2.3.21

Thạc sĩ, tiến sĩ: đạo văn đang lan rộng ở đại học?

THẠC SĨ, TIẾN SĨ: ĐẠO VĂN ĐANG LAN RỘNG Ở ĐẠI HỌC?

Yoann Bazin[1]Aude Rychalski[2]

Nếu một số trường hợp đã rõ ràng (sao chép-dán không ghi ngoặc kép hay tài liệu tham khảo), phần còn lại của đạo văn là một vùng gam màu xám đặc biệt rộng lớn. (Hình Gerd Altmann from Pixabay, CC BY)

Vào tháng ba năm 2019, một vụ đạo văn đã làm rung chuyển giới báo chí: cựu tổng biên tập của tờ báo New York Times bị cáo buộc đã sử dụng những đoạn văn từ các nguồn hiện hữu cho quyển sách Merchants of Truth (Những người buôn sự thật) của bà. Một năm sau đến phiên giới học thuật Pháp bị chấn động bởi một vụ tai tiếng: trước những chứng cứ được xác nhận là đạo văn, ban kỷ luật của Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne đã quyết định hủy một danh hiệu tiến sĩ luật vào tháng bảy năm 2020.

Jill Abramson (1954-)

Ngoài những thách thức cụ thể đối với từng ngành nghề hay tổ chức, những sự việc này nêu bật sự thiếu tách biệt rõ ràng ngày càng lớn giữa trích dẫn và sao chép-dán, và những nguy cơ đạo văn ở thời buổi internet tạo thuận lợi cho việc chia sẻ tài liệu. Khi mà các nguồn tài liệu gia tăng chỉ nhờ vào một cái nhấp chuột, làm thế nào để đối phó với kiểu gian lận này?

Vấn đề đạo văn được đặt ra cho những luận án tiến sĩ cũng như những luận văn thạc sĩ, với những hậu quả không chỉ giới hạn trong khuôn khổ giáo dục đại học. Hãy nhớ rằng vào tháng hai năm 2013, bà bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức đã từ chức sau khi bằng tiến sĩ của bà đã bị Đại học Heinrich Heine hủy bỏ với những lý do tương tự: Ta có thể đọc trên Chronicle of Higher Education: “Sự ra đi của bà tiếp nối những tai tiếng về đạo văn đã làm mất chức một bộ trưởng Quốc phòng Đức, Tổng thống Hung-ga-ri và một bộ trưởng Bộ Giáo dục Ru-ma-ni”.

Những vùng xám

Một nghiên cứu do David C. Ison thực hiện năm 2018 xác định rõ rằng nếu các thái độ đối với đạo văn có khác nhau tùy theo các nền văn hóa, thì đối với bất kỳ lĩnh vực nào được nghiên cứu, đạo văn vẫn được sử dụng trong các viện, trường trên toàn thế giới. Sự gian lận của sinh viên có thể bao gồm nhiu hình thức, từ việc đem tài liệu đến hợp tác không được phép và cả việc kiếm được các đề thi. Nếu trong một số trường hợp sinh viên gian lận mà không có ý thức, thì đó không phải là trường hợp sao chép-dán mà mọi người đều đồng ý là hành vi đạo văn.

Richard Posner (1939-)

Trong Quyển sách nhỏ về đạo văn (The Little Book of Plagiarism) của ông, vị thẩm phán người Mỹ Richard Posner xác nhận rằng vấn đề này được đặt ra ngày càng nhiều. Qua nhiều ví dụ mà ông đưa ra, ta hiểu rằng đối với ông đạo văn là một vấn đề đạo đức (thuộc về các vùng xám) hơn là pháp lý (hợp pháp hay không hợp pháp). Nói như vậy rồi, cũng hoàn toàn có thể là đạo văn liên quan đến gian lận một cách khách quan, trong những trường hợp đã thiết lập một hợp đồng, chẳng hạn đối với nhà báo hay sinh viên.

Đối với Deborah Rhode, nữ giáo sư Luật ở Đại học Stanford, “thực chất của vấn đề là cần biết người đọc có bị lừa hay không” (Cheating, Ethics in Everyday Life - Gian lận, Đạo đức trong đời sống thường ngày -)- vậy đó là một vấn đề tuyên bố công khai (disclosure). Trích dẫn đặt trong ngoặc kép hay nêu những ý tưởng có kèm theo tài liệu tham khảo (“tác giả, năm, trang”) hiển nhiên là phương thức công khai lý tưởng. Nhưng còn cảm hứng của sinh viên thì như thế nào, dù sao họ cũng là những người mới tập tành với đề tài luận văn của họ? Nên tính như thế nào với những ý tưởng từ bài giảng, hội nghị hay hội thảo?

Deborah Rhode (1952-2021)

Ta thấy rõ, nếu một số trường hợp đã rõ ràng (sao chép-dán không để trong ngoặc kép cũng không ghi tài liệu tham khảo), đạo văn là một một vùng gam màu xám đặc biệt rộng lớn. Ví dụ người ta sẽ đưa chứng cứ là những chi tiết về liêm chính học thuật của Đại học Princeton. Tập sách 40 trang của đại học này dành không ít hơn 6 trang cho những ví dụ chi tiết và cụ thể về đạo văn để giải thích kỹ cho sinh viên điều gì thuộc về đạo văn.

Bối cảnh kỹ thuật số

Sự ra đời của Internet đã trở thành một thách thức quan trọng đối với giới học thuật, các viện, trường lo sợ một sự tăng cường các hành vi gian lận và đạo văn trong sinh viên. Làm sao họ có thể chống lại cám dỗ khi chỉ cần vài nhấp chuột? Ngày nay, những nghiên cứu đã được thực hiện không giúp giải quyết một cách chính thức diễn tiến này. Ngược lại, những công cụ kỹ thuật số đã tạo điều kiện tìm ra những sinh viên đạo văn dễ dàng hơn.

Những nghiên cứu này giúp dựng lên một “chân dung mẫu” của người đạo văn:

Ngược lại, ta không tìm thấy trong tư liệu học thuật loại viện, trường tiêu biểu có thực hành đạo văn nhiều nhất: về khu vực (công hay tư), qui mô, vị trí địa lý (Phần Lan, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, châu Âu, Đông Âu, Trung Quốc), ngành nghiên cứu hay chương trình.

Theo chân dung mẫu, người đạo văn là người quen dùng Internet. Hình Gerd Altmann /Pixabay, CC BY

Hơn nữa, đối với vấn đề “đạo văn trong không gian điều khiển”, người ta đã chứng minh rằng những hành vi đạo văn trước khi có Internet so với sau khi có Internet không có khác biệt đáng kể. Nói cách khác, Internet không góp phần đáng kể vào việc phát triển đạo văn.

Những khuyến nghị thiết thực

Ngày nay, điều quan trọng nhất là các viện, trường phải xây dựng văn hóa liêm chính học thuật ở mọi cấp và bảo đảm việc tôn trọng các chính sách và qui trình bằng cách tập hợp toàn bộ các thành phần liên quan (Jones, 2011). Vấn đề có tính thực tiễn hơn là đạo đức. Nhưng làm thế nào?

Sau đây là một vài hướng ta có thể rút ra từ những nghiên cứu về vấn đề này:

  • Thiết lập một bộ quy tắc danh dự rõ ràng: các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc thiết lập các điều lệ và quy tắc sẽ làm giảm hành vi đạo văn;
  • Hình thức hóa các quy trình và hình phạt: Park (2004) còn đi xa hơn bằng cách cổ xúy cho việc xác định vai trò và trách nhiệm của từng thành phần liên quan, và định rõ những hình phạt theo mức độ của đạo văn;
  • Không còn dựa vào việc dò tìm “thủ công” và trang bị các phần mềm và công cụ dò tìm: sự có mặt của chúng (ví dụ phần mềm Turnitin, CopyCatch, v.v.) làm giảm một cách đáng kể những hành vi đạo văn nếu ta sử dụng tất cả các chức năng (Điều này đòi hỏi phải đào tạo mọi thành phần liên quan, kể cả sinh viên);
  • Áp dụng các hình phạt! Các nghiên cứu cho thấy sinh viên thường tỏ ra hoài nghi về việc áp dụng các quy trình dò tìm và hình phạt – tiếc thay là họ đã đúng.
Yoann Bazin

Aude Rychalski

Tuy nhiên, mọi khuôn khổ và điều lệ không giải quyết vấn đề căn bản nếu chúng được áp dụng một cách máy móc. Nâng cao nhận thức và truyền thông đóng vai trò trung tâm nhằm tránh tạo ra một không khí ngờ vực. Hòa nhập sinh viên vào cơ cấu, giáo dục họ đạo văn là gì và việc hợp tác với các giáo sư phải là những hành động hàng ngày.

Chừng nào việc gian lận nói chung, đạo văn nói riêng còn được đề cập đến dưới góc độ của một chế độ kiểm soát gắt gao, ta sẽ không thể giải quyết các hậu quả. Điều này lại càng quan trọng khi gian lận tái diễn với sự xuất hiện của kỹ thuật số trong các hoạt động giáo dục và sư phạm của chúng ta – mà đại dịch hiện nay còn dấn sâu hơn nữa.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Master, doctorat: le plagiat progresse-t-il à l’univerté”, The Conversation, 8.9.2020




Chú thích:

[1] Giáo sư về Đạo đức kinh doanh, EM (École de Management de Normandie)– UGEI (Union des grandes écoles indépendantes)

[2] Phó giáo sư về Marketing, PhD, EM Normandie – UGEI

Print Friendly and PDF