12.8.21

Chính sách con số tử vong

CHÍNH SÁCH CON SỐ TỬ VONG

Emmanuel Didier[1]

Emmanuel Didier (1970-)

Tại sao lại phải từ bỏ hầu hết các quyền tự do của chúng ta để cứu những mạng sống? Một câu hỏi táo bạo nhưng lại không xuất hiện trong cuộc tranh luận công khai vì nó được coi là điều không thể bàn luận. Câu hỏi này về những mạng sống gắn liền với câu hỏi về những con số rất không chắc chắn, thậm chí sai lầm, mà mỗi buổi tối, nhắc nhở chúng ta về cái chết đang lan tràn trên đất nước của chúng ta. Các số liệu và các cảm xúc đi cùng với nhau, chúng nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng là chủ đề của rất ít cuộc tranh luận.

Chúng ta hãy dám đặt một câu hỏi không phù hợp: tại sao việc “cứu những mạng người” khỏi tay Covid-19 lại quan trọng đến vậy? Sự lựa chọn xã hội này là rộng rãi, hiển nhiên, không thể bàn luận, đến mức yêu cầu dân chúng đồng ý từ bỏ hầu hết các quyền tự do công cộng, bao gồm cả quyền hội họp và đi lại, đến mức gần như ngưng lại hoàn toàn nền kinh tế nay đang chìm vào hố sâu thăm thẳm và cuối cùng, đến mức phải dẹp bỏ mọi lời chỉ trích - ngoại trừ bằng hành động, của những người không thể chịu đựng được nữa việc tự nhốt mình và tiếp tục đi dạo với bạn bè, vả lại điều này còn khơi dậy những lời lên án nghiêm trọng. Tại sao mạng sống cá nhân lại được ưu tiên so với các quyền tự do? Với nền kinh tế? Với cuộc tranh luận dân chủ?

Làm thế nào mà một lựa chọn chính trị độc đoán như vậy lại được áp đặt và tiếp tục tự áp đặt một cách dễ dàng, khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt là ở một quốc gia mà tổng thống vẫn nói rằng nó được tạo thành từ “những người Gaulois ngang bướng”. Lần này, người Gaulois thật sự phục tùng, mỗi người trong túp lều nhỏ của mình, và không hề phản kháng (à xin lỗi, thứ bảy tuần trước, tôi có nhìn thấy từ xa trên một ban công một cái áo vàng (“áo vàng/gilet jaune” được các người chống lại chính sách tăng giá của các sản phẩm năng lượng vào tháng 10/2020 mặc đã trở thành biểu tượng của phong trào xã hội rất đa dạng, đa tạp chống lại các chính sách của chính phủ Pháp - ND) được cột vào một cây gậy được dùng làm cán tung bay trước gió, trên đó có viết “chúng tôi không bỏ bất cứ điều gì cả”; tôi tin rằng một sự bất phục tùng như vậy, chắc Macron sẽ muốn có nhiều hơn nữa!). Tôi không chắc rằng cá nhân tôi sẽ đặt vấn đề về sự lựa chọn này. Mạng sống của con người rõ ràng là một giá trị cao quý, và là một giá trị đáng được bảo vệ, với tất cả sức mạnh của chúng ta. Sống trước, triết lý sau... /Primum vivere, deinde Philosophari… Nếu lời chỉ trích được đưa ra, tôi không biết mình sẽ đi theo phe nào. Nhưng tôi muốn đặt câu hỏi tại sao cuộc tranh luận này đã không diễn ra, tại sao sự ưu tiên rõ ràng được trao cho giá trị này lại dễ dàng được chấp nhận như vậy.

Câu trả lời cho câu hỏi này tất nhiên là phức tạp và nhiều sợi chỉ có lẽ đã được nối kết để tạo ra hiện trạng của chúng ta. Đặc biệt, các nhà sử học chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói về sự xâm nhập ngày càng không thể bàn luận của quyền con người vào đời sống công cộng trên toàn thế giới, quyền khẳng định rằng “mọi người đều có quyền sống.” Các nhà chính trị học chắc hẳn cũng sẽ viết một vài bài báo viết về tình trạng của phe tả ngày nay, mà có thể nói là họ không còn được lắng nghe nữa, vì đơn giản họ đã hoàn toàn mất thẩm quyền để chỉ lên tiếng mà thôi. Nhưng đây không phải là chuyên ngành của tôi. Tôi nghĩ một trong những công cụ được sử dụng để tạo ra sự nhất trí này là những con số về coronavirus, liệt kê những con số hàng ngày và ớn lạnh, về số người chết và bị nhiễm bệnh.

Những con số này được cơ quan Y Tế Công Cộng Pháp/Santé Publique France SPF (đã thay thế Viện Quốc gia về Giám sát Y Tế /Institut national de veille sanitaire vào năm 2016) xây dựng, một tổ chức giải thích ngắn gọn phương pháp luận của nó như sau: “Các thông tin được truyền đến các cơ quan y tế khu vực và các đơn vị khu vực của SPF vốn sẽ nhập chúng bằng công cụ giám sát chuyên dụng do Tổ Chức Y Tế Thế giới/OMS (GoData) phát triển. Các đơn vị khu vực cũng thu thập số liệu từ các phòng xét nghiệm sinh học y tế của các bệnh viện, về số lượng xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày và số lượng xét nghiệm dương tính. Dữ liệu sau đó được SPF phân tích ở cấp quốc gia.”

Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng những con số này, vốn là những con số tốt nhất mà chúng ta có thể tạo ra - vấn đề ở đây không phải là nghi ngờ các nhà thống kê thực hiện công việc này - cũng nhất thiết là, trong trường hợp tốt nhất, những con số phỏng chừng, và trong trường hợp tệ nhất là những con số sai. Thật vậy, để biết số ca tử vong do coronavirus, cần phải xác định nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, quá trình này cần có thời gian. Chính bác sĩ là người xác định cái chết và xác định nguyên nhân, sau đó chuyển thông tin đến một bộ phận của Inserm/Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia, nơi tập trung tất cả các giấy chứng tử và đếm chúng. Tuy nhiên, quy trình tưởng chừng đơn giản này trong thực tế lại kéo dài. Một kênh điện tử đã được đưa ra sau đợt nắng nóng năm 2003, nhưng nhân viên vẫn chưa nắm nó và chỉ 18% bác sĩ gửi kết quả của họ theo cách này. Vì vậy, chỉ khi kết thúc đợt dịch, chúng ta mới biết tỷ lệ tử vong quá mức đặc biệt do Covid-19 gây ra, theo cách tương tự đối với bệnh cúm theo mùa. Do đó, các số liệu mà các nhà báo của chúng ta giáng cho chúng ta mỗi buổi tối, trong trường hợp tốt nhất, là không chính xác.

Tất nhiên, người ta có thể lập luận, như vào cuối thế kỷ 19 đối với nạn thất nghiệp mới xuất hiện, rằng những số liệu này có thể sai về mức độ, nhưng chúng là những chỉ báo tốt về các biến thiên. Hiện nay, chúng ta không biết đã có bao nhiêu người tử vong, nhưng những gì chúng ta biết là đã có nhiều hơn, hay ít hơn, lập luận rằng những sự sai sót mắc phải vẫn ổn định từ ngày này qua ngày khác. Điều này không phải là không thể xảy ra, nhưng ít nhất phải nói rằng, không ai thảo luận về những giả định và sai sót này trong cuộc tranh luận công khai, có lẽ ngoại trừ các nhà thống kê được tập hợp trong các ủy ban chuyên gia. Vậy, nếu những con số này, trong trường hợp tốt nhất, là đáng nghi vấn nhất, thì tại sao chúng lại không ngừng được lặp đi lặp lại với chúng ta? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể cố gắng mô tả không phải nguồn gốc của chúng mà là tác động của chúng.

