CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE, MỘT THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC CỦA TẬP CẬN BÌNH
Lực lượng ly khai Ukraine thân Nga đứng gần một chiếc xe tăng bị bỏ lại trên đường giữa hai địa phương ly khai Mykolaivka và Buhas, giữa cuộc xâm lược Ukraine, ở vùng Donetsk, vào ngày 1 tháng 3 năm 2022. (Nguồn: Japan Times) |
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang ở ngã ba đường: những khó khăn trên chiến trường kết hợp với các lệnh trừng phạt có nguy cơ dẫn nước Nga của Vladimir Putin vào một cuộc chiến một mất một còn. Vụ tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia minh chứng cho điều này. Nhưng nếu quân đội Nga có thể thành công trong việc kiểm soát đất nước này, thì người đàn ông cứng rắn của Điện Kremlin, ngày nay, lại thấy mình hoàn toàn bị cô lập trước phương Tây. Một sự đảo ngược mà Nga chưa bao giờ trải qua trong nhiều thập kỷ, và một bước lùi chiến lược mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải rút ra các bài học.
Không thể thành công trong việc xâm lược toàn bộ Ukraine trong vài ngày, quân đội Nga đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của người Ukraine trong khi đại đa số 192 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã bày tỏ sự phản đối sâu sắc đối với chủ nghĩa phiêu lưu của Vladimir Putin trong cuộc họp đại hội đồng ở New York. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ra một trận tuyết lở về các lệnh trừng phạt kinh tế, thương mại và tài chính, mà theo đó có khả năng sẽ khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng.
Chưa bao giờ phương Tây lại đoàn kết đến thế khi đối mặt với hành động hủy diệt một quốc gia như thế. Liên minh châu Âu, theo truyền thống đối mặt với một quá trình xây dựng khó khăn và tốn nhiều công sức, đã thành công, trong một tuần, điều mà họ đã thất bại trong mười năm. Chỉ trong vài ngày, cuộc xâm lược Ukraine đã làm dấy lên một sự ghê tởm và những phản ứng thù địch vượt xa khuôn khổ của EU và Hoa Kỳ, để ảnh hưởng đến phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và Trung Đông.
Từ nay, người ta có vẻ thấy rất rõ ông chủ của nước Trung Quốc cộng sản không muốn đất nước ông bị khinh miệt trên trường quốc tế nếu tình cờ, Tập Cận Bình quyết định tận dụng cơ hội này để thực hiện một cuộc xâm lược Đài Loan bằng quân sự.
Scott Boston |
Cuộc xâm lược Ukraine đã chứng tỏ một sai lầm chiến thuật và chiến lược đáng ngạc nhiên, được đánh dấu bởi tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, các phương tiện vũ trang bị bỏ lại, máy bay bị bắn rơi và binh lính bị tử vong. Đó là suy nghĩ của một số chuyên gia Mỹ về quân đội Nga, khi cho biết, vào hôm thứ Năm ngày 3 tháng 3, rằng họ rất ngạc nhiên bởi sự quản lý yếu kém của chiến dịch, với sự sa lầy của các quân đoàn xâm lược, hàng trăm xe bọc thép của Nga dường như đã bị thiệt hại, và lực lượng không quân của Điện Kremlin bị các lực lượng phòng thủ Ukraine ngăn cản kiểm soát bầu trời. Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức think tank Rand Corp, cho biết: “Khi bạn gặp khó khăn sau hai hoặc ba tuần lễ đầu, thì điều đó có thể hiểu được. Nhưng khi bạn vấp phải khó khăn ngay trước ngưỡng cửa khi bước vào nhà, thì đó là một vấn đề khác.”
Điều mà Lầu Năm Góc và các chuyên gia thuộc khu vực tư nhân chờ đợi là quân đội Nga sẽ nhanh chóng phá hủy khả năng chống trả của Ukraine, làm suy yếu quyền chỉ huy 200.000 quân Ukraine, bằng cách phá hủy các tuyến phòng thủ tên lửa và tiêu diệt lực lượng không quân của Kiev. Nhưng không có trong số các điều trên, không có gì xảy ra trong tám ngày đầu tiên của cuộc chiến cả. Và, ngay cả khi không có một ước tính đáng tin về số lượng binh sĩ Nga bị chết, bị thương hoặc bị bắt, con số đó có vẻ như cao hơn nhiều so với dự kiến cho một cuộc xâm lược được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Michael Vickers (1953-) |
“Đây là một thất bại khổng lồ của tình báo [Nga], đã đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine, và cuộc hành quân đã diễn ra thật khủng khiếp”, theo lời giải thích của Michael Vickers, trong tuần này, cựu Thứ trưởng tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Đây có thể là lý do vì sao giọng điệu của chính quyền Trung Quốc đã thay đổi sâu sắc kể từ khi Nga bắt đầu các chiến dịch quân sự trên đất Ukraine.
“TRUNG QUỐC TÔN TRỌNG SỰ TOÀN VẸN LÃNH THỔ CỦA TẤT CẢ CÁC NƯỚC”
Khi Vladimir Putin đến Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 2 để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, ông và Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố rằng mối quan hệ Trung-Nga chưa bao giờ tốt như vậy. Điều đó diễn ra sau bốn giờ đối thoại giữa hai người. Rồi chính phủ Trung Quốc đã cẩn thận kiềm chế không lên án việc quân đội Nga xâm nhập Ukraine là xâm lược, song cũng tránh chào đón hành động xâm lược này.
Tiếp theo đó, vào ngày 26 tháng 2, Trung Quốc đã phần nào tách xa lập trường của Nga khi quyết định bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án bằng “những từ ngữ mạnh mẽ nhất” cuộc tiến công Ukraine của Nga và kêu gọi Moscow rút quân “ngay lập tức” khỏi lãnh thổ Ukraine. Nga là nước duy nhất phủ quyết nghị quyết này.
Dmytro Kuleba (1981-) |
Vương Nghị (1953-) |
Hành động bỏ phiếu trắng này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã thay đổi lập trường. Sau đó, giọng điệu cũng thay đổi. Ví dụ, hôm thứ Ba ngày 1 tháng 3, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói “vô cùng hối tiếc” về xung đột giữa Nga và Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2. Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã nói thêm rằng Trung Quốc “cực kỳ quan tâm đến những tổn hại mà người dân thường đã phải gánh chịu”, đồng thời kêu gọi hai nước “tìm cách giải quyết vấn đề thông qua đàm phán”, kênh truyền hình CCTV đã đưa tin.
Việc các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, và đặc biệt là kênh truyền thông chính thức của chế độ được theo dõi rộng rãi trong cả nước, đưa tin về các tuyên bố nói trên nói lên rất nhiều về sự bối rối của chế độ Trung Quốc, mà theo đó có vẻ như không muốn theo gương Nga đối với vấn đề Đài Loan. Nhưng Vương Nghị không chỉ dừng lại ở đó. Chính phủ Trung Quốc, giờ đây, tuyên bố sẵn sàng đóng một vai trò nào đó trong việc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn giữa Moscow và Kiev. “Ukraine rất muốn tăng cường đối thoại với Trung Quốc và nước này hy vọng có thể đóng một vai trò nào đó trong việc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Trung Quốc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, theo lời dẫn trong một thông cáo báo chí chính thức của Trung Quốc ở cuối cuộc điện đàm này.
