18.8.21

Vắc xin chống Covid: Dỡ bỏ bằng sáng chế là cần thiết, nhưng không đủ

VẮC XIN CHỐNG COVID: DỠ BỎ BẰNG SÁNG CHẾ LÀ CẦN THIẾT, NHƯNG KHÔNG ĐỦ

Tác giả: Gaëlle Krikorian

Lịch sử dường như lp lại. Vì cách đây đúng 20 năm, nhân nói về điều trị bệnh sida (AIDS), vấn đề bằng sáng chế các dược phẩm đã dấy lên những căng thẳng quan trọng trong nội bộ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng bên cạnh sự cần thiết trước mắt đối với các quốc gia là đồng ý – hay không đồng ý – về vi phạm sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ chống Covid, những vấn đề chính trị nảy sinh do việc tiếp cận vắc xin vượt xa bối cảnh đặc thù của đại dịch này.

Năm 2001, thế giới đã đối mặt với nạn dịch sida vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi xuất hiện những phương thức điều trị có khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus trong cơ thể và duy trì sức khỏe cho những người bị nhiễm bệnh, thì rõ ràng là giá của chúng (hơn 10.000 euro/bệnh nhân/năm) đã ngăn trở sự tiếp cận của phần lớn dân cư có nhu cầu và đang sống trong những nước gọi là “đang phát triển”.

Các công ty dược phẩm đã có thể tự cho phép ấn định những giá này vì họ nắm giữ các bằng sáng chế về những phương thức điều trị này, nghĩa là sự độc quyền về sản xuất và bán đặt họ vào ưu thế trong một bối cảnh của dịch bệnh và khẩn cấp. Vào tháng 11 năm 2001, áp lực xã hội do bệnh nhân và giới chuyên môn về sức khỏe, nhưng đồng thời là một mối bận tâm về an toàn từ một số nước phương Bắc (nước phát triển - ND) đang lo lắng về nguy cơ lây lan virus từ những nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nhất ở phương Nam, đã khiến Tổ chức Thương mại thế giới thông qua một tuyên bố về sức khỏe và tiếp cận thuốc chữa bệnh.

Trong văn bản này, Tổ chức Thương mại thế giới WTO nhấn mạnh đến “quyền của thành viên của WTO bảo vệ sức khỏe công cộng và đặc biệt là đẩy mạnh việc tiếp cận thuốc chữa bệnh cho tất cả mọi người” và sự cần thiết phải giải thích các văn bản để đáp ứng các mục tiêu này. Như thế, WTO đã nói rõ cho từng quốc gia thành viên “quyền cấp các giấy phép bắt buộc và quyền tự do xác định các lý do khiến những giấy phép đó được cấp”: nghĩa là quyền và tự do dỡ bỏ các bằng sáng chế một khi điều đó tỏ ra cần thiết.

Tedros A. Ghebreyesus (1965-)

Bản tuyên bố đã có một tầm ảnh hưởng mang tính chất tượng trưng. Tuy nhiên, thứ tự các ưu tiên mà nó định ra chỉ mãi mãi tồn tại trên giấy. Trong thực tế, càng ngày càng có nhiều bằng sáng chế đã được cấp cho nhiều loại thuốc, và mặc dù chúng thể hiện những rào cản đối với việc tiếp cận những sản phẩm mới, rất ít bằng sáng chế được dỡ b[1]. Từ năm 2001, áp lực chính trị (ngoại giao và kinh tế) do các công ty tạo ra vẫn rất mạnh để ngăn các quốc gia tìm đến các quy định hợp pháp cho phép họ đình chỉ các độc quyền khi cần thiết xét theo quan điểm y tế công cộng.

