THỜI HUY HOÀNG CỦA Ả RẬP
Tác giả: Susanne Utzt, ZDF
Lược dịch và
bổ sung: Tôn Thất Thông
Phim TV của
ZDF Dokumentation:
Große
Völker (2) – Die Araber (Những dân tộc vĩ đại (2) – Ả Rập)
Nói đến Ả Rập là chúng ta hình dung các nước ở Trung Đông, đa số theo đạo Hồi. Rất nhiều người trong thế giới phương Tây không có thiện cảm với Ả Rập vì liên tưởng đến nhóm khủng bố Hồi Giáo. Thật ra, có bao nhiêu chiến binh khủng bố? Vài chục ngàn, hay cứ cho là 100.000 cho chẵn. So với 1,8 tỉ giáo dân khắp nơi trên thế giới, thì nhóm khủng bố Hồi giáo chỉ chiếm tỉ lệ 1/20.000. Một tỉ lệ quá nhỏ, còn nhỏ hơn tỉ lệ của một vài tội phạm đáng nguyền rủa trong các xã hội văn minh. Vậy thì tại sao vì tỉ lệ nhỏ bé đó để ghét lây cả một cộng đồng tôn giáo? Đấy là chưa kể, chúng ta đang thừa hưởng khá nhiều thành quả mà nền văn minh huy hoàng Ả Rập để lại cách đây 1000 năm: Về khoa học, họ không kém văn minh Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa; họ hơn hẳn khoa học của La Mã; còn so với Tây Âu? Người Francia và Germania lúc ấy còn là các giống dân lạc hậu không đáng để so sánh. Chúng ta đang sử dụng hàng ngày nhiều thành quả mà họ đã để lại. Tìm hiểu văn minh Ả Rập quả là điều vô cùng thú vị, nhất là câu hỏi: từ những bộ lạc du mục, làm sao họ đã xây dựng được một nền khoa học rực rỡ? Xin giới thiệu phim tài liệu của đài ZDF Dokumentation, được lược dịch và bổ sung thêm một ít tài liệu khác (những chỗ có ghi chú trong ngoặc []). Chúng tôi thêm vài tiểu đề để dễ theo dõi. |
* * * *
Từ lâu lắm trong thời thượng cổ, họ sống trong những bộ lạc rời rạc. Họ là nông dân, thương gia, những người du mục, cho đến lúc họ thống nhất và đoàn kết với nhau trong một cộng đồng chung rộng lớn: cộng đồng Hồi Giáo do Đấng tiên tri Muhammad sáng lập. Họ chiếm ngự một đế chế rộng lớn trải rộng trên ba lục địa nối liền nhau với một diện tích còn lớn hơn cả đế chế La Mã thời cực thịnh. Trong kinh đô Baghdad, họ xây dựng một thiên đường cho người nghiên cứu khoa học và nhân văn, được gọi là “căn nhà của những người thông thái”. Họ mang đến châu Âu nếp sống văn minh Cận Đông. Dù là y học, kiến trúc, thiên văn, triết học, âm nhạc hay nghệ thuật sống, họ đều đi trước người đương thời một bước dài, làm cho ai cũng ghen tị và mơ ước. Đấy là Ả Rập thời trung cổ sơ kỳ.
Đế chế Ả Rập thời cực thịnh |
Thuở ban sơ: nếp sống du mục, văn hóa đa thần
Ả Rập là một bán đảo rộng lớn nhất trên quả đất với những cánh đồng cát trắng mênh mông vô tận kéo dài từ Nam tới Bắc. Đó là quê hương của nhiều nhóm dân du mục, liên tục phiêu du từ ốc đảo sa mạc này sang ốc đảo khác. Vùng Tây Nam với gió mùa quanh năm là một khu vực đáng sợ không ai dám sống. Rừng xanh biển rộng cũng heo hút bóng người.
Từ nhiều đời trước, các giống dân khác nhau sống biệt lập trong những bộ lạc nhỏ, được cai trị bởi những băng đảng gia đình. Khái niệm quốc gia hay một lãnh tụ duy nhất là chuyện vô cùng xa lạ, dù họ đã sống ở đó cả 1000 năm trước. Cho đến thế kỷ IX trước Công Nguyên, họ được gọi bằng một tên chung là Ả Rập, mà chúng ta có thể kiểm chứng lại trên các dấu tích được ghi bằng ngôn ngữ cổ đại. Tên Ả Rập có lẽ xuất phát từ chữ Abara, có nghĩa là giống dân có cuộc đời lang thang vô định, theo ngôn ngữ Ả Rập và tiếng Do Thái.
Ở miền Bắc khô cằn cũng có những vương quốc giàu sang với đền đài hoành tráng, thí dụ như vương quốc Petra, ở trong vùng của Jordan hôm nay, đã xây dựng một thành phố chỉ toàn nhà bằng đá dựa lưng vào vách núi; hoặc vương quốc Palura, lúc đó là trung tâm thương mại phồn thịnh, nay đã bị tàn phá gần hết vì chiến tranh ở Syria.
