29.3.22

Chiến tranh ở Ukraine: Đối mặt với các lệnh trừng phạt, liệu Trung Quốc có thể tiếp tục gắn kết với Nga?

CHIẾN TRANH Ở UKRAINE: ĐỐI MẶT VỚI CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT, LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THỂ TIẾP TỤC GẮN KẾT VỚI NGA?

Pierre-Antoine Donnet

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Lowy institute)

Trong khi cách đây không lâu, giới chức trách Trung Quốc dường như ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin, thì giờ đây Trung Quốc có vẻ như đang dần giữ khoảng cách với Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Bắc Kinh không thể không nhận ra nguy cơ, đến lượt họ, trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, có tiềm năng tàn phá đối với nền kinh tế của họ.

Dấu hiệu mới đây không thể nhầm lẫn, tập đoàn hóa dầu khổng lồ Sinopec Group thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, vào hôm thứ sáu ngày 25 tháng 3, đã thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán với đối tác Nga về một khoản đầu tư quan trọng cũng như về việc thành lập một liên doanh ở Nga trong lĩnh vực khí đốt. Khoản đầu tư đó trị giá 500 triệu US$ cho việc xây dựng một nhà máy hóa chất. Tuyên bố này của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu châu Á có vẻ như là hệ quả của việc giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại sẽ trở thành mục tiêu trừng phạt tiếp theo của phương Tây nếu Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Moscow.

Về mặt chính thức, chính phủ Trung Quốc tiếp tục tuyên bố phản đối mọi ý tưởng trừng phạt [Nga] và tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục giao dịch về kinh tế và thương mại với Nga, đồng thời từ chối lên án cuộc xâm lược của quân đội Nga ở Ukraine. Thậm chí gần đây, Bắc Kinh còn bày tỏ sự phản đối đối với việc loại Nga khỏi nhóm G20 theo yêu cầu của Hoa Kỳ.

Nhưng đằng sau diễn ngôn chính thức đó, có vẻ như ngày càng rõ là có một cuộc tranh luận trong nội bộ giới nắm quyền ở Trung Quốc về việc cần tiến hành phân tích ở cấp cao nhất và rút ra những bài học từ hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine. Thực vậy, Bắc Kinh giờ đây đang lo ngại việc các công ty Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt mà phương Tây cho biết họ sẵn sàng áp đặt lên Trung Quốc nếu nước này tiếp tục công khai ủng hộ Tổng thống Nga.

Kể từ khi Nga khởi động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, ba tập đoàn khổng lồ về năng lượng của Trung Quốc (Sinopec, China National Petroleum Corp và China National Offshore Oil Corp) đã tiến hành đánh giá cái giá phải trả đối với các biện pháp trừng phạt có thể có của phương Tây lên các khoản đầu tư của họ, trị giá lên tới nhiều tỷ đô la, theo trích dẫn của hãng Reuters từ các nguồn ẩn danh đáng tin. Một viên chức cao cấp của một trong ba tập đoàn khổng lồ Trung Quốc nói trên đã cho biết: “Các công ty quyết tâm theo đuổi sát chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng này. Sẽ không có biên độ thao tác nào cho các công ty [Trung Quốc] nào muốn đưa ra nhiều sáng kiến về các khoản đầu tư mới” ở Nga.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập các viên chức của ba nhà vô địch quốc gia trong lĩnh vực năng lượng này để duyệt lại các mối liên hệ của họ với các đối tác Nga, theo khẳng định của Reuters vào hôm thứ Sáu tuần này, trích dẫn hai nguồn tin thân cận với cuộc họp. Theo một trong hai nguồn tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các tập đoàn năng lượng khổng lồ này không đưa ra bất kỳ quyết định nào về các khoản đầu tư mới có thể có. Được hãng thông tấn Anh phỏng vấn, ba tập đoàn trên đã từ chối mọi bình luận về chủ đề này. Về phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ chỉ giới hạn trả lời không có lý do gì để truyền thông “về việc cho biết có hay không có các cuộc họp” về chủ đề này. “Trung Quốc là một nước lớn có độc lập. Chúng tôi có quyền duy trì mối quan hệ hợp tác bình thường trong nhiều lĩnh vực với nhiều nước khác trên thế giới”, theo lời của Ngoại trưởng Trung Quốc trong một thông cáo báo chí, để trả lời hãng Reuters.