Chính quyền Bắc Kinh không đi quá xa trong việc xác định liệu họ có chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Nga đối với Crimea hay không và liệu họ có ủng hộ việc công nhận các nước ly khai thân Nga ở vùng Donbass, miền đông Ukraine hay không. Nhưng tuyên bố nói trên hoàn toàn trái ngược với lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: vào ngày 24 tháng 2, khi được hỏi về chủ quyền của Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời rằng tình hình hiện tại xuất phát từ “sự kết hợp của nhiều nhân tố”, mà không đề cập đến việc quân đội Nga xâm nhập Ukraine như một cuộc xâm lược.
Guo Shuqing (1956-) |
Tất nhiên, sẽ không có việc Trung Quốc tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga. Đây là những gì mà Chủ tịch Ủy ban điều tiết lĩnh vực bảo hiểm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Guo Shuqing, đã giải thích vào hôm thứ Tư, ngày 2 tháng 3, nhấn mạnh rằng Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt tài chính chống lại Nga. “Mọi người đang quan sát cuộc xung đột quân sự này, hay một cuộc chiến tranh, giữa Nga và Ukraine. Lập trường của Trung Quốc đã được bộ trưởng Bộ ngoại giao nói rõ. Chính sách quốc tế của chúng tôi rất rõ ràng. Liên quan đến các cuộc trừng phát tài chính, chúng tôi không ủng hộ các biện pháp đó. Trung Quốc sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt đó”, theo lời của Guo Shuqing tại một cuộc họp báo.
“NGƯỜI UKRAINE ĐANG TRẢI QUA MỘT THỜI KỲ KHÓ KHĂN”
Trên thực tế, các mạng xã hội Trung Quốc, bị giám sát và kiểm duyệt cực kỳ nghiêm ngặt ngay sau khi có một ý kiến được coi là có tính phá hoại, đã bùng nổ các bình luận về cuộc chiến này kể từ một tuần nay. Tất nhiên, hầu hết người dùng Internet tán thành hành động hiếu chiến của Putin và tin rằng đã đến lúc Trung Quốc cũng nên làm điều tương tự với Đài Loan.
Nhưng cũng có người khác biến cuộc chiến này thành trò chế nhạo hoặc thậm chí chỉ trích nó một cách thâm độc. Thế nên, các bình luận đó đánh giá cuộc chiến này là “lố bịch”. Những bài đăng như “Bạn có muốn chào đón những phụ nữ Ukraine xinh đẹp từ 18 đến 24 tuổi về nhà mình không?” khiến nhiều cư dân mạng phẫn nộ. Các nhà kiểm duyệt đã xóa hàng nghìn bài đăng bị cho là “thô tục”. Chỉ riêng nền tảng Weibo, tương đương với Twitter ở Trung Quốc, đã xóa 4.000 bài đăng chỉ trong ngày 27 tháng 2, theo nhật báo Nikkei Asia.
Weibo đã kêu gọi người dùng mạng nên ‘khách quan và duy lý’ và tham gia các cuộc thảo luận một cách “hợp lý” khi nói về tình hình quốc tế. Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, cũng đã xóa các tài khoản bị cho là “không phù hợp” liên quan đến Ukraine và đã xóa khoảng 6.400 video vào ngày 26 tháng 2. Trang web này giải thích “Một số người dùng mạng đã hiểu vấn đề này một cách không phù hợp và đã đổ thêm dầu vào lửa. Đặc biệt, họ đã đùa cợt về một chủ đề nghiêm trọng và đăng tải video về các ‘người đẹp Ukraine’, lan truyền thông tin sai lệch và làm hỏng bầu không khí trên nền tảng này.”
Về phần Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine, họ đã kêu gọi người Trung Quốc bình tĩnh trong một bức thư ngỏ. “Người Ukraine đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Chúng ta nên thông cảm với họ và kiềm chế không khiêu khích họ”, theo lời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine trên tài khoản WeChat vào ngày 26 tháng 2. Vào ngày 24 tháng 2, Nhà Trắng đã hối thúc Trung Quốc lên án Vladimir Putin. Theo báo New York Times, trích dẫn một nguồn tin từ các cơ quan tình báo Mỹ, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đặc biệt yêu cầu các quan chức Nga không xâm lược Ukraine vào đầu tháng 2 [thời kỳ diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh – ND].
“THAY ĐỔI ĐỘT NGỘT THEO CHIỀU GIÓ”
Một dấu hiệu khác cho thấy sự lo lắng nhất định trong hành lang quyền lực ở Bắc Kinh, một bài xã luận của Nhật báo Quảng Minh [Guangming Daily], nhật báo được xếp vào số những tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã cho đăng, trong ấn bản số tháng 3, một bài báo có tiêu đề “Xu hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi trong quan hệ Mỹ-Trung”. Bài xã luận này đã xuất hiện một ngày sau lễ kỷ niệm 50 năm xuất bản “Thông cáo Thượng Hải”, một văn kiện ngoại giao được ký vào ngày 28 tháng 2 năm 1972 trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tới đất nước Trung Quốc, đánh dấu sự xích lại gần và sau đó là bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Chuyến thăm lịch sử này đã dẫn đến một nửa thế kỷ chung sống hòa bình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bất chấp những giai đoạn căng thẳng nặng nề, chuyến thăm lịch sử đó đã thúc đẩy một quan hệ hợp tác năng động về kinh tế và thương mại giữa hai nước. “Quan hệ Trung-Mỹ đã trở thành một trong các mối quan hệ song phương chặt chẽ nhất trên thế giới, với các lĩnh vực hợp tác rộng lớn nhất và các lợi ích chung quan trọng nhất”, bài xã luận đã hoan nghênh mối quan hệ đó, cho rằng không thể có được sự phát triển kinh tế thế giới nào và sự ổn định toàn cầu nào mà không có sự hợp tác giữa hai cường quốc này.
Tao Jingzhou |
Bài báo này đã khiến rất nhiều nhà quan sát Trung Quốc ngạc nhiên, chẳng hạn như Tao Jingzhou, một luật sư nổi tiếng người Trung Quốc nói tiếng Pháp: “Vào thời điểm khi mà mối quan hệ Trung-Mỹ gần như đóng băng, và khi các khẩu hiệu đang được nhân rộng, tán dương mối quan hệ Trung-Nga – quá tốt đến mức ‘vô biên’ – [việc một cơ quan của ĐCSTQ khẳng định rằng] xu hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi trong mối quan hệ Trung-Mỹ là không thể đảo ngược [là một sự đảo ngược đáng ngạc nhiên].”
Đó là “một sự thay đổi đột ngột theo chiều gió”, một blogger Trung Quốc viết trên Wechat và châm biếm: “Người dùng Internet không thể theo kịp tốc độ thay đổi.” Ví dụ, blogger này rất ngạc nhiên khi hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã đăng một bài báo liệt kê những thành công của sự hợp tác Trung-Mỹ, chẳng hạn như việc các tỉnh thành ở hai bờ Thái Bình Dương kết nghĩa với nhau. “Chuyện gì đang xảy ra hôm nay?”, một người dùng Internet đã biểu lộ sự ngạc nhiên trong lời bình của anh.
“UKRAINE, CHIẾC CẦU NỐI GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY HƠN LÀ MỘT CHIẾN TRƯỜNG ĐỐI ĐẦU”
Uông Văn Bân (1971-) |
Thêm vào đó là những tuyên bố không rõ ràng của Uông Văn Bân [Wang Wenbin], một trong những phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi khẳng định vào ngày 28 tháng 2: “Trung Quốc luôn cho rằng an ninh của một nước không thể được xây dựng trên cơ sở làm tổn hại đến an ninh của các nước khác, và càng không xuất phát từ việc xâm phạm chủ quyền và an ninh của các nước khác, nhằm theo đuổi ưu thế quân sự và an ninh của chính nước mình”. Những lời nói trên, được mạng truyền thông trực tuyến Pengpai dẫn lại, được một số nhà quan sát diễn giải như là lời chỉ trích về sự hung hăng của Nga, và được một số người khác coi là nhắm đến Hoa Kỳ và NATO.
Vào hôm thứ Tư tuần này, ngày 2 tháng 3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết “yêu cầu Nga ngừng sử dụng vũ lực ngay lập tức đối với Ukraine”, trong một cuộc bỏ phiếu được 141 nước trong số 193 nước thành viên bỏ phiếu thuận áp đảo. Không có gì ngạc nhiên khi chỉ có 5 nước bỏ phiếu chống: Nga, cũng như Belarus, Triều Tiên, Eritrea và Syria. 35 nước, trong đó có Trung Quốc, bỏ phiếu trắng.
Zhang Jun (1960-) |
Vào hôm trước cuộc bỏ phiếu này, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Zhang Jun, đã nói: “Ukraine nên đóng vai trò là cầu nối giữa Đông và Tây hơn là một chiến trường đối đầu cho các vấn đề địa chính trị.” Và ông nói thêm, với một sự thẳng thắn rất khác thường trong miệng của một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc: tình hình ở Ukraine là điều mà Trung Quốc “không muốn thấy và không có lợi cho bất kỳ bên nào có liên quan”. Một thông điệp ngầm nhắm vào chủ nhân Điện Kremlin.
“các CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI” BỊ ẢNH HƯỞNG
Những hệ lụy kinh tế của cuộc chiến này đã được Trung Quốc cảm nhận. Một trong số đó là tác động đến “Con đường tơ lụa mới” (Sáng kiến Vành đai và Con đường, hay BRI) về những hậu quả ngoại giao và tài chính của cuộc xung đột đối với một số nước thành viên của chương trình nói trên, chẳng hạn như Ba Lan hoặc Kazakhstan. Vào ngày 6 tháng 2, Tập Cận Bình đã tiếp đón Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda một cách trọng thị và đã thảo luận rất lâu với người đồng cấp Ba Lan về quan hệ hợp tác song phương mà, trong mắt của Bắc Kinh, nên biến quốc gia Trung Âu này trở thành “cửa ngõ tiến vào châu Âu”. Duda là nhà lãnh đạo duy nhất của Liên minh châu Âu đã đến Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông vào tháng trước.
Kế hoạch hoành tráng này tiên đoán việc sử dụng các tuyến đường sắt xuyên Ba Lan để biến nó thành một mắc-xích then chốt đối với BRI, bởi vì chúng có thể giúp kết nối Trung Quốc với châu Âu dọc theo hành lang này, xuyên qua tất cả các vùng Âu-Á, thông qua Kazakhstan, Nga và Belarus. Tuy nhiên, gần một nửa số chuyến tàu này lại đi qua Nga và cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ làm tê liệt tuyến giao thông này trong thời gian dài do các lệnh trừng phạt của châu Âu đang giáng xuống Moscow.
Vào hôm thứ Năm, ngày 3 tháng 3, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), được thành lập vào năm 2016 theo sáng kiến của Trung Quốc cùng với nhiều nước khác trong đó có Nga, đã thông báo trong một thông cáo báo chí rằng “từ nay sẽ đóng băng và xem xét lại tất cả các hoạt động của họ với Nga và Belarus do cuộc xâm lược Ukraine. Trong khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á bày tỏ thiện cảm tới tất cả những ai bị ảnh hưởng. Trái tim của chúng tôi hướng tới tất cả những ai đang đau khổ.” Ngân hàng AIIB thường được coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới, vốn có trụ sở chính ở Washington và chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Nhưng điều chắc chắn khiến cường quốc Trung Quốc lo lắng nhất là mối đe dọa hạt nhân mà Vladimir Putin đã đưa ra, một sáng kiến chỉ có thể là vô trách nhiệm sâu sắc trong con mắt của Tập Cận Bình. Hiện vẫn còn phải xem diễn biến cuộc chiến ở Ukraine sẽ như thế nào trong những ngày tới hoặc tuần tới, và hậu quả của nó đối với Trung Quốc và các nước Đông Á. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, giới chức trách Trung Quốc đang tăng gấp đôi sự thận trọng, và đã có xu hướng ngày càng giữ khoảng cách với Vladimir Putin.
Tác giả Pierre-Antoine Donnet
Giới thiệu Tác giả
Pierre-Antoine Donnet (1953-) |
Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, vị cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, Nhà xuất bản Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, Nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Cuốn sách mới nhất của ông là “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, Nhà xuất bản Éditions de l’Aube, năm 2021.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La guerre en Ukraine, un défi majeur pour la Chine de Xi Jinping, Asialyst, ngày 04/03/2022.
* * *
UKRAINE, HỒNG KÔNG, ĐÀI LOAN: ĐẰNG SAU CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN LÀ ĐẾ CHẾ
Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh
BRICS lần thứ 11 ở Brasilia năm 2019. (Nguồn: Asia Times)
Tại Đài Bắc, diễn ngôn chính thức nhằm trấn an người dân: Ukraine và Đài Loan có rất nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, cũng không thiếu những điểm tương đồng, nếu không bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng kia thì vẫn có các mối liên hệ trực tiếp chi phối thái độ của Hoa Kỳ đối với hai hồ sơ trên. Một thái độ mà Hoa Kỳ đã không chờ đến cuộc tấn công của Nga, để ngày càng rõ nét hơn. Stéphane Corcuff trình bày sau đây một liệt kê có tính lịch sử, chính trị và địa chính trị về những điểm tương đồng giữa ba cuộc khủng hoảng: cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ở Hồng kông và ở eo biển Đài Loan. Tất cả các cuộc khủng hoảng đó đều dẫn dẫn chúng ta nhìn lại vai trò địa chính trị của Đế chế, vốn chưa bao giờ biến mất dưới thời chủ nghĩa cộng sản.
Có rất nhiều điểm chung giữa Ukraine và Đài Loan, cả về logic chính trị nội bộ ở Nga và Trung Quốc, cũng như trong lãnh vực địa chính trị của hai cuộc xung đột. Trước hết, và đây là điểm nổi bật nhất, hai cuộc khủng hoảng đó được cấu trúc bởi phong trào dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất của hai Nhà nước bán-đế quốc, hoặc hậu-đế quốc, là Nga và Trung Quốc – phong trào dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất là sự bất lực của một Nhà nước khi không thể chấp nhận một vùng lãnh thổ xưa kia từng là một phần lãnh thổ của mình, mà ngày nay không còn thuộc về mình nữa, sự bất lực đó sẽ biến thành một sự khao khát và ám ảnh thôn tính, mà hầu hết các đặc điểm khác của cuộc xung đột sẽ phát sinh từ đó.
Như một hệ luận của phong trào dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất, diễn ngôn về tính không chính danh lịch sử của chế độ đối lập là điểm chung của hai Nhà nước Nga và Trung Quốc. Cả hai đều nhấn mạnh đến thực tế là hai Nhà nước Ukraine và Nhà nước Đài Loan – Trung Hoa Dân Quốc, tiền thân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và rút lui đến Đài Loan từ năm 1949 – đều mang tính không chính danh và không hợp pháp, và rằng sự xuất hiện mang tính lịch sử của các Nhà nước đó là một sự cố lịch sử. Vladimir Putin cáo buộc Lenin vì đã thành lập Ukraine và sự tan rã của Liên bang Xô viết đã trao cho Ukraine quyền độc lập. Ngay từ thời Mao Trạch Đông, nước Trung Quốc cộng sản đã cáo buộc, một cách lung tung, cuộc nội chiến của Trung Quốc, người Mỹ đặt eo biển Đài Loan vào năm 1950 dưới ô dù hạt nhân, người ly khai Đài Loan, các mánh khoé chính trị của những người “đòi độc lập” (với tất cả sự mập mờ của từ ngữ quá dễ dãi này, trong miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc) để làm cho người ta quên đi việc Đài Loan chưa bao giờ “phụ thuộc” vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và được điều hành bởi một chế độ độc lập và có chủ quyền, Trung Hoa Dân Quốc. Giống như Ukraine.
Cũng trong hai trường hợp này, lý thuyết can thiệp của nước ngoài vì thế mà thành công, và xóa đi, một cách thuận lợi, những mâu thuẫn trong diễn ngôn, cho người dân của các Nhà nước tương ứng phải chịu một chiến dịch tuyên truyền dữ dội, viết lại lịch sử với nhiều sự phỏng chừng, lẫn lộn và diễn giải lại mang tính cơ hội. Chẳng hạn, “chủ nghĩa ly khai” đã được sản sinh bởi sự can thiệp của nước ngoài, song điều này chưa bao giờ được chứng minh một cách chính xác. Giống như trường hợp của Ukraine là nằm trong tay người Mỹ, cũng như Đài Loan là nằm dưới sự bảo trợ cũng của người Mỹ, người biểu tình ở Hồng Kông năm 2019, theo Bắc Kinh mà cũng theo bà Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam, là do các thế lực nước ngoài thao túng. Nhưng có rất nhiều nguyên nhân lý giải khác nhau, và không phải lúc nào nguyên nhân [của Bắc Kinh và của bà Đặc khu trưởng Hồng Kông] cũng được chọn. Trên thực tế, diễn ngôn bao gồm một tập hợp các lập luận, không phải tất cả đều giống nhau, được huy động tùy theo nhu cầu, và theo công chúng là những người buộc phải nghe các lập luận đó.
Các lập luận đó, ở nước Nga của Vladimir Putin cũng như ở nước Trung Quốc cộng sản, đều cố gắng, một cách cẩn thận, làm cho người ta quên đi một mâu thuẫn muôn thuở và hiển nhiên: dễ dãi. Người Ukraine là người Nga và người Đài Loan là người Trung Quốc, và người ta ghét bất cứ những ai không muốn nhìn nhận như thế. Hậu quả là một sự “ác quỷ hoá” dân chúng bị thèm muốn này và một cách logic đối tượng này bị cấm suy nghĩ khác hơn rằng mình là một phần của một tổng thể. Ở đây hoàn toàn không có định đề nào cho rằng các dân tộc có quyền định đoạt vận mệnh của mình. Ở đây chúng ta có một đứt gãy lớn giữa các nhà lãnh đạo độc tài theo chủ nghĩa dân tộc, mơ ước đến đế chế và các vùng lãnh thổ, chẳng hạn như Vladimir Putin và Tập Cận Bình, và phương Tây. Lý lẽ của các nhà lãnh đạo độc tài là một lập luận sai trái khi chính điều cần phải chứng minh, hoặc ít nhất cần thảo luận, được coi là đúng đắn, tức là dân chúng thuộc quyền của những người thèm muốn họ. Do đó, dân chúng không được tham gia quyết định vì theo các nhà độc tài trên để đối tượng này lên tiếng là vô ích vì tiếng nói của đối tượng sẽ là thiểu số một khi hợp nhất vào Đế chế, vốn muốn đưa đối tượng trở về với đại gia đình dân tộc, và không có giá trị so với một “đa số” nhất trí mong muốn sự trở về này. Cho nên, người dân Ukraine và người dân Đài Loan không đủ tư cách tự nhận là “dân tộc”, mà còn bị dựng thành kẻ thù vì đã từ chối hoà nhập.
MÂU THUẪN NAN GIẢI
Thế mà thực tế lại hoàn toàn khác và hai nhà lãnh đạo độc tài nói trên đều biết rõ điều đó. Không khó để tìm ra các số liệu thống kê cho thấy đa số người dân Ukraine không muốn thống nhất với nước Nga (tỷ lệ này là 57% vào năm 2017, ba năm sau khi Nga sáp nhập Crimea), cũng như đa số người Đài Loan bác bỏ, với quyết tâm sống còn, sự thống nhất với Trung Quốc (tỷ lệ này là 58,4% vào cuối năm 2021 bác bỏ sự thống nhất “bây giờ hoặc trong tương lai”), với tỉ lệ gần như tương tự. Vladimir Putin và Tập Cận Bình chắc chắn biết rõ các số liệu thống kê đó, nhưng họ cố đánh giá để xác định chiến lược của họ. Thế nên, diễn ngôn của phong trào dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất của họ vấp phải một mâu thuẫn khác, một mâu thuẫn lôi kéo không cưỡng được tình hình theo hướng chiến tranh: khát vọng thống nhất ở người dân giảm dần theo từng lời chỉ trích ác ý, cùng với từng tuyên bố hung hăng phủ nhận chủ thể đặc thù của dân tộc họ và chủ quyền của Nhà nước họ. Ví dụ, chỉ riêng Đài Loan: tỉ lệ 20% người dân vào năm 1994 muốn thống nhất với Trung Quốc, đã giảm xuống còn 7,4% vào năm 2021, 27 năm sau. Mâu thuẫn này là nan giải và, trong trường hợp của Nga cũng như của Trung Quốc, đều làm cho bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng hoàn toàn mang tính viễn vông. Ở Ukraine cũng như ở Đài Loan, chính sách của Vladimir Putin và Tập Cận Bình là một tùy chọn đơn giản và duy nhất: kéo dài hiện trạng, hoặc tiến hành chiến tranh. Thực tế đơn giản này không xuất hiện rõ ở Ukraine trước khi cuộc tấn công của Nga diễn ra, và các nỗ lực làm trung gian vì thế là đáng khen ngợi. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, thực tế đó là điều hoàn toàn hiển nhiên, và nếu càng hiểu sớm thì càng có điều kiện sớm để chuẩn bị cho việc tránh khỏi, hãy hy vọng như vậy, một cuộc xung đột với những hậu quả quốc tế khôn lường.