Căn nhà bằng đá ở Petra |
Được bao bọc bởi sa mạc hoang vu và các thung lũng khô cằn, người Makka không có gì để kiếm tiền ngoài việc buôn bán da thú. Nhưng Makka có lợi thế khác, đó là vùng đất thiêng của người hành hương tấp nập mang về cho người dân Makka nguồn thu nhập phong phú. Khách đến từ khắp nơi để được vào cầu nguyện trong ngôi đền Ka’ba, nơi thờ tự của vô vàn thần linh. Ka’ba cũng là thánh địa cổ nhất và thiêng liêng nhất của xã hội Ả Rập đa thần.
Thế kỷ VII: Thống nhất tôn giáo, mở rộng đế chế
Mỗi vùng Ả Rập tôn thờ một Thượng Đế cao nhất và nhiều thần linh địa phương. Dù sợ hãi nhưng họ phải chung sống với nhiều loại ma quỷ vốn hoạt động trong những nơi tối tăm. Thần linh cao nhất của Makka là Kubal, bên cạnh có nữ thần chiến tranh, nữ thần ánh sáng và nữ thần định mệnh. Vật thiêng liêng nhất của họ là suối nước, cây cối và đá, nhất là loại đá đen vốn được dùng để xây đền Ka‘ba. Ở một số bộ lạc, họ sống chung hòa bình với môn đồ Do Thái giáo hoặc tín đồ Kitô.
Từ xã hội đa tôn giáo đó nổi lên một người tên là Muhammad, sinh năm 570 tại Makka, người sau này đã thống nhất thế giới Ả Rập bằng một tôn giáo mới do ông sáng lập là Hồi Giáo.
Muhammad thường lên một hang động trên ngọn núi hoang bên ngoài thành phố để mặc tưởng tìm đường đến chân lý. Cho đến một buổi tối, ông trải nghiệm một biến cố huyền bí thiêng liêng, làm cho Muhammad chan hòa trong ngọn lửa và cảm nhận được phút giây giác ngộ. Biến cố đó đi vào lịch sử nhân loại như là một “buổi tối quyết định”, là phút giây sinh thành của Hồi giáo, vốn có nghĩa là thuần phục ý muốn của Thượng Đế. Thần Gabriel hiện ra, đọc cho Muhammad thông điệp của Thượng Đế và trao cho Muhammad nhiệm vụ thiêng liêng là tìm cách truyền bá rộng rãi những thông điệp đó, thay đổi lối sống thần bí của cư dân trong hệ thống đa thần để trở về với Thượng Đế duy nhất là Allah, mà chúng ta hiểu hôm nay là Thượng Đế của người Hồi giáo. Kể từ đây, người ta gọi Muhammad là Đấng tiên tri.
Muhammad trở thành người thắng cuộc trong vòng đua trở thành Đấng tiên tri cuối cùng của nhân loại. Trước đó có Abraham, tổ phụ của ba tôn giáo lớn có Thánh kinh, sau đến Moses, Đấng tiên tri cao nhất của môn đồ Do Thái giáo, và Jesus, Đấng cứu rỗi loài người và sáng lập thế giới Kitô mà chính những người Hồi giáo cũng rất kính trọng. Theo kinh Qu’ran, Muhammad được chỉ định là người thừa kế Đấng tiên tri, làm người đại diện trên thế gian để truyền bá thông điệp của Allah.
Sử gia Robert G. Hoyland cắt nghĩa vì sao Hồi giáo trở nên hấp dẫn trong thế giới Ả Rập: “Trước hết, nó giản dị. Không cần quá nhiều Thượng Đế, nhiều Đấng tiên tri, nhiều thần linh, mà chỉ có một Thượng Đế duy nhất là Allah. Thứ hai, có một loạt các Đấng tiên tri kế tục nhau và luôn luôn truyền bá cùng một thông điệp như nhau. Thật vô cùng dễ hiểu. Thứ ba, mọi người đều có viễn kiến được thống nhất trong một cộng đồng, gọi là Ummah. Thật vậy, Hồi giáo đã thống nhất tất cả, vượt ra ngoài biên giới bộ tộc. Tín đồ Hồi giáo giúp đỡ lẫn nhau và có cảm nhận tất cả là một, họ gắn kết nhau qua niềm tin và qua những qui định, điều mà hôm nay chúng ta hiểu là luật pháp, là Sharia”.
Giới tinh hoa Makka cảm thấy địa vị của họ bị đe dọa vì thông điệp do Muhammad truyền bá. Đối với những người đa thần như họ, chuyện phải tôn thờ một Thượng Đế duy nhất là điều không thể chấp nhận. Nhiều cuộc ám sát Muhammad được tổ chức, nhưng Muhammad đều tránh được. Tương truyền rằng, Thánh Gabriel đã báo trước, và Thượng Đế đã bảo vệ ông trước mọi tai họa. Trước sự đe dọa của quá nhiều kẻ thù, Muhammad cảm thấy không thể ở lâu tại Makka, mà phải tìm cách lánh nạn đi nơi khác. Nhiều môn đồ của ông đã rời Makka từ lâu. Một ngày tháng bảy năm 622, Mohamed cùng gia quyến và môn đồ rời Makka. Chuyến đi sau này được gọi là Hidschra, cũng là mốc đánh dấu năm thứ nhất của lịch Hồi Giáo.
Muhammad và môn đồ đến Yathrib, tức Medinah hôm nay, và tiếp tục truyền bá thông điệp Hồi giáo. Không bao lâu, cư dân Yathrib thuần phục Muhammad, trở thành giáo dân Hồi giáo với niềm hy vọng rằng, các bộ tộc sẽ được thống nhất trong một cộng đồng chung. Thật thế, niềm tin vào Allah đã đoàn kết họ lại với nhau. Thành phố đa sắc tộc, đa tôn giáo nhanh chóng trở thành một cộng đồng thuần nhất chỉ theo Hồi giáo. Để tỏ lòng tôn kính, tên của Yathrib được đổi thành Medinah, thành phố của Đấng tiên tri. Muhammad vẫn luôn luôn giữ kế hoạch truyền bá thông điệp Hồi giáo ở Makka và sau đó trong toàn Ả Rập. Trong vòng 10 năm sau đó, Muhammad đạt được một điều mà con người trước đó không hình dung nổi: Tất cả các bộ tộc Ả Rập được hoàn toàn thống nhất trong niềm tin vào Allah, lấy Makka và đền thờ Ka’ba làm thánh địa của mọi giáo dân Hồi giáo.
Sau khi Muhammad chết năm 632, các đội quân Hồi giáo tiến lên phía bắc thâu tóm Ba Tư, đánh chiếm Byzantine và vươn đến tận Azerbaijan. Về phía tây họ chiếm Bắc Phi, sau đó vượt eo biển Đại Tây Dương để chiếm bán đảo Iberia, tức Tây Ban Nha hiện nay. Chỉ sau một thế kỷ, họ đã xây dựng một đế chế rộng hơn cả đế chế La Mã thời cực thịnh.
Giáo sư Robert G. Hoyland cắt nghĩa như sau về lý do tại sao quân Ả Rập có thể thắng nhanh như thế: “Có nhiều nhóm chính trị địa phương ngã theo đội quân Ả Rập. Mỗi nhóm có một động cơ khác nhau, nhưng nói chung, họ thuộc thành phần bị áp bức, kỳ thị trong xã hội cũ. Qua sự liên minh với đội quân Hồi giáo, họ thấy cơ hội có thể lật đổ giới tinh hoa cũ để vươn lên nắm quyền thống trị”.
Đế chế Ả Rập thi hành một chính sách khôn ngoan để giữ đất và nắm lợi thế tài chánh. Họ sử dụng lực lượng địa phương cho bộ máy hành chính và trao cho họ nhiều quyền. Quốc gia Hồi giáo, gọi là Califate, có một vị chúa tể, hay Caliph, là người Hồi giáo thuộc gia tộc thống trị. Bên dưới là các vùng hành chánh, gọi là Emirat, đứng đầu bởi một thống đốc nắm vai trò điều khiển các cơ quan hành chánh địa phương, nhiệm vụ quan trọng là thu thuế theo qui định. Họ chủ trương chung sống hòa bình với các tôn giáo khác, nhưng có sự phân biệt: Trong lúc người Hồi giáo chỉ đóng thuế cá nhân, thì môn đồ tôn giáo khác phải đóng thêm thuế đặc biệt để hưởng sự bảo vệ của luật pháp.
Thế kỷ VIII: Kinh đô Baghdad – Thánh địa của khoa học
Muhammad đã giáo huấn giáo dân là, từ lúc nằm trong nôi đến lúc xuống mồ, phải không ngừng trau dồi kiến thức, nhất là kiến thức khoa học. Môn đệ trung thành nhất của lời giáo huấn đó là vị Caliph Al Mamun.
Ở kinh đô Baghdad, Al Mamun cai trị đế chế Ả Rập từ đầu thế kỷ IX. Dù thời gian trị vì chỉ có 20 năm, ông đã xây dựng Baghdad thành một trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới đương thời. Baghdad từ trước vốn là giao điểm của các đường giao thông thương mại trong vùng đất mà hôm nay ta gọi là vùng lưỡng hà mầu mỡ, nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates. Dường như lúc thiết kế, Baghdad có lối kiến trúc tân kỳ theo dạng hình tròn. Tất cả các trục lộ chính đều đổ về một quảng trường vĩ đại ở trung tâm, nơi có cung điện của Caliph và thánh đường Hồi giáo lớn nhất thành phố.
Vào thập niên 800, Baghdad có một triệu dân, hơn xa tất cả các thành phố khác trên thế giới. [ND: Để so sánh, vào năm 1000, nước Pháp có 6,5 triệu dân, Ý có 5 triệu, Anh có 2 triệu (xem [4] trang 232), châu Âu chưa có thành phố nào đông hơn 100.000 người lúc đó]. Baghdad xứng đáng nhận danh hiệu thành phố huy hoàng nhất thế giới lúc ấy. Nó là thỏi nam châm thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu giỏi nhất đế chế Ả Rập. Suốt nhiều thế kỷ, Baghdad là quê hương của sáng tạo nghệ thuật, của khám phá khoa học, của tư tưởng và học thuật.
Al Mamun thành lập ở Baghdad một trung tâm nghiên cứu lớn nhất đế chế Ả Rập, “căn nhà của những người thông thái”. Ở đó, học giả đến từ mọi nơi không phân biệt Ả Rập, Ba Tư hay Ấn Độ, không phân biệt giáo dân Hồi giáo, Kitô hay Do Thái giáo. Họ sưu tập và dịch ra tiếng Ả Rập những tác phẩm nổi danh được sưu tập từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển thuộc nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Dù là triết học, toán học, thiên văn hay y khoa, Al Mamun không bỏ sót một tác phẩm nào, và cũng không hề cân nhắc tốn kém. Người nào mang về cho Al Mamun một tác phẩm gốc của các học giả nổi danh như Euclid, Protagoras, người đó sẽ tức khắc trở nên giàu có. Mỗi lần như thế, đội ngũ dịch thuật phải làm việc ngày đêm để hoàn tất bản dịch ra tiếng Ả Rập và xuất bản.
Thử nghiệm máy bay lần đầu tiên ở Andalucia |
Giáo sư Jim Al Khalili phân tích: “Người Ả Rập sử dụng kỹ thuật làm giấy của Trung Hoa để xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị. Nhưng điều quan trọng hơn là họ nhận thức rằng, trên thế gian trước đây đã có nhiều [dân tộc khác có] nền văn minh huy hoàng. Họ hiểu sâu sắc rằng, thế giới Ả Rập phải làm việc thật nhiều để theo kịp và vượt qua các nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ba Tư, Ấn Độ. Họ muốn sưu tập, dịch thuật và xuất bản càng nhiều càng tốt các công trình mà thế giới đã có”. Nền văn minh rực rỡ Hy Lạp, vốn bị đế chế La Mã cấm truyền bá kể từ thế kỷ VI, bị chôn vùi nhiều thế kỷ trong tro bụi của các thư viện, giờ đây được Ả Rập phục hồi trong vòng 100 năm (xem [3]), và phổ biến rộng trong thế giới Ả Rập.
Trong thế kỷ IX và X, hoạt động nghiên cứu ở Baghdad đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Họ nghiên cứu ra chiếc rô-bốt đầu tiên có thể lập trình để hoạt động, đó là con ngựa có thể uống nước tự động. Họ khám phá và chữa trị các bệnh mắt mà ngày hôm nay chúng ta gọi là điểm vàng, điểm xám. Họ có cả kỹ năng phẫu thuật để chữa trị khối u. Triết gia Al Kindi là học giả vĩ đại của Baghdad. Ông nghiên cứu để phân tích sự bí mật ẩn chứa sau chữ viết. Ông cũng nghiên cứu cả lý thuyết âm nhạc. Nhà thiên văn Ba Tư Al Chwarizmi mang kiến thức về hệ thống số của Ấn Độ vào thế giới Ả Rập, hoàn thiện nó để kiến tạo nên hệ thống số thập phân được dùng cho đến bây giờ.
Giáo sư Jim Al Khalili nhận xét: “Hệ thống số thập phân chúng ta đang sử dụng xuất phát từ Ấn Độ. Đúng ra chúng ta phải gọi là số Ấn Độ - Ả Rập. Nhưng người Ả Rập mang đến châu Âu lần đầu tiên và hoàn thiện nó, nên được gọi là số Ả Rập. Nhà toán học Ý Fibonacci, vốn từng sống ở Algeria, sớm nhận ra ưu điểm của hệ thống số Ả Rập, cho nên dịch các tác phẩm liên hệ sang tiếng La-Tinh và đưa vào châu Âu”. Điều lạ lùng là người châu Âu vẫn giữ lại hệ thống số La Mã một thời gian dài, mặc dù việc dùng nó rất khó khăn để thực hiện trực tiếp các phép tính cộng trừ.
Một khám phá quan trọng của nền toán học Ả Rập là khái niệm biến số và thuật toán. Thí dụ, chúng ta thử tìm trị số x trong phương trình “2x + 1 = 5”. Điều đó cũng có thể làm được với toán học La Mã, nhưng rất phiền toái. Ngày nay, một học sinh lớp mười cũng có thể tính ra là “x = 2”, vì các em đã học được khái niệm biến số và làm theo thuật toán Chwarizmi. Không có những công thức trừu tượng thì toán và vật lý cũng khó lòng phát triển. Cả Einstein cũng chưa chắc đã khái quát hóa được thuyết tương đối bằng công thức giản dị “e = mc²”. Và nếu không có thuật toán thì thế giới hiện đại cũng khó thành hình: Mỗi computer hoạt động trên nền tảng thuật toán, vốn dĩ được dịch ra ngôn ngữ lập trình để kiến tạo nền tảng cho thế giới Digital.
Thế kỷ X: Córdoba – Trung tâm khoa học đứng thứ nhì
Nền khoa học Ả Rập còn được truyền bá ra ngoài thông qua những cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ. Khi bán đảo Iberia rơi vào tay Ả Rập vào năm 711, Córdoba thuộc vùng Andalucia trở thành kinh đô mới của Iberia, được cai trị bởi gia tộc Umayyad. Năm 929, Iberia trở thành một Califate mới riêng biệt, độc lập với đế chế Ả Rập ở Cận Đông và bắc Phi. Trong một thời gian ngắn sau đó, Córdoba đã trở thành kinh đô lớn nhất châu Âu. Các Caliph không tiếc tiền xây dựng những công trình kiến trúc đầy nghệ thuật ghi đậm dấu ấn của phong cách Moors ở Córdoba, Granada, Toledo.
Vùng Andalucia hưởng lợi rất nhiều trong thời gian bị Ả Rập thống trị. Nhiều loại cây cối lạ được người Ả Rập mang đến trồng khắp nơi như cam, chanh, ac-ti-sô, bông sợi, gạo. Họ bày cho nông dân địa phương kỹ năng canh tác, kỹ thuật xây dựng hệ thống tưới tiêu để nâng cao thu hoạch. Cối xay gió xuất hiện khắp nơi và trở thành biểu tượng của Andalucia.
Triều đình Córdoba trở thành thỏi nam châm thu hút mọi người. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà sáng tạo từ khắp nơi đổ về Córdoba, trung tâm văn hóa mới của lục địa châu Âu, trong số đó có nghệ sĩ tiếng tăm Ziryab. Năm 822, Ziryab bỏ Baghdad để di dân đến Córdoba và biểu diễn cho cư dân ở đó biết thế nào là nghệ thuật sống theo văn hóa Cận Đông. Ông hướng dẫn mọi người cách dùng thời trang y phục: lúc nào, tại đâu, mùa nào thì nên thay đổi y phục thế nào cho tương xứng. Rồi cả chuyện săn sóc râu tóc, móng tay, dùng nước hoa. Ông chỉ cho mọi người biết món măng tây tuyệt diệu như thế nào, ông chỉ cách chơi cờ tây, uống rượu vang với ly pha lê đúng kiểu, thưởng thức bữa ăn nhiều món chia làm ba đợt với bát chén phù hợp. Nói tóm lại, Ziryab là người tiên phong kiến tạo mốt đương thời, một giáo chủ của dòng văn hóa mới. Nhưng trên hết, Ziryab làm cuộc cách mạng về âm nhạc, ông mang đến châu Âu cách ghi nốt nhạc. Từ cây đàn của Ziryab, người ta bắt chước để chế tạo đàn Tây ban cầm, một biểu tượng bất tử của âm nhạc Tây Ban Nha. Ziryab thành lập trường âm nhạc đầu tiên ở Córdoba, cho cả nam và nữ học viên. Vũ điệu Flamingo cũng được sáng tạo trong thời gian này.
Cây đàn của Ziryab, tiền thân của đàn Tây Ban Cầm |
Không chỉ triết học và âm nhạc, những người nghiên cứu ở Andalucia đạt được những thành quả lớn lao trong mọi ngành khoa học, đạt đến đỉnh cao tân tiến nhất. Ở đó, tác dụng của khí động học lên máy bay được thử nghiệm lần đầu trong lịch sử loài người.
Tại Córdoba, Caliph Al Hakam II xây dựng một thư viện vĩ đại, sưu tập hơn 400.000 đầu sách, nhiều hơn sách vở của tất cả các thư viện ở châu Âu cộng lại. Ở đó, nhiều nhà nghiên cứu là học giả đa ngành. Họ xuất bản công trình nghiên cứu trong mọi lĩnh vực như thiên văn, toán, y khoa, cơ khí v.v.. Córdoba thu hút học giả khắp nơi, không phân biệt nguồn gốc, tôn giáo hoặc giới tính. Họ đến Andalusien để xây dựng nên điều gọi là nền khoa học Ả Rập.
Giáo sư Jim Al Khalili cắt nghĩa như sau: “Thuật ngữ khoa học Ả Rập không nói lên nguồn gốc của nhà nghiên cứu. Nhiều học giả không phải là người Ả Rập. Họ đến từ khắp nơi như Ba Tư chẳng hạn. Người ta cũng không gọi là khoa học Hồi giáo: Nhiều nhà nghiên cứu không theo đạo Hồi, mà là Do Thái hoặc Kitô. Tôn giáo nào, dân tộc nào không quan trọng, nhưng điểm chung là họ sử dụng ngôn ngữ của đế chế, đó là tiếng Ả Rập. Đó là ngôn ngữ của kinh Qu’ran, cho nên cũng trở thành ngôn ngữ của khoa học. Người nào muốn tiến thân trong nghiên cứu tất phải phổ biến công trình của mình bằng tiếng Ả Rập. Cũng giống như hôm nay tiếng Anh là ngôn ngữ chung trong khoa học”.
Văn minh Ả Rập đã lưu lại dấu ấn lên bán đảo Iberia trong khắp mọi lĩnh vực. Âm nhạc Ả Rập còn để lại dư âm lên văn hóa Andalucia. Thú chơi cờ tây dần dần tiến vào các triều đình châu Âu. Thời huy hoàng của Andalucia đã được Voltaire, Goethe, Lessing sau này ca tụng hết lời, xem đó là biểu tượng văn hóa của tinh thần khoan dung.
Córdoba còn là trung tâm quan trọng của y khoa hiện đại. Ở đó có 50 nhà thương và một trường y khoa. Bác sĩ Al Zahrawi được xem như bậc thầy của thời đại. Ông là nhà phẫu thuật mắt đầu tiên, dùng các dụng cụ phẫu thuật do mình chế tạo, mà nếu so sánh với dụng cụ hôm nay thì cũng không khác gì nhiều. Al Zahrawi cũng là người tiên phong trong việc sử dụng dược liệu để chữa trị bệnh cơ thể, cũng như các bệnh tâm lý.
Căn bệnh nào không chữa được bằng phẫu thuật thì họ dựa vào các lý thuyết về hoạt tính mà họ học được từ người Hy Lạp. Lý thuyết này chỉ ra rằng, cơ thể con người bị chi phối bởi bốn dịch vị quan trọng: mật đen, mật vàng, đàm và máu. Sự trộn lẫn các dịch vị này theo tỉ lệ nào đó sẽ sinh ra tính chất của con người, căn bệnh và hướng dẫn bác sĩ cách chữa trị. Bốn dịch vị đó, lúc nhiều hay ít, sẽ ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động của cơ thể, thí dụ mật đen nhiều sẽ làm cho con người buồn chán, uể oải. Người bác sĩ giỏi là người biết mang liều lượng các dịch vị này về trạng thái cân bằng trong cơ thể.
Giáo sư Robert G. Hoyland nhận xét như sau: “Nền y học Hồi giáo thời đó đã tiến xa hơn hẳn các nước ở Tây và Bắc Âu. Một phần vì các Caliph giàu có hơn, họ đầu tư nhiều hơn vào khoa học, và nhất là họ tiếp cận được các nguồn khoa học truyền thống, đặc biệt là Hy Lạp mà công trình của các học giả như Galenus, Hypocrates để lại đã được dịch ra tiếng Ả Rập trong thế kỷ VIII và IX. Điều cần lưu ý là, nền khoa học Ả Rập không phải chỉ triển khai các di sản văn hóa các vùng chung quanh Địa Trung Hải, mà còn tiếp thu tri thức từ các trung tâm khoa học cổ đại khác như Ba Tư và Ấn Độ. Không những thế, họ có năng lực hòa đồng và thống nhất hai nguồn kiến thức này lại với nhau”.
Đặc biệt, y học Ả Rập là một bước nhảy vọt so với trình độ Tây Âu. Ngành dược là khuôn mẫu cho những nhà bào chế thuốc đầu tiên thời trung cổ. Đế chế Ả Rập đã xác lập việc chuyên môn hóa trong khoa học: ngành nha khoa, nhãn khoa, cơ thể học, phẫu thuật, ngành dược là những chuyên ngành mà Tây Âu phải đợi thêm vài thế kỷ sau mới hình thành được. Trong suốt nhiều thế kỷ, sách khoa học bằng tiếng Ả Rập là tài liệu gối đầu giường cho học giả khắp nơi. Họ còn có một bộ bách khoa toàn thư do Al Zahrawi chủ biên. Có thể nói rằng, y học thế giới phải đợi thêm nhiều thế kỷ sau mới đạt được những bước ngoặt quan trọng, những biến đổi hệ hình thực sự trong ngành y khoa.
Thế kỷ XII: Ả Rập suy tàn – Tri thức chuyển về Tây Âu
Châu Âu bị thế giới Hồi giáo phủ bóng một thời gian dài. Nhưng tình hình bỗng thay đổi. Cuối thế kỷ 11, Giáo hoàng La Mã phát động cuộc thánh chiến của cộng đồng Kitô nhằm tái chiếm Jerusalem đang còn trong tay Ả Rập. Quân thánh chiến chiếm được Jerusalem, đi kèm với một cuộc thảm sát dã man. Nhưng Jerusalem sau đó vẫn không bao giờ yên, liên tục thay ngôi đổi chủ giữa Kitô và Hồi giáo suốt gần 200 năm. Cuối cùng, đội quân Kitô cũng phải rút lui.
Nhưng ở bán đảo Iberia, phong trào Reconquista (tái chiếm) của giáo dân Kitô nhân cơ hội đẩy mạnh hoạt động. Đế chế Ả Rập, vốn đã bị chia rẽ vì tranh giành quyền lực nội bộ, dường như bắt đầu suy tàn. Năm 1065, người Kitô chiếm được thành phố lớn đầu tiên ở Iberia là Toledo, vốn là trung tâm nghiên cứu lớn thứ hai sau Córdoba. Người Iberia nhận thức ngay tầm quan trọng của Toledo và những thành quả của thế giới Ả Rập. Khác với đội quân Mông Cổ ở Baghdad, họ không phá hủy Toledo, mà giữ gìn và xây dựng thêm, nhất là các thành quả khoa học. [ND: Năm 1236, kinh đô Córdoba cũng bị thất thủ vào tay cộng đồng Kitô ở Iberia, đánh dấu thời điểm chuyển giao toàn bộ văn minh Ả Rập cho thế giới Kitô].
Trong điều gọi là “trào lưu dịch thuật”, học giả khắp nơi ở châu Âu mà chủ yếu là tu sĩ, đổ dồn về Toledo để dịch kho báu tri thức do người Ả Rập để lại sang tiếng La-Tinh. Họ tổ chức nhiều nhóm dịch thuật khác nhau phụ trách dịch sách vở tài liệu từ tiếng Ả Rập, Hy Lạp, Ba Tư sang La-Tinh. Thật là một biến cố mang tầm vóc thiên niên kỷ trong lịch sử khoa học châu Âu. Vị chân phước Petrus Venerabilis (1092-1156) với năng lượng và viễn kiến là người có công rất lớn trong trào lưu này (xem [3]).
Nhà Ả Rập học José Raminez de Rio, giáo sư đại học Córdoba nhận xét: “Toledo có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển này, vì ngay trong thời gian bị chiếm đóng, rất nhiều cộng đồng Kitô đã làm quen và hòa nhập trong dòng văn hóa Ả Rập. Toledo có nhiều thư viện lớn, và người dân Toledo đã tiếp cận sâu sắc vào văn hóa Ả Rập. Nhiều người thông thạo hai ngôn ngữ. Họ hiểu và diễn đạt tiếng Ả Rập cũng trôi chảy như La-Tinh. Đó là điều kiện rất tốt để tiếp nhận thành quả khoa học vừa mới chiếm được, mang di sản của đế chế Ả Rập vào thế giới Kitô”.
Đến thế kỷ XIII, Toledo đã có đầy đủ tất cả tác phẩm căn bản trong mọi ngành bằng tiếng La-Tinh, thí dụ như thiên văn, quang học của Ptolemy, toán học của Euclid, triết học của Aristotle v.v.. Thêm vào đó là công trình của Ba Tư, Ấn Độ, Ả Rập trong mọi ngành khoa học. Với phong trào dịch thuật, người Iberia đã nâng trình độ tri thức châu Âu lên một tầm cao. Vua của xứ Castilla, Alfonso El Sabio là người hỗ trợ quan trọng nhất cho phong trào dịch thuật. Ông còn có sáng kiến dịch những tác phẩm giáo khoa ra tiếng địa phương Spanish, một sáng kiến có ý nghĩa cách mạng trong lịch sử giáo dục, làm gương cho các nước châu Âu khác sau này noi theo. Sáng kiến của ông là “giáo dục cho mọi người” bằng tiếng địa phương Spanish, vì La-Tinh vẫn là ngôn ngữ học thuật, thời đó dùng để phục vụ cho thiểu số học giả, chỉ chiếm 10% dân chúng lúc bấy giờ.
Từ Iberia và các vùng Ả Rập thống trị trước đây như Istanbul, Sicilia ở miền nam nước Ý, tri thức Ả Rập nhanh chóng tỏa ra các trung tâm văn hóa lớn ở Tây Âu như: Lisboa, Palermo, Venizia, Kraków, Vienna, Praha, Marseille, Toulouse, Paris, Oxford. Đó là trào lưu chuyển dịch tri thức chưa từng có, nhanh và mạnh như địa chấn thủy triều. Thành quả tất yếu là một thời đại huy hoàng của văn hóa và giáo dục ở Tây Âu. Được gợi cảm hứng từ cuộc chuyển giao tri thức từ thế giới Ả Rập sang thế giới Kitô, và nhân lúc phong trào dịch thuật thành công rực rỡ, hàng loạt đại học được thành lập ở các thành phố lớn châu Âu. [ND: Kể ra vài đại học đầu tiên như Bologna năm 1130, Modena (1175), Paris (1200), Cambridge (1204), Oxford (1214), Salamanca (1218), Padua (1222), Napoli (1224), Toulouse (1229), Salermo (1231), Orléans (1235), Montpellier (1242) v.v… (xem [3])].
Các trường đào tạo học giả nghiên cứu những tác phẩm của Aristotle và để lại dấu ấn khó phai mờ lên nền triết học phương Tây. Được gợi cảm hứng từ sách vở tài liệu của Ả Rập về quang học, một vị tu sĩ mài thấu kính để chế tạo dụng cụ đọc sách, là tiền thân của kính mắt sau này. Vào thế kỷ 15 ở Florence, người ta khám phá hiệu ứng phối trí trung tâm, dựa vào lý thuyết quang học mà nhà khoa học Ả Rập đã tìm ra và phổ biến ở Cairo, Ai Cập. Điều này đã làm nên cuộc cách mạng cho ngành hội họa phối cảnh của nghệ thuật phục hưng. Trong thế kỷ 16, Nicolaus Copernicus lần đầu tiếp cận lý thuyết mới về thiên văn cho rằng, mặt trời nằm ở trung tâm thái dương hệ, một khám phá khoa học của các nhà thiên văn Ả Rập. [ND: Dựa trên tiền đề ấy, Copernicus đã nghiên cứu thêm và trở thành nhà cách mạng vĩ đại đầu tiên của nền khoa học châu Âu].
Nhưng đến đây, thời đại hoàng kim của đế chế Ả Rập cũng bắt đầu suy tàn do tranh giành quyền lực bên trong và sự tấn công từ bên ngoài. Đội quân Mông Cổ, khi tiến vào Đông Âu và Cận Đông đã làm cho mọi người sợ hãi kinh hoàng. Họ tiến đến bờ đông Địa Trung Hải, tràn xuống Ả Rập với một tốc độ vũ bão và sự tàn bạo không bút mực nào tả xiết. Khi Baghdad bị Mông Cổ xâm chiếm năm 1258, kinh đô này tức khắc trở thành bình địa. “Căn nhà của những người thông thái” bị phá hủy. Toàn bộ sách vở bị thiêu rụi thành tro. Trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất của Ả Rập và của cả thế giới, với công lao xây dựng của nhiều thế hệ học giả suốt nhiều thế kỷ, đã vĩnh viễn bị chôn vùi không thể nào phục hồi được.
[ND: “Vó ngựa Mông Cổ đến đâu, nơi đó cỏ không mọc nổi”. Đội quân Mông Cổ không chỉ có sức mạnh quân sự, nó còn có sự tàn bạo, đủ để hủy diệt cả một nền văn minh được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Cận Đông và Balkans, phố phường thành bình địa, sách vở bị thiêu đốt, văn minh bản địa bị xóa sạch không còn gầy dựng lại được. Có lẽ vì thế, sự phát triển văn minh ở các vùng đó về sau rất khó khăn, chậm chạp. Trong lúc ở bán đảo Iberia sau khi giải phóng, thành quả Ả Rập vẫn được giữ nguyên và chuyển qua thế giới Kitô. Tây Âu vì thế đã đi trước và đi nhanh để xây dựng một nền văn minh vững chắc. Đông và Tây Âu, mỗi vùng đi theo một con đường riêng từ thế kỷ XIII, và tốc độ phát triển cũng khác nhau rõ ràng. Số phận đã định trước, hay đó chỉ là một sự tình cờ của lịch sử?].
Hồi tưởng quá khứ, nhìn về tương lai
Đế chế Ả Rập coi như hoàn toàn sụp đổ từ đầu thế kỷ XIV. Với những vị Caliph khao khát kiến thức, lịch sử Baghdad một thời vinh quang vẫn còn được truyền tụng, nhưng thực chất, những truyền thuyết đó không còn một ý nghĩa gì nữa cho đời sống hàng ngày trong thế giới Ả Rập. Hiện nay, hơn 400 triệu người sống trong các quốc gia thuộc Liên hiệp Ả Rập, từ châu Phi đến Cận Đông. Phần lớn có đời sống vật chất khiêm tốn, chỉ một thiểu số rất nhỏ được xếp vào hạng giàu nhất thế giới. Hầu hết cộng đồng Ả Rập đã mất nhãn quan thế giới mở. Nhiều thành phần bảo thủ từ chối khoa học vì nó mang tính chất phương Tây, không phù hợp với niềm tin của họ, một niềm tin vốn được truyền bá ra ngoài từ thánh địa Makka bởi Đấng tiên tri Muhammad, người đã từng khuyến cáo môn đồ rằng, “bút mực của học giả thiêng liêng hơn máu của các chiến sĩ tử vì đạo”.
Giáo sư Jim Al Khalili gởi một thông điệp: “Trong bối cảnh chính trị hiện nay, đối với chúng ta ở phương Tây, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng, ngôn ngữ Ả Rập đã từng có lúc chiếm vai trò lãnh đạo trong nghiên cứu khoa học. Trong thế giới Hồi giáo cũng thế, đặc biệt là những thế hệ Ả Rập trẻ về sau, các bạn nên định hướng nhìn về những di sản văn hóa rực rỡ, và nhớ rằng tổ tiên các bạn cũng từng là những nhà khoa học vĩ đại không kém gì Newton, Einstein hay Galilei”.
Châu Âu, bên cạnh cội nguồn Hy Lạp, La Mã, Kitô, Do Thái, còn có một gốc rễ khác, đó là văn hóa Ả Rập Hồi giáo. Chính những học giả và lãnh tụ Ả Rập đã từng cất công thu thập tri thức nhân loại của cả ngàn năm trước, dịch ra tiếng Ả Rập, tiếp tục triển khai, hoàn thiện và để lại cho đời sau. Họ đã khuyến khích việc nghiên cứu quốc tế, trao đổi sáng kiến một cách cởi mở tự do, vượt ra ngoài ranh giới chủng tộc, chính trị và tôn giáo, để xây dựng tri thức có năng lực phục vụ cho nhân loại ngày nay.
Susanne Utzt và nhóm sản xuất phim.
Bản quyền của ZDF Dokumentation (Đài II của CHLB Đức).
./.
[ND: Lúc Ả Rập còn là giống dân du mục trong thế kỷ VII, Việt Nam tuy còn bị Trung Hoa đô hộ nhưng đã biết thế nào là quốc gia, dù là quốc gia phong kiến, biết thế nào là trật tự xã hội định cư, cũng đã biết đến chữ viết. So với Việt Nam lúc đó, Ả Rập còn thua xa. Thế mà chỉ sau vài thế kỷ, họ đã vươn lên từ số không để trở thành nền văn minh số một trên thế giới lúc đó. Điều gì đã làm họ phát triển nhanh như thế? Có lẽ như Giáo sư Jim Al Khalili phân tích ở trên: “Người Ả Rập nhận thức rằng, trên thế gian trước đây đã có nhiều [dân tộc khác có] nền văn minh huy hoàng. Họ hiểu sâu sắc rằng, thế giới Ả Rập phải làm việc thật nhiều để theo kịp và vượt qua các nền văn minh đó”. Trông người mà nghĩ đến ta, Việt Nam sau 1000 năm độc lập, cho đến thế kỷ 21 vẫn còn kiêu ngạo ngủ mê trên những chiến thắng quân sự, mà không có ý thức rằng “chỉ có hai lực lượng trên thế giới này: lưỡi gươm và tri thức, và về dài hạn lưỡi gươm luôn luôn bị tri thức đánh bại (Napoléon)”. Phải chăng, học những điều hay trong lịch sử là điều rất ích lợi, không bao giờ thừa, và cũng không bao giờ là quá trễ]. |
Tài liệu tham khảo
[1] Phim TV Susanne Utzt: Große Völker (2): Die Araber (Những dân tộc vĩ đại (2): Ả Rập).
[2] Kessler, Martin: Der Islam war einst Hort der Zivilisation (Hồi giáo vốn là xứ sở của văn minh)
[3] Diễn Đàn Khai Phóng – Tỉnh giấc giữa đêm dài trung cổ
[4] Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02 261-9.
Nguồn: Thời huy hoàng của Ả Rập, Diễn Đàn Khai Phóng