Thế nên, Sinopec, trước đây là Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, đã đình chỉ các cuộc thảo luận về một khoản đầu tư trị giá khoảng 500 triệu US$ cho việc xây dựng một siêu nhà máy sản xuất khí đốt ở Nga, từ một trong các nguồn tin trên. Mục tiêu là liên kết tập đoàn Trung Quốc với Sibur, nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất của Nga để thực hiện một dự án tương tự như dự án đã được lên kế hoạch trị giá 10 tỷ US$: Phức hợp hóa chất & khí đốt Amur ở Đông Siberia, do Sinopec sở hữu 40% và Sibur sở hữu 60%. Phức hợp này sẽ bắt đầu các hoạt động sản xuất vào năm 2024. “Ba tập đoàn nói trên đều muốn nhân rộng ví dụ của công ty liên doanh Amur để thành lập một công ty khác và các cuộc thảo luận đã gần như hoàn tất ở giai đoạn lựa chọn địa điểm [xây dựng nhà máy]”, Reuters cho biết thêm, cũng từ một trong các nguồn tin.

SA LẦY

Tại cuộc họp giữa các quan chức của NATO vào hôm thứ Năm ở Brussels, giới lãnh đạo các nước thành viên đã tập trung phần lớn nội dung vào việc quan ngại Trung Quốc có thể tham gia vào các động thái giúp Điện Kremlin né tránh các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã quyết định áp đặt chống lại Nga. Ủy ban châu Âu, gần đây, đã tuyên bố họ có được các thông tin chính xác chứng minh việc Bắc Kinh muốn giúp Nga.

“Gần như tất cả ba mươi nhà lãnh đạo [của NATO] đều nói về Trung Quốc”, theo lời một quan chức cấp cao của tổ chức NATO, có mặt tại cuộc họp này, được tạp chí Politico của Mỹ có trụ sở tại Washington trích dẫn. Theo một trong các nhà ngoại giao tham dự cuộc hội đàm, “trọng tâm cuộc hội đàm đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng mà về cơ bản là một cuộc khủng hoảng châu Âu. Việc Trung Quốc không ngừng tuyên truyền yêu cầu giải thể NATO, ngay cả sau khi Nga khởi động cuộc chiến [ở Ukraine], đã góp phần vào hiện tượng này”.

Giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn đã đối mặt với các hành động tàn bạo của quân đội Nga ở Ukraine, chỉ có thể tự hỏi về những thất bại lặp đi lặp lại của Nga được ghi nhận ở Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã thể hiện sự chống trả quyết liệt chống lại kẻ xâm lược Nga.

Olaf Scholz (1958-)

Ngày qua ngày, quân đội Nga đang sa lầy trên chiến trường Ukraine, đến mức Bộ Quốc phòng ở Moscow, vào hôm thứ Sáu, đã cho biết kể từ giờ các lực lượng của Nga sẽ tập trung vào Donbass, vùng ly khai ở phía đông Ukraine, tuyên bố rằng Nga đã hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Diễn ngôn nói trên đã được giới lãnh đạo phương Tây diễn giải rộng rãi như là một tuyên bố thừa nhận thất bại từ phía bộ tham mưu Nga ở Ukraine, nơi đã ghi nhận hàng nghìn người chết trong hàng ngũ quân đội của họ, trong đó có nhiều tướng lĩnh, trong khi tinh thần của binh lính họ đang ở mức thấp nhất.

“Bất chấp tất cả sự tàn phá mà Nga đã gây ra ngày này qua ngày khác, cuộc tấn công của Nga đang sa lầy ở Ukraine”, theo lời của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào hôm thứ Sáu. Hoa Kỳ cũng đưa ra nhận định tương tự, trong những ngày gần đây.