Việc từ chối thống nhất với nước láng giềng rộng lớn, hiếu chiến, chuyên quyền, và gắn với một tầm nhìn phân biệt chủng tộc về mọi thứ, là một thế lưỡng nan đầy tính bi kịch cho người dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất, khi, để tránh một cuộc chiến hao tốn và rủi ro, cố gắng lôi cuốn, theo từng thời điểm, dân chúng của vùng lãnh thổ thèm muốn trong một nỗ lực thất bại thấy trước, chẳng hạn như chính sách “tranh thủ trái tim người Đài Loan” do Trung Quốc phát động vào những năm 2000, nhưng chẳng có kết quả gì, khi ngay từ điểm xuất phát đã thiên vị Trung Quốc: người Đài Loan không có quyền bày tỏ chính kiến về vấn đề quay trở về đại gia đình dân tộc. Để tránh mang tiếng nhắm trực tiếp đến chính người dân, giới lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã tranh đua về mặt hung dữ trong việc phát minh ra một kẻ thù khác với nhân dân, cẩn thận giảm thiểu các đối tượng mục tiêu xuống thành một bè lũ nắm quyền hoặc các thành phần cực đoan, triệt để, thao túng, bất hợp pháp, những kẻ sẽ phải “chịu trách nhiệm trước lịch sử”. Trong trường hợp của Ukraine, hơn nữa các đối tượng mục tiêu đó còn bị cáo buộc là “người theo chủ nghĩa quốc xã”, “người nghiện ma túy” hoặc thậm chí là “người đồng tính luyến ái”. Nhìn từ góc độ của Điện Kremlin cũng như của Trung Nam Hải, tổng hành dinh của quyền lực cộng sản ở Bắc Kinh, Tổng thống Volodymyr Zelenski [của Ukraine] cũng như bà Tổng thống Thái Anh Văn [của Đài Loan] thuộc bè lũ các “tội phạm lịch sử”, là những đối tượng mục tiêu số 1.
Theo Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, “nhóm đảo chính nắm quyền ở Kyiv”, ngang hàng với “phe ly khai” đang nắm quyền ở Đài Loan, những người thay thế “bè lũ Tưởng Giới Thạch” của năm xưa, từ ngữ ưa thích của Mao. Từ ngữ này, được sử dụng vào năm 1971 theo yêu cầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để trục xuất Trung Hoa Dân Quốc khỏi Liên Hiệp Quốc và chiếm lấy vị trí đó, cẩn thận tránh tên gọi “phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc”, tên gọi có hiệu lực của Nhà nước ký kết bản Hiến chương Liên hợp quốc. Trong nghị quyết số 2758 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, việc gọi tên Trung Hoa Dân Quốc sẽ có tác động xấu trong mắt của Bắc Kinh, là làm sáng tỏ sự mâu thuẫn trong diễn ngôn của nước Cộng hòa Nhân dân: bất chấp thực tế và luật pháp, nước này đã tuyên bố vào năm 1949, rằng nền Cộng hòa tự khắc sẽ biến mất, trong khi nó vẫn tồn tại ở Đài Loan, và rằng chính các đại diện của Trung Hoa Dân Quốc là những người mà Bắc Kinh đang tìm cách loại bỏ. Thế nhưng, từ năm 1949 đến năm 1971, Trung Hoa Dân Quốc, vẫn có chủ quyền dù bị giảm cấp xuống chỉ còn ở hòn đảo Đài Loan, vẫn tiếp tục đời sống pháp lý quốc tế của họ, và đặc biệt khi ký kết những hiệp ước đã được đăng ký tại LHQ và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
LỊCH SỬ VÀ sự DỐI TRÁ
Trong hai trường hợp của Nga và Trung Quốc, điều không tránh khỏi là họ đã huy động đến lịch sử, theo hai cách khác nhau. Một mặt, lịch sử đã được viết lại để biện minh cho việc thống nhất đất nước. Như vậy, Ukraine là cội nguồn văn hóa và chủng tộc của Nga, nhưng chính Nga lại là nước bao vây tiêu diệt Ukraine, chứ không phải điều ngược lại. Về phần Đài Loan, họ là một phần của Trung Quốc “kể từ thời cổ đại”, nhưng người ta quên rằng chính người Mãn Châu, sau khi chinh phục và khuất phục nước Trung Quốc của nhà Minh, là những người đã sáp nhập Đài Loan vào đế chế của họ, giống như nước Trung Quốc bị thuộc địa hóa, chứ không phải là người Trung Quốc, người Trung Quốc chỉ mới cai trị Đài Loan từ Đại lục kể từ năm 1945 đến năm 1949, dưới thời nền Cộng hòa. Mặt khác, họ đã huy động các phép so sánh để kích hoạt tình cảm yêu nước, khi lợi dụng sổ sách lịch sử của một dân tộc bị đoạ đày, nhờ lòng yêu nước mà được giải phóng. Tương tự, Vladimir Putin đã khơi dậy lòng yêu nước bằng cách tuyên bố cuộc chinh phục Ukraine của ông như là một hành trình “xoá bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc xã”.
Về phần Tập Cận Bình, ông và tất cả những người tiền nhiệm – nhưng ông nhiều hơn tất cả những người khác – liên tục nhấn mạnh đến “thế kỷ ô nhục”, và Đài Loan là vùng lãnh thổ đế quốc bị mất cuối cùng cần phải chinh phục. Nói như thế là quên rằng các nhà cách mạng của Quốc dân đảng, vào năm 1911, đã lật đổ người Mãn Châu với lý do rõ ràng rằng người Mãn Châu là “người nước ngoài”, để rồi ngay lập tức phát minh ra một lý thuyết hoàn toàn mang tính tình thế về một giả thuyết “hòa hợp năm sắc tộc” (người Hán, người Mãn Châu, người Mông Cổ, người Tây Tạng và người Hồi giáo Hui). Đó là một cách, trên thực tế, để biện minh cho việc khôi phục không chỉ mười tám tỉnh Trung Quốc, mà còn cả những tỉnh của người Mãn Châu vào đế chế Trung Quốc, vốn chưa bao giờ bị người Trung Quốc chinh phục: Mãn Châu, “Nội” Mông, Đông Turkestan, Tây Tạng... và Đài Loan. Thế rồi, họ mặc nhiên coi đó là “của họ”, như thể không có gì xảy ra, những vùng lãnh thổ bị các đời ông chủ của họ ngày xưa chinh phục. Điều mà người ta nhắm đến ở đây là một lớp phủ lên kí ức lịch sử vì các mục đích mang tính biện minh. Để làm điều này, Vladimir Putin chọn viết một bài báo dài về lịch sử, trong khi, ngược lại, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa luôn cực kỳ kín tiếng về lịch sử Đài Loan trên các ấn phẩm chính thức – vì sợ làm lộ những dối trá trong việc viết sử. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, lịch sử đã bị bóp méo hoàn toàn và bị buộc nói đến những điều mà, nếu không có việc viết lại này, đều bị bác bỏ.
Do các diễn ngôn đã bị thao túng nặng nề, nên các nhà lãnh đạo độc tài không ngần ngại nói dối một cách trơ trẽn, theo cách mà họ đang làm ngày càng thường xuyên hơn với một hệ thống dối trá, “ngụy biện và xuyên tạc”: họ đáp lại những lập luận mà chúng ta chống lại họ bằng cách đảo ngược các lập luận đó chống lại chúng ta. Vậy nên, trong cả hai trường hợp, cuộc tấn công Ukraine, giống như dưới thời Mao, diễn ngôn về cuộc xâm lược Đài Loan được trình bày như một cuộc đấu tranh “giải phóng”. Liên quan đến Ukraine, Vladimir Putin nói đến một “chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm duy trì hòa bình” và lặp lại rằng “Nga luôn tôn trọng luật pháp quốc tế”. Diễn ngôn của nước Trung Quốc của Tập Cận Bình, và của những người cộng sản Trung Quốc nói chung, cũng lập theo một giọng điệu tương tự. Hãy nhớ rằng, để biện minh cho việc đàn áp cuộc nổi dậy ở Hồng Kông vào năm 2019, họ đã tuyên bố rằng sự can thiệp của Trung Quốc là để cứu lấy nguyên tắc “Một quốc gia, hai hệ thống”. Sự bóp méo và ngụy biện này phục vụ cho hai mục đích. Về mặt đối nội, trước hết, nó nhắm đến việc chính danh hóa sự xâm lược và định danh lại bản chất của sự xâm lược đó bằng cách lồng ghép yêu sách dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất vào câu chuyện quốc gia. Về mặt đối ngoại, mục tiêu muốn tìm kiếm là hiệu ứng làm sững sờ những người chỉ trích chế độ, những người tự thấy mình bị tước đoạt lý lẽ, mà họ tin chắc, như đinh đóng cột, là nguồn gốc tính chính danh và chủ nghĩa nhân văn của họ.
Có một rủi ro là kẻ thù, những người đang kháng cự trên thực địa và các Nhà nước đồng minh của họ, sẽ bị cáo buộc về những gì mà chính kẻ xâm lược đang bị cáo buộc. Việc tăng cường quá trình quân sự hóa của Nga và Trung Quốc, các diễn ngôn mang tính phục thù, sự huy động ý thức hệ, bản chất chuyên quyền (ở nước Nga của Vladimir Putin) và bản chất tân toàn trị (ở nước Trung Quốc của Tập Cận Bình) trang bị cho họ những chiều kích phát xít rõ ràng, và ở Trung Quốc, điều này gợi nhớ lại một số đặc điểm của chế độ Quốc xã, với sự tương đương mà người ta có thể nghĩ đến, cụ thể giữa quan niệm về Lebensraum (“không gian sinh tồn”) của Đức và quá trình tăng tốc thuộc địa hóa, cùng với nạn diệt chủng, ở Tân Cương bởi người Trung Quốc. Nhưng chính các Nhà nước đó, tự gọi mình là “dân chủ”, đã cáo buộc các nước khác không tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế.
CÁC NỀN DÂN CHỦ VÙNG BIÊN
Trong cả hai trường hợp, người ta đã biết Ukraine và Đài Loan là các nền dân chủ vùng biên trong lãnh vực địa chính trị đương đại. Sự sụp đổ của các nhà nước này sẽ là một bi kịch đối với mô hình luôn có thể được hoàn thiện của các nền dân chủ trong sự đa dạng của chúng. Sự đối lập là cơ bản giữa các hệ thống chính trị và giá trị của hai khối, đang được hình thành trên thế giới và sẽ xuất hiện một ngày nào đó. Hai nền dân chủ nói trên là vùng biên, bởi vì, ở bên kia biên giới, giới chuyên quyền tân đế quốc rất lo sợ khi thấy nền dân chủ lan truyền, có thể gây bất ổn cho họ. Điều tương tự, về điểm này, cũng xảy ra ở Hồng Kông.
Nhưng, nói một cách chính xác, trong cả hai trường hợp (và thậm chí trong cả ba trường hợp, nếu thêm vào Hồng Kông), vùng biên đó nằm bên trong các xã hội bị thèm khát, hơn là nằm giữa các xã hội này với cường quốc láng giềng. Thật vậy, từ lâu đã có một dạng chia rẽ dân tộc đè nặng lên Ukraine, Đài Loan và Hồng Kông, giữa những người theo chủ nghĩa thống nhất và những người mà Bắc Kinh và Moscow coi là “ly khai”. Ở ba vùng lãnh thổ này, người ta ngày càng dễ nhận sự tồn tại của một ý thức dân tộc, ngay cả ở Hồng Kông. Tất nhiên, giới lãnh đạo độc tài, những người không muốn nghe thấy điều đó, và bản thân những người theo chủ nghĩa thống nhất trong các xã hội đó, cho rằng hiện tượng dân tộc là một điều mới ở đó – điều đó đúng với Đài Loan, thậm chí đúng hơn với Hồng Kông, nhưng ít đúng hơn với Ukraine, nơi mà phong trào dân tộc đã tồn tại lâu đời. Nhưng một phong trào dân tộc luôn có một điểm xuất phát, ngay cả đối với Nga và Trung Quốc. Trong cả ba trường hợp, “đội quân thứ năm” này, không phải lúc nào cũng là một huyễn tưởng, mà là một huyễn tưởng nuôi dưỡng nhiều tưởng tượng trước hiện tượng người tị nạn hoặc người di dân: từ Trung Quốc (cuộc nội chiến năm 1949, các cuộc đàn áp dưới thời Trung Quốc cộng sản) trốn sang Hồng Kông và Đài Loan; và từ Liên Xô trốn sang Ukraine (các thợ mỏ từ khắp nước Nga đã chuyển đến Donbass từ những năm 1930).
Người ta có thể dễ hiểu là các nhóm thiểu số đó phải trải qua quá trình định hình bản sắc rất phức tạp và đôi khi khó xác định đối với vùng đất lưu vong của họ. Nhưng họ cũng thường là con tin của những “nhà thiết kế sự thống nhất”, những người đã khai thác các khó khăn về bản sắc của họ, để tẩy não họ và khiến họ phải chọn cường quốc láng giềng rộng lớn, quyền lực và chuyên quyền (nhưng nói ngôn ngữ của họ) hơn là những trải nghiệm về các giá trị dân chủ và tự do mà họ có thể tận hưởng ở quê hương mới. Tất nhiên, trong cả ba trường hợp, bản sắc dân tộc đang trong quá trình kiến tạo, và người dân ở ba vùng lãnh thổ đó bị chia rẽ khá nhiều về điểm này. Nhưng có một sự đồng thuận ngày càng tăng, được những lời đe dọa của kẻ thù dân tộc chủ nghĩa đòi lại đất củng cố, cho thấy khá rõ việc phần lớn người dân ở các vùng lãnh thổ này suy nghĩ về bản sắc của họ theo nghĩa một mối quan hệ đơn giản và không phụ thuộc với các thực thể tân đế quốc Trung Quốc và Nga. Đây là chủ đề của rất nhiều công trình của chúng tôi về việc nhận diện thiểu số người gốc Hoa đại lục ở Đài Loan.
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Tuy nhiên, người dân của các tân đế chế này không phải tất cả đều bị đánh lừa, và không phải tất cả đều quan tâm đến các cuộc phiêu lưu quân sự. Chúng ta đã nhìn thấy các cuộc biểu tình và phản đối chống lại Vladimir Putin và chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Người Trung Quốc, trên các mạng xã hội, đã tự hỏi là có nên dẹp tan cuộc nổi dậy ở Hồng kông hay không. Cuối cùng, nguy cơ đối với sự ổn định phát triển của Trung Quốc trong cuộc chiến với Đài Loan khiến nhiều người phải suy nghĩ, ít nhất để làm dịu bớt các diễn ngôn chính thức. Vì thế, công tác tuyên truyền phải hoạt động hết công sức: về sự vĩ đại của dân tộc, về mối đe dọa của phương Tây, về sự nguy hiểm của các giá trị phương Tây. Việc chế độ hiện tại chọn lọc các sự kiện chính trị để làm thành các buổi lễ tưởng nhớ chính thức giúp người dân có thể nhớ lại điều này một cách đều đặn. Và các thế hệ trẻ, những người chưa biết mùi thất bại thảm hại về kinh tế và xã hội của chủ nghĩa cộng sản ở Nga hoặc ở Trung Quốc trước khi diễn ra các cuộc cải cách, đã không hẳn là vô cảm với tiếng gọi dân tộc đang vang lên vào mỗi dịp đó. Đừng quên rằng các thế hệ người Trung Quốc sinh ra sau sự kiện Thiên An Môn và các thế hệ người Nga sinh ra sau khi Liên Xô sụp đổ, theo định nghĩa, không có ký ức về một quá khứ mà họ không hề biết, nếu không phải là thông qua công tác tuyên truyền. Và vào thời buổi này, có rất nhiều sự kiện kỷ niệm: vào năm 2017, kỷ niệm một trăm năm Cách mạng Bolshevik thành công; vào năm 2021, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc xâm lược Ukraine, được phát động vào ngày 23 tháng 2, có lẽ với hy vọng thắng nhanh, chắc chắn nằm trong tầm nhắm, vào đầu tháng 5, ngày kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã. Ở cả hai nước này, các sự kiện tưởng nhớ chính trị được giới lãnh đạo tổ chức một cách khéo léo, kết hợp với việc phô trương vũ khí và diễu hành quân sự rầm rộ, củng cố rõ hơi hướng chủ nghĩa tân phát xít của hai Nhà nước này, là những Nhà nước cuối cùng tổ chức diễu hành, tại thủ đô của họ, những vũ khí hạng nặng và những tên lửa xuyên lục địa để kỷ niệm các ngày lễ quốc gia.
Vì thế, có rất nhiều điểm tương đồng, và còn nhiều điểm khác nữa. Cho phép tôi tiếp tục một chút sự so sánh, để nhắc lại không chỉ những điểm chung của hai cuộc khủng hoảng, mà còn thực tế là đằng sau nhà lãnh đạo độc tài người Nga, còn có một người khác, người luôn được gọi là “Ngài Chủ tịch”, người chưa bao giờ được người dân bầu ra, người lãnh đạo đất nước ông bằng bàn tay sắt: đó là Tập Cận Bình.
LỢI ÍCH CHIẾN LƯỢC
Antoine Bondaz |
Điều gần đây gợi nhớ lại rằng Vladimir Putin đã quen với thứ ngôn ngữ trực tiếp và thô bạo, vốn không phải là một cách tầm thường khi phát biểu. Nhưng liệu người ta có thực sự nhận ra tự thân nước Trung Quốc cộng sản cũng đã quá quen với điều đó hay không, và ngay cả từ lâu rồi? Ngoại trừ Đặng Tiểu Bình và Hồ Cẩm Đào, ngay từ thời Mao Trạch Đông, sự lớn tiếng chê trách đã trở thành một chuẩn mực, đôi khi gần như là sự xúc phạm trực tiếp, đối với những kẻ đối lập trong nước (đặc biệt trong thời kỳ cải cách ruộng đất, khẩu hiệu “ba chống” và “năm chống”, chiến dịch chống cực hữu, cuộc Cách mạng Văn hóa), cũng như trước những kẻ thù bên ngoài (đối thủ Tưởng Giới Thạch, người Mỹ, người Nga, thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Christopher Patten, tổng thống Lý Đăng Huy ở Đài Loan), những người bị xúc phạm bằng những từ ngữ thô bạo và sống sượng, đặc biệt tỏ rõ tầm vóc mà người Trung Quốc đặt để cho nền văn minh vượt trội của họ. Gần đây nhất là cách đây hai năm, mọi người đều biết đồng nghiệp người Pháp của chúng tôi, Antoine Bondaz, đã phải hứng chịu những lời lẻ lăng mạ nặng nề như thế nào. Về phần tôi, tôi bỏ qua những thư điện tử mang tính xúc phạm và những bình luận hết sức thất vọng từ những người dùng Internet được Trung Quốc trả tiền để thóa mạ người khác. Cách phát biểu này đặc trưng cho dạng quyền lực này, đến mức có vẻ như nó cho phép coi đó là “chiến thuật lăng mạ”. Nếu Tập Cận Bình kiềm chế không sử dụng những từ ngữ dung tục và thô bạo, thì nội dung lời phát biểu của ông không cho thấy sự mềm mỏng như vậy, và ông dành phần tấn công cho đội ngũ các chiến binh ngoại giao “sói lang” của ông làm điều đó. Ở đây, vai trò bị đảo ngược so với bộ đôi Putin-Lavrov, nhưng cả hai chế độ cuối cùng đều tiến hành theo cùng một cách về điểm này.
Nếu bỏ qua lĩnh vực phân tích chính trị để đề cập đến lĩnh vực địa chính trị, vốn đã viết rất nhiều về chủ đề này, trước tiên xin nhắc lại rằng lợi ích chiến lược là một trong những điểm chung của hai trường hợp Đài Loan và Ukraine: ngành công nghiệp và than đá của Donbass là một lợi ích đối với Nga, cũng như quyền kiểm soát Biển Azov. Các nghiên cứu về thổ nhưỡng học cũng cho chúng ta biết rằng đất đen của Ukraine, giàu chất Chernozem, là các vùng đất nông nghiệp giàu có nhất trên thế giới, và có thể được Nga, thậm chí cả Trung Quốc, thèm muốn về lâu dài, vì Bắc Kinh rất tích cực trong việc mua lại các vùng đất nông nghiệp trên thế giới. Đối với Đài Loan, hòn đảo này là chốt chặn cuối cùng để Trung Quốc trực tiếp tiến ra đại dương, mở ra cho đất nước này một mặt tiền nhìn ra Thái Bình Dương với gần 400 km đường bờ biển trực tiếp ở vùng nước sâu, nhờ đó phá vỡ những ràng buộc mà chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Nansei (bao gồm Ryukyu và Okinawa) và các đảo nhỏ Liancourt (Senkaku [tên gọi của Nhật Bản]/Điếu Ngư [tên gọi của Trung Quốc]), và các đảo của các nước ven rìa trên tất cả các vùng biển còn lại “của Biển Đông” áp đặt lên lối ra biển này, đối với Bắc Kinh.
Nhà nước Nga và Nhà nước Trung Quốc đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với quyền phủ quyết, mà Nga đã sử dụng ngay từ ngày 26 tháng 2 năm 2022 để ngăn chặn một nghị quyết lên án “sự xâm lược của Nga ở Ukraine”, khiến cho việc lên án chính thức trở nên bất khả, và bằng cách đó, điều kiện hóa bất kỳ sự can thiệp nào để giúp Ukraine hoặc Đài Loan, trên cơ sở tồn tại một liên minh quân sự trước đó.
Một lần nữa, trong cả hai trường hợp, Nga và Trung Quốc đều có một quân đội mạnh hơn đáng kể so với Đài Loan và Ukraine. Tuy nhiên, như người ta sẽ thấy, trên bình diện địa chính trị, tình hình Ukraine và Đài Loan rất khác nhau.
NGƯỠNG ĐỊA CHÍNH TRỊ
Vậy đế chế có núp bóng hay không đằng sau chủ nghĩa cộng sản? Trung Quốc và Nga được cai trị bởi các nhà lãnh đạo độc tài, những người đã dành toàn bộ sự nghiệp của họ làm việc trong bộ máy công quyền cộng sản, và đã trải qua những thời điểm thất vọng đặc biệt (hồi kết của Liên Xô đối với Vladimir Putin, Thiên An Môn và các hành động bạo lực được gán cho người Duy Ngô Nhĩ đối với Tập Cận Bình). Có rất nhiều cảnh báo liên quan đến thiên hướng sử dụng lực lượng vũ trang trong các biên cương của “đế chế”: Chechnya, Georgia, Hồng kông, Tân Cương. Đối với hai nhà lãnh đạo độc tài, người ta ghi nhận tính hai mặt trong mối quan tâm của họ đối với chủ nghĩa cộng sản.
Vladimir Putin được biết đến là người công khai lý giải thảm họa sụp đổ của Liên Xô, cũng như sự điên rồ muốn tái thiết lại đế chế Liên Xô. Về phần Tập Cận Bình, ông không tấn công chủ nghĩa cộng sản, còn lâu mới như vậy, do chế độ này vẫn còn đó và biện minh cho sự độc tôn tuyệt đối về quyền lực trong tay ông. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp, ông đã chỉ trích hoặc hạ thấp, một cách rõ ràng, vai trò của từng người tiền nhiệm. Sự mập mờ của họ được lý giải bởi cái đến trước, đế chế, đồng thời xóa sạch cái đến sau. Hai nhà lãnh đạo này, bị ám ảnh bởi ký ức về đế chế trong việc mở rộng tối đa lãnh thổ, đều đã thành công trong việc phá bỏ các ràng buộc giới hạn quyền hạn của họ, để nối lại với thời kỳ cai trị của đế chế, thời của một sa hoàng hoặc thời của một Thiên tử. Vladimir Putin đã nắm quyền được 20 năm và đã tìm ra cách thức để tại quyền lâu hơn nữa, giống như Tập Cận Bình, đã nắm quyền từ năm 2012 nhưng là người đã phá bỏ giới hạn “mười năm cầm quyền” mà Đặng Tiểu Bình đã đặt ra.
Nhưng cuối cùng, điều gắn kết các tình huống và làm cho số phận của Ukraine và Đài Loan xích lại gần là vị thế của họ về “ngưỡng địa chính trị” trong mối quan hệ với các đế chế Nga và Trung Quốc. Ngưỡng địa chính trị này, mà tôi đã viết chi tiết trong những bài báo khác, để hiểu một cách đơn giản, là một tư thế không có gì khác biệt là một tư thế ngoài lề, bất luận sự chênh lệch về lực lượng, nhất là theo nghĩa quyền lực cứng, giữa họ với đế chế. Ukraine và Đài Loan là những nhà nước thuộc ngưỡng do nằm ở vùng ngoại vi, nhưng không mang tính ngoại vi và từ chối bị gạt ra ngoài lề. Thật vậy, bản thân họ là trung tâm của chính họ, nằm trên các khe nứt địa chính trị và ở biên giới giữa hai thế giới, thế giới thèm muốn họ, và thế giới mà họ hướng tới, điều mà các cường quốc láng giềng của họ cự tuyệt bằng mọi cách. Họ là những nhà nước thuộc ngưỡng bởi vì, trong sự chênh lệch lực lượng, họ giữ được tiếng nói của họ, và một hình thức răn đe của kẻ yếu đối với kẻ mạnh, điều mà người ta đã thấy qua sự kháng cự và quyết tâm không nhượng bộ của người Ukraine và người Đài Loan. Cuối cùng, họ là những nhà nước thuộc ngưỡng, bởi vì họ, ở khá nhiều khía cạnh, là những nơi mà người ta có thể học được nhiều điều về đế chế láng giềng và đặc biệt về những gì được che giấu đằng sau đế chế đó. Họ nhớ mãi về điều đó, và hiểu biết sâu sắc về điều đó, tự tin về các mối quan hệ lịch sử và văn hóa, ngôn ngữ và tâm lý của họ. Tuy nhiên, họ có thể tự giải phóng khỏi điều đó, để phân biệt giữa chủng tộc và cai trị, văn hóa và chủ quyền, ngôn ngữ và dân tộc. Họ là tất cả mà không phải là ngoại vi, họ là nhà nước thuộc ngưỡng, bởi vì họ cho chúng ta cơ hội để thấy, và cho chúng ta cơ hội để hiểu.
Tác giả Stephane Corcuff
Stéphane Corcuff |
Giới thiệu tác giả
Stéphane Corcuff, nhà khoa học chính trị, nhà hán học, là giảng viên-nghiên cứu tại Đại học Sciences-Po Lyon và tại CEL Jean-Moulin Lyon 3, đồng thời là cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại (Hồng Kông). Ông đã xuất bản hai cuốn sách bằng tiếng Hoa ở Đài Loan và nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, tiếng Hoa và tiếng Anh về eo biển Đài Loan và chính trị các bản sắc trên đảo (xem toàn bộ các ấn phẩm của ông tại đây).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Ukraine, Hong Kong, Taïwan: derrière le communisme, l’Empire, Asialyst, ngày 28/02/2022.