Từ vài tháng nay, cuộc thảo luận lại sôi động. Một lần nữa chúng ta đang đối mặt với một đại dịch. Và trong một thời gian đầu, sự thiếu vắng của một phương án điều trị hiệu quả đã đặt các quốc gia và toàn bộ dân cư trên thế giới vào một vị thế tương đối bình đẳng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các vắc xin vào cuối năm 2020 và sự phổ biến chúng dần dần, tình hình đã thay đổi, những chênh lệch gay gắt đã hình thành. Vào cuối tháng tư năm 2021, giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã ước lượng rằng những nước có thu nhập thấp chỉ mới nhận được 0,3% số vắc xin được sử dụng.

Emmanuel Macron (1977-)

Mùa xuân năm 2020, các diễn ngôn đã gia tăng nhiều về quyết tâm được nêu rõ của các quốc gia muốn làm một “mặt trận chung” đối phó với “kẻ thù”. Cùng những công thức ấy lại được phát ra từ miệng của các thủ lĩnh các quốc gia và tổ chức quốc tế: COVID -19 không kiêng nể bất kỳ biên giới nào […] COVID-19 dù bất kỳ ở đâu đều là mối đe dọa cho tất cả chúng ta ở khắp nơi[2]”. Về phần mình, Emmanuel Macron tuyên bố sự cần thiết: “phải làm mọi cách từ bây giờ để khi một vắc xin chống COVID-19 được tìm ra sẽ đem lại lợi ích cho tất cả, bởi vì nó là một sản phẩm công cộng toàn cầu”. Tuy nhiên cùng lúc đó, những thỏa thuận được thông qua với các công ty dược phẩm lại chuẩn bị một thực tế có tính chất hoàn toàn khác.

Từ tháng ba năm 2020, quyết tâm “tránh rủi ro” cho công nghiệp là trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa các tổng giám đốc của nhiều công ty và một nhóm các nhà lãnh đạo các nước giàu và các thể chế quốc tế (đáng chú ý là Coalition for Epidemic Preparedness Innovations CEPI - Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh -, the Global Alliance for Vaccines and Immunisation GAVI - Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng -, World Health Organisation (WHO) - Tổ chức Y tế Thế giới -).

Ý tưởng về những hứa hẹn mua và thậm chí mua trước một số lượng lớn các vắc xin tương lai đã được định ra như là chiến lược hỗ trợ các công ty, cộng thêm với hàng tỷ euro tài trợ trực tiếp cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã được nhiều quốc gia chi ra để giúp nhanh chóng phát triển vắc xin. Cũng đã thực hiện lựa chọn dành cho các công ty quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc xin tương lai, mặc dù đã có những nguồn tài trợ công khổng lồ.

Những công nghệ được huy động cho các vắc xin chống COVID đã được hưởng những nguồn tài trợ công trong nhiều thập niên.

Tháng sáu năm 2020, sáng kiến COVAX, với mục đích chuẩn bị và đẩy nhanh sự tiếp cận công bằng các công nghệ tương lai chống COVID trên thế giới, đã được phát động, dựa trên ý tưởng là các công ty sẽ làm tối đa để bảo đảm giá cả phải chăng và mọi người đều được tiếp cận, rằng những nước khá giả nhất sẽ tự nguyện viện trợ một số liều vắc xin cho các nước khác. COVAX được thiết kế như một “cơ chế san sẻ rủi ro”: một mặt, những rủi ro về thiệt hại tài chính đe dọa các công ty, và mặt khác những nguy cơ khan hiếm nguồn vắc xin mà những nước nghèo phải chịu.

Một năm sau, Pfizer tuyên bố dự kiến sẽ thu khoảng 26 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021; những nơi khác dự báo công ty sẽ đạt từng ấy lợi nhuận ròng. Ngược lại, tại các nước phương Nam, những viễn cảnh tiếp cận vắc xin với số lượng đáng kể phải tính bằng số năm. Như vậy, ta còn xa với việc phát triển và sản xuất vắc xin như là sản phẩm công cộng, hay thậm chí là sản phẩm chung.

