31.3.22

Phê bình lý lẽ theo chủ trương giảm tăng trưởng

PHÊ BÌNH LÝ LẼ CỦA CHỦ TRƯƠNG GIẢM TĂNG TRƯỞNG

Tác giả Eric Chaney | đăng ngày 14/01/2022 | Changement climatiqueMacroéconomie | 3 

Bài viết này là một phiên bản đã được biên tập và cập nhật của bài báo đã được Telos đăng ngày 20 tháng 9 năm 2021.

Năm 1972, báo cáo Meadows ủng hộ mức tăng trưởng bằng 0 để ngăn chặn sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến một thảm họa cho nhân loại. Khi tích hợp tăng trưởng kinh tế và sử dụng nguyên liệu thô vào cùng một mô hình, nhóm nghiên cứu của Club de Rome [Câu lạc bộ Roma] đã đưa ra một phiên bản hiện đại về sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng theo cấp số nhân và tính hữu hạn của tài nguyên, vốn đã được Thomas Malthus ghi nhận vào năm 1798. Mặc dù các kết luận thảm khốc của báo cáo Meadows không đạt được mục tiêu cảnh báo, nhưng trường phái tư tưởng theo Malthus vẫn tồn tại. Trường phái này được tìm thấy ở những người chủ trương “giảm tăng trưởng”, được coi là giải pháp thay thế đáng tin duy nhất cho một sự điều tiết kinh tế toàn cầu, vốn được coi là không có khả năng ngăn chặn những thảm họa sinh thái trong tương lai. Tuy được thừa hưởng những phân tích mang tính công nghệ, kinh tế và xã hội, trường phái giảm tăng trưởng vẫn có những khiếm khuyết tương tự như báo cáo Meadows: một sự đánh giá vô cùng thấp về động thái, độ nhạy cảm đối với những biến động của các giá tương đối và khả năng đổi mới của các nền kinh tế thị trường. Và, khi đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trên thế giới, và thậm chí đảo ngược lượng phát thải đó theo thời gian ở các nước công nghiệp phát triển, thì các đề xuất giảm tăng trưởng không đáng tin trong khuôn khổ các nền dân chủ tự do. Khi đánh giá thấp, thậm chí phủ nhận vai trò của đổi mới, bằng cách bỏ qua quá trình phi vật thể hóa các nền kinh tế hiện đại, đã được khởi xướng từ hai mươi năm qua, các đề xuất giảm tăng trưởng đó làm xói mòn cơ hội thành công trong việc làm giảm mức phát thải, mà không làm giảm mức sống.

BẢN BÁO CÁO CHO CÂU LẠC BỘ ROMA ĐÃ SAI, NHƯNG LUÔN CÓ NGƯỜI HÂM MỘ

Báo cáo Meadows không phải không có giá trị, nếu xem xét những phương tiện mà các nhà nghiên cứu có trong tay vào cuối những năm 1960. Nhưng nếu các phép ngoại suy kinh tế vĩ mô của mô hình Word3, được các nhà nghiên cứu của MIT tạo ra vì mục đích này, mang tính tương đối vững mạnh, cho đến thời kỳ đầu của thế kỷ 21, thì tính nghèo nàn của sự mô hình hóa kinh tế và những kết luận thảm khốc đã phần lớn làm mất uy tín của mô hình này. Ví dụ, kịch bản cơ sở dự đoán một đỉnh điểm [tăng trưởng], rồi một sự lao dốc của sản xuất công nghiệp và thực phẩm trên thế giới trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Nhưng không có điều gì tương tự xảy ra: ngay từ năm 2000, sản xuất công nghiệp toàn cầu đã tăng 64%[1] và dân số đã tăng 28%, tức một mức tăng sản xuất toàn cầu trên đầu người là 28%. Sản xuất ngũ cốc trên đầu người đã tăng 17% từ năm 2000 đến năm 2018, trong khi mô hình dự đoán một sự lao dốc chóng mặt, dấu hiệu báo trước nạn đói.

Tuy nhiên, có hai lập luận để giải cứu nhóm Meadows. Một mặt, người ta không thể đòi hỏi một mô hình, dù tinh tế đến đâu, cung cấp những dự báo chính xác cho một chân trời 50 năm. Mặt khác, báo cáo đã nâng cao nhận thức về tính phi tuyến tính mạnh mẽ của sự tiến hóa: sau một giai đoạn tăng trưởng đều đặn nào đó (theo cấp số nhân) thì có thể sẽ tiếp đến một giai đoạn [tăng trưởng] chậm dần lại, rồi dẫn đến một giai đoạn lao dốc đột ngột, khi những hạn chế về nguyên liệu thô hoặc những hạn chế về môi trường trở nên siết chặt hơn. Thật vậy, một trong những điểm mạnh của Word3 là sự tích hợp tình trạng ô nhiễm công nghiệp vào các biến của hệ thống.

VỀ MỐI NGUY KHI BỎ QUA CÁC NHÂN TỐ GIÁ CẢ VÀ ĐỔI MỚI. NHỮNG SỰ CỐ CỦA “ĐỈNH DẦU”

Simon Kuznets (1901-1985)
Thomas Malthus (1766-1834)

Mô hình của MIT cung cấp một phiên bản hiện đại của phân tích theo Malthus về các chu kỳ nhân khẩu học, nằm giữa động thái dân số theo cấp số nhân và động thái tuyến tính của các nguồn lương thực. Tuy nhiên, nhà kinh tế-thống kê và sử học Simon Kuznets đã nhận xét rằng hạn chế theo Malthus đã bị xóa bỏ trong lịch sử bởi những đổi mới bắt nguồn từ sự gia tăng năng suất trong bài báo của ông năm 1967, Population et Croissance Économique [Dân số và Tăng trưởng Kinh tế]”. Nhóm MIT đã cố gắng tính đến sự tiến bộ công nghệ và năng suất, nhưng theo một cách máy móc. Đó chính là điểm yếu: khi áp dụng một thuật làm mô hình lấy cảm hứng từ vật lý học, nhóm Meadows đã bỏ qua các động thái cơ bản của nền kinh tế thị trường, như diễn biến của các giá tương đối và tác động của chúng lên cung và cầu, hoặc các hành động khuyến khích đổi mới. Trên thực tế, khi một tài nguyên trở nên khan hiếm, giá của nó sẽ tăng lên, điều này khuyến khích người ta đi tìm những mỏ mới và những tài nguyên thay thế khác, đặc biệt thông qua hoạt động đổi mới công nghệ.

King Hubbert (1903-1989)

Một ví dụ điển hình là những sự cố của lý thuyết “đỉnh dầu” do nhà địa vật lý King Hubbert phát triển cho nền sản xuất dầu của Mỹ. Như Hubbert đã dự đoán một cách rõ ràng ngay từ năm 1956, sản xuất sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 1970, và sau đó sẽ là một sự sụt giảm nhanh chóng. Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp đối với “đỉnh dầu”… cho đến khi giá cả tăng vọt vào những năm 2000, đã kích thích sự đổi mới công nghệ và phục hồi sản xuất của Mỹ, đến mức đỉnh điểm năm 1970 đã bị vượt qua vào năm 2014.

NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ TRƯƠNG TĂNG TRƯỞNG BẰNG 0 ĐÃ BỎ QUA CÁC CÔNG TRÌNH CỦA NORDHAUS

Phong trào sinh thái của những năm 1970 đã kết luận, từ báo cáo Meadows, rằng cần phải từ bỏ tăng trưởng. Nhân tiện xin lưu ý là báo cáo không quan tâm đến vấn đề khí hậu, CO2 không hề xuất hiện trong các biến của Word3. Đây là những năm hoàng kim của chủ đề tăng trưởng bằng 0. Người ta thấy mức tăng trưởng năng suất (và do đó của mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người) bắt đầu giảm một chút, sau đó, ở các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt ở châu Âu, nơi mà, ngoài cú sốc dầu mỏ năm 1973, thời kỳ tái thiết và bắt kịp công nghệ theo Hoa Kỳ – “ba mươi năm vinh quang” – bước vào hồi kết. “Khủng hoảng” và “Tăng trưởng bằng 0” có thể cùng tồn tại trong các cuộc tranh luận, ngay cả khi những người cáo buộc “khủng hoảng” thường được những người theo chủ trương “tăng trưởng bằng 0” coi là người theo chủ trương tăng trưởng.

William Nordhaus (1941-)

Thế mà, William Nordhaus, nhà kinh tế học và người sau này được trao giải Nobel, đã nghiên cứu việc tích hợp động thái tích tụ CO2 trong khí quyển vào một mô hình kinh tế toàn cầu. Trong bài báo Pouvons-nous contrôler le dioxyde de cacbone [Liệu có thể kiểm soát được cacbon dioxide hay không?]” được công bố vào năm 1975, ông nhận xét rằng khi chủ đề ô nhiễm được tranh luận nhiều, nó vẫn được coi là một vấn đề cục bộ, trong khi hiệu ứng khí nhà kính do tích tụ CO2 trong khí quyển là một mối đe dọa toàn cầu. Từ quan điểm biến đổi khí hậu, các mô hình thuộc họ DICE do Nordhaus phát triển và được nhiều định chế dẫn lại, mang tính tiên tiến hơn và chặt chẽ hơn so với mô hình Meadows. Trên hết, các mô hình đó cho phép ước tính chi phí kinh tế về những thiệt hại do khí thải gây ra, làm cho chúng phù hợp hơn với các phân xử và quyết định công cộng so với mô hình trong báo cáo Meadows.[2]

Cần phải thừa nhận rằng việc ước tính mức giá ảo của cacbon, thứ giúp đánh giá được các ngoại ứng, nghĩa là chi phí thiệt hại trong tương lai do khí thải, là một công việc nặng nhọc hơn và ít ồn ào hơn so với việc kêu gọi dừng tăng trưởng.

TỪ TĂNG TRƯỞNG BẰNG 0 ĐẾN GIẢM TĂNG TRƯỞNG

Delphine Batho (1973-)

Từ mục tiêu tăng trưởng bằng 0, một phần của phong trào sinh thái đã chuyển sang ủng hộ sự giảm tăng trưởng kinh tế. Đây là trường hợp của Delphine Batho, ứng cử viên nữ cho các cuộc bầu cử sơ bộ của EELV, người có chương trình công bố sự giảm tăng trưởng kinh tế như là trụ cột hàng đầu, và là nguyên lý chính trị duy nhất cố kết với báo cáo mới nhất của IPCC. Ví dụ, bà Batho đã tóm tắt lập luận giảm tăng trưởng trong cuộc tranh luận do LCI tổ chức vào ngày 8 tháng 9 như sau:

“Tăng trưởng kinh tế của GDP đồng nghĩa với sự gia tăng mức tiêu thụ năng lượng, đồng nghĩa với sự gia tăng mức tiêu thụ nguyên liệu thô. Do đó, đây chính là cơ sở của việc phủ nhận các giới hạn của hành tinh”.

Thế nên, thật thú vị khi theo dõi lập luận của bà Batho, đặc biệt khi nó cũng được ông Jancovici nêu lên, người dựa trên các dữ liệu GDP và mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong 60 năm qua, để đưa ra nhận xét rằng “về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa GDP và năng lượng là gần như tỷ lệ thuận với nhau”. Ông suy luận rằng “việc kết hợp tăng trưởng với bảo tồn khí hậu có vẻ như là một cuộc đánh cược bất khả”.

SỰ LIÊN KẾT MẠNH GIỮA NĂNG LƯỢNG VÀ TĂNG TRƯỞNG TOÀN CẦU …

Jean-Marc Jancovici (1962-)

Jancovici đã đúng ở một điểm: mối quan hệ hiển nhiên giữa sản xuất và mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu là rất mạnh, và mang tính nhân quả rõ ràng: việc sản xuất ra hàng hóa hoặc dịch vụ đều tiêu thụ năng lượng. Mối quan hệ ở cấp độ toàn cầu tổng gộp đã được thiết lập khá tốt theo chiều kích thời gian, nhưng nó cũng có mặt trong sự so sánh giữa các nước vào một thời điểm nhất định: mức tiêu thụ trung bình năng lượng trên đầu người là một hàm tăng với GDP bình quân đầu người.

Tuy nhiên, giá trị trung bình lại ẩn chứa những chênh lệch và diễn biến chưa đủ sức để thu hút sự chú ý của những người chủ tương giảm tăng trưởng. Nếu mối tương quan giữa GDP và mc tiêu thụ năng lượng trên đầu người là đáng kể, khoảng 46%[3], thì sự chênh lệch giữa các nước vẫn có sức thuyết phục, chỉ được giải thích một phần bởi các nhân tố khí hậu. Với mức thu nhập tương đương, người Bắc Âu tiêu thụ ít năng lượng hơn người Mỹ. Trong nhóm có mức thu nhập thấp hơn tiếp theo, Anh, Pháp và Nhật Bản có mức tiêu thụ tằn tiện hơn so với Úc, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út hoặc Canada.

… NHƯNG ĐÃ BỊ ĐẢO NGƯỢC Ở HOA KỲ VÀ NHIỀU HƠN NỮA Ở CHÂU ÂU

Nhưng điều thú vị nhất là sự tiến hóa của mức tiêu thụ năng lượng trên đầu người ở Hoa Kỳ, nước thâm dụng năng lượng lớn nhất trong số các nước lớn. Mức tiêu thụ năng lượng đã giảm 15% trong 20 năm qua, trong khi GDP bình quân đầu người tăng 25%, những độ đo đã được tiến hành cho các năm 2000 đến năm 2019 để tránh các dữ liệu bị nhiễu của năm 2020. Đây là xu hướng ngược lại với xu hướng toàn cầu! Mối liên hệ giữa tiêu thụ năng lượng và GDP không phải là quy luật sắt được những người chủ trương giảm tăng trưởng viện dẫn. Sự đổi mới công nghệ, sự tăng giá các sản phẩm hydrocacbon, sự tiến hóa của các giá tương đối có lợi cho khí đốt so với các sản phẩm hydrocacbon khác, đã tạo ra một sự cải thiện ngoạn mục về hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế Mỹ.

Sự tiến hóa thậm chí còn nổi bật hơn ở châu Âu, có lẽ bởi vì ngoài những hệ quả của sự đổi mới, các mục tiêu chính trị về việc giảm phát thải CO2 đã được coi trọng hơn. Trong khi ở Hoa Kỳ, mức tiêu thụ năng lượng tuyệt đối, trên thực tế, không dao động nhiều trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019 (điều này rõ ràng hàm ý một mức giảm mạnh trên đầu người), thì mức tiêu thụ năng lượng tuyệt đối đã giảm 5,6% ở Liên minh châu Âu và đáng kể hơn ở Vương quốc Anh (-19%), Ý (-14%) hoặc Pháp (-12,5%). Mối quan hệ GDP-Năng lượng do đó đã được đảo ngược hoàn toàn ở châu Âu, thực hiện được trong vòng hai mươi năm qua điều mà bà Batho đề xuất như là mục tiêu cho tương lai.

MỨC TIÊU THỤ CÁC NGUYÊN LIỆU KIM LOẠI VÀ PHÂN BÓN RƠI TỰ DO Ở HOA KỲ

Andrew McAfee (1967-)

Khẳng định thứ hai của bà Batho, “Tăng trưởng GDP đồng nghĩa với tăng trưởng tiêu thụ nguyên liệu thô” cũng là điều mà thực tế đã phủ định, liên quan đến các nước tiên tiến nhất. Trong cuốn sách “More from Less [Nhiều hơn từ ít hơn]” xuất bản năm 2019, Andrew McAfee, giáo sư tại MIT, đã chỉ ra cho thấy, giống như đối với cường độ năng lượng, mức tiêu thụ sơ cấp thuần (có tính đến các trao đổi ngoại thương) về các nguyên liệu kim loại như nhôm, niken, đồng hoặc thép đã giảm ở Hoa Kỳ, kể từ đỉnh điểm năm 2000, trong khi sự tăng trưởng vẫn tiếp diễn. Đối với nguyên liệu đồng, thường được coi là một đối tượng đáng quan tâm, mức giảm là 40% từ năm 2000 đến năm 2015, còn với mức tiêu thụ nhôm thì đã giảm 32%.

McAfee quy sự đảo ngược này – trong thế kỷ 19 và 20, khẳng định của bà Batho là đúng – cho điều mà ông gọi là phi vật thể hóa, cho sự đổi mới công nghệ, cho dù đó là công nghệ thông tin và sự hợp lý hóa mà các công nghệ này mở ra, hoặc cho những tiến bộ trong khoa học vật liệu, vả lại cả hai công nghệ này đều có mối liên hệ với nhau. Bất ngờ lớn hơn là người ta cũng nhận thấy điều tương tự đối với nền nông nghiệp Mỹ: trong khi thu hoạch ngũ cốc đã tăng đáng kể kể từ năm 1999, thì lượng phân bón được sử dụng đã giảm 25% và lượng nước để tưới tiêu đã giảm 22%. Ở đây cũng vậy, đó là một sự đảo ngược so với các xu hướng trước đây, do sự phát triển công nghệ sinh học và sự hợp lý hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhờ công nghệ thông tin. Rất khó để có được những dữ liệu so sánh đối với châu Âu, do sự chênh lệch về các nguồn dữ liệu thống kê, nhưng có thể mạnh dạn đặt cược rằng sự đảo ngược tương tự đã diễn ra.

KHÍ THẢI CO2: SỰ PHÂN KỲ TO LỚN BỊ NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ TRƯƠNG GIẢM TĂNG TRƯỞNG BỎ QUA

Báo cáo lần thứ 6 của IPCC không còn gì nghi ngờ nữa: sự biến đổi khí hậu sẽ tiếp diễn, với sự gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng khí hậu cực đoan, và nếu lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu không được làm giảm xuống mức 0 vào năm 2050, thì hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ trở nên hỗn loạn hơn nữa. Dưới con mắt của những người chủ trương giảm tăng trưởng, sự kiên quyết của IPCC củng cố luận điểm của họ: do đã bước vào vùng đỏ, nên cách duy nhất để tránh thảm họa là đảo ngược quá trình từ cội nguồn của sự phát thải, tức là tăng trưởng kinh tế. Làm như vậy sẽ làm giảm bớt mức tiêu thụ năng lượng và, với hệ quả tất yếu là, giảm thiểu mức phát thải.

Tuy nhiên, như chúng ta vừa thấy, tăng trưởng và tiêu thụ năng lượng đã bắt đầu phân kỳ ở các nước tiên tiến nhất, cách đây khoảng hai mươi năm. Đối với dấu vết khí thải cacbon, sự phân kỳ còn lớn hơn. Dấu vết khí thải cacbon đã giảm 25% từ năm 2000 đến 2019 ở Vương quốc Anh, 23% ở Ý, 19% ở Pháp, 24% ở Đức và 10% ở Hoa Kỳ. Đối với toàn bộ các nước thuộc khối OECD, dấu vết khí thải cacbon đã giảm 8% trong khi GDP tăng 42%[4]Ở các nước công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải song hành với nhau trong hai mươi năm qua. Liên quan đến vấn đề này, xin lưu ý tầm quan trọng của việc quan sát sự tiến hóa của dấu vết khí thải cacbon, hơn là quan sát sự tiến hóa của lượng khí thải theo lãnh thổ: giai đoạn toàn cầu hóa sau khi Trung Quốc gia nhập WTO đã dẫn đến việc chuyển một phần ngành công nghiệp luyện kim và chế tạo sang Trung Quốc và các nước mới nổi khác, xuất khẩu lượng khí thải sang các nước nói trên, nếu muốn. Dấu vết khí thải cacbon, bổ sung hàm lượng cacbon nhập khẩu vào lượng khí thải theo lãnh thổ (nhưng trừ đi lượng khí thải xuất khẩu để tránh tính hai lần) điều chỉnh sự sai lệch này.

Nếu lượng khí thải toàn cầu đã tăng 45% so với cùng kỳ, một sự tiến hóa đáng báo động, thì đó là sự tăng vọt lên 131% ở các nước ngoài khối OECD, mức tăng lớn nhất trong số các nước phát thải lớn đến từ Trung Quốc (+210%), Ấn Độ (+169%), Indonesia (+183%), Ả Rập Xê-út (212%) hoặc Iran (127%), vẫn theo cách nhìn dấu vết khí thải cacbon. Tất nhiên, có mối liên hệ giữa tăng trưởng phát thải và tăng trưởng kinh tế, và vì mối liên hệ đó mạnh hơn ở các nước có thu nhập thấp hơn so với các nước giàu, nên sự phân đôi đã tìm thấy một phần lời giải thích ở đó.

Tóm lại. Mối quan hệ giữa một bên là tăng trưởng kinh tế, với một bên là tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu thô và phát thải CO2, đã bị đảo ngược trong hai mươi năm qua ở các nước công nghiệp hóa, ở Châu Âu nhiều hơn ở Hoa Kỳ. Mức tăng trưởng phát thải toàn cầu chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước sản xuất hydrocacbon. Và trong tương lai, Châu Phi sẽ trở thành một nguồn phát thải chính, như chúng ta đang thấy ở Đông Phi.

LIỆU SỰ GIẢM TĂNG TRƯỞNG CÓ LÀM GIẢM TÌNH TRẠNG PHÁT THẢI NHANH HƠN KHÔNG?

Những người chủ trương giảm tăng trưởng chỉ ra cho thấy, một cách đúng đắn, rằng mức giảm phát thải từ các nước công nghiệp hóa đã khởi đầu từ một mức rất cao, và diễn tiến quá chậm so với mục tiêu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng này bị đảo ngược, như họ mong muốn? Thử tưởng tượng một sụt giảm thu nhập bình quân đầu người có thể xảy ra mà không đẩy xã hội vào tình trạng hỗn loạn – một số người chủ trương giảm tăng trưởng ủng hộ việc liên kết với một sự tái phân phối lớn của cải. Xác suất đạt được điều này trong một nền dân chủ tự do có vẻ thấp, nhưng hãy thử xem xét giả thuyết này.

Có khả năng là mức phát thải sẽ giảm nhanh hơn lúc ban đầu, như đã thấy vào năm 2020, nơi sự yên bình xã hội được tài trợ tài chính bằng các khoản nợ. Tuy nhiên, khi các nguồn lực tài chính ngày càng cạn kiệt, thì cường độ công nghệ của nền kinh tế cũng sẽ giảm, và cùng với đó là nhân tố đằng sau quá trình phi vật thể hóa nền kinh tế và mức giảm phát thải. Những nguồn lực phân bổ cho sự đổi mới năng lượng sẽ cạn kiệt do thiếu doanh thu, đóng lại cánh cửa cho các năng lượng phi cacbon của tương lai – người ta đang nghĩ đến phản ứng tổng hợp hạt nhân – hoặc khai thác CO2 trong khí quyển. Rốt cuộc, không ai chắc mức phát thải sẽ giảm nhanh hơn là khi cứ tiếp tục tăng trưởng, cùng với việc tăng cường các chính sách phi cacbon hóa nền kinh tế thông qua đầu tư công và kích thích kinh tế, ví dụ như một mức giá cacbon cao và ngày càng tăng. Như thế chúng ta đã chọn giảm mức sống và có nhiều khả năng thực hiện một bước chuyển phi tự do, mà không có bất kỳ đảm bảo nào về kết quả được ch đợi – mức giảm phát thải nhanh hơn –.

Nhưng còn có điều tệ hơn. Chúng ta đã thấy rằng, ở các nước trong giai đoạn đuổi theo các nước công nghiệp hoá, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải là hiển nhiên. Tuy nhiên, như Nordhaus đã lưu ý cách đây 50 năm, mức phát thải CO2 tạo ra một ngoại ứng tiêu cực mang tính toàn cầu, chứ không phải mang tính địa phương. Nếu nước Pháp giảm mức phát thải xuống 0 vào ngày mai, thì khí hậu hầu như sẽ không có điều gì thay đổi cả. Do đó, việc trao cho các nước bắt kịp kinh tế cơ hội để đảo ngược mối quan hệ tăng trưởng/phát thải là điều rất quan trọng để giảm mức phát thải toàn cầu. Khi các nước giàu chọn một chiến lược hời hợt, người ta sẽ tước đi các phương tiện để chuyển giao cho các nước đang đuổi theo các nước công nghiệp hoá các công nghệ cacbon thấp hiện có, và đặc biệt trong tương lai, do thiếu nguồn lực tài chính.

GIẢM TĂNG TRƯỞNG, THỊ TRƯỜNG CỦA NHỮNG TÊN BỊP

Mark Carney (1965-)

Do đó, chiến lược giảm tăng trưởng, theo đúng nghĩa đen, có vẻ như là thị trường của những tên bịp. Để tránh thảm họa hiện sinh mà Mark Carney đã nói, chúng ta sẽ giảm mức sống với cái giá phải trả là các khuynh hướng chuyên chế, chúng ta sẽ phá vỡ động cơ đổi mới theo hướng các công nghệ phi cacbon, và chúng ta sẽ để các nước kém phát triển nhất không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng nguồn tài nguyên than dồi dào để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, như các nhà kinh tế và giới lãnh đạo Ấn Độ thường chỉ ra. Và chúng ta có khả năng sẽ không thành công trong việc làm giảm mức phát thải.

Eric Chaney

Về tác giả

Eric Chaney

Eric Chaney (ENSAE 1988) là Cố vấn Kinh tế của Viện Institut Montaigne, Chủ tịch công ty tư vấn EChO và Phó Chủ tịch Hội đồng của Viện Nghiên cứu Khoa học Cấp cao Bures-sur-Yvette. Là chuyên gia của INSEE, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà kinh tế tại Vụ Dự báo của Bộ Tài chính rồi tại INSEE, trước khi đảm nhiệm các chức vụ Nhà kinh tế trưởng Châu Âu của Morgan Stanley và Nhà kinh tế trưởng của nhóm Axa.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Une critique de la raison décroissantiste, Variances, ngày 14/01/2022.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Theo dữ liệu tháng 9 năm 2021 của CPB Hà Lan.

[2] Đồng tác giả với James Tobin (Giải Nobel năm 1981), Nordhaus đã viết một bài báo vào năm 1972, có tựa đề “Is Growth Obsolete? [Tăng trưởng có lỗi thời không?] (NBER 7620), đáng được những người chủ trương giảm tăng trưởng ngày nay phải quan tâm. Hai nhà kinh tế đã quan tâm đến việc phê phán sự tăng trưởng, đã đề xuất một “thước đo mức độ phúc lợi kinh tế” thay thế cho GDP, và đã tích hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào một hàm sản xuất. Họ lưu ý rằng sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường (đã được hình thức hóa trong báo cáo Meadows) quy lại là cho rằng không có khả năng thay thế các nguyên liệu thô nói trên. Ngược lại, ước tính của họ đã chỉ ra rằng khả năng thay thế giữa một bên là tài nguyên và một bên là tư bản và lao động, là cao.

[3] Hệ số tương quan giữa GDP/đầu người và mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp/đầu người cho một cơ số mẫu 70 nước có chung cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và Niên giám thống kê BP 2020. Các phép tính được thực hiện trong giai đoạn 2014-2019.

[4] Dữ liệu từ Global Cacbon Project [Dự án Cácbon Toàn cầu], được đăng trong The Global Cacbon Budget 2021 [Ngân sách Cácbon Toàn cầu 2021]”, hồ sơ National Emissions [Mức Phát thải Quốc gia] năm 2021, tháng 9 năm 2021.

Print Friendly and PDF