3.8.21

Covid-19 ở Trung Quốc: Tình trạng không chắc chắn của miễn dịch cộng đồng

COVID-19 Ở TRUNG QUỐC: TÌNH TRẠNG KHÔNG CHẮC CHẮN CỦA MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG

Hubert Testard

Học sinh trung học ở quận Qianjiang, Trùng Khánh được tiêm vắc-xin. Ảnh: Sipa Asia/Rex/Shutterstock (Nguồn: Guardian)

Từ nay, Trung Quốc đã có năng lực công nghiệp cần thiết để tiêm vắc-xin cho toàn bộ dân số họ. Với 100 triệu liều mỗi tuần, về nguyên tắc, chương trình tiêm vắc-xin đại trà sẽ cho phép họ đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng vào mùa thu. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc đang gia tăng cảnh báo về tính hiệu quả các vắc-xin của họ. Họ đang tranh luận về ý tưởng kết hợp các vắc-xin và tiêm thêm liều thứ ba. Về phần chính phủ, họ đang làm chậm lại các sáng kiến ​​về tiêm vắc-xin bắt buộc do một số tỉnh chủ trương trước thái độ miễn cưỡng của một thiểu số người dân Trung Quốc. Chân trời của ngưỡng miễn dịch cộng đồng đang lùi xa.

Trung Quốc đã tự cô lập một cách hiệu quả trước sự bùng phát trở lại của Covid-19 trên lãnh thổ họ và đang tiến hành một chương trình tiêm vắc-xin trên quy mô rất lớn. Về lý thuyết, họ có khả năng trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cũng đang chuẩn bị theo đuổi một cuộc chiến dài hơi [Covid-19].

NĂNG LỰC CÔNG NGHIỆP, HÀNH CHÍNH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NGƯỠNG MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG VÀO MÙA THU

Ngày 9 tháng 7, Bộ Công nghiệp Trung Quốc đã thông báo cho biết Trung Quốc có năng lực sản xuất tổng thể 5 tỷ liều vắc-xin kháng Covid-19 cho năm 2021. Số lượng vắc-xin này đủ để cung cấp cho cả người dân Trung Quốc lẫn khoảng 40 nước khác mà Trung Quốc có ký kết các thỏa thuận phân phối.

Ngoài ra, kể từ tháng 5, tỷ lệ phân phối vắc-xin cũng đạt khoảng 100 triệu liều mỗi tuần. Số lượng vắc-xin được phân phối đạt 1,5 tỷ liều vào ngày 24 tháng 7, và có khả năng đạt được mục tiêu chính thức là tiêm vắc-xin đầy đủ cho 70% dân số Trung Quốc, trước cuối tháng 10 với tốc độ hiện tại của chương trình tiêm vắc-xin.

Gao Fu (1961-)

Song song đó, hệ thống rất nghiêm ngặt trong việc kiểm soát và loại bỏ các dịch mới đã duy trì số ca lây nhiễm ở mức vài chục ca mỗi ngày. Nước này đã công bố không có bất kỳ trường hợp tử vong nào do coronavirus kể từ cuối tháng 4 năm 2020, khiến Trung Quốc đứng ngoài các làn sóng lây nhiễm mới ở châu Á. Bấy nhiêu yếu tố đã khiến chính phủ Trung Quốc đặc biệt lạc quan về khả năng loại trừ đại dịch trên lãnh thổ họ, nhưng sự việc không hẳn như vậy.

SỰ THẬN TRỌNG VÀ NHỮNG KHUYẾN NGHỊ MỚI TỪ CÁC CHUYÊN GIA TRUNG QUỐC

Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, vào ngày 12 tháng 4 trong một cuộc họp báo, đã cho biết là các vắc-xin Trung Quốc không đủ hiệu quả. Tuyên bố này đã gây ra rất nhiều bình luận trong giới báo chí quốc tế, điều khiến Gao sau đó cho rằng lời nói của ông đã bị “diễn giải sai”. Vả lại, Gao Fu đã đề cập đến tính hữu ích của việc kết hợp nhiều loại vắc-xin khác nhau và suy nghĩ về thời gian tiêm chủng giữa các liều vắc-xin.

Hai tháng sau, Tiến sĩ Feng Zijian, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận các kháng thể do các vắc-xin Trung Quốc tạo ra kém hiệu quả để kháng lại biến thể Delta.

Feng Zijian
Guan Yi (1962-)

Một chuyên gia nỗi tiếng khác, Giáo sư Guan Yi, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn dài với kênh truyền hình Phoenix rằng hiệu quả của các vắc-xin là một khái niệm chỉ mang tính nhất thời. Cho dù lúc ban đầu tính hiệu quả đó có thể được chứng minh thì vắc-xin cũng có thể giảm hiệu quả một nửa trong vòng sáu tháng và biến mất sau một năm. Tiến sĩ Guan Yi cho rằng điều cần thiết là Trung Quốc nên tự trang bị cho mình một hệ thống có cấu trúc hơn để phân tích các biến thể mới và theo đuổi một chương trình nghiên cứu lâu dài để thích ứng các vắc-xin.

Bản thân Gao Fu đã thông báo trên đài CCTV, vào ngày 21 tháng 7, rằng ông đã được tiêm liều vắc-xin thứ ba. Giải pháp liều vắc-xin thứ ba này là chủ đề các nghiên cứu lâm sàng ngay từ tháng 5 ở tỉnh Giang Tô và có thể trở thành chuẩn mực trong những tháng tới.

Trung Quốc ngày càng quan tâm đến vắc-xin RNA thông tin (hay mRNA). Với sự chuẩn thuận của chính phủ Trung Quốc, Fosun đã ký một thoả thuận với công ty Pfizer-Biontech để phân phối lại vắc-xin [Pfizer] ở Trung Quốc. Công ty Fossun ở Thượng Hải vừa thông báo năng lực sản xuất loại vắc-xin này có thể đạt được một tỷ liều ở Trung Quốc vào cuối năm nay, với tốc độ 100, rồi 200 triệu liều mỗi tháng. Theo hãng truyền thông Trung Quốc Caixin, loại vắc-xin này sẽ được sử dụng như liều thứ ba cho những công dân Trung Quốc nào đã tiêm hai liều vắc-xin Trung Quốc. Đại học Hồng Kông hiện đang tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về sự kết hợp các vắc-xin Trung Quốc với các vắc-xin RNA thông tin.

Ngoài ra, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đối với vắc-xin RNA thông tin đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu ngay từ tháng 4 năm 2021. Đây là loại vắc-xin được phát triển bởi liên doanh Abogenbio, Walwax Biotechnologies và Viện Y khoa quân sự thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Nếu các thử nghiệm này cho được kết quả thuyết phục, thì có thể hình dung là vắc-xin này sẽ được đưa ra thị trường trước cuối năm nay.

LƯỠNG LỰ VỀ CHƯƠNG TRÌNH TIÊM VẮC-XIN BẮT BUỘC

Để đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng, trong những tuần lễ gần đây, một số tỉnh và thành phố Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ bằng cách đưa ra các hình thức trừng phạt đối với những người chưa tiêm vắc-xin. Ví dụ như Quảng Tây và Hà Nam đã thông báo rằng vào tháng 9 năm học tới, sẽ chỉ nhận những học sinh nào mà gia đình đã có tiêm vắc-xin. Ở các vùng miền khác, cũng đã bắt đầu áp đặt việc đã tiêm vắc-xin mới được tiếp cận các địa điểm công cộng, các nhà hàng và các cửa hàng. Quận Tanghe ở tỉnh Hà Nam còn đi xa hơn đến mức đe dọa các công chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu sẽ không được trả lương hoặc hưởng lương hưu nếu không tiêm vắc-xin.

Các sáng kiến ​​khác nhau nói trên đã làm dấy lên nhiều chỉ trích trên các mạng xã hội Trung Quốc. Chính phủ đã ngăn chặn [sáng kiến của các tỉnh thành nói trên], và không mong muốn trong giai đoạn này tạo ra những cuộc tranh cãi không cần thiết. Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết việc tiêm vắc-xin phải được tiến hành trên cơ sở “được thông tin, đồng thuận và tự nguyện.” Đúng là thái độ ngại ngùng hay miễn cưỡng đối với việc tiêm vắc-xin ở Trung Quốc ít hơn rất nhiều so với ở Pháp, nếu dựa vào các cuộc khảo sát thường xuyên được công ty Ipsos tiến hành theo đặt hàng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trong năm cuộc khảo sát so sánh được thực hiện từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021, tỷ lệ công dân Trung Quốc muốn được tiêm vắc-xin vẫn ổn định, khoảng 80%, trong khi tỷ lệ của người Pháp vào khoảng 60%.

Nhìn chung, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi chống virus coronavirus, khi mà tính hiệu quả các loại vắc-xin hiện tại ngày càng giảm, cần phải bù đắp bằng các liều vắc-xin bổ sung, kết hợp vắc-xin, các vắc-xin mới, và khi mà việc đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng không được tiến hành một cách vội vã, phương hại đến sự gắn kết dân tộc.

Hubert Testard

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, vào tháng 3 năm 2021 bởi NXB Editions de l'Aube.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Covid-19 en Chine : les incertitudes de l’immunité collective, Asialyst, ngày 30/07/2021.

Print Friendly and PDF