Như đã nêu rõ cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước để chiếm giữ các khối dự trữ vắc xin, vắc xin không phải là một sản phẩm không có đối thủ: một cá nhân này tiêu thụ nó thì ngăn trở một người khác được tiếp cận nó – những nhóm dân cư có số lượng vắc xin hạn chế càng cảm nhận điều này hơn. Vắc xin cũng bị chiếm độc quyền: có thể ngăn cản được tiếp cận vắc xin bằng cách bán đắt, và chỉ bán cho một số người.

Vả lại, đó chính là điều sở hữu trí tuệ cho phép ấn định giá cả được thiết lập tùy theo khả năng chi trả của những người giàu nhất, và tập trung bán cho khối khách hàng này. Như vậy, giá cả và số lượng tạo ra một thị trường, vô cùng sinh lợi, nhưng nó loại trừ một phần lớn dân số thế giới. Đó là thứ logic mà ta thấy đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch hiện nay, nhưng cũng là logic đang dần dần được áp đặt trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo về dược phẩm trong các thập kỷ vừa qua.

Như vậy, về lý thuyết, ngay giữa dịch bệnh, một vắc xin có thể (hay phải là) được xem như một sản phẩm tối cần thiết, mà lợi ích chung sẽ thúc đẩy để bảo đảm sự phát triển, một sản phẩm chất lượng tốt và với đủ số lượng, và giúp cho mọi người được tiếp cận bền vững. Do đó, quản lý các vắc xin chống COVID như là nguồn lực chung là có ý nghĩa. Nhưng đó hoàn toàn không phải là lựa chọn đã được thực hiện. Trái lại, nền kinh tế các vắc xin này, cũng như các sản phẩm dược khác nói chung, dựa trên một sự tài trợ công mạnh mẽ cho nghiên cứu và tiếp cận sử dụng, kết hợp với một sự kiểm soát thị trường (vốn là phương thức duy nhất để tiếp cận sản phẩm) bởi những người nắm độc quyền.

Thực vậy, các quyền sở hữu trí tuệ cho phép người nắm quyền trở thành nguồn cung cấp sản phẩm duy nhất – hay kiểm soát các điều kiện sản xuất và bán bởi một tác nhân thứ ba được họ cho phép. Các qui định của sở hữu trí tuệ đã tiến triển rất nhiều kể từ cuối những năm 1980, đi theo hướng tăng cường và kéo dài các thời hạn độc quyền[3].

Những chính sách này được các đại công ty dược thúc đẩy, lúc đó đứng đầu là Pfizer, và một vài ngành kỹ nghệ khác (về tin học như IBM, hay kỹ nghệ giải trí). Những chính sách này được Mỹ ủng hộ, rồi đến các nước phương Tây vốn đang tiếp nhận những trụ sở chính của các công ty này[4]. Những chính sách này đang là trung tâm của chủ nghĩa tư bản kiểu mới đang phát triển trong thế kỷ XX, một chủ nghĩa tư bản nhận thức, dựa trên sự kiểm soát thông tin và tri thức[5].

Khởi thủy của hệ thống này, việc cấp độc quyền được cho là để cho phép người phát minh bù đắp những nguồn lực mà họ đã đầu tư vào phát minh sáng chế mà họ đã hoàn thiện. Đổi lại vị trí được ưu đãi này trên thị trường, người phát minh phải mô tả phát minh của mình trong một bằng sáng chế đến độ bất kỳ ai trong xã hội đều có thể sử dụng phát minh này một khi đã hết thời hạn độc quyền.

Ngày nay, hệ thống các bằng sáng chế chủ yếu đáp ứng một logic hoàn toàn khác. Các bằng sáng chế không dùng để trình bày một phát minh; đó là những tài liệu kỹ thuật và pháp lý phức tạp có mục đích thuyết phục các giám khảo của cơ quan cấp bằng sáng chế rằng họ trình bày một điều gì mới, đồng thời tiết lộ càng ít càng tốt điều đó là gì.

