1.3.21

10 năm trước, đã có một virus gần giống với virus SARS-CoV-2 ở Campuchia

 10 NĂM TRƯỚC, ĐÃ CÓ MỘT VIRUS GẦN GIỐNG VỚI VIRUS SARS-COV-2 Ở CAMPUCHIA

Alexandre Hassanin

Ngày 2 tháng 2 năm 2021

Các đàn dơi đang bay từ một hang động ở Campuchia. Ảnh: S. Shankar/Wikipedia, CC BY-SA

Vào tháng 11 và tháng 12 năm 2010, các nhà nghiên cứu từ ISYEB (Viện Hệ thống học, Tiến hóa, Đa dạng sinh học thuộc Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên) đã thám hiểm nhiều địa điểm ở miền Bắc Campuchia theo lời mời của Unesco và chính quyền Campuchia.

Mục tiêu là làm rõ nét hơn sự đa dạng sinh học của loài dơi trong khu vực ngôi đền Preah Vihear. Nhiệm vụ này đã cho phép họ thu thập được dữ liệu về một lượng lớn các loài dơi, bao gồm tám loài thuộc chi Rhinolophus.

Ngày nay, các nhà khoa học quan tâm rất nhiều đến loại dơi này, bởi vì nó hình thành nên các ổ chứa Sarbecovirus, một nhóm thuộc chủng coronavirus có chứa virus ở người SARS-CoV và SARS-CoV-2, vốn gây ra đại dịch SARS vào năm 2002- 2004 và đại dịch Covid-19 hiện nay. Thế mà, vào thời đó, các nhà nghiên cứu này đã có ý liên hệ với Viện Pasteur Campuchia (IPC) để xin phép tiến hành các nghiên cứu về virus học trên những con dơi bắt được.

Sau khi được bảo quản, trong 10 năm, trong tủ đông -80° C, các mẫu vật nói trên gần đây đã được các nhà nghiên cứu của Viện IPC xét nghiệm để dò tìm Sarbecovirus. Họ đã thắng cược, vì đã có hai mẫu dương tính với PCR (Phản ứng chuỗi polymerase, một xét nghiệm tương tự như các xét nghiệm mà chúng ta được biết đến ngày nay), rồi đã gửi các mẫu đó đến Viện Pasteur Paris để xác định trình tự toàn bộ bộ gien của chúng.

Các ảnh minh họa loài dơi Rhinolophus shameli, lối vào hang động nơi mà một đàn dơi lớn thuộc loài này làm tổ, và khu rừng trống gần địa điểm bắt được loài dơi này. Ảnh do tác giả Alexandre Hassanin cung cấp

Chính vì vậy mà chúng tôi có thể mô tả hai biến thể của một virus mới gần giống với virus SARS-CoV-2 trên hai con dơi thuộc loài Rhinolophus shameli bị bắt giữ vào năm 2010 trong một hang động ở tỉnh Steung Treng.

Chúng được đặt tên là RshSTT182 và RshSTT200, “Rsh” để chỉ loài dơi và “STT” để chỉ tỉnh xuất xứ.

Chúng ta có thể truy cập kết quả của nghiên cứu mới này, một cách tự do, trên trang web bioRxiv trong khi chờ sự thẩm định của đồng nghiệp. Ngày nay, cách làm này được sử dụng rộng rãi để truyền tải, một cách nhanh chóng, những kiến thức mới về đại dịch Covid-19.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những virus gần giống với SARS-CoV-2, ở loài dơi ở Vân Nam và lục địa Đông Nam Á.

Việc phát hiện virus mới này ở miền bắc Campuchia là điều rất quan trọng, bởi vì đó là virus đầu tiên gần giống với SARS-CoV-2 được tìm thấy bên ngoài Trung Quốc (93% nhận dạng gen sắc: 27.819 gen giống nhau trên 29.913 mẫu cơ sở liên kết từ hai bộ gen). Thật vậy, tất cả các virus được mô tả ở trên đều được phát hiện ở các động vật được bắt giữ ở Trung Quốc. Các động vật đó đều có hai loại virus được phát hiện ở hai loài dơi bắt được ở miền nam Trung Quốc, trong các hang động ở tỉnh Vân Nam: RaTG13 (96% nhận dạng giống với SARS-CoV-2) và RmYN02 (94%) được phân lập theo thứ tự từ các loài dơi Rhinolophus affinisRhinolophus malayanus. Ngoài ra, còn có hai virus khác thuộc các biến thể rất khác (90 và 85% nhận dạng giống với SARS-CoV-2) cũng được tìm thấy ở các con tê tê thuộc loài Manis javanica, mà hải quan Trung Quốc đã bắt giữ ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện virus mới ở Campuchia từ loài dơi Rhinolophus shameli, một loài dơi đặc hữu ở Đông Nam Á. Điều quan trọng cần lưu ý là sự phân bố địa lý của loài dơi này không mở rộng ra ở Trung Quốc và đặc biệt ở Vân Nam, nơi đã tìm thấy virus RaTG13 và RmYN02.

Bản đồ phân bố địa lý của ba loài dơi, trong đó có virus gần giống với SARS-CoV-2 đã được xác định trình tự gen. Các chấm màu cho biết vị trí xuất xứ của virus RaTG13 (màu xanh lam), RmYN02 (màu xanh lục), RshSTT182 và RshSTT200 (màu đỏ). Hình do tác giả Alexandre Hassanin, iucnredlist.org, cung cấp

Điều này có nghĩa là những virus gần giống với SARS-CoV-2 đã lưu chuyển từ nhiều thập kỷ qua (theo các xác định thời gian bằng phân tử) khắp Đông Nam Á và Vân Nam, thông qua nhiều loài dơi Rhinolophus, vốn có thể trao đổi các virus nói trên trong các hang động nơi chúng thường xuyên gặp nhau. Vì thế, các dữ liệu mới này xác thực giả thuyết theo đó những virus gần giống với SARS-CoV-2 có biến thể đa dạng hơn nhiều ở Đông Nam Á, trong khi những virus gần giống với SARS-CoV thì lại phát triển ở Trung Quốc nhiều hơn. Nên nhớ rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã từng nghiên cứu khảo sát từ mười lăm năm qua ở tất cả các tỉnh của nước họ để tìm ra các Sarbecovirus mới. Như vậy, đã có hơn hàng trăm virus thuộc nhóm SARS-CoV được phát hiện ở Trung Quốc, so với chỉ có hai virus thuộc nhóm SARS-CoV-2 (RaTG13 và RmYN02), cả hai virus này đều có nguồn gốc từ Vân Nam, tỉnh gần nhất với các nước ở Đông Nam Á.

Số bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 trên một triệu dân (màu xanh lam) và tử vong trên một triệu dân (màu đỏ) ở nhiều nước Đông Nam Á khác nhau. Hình do tác giả Alexandre Hassanin, worldometers.info/coronavirus, cung cấp

Dữ liệu trong hình nói trên gián tiếp hậu thuẫn cho giả thuyết về nguồn gốc của nhóm virus SARS-CoV-2 ở lục địa Đông Nam Á. Trên thực tế, người dân Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam có vẻ như ít bị ảnh hưởng hơn nhiều bởi đại dịch Covid-19 so với các nước khác trong khu vực, như Bangladesh, Myanmar, Malaysia, Philippines và Indonesia. Điều này gợi ý cho thấy quần thể của bốn quốc gia nói trên có thể được hưởng lợi từ một khả năng miễn dịch cộng đồng tốt hơn đối với Sarbecovirus.

Sự lây nhiễm của tê tê từ các loài dơi ở Đông Nam Á

Tê tê từng được tìm thấy ở khắp các rừng Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Trong những thập kỷ gần đây, số lượng tê tê đã giảm mạnh một cách đáng lo ngại, mà nguyên nhân phần lớn là do nạn phá rừng trên quy mô lớn gắn với việc phát triển canh tác nông nghiệp. Song song đó, nạn phá rừng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc săn bắt trộm. Tuy thế, sự gia tăng săn bắt tê tê, vì nguồn thu rất béo bở từ nạn buôn bán trái phép [thú rừng], đã góp phần làm giảm đáng kể nhiều quần thể khác nhau các loài tê tê (kể cả ở châu Phi!).

Tê tê Malaysia (Manis javanica) là loài tê tê hoang dã duy nhất không thuộc bộ dơi đã được tìm thấy có virus gần giống với SARS-CoV-2. Vấn đề là các phát hiện này đã được thực hiện trong một bối cảnh hơi đặc biệt: hải quan Trung Quốc đã bắt giữ rất nhiều động vật bị bệnh ở tỉnh Quảng Tây, từ năm 2017 đến năm 2018, và ở tỉnh Quảng Đông vào năm 2019.

Ngay cả khi những virus được xác định trình tự gen ở các con tê tê này không giống lắm với SARS-CoV-2 (85 và 90% nhận dạng), điều này cho thấy có thể có ít nhất hai Sarbecovirus đã xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc từ rất lâu trước khi có đại dịch Covid-19. Điều quan trọng cần nhắc lại ở đây là hầu hết các con tê tê từng bị hải quan Trung Quốc bắt giữ đều ở trong tình trạng bị bệnh rất nặng, đặc biệt vì sự sinh sôi của Sarbecovirus trong phổi của tê tê. Do đó, các con vật này có một tải lượng virus rất cao và rất dễ lây lan.

Một nghiên cứu cho thấy những con tê tê có nguồn gốc địa lý khác nhau ở Đông Nam Á đã nhiễm chéo với nhau trên lãnh thổ Trung Quốc, và hiển nhiên là vì chúng bị nuôi nhốt. Một trong những câu hỏi còn bỏ lửng là liệu một số con tê tê có bị loài dơi lây nhiễm trước đó hay không, trong môi trường sinh sống tự nhiên của chúng.