VƯỢT QUA LẰN RANH ĐỎ

Bắc Kinh không thể không lưu ý rằng Nga đã trở thành một nước bị ruồng bỏ trên trường quốc tế, một tháng sau khi khởi động cuộc chiến này. Gần như chắc chắn là giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn Trung Quốc trở thành một một nước bị ruồng bỏ khác, nếu cứ khăng khăng khước từ tránh xa Vladimir Putin.

Fumio Kishida (1957-)
Vương Nghị (1953-)

Ngay từ bây giờ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với các nước thù địch với họ, chẳng hạn như Ấn Độ. Bộ trưởng Ngoại giao [Trung Quốc] Vương Nghị vừa hoàn tất chuyến viếng thăm tại New Delhi, theo đó giới chức trách Ấn Độ vẫn giữ lập trường rất thận trọng, cho rằng những bất đồng sâu sắc giữa hai nước vẫn tồn tại.

Kazakhstan, một đồng minh của Nga, đã công khai bày tỏ quan điểm không đồng tình với cuộc chiến ở Ukraine. Chưa bao giờ mối liên kết giữa các nước châu Âu lại mạnh mẽ như thế, giống như mối liên kết giữa các nước thành viên của NATO. Khi đến Brussels vào hôm thứ Sáu để tham dự hội nghị thượng đỉnh của tổ chức NATO, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ sự tôn trọng đối với những gì mà Liên minh Đại Tây Dương đã làm, trong đó nước ông là thành viên duy nhất của G7 không tham gia tổ chức NATO.

Lan Sanna Marin (1985-)
Boris Johnson (1964-)

NATO hứa sẽ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và quyết định tăng cường binh lính ở sườn phía đông của Nga. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khẳng định: “Putin đã vượt qua lằn ranh đỏ, ngăn ông khỏi chủ nghĩa man rợ. Các biện pháp trừng phạt của chúng ta càng mạnh, thì càng giúp Ukraine nhiều hơn, và càng thúc đẩy cuộc chiến này sớm kết thúc”. Ngoài ra, NATO đã không ngần ngại thúc giục Trung Quốc “kiềm chế, không ủng hộ các nỗ lực gây chiến của Nga dưới bất kỳ hình thức nào và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể giúp Nga lách các lệnh trừng phạt”, theo lời khẳng định của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.

Vào hôm thứ Năm ngày 24 tháng 3, một tháng sau khi phát động cuộc xâm lược, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt cuộc chiến ngay lập tức. 140 nước đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có Belarus, Syria, Triều Tiên và Eritrea là những nước duy nhất cùng với Nga bỏ phiếu chống. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng, cùng với Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Cuba.

Theo cái nhìn của nhiều nhà phân tích phương Tây, giờ đây có vẻ như nếu Trung Quốc càng chờ thời gian lâu hơn để tránh xa Nga, thì nước này càng có nguy cơ phải trả giá đắt về mặt ngoại giao, kinh tế và tài chính.

“SAI LẦM KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC”

Ngày 16 tháng 3, đại diện của Trung Quốc tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague đã bỏ phiếu phản đối một nghị quyết kêu gọi Nga “ngừng ngay lập tức các chiến dịch quân sự ở Ukraine”, tuy nhiên nghị quyết vẫn được thông qua với một đa số áp đảo. Kể từ khi Nga khởi động cuộc xung đột, truyền thông Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “xâm lược”, để mô tả cuộc chiến do Vladimir Putin phát động, mà chỉ sử dụng cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine” được Điện Kremlin sử dụng.

Tuy nhiên, rõ ràng, có một cuộc tranh luận trong nội bộ giới tinh hoa Trung Quốc về lập trường của Trung Quốc trong vấn đề nói trên. Chính vì thế mà Hồ Vĩ (Hu Wei), phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công trực thuộc Quốc vụ viện (tên gọi chính thức của chính phủ Trung Quốc) đã chỉ ra trong một bài báo bằng tiếng Anh được tờ US-China Perception Monitor đăng vào ngày 5 tháng 3, rằng “các chiến dịch quân sự chống lại Ukraine đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn ở Trung Quốc, với những người ủng hộ và người phản đối [cuộc chiến này] chia thành hai phe đối lập hoàn toàn”.