Đạt được một bằng sáng chế cho phép hưởng một sự độc quyền, nhưng điều đó còn được dùng để ngăn trở những người cạnh tranh. Đó là lý do tại sao các đăng ký bằng sáng chế thường được thực hiện ngay trước khi có một ý niệm về một sản phẩm sẽ phục vụ cho điều gì: nếu sản phẩm tỏ ra có ích cho một điều gì đó, thì điều làm nên đặc điểm của nó và/hay giúp sản xuất ra nó sẽ được nhiều bằng sáng chế bao phủ rồi.

Trong trường hợp các vắc xin chống COVID, đã khá rõ là không phải sự tồn tại của độc quyền đã giúp xây dựng và phát triển công nghệ. Mà đó là các đầu tư công. Nghiên cứu y khoa đã cho phép thiết lập và hoàn thiện các công nghệ được huy động cho vắc xin chống COVID đã được hưởng các tài trợ công trong nhiều thập kỷ. Ví dụ, vai trò của những hỗ trợ của khu vực công trong phát minh và phát triển các vắc xin mARN (ARN thông tin) đã dần dần được nêu ra bởi các phóng viên hay các tổ chức phi chính phủ.

Sự tồn tại của các bằng sáng chế hạn chế số lượng các tổ chức có thể dùng các công nghệ này.

Drew Weissman
Katalin Karikó (1955-)

Điều này đã được thu thập tài liệu liên quan đến các nghiên cứu của tiến sĩ Barney Graham, lãnh đạo một phòng thí nghiệm của NIH (National Institutes of Health - Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ -), đã hợp tác với Moderna vào năm 2020; nhưng cũng là những nghiên cứu của các tiến sĩ Weissman và Karikó. Tiến sĩ Karikó đã gia nhập BioNTech năm 2013 sau khi đã có phần lớn sự nghiệp của bà ở Đại học Pensylvania là cơ quan đã ký một thỏa thuận hợp tác với Pfizer vào năm 2020 để phát triển một vắc xin dựa trên công nghệ mARN.

Mỹ đã tài trợ trong nhiều năm cho những nghiên cứu này thông qua nhiều cơ quan khác nhau thuộc bộ Y tế[6], Bộ Quốc phòng, hay bằng cách hỗ trợ các phòng thí nghiệm nghiên cứu của các đại học. Từ đầu đại dịch, Mỹ lại cấp thêm 10,5 t đô la cho các công ty đang nắm giữ các vắc xin để đẩy nhanh việc hoàn thành các sản phẩm. Ví dụ, sự triển khai lâm sàng Moderna đã hoàn toàn được tài trợ bởi chính phủ Mỹ. Chỉ riêng những hợp đồng mua trước mà Mỹ đã thực hiện lên đến hơn 18 tỷ đô la Mỹ.

Ta biết rằng đây là quốc gia đã tài trợ nhiều nhất cho nghiên cứu, nhưng không phải chỉ một mình nước Mỹ đã đầu tư các nguồn lực công. Nước Đức đã đầu tư hơn 1,5 tỷ (euro) để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vắc xin chống COVID. Trong năm 2020, Ủy ban châu Âu đã ký kết sáu hợp đồng trị giá khoảng 2,5 tỷ euro trả dần để mua trước các vắc xin chống COVID. CEPI đã ồ ạt hỗ trợ Novavax, AstraZeneca, Sichuan Clover Pharmaceuticals.

Sẽ cần 14 tỷ liều vắc xin để tiêm chủng cho toàn bộ dân số thế giới chống lại COVID. Kịch bản khả dĩ là sẽ phải thường xuyên chích ngừa lại để bảo đảm miễn dịch thỏa đáng chống lại các biến thể bao hàm việc sản xuất và bán thêm hàng tỷ liều.

Từ hơn một năm nay, sáng kiến gia tăng năng lực sản xuất được cố tình dành lại cho các công ty có nắm giữ bằng sáng chế. Nhiều cơ sở sản xuất mới đã được tổ chức, thường là hợp đồng với những công ty địa phương sản xuất cho những công ty đang nắm giữ bằng sáng chế, nhiều thỏa thuận đã được thông qua giữa các đại công ty (ví dụ với Sanofi hay Novartis). Tuy nhiên điều này vẫn rất không đủ để bảo đảm sản xuất ngang tầm với các mong đợi.