Việc phát hiện một virus mới gần giống với SARS-CoV-2 trên loài dơi ở Campuchia đã cho phép xác minh giả thuyết này, bởi vì loài dơi rhinolophe và tê tê có thể đã sinh sống với nhau trong các hang động ở Đông Nam Á. Điều đó củng cố một cách mạnh mẽ giả thuyết theo đó nạn buôn bán tê tê là nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu nhiều virus thuộc nhóm SARS-CoV-2 sang Trung Quốc.

Hiệu ứng “quả cầu tuyết” của việc nuôi động vật nhỏ ăn thịt ở Trung Quốc?

Ngày nay, chúng ta biết có nhiều loài động vật nhỏ ăn thịt cũng rất nhạy cảm với Sarbecovirus. Vào những năm 2002-2004, người ta đã phát hiện nhiều động vật nhỏ ăn thịt, được nuôi nhốt trong lồng ở các chợ hoặc nhà hàng Trung Quốc, dương tính với virus SARS-CoV, chẳng hạn như các loài cầy hương (Paguma larvata), chó gấu trúc (Nyctereutes procyonoides) và chồn hôi (Melogale moschata).

Điều cần nhắc lại ở đây là những động vật nhỏ ăn thịt này là loài động vật có vú sống đơn độc và sống về đêm, vả lại cũng giống như loài tê tê. Trong tự nhiên, việc một cá thể các loài động vật này bị nhiễm Sarbecovirus từ dơi, một cách ngẫu nhiên, có rất ít khả năng dẫn đến một đại dịch. Ngược lại, một cá thể động vật bị nhiễm, được nuôi tập trung trong trang trại, thì lại có thể gây ra một sự tiến hóa nhanh không thể kiểm soát của virus loại này.

Vào năm 2020, loài chồn Mỹ (Neovison vison) được nuôi để lấy lông đã bị nhiễm SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ người ở nhiều nước: Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Hà Lan và Thụy Điển. Bài học rút ra từ các trường hợp này là việc nuôi nhốt hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn động vật nhỏ ăn thịt đã gây ra một nguy cơ lớn về y tế, bởi vì virus có khả năng lây lan rất nhanh trong các trang trại và tiến hóa ở đó bằng cách tạo ra những biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc nguy hiểm hơn cho con người, so với giống virus gốc ban đầu.

Người ta đã bắt giữ rất nhiều con tê tê bị nhiễm virus gần giống với SARS-CoV-2 trên đất Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019. Có khả năng rất cao là những con tê tê bị nhiễm các dòng virus khác đã di chuyển trên lãnh thổ Trung Quốc trong những năm gần đây, từ việc nhập khẩu bất hợp pháp một lượng lớn các động vật, mà hầu hết là động vật sống.

Thế nên tại sao không hình dung việc một số các động vật nói trên có thể đã gặp các động vật nhỏ ăn thịt trên đường (hay đúng hơn là trong những chiếc lồng nuôi nhốt chúng ở các trang trại!)? Nếu điều này xảy ra, thì động vật ăn thịt bị nhiễm có thể đã truyền virus, rất nhanh, cho đồng loại chúng ở các trang trại. Hiệu ứng “quả cầu tuyết” này có thể là giai đoạn cuối liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Liệu có thể kiểm định giả thuyết này không? Điều này có vẻ khả thi, do các tài liệu khoa học được công bố về các loài chồn (Neovison vison) và chó gấu trúc (Nyctereutes procyonoides) được nuôi ở Trung Quốc vì bộ lông của chúng, cho thấy chúng đã bị nhiễm bởi rất nhiều loại virus đường hô hấp trong những năm gần đây, chẳng hạn như bệnh carré ở chó (CDV) hoặc bệnh cúm gia cầm (H5N1 và H9N2).

Alexandre Hassanin

Nói cách khác, đã có rất nhiều chiến dịch lấy mẫu vật sinh học (máu, nội tạng và phân). Chúng tôi hy vọng các đồng nghiệp Trung Quốc lấy các mẫu vật đó ra khỏi tủ đông để nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của Sarbecovirus. Điều này có thể tỏ ra rất hữu ích để hiểu rõ thêm về nguyên nhân vì sao các đại dịch lại trỗi dậy ở Trung Quốc chứ không phải ở những nơi khác.

Tác giả

Alexandre Hassanin

Phó giáo sư (HDR) tại Đại học Sorbonne, ISYEB - Viện Hệ thống học, Tiến hóa, Đa dạng sinh học (CNRS, MNHN, SU, EPHE, UA), Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên (MNHN).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Il y a 10 ans, un virus proche du SARS-CoV-2 circulait déjà au Cambodge, The Conversation, ngày 2 tháng 2 năm 2021.

Print Friendly and PDF