Hu Wei, đồng thời là giảng viên tại Viện Nghiên cứu Mác-xít thuộc Trường Đảng Cộng sản Thượng Hải và là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải, đã viết: “Chiến dịch quân sự này là một sai lầm không thể đảo ngược. Hy vọng về một chiến thắng là điều rất mong manh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đạt đến mức chưa từng có. Trung Quốc không thể gắn kết với Putin và cần cắt đứt các mối liên hệ càng sớm càng tốt. Trung Quốc cần phải thoát khỏi gánh nặng này càng sớm càng tốt. Trung Quốc cần áp dụng một thái độ trung lập” và bằng cách này nhích lại gần với phương Tây, ông nói thêm, mà không hề nhắc đến tên của Tập Cận Bình. Nhưng diễn ngôn nói trên thể hiện một sự chỉ trích rõ rệt đối với chính sách mà Chủ tịch Trung Quốc đã theo đuổi cho đến nay. Bằng cách này, Hu Wei nói tiếp, Trung Quốc sẽ có thể tránh, đến lượt mình, bị cô lập và đối mặt với các lệnh trừng phạt sẽ được áp đặt không chỉ bởi Hoa Kỳ mà còn bởi Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác.

Mykhailo Fedorov (1991-)

Phiên bản tiếng Hoa của bài báo nói trên đã bị xóa khỏi Internet ở Trung Quốc chỉ một giờ sau khi được đăng, theo lời của Mark ONeill, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông. Xin lưu ý rằng nếu các mạng xã hội của Trung Quốc không hề có lời tử tế với Ukraine và tổng thống của Ukraine, nhưng đã có nhiều thông điệp, nhanh chóng bị kiểm duyệt, cáo buộc sự xâm lược của Nga và bày tỏ sự đoàn kết, thậm chí cả sự cảm thông với người dân Ukraine.

Phản ứng của các quan chức Ukraine đang nhân lên về lập trường của Trung Quốc trong cuộc xung đột này. Chính vì thế mà Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng Ukraine, đã gửi một bức thư ngỏ cho DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất Trung Quốc, yêu cầu họ chấm dứt các mối liên hệ với Nga “cho đến khi Nga chấm dứt hẳn cuộc xâm lược ở Ukraine”.

ĐỘI NGŨ THIẾU KINH NGHIỆM

Hiện tại, người ta đã cảm nhận được tác động từ sự mập mờ của Trung Quốc đối với hồ sơ này. Chính vì thế mà các khoản đầu tư nước ngoài trong các công ty Trung Quốc có vẻ như đang giảm mạnh, do mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt có thể xảy ra đối với Bắc Kinh, trong khi thị trường chứng khoán Thâm Quyến và Thượng Hải cũng như của Hồng Kông đã lao dốc trong nhiều ngày qua.

Thế nhưng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt nhiều hơn so với nền kinh tế Nga. Thực vậy, mậu dịch giữa Trung Quốc với phương Tây đa dạng hơn. Ngoài ra, Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc trong các lĩnh vực như dầu mỏ, khoáng sản và thực phẩm.

Hôm thứ Sáu ngày 19 tháng 3, trong một cuộc điện đàm kéo dài hai giờ đồng hồ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo, một cách rõ ràng, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình về việc Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga, giải thích rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt. Theo giới ngoại giao được Mark ONeill dẫn lời, Moscow đã yêu cầu Trung Quốc tiếp tục cung cấp các máy bay không người lái vừa rẻ tiền vừa hiệu quả, vì chúng có thể dễ dàng được sử dụng vì các mục đích quân sự.

