7.3.22

Về sự kháng cự mang tính công dân tại Ukraine

VỀ SỰ KHÁNG CỰ MANG TÍNH CÔNG DÂN TẠI UKRAINE

Tác giả: Ioulia Shukan

Nhà nghiên cứu chính trị, giảng sư đại học

Đứng trước sự xâm lăng đất nước bởi quân đội Nga, sự kháng cự mang tính công dân của người Ukraine gây ấn tượng mạnh. Nhưng sự huy động này không phải nảy sinh từ hư vô, nó là kết quả của một quá trình dài biến chiến tranh thành hoạt động quen thuộc thường ngày kể từ khi chiến tranh bắt đầu nổ ra với cách mạng Maidan (2013-2014).

Từ khi cuộc tấn công mới của Nga vào Ukraine bắt đầu hôm 24 tháng 2 năm 2022, chúng ta đã nhận được từ đất nước này nhiều hình ảnh về sự huy động quần chúng mang tính công dân. Đàn ông và phụ nữ gia nhập các toán dân quân bảo vệ lãnh thổ để ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga, làm nhớ lại sự gia nhập các đội quân tình nguyện vào đầu cuộc chiến Donbass tám năm về trước. Như ở Kyiv (Kiev), hình thành những hàng dài chờ đợi trước các điểm phân phối vũ khí. Ở những vùng chưa có chiến sự, những nhóm nhân dân tự vệ tự tổ chức để tuần tra khu phố của họ, giám sát các di chuyển, truy đuổi dấu hiệu nghi ngờ nhỏ nhất. Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ, họ gỡ bỏ các bảng chỉ đường để làm cho lính Nga mất phương hướng.

Đàn ông và phụ nữ cũng hỗ trợ quân đội: những số lượng lớn lương thực, nước uống, thuốc men được đặt ở các điểm tiếp nhận viện trợ và các bệnh viện quân đội, tặng phẩm bằng tiền được chuyển khoản cho Bộ Quốc Phòng hay các hiệp hội chuyên biệt như Povernys Zhyvym (Come Back Alive). Lòng can đảm và quyết tâm chiến đấu của người Ukraine khơi dậy sự thán phục và dựa trên những kinh nghiệm trước đây về những hành động chung kể từ 2014.

Viktor Yanukovych (1950-)

Phong trào phản kháng mùa đông 2013-2014, có tên là Maidan, dựa theo tên gọi quảng trường trung tâm bị (phe nổi dậy – ND) chiếm đóng ở trung tâm thành phố Kyiv, đánh dấu những khởi đầu của phong trào này. Cuốn hút theo các mô hình châu Âu, dân Ukraine nổi dậy chống quyết định của tổng thống nước họ lúc đó, Viktor Yanukovych, về việc ngừng ký kết thỏa thuận liên kết giữa Liên minh châu Âu và Ukraine. Những công dân bình thường này – 92% trong số họ khẳng định không theo một đảng phái hay nghiệp đoàn nào – tự nguyện tham gia vào hoạt động hàng ngày của quảng trường bị chiếm đóng, phát triển những hoạt động cách mạng quen thuộc: dọn tuyết và bảo quản địa điểm chiếm đóng, chuẩn bị các bữa ăn, hỗ trợ y tế, lập các chướng ngại vật, tuần tra, tự vệ.

Đối mặt với sự đáp trả hung hăng của chính quyền đã giết chết ba người đầu tiên trong số người biểu tình vào ngày 22 tháng 1, sự chống đối của người dân đã mang dáng dấp của một cuộc nổi dậy. Thế là người ta thấy những người chống đối vốn ôn hòa cho đến lúc đó đối đầu với cảnh sát, gia nhập các nhóm tự vệ, tập luyện chiến đấu trong các cuộc tập trận mô phỏng. Những người biểu tình này cũng ở tuyến đầu trong cuộc tấn công cuối cùng của chính quyền từ ngày 18 đến 20 tháng hai vào quảng trường bị bao vây, với một kết cục nặng nề là 80 người chết về phía phe nổi dậy Maidan và 20 cảnh sát. Sau ba tháng hoạt động phản kháng, những người phản kháng bình thường đã nổi lên thông qua hành động, và tự khẳng định là những người chiến đấu dấn thân, quan tâm đến lợi ích chung và nhất là được trang bị một nhận thức về năng lực hành động.

Vào cuối phong trào Maidan, tiếp theo việc sáp nhập Krym vào tháng ba 2014 và khởi đầu chiến tranh ở vùng Donbass thuộc Ukraine nằm ở phía đông của Ukraine, hiện tượng chủ động tham gia chiến đấu lan rộng ra những người mới, đến lượt họ tìm thấy những sứ mệnh tình nguyện. Thế là những mạng lưới công dân hùng mạnh được thiết lập và đảm nhận một cách tự nguyện, ở tiền tuyến hoặc ở hậu phương, những hậu quả của cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng vũ trang của Ukraine và của hai nước cộng hòa ly khai thân Nga. Từ những tặng phẩm quyên góp được, họ hoạt động ở những kẽ hở của chính Nhà nước Ukraine vốn đang củng cố trở lại trong những giai đọan hiểm nguy này. Các mạng lưới này được tổ chức quanh hai cực chính: đoàn kết với các quân nhân đang hoạt động ở chiến trường, bệnh tật hay bị thương, thậm chí tử trận, và nhiều loại giúp đỡ dân thường là nạn nhân của các cuộc xung đột.

Có một sự phân chia công việc theo giới, dựa trên những biểu trưng chính về nam giới và nữ giới và nằm trong tính liên tục của sự phân công trách nhiệm trong lĩnh vực hiệp hội của Ukraine.

Viện trợ cho quân đội bao gồm cung cấp cho tiền tuyến nước uống, thức ăn, quân phục và giày, đồ dùng vệ sinh, túi cấp cứu y tế và cả trang thiết bị chiến tranh. Sự hỗ trợ này còn được thể hiện qua sự giúp đỡ (nhiều hành động giúp đỡ đa dạng, mua thuốc, chăm sóc và trang bị y tế) đối với các bệnh binh hay thương binh trong các bệnh viện quân đội ở Dnipro, Kyiv hay Kharkiv, trên nhiều khía cạnh, sự giúp đỡ này nằm trong tính liên tục của hoạt động y tế tình nguyện vốn đã nảy sinh ở từ phong trào Maidan vào tháng 1-2 năm 2014.

Đối với sự hỗ trợ dân thường là nạn nhân của chiến tranh, nó được tổ chức chung quanh nhiều hoạt động: di tản khỏi vùng chiến sự, tiếp đón những người lánh nạn trong nước bên trong các nhà ga ở Kharkiv hay Kyiv, hỗ trợ hậu cần (phục vụ bữa ăn nóng, phân phối thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ chơi, chăn nệm), pháp lý (trợ giúp trong các thủ tục hành chính) hoặc nâng đỡ về tâm lý. Một số nhóm được hình thành tự phát năm 2014 lại chuyên về trợ giúp những người tị nạn từ những vùng đặc biệt: Krym SOS trợ giúp những người Krym, Vostok SOS hay Donbass SOS trợ giúp những người tị nạn từ miền đông của Ukraine. Cuối cùng, các nhóm như Proliska hay Vostok SOS chăm lo việc phân phối viện trợ nhân đạo (các kiện thực phẩm, sản phẩm vệ sinh, thuốc men, than, vật liệu xây dựng) cho dân cư trú trong vùng xám gần tiền tuyến trước khi được các tổ chức nhân đạo quốc tế trợ lực trong công việc này.

Nhiều cuộc điều tra xã hội học nêu bật những đặc điểm chính của hoạt động tình nguyện này: hoạt động theo từng nhóm nhỏ được thành lập từ những mạng lưới quen biết nhau từ trước (gia đình, nhóm bạn) hay thông qua các mạng xã hội kỹ thuật số, một phương thức hoạt động phi chính thức và không có tính chất hành chính quan liêu, chủ yếu là một sự xếp đặt thủ công hàng ngày với những phương tiện tạm bợ, chủ yếu là các tặng phẩm quyên góp được từ dân chúng, hoặc hiếm hoi hơn là từ các mạng lưới người Ukraine ở nước ngoài. Một mặt cách làm này cho thấy tầm quan trọng của tính phi chính thức trong xã hội Ukraine, mặt khác nó cũng được xem là cách làm thích hợp nhất để chống đỡ cho tính khẩn cấp và giúp đỡ một cách cụ thể. Tuy nhiên, một số sáng kiến dần dần được thể chế hóa và chuyên nghiệp hóa trong hoạt động nhân đạo, nhờ những hợp tác ổn định được phát triển với các tổ chức Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Về phương diện xã hội học, các cuộc điều tra sn có phác họa chân dung tiêu biểu của những công dân tình nguyện: tỷ lệ phụ nữ và đàn ông hầu như ngang nhau, từ 2014 đến 2016, họ chiếm 14% dân số, trong độ tuổi 30-35, phần lớn tốt nghiệp đại học, thuộc lớp trên hay lớp dưới của tầng lớp trung lưu[1]. Có một sự phân chia công việc theo giới, dựa trên những biểu trưng chính về nam giới và nữ giới và nằm trong tính liên tục của sự phân công trách nhiệm trong lĩnh vực hiệp hội của Ukraine: nữ giới đông hơn trong hoạt động trợ giúp những người lánh nạn trong nước, chăm sóc thương binh, các xưởng chuẩn bị thức ăn cho tiền tuyến hay dệt các tấm lưới ngụy trang.[2]

Tuy đàn ông không bị loại ra khỏi những nhóm này nhưng họ chỉ thỉnh thoảng tham gia hoặc ở vị trí nhà tài trợ. Việc cung ứng cho tiền tuyến bao gồm đại diện của cả hai giới. Một sự phân chia theo vùng cũng cấu tạo nên các mạng lưới này: những sáng kiến đoàn kết với quân đội có nhiều hơn phía tây và trung tâm của đất nước, còn các nhóm trợ giúp người lánh nạn trong nước phát triển nhiều hơn ở Donbass và những vùng lân cận về phía đông và phía nam. Một cách chung hơn, dân cư các thành phố lớn tham gia nhiều hơn dân các địa phương nhỏ và trung bình.

Tình trạng “không chiến tranh cũng không hòa bình” được quan sát cho đến gần đây trên các tuyến đầu tạo thuận lợi cho việc đưa cuộc xung đột vũ trang vào đời sống thường nhật của các công dân tình nguyện.

Việc theo dõi qua thời gian lộ trình cá nhân của những người tình nguyện Ukraine cho thấy rằng, cũng như sự tham gia vào phong trào Maidan, sự tình nguyện đồng nghĩa với một sự chính trị hóa mạnh mẽ của các tác nhân. Nó dẫn dắt họ vươn lên sống với những tình huống bất trắc hàng ngày để chăm sóc người khác (những người lánh nạn trong nước, thương binh hay chiến sĩ ngoài mặt trận) và cho việc chung (hoạt động công cộng hướng đến các nạn nhân, những bùng nỗ bạo lực mới). Nó cũng định hình các khuôn khổ diễn giải cuộc xung đột vũ trang, trong đó đã từ lâu nước Nga như một nước xâm lược đã ủng hộ bằng nhiều cách các nền cộng hòa ly khai. Điều này khiến nhiều người giữ khoảng cách với người láng giềng này, đáng chú ý là việc sử dụng tiếng Ukraine trong đời sống thường ngày ở một nước còn in đậm dấu ấn của tính song ngữ thụ động Nga-Ukraine.

Định hình lại sự thuộc về của quốc gia còn còn được phản ánh trong các quá trình tự xác định lại, chúng tác động sâu sắc đến xã hội Ukraine với quá trình “phi Nga hóa” từ cơ sở – giảm từ 21% năm 2014 xuống 13% năm 2017 số người chỉ nói tiếng Nga, yêu chuộng sách báo, các kênh truyền hình hay các trang web internet bằng quốc ngữ (tiếng Ukraine - ND) – là một trong những biểu hiện rõ nét nhất.[3]

Ioulia Shukan

Các cuộc điều tra theo lát cắt thời gian cũng cho thấy rằng tình hình “Không chiến tranh cũng không hòa bình” được quan sát cho đến gần đây trên các tuyến đầu tạo thuận lợi cho việc đưa cuộc xung đột vũ trang vào đời sống thường nhật của các công dân tình nguyện[4]. Bằng cách liên kết các lĩnh vực khác nhau (nghề nghiệp, bạn bè, thân hữu và gia đình) trong đời sống của họ, hoạt động tình nguyện đặt sự dấn thân của họ trong dài hạn và cản trở mọi viễn cảnh giải ngũ vĩnh viễn chừng nào đất nước của họ còn sống trong một cuộc xung đột vũ trang không được dập tắt.

Cũng như trong các lĩnh vực khác, việc nhận trách nhiệm về những hậu quả của chiến tranh được gắn vào những hoạt động quen thuộc hàng ngày, chúng lại càng bình thường hơn khi việc trở lại giai đoạn nóng của xung đột vũ trang chưa bao giờ được loại trừ ra khỏi tầm suy nghĩ. Vậy là việc làm cho chiến tranh trở thành thói quen trong tám năm vừa qua và một cơ sở hậu cần quan trọng đã phát triển chung quanh nó ngày nay đang giúp cho các công dân Ukraine tổ chức việc kháng cự của họ trước sự xâm lược mới của Nga.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:De la résistance citoyenne en Ukraine”, AOC, 5.3.2022.




Chú thích:

[1] Volonters’kyi rukh v Ukraini (Phong trào tình nguyện ở Ukraine) (2014). Growth from Knowledge (GfK) Ukraine. Thăm dò được thực hiện vào tháng chín-mười 2014 cho tổ chức USAID, sáng kiến PACT.

[4] Linhardt, D. & Moreau de Bellaing, C. (2013). “Ni guerre, ni paix: Dislocations de l’ordre politique et décantonnements de la guerre Politix, 104, 7-23.

Print Friendly and PDF