17.8.21

Bồi thường cho chế độ nô lệ và bạo hành thời thuộc địa: khoa học hành vi có thể giúp ích như thế nào


BỒI THƯỜNG CHO CHẾ ĐỘ NÔ LỆ VÀ BẠO HÀNH THỜI THUỘC ĐỊA: KHOA HỌC HÀNH VI CÓ THỂ GIÚP ÍCH NHƯ THẾ NÀO

David Comerford

(Nguồn: Johnny SIlvercloud/Shutterstock)

Đức đã đồng ý trả Namibia hơn 1,1 tỷ Euro (940 triệu bảng Anh) tiền bồi thường cho tội ác diệt chủng trong giai đoạn đô hộ thuộc địa vào thế kỷ trước. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ xây dựng chương trình đầu tư dài 30 năm vào cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và đào tạo ở Namibia.

Nhưng thỏa thuận này không dễ đạt được. Các cuộc đàm phán đã diễn ra từ năm 2015. Năm ngoái, Đức đề nghị bồi thường Namibia 10 triệu Euro (8,6 triệu bảng Anh) nhưng bị chính quyền Namibia bác bỏ.

Và trong khi thỏa thuận mới nhất có thể đặt tiền lệ cho nạn nhân các vụ đàn áp lịch sử và con cháu họ khi tìm kiếm các khoản bồi thường – lời kêu gọi hành động đã lan rộng trong năm ngoái nhằm hưởng ứng phong trào Black Lives Matter – thì đâu đó vẫn còn rất nhiều trở ngại.

Bên cạnh tìm cách đạt được các thỏa thuận này, một trong những câu hỏi lớn nhất là làm sao để quá trình thỏa thuận bồi thường giúp hàn gắn xã hội hơn là tăng cường chia rẽ. Khoa học hành vi là ngành học nghiên cứu việc nhân dạng |identity| và cảm xúc liên quan thế nào đến tiền bạc, vì vậy tôi tin rằng lĩnh vực này có những hiểu biết sâu sắc về vấn đề bồi thường.

Việc Namibia từ chối lời đề nghị ban đầu của Đức không có gì đáng ngạc nhiên với những ai quen thuộc trò chơi tối hậu thư. Trong trò chơi kinh tế học thực nghiệm này, có hai người chơi, Đức và Namibia. Đức được cho một số tiền tùy ý, chẳng hạn như 10 bảng Anh. Namibia không nhận được gì. Đức phải chọn số tiền, nếu có, để chia cho Namibia. Namibia có thể chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị của Đức. Nếu Namibia từ chối thì cả Đức và Namibia đều không nhận được gì – cả hai ra về tay trắng.

Cùng lắng nghe:

BBC Radio 4 Crossing Continents – Namibia: The Price of Genocide

(Nguồn: CC BY-SA, Link download)

Lý thuyết kinh tế dự đoán: Đức đề xuất chia cho Namibia một phần tài sản rất nhỏ bởi vì Namibia sẽ khá giả hơn về mặt vật chất dù chỉ nhận một khoản tiền ít ỏi thay vì từ chối nó. Dự đoán đó đã bị bác bỏ hết lần này đến lần khác xuyên suốt các nền văn hóa. Trong thực tế, Namibia thường từ chối lời đề nghị nếu đó chỉ là phần nhỏ của chu cấp ban đầu. Lý lẽ thông thường để giải thích kết quả này được phản ánh trong ngôn ngữ hàng ngày khi chúng ta nói về một đề nghị nghe "thấp một cách xúc phạm".

Một tiêu chí tối thiểu trong việc bồi thường là tránh mức thấp xúc phạm này bằng cách đánh giá thỏa đáng các tổn thất phát sinh. Tuy nhiên, sự cân bằng cũng cần được chú ý nhằm đảm bảo khoản bồi thường, vốn dĩ dành cho vài nhóm cụ thể, không gây thêm chia rẽ khi bỏ qua các nhóm có thể đã bị tổn hại ở những phương diện khác.

Ước tính thiệt hại

Bước đầu tiên là tính toán kỹ lưỡng thiệt hại. Việc này có thể cực kỳ khó. Ngay cả khi ghi chép lịch sử rõ ràng và được thống nhất, hiếm khi có sẵn dữ liệu để đánh giá chính xác những tổn thất mà con người đã phải gánh chịu.

Tệ hơn nữa, một số thiệt hại rất khó định giá ngay từ đầu – ví dụ, nỗi đau tinh thần mà con cháu phải trải qua – hoặc phổ biến hơn – chẳng hạn như di chứng tràn lan của nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội – là không thể đong đếm. Trong trường hợp không thể ước tính dựa trên dữ liệu, tính chủ quan càng được dịp ảnh hưởng cuộc đàm phán và cản trở nỗ lực đạt tới mức đền bù có thể chấp nhận được.

Ngay cả khi dữ liệu cho phép ước tính chính xác tác động về mặt nhân quả của các tổn thất lịch sử, câu hỏi tiếp theo là cần bao nhiêu tiền bạc để bồi thường chúng. Câu hỏi này cũng rất khó trả lời.

Cass Sunstein (1954-)

Daniel Kahneman (1934-)

Tham khảo dư luận là một lựa chọn, nhưng các nhà khoa học hành vi nhận thấy câu trả lời từ số đông thường khá lộn xộn. Trong các thí nghiệm về dư luận, kết luận của học giả luật Cass Sunstein và nhà tâm lý học Daniel Kahneman, người nhận giải Nobel kinh tế [2002] là mọi người trả lời câu hỏi bằng cách mô tả các quan điểm chung chung của mình hơn là các ước lượng được cân nhắc dựa theo tình huống cụ thể.

Cho đến nay, những vấn đề đã được phác thảo vẫn mang tính kỹ thuật: làm thế nào để đo lường thiệt hại trên thang đo tiền tệ. Giờ thì các vấn đề trọng yếu xuất hiện. Làm thế nào để chia phần đền bù giữa các nhóm? Con người có xu hướng đánh giá quá cao gánh nặng của bản thân so với những người khác.

Leif Wenar

Hỏi hai người đang sống chung xem họ làm bao nhiêu phần trăm công việc nhà, thì kết quả là với hầu hết cặp đôi, tổng phần trăm hai câu trả lời sẽ vượt quá 100%. Sự vi phạm thống kê đó xảy ra trong trường hợp không có gì để mất. Hãy tưởng tượng mọi thứ sẽ trở nên căng thẳng thế nào khi điều được mất gồm rất nhiều tiền cùng các vấn đề về nhân dạng và cương vị nạn nhân. Trong tình cảnh này, bất kỳ nỗ lực nào chỉ đơn giản là để “bù đắp” cho những hành động tàn bạo cụ thể đều có thể gây ra sự phẫn nộ của các nhóm chịu thiệt hại khác nhau.

Nhưng vẫn có những cách tiếp cận khác. Tháng này, Pháp khởi động một ủy ban “ký ức và sự thật” nhằm làm sáng tỏ các hành động của mình trong cuộc chiến tranh Algeria (1954 – 1962). Nếu việc bồi thường là một phần trong tiến trình, triết gia Leif Wenar chủ trương rằng chúng nên phục vụ chức năng cải thiện các mối quan hệ trong tương lai hơn là bù đắp cho những sai lầm trong quá khứ.

Cuộc khủng hoảng khí hậu tạo cơ hội để các cường quốc thực dân trước đây đóng góp tích cực về vấn đề này. Mọi người đều đồng ý rằng phải giảm lượng phát thải khí carbon toàn cầu nhưng câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ là: ai phải giảm lượng sản xuất và tiêu thụ? Các quốc gia phát triển nhất ngày nay là nhờ khai thác các nguồn tài nguyên Trái Đất và nhân lực trong quá khứ. Một phương án hợp lý là những nước phát triển chịu hy sinh và nhường cơ hội cho nước kém phát triển hơn.

Từ khóaKhoa học Hành viCác quyền công dânGeorge FloydSự đền bù cho chế độ chiếm hữu nô lệ

Giới thiệu tác giả

David Comerford

David Comerford

Giảng viên Cao cấp về Kinh tế và Khoa học Hành vi, Đại học Stirling.

David Comerford nghiên cứu và giảng dạy tại khoa kinh tế học và Trung tâm Khoa học Hành vi của Đại học Stirling. Nghiên cứu của ông xem xét các động lực – tiền tệ, danh tiếng và tâm lý – thúc đẩy việc ra quyết định của con người. Phần lớn công việc của ông tập trung vào lối tắt nhận thức tiết kiệm sức lực |effort-saving heuristics| mà mọi người sử dụng khi làm các đánh giá, dự báo và phản hồi khảo sát.

David làm việc với các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Ireland áp dụng các kết quả nghiên cứu của ông nhằm cải thiện việc ra quyết định trong nhiều lĩnh vực bao gồm sức khỏe, lập kế hoạch kinh tế và tài chính và truyền thông rủi ro.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Reparations for slavery and colonial abuses: how behavioural science can help, The Conversation, 28 tháng 5 năm 2021.

Print Friendly and PDF