Jude Blanchette

Theo Jude Blanchette, chủ tịch ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), “sự gia tăng cường độ cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến lời kêu gọi Đài Loan cải thiện khả năng quân sự và tìm kiếm các quan hệ đối tác” với NATO, Bộ tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) và Aukus, thỏa thuận ba bên này được Úc ký kết với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh về việc cung cấp các tàu ngầm hạt nhân cho hạm đội của Úc. “Các chỉ báo hiện tại cho thấy các cố vấn quân sự của Putin đã khiến ông ấy mắc sai lầm về sức mạnh thực sự của quân đội Ukraine”, theo lời khẳng định của Jude Blanchette. Tập Cận Bình có thể rơi vào chiếc bẫy tương tự nếu dựa vào những thông tin và lời tư vấn sai lầm. “Ông Tập ngày càng được bao quanh bởi giới lãnh đạo trẻ tuổi hơn nhưng ít kinh nghiệm hơn. Điều mà ông Tập cần là một đội ngũ giàu kinh nghiệm, chứ không phải một đám gia nô mà ông hiện có”, theo lời phân tích của Jude Blanchette.

KHOẢNH KHẮC SỰ THẬT

Về phần mình, Đài Loan có xét đến việc Nga xâm lược Ukraine để xem xét các biện pháp cần thực hiện ngay lập tức nhằm chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc xâm lược có thể có của Trung Quốc. Ngay cả khi điều đó có vẻ khó xảy ra, nhưng nó vẫn ám ảnh giới cầm quyền ở Đài Bắc.

Nhưng trong bối cảnh căng thẳng này với phương Tây, Trung Quốc cũng phải tính đến mối quan hệ với Liên minh châu Âu, vốn đã căng thẳng sau cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, sự siết chặt quản lý của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, và tiến trình đồng hóa cưỡng bức ở Tây Tạng. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm 1 tháng 4 sắp tới và việc Nga xâm lược Ukraine chắc chắn sẽ là một chủ đề ưu tiên cho các cuộc thảo luận sắp tới.

Sergiy Korsunsky (1962-)

Sergiy Korsunsky, đại sứ Ukraine tại Nhật Bản, đã nói rất rõ trong các cột báo của tờ Nikkei Asia: “Ông Tập phải nhận ra rằng mối quan hệ đối tác với Putin là độc hại. Ông Tập cần phải nhanh chóng quyết định về một hướng đi mới trong hành động, nếu muốn đảm bảo một tiến trình chuyển tiếp thành công cho nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là chủ tịch [tại Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ vào mùa thu này, chú thích của BBT], và đảm bảo một nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho Trung Quốc. Điều chắc chắn tốt hơn cho Bắc Kinh là cắt đứt các mối liên hệ với Moscow, hơn là tiếp tục liên kết với nhà độc tài người Nga, người mà bàn tay đã vấy máu và hiện đang cai trị một đất nước bị ruồng bỏ.”

Khoảnh khắc sự thật đã đến với Trung Quốc. Tập Cận Bình có mọi lý do để lo lắng về các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể có đối với đất nước ông, bởi các lệnh trừng phạt này rất có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã không tốt trong hơn một năm qua. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu đi nhiều hơn nữa, thì nó có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội, và còn cả và trên hết là tình trạng bất ổn chính trị.

Thế mà tình trạng bất ổn chính trị sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Chủ tịch Trung Quốc khi Đại hội Đảng lần thứ 20 đang đến gần. Ông Tập hy vọng đại hội lần này sẽ cho phép ông nắm quyền kiểm soát Trung Quốc trong nhiều năm tới. Nhưng hiện tại không có gì chắc chắn, bởi những bất ổn gây ra từ sự tán loạn của Nga ở Ukraine và từ sự phân bổ lại hoàn toàn bản đồ địa chính trị của hành tinh.

Tác giả Pierre-Antoine Donnet

Thông tin về Tác giả

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa TQ và Hoa Kỳ]”, NXB Editions de l'Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, NXB Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, NXB Éditions de l'Aube vào năm 2021.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Guerre en Ukraine : face aux sanctions, la Chine peut-elle rester liée à la Russie?, Asialyst, ngày 26/03/2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF