28.3.22

Ukraine: TotalEnergies sẽ ngừng mua dầu Nga từ nay đến cuối năm 2022

UKRAINE: TOTALENERGIES SẼ NGỪNG MUA DẦU NGA TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2022

Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp đã làm rõ lập trường của họ bằng cách từ bỏ gia hạn hoặc ký kết các hợp đồng dầu hỏa mới xuất xứ từ Nga.

The HuffPost thực hiện cùng với AFP

Ảnh: GONZALO FUENTES VIA REUTERS. TotalEnergies cho biết họ đang tìm các nguồn cung thay thế khác, sau khi thông báo sẽ ngừng mua dầu của Nga từ nay đến cuối năm.

CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE - Đôi khi bị chỉ trích vì vẫn ở lại hoạt động tại Nga, TotalEnergies đã có động thái tránh xa một chút với đất nước chiến lược này, bằng cách thông báo sẽ ngừng mua dầu hoặc các sản phẩm dầu của Nga, muộn nhất là vào cuối năm nay.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Pháp đã giải thích, vào hôm thứ Ba, ngày 22 tháng 3, trong một thông cáo báo chí, về “các biện pháp bổ sung” trước “cuộc xung đột ngày càng tồi tệ” ở Ukraine, gần một tháng sau cuộc xâm lược của Nga.

“TotalEnergies đơn phương quyết định không ký kết hoặc gia hạn các hợp đồng mua dầu và các sản phẩm dầu của Nga, tiến đến ngừng mọi giao dịch mua dầu hoặc sản phẩm dầu của Nga, càng sớm càng tốt và chậm nhất vào cuối năm 2022,” theo tuyên bố của tập đoàn.

Cụ thể, họ sẽ tìm các nguồn cung thay thế khác – đặc biệt thông qua việc nhập khẩu dầu từ Ba Lan – cho nhà máy lọc dầu Leuna của họ ở miền đông nước Đức.

Quyết định này cũng được áp dụng đối với dầu diesel, thứ mà châu Âu và đặc biệt là Pháp rất cần. Lượng dầu diesel này sẽ được nhập khẩu từ các nơi khác, đặc biệt từ nhà máy lọc dầu Satorp của họ ở Ả Rập Xê Út (đồng sở hữu với Saudi Aramco).

TotalEnergies thông báo họ sẽ không cung cấp vốn cho các dự án mới ở Nga nữa, mà không phải rút khỏi nước này, một điều rất quan trọng đối với chiến lược của tập đoàn và ở một nước mà họ đã triển khai hoạt động từ đầu những năm 1990.

Tập đoàn của Pháp là cổ đông sở hữu 19,4% cổ phần của tập đoàn khí đốt khổng lồ Novatek của Nga, và nắm giữ 20% cổ phần của Yamal LNG, một dự án đã được khởi động vào cuối năm 2017 và đã sản xuất hơn 18 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2020. Tập đoàn cũng nắm giữ 10% cổ phần của Arctic LNG 2, một dự án có kế hoạch giao lô hàng LNG đầu tiên vào năm 2023.

TotalEnergies phản hồi Jadot về “tội ác chiến tranh”

Tập đoàn của Pháp xác nhận “sẽ không cung cấp vốn cho dự án nữa” và sẽ không hạch toán vào nguồn dự trữ được chứng minh bằng các sản phẩm hydrocacbon, do “những bất định” mà các lệnh trừng phạt gây ra đối với tương lai của dự án.

Yannick Jadot (1967-)

Việc tập đoàn duy trì hoạt động ở Nga đã bị chỉ trích, đặc biệt bởi nhà sinh thái học, Yannick Jadot, ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, người đã đánh giá công ty là “đồng phạm” với các “tội ác chiến tranh”. Đó là những “cáo buộc nghiêm trọng và vô căn cứ”, theo lời bảo vệ của TotalEnergies vào hôm thứ Ba, nêu rõ lập trường của tập đoàn, và nhắc lại rằng họ không trực tiếp khai thác bất kỳ mỏ sản phẩm hydrocacbon nào ở Nga.

Liên quan đến các khoản đầu tư quan trọng của tập đoàn, họ cho rằng sẽ là điều phản tác dụng nếu từ bỏ các khoản đầu tư đó, do không tìm được người mua không phải là người Nga để mua lại chúng trong bối cảnh hiện tại. Tập đoàn lưu ý: “Việc từ bỏ các khoản đầu tư đó mà không được bồi thường về tài chính sẽ góp phần làm giàu cho các nhà đầu tư Nga, trái với mục đích của các lệnh trừng phạt”.

Tập đoàn cũng chỉ ra rằng các công ty [có sự tham gia đầu tư của tập đoàn] được quản lý một cách tự chủ, và sự ra đi của một cổ đông sẽ không làm thay đổi bất cứ điều gì.

Cuối cùng, TotalEnergies phân biệt dầu hỏa và khí đốt của Nga, những thứ mà châu Âu còn phụ thuộc rất nhiều. TotalEnergies cho biết “công ty sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu, từ nhà máy Yamal LNG, trong khuôn khổ các hợp đồng dài hạn mà công ty có nghĩa vụ phải tôn trọng, chừng nào mà chính phủ các nước châu Âu còn coi khí đốt Nga là cần thiết.”

Trái ngược với Hoa Kỳ, vốn đã tuyên bố cấm vận đối với các sản phẩm hydrocacbon của Nga, Liên minh châu Âu, cho đến nay, đưa ra các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng của Nga. Liên minh châu Âu dự tính đến năm 2027 để đảm bảo nguồn cung độc lập, trong khi một số nước như Đức thì phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt xuất xứ từ Nga.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Ukraine: TotalEnergies va arrêter d'acheter du pétrole russe d'ici fin 2022, Huffington Post, ngày 22/03/2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF