12.3.21

Tôi Dạy Con Thuyết Triển Vọng Như Thế Nào

TÔI DẠY CON THUYẾT TRIỂN VỌNG (PROSPECT THEORY) NHƯ THẾ NÀO

Diogo Gonçalves | Ngày 2 tháng 7 năm 2015

Con trai thân mến, hôm nay cha muốn nói với con về cách con người ra quyết định. Nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta có những kết quả không chắc chắn. Việc chọn giữa hai lựa chọn thay thế thường bao hàm một rủi ro, chẳng hạn như con nên dành tiền sinh nhật của mình cho một chiếc xe đạp mới hay cho một chiếc máy chơi game PlayStation. Mỗi một lựa chọn giống như hai mặt của đồng tiền: có nguy cơ mất cái gì đó (cái mất) và có cơ hội nhận được một cái gì đó (cái được). Nếu như con dành tiền sinh nhật cho một chiếc xe đạp mới, thì con sẽ mất cơ hội tiêu tiền mình cho những thứ khác nhưng con sẽ có niềm vui khi có một chiếc xe đạp và dùng nó để đi dạo các khu lân cận; nếu con tiêu tiền sinh nhật của mình cho một chiếc máy chơi game PlayStation, con sẽ mất cơ hội để tiêu tiền mình cho những thứ khác nhưng con có được niềm vui khi có một chiếc máy PlayStation để chơi cùng với bạn bè mình. Cả hai phương án đều có cái được và cái mất.

Những loại lựa chọn này được xác định bởi 3 cách nghĩ, có ảnh hưởng đến cách ta đánh giá các kết quả mong đợi của các quyết định của mình, và từ đó, của những lựa chọn của mình.

1) Cách nghĩ đầu tiên được gọi là ác cảm mất mát (Loss Aversion)

Đối với loài người chúng ta, việc mất cái gì đó gây tổn thương nhiều hơn là việc có được nó. Điều này xảy ra vì ta ngại mất mát. Trong thực tế, khoa học về ác cảm mất mát nói rằng việc mất đi thứ gì đó khiến con cảm thấy buồn gấp đôi (hãy cho việc này hai biểu tượng mặt buồn 😞😞) so với việc con cảm thấy hạnh phúc khi con có được thứ gì đó (hãy cho điều này một mặt cười 😊). Việc mất hộp bút làm con cảm thấy tệ hại gấp đôi (😞😞) so với việc nhận được một hộp bút mới (😊). Điều này có nghĩa là, nếu con mất hộp bút và tìm lại được vào ngày hôm sau, con sẽ cảm thấy hạnh phúc gấp ba (hai lần từ việc xóa bỏ cái mất và một lần từ cái được) so với lần đầu con nhận được nó.

2) Cách nghĩ thứ hai được gọi là Độ nhạy giảm dần (Diminishing Sensitivity)

Cha biết con rất thích bánh mousse sô-cô-la. Nhưng khi cha cho con bánh mousse sô-cô-la để ăn tráng miệng, muỗng sô-cô-la đầu tiên có vị ngon hơn muỗng thứ năm, muỗng thứ năm ngon hơn thứ sáu, và cứ như thế ... Điều này có nghĩa là độ nhạy của ta đối với mọi thứ ngày càng giảm. Nếu cha bật một ngọn đèn mờ trong phòng tối của con trong khi con đang ngủ, nó sẽ có hiệu ứng lớn. Nhưng cùng một ánh đèn mờ như vậy sẽ khó mà nhìn thấy được trong căn phòng sáng trưng của con vào ban ngày. Tương tự như vậy, nếu con có 20 đô la tiền tiêu vặt và cha lấy đi 5 đô, con sẽ cảm nhận là khoản này [5 đô] nhiều hơn so với khi con có khoản tiền tiêu vặt là 30 đô la, nhưng ít hơn khi con có khoản tiền tiêu vặt là 10 đô, mặc dù sự khác biệt (5 đô) là như nhau ở cả ba trường hợp.

3) Cách nghĩ thứ ba được gọi là Điểm Tham chiếu (Reference Point)

Hãy tưởng tượng con uống cola đá sau khi ăn chén súp nóng hổi, hoặc sau khi ăn cây kem lạnh. Cola sẽ có vẻ lạnh hơn sau khi ăn súp hơn là sau khi ăn kem. Điều này xảy ra bởi vì miệng của con sử dụng điểm tham chiếu (độ nóng với súp và độ lạnh với kem) xác định cách con trải nghiệm cùng một loại cola. Khi người ta nghĩ về tiền, họ cũng sử dụng một điểm tham chiếu, đó thường là những gì con mong đợi, hoặc cảm thấy có quyền được như vậy. Kết quả tốt hơn so với điểm tham chiếu được hiểu là cái được, kết quả tệ hơn được hiểu là cái mất. Vì vậy, nếu con đã từng được nhận 200 đô từ bà vào lễ Giáng sinh [năm trước] và bà chỉ cho con 150 đô trong năm nay, con sẽ cảm thấy như con đã mất một thứ gì đó. Nhưng nếu con đã nhận được 100 đô vào năm trước, năm nay việc nhận được 150 đô sẽ làm cho con cảm thấy như con đã được điều gì đó.

Diogo Gonçalves
Ba nguyên lí này đã cách mạng hóa một ngành khoa học gọi là kinh tế học, đề cập đến cách ta nghĩ về tiền bạc. Gần đây, một hướng nghiên cứu mới của kinh tế học đã xuất hiện, tích hợp tâm lý học – khoa học về tâm trí – vào kinh tế học. Lĩnh vực này được gọi là kinh tế học hành vi. Hiểu được những ý tưởng của nó có thể giúp mọi người, kể cả con, đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

Diogo Gonçalves

Diogo Gonçalves là nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Tâm lý học Kinh tế, Phán đoán và Ra Quyết định tại Viện Tilburg về Nghiên cứu Kinh tế học Hành vi tại Đại học Tilburg [Hà Lan].

Nguyễn Thị Trà Giang dịch

Nguồn: How I Taught Prospect Theory to My Son, Behavioral Economics, July 2, 2015.

Print Friendly and PDF