Tất cả các biện pháp chính trị, tất cả các diễn ngôn của chúng ta, tất cả các suy nghĩ của chúng ta đều được hướng dẫn và định hình bằng các công cụ định lượng, ở một mức độ hiếm khi đạt đến.

Trước hết, những con số này có đặc tính là làm cho chúng ta sợ hãi. Điểm này thật thú vị khi người ta ghi nhớ lập luận thường được lặp đi lặp lại rằng lượng hóa là một quá trình hợp lý hóa. Trong trường hợp này, hoàn toàn không phải vậy. Chúng khiến chúng ta nghĩ rằng số người chết đang tăng lên, và cho chúng ta cảm thấy rằng bản thân chúng ta sẽ có thể là một trong những trường hợp tử vong được ghi nhận. Chúng làm cho cái chết lởn vởn trong nhà của chúng ta. Do đó, tất nhiên chúng khuyến khích chúng ta tôn trọng các hướng dẫn của chính phủ. Những con số này giúp tạo ra sự đồng lòng phục tùng của người dân khi đối mặt với đại dịch.

Thứ hai, những con số này, trước hết bao gồm những người bị nhiễm bệnh nhập viện hoặc tử vong tại bệnh viện, là những chỉ báo cho thấy khả năng của chúng ta trong việc làm phẳng đường cong số lượng bệnh nhân mà hệ thống chăm sóc sức khỏe phải gánh. Lập luận là nếu chúng ta không làm gì cả, đường cong số người mắc bệnh sẽ tăng lên theo cấp hàm mũ, tức là rất nhanh (để rồi sau đó giảm đi cũng nhanh không kém) và sẽ rất nhanh vượt quá số người mà hệ thống bệnh viện có thể chăm sóc. Ngược lại, nếu sự phong tỏa được thực thi, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm xuống, do đó, số lượng người nhập viện sẽ tăng chậm hơn và sẽ ở dưới ngưỡng đối với số giường có sẵn. Nhưng ta có thể hiểu rằng, khi làm như vậy chính phủ tập trung toàn bộ sự chú ý vào các vấn đề của hệ thống bệnh viện. Hơn nữa, vì chính phủ đã nhận sự cố vấn của một Ủy ban Khoa học hầu như chỉ gồm các bác sĩ, họ lại càng làm cho sự tập trung vào các chỉ số này tăng lên.

Tất nhiên, những vấn đề của các bệnh viện là rất chính đáng, và điều quan trọng là rốt cuộc bệnh viện phải được tài trợ một cách thích đáng. Và chất lượng của hội đồng tư vấn khoa học không phải là điều bị phê phán. Nhưng hệ quả của cơ cấu của hội đồng là sự hình thành một lập luận xã hội theo vòng: các số liệu cho chúng ta biết về những khó khăn của bệnh viện, được các bác sĩ đặc biệt nhạy cảm với những khó khăn này nhận xét, điều làm cho sự quan tâm đến các số liệu này càng tăng lên. Có những khó khăn khác do sự phong tỏa gây ra khó được tính đến. Chúng tôi không có số liệu khác có thể cung cấp thông tin, ví dụ, về chi phí kinh tế, hoặc những rối loạn trong các hộ gia đình (mà mọi người đều thấy trong số những người quen biết của mình) về giá mà chúng ta phải trả hàng ngày do chính sách phong tỏa. Số người nhập viện và tử vong củng cố rất mạnh cho các lựa chọn chính sách mà các nhà chăm sóc sức khỏe đưa ra.

Isabelle Bruno

Cuối cùng, thứ ba, điều ấn tượng là số liệu của một quốc gia luôn luôn được so sánh với số liệu của các quốc gia khác. Sự khác biệt giữa Ý và Pháp được nghiên cứu một cách rất chi tiết (hiện trạng của hai nước cách nhau bao nhiêu ngày?), sự tăng trưởng ấn tượng về số trường hợp bị nhiểm và tử vong, ở Hoa Kỳ được báo cáo tỉ mỉ, v.v.. Ở đây, về mặt kỹ thuật, những so sánh này cũng thật là chướng tai, gai mắt. Hẳn là OMS đề xuất một phần mềm tổng hợp có thể được sử dụng bởi nhiều quốc gia (tất nhiên là không bắt buộc), nhưng các định nghĩa được sử dụng, các thủ tục được thiết lập để sử dụng phần mềm này, vẫn mang tính quốc gia. Mặt khác, tác động của những so sánh này, hệ quả thực dụng của chúng, là để “benchmark” các chính phủ, để dùng lại dùng lại một thuật ngữ mà chúng tôi đã sử dụng với người bạn đồng nghiệp, Isabelle Bruno.[2]

Điều đó có nghĩa là vào mỗi buổi tối, những con số này cho phép công chúng, và cả chính chính phủ, đánh giá liệu chính phủ đã có khả năng đánh giá đúng mức cơn dịch bệnh không, đã có những hành động tốt hơn hoặc kém hơn so với các nước châu Âu, đã thành công hơn trong việc “làm phẳng đường cong” số người nhập viện, và nhờ đó tránh được sự ùn tắc. Sẽ là không thể tưởng tượng, hoặc ít nhất là cực kỳ khó để biện minh, nếu một chính phủ để cho con số này hoàn toàn vượt khỏi biên độ được các quốc gia tương đương khác thiết lập. Và việc ở dưới những biên độ này được đánh giá là thành công.

Do đó, những con số này là cơ sở hạ tầng cho phép các chính phủ và dư luận dấn thân vào một cuộc chạy đua mà các điều khoản được xác định và phân định bằng các chỉ báo này. Hơn nữa, việc xác định các chuẩn mực này đặc biệt phù hợp với việc đóng cửa các biên giới làm cho sự cạnh tranh rõ ràng hơn. Nhưng nó lại đối lập một cách máy móc với việc tạo khoảng cách cần thiết để đánh giá mục tiêu của cuộc đua. Khi ta chạy, ta dồn hết sức lực để đạt được mục tiêu; chứ không phải để xác định nó.

Cuối cùng, một lần nữa không thể biết tôi sẽ đứng về phía nào nếu có một cuộc tranh luận công khai về chiến lược tổng quát được thông qua khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng cuộc tranh luận này đã không diễn ra và các công cụ định lượng, không phải là những công cụ duy nhất, chắc chắn giữ một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự nhất trí này. Cơn dịch bệnh coronavirus mà chúng ta đang trải qua làm cho ta rất mệt mi. Hạn chế các quyền tự do công cộng, những người ốm đau, những người thân yêu qua đời, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng, một cách ít nhiều mãnh liệt, bởi cuộc khủng hoảng này. Nhưng sự mãnh liệt này không ngăn cản, có lẽ còn hoàn toàn ngược lại, rằng sự kiện cũng phần lớn bị các số liệu làm cho phù hợp.

Các số liệu thống kê như số người chết, số người mắc bệnh, số người được điều trị tại bệnh viện, các viện dưỡng lão, so với tổng dân số được thông báo cho chúng ta vào mỗi buổi tối; các đường cong từ các mô hình thống kê được các nhà dịch tễ học sử dụng, các bản đồ với những con số phản ánh sự lây lan của dịch bệnh; các dự phóng kinh tế về hậu quả của đại dịch, nhu cầu về khẩu trang, xét nghiệm và thuốc để chống lại dịch bệnh; tất cả các biện pháp chính trị, tất cả các diễn ngôn của chúng ta, tất cả các suy nghĩ của chúng ta đều được định hướng và làm cho phù hợp, ở một mức độ hiếm khi đạt được, bằng các công cụ định lượng. Các số liệu và các cảm xúc đi cùng với nhau, chúng nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng. Thế nhưng chúng là chủ đề của rất ít cuộc tranh luận.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Politique du nombre de mort”, AOC, 14.4.2020.

----

Bài có liên quan: 




Chú thích:

[1] Nhà xã hội học, giám đốc nghiên cứu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS), thành viên của Trung Tâm Maurice Halbwachs, phòng nghiên cứu của Trường Sư Phạm Cao Cấp (ENS) và Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội (EHESS)

[2] Benchmarking, một từ thông dụng trong giới kinh doanh, là kết quả của việc danh từ hoá động từ tiếng Anh to benchmark, có nghĩa là đánh giá bằng cách so sánh với một mô hình, một thước đo, một chuẩn bên ngoài. Benchmark là một điểm quy chiếu. Về mặt từ nguyên học, bench chỉ dấu vết do nhân viên địa trắc khắc vào đá để cố định thiết bị đo đạc của mình (Vào thế kỉ XIX, thuật ngữ này cũng được thợ đánh giày sử dụng để đo chân khách hàng đặt trên bàn thợ mộc (bench) để đánh dấu chiều dài bàn chân nhằm đóng giày đúng kích cỡ. Trong biệt ngữ của khoa đo vẽ địa hình, benchmarking là quy chiếu về một điểm mốc trắc địa để tiến hành những so sánh phương hướng và độ cao. Dựa trên sự giống nhau với cách thực hành rất xưa này, các nhà quản trị dùng thuật ngữ benchmarking khi họ bàn về hoạt động phân tích cạnh tranh và kiểm định các thành tích” (Benchmarking, l’État sous pression statistique của Isabelle Bruno và Emmanuel Didier, NXB La Découverte, Paris, 2013, trang 10-11).

[...] Benchmarking là một phương thức lượng hoá những tình thế, hành động, tập thể được thể hiện thông qua những kết quả bằng số, tức là những thành tựu, nhằm đánh giá và so sánh chúng. Điểm cực kì độc đáo của những con số được tạo ra là chúng được xem như là ổn định, lâu dài, không thể bàn luận, hay nói ngắn gọn, là đúng. Tuy nhiên, tham vọng của chúng nhằm mô tả hiện thực thì ít mà để biến đổi hiện thực này. Chúng cũng còn biến đổi chính bản thân những chủ thể tạo ra chúng. Chúng khoác vào các hoạt động và đời sống của những chủ thể này một hình dạng con số. Chúng cho mỗi chủ thể thấy các kết quả dưới dạng số của những chủ thể khác để khuyến khích tất cả “cải tiến” những thành tựu của mình. Việc lượng hoá được tổ chức như một nghi thức vượt khó thật sự, qua đó một số chủ thể bị phế truất và một số khác được ân sủng, được trưởng thành hay bị suy yếu. Do đó qua quá trình lượng hoá này những ai tạo ra các con số cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của chúng. Hơn nữa, và không phải là không có nghịch lí, các con số này cũng biến đổi chính đối tượng mà chúng đang mô tả. Hiện thực mất đi tính ổn định của nó để trở thành một động cơ thực dụng, một cứu cánh có tính thao tác. Vì các con số này chỉ có ý nghĩa một khi được nối khớp với một hành động. Ta lượng hoá các sản phẩm? Đó là để sản xuất nhiều hơn và có chất lượng hơn. Ta lượng hoá hoạt động? Đó là để tác động nhiều hơn và hiệu quả hơn. Benchmarking thiết lập một hiện thực được lượng hoá, nhưng làm như thế nó không công nhận hiện thực mà làm cho hiện thực luôn là đáng thất vọng, không bao giờ thoả mãn, luôn có thể cải thiện được. Cách thức làm mất giá trị của hiện thực khi so sánh với chính nó là thiết yếu để hô hào các tác nhân thay đổi nó. Đó chính là lực tác động của benchmarking làm nên đặc thù lớn của nó: nó không chỉ tự bằng lòng với việc thể hiện hiện thức bằng những khái niệm thống kê để tác động, nó còn kích thích và hướng tác động này về một tác động “tốt hơn” mà định nghĩa không thuộc chủ quyền của các tác nhân. Bản thân benchmarking cũng tham gia vào việc sản sinh sự thay đổi mà các tác nhân buộc phải thích nghi (nt., trang 25-26)” (ND).

Print Friendly and PDF