân; do đó mới có các mục tiêu để tạo cơ sở chẳng hạn như The Conversation). Điều này đòi hỏi một kiến ​​thức tốt về bản chất và tình trạng hiện tại của khoảng cách giữa khoa học và xã hội, và về các phương tiện khả thi để thiết lập các mối quan hệ, kiến ​​thức mà chính xác là KHNVXH có trách nhiệm phát triển.

2. Một suy nghĩ cần phải được đào sâu về sự hình thành của nền dân chủ và vai trò của các khoa học trong sự hình thành này. Một suy nghĩ cần phải dựa trên lịch sử của khoa học hiện đại. Thật vậy, các khoa học hiện đại đã nổi lên trước khi có sự phát triển của các chế độ chính trị dân chủ và đã cung cấp cho chúng, đặc biệt là thông qua các học viện, những mô hình để tổ chức hành động tập thể thông qua tham vấncác tranh luận về ý tưởng và lập luận.

Vả lại, chính trong lĩnh vực khoa học, cũng như trong các lĩnh vực nghệ thuật và luật, khái niệm chủ quan hiện đại đã được trui rèn, với tiềm năng đổi mới hoặc sáng tạo có khả năng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Khái niệm này chuẩn bị cơ sở cho quyền công dân theo nghĩa sự tham gia của cá nhân vào tương lai tập thể, được thể chế hóa bằng các quyền và nghĩa vụ.

Cuối cùng, chính xung quanh những lĩnh vực này, một công chúng phê phán đã được hình thành, có thể trở thành không gian công cộng cần thiết cho việc thể chế hóa cái chính trị. Nếu khoa học đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành các nền dân chủ hiện đại, vai trò của nó cũng có thể rất cốt yếu trong các nỗ lực hiện tại để phục hồi nền dân chủ. Một sự phục hồi cũng nằm trong các ứng phó đang được xây dựng khi đối mặt với đại dịch.

3. Một sự quay trở lại các kinh nghiệm làm việc của cá nhân trong những tháng gần đây, với tư cách là tác giả và nhà nghiên cứu. Nếu một số trong chúng ta đã muốn phát biểu trong không gian công cộng, điều đó không phải là chỉ để bảo vệ những thành tựu nhất định trong nghiên cứu của chúng ta, mà còn được thúc đẩy bởi nhận thức rằng các tập thể mà chúng ta thuộc về (gia đình, cộng đồng nghề nghiệp, quan hệ láng giềng, v.v.) đã bị xét lại trong bản chất và phương thức của chúng, rằng cái “chúng ta” đang thay đổi ý nghĩa gì và điều cấp bách là “chúng ta” phải dấn thân vào những thay đổi này, là “chúng ta” phải tham gia vào các cuộc tranh luận do khủng hoảng gây ra.

KHNVXH giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc tạo ra một khoảng cách đối với trải nghiệm này. Vào thời điểm mà các nhà khoa học từ nhiều ngành, và không chỉ từ KHNVXH, tham gia vào các cuộc tranh luận này, KHNVXH có thể nêu bật khía cạnh chủ yếu mang tính công dân này của lời phát biểu khoa học.

Tranh luận trong tranh luận

KHNVXH thực hiện nghiên cứu về tất cả các thực tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế; KHNVXH sẽ phải theo tiếp tục các nghiên cứu, liên kết chúng với nhau và liên hệ chúng với nghiên cứu do các bộ môn khoa học khác thực hiện.

Pierre Guibentif
Maryse Bresson

Nhưng nó cũng còn có trách nhiệm sau: đặt câu hỏi về vấn đề cuộc khủng hoảng y tế ảnh hưởng gì đến nền dân chủ; một nền dân chủ mà khoa học tham gia về bản chất - mà khoa học cần đến một cách trọng yếu - và tham gia, thông qua sự lao động về và trong sự tranh luận, vào quá trình sản xuất cái chính trị, một chiều kích nghiên cứu thiết yếu, một cơ sở không thể thiếu của dân chủ.

Bài này được xuất bản trong khuôn khổ của hội thảo “Ruptures des pratiques et dynamique du débat - Les SHS face à la crise Covid-19 (Sự đứt đoạn của thực tiễn và động lực của tranh luận - KHNVXH đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19)” do MSH Paris-Saclay tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2020.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Débat: Le défi de “produire du politique” pour les sciences humaines et sociales au moment de la crise sanitaire, The Conversation, 11.10.2020.



Chú thích:

 

[1] Giám đốc, Viện Khoa Học Về Con Người (Maison des Sciences de l’Homme/MSH) - Đại học Paris-Saclay
[2] Giám đốc, Viện Khoa Học Về Con Người (Maison des Sciences de l’Homme/MSH) - Đại học Paris-Saclay

Print Friendly and PDF