6.3.21

Chi phí kinh tế 4 nghìn tỷ đô la của việc không chủng ngừa COVID-19 trên toàn thế giới

CHI PHÍ KINH TẾ 4 NGHÌN TỶ ĐÔ LA CỦA VIỆC KHÔNG CHỦNG NGỪA COVID-19 TRÊN TOÀN THẾ GIỚI

Tác giả: Sebnem Kalemli-Ozcan

CC BY-ND

Việc tung ra một loại vắc xin để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch toàn cầu không hề rẻ. Hàng tỷ đô la đã được chi ra để triển khai các loại thuốc khởi sự một chương trình để đưa những loại thuốc đó đến tay người dân.

Nhưng trong bối cảnh phân phối vắc xin không đồng đều - với các quốc gia nghèo hơn và tụt hậu xa hơn so với các quốc gia giàu - một mối quan tâm khác lại nảy sinh: chi phí của việc không tiêm chủng cho tất cả mọi người.

Các đồng nghiệp của tôi và tôi đã cố gắng tìm ra tác động tổng thể đối với nền kinh tế toàn cầu của việc phân phối vắc xin không đồng đều có thể là gì.

Để làm được như vậy, chúng tôi đã phân tích 35 ngành nghề - chẳng hạn như dịch vụ và sản xuất - ở 65 quốc gia và xem xét tất cả chúng đã được liên kết như thế nào về mặt kinh tế vào năm 2019, trước đại dịch. Ví dụ, lĩnh vực xây dựng ở Mỹ phụ thuộc vào thép nhập khẩu từ Brazil, các nhà sản xuất ô tô Mỹ cần kính và lốp xe đến từ các nước ở châu Á, v.v..

Sau đó, chúng tôi sử dụng dữ liệu về sự lây nhiễm COVID-19 đối với mỗi quốc gia để chứng minh cuộc khủng hoảng virus corona đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu như thế nào, hạn chế các chuyến hàng thép, thủy tinh và các mặt hàng xuất khẩu khác sang các nước. Một lĩnh vực càng dựa vào những người làm việc gần nhau để sản xuất hàng hóa thì càng có nhiều gián đoạn do nhiễm trùng càng cao. Sau đó, chúng tôi đã mô hình hóa cách tiêm chủng có thể giúp giảm bớt những chi phí kinh tế này, vì lực lượng lao động khỏe mạnh và có khả năng miễn dịch có thể gia tăng sản lượng.

Gánh vác trách nhiệm

Kết quả của chúng tôi cho thấy nếu các quốc gia giàu hơn được tiêm chủng đầy đủ vào giữa năm nay - một mục tiêu mà nhiều quốc gia đang phấn đấu - nhưng các nước đang phát triển chỉ tiêm vắc xin cho một nửa dân số của họ, thì thiệt hại kinh tế toàn cầu sẽ lên tới khoảng 4 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Chúng tôi ước tính chi phí kinh tế toàn cầu của các nước đang phát triển không tiêm chủng cho bất kỳ công dân nào của họ là khoảng 9 nghìn tỷ đô la. Công việc đang được tiến hành để tăng khả năng các nước đang phát triển tiếp cận được vắc xin, nhưng dù sao, có khả năng là các quốc gia nghèo hơn sẽ vẫn tụt hậu về tổng số người được tiêm chủng.

Dù con số thiệt hại là gì đi nữa, Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu và Nhật Bản sẽ gánh gần một nửa gánh nặng của việc tiếp tục gián đoạn thương mại toàn cầu - ngay cả khi chính họ đã thu xếp để tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ.

Phát hiện này được đưa ra khi cộng đồng toàn cầu đang tìm cách giải quyết tình trạng mất cân đối trong tiêm chủng quốc gia. Kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi được Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia và đối tác Châu Âu là Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế công bố dưới dạng tài liệu làm việc; và đã được trình bày tại một cuộc họp báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới. Thời điểm báo cáo cũng trùng với thông báo của Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ dự định tham gia COVAX - một sáng kiến ​​nhm tiêm chng cho ít nht 20% dân s ca mi quc gia vào cui năm nay.

Nhưng COVAX hiện đang thiếu hàng tỷ đô la để có thể đáp ứng mục tiêu đó.

Không có nền kinh tế nào là một ốc đảo

Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng lợi ích kinh tế trực tiếp của các nước giàu là đảm bảo các nước nghèo cũng được tiêm chủng đầy đủ.

Việc tiêm chủng rộng rãi ở các quốc gia giàu chắc chắn sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp trong nước như nhà hàng, phòng tập thể dục và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp như ô tô, xây dựng và bán lẻ phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài về vật liệu, phụ tùng và nguồn cung cấp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu vắc xin không được cung cấp trên toàn thế giới.

Không có nền kinh tế nào là một ốc đảo - sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ xảy ra khi mọi nền kinh tế đều phục hồi sau đại dịch.

Sebnem Kalemli-Ozcan (1974-)
Vài nét về tác giả

Sebnem Kalemli-Ozcan là Giáo sư Kinh tế học của Trường Neil Moskowitz, thuộc Trường Đại học Maryland, Hoa Kỳ. Bà là thành viên nghiên cứu tại National Bureau of Economic Research (Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia - NBER) và tại Center for Economic Policy Research (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế - CEPR). Bà đã công bố nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính quốc tế, phát triển quốc tế và lý thuyết tăng trưởng ứng dụng đăng trên các tạp chí như American Economic Review (Tạp chí Kinh tế Mỹ), Quarterly Journal of Economics (Tạp chí Kinh tế hàng quý), v.v..

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn: The $4 trillion economic cost of not vaccinating the entire world”, The Conversation, 12.02.2021.

Print Friendly and PDF