13.3.21

Đại dịch: giảm 7% lượng khí thải CO2 trong năm 2020

ĐẠI DỊCH: GIẢM 7% LƯỢNG KHÍ THẢI CO2 TRONG NĂM 2020

Ngày 11 tháng 2 năm 2021

Tác giả: Cyril Crevoisier, Giám đốc Nghiên cứu CNRS về khí tượng động học tại trường École Polytechnique (IP Paris)

NB: Ban đầu, tiêu đề của diễn đàn này ghi con số 8%. Nhưng khi bài báo này được viết, thì con số 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2020 đã được đánh giá lại là 7%.

Trước khi xảy ra khủng hoảng, chúng tôi đã hướng tới kịch bản xấu nhất về lượng khí thải nhà kính. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), mức tăng nhiệt độ toàn cầu không được vượt quá 2°C nếu muốn tránh những biến động sinh thái không thể đảo ngược; thế nhưng, nhiệt độ toàn cầu hiện tại đang trên đường tăng lên gấp đôi. Đại dịch và những hạn chế gắn liền với các biện pháp phong tỏa, vốn được triển khai trên khắp thế giới, đã làm thay đổi đáng kể các tương tác giữa con người với môi trường. Nhóm của tôi nghiên cứu thành phần của bầu khí quyển và khí hậu dựa vào những quan sát từ các trạm mặt đất và từ vệ tinh, điều đó giải thích nguyên nhân vì sao chúng tôi đã sớm được tham khảo khi đại dịch đã phát triển ở quy mô toàn cầu.

Tùy vào loại khí hoặc hạt, tác động của đại dịch không giống nhau. Biết rằng khí nhà kính do con người thải ra như carbon dioxide (CO2) và methane (CH4) tồn tại trong khí quyển lần lượt khoảng 100 năm và 10 năm, nên thực sự không thể đánh giá, một cách đáng tin, những biến đổi trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ngược lại, các chất phản ứng cao và các hạt gây ô nhiễm trong không khí có tuổi thọ ngắn hơn rất nhiều, và chúng tôi đã thấy những biến đổi to lớn trong lĩnh vực này. Ví dụ, chúng tôi đã ghi nhận được các hạt siêu mịn giảm 30% ở khu vực Paris so với cùng kỳ trong mười năm qua. Ngoài ra, các quan sát từ vệ tinh Sentinel-5P của châu Âu cũng cho thấy lượng NO2 giảm hơn 50% – một chỉ báo phát thải nhiên liệu hóa thạch – ở các cụm thành phố siêu lớn ở châu Âu vào mùa xuân.

Ngược lại, nói về tác động tích cực của việc phong tỏa là điều phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng. Khi quan sát khí nhà kính trong khí quyển, chúng ta không thực sự thấy được sự biến đổi. Nhưng đó không phải là cách hiệu quả nhất để đánh giá hiệu ứng của các hoạt động con người trong khoảng thời gian ngắn, vì nồng độ CO2 trong khí quyển có thể bị che lấp bởi hoạt động của thảm thực vật trên quy mô toàn cầu. Vì thế, lượng khí thải được ước tính, đúng hơn, là dựa trên mức tiêu thụ năng lượng, điều này đã cho phép quan sát thấy một mức giảm mạnh lượng khí thải CO2 vào khí quyển. Vào tháng 4, lượng khí thải này – 17 megaton mỗi ngày trên quy mô toàn cầu – đã giảm 17% so với năm ngoái. Tính chung cho năm 2020, lượng khí thải CO2 dự kiến sẽ thấp hơn 8% so với năm 2019.