Lẽ thông thường sẽ đòi hỏi rằng việc sản xuất và phân phối hàng chục tỷ liều vắc xin không dựa vào ý chí và năng lực của chỉ ba hoặc bốn công ty. Nhưng sự tồn tại của các bằng sáng chế lại hạn chế số lượng các tổ chức có thể sử dụng những công nghệ này. Thực vậy, sẽ là bất hợp pháp đổi với một ai đó chế tạo hay phân phối vắc xin mà không được nơi nắm giữ bằng sáng chế cho phép. Những chênh lệch về tiếp cận giữa các nước và sự trầm trọng của đại dịch trên thế giới đã tạo thuận lợi cho sự bùng lên của những chất vấn và phê phán đối với tình trạng này.

Sản xuất đại trà các vắc xin đòi hỏi nhiều điều hơn là dỡ bỏ rào cản từ các bằng sáng chế. Một khi điều tiên quyết này đã được thực hiện, sẽ phải tổ chức sản xuất, về mặt kỹ thuật là thiết lập qui trình sản xuất, và trên thực tế là có các phương tiện bảo đảm sản xuất. Điều này đòi hỏi một sự chuyển giao công nghệ hay một qui trình công nghệ đảo ngược, nhưng còn là một sự ủng hộ chính trị và tài chính để tạo điều kiện gia tăng các đơn vị sản xuất.

Ta đã thấy cách mà các tập đoàn nắm giữ các bằng sáng chế vắc xin đã có thể phát triển các cơ sở sản xuất hay phát triển chúng thông qua các đối tác chỉ trong thời gian vài tháng (từ hai đến sáu tháng đối với các vắc xin adenovirus [xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Virus_Adeno - ND] hay vắc xin mARN). Một số doanh nghiệp đã cho biết rằng họ sẵn sàng khởi động sản xuất ở Canada, Bangladesh, Pakistan, Nigeria.

Nếu thiếu hụt vắc xin, nếu dịch bệnh không giảm bớt, căng thẳng chính trị có nguy cơ gia tăng mạnh.

Dân chúng đang trông chờ được tiếp cận vắc xin mà lãnh đạo các quốc gia nêu ra như là giải pháp cho phép trở lại đời sống bình thường. Các quốc gia này bị kẹp trong gọng kìm giữa điều mà họ đã quyết định chấp thuận cho các công ty và điều mà họ hứa hẹn bảo đảm cho dân chúng. Nếu thiếu hụt vắc xin, nếu dịch bệnh không giảm bớt, căng thẳng chính trị có nguy cơ gia tăng mạnh. Lúc bấy giờ những vấn đề có thể trở nên bức thiết hơn đối với cách sử dụng các nguồn lực công, và trách nhiệm của những người đã lấy các quyết định này, thậm chí không hề bảo đảm tính minh bạch của các “giao dịch” đã được thông qua với các đại công ty.

Có thể chấp nhận được không khi hàng tỷ đồng (đô la/euro - ND) đã được chi tiêu từ các ngân sách công, rồi một nhóm nhỏ các công ty ngăn chặn sự phát triển của sản xuất đại trà và họ thu về hàng tỷ đồng lợi nhuận? Đầu tư công trong nghiên cứu y khoa và những nỗ lực tập thể vốn là nguồn gốc của các đổi mới sáng tạo trong y khoa há chẳng biện hộ được cho một cách quản trị hoàn toàn khác – một lề lối quản trị tập thể, minh bạch, và các quyền sử dụng các đổi mới sáng tạo trong y khoa tạo điều kiện bảo đảm cho mọi người có nhu cầu đều tiếp cận được?

Quyết định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tạm đình chỉ các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ chống COVID sẽ là một bước tiến nhỏ theo hướng này. Đó là một quyết định cần thiết trong tình hình hiện nay, nhưng chắc chắn là không đủ. Thực vậy, quyết định này không giúp tái lập trong lĩnh vực y tế và kinh tế chính trị một dạng quân bình giữa lợi ích chung (bảo đảm sức khỏe cho dân cư) và những lợi ích riêng. Thế nhưng, tấn công những chệch hướng của hệ thống tài trợ nghiên cứu y khoa và các sản phẩm y tế chính là điều chúng ta phải kiên trì theo đuổi để chấm dứt việc tạo ra bất bình đẳng và tình trạng bị loại trừ ở nơi mà chúng ta mong muốn mọi người đều được tiếp cận y tế.

Đối mặt với đại dịch, sự tham gia của dân cư bao gồm việc làm cho họ chấp nhận những hạn chế quan trọng đối với các quyền tự do căn bản, nhưng không cho họ thấy rõ việc sử dụng các nguồn lực công cộng hay những điều kiện gắn với việc sử dụng chúng.

Gaëlle Krikorian (1972-)

Thế nhưng, ta không cứu mạng sống “với bất cứ giá nào” khi ta quản trị đất nước, bởi vì tiền được tiêu để mua vắc xin với cái giá nào đó cũng là chừng ấy tiền, ví dụ, sẽ không được dùng để tăng cường năng lực các bệnh viện hay để bảo đảm việc mua các sản phẩm y tế khác.

Bởi vì sự đánh đổi này có những hậu quả quan trọng, trong tình hình khủng hoảng, cũng như trong một khuôn khổ chung hơn, nên sự tham gia của lĩnh vực công vào y tế, và suy cho cùng là “cứu lấy các mạng sống”, phải dựa trên một sự quản trị minh bạch các sản phẩm y tế và các nguồn lực công cộng, vì lợi ích của số đông nhất.

Bài báo này được đăng lần đầu ngày 12/2/2021 trên báo hàng ngày trực tuyến AOC.

Gaëlle Krikorian

Nhà xã hội học

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Vaccins anti-Covid: lever les brevets est nécessaire, mais insuffisant”, AOC, 01.08.2021.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Phần lớn các thuốc kháng virus chống lại bệnh sida đã có thể được các công ty Ấn Độ sản xuất và bán vì đó là những thế hệ đầu tiên của các thuốc kháng retrovirus (xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Retrovirus - ND) chống HIV và chúng không được bảo vệ bởi các bằng sáng chế ở Ấn Độ. Thực vậy, quốc gia này, cũng như các nước khác gọi là “đang phát triển” đã có kỳ hạn đến năm 2005 mới áp dụng các qui định mới của Tổ chức Thương mại thế giới về sở hữu trí tuệ.

[2] Phát biểu của ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, trong lễ khởi động COVID-19 ACT Accelerator (The Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator – ND) ngày 24 tháng tư 2020.

[3] Năm 1994, Tổ chức Thương mại thế giới đã thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế mới về bảo vệ các bằng sáng chế với thời hạn 20 năm. Từ đó, nhiều loại hình đánh giá được đưa vào nhiều nước cho phép kéo dài thời hạn này.

[4] Peter Drahos và John Braithwaite, “Une hégémonie de la connaissance. Les enjeux des débats sur la propriété intellectuelle (“Một quyền bá chủ các tri thức. Những thách thức của các cuộc thảo luận về sở hữu trí tuệ”), Actes de la recherche en sciences sociales, 2004/1-2, nO 151-152, pp. 68-79.

[5] Yann Moulier Boutang, Le capitalisme cognitif ou la nouvelle grande transformation, (Chủ nghĩa tư bản nhận thức hay một sự biến đổi to lớn mới) Nhà xuất bản Amsterdam, 2008.

[6] National Institutes of Health NIH (Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ), Centers for Disease Control and Prevention (CDC) (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) hay Biomedical Advanced Research and Development Authority (BARDA) (Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến).

Print Friendly and PDF