20.3.22

Cộng đồng những nhà nghiên cứu trên thế giới lên án cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine

CỘNG ĐỒNG NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU TRÊN THẾ GIỚI LÊN ÁN CUỘC XÂM LƯỢC CỦA NGA TẠI UKRAINE

Sự chỉ trích đối với khoa học Nga ngày càng tăng khi cuộc xung đột chết người bước sang ngày thứ sáu.

Nisha Gaind & Holly Else

Binh sĩ Ukraine đi bộ ở trung tâm thủ đô Kyiv, nơi đang bị quân Nga bắn phá. Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty

Cuộc xâm lược không chính đáng của Nga vào Ukraine đã tạo ra làn sóng lên án từ các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới. Một số tổ chức ở các quốc gia phương Tây đã nhanh chóng cắt đứt liên kết với Nga – cắt tài trợ và nguồn lực và chấm dứt hợp tác với các nhà khoa học Nga. Từ Mauritius cho đến Latvia, các học viện khoa học quốc gia và các nhóm nghiên cứu đã đưa ra tuyên bố chỉ trích gay gắt cuộc xung đột và ủng hộ các đồng nghiệp Ukraine của họ.

Tại Ukraine, các nhà khoa học đang gây áp lực buộc các quốc gia phải loại Nga khỏi các chương trình khoa học của họ, đồng thời kêu gọi các viện và các nhà lãnh đạo khoa học của Nga lên án cuộc xâm lược.

Maksym Strikha (1961-)

“Cần phải có một cuộc tẩy chay hoàn toàn cộng đồng học thuật Nga. Không có hợp tác gì hết,” Maksym Strikha, một nhà vật lý tại Đại học Quốc gia Taras Shevchenko của Kyiv nói, ông đang ở trung tâm thủ đô Ukraine và cho biết chiến tuyến cách đó 30 km. Điều đó bao gồm việc cấm các bài báo do tác giả người Nga đăng trên các tạp chí phương Tây và cấm các nhà nghiên cứu có liên kết với Nga tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế, ông nói. Cộng đồng học thuật Nga cũng nên trả giá cho việc ủng hộ [Tổng thống Nga Vladimir] Putin”.

Eugene Koonin (1956-)

Điệp khúc lên án bao gồm tiếng nói của hàng nghìn nhà khoa học ở Nga, những người nói rằng họ kinh hoàng trước hành động của chính phủ. Trong một lá thư do các nhà nghiên cứu ở Nga tổ chức và được hơn 5.000 người ký tên, các nhà khoa học lên án mạnh mẽ các hành động thù địch và nói rằng giới lãnh đạo Nga đã phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa vì “tham vọng địa chính trị”. Bức thư có chữ ký của khoảng 85 nhà khoa học là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, một cơ quan chính phủ giám sát nhiều nghiên cứu quốc gia. Một viện sĩ, nhà sinh vật học Eugene Koonin tại Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ ở Bethesda, Maryland, đã từ chức tư cách thành viên nước ngoài của mình với lý do lãnh đạo viện đã không có hành động. (Viện Hàn lâm Khoa học Nga không phản hồi yêu cầu bình luận của Nature.)

Người dân ở St Petersburg, Nga, phản đối cuộc xâm lược quân sự của chính phủ họ tại Ukraine. Ảnh: Valya Egorshin/NurPhoto/Getty

Các hợp tác bị hủy bỏ

Một trong số những hành động mạnh mẽ nhất từng được thực hiện cho đến nay là quyết định của một nhóm các nhà tài trợ nghiên cứu lớn nhất ở Đức, bao gồm cả Quỹ Nghiên cứu Đức, đã đóng băng mọi hợp tác khoa học với Nga. Trong một tuyên bố ngày 25 tháng 2, nhóm này – tức Liên minh các tổ chức khoa học ở Đức – nói rằng các quỹ nghiên cứu của nước này sẽ không còn tài trợ cho Nga, rằng sẽ không có sự kiện khoa học chung nào diễn ra và sẽ không có sự hợp tác mới nào. Liên minh nhận thức được hậu quả của những biện pháp này và đồng thời vô cùng tiếc nuối đối với khoa học,” theo bản tuyên bố.

Mikhail Gelfand (1963-)

“Học trò cũ của tôi sống ở Đức và chúng tôi vẫn cộng tác. Cô ấy được cấp trên thông báo rằng bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với các nhà khoa học Nga đều sẽ bị không còn được tin tưởng và bị giảm thiểu mạnh mẽ,” Mikhail Gelfand, người đồng tổ chức bức thư của các nhà khoa học Nga và là giảng viên sinh học tại Trung tâm Khoa học Đời sống Skoltech ở Moscow cho biết. “Theo những gì tôi thấy, chuyện này đang xảy ra ở nhiều nơi.”

Ông ấy nói rằng tâm trạng của các đồng nghiệp ở Nga đang “tệ khủng khiếp”. Ông nói: “Không ai nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tiến xa đến mức xâm lược trực tiếp.” Không ai nghĩ rằng Nga sẽ tấn công Kyiv.” Gelfand nói rằng ông hy vọng có một cách nào đó mà các biện pháp trừng phạt chung không gây hại cho cá nhân các nhà khoa học, nhiều người trong số họ đã công khai phản đối chiến tranh.

Tại Hoa Kỳ, Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge đã kết thúc mối quan hệ với Skolkovo Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Moscow tập trung vào đổi mới. Vào năm 2011, các đối tác đã thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, hay Skoltech, ở Moscow. Chúng tôi ra quyết định này với niềm tiếc nuối sâu sắc bởi lòng tôn trọng to lớn đối với người dân Nga và sự cảm kích sâu sắc đối với những đóng góp của nhiều đồng nghiệp Nga phi thường mà chúng tôi đã cộng tác,” một tuyên bố ngày 25 tháng 2 từ MIT.

George Freeman (1967-)

Và vào ngày 27 tháng 2, Bộ trưởng Khoa học Vương quốc Anh George Freeman đăng trạng thái trên Twitter rằng ông đã tiến hành một cuộc xét lại nhanh về nguồn tài trợ nghiên cứu-đổi mới từ chính phủ Vương quốc Anh cho những người thụ hưởng Nga.

Hoàn toàn tẩy chay

Trong khi đó, các nhà khoa học Ukraine đang vận động để thuyết phục các tổ chức quốc tế có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Nga. Hơn 130 người đã ký một bức thư ngỏ gửi tới Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu kêu gọi đình chỉ khẩn cấp tất cả các khoản tài trợ và sự hợp tác quốc tế với các tổ chức của Nga. Liên minh châu Âu không thể cung cấp tài chính cho các tổ chức phụ thuộc vào chế độ của Putin nữa” nếu Liên minh muốn hành động phù hợp với “các giá trị đã tuyên bố”, bức thư viết.

Tuyên bố do Hội đồng các nhà khoa học trẻ Ukraine khởi xướng nói rằng Nga không được tham gia vào các chương trình của EU như chương trình nghiên cứu trọng điểm Horizon Europe; chương trình trao đổi Erasmus+e; các hợp tác quốc tế như phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý-hạt CERN gần Geneva, Thụy Sĩ; và dự án tổng hợp hạt nhân quốc tế ITER, ở miền nam nước Pháp. Vào ngày 5 tháng 3, Ủy ban châu Âu cho biết họ đang đình chỉ hợp tác khoa học với Nga. Trong một bản tuyên bố, tổ chức này cho biết họ sẽ dừng những khoản thanh toán cho các đối tác nghiên cứu của Nga và xem lại tất cả các dự án có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu Nga theo chương trình trọng điểm Horizon Europe và tiền thân của nó là Horizon 2020. “Liên minh châu Âu sát cánh với Ukraine và người dân nơi đây,” một phát ngôn viên của ủy ban nói.

Một sự bãi bỏ quan trọng khác là hội nghị bốn năm một lần của Liên minh Toán học Quốc tế, nơi trao tặng Huy chương Fields danh giá và dự kiến ​​được tổ chức tại St Petersburg vào tháng Bảy. Dưới áp lực ngày một tăng từ các hiệp hội toán học quốc gia và hơn 100 diễn giả được mời, ngày 26 tháng 2 công đoàn cho biết họ sẽ tổ chức trực tuyến Đại hội các nhà toán học quốc tế do cuộc xung đột.

Đẩy mạnh hành động

Một số nhà khoa học Ukraine nói rằng mặc dù họ đánh giá cao sự hỗ trợ của những người đồng cấp Nga, nhưng các hành động đã được công bố vẫn chưa đi đủ xa. Đặc biệt, các cơ sở học thuật của Nga đã thất bại trong việc lên án hành động xâm lược, một bức thư ngỏ từ Viện Hàn lâm Khoa học của Trường Đại học Ukraine cho biết. Họ nói: “Chúng tôi kêu gọi các nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức này không được nhận vào các nhóm tài trợ quốc tế, không được mời tham dự các hội nghị quốc tế và không được đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế hàng đầu.”

Alexander Kabanov (1962-)

Ban biên tập của ít nhất một tạp chí, Journal of Molecular Structure (Tạp chí Cấu trúc Phân tử), đã quyết định không xem xét các bản thảo của những nhà khoa học làm việc tại các viện ở Nga nữa.

Alexander Kabanov, một nhà hóa học Nga-Mỹ tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, người đồng tổ chức một lá thư từ các nhà nghiên cứu Nga sống ở nước ngoài, nói rằng hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu Ukraine là bước quan trọng tiếp theo. Ông nói: “Hiện tại, rất nhiều người Ukraine đang chiến đấu cho đất nước của họ và một số là người tị nạn. Cộng đồng học thuật phương Tây nên phát triển các chương trình hỗ trợ cho những người Ukraine cần được giáo dục và đào tạo về khoa học. Tôi tin rằng các phòng thí nghiệm nên mở cửa cho họ.”

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Global research community condemns Russian invasion of Ukraine, Nature, Mar 7, 2022.

Print Friendly and PDF