Mức giảm khí thải carbon này, vốn được quan sát thấy trong thời gian xảy ra đại dịch, chắc chắn là một tin vui cho hành tinh, nhưng cũng cần lưu ý rằng điều này chỉ đưa chúng ta trở lại mức giảm khí thải của năm 2016. Điều này phản ánh một mức tăng mạnh lượng khí thải carbon từ năm 2016 đến năm 2019. Để tuân thủ Thỏa thuận Paris năm 2015, cần phải giảm 8% mỗi năm lượng khí thải nhà kính. Vì thế, tác động của đại dịch và các đợt phong tỏa với quy mô lớn dường như cho thấy mục tiêu khí hậu này là điều hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, không thể duy trì trong dài hạn các biện pháp quyết liệt được áp dụng, và những hạn chế về kinh tế và xã hội gắn liền với đại dịch. Ngược lại, các kết quả thu thập được giúp chúng ta biết được những lĩnh vực nào cần tập trung nỗ lực, bởi vì điều đó cho phép chúng ta xác định được những lĩnh vực có thể làm giảm lượng khí thải nhà kính một cách hiệu quả. Ví dụ, chúng tôi đã ghi nhận thấy hoạt động vận tải hàng không đã giảm 75%. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ chiếm từ 2 đến 3% lượng khí thải toàn cầu. Vì thế, ngành vận tải hàng không không nhất thiết là lĩnh vực sẽ tạo ra những tác động đáng kể nhất.

Nếu nhìn vào lĩnh vực năng lượng, chúng ta sẽ thấy nó chiếm 44% lượng khí thải toàn cầu. Trong thời gian phong tỏa, chúng tôi đã ghi nhận thấy lượng khí thải này đã giảm 6%, do cầu giảm. Lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đóng một vai trò quyết định về vấn đề này, do đã ghi nhận thấy lượng khí thải giảm gần 50% trong giai đoạn này, điều này có thể quy cho mức giảm nhu cầu giao thông đường bộ. Do đó phải đặc biệt chú ý đến hai lĩnh vực này.

Tuy nhiên, người ta lo ngại đến các biện pháp chính trị, như việc các “hiệp ước về môi trường” sẽ bị gạt sang một bên nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi nền kinh tế thế giới. Không nên để cuộc khủng hoảng y tế làm lu mờ cuộc khủng hoảng về khí hậu, và chúng ta cần làm mọi thứ trong khả năng để không làm chệch hướng những biện pháp có lợi cho hành tinh.

Nếu tham chiếu các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng năm 2008, thì sự tiến triển của lượng khí thải carbon dioxide không phải là điềm báo tốt. Trên thực tế, chúng ta có thể nhận thấy lượng khí thải đang trở lại quỹ đạo bình thường ngay khi nền kinh tế phục hồi, và đôi khi còn mạnh hơn nữa. Nói cách khác, vào năm 2021 hoặc 2022, những mặt tốt của đại dịch đối với môi trường có thể sẽ bị vô hiệu hóa. Chúng ta phải luôn theo dõi việc tập trung nỗ lực vào những giải pháp mới trên quy mô toàn cầu, và các giải pháp mới đó thì có rất nhiều. Cần ưu tiên cho những lĩnh vực thật cụ thể, như năng lượng và giao thông, nhưng cũng cần đầu tư vào ngành năng lượng sinh học, cũng như trong việc thu hồi và lưu trữ khí carbon dioxide, bằng cách trồng cây và triển khai các quy trình công nghệ phức tạp hơn. Mười năm tới sẽ mang tính quyết định.

Tác giả

Cyril Crevoisier

Cyril Crevoisier

Giám đốc nghiên cứu của CNRS về khí tượng động học tại trường École Polytechnique (IP Paris)

Cyril Crevoisier và nhóm ông đang nghiên cứu các biến số khí hậu trong khí quyển và đặc biệt là khí nhà kính, bằng cách sử dụng các đài quan sát không gian và từ trên không. Cyril Crevoisier là giám đốc nghiên cứu của CNRS và là trưởng nhóm nghiên cứu “Atmosphère, biosphère et climat par télédétection [Khí quyển, sinh quyển và khí hậu bằng viễn thám]” của Phòng thí nghiệm Khí tượng Động học (LMD, một đơn vị nghiên cứu hỗn hợp CNRS, École Polytechnique, ENS/PSL và Đại học Sorbonne). Ông là chủ tịch ủy ban khoa học vì các ngành khoa học của trái đất thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Pandémie: une réduction de 7% des émissions de CO2 en 2020, Polytechnique Insights, ngày 11/02/2021.

Print Friendly and PDF