NGUỒN GỐC COVID-19: XEM XÉT LẠI HƯỚNG VIRUS THOÁT RA KHỎI PHÒNG THÍ NGHIỆM VŨ HÁN, TRUNG QUỐC TRONG THẾ ĐƯỜNG CÙNG
Peter Daszak và Thea
Fischern, hai nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến Viện Virus học
Vũ Hán vào ngày 3 tháng 2 năm 2021. (Nguồn: France
24)
Một hướng tìm kiếm nghiêm túc về nguồn gốc Covid-19 đang nổi lên. Coronavirus có thể phát sinh từ những loài dơi đã lây nhiễm virus cho các công nhân làm việc tại một khu mỏ ở Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc vào năm 2012. Các mẫu virus, vốn đã được Viện Virus học Vũ Hán thu thập, đã làm khởi động lại giả thuyết về sự cố rò rỉ nguồn gốc của đại dịch. Đồng thời, đã có những lời kêu gọi thúc giục ngày càng nhiều trên khắp thế giới hướng vào Trung Quốc, những lời kêu gọi từ mọi phía nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc đại dịch đã giết chết hơn 2,6 triệu người cho đến nay.
Chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây hơn một năm, hình ảnh những con tê tê bị bệnh, loài động vật hoang dã được bày bán trên các quầy hàng của khu chợ ẩm thực Vũ Hán, hình ảnh vài con dơi bị lạc bầy và bị bắt. Một kịch bản vốn trong một thời gian dài đã che đậy nguồn gốc thực sự của virus. Để phản công, bô máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã cáo buộc quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự lây nhiễm virus ở Vũ Hán, nhân kỳ Hội thao Quân sự Thế giới được tổ chức tại thành phố này vào tháng 10 năm 2019. Đầu tháng 9 vừa qua, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc thậm chí đã đăng tải trên các mạng xã hội một video đề cập đến “200 phòng thí nghiệm bí mật về an toàn sinh học do quân đội Hoa Kỳ thiết lập trên khắp thế giới”, có khả năng đã làm thất thoát chủng coronavirus mới. Rồi họ [các phương tiện truyền thông Trung Quốc] đã chuyển sang một luận điểm không kém phần đáng ngờ về các sản phẩm đông lạnh được nhập từ nước ngoài.
Tất nhiên, cần phải tìm sự thật ở nơi khác. Đã có một hướng tìm kiếm ngày càng trở nên đáng tin hơn, nhưng chính quyền Trung Quốc đang tìm mọi cách để dập tắt: đó là hướng lây nhiễm các công nhân vào năm 2012 tại một khu mỏ ở Vân Nam, vốn sau đó được truyền bá một cách không ồn áo, cho đến khi một nhà nghiên cứu nữ nổi tiếng của Trung Quốc mang virus đến phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán. Liệu đã có một sự cố nào đó không và virus đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm?
Đây là một trong những câu hỏi quan trọng được nêu ra, trong một bức thư ngỏ, đề ngày 4 tháng 3 vừa qua, của một nhóm 26 nhà khoa học quốc tế. Họ cáo buộc việc các nhà điều tra của WHO đã không được quyền tiếp cận đầy đủ ở Vũ Hán vào đầu năm nay, và khuyến cáo không nên loại trừ dấu vết của một sự cố virus thoát ra ngoài phòng thí nghiệm. Theo những người ký tên trong bức thư, cần phải xem xét nhiều kịch bản khác nhau, đặc biệt là kịch bản một nhân viên phòng thí nghiệm ở Vũ Hán có thể đã vô tình bị nhiễm virus khi đang lấy mẫu coronavirus, trong quá trình vận chuyển động vật bị bệnh hoặc trong quá trình xử lý chất thải phát sinh từ hình thức lấy mẫu này.
VĂN HÓA IM LẶNG
Hãy xem xét kỹ hơn hướng tìm kiếm này, từ Vân Nam đến Viện Virus học Vũ Hán. Ngày 22 tháng 12, tờ Le Monde đã đăng một bài viết được dẫn chứng bằng rất nhiều tài liệu để giải thích chuỗi sự kiện này. Ngày 25 tháng 4 năm 2012, một người đàn ông 42 tuổi đã nhập viện ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, cách Vũ Hán 1.500 km về phía tây nam. Ông đã ho dai dẳng suốt hai tuần, sốt cao và đặc biệt là tình trạng suy hô hấp ngày càng trầm trọng. Ngày hôm sau, ba bệnh nhân khác, từ 32 đến 63 tuổi, với các triệu chứng tương tự, đã nhập viện cùng bệnh viện đó. Hai ngày sau, đến lượt một người đàn ông 45 tuổi nhập viện tại đây. Một tuần sau, một bệnh nhân thứ sáu, 30 tuổi, cũng đã nhập viện cùng bệnh viện đó.
Tất cả các bệnh nhân nói trên đều có chung các triệu chứng viêm phổi nặng. Hình ảnh chụp cắt lớp ngực của họ cho thấy một sự tổn thương hai bên phổi, với các vết mờ thủy tinh thể, vốn ngày nay được biết đến như là những đặc điểm tương đối của Covid-19, dù chưa có bằng chứng cụ thể nào. Ba người trong số họ có những dấu hiệu huyết khối, làm tắc nghẽn mạch, vốn một lần nữa là đặc điểm khá điển hình của các biến thể chủng coronavirus mới.
Tất cả các bệnh nhân nói trên đều có một điểm chung là đã từng làm việc trong một khu mỏ bỏ hoang ở Tongguan, thuộc huyện Mojiang. Một khu mỏ có nhiều đàn dơi rhinolophe – được gọi là loài “dơi móng ngựa” – sinh sống, nơi sáu người đàn ông đã trải qua đến hai tuần miệt mài làm việc trong những đường hầm đầy phân chim các loài động vật có vú biết bay. Ba người trong số họ đã chết ở bệnh viện, lần lượt sau mười hai, bốn mươi tám và một trăm lẻ chín ngày nằm viện. Hai người trẻ tuổi nhất đã khỏi bệnh sau thời gian nằm viện chưa đầy một tuần, trong khi một người khác, 46 tuổi, chỉ được xuất viện sau 4 tháng kể từ ngày nhập viện ở Côn Minh.
Thế mà Viện virus học Vũ Hán đã thu thập mẫu coronavirus Vân Nam này, từ năm 2012. Một thông tin được ban lãnh đạo phòng thí nghiệm xác nhận trong một bài viết đăng trên tạp chí khoa học Nature ngày 17 tháng 11 vừa qua. Điều gì đã xảy ra kể từ đó? Bắc Kinh đang giữ im lặng một cách tuyệt đối nhất về dấu vết này và khu mỏ được đề cập, giờ đây, đã bị niêm phong đóng cửa, được canh chừng cẩn thận để tránh những con mắt tò mò. Văn hóa im lặng và che giấu của chính quyền Trung Quốc một lần nữa được đưa ra ánh sáng, nhưng lần này liên quan đến một chủ đề toàn cầu. Các nhóm nhà báo nước ngoài đã bị dân làng giận dữ xua đuổi không nương tay khi máy quay được lắp đặt ở lối vào khu mỏ và rào chắn ngăn chặn mọi lối vào các tuyến đường vào khu mỏ.
“85% KHẢ NĂNG ĐẠI DỊCH BẮT NGUỒN TỪ MỘT SỰ CỐ NGẪU NHIÊN”
Nhiệm vụ của các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Vũ Hán, để cố gắng xác định nguồn gốc virus, đã kết thúc trong thất bại hoàn toàn, vào tháng 2 vừa qua. Không chỉ giới chức trách Trung Quốc đã từng bước đàm phán các điều khoản của cuộc điều tra với WHO, gây tổn hại đến tính độc lập của giới chuyên môn, không những các chuyên gia, chắc chắn đều có uy tín, đã được chọn với sự đồng ý của Bắc Kinh mà, theo một cuộc điều tra của tờ New York Times, họ đành phải giới hạn công việc vào những công trình đã được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh.
Con đường trải qua kể từ một năm qua là rất dài. Vào thời điểm đầu bùng phát dịch bệnh, bất kỳ đề cập nào liên quan đến dấu vết các phòng thí nghiệm [Trung Quốc] đều được phân loại là thuyết âm mưu thuần túy, hoặc liên kết với các cuộc tấn công chống Trung Quốc của Trump và chính quyền của ông. Tuy thế, giả thuyết này không thực sự xuất phát từ phe cánh của cựu tổng thống Đảng Cộng hòa, như Jérémy André, phóng viên của tờ Le Point tại Hồng Kông, đã giải thích khá rõ. Jamie Metzl, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức think tank của Mỹ, cựu thành viên nội các của Joe Biden tại Thượng viện và cựu cố vấn của chính quyền Clinton, là người đầu tiên ở Washington hậu thuẫn cho lập luận rằng một tai nạn trong nghiên cứu đã có thể dẫn đến đại dịch thảm khốc năm 2020.
Tháng 4 năm 2020, nhân vật thân cận đảng Dân chủ này đã trình bày nhiều lập luận và bằng chứng khiến ông kết luận có đến “85% khả năng đại dịch bắt nguồn từ một sự cố ngẫu nhiên”. Chính Jamie Metzl là người đã điều phối bức thư ngỏ của 26 nhà khoa học được công bố vào ngày 4 tháng 3. Một ý kiến có trong lượng, xuất phát từ một chuyên gia về y tế cộng đồng và nghiên cứu về kỹ thuật di truyền, một người quen thuộc với Trung Quốc, và là một chuyên gia ít bị nghi ngờ hơn Donald Trump hoặc Mike Pompeo là có ý chính trị hóa hồ sơ [về nguồn gốc virus].
Nhà điêu khắc kiêm đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Ai Weiwei, người hiện sống ở Bồ Đào Nha, đã quay một bộ phim có tên Coronation [Corona hóa] về dịch bệnh ở Vũ Hán, bằng cách chỉ đạo từ xa mười hai nhà quay phim video nghiệp dư. Theo nghệ sĩ, “thế giới có thể sẽ không bao giờ biết điều gì đã thực sự xảy ra ở Vũ Hán. […] Chế độ cộng sản rất mạnh và đối với họ, việc giữ bí mật này là ưu tiên hàng đầu.”
Tác giả Pierre-Antoine Donnet
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Origines du Covid-19: la piste d'une fuite du laboratoire de Wuhan relancée, la Chine aux abois, Asialyst, ngày 15/03/2021.
----
Bài có liên quan: